17/03/2020

Ai là tác giả Tin Mừng Gio-an?



Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 17 tháng 03 năm 2020. 


Nội dung 

Dẫn nhập 
I. Tác giả Tin Mừng thứ tư vào thế kỷ II-III 
    1. Irénée (130–202) 
    2. Papias (100–150) và Eusèbe de Césarée (270–338) 
    3. Polycrate (125–200) 
    4. Clément d’Alexandrie (150–200) 
    5. Tertullien (160–240) 
II. Tác giả theo bản văn Tin Mừng thứ tư 
Kết luận 




Dẫn nhập 

Truyền thống cho rằng tác giả Tin Mừng Gio-an (Tin Mừng thứ tư) là Tông Đồ Gio-an. Vị Tông Đồ này xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Nhất Lãm. Truyền thống cũng đồng hoá Tông Đồ Gio-an với người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư. Tại sao truyền thống đồng hoá tác giả sách Tin Mừng thứ tư với Tông Đồ Gio-an? Dựa vào bản văn có thể nói gì về tác giả Tin Mừng thứ tư? 

Từ hơn một thế kỷ nay, các nhà nghiên cứu đã đặt lại vấn đề tác giả Tin Mừng Gio-an. Năm 1984, tác giả É. Cothenet viết: “Kể từ nửa cuối thế kỷ thứ II, một truyền thống chắc chắn gán Tin Mừng thứ tư cho Tông Đồ Gio-an, con ông Dê-bê-đê. Sự quy kết này đã bị nghi ngờ lần đầu tiên vào năm 1820; kể từ đó, vấn đề này trở thành đối tượng của những cuộc tranh luận sôi nổi.” (É. Cothenet, “L’évangile selon saint Jean” dans É. Cothenet; P. Le Fort, (et al.), Les écrits de saint Jean et l’épître aux Hébreux, Paris, Desclée, 1984, p. 141). 

Năm 1998, R. E. Brown (cựu thành viên Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng) đã viết về lập trường của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng như sau: “Vào năm 1907, trước sự khước từ ngày càng tăng về việc đồng hóa giữa người môn đệ Đức Giê-su yêu mến và tác giả Tin Mừng [thứ tư] với Gio-an, con ông Dê-bê-đê, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng tại Rô-ma đã tuyên bố rằng Tông Đồ Gio-an là tác giả sách Tin Mừng. Nhưng đến năm 1955 thư ký của Uỷ Ban này đã viết rằng: Những nhà giải thích Kinh Thánh được ‘hoàn toàn tự do’ trước lời tuyên bố trên vì nó không liên quan đến đức tin và phong hóa. Vì thế, không có lập trường Công Giáo khép kín về việc xác định tác giả Tin Mừng Gio-an (hoặc các Tin Mừng khác).” (R. E. Brown, “Note sur l’identification de l’auteur du quatrième évangile” dans Id., Une retraite avec saint Jean ‘pour que vous ayez la vie’, Paris, Le Cerf, 2004, p. 126; original: A Retreat With John the Evangelist, That You May Have Life, 1998). 

Độc giả “hoàn toàn tự do” để tìm hiểu vấn đề tác giả Tin Mừng thứ tư. Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã sáng suốt khi khẳng định: Những nhà giải thích Kinh Thánh được hoàn toàn tự do nghiên cứu vấn đề tác giả Tin Mừng, vì điều này không liên quan đến đức tin và phong tục. Thật ra, hiện nay vấn đề “tác giả thực sự” các sách Tin Mừng không quan trọng nữa trong việc đi tìm ý nghĩa bản văn Tin Mừng. Bởi vì dù ai là tác giả đi nữa thì vẫn không làm thay đổi nội dung Tin Mừng. Điều thuộc thẩm quyền Hội Thánh là nội dung mặc khải trong Tin Mừng. Vấn đề tác giả sách Tin Mừng thứ tư thuộc lãnh vực nghiên cứu lịch sử. Bài viết này không nhằm nghiên cứu lịch sử mà chỉ trình bày sơ lược vấn đề tác giả qua hai mục: (I) Các tác giả thế kỷ II-III nói về tác giả Tin Mừng thứ tư; (II) Đôi nét về tác giả và các giai đoạn biên soạn Tin Mừng dựa trên tình trạng bản văn Tin Mừng hiện nay. 

I. Tác giả Tin Mừng thứ tư vào thế kỷ II-III 

Một số trích dẫn các tác giả thế kỷ II-III như Irénée (khoảng năm 130–202), Papias (khoảng 100–150), Eusèbe de Césarée (khoảng 270–338), Polycrate (khoảng 125–200), Clément d’Alexandrie (khoảng 150–200) và Tertullien (khoảng 160–240) cho thấy sự phức tạp của vấn đề tác giả Tin Mừng thứ tư. 

    1. Irénée (130–202) 

Chứng cứ quan trọng của Irénée về tác giả Tin Mừng thứ tư được trình bày trong chuyên luận Chống lạc giáo (traité Contre les Hérésies), cuốn III, 1,1: “Gio-an, người môn đệ của Chúa, chính người này đã tựa vào ngực của Người, người môn đệ này cũng đã xuất bản sách Tin Mừng trong khi lưu trú tại Ê-phê-xô, ở A-xi-a.” (Irénée de Lyon, Contre les Hérésies, III, 1,1, (Sources Chrétiennes [SC] 211), 1974, p. 25). Irénée đồng hóa “Gio-an” với “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong Tin Mừng, nhưng đó là Gio-an nào? Vì như sẽ thấy, có nhiều môn đệ mang tên Gio-an như Gio-an tư tế, Gio-an kỳ mục. 

Nếu Irénée hiểu “Gio-an môn đệ của Chúa” nói trên là “Gio-an Tông Đồ” thì cũng không chắc đây là “Tông Đồ Gio-an con ông Dê-bê-đê”, vì thời đó, tước hiệu Tông Đồ được hiểu theo nghĩa rộng. J. Colson cho biết: “Tên gọi Tông Đồ vào thế kỷ II không nhất thiết có nghĩa là một Tông Đồ trong Nhóm Mười Hai. Chính Irénée cũng gọi bảy mươi hai môn đệ trong Tin Mừng Lu-ca với tên gọi Tông Đồ.” (J. Colson, L’énigme du disciple que Jésus aimait, (Théologie historique 10), Paris, Beauchesne, 1969, p. 32). 

Có lẽ mối bận tâm của Irénée về tác giả Tin Mừng không mang tính khoa học như độc giả ngày nay. Mạch văn cho thấy lập luận của Irénée mang tính hộ giáo, các lý chứng nhằm chống lại các lạc giáo và biện hộ cho lập trường của Hội Thánh. Khi khẳng định “Gio-an, môn đệ của Chúa” là tác giả Tin Mừng thứ tư, có lẽ Irénée quan tâm đến việc tạo uy thế cho sách Tin Mừng để Tin Mừng này được đón nhận vào Quy Điển các sách Tân Ước. 

    2. Papias (100–150) và Eusèbe de Césarée (270–338) 

Trong sách Lịch sử Giáo Hội (Histoire ecclésiastique), Eusèbe kể lại những gì Papias đã nói: “Nếu như có ai đó thuộc nhóm các kỳ mục đến, tôi sẽ hỏi thăm về những lời nói của các kỳ mục: Những điều mà An-rê, hay Phê-rô, hay Phi-líp-phê, hay Tô-ma, hay Gia-cô-bê, hay Gio-an, hay Mát-thêu, hay người nào đó trong các môn đệ của Chúa, đã nói; và những điều Ariston và Gio-an kỳ mục, môn đệ của Chúa, đã nói” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, III, 39,4, (SC 31), 1952, p. 154). Trong danh sách trên, Papias phân biệt “Gio-an Tông Đồ” và “Gio-an kỳ mục, môn đệ của Chúa” (le presbytre Jean, disciple du Seigneur), kiểu xưng hô này gần với Irénée trích dẫn trên đây: “Gio-an, người môn đệ của Chúa” (Jean, le disciple du Seigneur).” Người ta không rõ, “Gio-an” theo Irénée và “Gio-an kỳ mục” theo Papias là một hay hai nhân vật khác nhau. 

Theo Eusèbe: “Tông Đồ Gio-an bị kết án phải ở trên đảo Pát-mô” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, III, 13,1, 1952, p. 121), gợi đến tác giả sách Khải Huyền. Nhưng sách Khải Huyền cho biết người bị kết án phải ở trên đảo Pát-mô chính là Gio-an tác giả sách Khải Huyền chứ không phải tác giả Tin Mừng thứ tư. 

    3. Polycrate (125–200) 

Polycrate viết cho Giám mục Rô-ma là Victor về vấn đề lễ Phục Sinh, được Eusèbe thuật lại trong Lịch sử Giáo Hội V 24,2-3: “Chúng tôi cử hành cách chu đáo ngày đó, không cắt xén cũng không thêm thắt điều gì. Quả thật, chính ở Tiểu Á đã an nghỉ những vị nổi tiếng, những vị này sẽ sống lại trong ngày quang lâm của Chúa, khi Người sẽ đến trong vinh quang từ các tầng trời và sẽ tìm kiếm tất cả các thánh: Phi-líp-phê, một trong mười hai Tông Đồ, đã an nghỉ ở Hiérapolis cùng với hai người con gái già nua trong sự trinh tiết, và một người con gái khác đã sống trong Thần Khí và an nghỉ ở Ê-phê-xô. Còn Gio-an, người đã tựa vào ngực Chúa, là tư tế (hiéreus) và đã mang cây đèn vàng (pétalon), tử đạo và thầy dạy; vị này đã an nghỉ tại Ê-phê-xô” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, V, 24,2-3, livre V-VII, (SC 41), Paris, Le Cerf, 1955, p. 67-68). 

Polycrate nói rõ Gio-an tư tế là người đã tựa vào ngực Chúa; đây là môn đệ Đức Giê-su yêu mến hiện diện trong bữa tiệc ly (Ga 13,23). Điều lạ là theo Polycrate, người môn đệ này là một tư tế (prêtre, hiéreus). Trong mạch văn, Polycrate phân biệt Tông Đồ Phi-líp-phê và tư tế Gio-an. Polycrate đồng hóa “Gio-an tư tế” với “môn đệ Đức Giê-su yêu mến”, nên Gio-an mà Irénée nói tới: “Gio-an, người môn đệ của Chúa, chính người này đã tựa vào ngực của Người” (Contre les Hérésies, III, 1,1) là Gio-an tư tế, chứ không phải Gio-an Tông Đồ. 

Dựa vào từ “tư tế” (prêtre, hiéreus) trong lời của Polycrate, được Eusèbe thuật lại trên đây, một số tác giả cho rằng, môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư không phải là “Tông Đồ Gio-an con ông Dê-bê-đê” nhưng là một “tư tế” ở Giê-ru-sa-lem có tên là Gio-an. Chẳng hạn, năm 1969, J. Colson phủ nhận việc đồng hóa “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” với “Tông Đồ Gio-an” và cho rằng người môn đệ này là một tư tế ở Giê-ru-sa-lem, tên là Gio-an, môn đệ này quen biết vị thượng tế (Ga 18,13-15) và có một ngôi nhà ở Giê-ru-sa-lem. (Xem J. Colson, L’énigme du disciple que Jésus aimait, 1969, tr. 42 và tr. 112). 

    4. Clément d’Alexandrie (150–200) 

Eusèbe kể lại lời Clément d’Alexandrie như sau: “Còn Gio-an, sách cuối cùng [của bốn Tin Mừng], khi đã xem xét những điều cụ thể được trình bày trong các Tin Mừng, được các môn đệ thúc đẩy và được Thánh Thần linh hứng, Gio-an đã viết Tin Mừng tâm linh. Đó là những gì Clément đã nói.” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, VI, 14,7, (SC 41), 1955, p. 107). Lời của Clément d’Alexandrie có thể thuộc về một truyền thống khác, dịch giả tác phẩm Histoire ecclésiastique chú thích: “Rất có thể Clément kể lại một truyền thống nữa của các vị kỳ mục. Irénée nhắc lại là Tin Mừng thánh Gio-an được viết sau cùng, và quy điển Muratori cho biết Tin Mừng được viết ra do yêu cầu của các môn đệ hay của những người thân cận với Tông Đồ. Đặc tính tâm linh của Tin Mừng chỉ được Clément nhấn mạnh.” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, chú thích câu VI, 14,7, p. 107-108). 

    5. Tertullien (160–240) 

Theo Tertullien, Tông Đồ Gio-an bị đưa ra trước toà ở Rô-ma và bị nhấn chìm trong vạc dầu sôi. Tertullien viết: “Nếu anh em ở miền biên giới nước Ý, anh em có Rô-ma, mà uy thế của nó cũng mang đến chỗ dựa cho chúng ta. Phúc thay Hội Thánh! Các Tông Đồ đã truyền đạt hết đạo lý và đã đổ máu đào cho Hội Thánh (...) Ở đó [Rô-ma] Tông Đồ Gio-an đã bị nhấn chìm trong dầu đun sôi: người đã ra khỏi vạc dầu không thương tích và bị đưa đi lưu đày trên một hòn đảo.” (Tertullien, Traité de la prescription contre les hérétiques, XXXVI, 3, (SC 46), Traduction de P. de Labriolle, Paris, Le Cerf, 1957, p. 138). É. Cothenet nhận định về những gì Tertullien viết: “Cực hình bằng dầu sôi mà Gio-an đã bị kết án ở Rô-ma dưới thời hoàng đế Domitien, được Tertullien nói đến lần đầu tiên, chỉ thuần tuý là huyền thoại.” (É. Cothenet, “L’évangile selon saint Jean” dans É. Cothenet; P. Le Fort, (et al.), Les écrits de saint Jean et l’épître aux Hébreux, 1984, p. 145). 

Tóm lại, các tác giả thế kỷ II-III cho biết những chi tiết khác nhau về nhân vật Gio-an được cho là tác giả Tin Mừng thứ tư: “Gio-an môn đệ của Chúa” (Irénée); “Gio-an kỳ mục, môn đệ của Chúa” (Papias); “Gio-an, người đã tựa vào ngực Chúa, là tư tế” (Polycrate); “Gio-an đã viết Tin Mừng tâm linh” (Clément d’Alexandrie). Như thế, các tài liệu trong thế kỷ II-III không cho phép xác định cách khoa học và rõ ràng về ai là tác giả Tin Mừng thứ tư; và cũng không có bằng chứng chắc chắn để đồng hóa “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” với “Tông Đồ Gio-an con ông Dê-bê-đê” trong Tin Mừng Nhất Lãm. Các tài liệu thế kỷ II-III, như đã trình bày, mang tính hộ giáo và có nhiều nét huyền thoại. Các tác giả thường dựa vào các truyền thống cũng như các truyền thuyết khác nhau. Tuy nhiên, những bản văn như trên phù hợp với bối cảnh và cách suy nghĩ thế kỷ II-III. Cần phân biệt các truyền thống khác nhau cũng như thể văn thời đó, trước khi đưa ra những kết luận mang tính lịch sử. 

II. Tác giả theo bản văn Tin Mừng thứ tư 

Phần này trình bày (1) bối cảnh lịch sử lúc Tin Mừng được viết ra; (2) tình trạng bản văn Tin Mừng hiện nay; (3) ba giai đoạn hình thành sách Tin Mừng. 

(1) Đọc Tin Mừng thứ tư, độc giả thoáng thấy một số khủng hoảng trong cộng đoàn đón nhận Tin Mừng. Chẳng hạn, những người Do Thái tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su sẽ bị trục xuất khỏi hội đường (Ga 9,22.34; 12,42; 16,2). Việc soạn thảo Tin Mừng trong giai đoạn cuối, có thể được thực hiện sau biến cố xung đột giữa Do Thái giáo và Ki-tô giáo cuối thể kỷ I. Tin Mừng mô tả phần nào tình trạng xã hội và Giáo Hội thời đó. 

(2) Bản văn Tin Mừng hiện nay để lại nhiều dấu hiệu cho thấy Tin Mừng được biên soạn qua nhiều giai đoạn. Chẳng hạn có nhiều câu văn, nhiều ý tưởng lặp lại (répétitions), có những ý tưởng thêm vào (ajouts), có những lời giải thích (gloses) minh nhiên hoặc mặc nhiên của người thuật chuyện cắt ngang câu chuyện đang kể. Về nội dung Tin Mừng, có những điểm không hợp lý (incohérences) về cách sắp xếp bản văn, về cấu trúc và về thần học. Đặc biệt là một số vấn đề nan giải (apories) không giải thích được hay có thể giải thích nhiều cách khác nhau. Những đặc điểm trên cho phép kết luận Tin Mừng được biên soạn qua nhiều giai đoạn và nhiều tác giả khác nhau. 

(3) Về các giai đoạn hình thành sách Tin Mừng, các tác giả đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau nhưng có thể quy về ba giai đoạn chính. (xem: M. Gourgues, “Note sur le disciple bien-aimé et la formation de l’‘évangile spirituel’”, dans Id., Pour que vous croyiez… Piste d’exploration de l’Évangile de Jean, 1982, p. 277-280; J.-P. Lémonon, “Chronique johannique (1981-1992)”, LV(L), n° 209 (1992) 95-104). Nhóm chịu trách nhiệm biên soạn Tin Mừng thứ tư được gọi là “trường phái Gio-an” (l’école johannique). Người đứng đầu trường phái này là môn đệ Đức Giê-su yêu mến, đã để lại bút tính trong Tin Mừng (Ga 21,24), tiếp nối công việc biên soạn Tin Mừng là các môn đệ của môn đệ Đức Giê-su yêu mến qua ba giai đoạn: 

+ Giai đoạn 1 được gán cho môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Người môn đệ này là chứng nhân trực tiếp biến cố Thương Khó – Phục Sinh (Ga 19,35) và đã viết ra lời chứng (21,24). 
+ Giai đoạn 2 do một hay nhiều tác giả thuộc trường phái Gio-an viết bản văn, tạm gọi là “Tin Mừng sơ khởi” với kết luận ở 20,30-31. Đây là kết luận thứ nhất sách Tin Mừng hiện nay. Giới nghiên cứu gọi tác giả (hay nhóm tác giả) giai đoạn này là “tác giả Tin Mừng” (évangéliste) để phân biệt với “soạn giả” ở giai đoạn 3. 
+ Giai đoạn 3 do một hay nhiều thành viên trường phái Gio-an biên soạn và được gọi là “soạn giả” (rédacteur). Soạn giả này viết ch. 21 với kết luận thứ hai ở 21,24-25. Soạn giả có thể đã điều chỉnh, thêm bớt một số đoạn văn trong sách “Tin Mừng sơ khởi” để làm thành bản văn Tin Mừng hiện nay. 

Phân chia quá trình biên soạn Tin Mừng thành ba giai đoạn như trên chỉ có tính quy ước và tương đối, vì không có tài liệu để xác minh sự hiện hữu của ba giai đoạn này. Rất có thể giữa các giai đoạn này còn có các giai đoạn trung gian. Các tác giả nghiên cứu về vấn đề biên soạn Tin Mừng thứ tư đã đưa ra nhiều giả thuyết với nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng có thể tóm kết vào ba giai đoạn chính như trên. 

Kết luận 

Truyền thống đồng hoá năm nhân vật sau đây là một: (1) Tông Đồ Gio-an, con ông Dê-bê-đê; (2) môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư; (3) tác giả sách Tin Mừng thứ tư; (4) tác giả ba thư Gio-an; (5) tác giả sách Khải Huyền. Tuy nhiên, phần lớn các tác giả nghiên cứu Kinh Thánh ngày nay cho rằng năm nhân vật trên đây là năm nhân vật khác nhau. Đặc biệt “tác giả Tin Mừng thứ tư” không phải là một người mà là một trường phái, “trường phái Gio-an” và được biên soạn qua nhiều giai đoạn. 

Trong tác phẩm đồ sộ (4 volumes) của John Meier (2001) về Đức Giê-su lịch sử, tác giả đề nghị phân biệt năm nhân vật khác nhau liên quan đến Tông Đồ Gio-an. J. Meier viết: “Hầu hết các nhà chú giải Tân Ước ngày nay phân biệt năm nhân vật khác nhau, mà phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, đã đồng hóa với nhân vật Gio-an con ông Dê-bê-đê, bởi truyền thống Ki-tô giáo. Năm nhân vật không bao giờ lẫn lộn với nhau trong bản văn Tân Ước là (1) Gio-an, con ông Dê-bê-đê, (2) môn đệ vô danh trong Tin Mừng thứ tư: ‘người môn đệ Đức Giê-su yêu mến’, (3) tác giả vô danh của Tin Mừng thứ tư, (4) tác giả vô danh của ba thư, được gọi là thư Gio-an, và (5) vị ngôn sứ có thị kiến, người đã viết sách Khải Huyền và tự xưng mình là Gio-an.” (J. P. Meier, “Jean”, dans Id., Un certain Juif Jésus, les données de l’histoire, vol. III: Attachements, affrontements, ruptures, (Lectio Divina), Paris, Le Cerf, 2006, p. 147-156, original: Jesus, A marginal Jew, vol. III: Companions and Competitors, New York, Doubleday, 2001). 

Tìm hiểu vấn đề tác giả sách Tin Mừng thứ tư như trên giúp độc giả giải thích phần nào những điều xem ra không hợp lý trong Tin Mừng. Chẳng hạn, hai kết luận ở 20,30-31 và 21,24-25; cuối ch. 14, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Hãy đứng dậy, chúng ta đi khỏi đây” (14,31), nhưng rồi lại không đi, Người còn nói với các môn đệ thêm ba chương nữa (Ga 15–17) rồi mới đi… 

Ngày nay, các nhà nghiên cứu thường gọi “Tin Mừng Gio-an” là “Tin Mừng thứ tư” (le quatrième Évangile, the Fourth Gospel), vì là Tin Mừng được xếp ở vị trí thứ tư trong bốn sách Tin Mừng (Mt, Mc, Lc, Ga). Gọi như thế để tránh đồng hoá tên gọi “Gio-an” với “Tông Đồ Gio-an con ông Dê-bê-đê”. Tuy nhiên, độc giả vẫn dùng tên gọi quen thuộc “Tin Mừng Gio-an” với điều kiện xem đây là tựa đề một cuốn sách chứ không nói về tác giả. Khi nói “Tin Mừng Gio-an” là nói đến nội dung mặc khải trong sách “Tin Mừng thứ tư”. Xem trình bày chi tiết về vấn đề tác giả trong Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai? và bài viết: Tông Đồ Gio-an và môn đệ Đức Giê-su yêu mến”

Tìm hiểu vấn đề tác giả như trên giúp độc giả tôn trọng bản văn khi đọc Tin Mừng. Nghĩa là không áp đặt lên bản văn những gì bản văn không nói đến; chẳng hạn, Tin Mừng không cho biết tên tác giả. Khi tập trung tìm hiểu những tình tiết được kể lại trong bản văn, độc giả sẽ tìm ra và thưởng thức được những nét hay, nét độc đáo và thú vị trong Tin Mừng. 

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/09/ai-la-tac-gia-sach-tin-mung-gio.html

1 nhận xét: