20/03/2020

Ga 16,4b-11. Đấng Pa-rác-lê và thế gian



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 20 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Bản văn, bối cảnh và cấu trúc Ga 16,4b-11
    1. Bản văn
    2. Bối cảnh
    3. Cấu trúc
II. Chứng minh thế gian sai lầm (16,8-11)
    1. Về tội (16,9)
    2. Về sự công chính (16,10)
    3. Về sự xét xử (16,11)
Kết luận



Dẫn nhập

Đoạn văn Ga 16,4b-11 nói về sự ra đi của Đức Giê-su và việc Đấng Pa-rác-lê đến. Như đã trình bày trong bài viết “Đấng Pa-rác-lê là ai?”, “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” là đề tài độc đáo riêng của Tin Mừng Gio-an. Đức Giê-su mặc khải về Ðấng Pa-rác-lê trong năm đoạn văn ở ch. 14–16: (1) 14,15-17; (2) 14,25-26; (3) 15,26-27; (4) 16,7-11; (5) 16,12-15. Trong đoạn văn thứ tư, Đức Giê-su mặc khải hai điều: (1) sự cần thiết Người phải ra đi để Ðấng Pa-rác-lê đến với các môn đệ; (2) vai trò của Đấng Pa-rác-lê trong tương quan với thế gian: chứng minh thế gian sai lầm. Bài viết tìm hiểu vài trò của Ðấng Pa-rác-lê trong đoạn văn 16,7-11 qua hai mục: (I) bản văn, bối cảnh và cấu trúc Ga 16,4b-11; (II) chứng minh thế gian sai lầm.

I. Bản văn, bối cảnh và cấu trúc Ga 16,4b-11

Trước khi tìm hiểu hoạt động của Ðấng Pa-rác-lê cần (1) đọc bản văn, (2) tìm hiểu bối cảnh và (3) cấu trúc đoạn văn 16,4b-11.

    1. Bản văn

Trong diễn từ từ biệt thứ hai (Ga 15–16), Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 16,4b-11: “16,4b Những điều này, Thầy đã không nói với anh em từ đầu, vì Thầy còn ở lại với anh em. 5 Nhưng bây giờ Thầy đi về với Đấng đã sai Thầy, mà không ai trong anh em hỏi Thầy: ‘Thầy đi đâu?’ 6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nỗi ưu phiền tràn ngập lòng anh em. 7 Chính Thầy nói sự thật với anh em: Sẽ có lợi cho anh em nếu Thầy ra đi. Nếu Thầy không ra đi, Đấng Pa-rác-lê sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8 Khi Đấng ấy đến, Người sẽ chứng minh thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử. 9 Về tội: Họ không tin vào Thầy. 10 Về sự công chính: Thầy đi về với Cha, và anh em không còn thấy Thầy. 11 Về sự xét xử: Thủ lãnh của thế gian này đã bị xét xử.” (Xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt).

    2. Bối cảnh

Đầu đoạn văn 16,4b-11, có sự phân cách giữa 16,4a và 16,4b qua từ “những điều này” (tauta). Đức Giê-su nói ở 16,4a: “Những điều này, Thầy nói với anh em”, lời này chỉ về những gì Đức Giê-su đã nói trước đó (15,18–16,3). Trong khi từ “những điều này” (tauta) ở 16,4b nói về những điều Đức Giê-su chưa nói: “Những điều này (tauta), Thầy đã không nói với anh em từ đầu, vì Thầy còn ở lại với anh em” (16,4a). Bây giờ Người đi về với Cha (16,5), nên Người nói với các môn đệ.

Đoạn văn kế tiếp (16,12-15) là đoạn văn thứ năm về Đấng Pa-rác-lê, có đề tài khác với đoạn văn thứ tư (16,7-11). Thật vậy, đoạn văn 16,7-11 nói về hoạt động của Đấng Pa-rác-lê trong tương quan với thế gian, còn 16,12-15 cho biết hoạt động của Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ. Như thế, hai đoạn văn liên quan đến hai đối tượng khác nhau: Đấng Pa-rác-lê và thế gian ở 16,7-11; Đấng Pa-rác-lê và các môn đệ ở 16,12-15.

Quan sát trên cho thấy 16,4b-11 là đoạn văn tương đối độc lập. Đồng thời, đoạn văn này cũng soi sáng cho đoạn văn trước nó. Đức Giê-su cho các môn đệ biết họ sẽ bị thế gian bách hại và giết chết ở đoạn văn Ga 15,18–16,4a. Vì thế, trong đoạn văn tiếp theo 16,4b-11, Đấng Pa-rác-lê sẽ cho các môn đệ biết sự thật về thế gian qua việc chứng minh thế gian sai lầm về ba phương diện: về tội, về sự công chính và về sự xét xử (16,8-11). Vậy hoạt động của Đấng Pa-rác-lê ở 16,8-11 liên hệ chặt chẽ với đoạn văn trước đó (15,18–16,4a).

Sự ra đi của Đức Giê-su (16,4b-5) làm nỗi buồn lấp đầy lòng các môn đệ (16,6), nhưng sự ra đi này lại là điều kiện cần thiết để Đấng Pa-rác-lê đến với họ. Nỗi buồn của các môn đệ có thể áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể trong bản văn, vào hoàn cảnh cộng đoàn Gio-an cuối thế kỷ I, cũng như áp dụng cho độc giả qua mọi thời. Trong bản văn, các môn đệ đang buồn rầu, xao xuyến và sợ hãi bởi vì Đức Giê-su sắp bước vào cuộc Thương Khó và vì họ đang bị thế gian thù ghét và bách hại. Đối với cộng đoàn Gio-an và độc giả thì trong hoàn cảnh khó khăn thử thách, độc giả cảm thấy như thể Đức Giê-su vắng mặt, như thể bị bỏ rơi, trong khi thế gian và thế lực đen tối lại thắng thế. Trong tình huống này, vai trò của Đấng Pa-rác-lê mang tính quyết định. Bởi vì Đấng Pa-rác-lê giúp người tin biết sự thật về thế gian và hiểu ý nghĩa biến cố Thương Khó.

Cần đặt công việc của Đấng Pa-rác-lê ở 16,8-11 vào bối cảnh vụ kiện trong Tin Mừng. Đó là vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối Người, giữa các môn đệ và “thế gian thù ghét”. Khuôn mặt của “thế gian” ở 16,8 được mô tả trong Ga 14–17 qua sáu đặc điểm: (1) thù ghét (15,18.19.23.25), nên gọi là “thế gian thù ghét”; (2) bách hại Đức Giê-su và các môn đệ (15,20; 16,2); (3) có tội (15,22,24; 16,9); (4) thuộc về thủ lãnh thế gian (14,30; 16,11); (5) không biết Đức Giê-su và Chúa Cha (15,21; 16,3); (6) thế gian này được mời gọi nhận biết và tin vào Đức Giê-su (17,21.23). Xem định nghĩa “thế gian thù ghét” và các nghĩa từ “thế gian” (kosmos) trong bài viết “Thế gian là gì? Thế gian là ai?” và sách YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần I, tr. 124-130, tr. 144-150.

    3. Cấu trúc

Trong hai đoạn văn về Ðấng Pa-rác-lê (16,4b-11 và 16,12-15, tên gọi “Đấng Pa-rác-lê” chỉ xuất hiện 1 lần ở 16,7, sau đó bản văn dùng đại từ giống đực, số ít “Đấng ấy (ekeinos)” (16,8.13.14) để chỉ về Ðấng Pa-rác-lê (ho paraklêtos, giống đực, số ít). Đoạn văn 16,4b-11 cấu trúc thành hai tiểu đoạn 16,4b-7 và 16,8-11 như sau:


Đoạn văn 16,4b-11 gồm hai tiểu đoạn. Tiểu đoạn thứ nhất (16,4b-7) nói về điều kiện để Đức Giê-su sai Đấng Pa-rác-lê đến. Biến cố Đức Giê-su ra đi, nghĩa là Người sắp bước vào cuộc Thương Khó, đã làm cho các môn đệ tràn ngập nỗi buồn (16,6). Nhưng sự ra đi này là cần thiết và có lợi cho các môn đệ. Sau khi về với Cha, Đức Giê-su sẽ sai Đấng Pa-rác-lê đến với các môn đệ (16,7). Tiểu đoạn thứ hai (16,8-11) nói đến vai trò của Đấng Pa-rác-lê: Chứng minh thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử.

Trong ba yếu tố: A. “tội” (16,9), B. “sự công chính” (16,10), A’. “sự xét xử” (16,11), hai yếu tố tiêu cực A và A’ song song với nhau. Yếu tố A (16,9) liên quan đến tội của thế gian; yếu tố A’ (16,11) nói về việc thủ lãnh thế gian đã bị xét xử. Yếu tố tích cực ở trọng tâm (B) nói về sự công chính của Đức Giê-su. Yếu tố B cho biết những kẻ chiến thắng trong vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối là chính Đức Giê-su và các môn đệ. Ngược lại các yếu tố A và A’ khẳng định sự thất bại của thế gian và thủ lãnh thế gian. Bối cảnh đoạn văn dài 15,18–16,11 cho phép hiểu “thế gian” thù ghét, chống đối và từ chối tin vào Đức Giê-su có liên quan đến cả ba vấn đề: “về tội”, “về sự công chính” và “về sự xét xử”.

II. Chứng minh thế gian sai lầm (16,8-11)

Động từ Hy-lạp “elegkhô” tạm dịch “chứng minh sai lầm”. Động từ này rất khó giải thích trong mạch văn. Xem sự phức tạp về văn bản trong câu 16,8, cùng với những cách hiểu khác nhau về động từ elegkhôtrong tập sách ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật, tr. 216-270. Các nhà chú giải hiểu câu “chứng minh thế gian sai lầm” (elegxei ton kosmon)” (16,8a) theo hai hướng: (1) Đấng Pa-rác-lê “chứng minh sai lầm” trực tiếp với thế gian. (2) Đấng Pa-rác-lê không “chứng minh sai lầm” trực tiếp với thế gian, mà soi sáng cho các môn đệ biết sự thật về thế gian. Cùng với nhiều tác giả, chúng tôi chọn cách hiểu thứ hai: Đấng Pa-rác-lê mặc khải riêng cho các môn đệ, bởi vì thế gian không thấy và không biết Đấng Pa-rác-lê (14,17) nên Đấng này không nói trực tiếp với thế gian.

Ngoài một số khó khăn và bất hợp lý về văn bản, nhìn chung tiểu đoạn 16,8-11 được xây dựng chặt chẽ. Câu 16,8 thông báo ba lãnh vực Đấng Pa-rác-lê sẽ chứng minh thế gian sai lầm, sau đó giải thích từng điểm một (16,9-11). Ba đề tài ở 16,9-11: “tội”, “công chính” và “xét xử” cấu trúc đồng tâm (xem bảng cấu trúc Ga 4b-11). Phần sau phân tích ba yếu tố: (1) về tội, (2) về sự công chính, (3) về sự xét xử.

    1. Về tội (16,9)

Về tội của thế gian, Đức Giê-su đã cho các môn đệ biết ở 15,22-24: “22 Nếu Thầy không đến và nói với họ (thế gian), họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể bào chữa tội của họ được. 23 Ai ghét Thầy cũng ghét Cha của Thầy. Nếu Thầy không làm những việc giữa họ, những điều không một ai khác đã làm, họ đã chẳng có tội. Nhưng nay họ đã thấy và họ ghét cả Thầy lẫn Cha của Thầy.” Đại từ “họ” (ngôi thứ ba, số nhiều) chỉ nhân vật “thế gian” (số ít) được Đức Giê-su nói đến ở 15,18: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” Vậy “thế gian” trong đoạn văn 15,18–16,4a chỉ về những kẻ chống đối, ghét Đức Giê-su và các môn đệ. Đức Giê-su cho biết tội của thế gian này là không thể bào chữa được, vì họ đã nghe lời Đức Giê-su, đã thấy những việc Người làm nhưng vẫn không tin. Những kẻ chống đối không chỉ là không tin mà còn tìm cách loại trừ Đức Giê-su và bách hại các môn đệ. Khi tìm cách giết Đức Giê-su, những kẻ chống đối đang thuộc về quỷ và làm công việc của quỷ, như Đức Giê-su đã nói với những người Do Thái đang tìm giết Đức Giê-su ở 8,44a: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông.” Thần học Tin Mừng nhấn mạnh đến tội không tin vào Đức Giê-su. Vì thế, biến cố Đức Giê-su chết trên thập giá làm lộ ra tội không tin của thế gian (16,9), nghĩa là tội của những kẻ chống đối Người. Đây là tội theo nghĩa thần học chứ không theo nghĩa luân lý.

    2. Về sự công chính (16,10)

Thế gian tưởng công chính thuộc về họ và họ phụng thờ Thiên Chúa khi tìm giết Đức Giê-su và các môn đệ của Người (16,2). Nhưng theo thần học Tin Mừng, sự công chính thuộc về Đức Giê-su và các môn đệ. Điều này diễn tả qua hai yếu tố: (1) “Thầy đi về với Cha” (16,10b). Đức Giê-su đi về với Cha qua cái chết của Người. Nghĩa là chính trong biến cố Thương Khó mà thế gian áp đặt cho Người, Người tôn vinh Cha và Cha tôn vinh Người. Cụm từ “đi về với Cha” khẳng định rằng Đức Giê-su đang ở bên Cha, Người đang sống. (2) Yếu tố thứ hai “anh em không còn thấy Thầy” (16,10c) khẳng định yếu tố thứ nhất. Đức Giê-su đang ở bên Cha nên các môn đệ không thấy Người về thể lý. Từ nơi Cha, Đức Giê-su sẽ sai Ðấng Pa-rác-lê đến với các môn đệ (16,7c).

Khi giết chết Đức Giê-su, thế gian lầm tưởng công chính thuộc về mình, nhưng sự thật là sự công chính thuộc về Đức Giê-su và thuộc về những ai trung tín với niềm tin vào Đức Giê-su. Như đã trình bày trong phần cấu trúc, yếu tố tích cực “sự công chính” cho biết chiến thắng thuộc về Đức Giê-su và các môn đệ trong vụ kiện với thế lực bóng tối. Ðấng Pa-rác-lê cho các môn đệ biết rằng dù bên ngoài họ đang bị bách hại và thế gian có vẻ thắng thế, nhưng sự thật là thế gian có tội, thủ lãnh thế gian bị xét xử và sự công chính thuộc về người trung tín với Đức Giê-su.

    3. Về sự xét xử (16,11)

Đức Giê-su đã báo trước thế gian sẽ bị xét xử khi Người tuyên bối ở 12,31: “Bây giờ là lúc xét xử thế gian này. Bây giờ thủ lãnh thế gian này sẽ bị tống ra ngoài.” Tuy nhiên, ở 16,11, không phải thế gian bị xét xử mà là thủ lãnh thế gian đã bị xét xử. Theo thần học Tin Mừng, thế gian bách hại Đức Giê-su và các môn đệ có thủ lãnh gọi là “thủ lãnh thế gian” (12,31; 14,30; 16,11). Mạch văn Tin Mừng cho phép hiểu “thủ lãnh thế gian” là “quỷ” (8,44; 13,2), Xa-tan” (13,27), “Ác Thần (17,15). Vậy khi thế gian bách hại Đức Giê-su và các môn đệ là thế gian đang làm công việc của “thủ lãnh thế gian”, làm công việc của quỷ (8,44a). Nếu như “thủ lãnh thế gian” đã bị xét xử thì thế lực bóng tối đã hoàn toàn thất bại.

Trong viễn cảnh này, mặc khải của Đức Giê-su về vai trò của Ðấng Pa-rác-lê là lời động viên các môn đệ trong hoàn cảnh thử thách. Đức Giê-su kết thúc diễn từ từ biệt ở 16,33: “Những điều này, Thầy nói với anh em để trong Thầy, anh em có sự bình an. Trong thế gian, anh em có sự khốn khó, nhưng anh em hãy can đảm, chính Thầy đã thắng thế gian.” Sau khi Đức Giê-su về với Cha, Ðấng Pa-rác-lê đến với các môn đệ và mặc khải cho họ sự thật về thế gian (có tội) và về thủ lãnh thế gian (đã bị xét xử). Vậy, vai trò của Ðấng Pa-rác-lê là giúp các môn đệ, giúp độc giả giữ vững niềm tin và đứng vững trong hoàn cảnh bị bách hại.

Kết luận

Cùng với một số tác giả, chúng tôi hiểu câu: “elegxei ton kosmon(16,8a) là “sẽ chứng minh thế gian sai lầm.” Đấng Pa-rác-lê làm điều này trước các môn đệ. Người mặc khải cho họ biết sự thật về thế gian trong bối cảnh vụ kiện. Đấng Pa-rác-lê không đối đầu trực tiếp với thế gian vì kẻ bị tố cáo là thế gian vắng mặt trong Ga 13–17. Công việc “chứng minh thế gian sai lầm” vừa ở bên ngoài, vừa ở bên trong các môn đệ. Bên ngoài, vì Đấng Pa-rác-lê xác định thế gian có tội (16,9) và cho biết thủ lãnh thế gian đã bị xét xử. Bên trong, vì Đấng Pa-rác-lê mặc khải những điều trên để các môn đệ xác tín và giữ vững niềm tin trong hoàn cảnh bị bách hại.

Ba vấn đề: “tội”, “sự công chính” và “sự xét xử” (16,8-11) mô tả sự thật về biến cố Giờ của Đức Giê-su. Các nhân vật trong vụ kiện giữa “ánh sáng – bóng tối” đối lập nhau: Một bên là Đức Giê-su (16,10a) và các môn đệ (16,10b); một bên là “thế gian” (16,8) và “thủ lãnh thế gian” (16,11). Như thế, vai trò Đấng Pa-rác-lê là duyệt xét lại vụ kiện Đức Giê-su và mặc khải cho các môn đệ biết sự thật về biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Đấng Pa-rác-lê làm rõ ba câu hỏi: Ai có tội? Sự công chính thuộc về ai? Ai đã bị xét xử? Thế gian có tội vì không tin vào Đức Giê-su (16,9). Công chính hay không là do “vô tội” hay “có tội”. Sự công chính thuộc về Đức Giê-su vì Người đi về với Cha (16,10). Khi sự thật được bày tỏ là “thế gian có tội”, thì đến phần tuyên án. Ở đây án xử không dành cho thế gian mà dành cho thủ lãnh thế gian (16,11) tức là Xa-tan. Như thế, sự xét xử đi tới gốc rễ của thế lực bóng tối.

Với các đại từ “Thầy” (ngôi thứ nhất, số ít) và “anh em” (ngôi thứ hai, số nhiều) trong đoạn văn 16,4b-11, Đức Giê-su nói với các môn đệ về hoạt động của Đấng Pa-rác-lê trong tương lai gần. Sau khi Đức Giê-su đi về với Cha, Đấng Pa-rác-lê sẽ đến và hoạt động nơi các môn đệ. Tuy nhiên đối với cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I, mặc khải của Đức Giê-su ở 16,4b-11 giúp cộng đoàn, xác tín là Đấng Pa-rác-lê đang ở giữa họ và cho cộng đoàn biết sự thật về thế gian. Đối với độc giả ngày nay, vai trò của Đấng Pa-rác-lê 16,4b-11 là nguồn động viên lớn lao trong hoàn cảnh bị bách hại dưới mọi hình thức. Nhờ Ðấng Pa-rác-lê hướng dẫn, người bị bách hại xác tín rằng trung tín với Đức Giê-su là nắm chắc phần thắng./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét