31/03/2020

Ga 15,9-13. Dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su, các môn đệ



Bài viết tiếng Pháp:

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 31 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
    1. Bản văn và cấu trúc Ga 15,9-13
    2. Hy sinh mạng sống mình vì tình yêu (15,13)
    3. Yêu như (kathôs) Đức Giê-su đã yêu (15,12)
    4. Dòng chảy tình yêu và trung gian tình yêu
Kết luận




Dẫn nhập

Tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giê-su, giữa Đức Giê-su và các môn đệ, và giữa các môn đệ với nhau là đề tài lớn trong Tin Mừng Gio-an. (Xem bài viết: Đề tài tình yêu và tình bạn). Tình yêu này được diễn tả như thế nào? Các môn đệ đón nhận tình yêu và đáp trả tình yêu ra sao? Đoạn Tin Mừng Ga 15,9-13, trình bày “dòng chảy tình yêu” giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ giúp trả lời những câu hỏi trên. Phần sau phân tích đề tài qua bốn mục: (1) bản văn và cấu trúc Ga 15,9-13; (2) hy sinh mạng sống mình vì tình yêu (15,13); (3) yêu như Đức Giê-su đã yêu (15,12); (4) dòng chảy tình yêu và trung gian tình yêu.

    1. Bản văn và cấu trúc Ga 15,9-13

Bản văn 15,9-13 và cấu trúc chi tiết được trình bày qua bốn điểm: (1) bản văn Ga 15,9-13; (2) cấu trúc 15,9-13; (3) cấu trúc Ga 15,9.10; (4) cấu trúc 15,12-13.

(1) Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,9-13: “9 Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như chính Thầy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được trọn vẹn. 12 Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em. 13 Không ai có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình.(Xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ).

(2) Ga 15,9-13 cấu trúc thành hai tiểu đoạn: (a) 15,9-11 trình bày tương quan tình yêu và cách đáp trả tình yêu. Câu kết (15,11) nói về niềm vui của Đức Giê-su nơi các môn đệ. (b) 15,12-13 nói về điều răn yêu thương. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ. Phần cấu trúc chi tiết dưới đây giúp hiểu đề tài tình yêu.

(3) Cấu trúc Ga 15,9.10 cho thấy “hướng đi” của tình yêu. Ga 15,9 trình bày tình yêu từ trên xuống: từ Chúa Cha đến Đức Giê-su và từ Đức Giê-su đến các môn đệ. Ga 15,10 trình bày tình yêu từ dưới lên: từ các môn đệ đến Đức Giê-su, sau đó từ Đức Giê-su đến Chúa Cha. Trước hết là cấu trúc 15,9 nói về tình yêu từ trên xuống:


Cấu trúc làm rõ tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha (15,9a) và bằng tình yêu ấy, Đức Giê-su yêu mến các môn đệ (15,9b). Cách thức các môn đệ đáp trả tình yêu là ở lại trong tình yêu Đức Giê-su dành cho họ (15,9c). Như thế, tình yêu được diễn tả theo chiều đi xuống: Trước hết là “tình yêu của Chúa Cha” kế đến là “tình yêu của Đức Giê-su” và cuối cùng là “tình yêu của các môn đệ.” Hướng đi của tình yêu là Chúa Cha – Đức Giê-su – các môn đệ. Tiếp đến câu 15,10, trình bày tình yêu theo hướng ngược lại với những yếu tố mới, và cấu trúc song song A, B, A’, B’:


Trong cấu trúc trên, tình yêu được trình bày theo hướng từ dưới lên: từ tình yêu các môn đệ dành cho Đức Giê-su, đến tình yêu Đức Giê-su dành cho Cha của Người. Cách đáp trả tình yêu của các môn đệ và của Đức Giê-su giống nhau. Đó là “giữ các điều răn” và “ở lại trong tình yêu”. Không phải chỉ có các môn đệ “giữ các điều răn” của Đức Giê-su và “ở lại trong tình yêu” của Người mà chính Đức Giê-su cũng đã “giữ các điều răn” của Chúa Cha và “ở lại trong tình yêu” của Người.

Tóm lại, cấu trúc Ga 15,9.10 cho thấy chỉ có một tình yêu duy nhất nối kết Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ lại với nhau. Điều này làm thành dòng chảy tình yêu giữa các nhân vật trên. Tình yêu đó bắt nguồn từ Chúa Cha đến với các môn đệ qua trung gian tình yêu của Đức Giê-su. Các môn đệ đáp trả tình yêu Chúa Cha dành cho họ cũng qua trung gian tình yêu của Đức Giê-su. Như thế Đức Giê-su giữ vai trò trung gian giữa Chúa Cha và các môn đệ theo cả hai hướng: tình yêu theo hướng đi xuống và theo hướng đi lên. Dòng chảy tình yêu này chỉ thực sự trọn vẹn với tình yêu giữa các môn đệ với nhau trong điều răn yêu thương ở 15,12-13.

(4) Sau khi mặc khải tình yêu theo chiều dọc (đi xuống và đi lên), tiểu đoạn thứ hai (15,12-13) nói về tình yêu theo chiều ngang: tình yêu giữa các môn đệ. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ yêu mến nhau như Người đã yêu mến họ. Cấu trúc Ga 15,12-13 gồm hai ý: [1] điều răn của Đức Giê-su (15,12) và [2] tình yêu của Đức Giê-su (15,13).


Cấu trúc trên làm rõ hai điều: “Điều răn của Đức Giê-su” chứ không phải của ai khác (15,12), và cách Đức Giê-su yêu thương là “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (15,13). Ở đây các môn đệ được gọi là “bạn hữu”, đề tài này được triển khai ở 15,14-15.

    2. Hy sinh mạng sống mình vì tình yêu (15,13)

Theo thần học Tin Mừng, “hy sinh mạng sống mình” (15,13c) là cách Đức Giê-su bày tỏ “tình yêu cao cả” (15,13b) dành cho những kẻ thuộc về Người và đó là tình yêu “không ai có” (15,13a). Trong thực tế, có tình yêu hy sinh mạng sống mình vì người khác, chẳng hạn cha mẹ hy sinh mạng sống vì con, vợ chồng hy sinh mạng sống cho nhau, bạn hữu hay những người làm nhiệm vụ cứu người, có trường hợp họ đã hy sinh mạng sống vì người khác. Đó là tình yêu lớn lao và hy sinh cao đẹp. Tuy nhiên, theo thần học Tin Mừng, tình yêu cao cả giữa con người với nhau và tình yêu cao cả của Đức Giê-su dành cho các môn đệ không ở trên cùng một bình diện. Bởi vì cương vị và nguồn gốc của Đức Giê-su là duy nhất. Người hy sinh mạng sống mình và có khả năng lấy lại mạng sống ấy như Người nói với những người Pha-ri-sêu ở 10,17-18: “17 Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó. 18 Không ai lấy nó khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự mình hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi.” Không ai ở trần gian có thể khẳng định như Đức Giê-su: “Tôi xuống từ trời” (6,38a); “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (6,54); “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (10,30); “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (14,9b) v.v… Căn tính và nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su là duy nhất, nên tình yêu hy sinh mạng sống của Người cũng duy nhất, nên “không ai có tình yêu cao cả hơn” tình yêu của Đức Giê-su (15,13).

Đặc điểm thần học trong Tin Mừng là Đức Giê-su chết vì yêu mến những kẻ thuộc về mình cho đến cùng như người thuật chuyện cho biết ở 13,1: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến họ đến cùng (eis telos êgapêsen autous).” Yêu đến cùng ở đây hiểu theo hai nghĩa: đến cùng về thời gian, đó là tình yêu chung thủy, bền bỉ, yêu cho đến chết; đến cùng về mức độ, đó là tình yêu cao cả không ai có.

    3. Yêu như (kathôs) Đức Giê-su đã yêu (15,12)

Đức Giê-su ban điều răn yêu mến cho các môn đệ hai lần trong Tin Mừng (13,34; 15,12) với những yếu tố bổ túc cho nhau. Người nói với các môn đệ ở 13,34: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến anh em anh em hãy yêu mến nhau”; và ở 15,12: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.” Khi so sánh hai lần Đức Giê-su ban điều răn yêu thương trong Tin Mừng Gio-an với điều răn yêu thương ở Lv 19,18b: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”, có thể ghi nhận bốn điều:

(1) Trong Tin Mừng, Đức Giê-su ban điều răn yêu thương cho các môn đệ (Ga 13,34; 15,12) nên đây là điều răn của Người chứ không phải của Đức Chúa như trong Lv 19,18b.

(2) Trong Tin Mừng, điều răn nói về “yêu thương lẫn nhau” giữa các môn đệ Đức Giê-su (Ga 13,34), trong khi ở Lv 19,18b là “yêu thương người thân cận” là người thuộc về dân Ít-ra-en.

(3) Trong Tin Mừng là yêu thương nhau “như” (kathôs) Đức Giê-su đã yêu thương (Ga 13,34; 15,12), còn trong Lv 19,18b là yêu thương người thân cận như chính mình (Lv 19,18b). Ở Ga 13,34; 15,12, từ “như”, tiếng Hy-lạp “kathôs”, không chỉ là so sánh bình thường mà có ý nghĩa thần học quan trọng: tình yêu của Đức Giê-su là nguồn gốc và là nền tảng của tình yêu giữa các môn đệ với nhau. Nói cách khác, “yêu thương nhau” sẽ không còn là tình yêu của “điều răn mới” nếu như không bắt nguồn từ tình yêu của Đức Giê-su.

(4) “Yêu thương ĐỨC CHÚA” (Đnl 6,5) là điều răn đứng đầu trong Cựu Ước. Còn trong Tin Mừng, các môn đệ được mời gọi “yêu mến Đức Giê-su” và “giữ các điều răn của Người” (Ga 14,15-23). Đức Giê-su gọi điều răn yêu thương trong Tin Mừng Gio-an là “điều răn mới” (Ga 13,34a). Từ nay Đức Giê-su là Đấng trung gian duy nhất về tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.  Các môn đệ được Chúa Cha yêu mến bởi vì họ yêu mến Đức Giê-su (Ga 14,21a.23a; 16,27b). (Xem bài viết: “Ba “điều răn yêu thương” trong Kinh Thánh).

    4. Dòng chảy tình yêu và trung gian tình yêu

Vai trò trung gian của Đức Giê-su được nhấn mạnh trong dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ (Ga 15,9-13). Sơ đồ sau minh hoạ đề tài “dòng chảy tình yêu”:


Dòng chảy tình yêu ở Ga 15,9-13 làm thành vòng tròn TÌNH YÊU. Trong đó, ba tương quan tình yêu theo cả hai chiều: (1) Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su và Đức Giê-su yêu mến Chúa Cha; (2) Đức Giê-su yêu mến các môn đệ và các môn đệ yêu mến Đức Giê-su; (3) các môn đệ yêu mến nhau như Đức Giê-su đã yêu thương họ.

Về tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và các môn đệ trong sơ đồ trên, chỉ có một mũi tên mô tả tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ, không có chiều ngược lại, bởi vì không có chỗ nào trong Tin Mừng cho biết các môn đệ yêu mến Chúa Cha. Chi tiết này quan trọng trong thần học Tin Mừng về tương quan tình yêu. Thật vậy, với sự hiện diện của Đức Giê-su, các môn đệ chỉ có thể bước vào tương quan tình yêu với Chúa Cha bằng con đường duy nhất: yêu mến Đức Giê-su, như Người nói với các môn đệ ở 16,27a: “Chính Cha thương mến anh em, vì anh em đã thương mến Thầy.” Khi yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người thì các môn đệ được Chúa Cha yêu mến. Đức Giê-su nói với họ hai lần về điều này ở 14,21b: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến”; và ở 14,23b: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.”

Theo sơ đồ trên, tình yêu các môn đệ dành cho nhau thuộc về dòng chảy tình yêu, nghĩa là tình yêu giữa các môn đệ không thể tồn tại nếu không có tình yêu của Đức Giê-su dành cho họ (15,10). Trong viễn cảnh này, sống “điều răn yêu thương” (13,34; 15,12) là điều thiết yếu cho đời sống người tin ở trong cộng đoàn cũng như đối với bên ngoài cộng đoàn: (1) về tương quan bên trong cộng đoàn, sống điều răn yêu thương cho phép các môn đệ bước vào tương quan tình yêu với Đức Giê-su, với Chúa Cha và với nhau (15,9-13); (2) về tương quan với bên ngoài cộng đoàn, sống điều răn yêu thương là dấu chỉ để mọi người nhận ra họ là môn đệ Đức Giê-su (13,35). Sống “điều răn mới” giúp các môn đệ giữ vững niềm tin trong thử thách đến từ bên trong và bên ngoài cộng đoàn.

Vậy TÌNH YÊU được biểu thị bằng vòng tròn, nhưng không phải là tình yêu khép kín. Dòng chảy tình yêu vừa là lời chứng trước tất cả mọi người về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, vừa là lời mời gọi mọi người tin vào Đức Giê-su để bước vào dòng chảy tình yêu mang lại sự sống đích thực.

Kết luận

Dòng chảy tình yêu là một trong những đề tài độc đáo riêng của thần học Tin Mừng Gio-an. Đức Giê-su bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian như Người mặc khải ở 3,16: “Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời.” Đức Giê-su đã trung tín đến cùng trong tình yêu dành cho những ai thuộc về Người như người thuật chuyện cho biết ở 13,1: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến họ đến cùng.” Người đã “hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (15,13b). Đó là tình yêu duy nhất, chưa hề có, là tình yêu đến cùng, đến chết trên thập giá.

Đề tài “dòng chảy tình yêu” mời gọi độc giả tin vào Đức Giê-su, để bước vào tương quan tình yêu thần linh, đắm mình trong dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và các môn đệ. Đó là tình yêu làm nẩy sinh sự sống đời đời ngay bây giờ và mang lại sức sống và ý nghĩa cho cuộc đời trần thế. Ước mong “dòng chảy tình yêu” này không ngừng tuôn chảy trong lòng độc giả./.


8 nhận xét:

  1. Trinh Đỗ Kute08:20 6/5/12

    Con cũng muốn hy sinh cho người mình yêu lắm (chết hoặc bị thương) nhưng mà hông có cơ hội, hehe...
    Nhưng mà tại sao phải chết vì người mình yêu mới gọi là tình yêu tuyệt mĩ vậy cha? Con thấy nếu mình chết vì 1 người nào đó, thì sẽ có rất nhiều người khác cũng yêu thương mình đau khổ, vậy có phải là hơi khắc nghiệt quá không?
    Con thấy cứ sống hết cả hai cho vui...
    Nhưng nếu phải hy sinh tính mạng thì người mình yêu thì con vẫn sẽ làm, nếu đó là cách duy nhất để chứng tỏ mình yêu họ, còn nếu mà có cách khác nữa thì con không chết đâu, hihi...
    Have a good day nha cha!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không ai lại đi tìm cái chết để bày tỏ tình yêu cả. Tình yêu tự nó đem lại sự sống, tình yêu làm cho đời sống con người có ý nghĩa và hạnh phúc. Vì thế, phải tìm mọi cách để "sống hết cả hai cho vui..."

      Đức Giê-su cũng không tự mình tìm đến cái chết để bày tỏ tình yêu, nhưng vì chính những kẻ chống đối Đức Giê-su đã tìm cách giết Người. Tuy vậy quyền năng của Đức Giê-su còn mạnh hơn cả sự chết, bởi vì chính Người là "sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25). Đức Giê-su đã sống lại và Người ban sự sống đích thực cho những ai tin vào Người.

      Khi hoàn cảnh đòi buộc, thật can đảm và cao đẹp khi dám nói: "Nếu phải hy sinh tính mạng vì người mình yêu thì con vẫn sẽ làm", nhưng nếu thực hiện điều này trong niềm tin và hiệp thông với Đức Giê-su, thì đó là sự hy sinh cao cả mang lại niềm vui và sự sống đích thực cho mình và cho người khác, như thế là trung tín với tình yêu cho đến cùng./.

      Xóa
  2. Cha giáo quý mến,
    Con cám ơn cha rất nhiều vì cha luôn tìm cách dẫn độc giả vào những đồng cỏ xanh mượt mà với những giòng suối mát ngọt ngào đầy hương vi của Lời Chúa - đặc biệt trong Tin Mừng Gioan.
    Cha đã có "tựa đề" cho bài này thật hấp dẫn, diễn tả cách trọn vẹn và dễ cảm nhận hơn về màu nhiệm hiệp thông nội tại của "Cha-Con" và các môn đệ - những người "giữ các giới răn" và "ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu".

    Con chỉ thắc mắc ở số 3: Khi minh chứng: "Theo thần học Tin Mừng Gio-an, biến cố HY SINH MẠNG SỐNG của Đức Giê-su là cách thức bày tỏ TÌNH YÊU CAO CẢ và CHƯA AI CÓ"- và Cha đã trưng dẫn: Điều không ai trong nhân loại có thể làm được, đó là Đức Giê-su có quyền lấy lại mạng sống đó như Người đã khẳng định: “17Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: ‘Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó."
    Thưa cha: Theo con nghĩ điều minh chứng "TÌNH YÊU CAO CẢ và CHƯA AI CÓ" đó chính là vì căn tính nguồn gốc của Đức Giêsu, như cha viết ở phần kế tiếp. Còn câu: “17Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: ‘Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó" - phải hiểu thế nào đúng? Sự lấy lại này có phải là sự tôn vinh mà Đức Giêsu nhân được từ Cha khi Người được giương cao trên thập giá - và khi Người phục sinh?
    Con cám ơn cha nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn quý độc giả đã có lời động viên. Xin gợi ý đôi điều về câu: “Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó” (Ga 10,17).

      Chúa Cha bày tỏ tình yêu dành cho Đức Giê-su bằng cách trao ban cho Người quyền “hy sinh mạng sống và lấy lại mạng sống”. Những kẻ chống đối đã giết Đức Giê-su, nhưng trên bình diện thần học, Đức Giê-su tự nguyện đón nhận cái chết và Người sẽ chiến thắng sự chết qua biến cố Phục Sinh. Đức Giê-su cũng đã báo trước sự Phục Sinh của Người trong trình thuật gọi La-da-rô ra khỏi mồ (Ga 11). Như thế, kiểu nói “hy sinh mạng sống” nhắm đến biến cố “chết trên thập giá”, và “lấy lại mạng sống” nhắm đến biến cố “Phục Sinh”.

      Riêng khẳng định thần học: “Giờ chết trên thập giá” là “giờ tôn vinh”, “giờ Đức Giê-su được giương cao” cũng là một nét thần học độc đáo riêng của Tin Mừng Gio-an. Đức Giê-su khẳng định ở 12,23: “Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh.” Đây là Giờ Thương Khó. Đức Giê-su nói tiếp về cái chết của Người ở 12,32 như sau: “Phần Tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” Ý nghĩa thần học trong những câu này rất mạnh mẽ, vì theo Tin Mừng Gio-an: Giờ Đức Giê-su chết trên thập giá là giờ Người được tôn vinh, giờ Người kéo mọi người lên với Người./.

      Xóa
  3. Nặc danh00:19 14/5/14

    Cam on Cha da dua chung con vao cuoc song noi tai than linh noi Thien Chua . Tinh yeu duoc dien ta nhu mot dong chay noi Thien Chua da tro nen mot ngoi vi, neu con khong lam. Vong tron, bieu tuong cua dong chay tinh yeu, do la mot tinh yeu khong han dinh , khong bien gioi. tinh yeu chap nhan khac biet, tinh yeu lam ton tai nguoi minh yeu, tinh yeu vo vi loi, tinh yeu trao ban tha thu va chinh cuoc song tu hien cua minh. Mot tinh khong co chiem huu nhung luon trao ban. Tinh yeu tu hien , do la mot doi hoi rat lon doi voi nguoi pham vi no mang tinh than linh , hien huu va vinh cuu phai khong Cha ? Dung truoc su mong manh cua con nguoi , con chi nghi rang minh khong the dat duoc muc do yeu thuong do. Tinh yeu giong Thien Chua thi chi co Thien Chua moi co the dat den. Nhu Cha dien ta , tinh yeu tha nhan la tinh yeu duoc ket hiep voi Chua Kito. Da ta on Cha da giup nguoi doc lan chim trong tinh yeu nay .
    S.J.M

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả đã chia sẻ, theo thần học Tin Mừng Gio-an, bước vào tương quan tình yêu với Đức Giê-su vừa dễ vừa khó, vừa đơn giản vừa sâu xa.

      Dễ và đơn giản vì ai cũng có thể trở thành môn đệ Đức Giê-su, ai cũng có thể làm được, sống được, cảm nghiệm được. Tin vào Đức Giê-su là trở thành môn đệ của Người, là bước vào tương quan tình yêu với Người. Có thể định nghĩa người tin là người yêu mến Đức Giê-su, sống và thực hành giáo huấn của Người. Điều này vừa là ơn ban, vừa là lựa chọn từ phía con người, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận và đi xa hơn trong tương quan tình yêu với Đức Giê-su.

      Khó và sâu xa vì không ai dám nói mình đã sống trọn vẹn tình yêu cao cả Đức Giê-su dành cho mình. Như đã trình bày trong các bài viết về đề tài tình yêu, người môn đệ cần cố gắng và học hỏi suốt cả đời giáo huấn của Đức Giê-su để ngày càng kết hiệp mật thiết và sâu xa hơn trong tình yêu của Người./.

      Xóa
    2. Thưa cha, con tên Giuse Nguyễn Như Thắng, msc, là học trò cũ của cha ở học Viên Đa Minh. Con rất thường xuyên vào trang blog này để học tập và nghiên cứu. Con đã học được rất nhiều điều bổ ích từ các bài nghiên cứu của cha.
      Khi con xem hình mô tả Dòng Chảy Tình Yêu ở trên, con cảm thấy có gì đó chưa ổn ở đây: tình yêu của Chúa Cha và của Chúa Giêsu không đến được một trong hai người môn đệ một cách trực tiếp. Để khắc phục điều này, con xin gợi ý như sau:
      - lưu đồ là hình Tam giác đều. đỉnh trên là Chúa Giêsu, 2 đỉnh dưới là hai loại môn đệ.
      - Chúa Cha sẽ nằm ở trọng tâm của hình tam giác đều này.
      - lưu đồ dòng chảy tình yêu sẽ như sau: Giữa Chúa Giêsu và các môn đệ là 2 chiều; giữa các môn đệ với nhau là hai chiều; còn giữa Chúa Cha và các môn đệ là 1 chiều xuất phát từ Chúa Cha.
      Con nghĩ rằng nên là thế.
      Đây chỉ là suy tư trực giác của con. Xin cha chỉ dạy.
      Cám ơn cha,
      Chúc cha luôn an vui.
      Con Thắng.

      Xóa
    3. Trong cuốn sách “Tình yêu và tình bạn trong Gio-an 15,9-17”, tôi có dùng hai sơ đồ hình tam giác và hình tròn để diễn tả tương quan tình yêu trong Tin Mừng Gio-an.

      Nếu để Chúa Cha ở trọng tâm hình tam giác thì làm sao dùng các mũi tên để diễn tả tương quan hai chiều tình yêu giữa Đức Giê-su và Chúa Cha và vai trò trung gian của Đức Giê-su trong tình yêu giữa các môn đệ và Chúa Cha ?

      Tuy nhiên có thể dùng bất cứ sơ đồ nào thích hợp để diễn tả đề tài Tình Yêu theo thần học Gio-an, điều quan trọng là diễn tả được điều bản văn Tin Mừng muốn nói.

      Xóa