Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 17 tháng 03 năm 2020.
Nội dung
I. Gio-an, Phê-rô, môn đệ Đức
Giê-su yêu mến
1. Mc 10,35-41
2. Lc 9,49-50
3. Lc 9,51-56
4. Mc 14,32-42
5. Môn đệ Đức Giê-su yếu mến
II. “Các con ông Dê-bê-đê”
(Ga 21,2)
Kết luận
Dẫn nhập
Nhằm làm rõ vai trò đặc biệt quan trọng của môn đệ
Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an, bài viết so sánh hai nhân vật: “Tông
đồ Gio-an” trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca) và “môn đệ Đức
Giê-su yêu mến” trong Tin Mừng Gio-an. Xem phân tích chi tiết đề tài trong Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ
tư là ai? tr.
178-186.
É. Cothenet lựa chọn đồng hóa môn đệ Đức
Giê-su yêu mến với Tông đồ Gio-an vì hai lý do: (1) Tông đồ Gio-an và Phê rô
thường đi với nhau trong một số sách Tân Ước: Tin Mừng Nhất lãm, Công Vụ các
Tông đồ và thư Ga-lát (Gl 2,9). Cũng thế, trong Tin Mừng thứ tư, Phê-rô và môn
đệ Đức Giê-su yêu mến thường hiện diện với nhau (Ga 13,23-26; 20,3-10;
21,20-23). (2) Môn đệ Đức Giê-su yêu mến có thể là một trong hai người con ông
Dê-bê-đê nói đến ở Ga 21,2: “Si-môn Phê-rô, Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, Na-tha-na-en
người Ca-na miền Ga-li-lê, các con ông Dê-bê-đê và hai người khác thuộc nhóm
môn đệ của Người, các ông đang ở với nhau.” (Xem É.
Cothenet, “Le quatrième évangile”, dans M.-É. Boismard; É. Cothenet, La tradition
johannique, 1977, p. 288). Để cho thấy hai lý do
É. Cothenet đưa ra khó đứng vững vì sự khác biệt quá lớn giữa hai nhân vật: Tông
đồ Gio-an và môn đệ Đức Giê-su yêu mến, phần sau trình bày hai mục: (I) Gio-an, Phê-rô, môn đệ Đức Giê-su yêu mến;
(II) “các con ông
Dê-bê-đê” (Ga 21,2).
I. Gio-an, Phê-rô, môn đệ Đức
Giê-su yêu mến
Theo É. Cothenet thì Tông đồ Gio-an và Phê-rô
thường đi với nhau. Lý do này không đủ đề đồng hóa môn đệ Đức Giê-su yêu mến
với Tông đồ Gio-an. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Tông đồ Gio-an thuộc nhóm ba môn
đệ được Đức Giê-su tách ra: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Tương quan giữa ba môn
đệ này với Đức Giê-su hoàn toàn khác với tương quan giữa môn đệ Đức Giê-su yêu
mến với Đức Giê-su trong Tin Mừng thứ tư. Để minh hoạ cho sự khác biệt giữa
Tông đồ Gio-an và môn đệ Đức Giê-su
yêu mến, phần sau trình bày năm điểm: (1) Mc 10,35-41; (2) Lc 9,49-50; (3) Lc
9,51-56; (4) Mc 14,32-42; (5) môn đệ Đức Giê-su yếu mến.
1. Mc 10,35-41
Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại chuyện Gio-an và
Gia-cô-bê xin được ngồi bên hữu và bên tả Đức Giê-su trong vinh quang của Người
ở Mc 10,35-41: “35 Những người con ông
Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến nói với Người: ‘Thưa Thầy, chúng con muốn
Thầy làm cho chúng con điều chúng con xin Thầy.’ 36 Người nói với
các ông: ‘Các anh muốn [Thầy]
làm gì cho các anh?’ 37 Các ông
nói với Người: ‘Xin cho chúng
con được ngồi một người bên hữu, một người
bên tả của Thầy trong vinh quang của Thầy.” 38 Đức Giê-su nói với họ: ‘Các anh không biết các anh xin gì. Các anh có thể uống
chén mà chính Thầy sắp uống hay chịu phép rửa mà chính Thầy sắp chịu không?’ 39 Các ông nói với Người: ‘Chúng con có thể.’ Đức Giê-su nói với họ: ‘Chén mà
chính Thầy uống, anh em sẽ uống; phép rửa mà chính Thầy chịu, anh em sẽ chịu phép
rửa, 40 còn ngồi bên hữu của Thầy hay bên tả, không phải là Thầy ban, nhưng là dành cho ai mà điều ấy được chuẩn
bị cho.’ 41 Nghe vậy,
mười người kia bắt đầu tức giận với Gia-cô-bê và Gio-an.” (Xem Tin
Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt).
Trong trình thuật, Tông đồ Gio-an đã không hiểu vì
Đức Giê-su nói: “Các anh không biết các anh xin gì” (Mc 10,38a). Gio-an và
Gia-cô-bê muốn có chỗ danh dự và dẫn đến sự bất bình và tức giận của các môn đệ
khác (Mc 10,41). So với môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư có bốn
điểm khác biệt: (1) môn đệ Đức Giê-su yêu mến không xuất hiện với Gia-cô-bê; 2)
môn đệ này không xin Đức Giê-su được ngồi bên hữu hay bên tả trong vinh quang
của Người; (3) không có sự hiểu lầm hay không hiểu giữa người môn đệ này và Đức
Giê-su; (4) các môn đệ khác không có thái độ bất bình hay không bằng lòng với môn
đệ Đức Giê-su yếu mến. Tóm lại, không có điểm chung nào giữa Tông đồ Gio-an và
môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong trình thuật Mc 10,35-41.
2. Lc 9,49-50
Người thuật chuyện kể câu chuyện liên quan đến
Tông đồ Gio-an ở Lc 9,49-50: “49 Gio-an lên tiếng nói: ‘Thưa Thầy, chúng con
thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ.
Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy’.
50 Đức Giê-su bảo ông: ‘Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng
ta là ủng hộ chúng ta’!” (Xem
bản dịch NCGKPV).
Trong đoạn văn này, Gio-an nói nhân danh các môn đệ khác: “Chúng con thấy”
(ngôi thứ nhất số nhiều). Câu trả lời của Đức Giê-su ngược hoàn toàn với việc
làm của các môn đệ. Nếu Gio-an và một số các môn đệ đã cố ngăn cản những người
nhân danh Đức Giê-su mà trừ quỷ thì Đức Giê-su bảo họ “Đừng ngăn cản người
ta...” Nhiệt tình của các môn đệ, mà Tông đồ Gio-an là người đại diện để trình
bày với Đức Giê-su, cho thấy họ đã không hiểu Đức Giê-su. Trong khi đó, không
có dấu hiệu gì trong Tin Mừng thứ tư cho thấy môn đệ Đức Giê-su yêu mến không
hiểu Thầy.
3. Lc 9,51-56
Ở Lc 9,51-56, phản ứng của Tông đồ Gio-an xa lạ
với hình ảnh môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư. Người thuật
chuyện kể ở Lc 9,51-56: “51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời,
Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52
Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để
chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân
làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ của Người là Gia-cô-bê và
Gio-an nói rằng: ‘Thưa Thầy,
Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?’
55 Nhưng Đức Giê-su quay
lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.”
Khi những người Sa-ma-ri không đón nhận Đức Giê-su
và các môn đệ, phản ứng của Gia-cô-bê và Gio-an là “muốn khiến lửa từ trời
xuống thiêu hủy chúng nó” (Lc 9,54). Cách xử sự này hoàn toàn không phù hợp với
ý định Đức Giê-su nên Người đã quở mắng các ông. Môn đệ Đức Giê-su yêu mến
trong Tin Mừng thứ tư ít nói hơn và nói chính xác hơn, Đức Giê-su không hề than
phiền hay quở trách người môn đệ này.
4. Mc 14,32-42
Câu chuyện xảy ra trong vườn
Ghết-sê-ma-ni (Mc 14,32-42) cho thấy sự khác biệt lớn lao giữa Tông đồ Gio-an
và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Ba môn đệ (Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an) được
chia sẻ giờ hấp hối của Thầy, nhưng cả ba môn đệ này đã ngủ li bì khi Thầy đang
đối diện với sự chết. Tin Mừng Mác-cô cho biết Đức Giê-su đi cầu nguyện, ba lần
Người quay lại thì cả ba lần đều thấy ba môn đệ này đang ngủ (Mc 14,37.40.41). Người
thuật chuyện giải thích là vì “mắt của họ nặng trĩu và các ông không biết
trả lời làm sao với Người” (Mc 14,40). Khi Đức Giê-su bị bắt: “Tất cả các môn
đệ bỏ Người mà chạy trốn” (Mc 14,50). Tông đồ Gio-an cũng như các môn đệ khác,
họ chỉ gặp lại Đức Giê-su sau khi Người đã Phục Sinh, trong khi môn đệ Đức
Giê-su yêu mến đã đứng dưới chân thập giá.
5. Môn đệ Đức Giê-su yếu mến
Trong Tin Mừng thứ tư, Đức
Giê-su cũng báo cho các môn đệ biết ở Ga 16,32: “Này đến giờ, - và đã đến rồi
-, anh em sẽ bị phân tán mỗi người về nhà mình và bỏ lại Thầy một mình. Nhưng
Thầy không ở một mình, vì Cha ở với Thầy.” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư). Lời báo trước này
không dành cho môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Bởi vì, khác với Nhóm Mười Hai trong
Tin Mừng Nhất Lãm, môn đệ Đức Giê-su yêu mến hiện hiện dưới chân thập giá. Đức
Giê-su cho môn đệ này được làm con của thân mẫu Người và môn đệ này đón thân
mẫu về nhà mình (Ga 19,26-27). Đặc biệt, môn đệ này đã làm chứng về những điều
xảy ra trước và sau khi Đức Giê-su chết trên thập giá (19,35). Xem bài viết: “Ga 19,35; 21,24. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến”.
Những so sánh trong các đoạn
văn trên cho thấy, trong Tin Mừng Nhất Lãm, Tông đồ Gio-an cũng như các Tông đồ
khác thường là không hiểu Đức Giê-su, bị Đức Giê-su quở trách, không có đủ sức
để canh thức với Thầy trong giờ Thầy hấp hối, không đủ can đảm để hiện diện với
Thầy dưới chân thập giá. Trong khi đó, Tin Mừng thứ tư trình bày hình ảnh môn
đệ Đức Giê-su yêu mến hoàn toàn khác. Môn đệ trổi vượt các môn đệ khác về nhiều
phương diện. Môn đệ này có vị trí danh dự trong bữa tiệc ly: “tựa vào
lòng Đức Giê-su” (Ga 13,23); là người
đầu tiên trong các môn đệ đã tin dù chưa thấy Đấng Phục Sinh (Ga 20,8).
Trong tương quan với Phê-rô, Tông đồ Gio-an trong
Tin Mừng Nhất Lãm thuộc nhóm ba môn đệ thường được Đức Giê-su tách riêng ra
(Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an). Trong nhóm ba môn đệ này, Phê-rô giữ vai trò nổi
bật hơn Gio-an. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su biến đổi hình dạng trên núi, chính
Phêrô đưa ra đề nghị làm ba lều (Mc 9,5). Ở Xê-da-rê Phi-líp-phê, Phê-rô đại
diện nhóm tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô” (Mc 8,29). Ngược lại, trong Tin
Mừng thứ tư, môn đệ Đức Giê-su yêu mến nổi bật hơn Phê-rô. Phê-rô giữ vai trò
trưởng nhóm, nhưng trong tương quan với Thầy, môn đệ Đức Giê-su yêu mến hiểu
Thầy và gần gũi Thầy hơn Phê-rô.
Trong bữa tiệc ly, Phê-rô phải nhờ người môn đệ này
hỏi Đức Giê-su để biết ai là người sẽ nộp Thầy (Ga 13,23-24). Phê-rô không có
vị trí sát bên Đức Giê-su trong bữa tiệc ly như môn đệ này. Trong trình thuật rửa
chân cho các môn đệ, Phê-rô là nhân vật không hiểu Đức Giê-su: không hiểu ý
nghĩa việc rửa chân (Ga 13,6-10) và không hiểu ý nghĩa việc đi theo Thầy (Ga
13,36-37). Đức Giê-su báo trước Phê-rô sẽ chối Thầy ba lần (Ga 13,38) và Phê-rô
đã chối (Ga 18,15-27). Khác với Phê-rô, Tin Mừng không nói gì về những yếu đuối
của môn đệ này.
Tóm lại, trong Tin Mừng thứ tư,
người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trổi vượt hơn Phê-rô về ba phương diện: (1) về
vị trí, người môn đệ này gần Đức Giê-su hơn Phê-rô trong bữa tiệc ly (Ga 13,23);
(2) về lòng tin, người môn này “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8), khi đứng trước
ngôi mộ trống, trong khi lòng tin của Phê-rô và các môn đệ khác không được nói
đến (Ga 20,9); (3) về hiểu biết, người môn đệ này nhận ra Chúa, trước Phê-rô và
các môn đệ khác khi họ đánh cá ở biển hồ Ga-li-lê (Ga 21,7). Như thế, lý do mà
É. Cothenet đưa ra: người môn đệ Đức Giê-su yêu mến thường hiện diện với Phê-rô
trong Tin Mừng thứ tư không đủ để đồng hóa môn đệ này với Tông đồ Gio-an trong
Tin Mừng Nhất Lãm.
II. “Các con ông Dê-bê-đê”
(Ga 21,2)
Về lý do thứ hai, É. Cothenet
cho rằng: môn đệ Đức Giê-su yêu mến có thể là một trong hai người con ông
Dê-bê-đê được nói đến ở Ga 21,2. Lý do này không có sức thuyết phục bởi vì có
thể dựa vào Ga 21,2 để loại trừ việc đồng hóa người môn đệ Đức Giê-su yêu mến
với Tông đồ Gio-an.
M.-É. Boismard nhận định: “Như các tác giả R. Brown, R.
Schanckenburg và một số tác giả khác, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến phải là
một trong ‘hai môn đệ khác’ nói đến ở Ga 21,2.” (M.-É.
Boismard, “Le disciple que Jésus aimait d’après Jn 21,1ss et 1,35ss”, RB 105/1
(1998) p. 78). Thật vậy, người
thuật chuyện nói tới “hai môn đệ khác” ở Ga 21,2: “Si-môn
Phê-rô, Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các con
ông Dê-bê-đê và hai người khác thuộc nhóm môn đệ của Người, các ông đang ở với
nhau.” Cụm từ “hai người khác thuộc nhóm môn đệ” ở 21,2 cho biết có hai môn đệ
vô danh trong nhóm. Môn đệ Đức Giê-su yêu mến cũng là môn đệ vô danh và được
gọi là “môn đệ khác” ở 20,2. Với những lý do này, chúng tôi đồng thuận với ý
kiến của nhiều tác giả là môn đệ Đức Giê-su yêu mến không phải là một trong hai
người con ông Dê-bê-đê (Gia-cô-bê và Gio-an) mà là một trong hai môn đệ vô danh
ở 21,2. (Xem bài viết: “Ba
môn đệ vô danh và môn đệ Đức Giê-su yêu mến”).
Với chi tiết “hai người con ông Dê-bê-đê” ở Ga
21,2, Tin Mừng thứ tư nói về hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an như trong Tin Mừng
Nhất Lãm (Mt 10,2; 20,20; 26,37). Ở Ga 21,2 cả hai nhân vật cùng hiện hiện: môn
đệ Đức Giê-su yêu mến (một trong hai môn đệ khác) và Tông đồ Gio-an (một trong
hai người con ông Dê-bê-đê). Vậy Ga 21,2 là bằng chứng không thể đồng hóa người
môn đệ Đức Giê-su yêu mến với Tông đồ Gio-an.
Kết luận
Phân tích trên cho thấy cả hai lý do mà É.
Cothenet dựa vào để đồng hóa người môn đệ Đức Giê-su yêu mến với Tông
đồ Gio-an là không thuyết phục. Để hiểu tầm quan trọng và vai trò đặc biệt của môn
đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư, thiết nghĩ nên tôn trọng sự khác
biệt giữa Tông đồ Gio-an và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến theo như các bản văn
Tin Mừng đã trình bày./.
Trong Tân Ước thì chỉ có duy nhất sách Tin Lành Iôannês (= Tin Mừng Gio-an) là có mấy lần nhắc đến 1 môn đồ (= môn đệ) mà Chúa Iêsous (= Giê-su) yêu mến được kí thuật 3 lần bằng động từ G25 ἀγαπάω agapáô [THƯƠNG-YÊU] ở các địa chỉ: Joh 13:23, Joh 19:26, Joh 21:7 và 1 lần bằng động từ G5368 φιλέω filéô [THƯƠNG-MẾN] ở địa chỉ: Joh 20:2.
Trả lờiXóaVậy vị môn đồ mà Chúa Iêsous yêu mến này là ai? Theo iiến sĩ Lê Minh Thông viết trong cuốn sách “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?” thì câu trả lời là một vị nào đó khác chứ không phải Iôannês (= Gio-an) như mọi người từng nghĩ. Lí do tiến sĩ Lê Minh Thông đưa ra là vì Iôannês (= Gio-an) là người KHÔNG HIỂU đức Iêsous (= Giê-su).
Xin đánh giá cao những trích dẫn và lập luận cho nhận định trên, nhưng theo tôi thì nên cần có những tranh luận chứ chưa thể đồng ý được, nhưng xin hẹn dịp nào khác vậy.
Xin ơn phước và sự an bình của Thiên Chúa ở cùng Tiến sĩ!
Xin cảm ơn độc giả đã góp phần soi sáng thêm cho bài viết. Trong cuốn sách “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?” Tôi đã trình bày khá chi tiết các lập trường hiện nay nhằm trả lời câu hỏi người môn đệ này là ai. Người ta không chỉ đồng hoá người môn đệ Đức Giê-su yêu mến với tông đồ Gio-an mà còn với nhiều người khác nữa, chẳng hạn: Gio-an kỳ mục, Gio-an tư tế, Gio-an Mác-cô, La-da-rô, Na-tha-na-en và còn nhiều tên khác được đề nghị. Mong có dịp trao đổi với độc giả để hiểu rõ thêm về người môn đệ rất đặc biệt có tên là “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” này. Nhờ tìm hiểu vai trò của người môn đệ này trong Tin Mừng thứ tư, chúng ta có thể hiểu thông điệp của sách Tin Mừng./.
Trả lờiXóaXin cha cho con hỏi là ý nghĩa của người môn đệ Đức Giêsu yêu mến đối với độc giả là gì ạ? con cảm ơn Cha!
Trả lờiXóaĐộc giả sẽ có trả lời ở phần kết luận của bài viết:
Xóahttp://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/08/bon-mon-e-vo-danh-trong-tin-mung-gio.html
Nhân vật người môn đệ Đức Giê-su yêu trong Tin Mừng Gio-an là khuôn mẫu cho độc giả trong tương quan với Đức Giê-su qua năm lãnh vực: sự thân tình với Đức Giê-su, lòng trung tín, lòng tin, sự nhạy bén nhận ra Người và làm chứng cho Người.