16/03/2024

Ga 12,23-24: Làm sao “chết” lại có thể “sinh nhiều hoa trái” được?




Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Ga 12,23-24: “23 Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh. 24 A-men a-men Thầy nói cho anh em, nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi nó vẫn ở lại một mình; nhưng nếu chết đi, nó sinh nhiều hoa trái.”

Lời Đức Giê-su không phù hợp với quy luật tự nhiên. Theo tiến triển bình thường, nếu hạt lúa gieo vào đất mà chết đi thì sẽ ở lại một mình, nếu nó sống thì sẽ nẩy mầm, lớn lên và sinh nhiều hoa trái. Vậy tại sao Đức Giê-su lại dùng kiểu nói nghịch lý: “chết để sinh nhiều hoa trái”?

Trong mạch văn, hình ảnh hạt lúa chỉ về sự chết của Đức Giê-su. Đây là điều nghịch lý, không theo quy luật tự nhiên. Các môn đệ vẫn nghĩ bình thường rằng Đấng Ki-tô (Mê-si-a) thì không thể bị chết treo trên thập giá. Cụ thể là Phê-rô đã ngăn Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó (Mt 16,22), còn hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an thì xin ngồi bên hữu và bên tả trong vinh quang của Người (Mc 10,37).

Trình thuật Ga 12 ở cuối sứ vụ, Đức Giê-su bắt đầu mặc khải ý nghĩa thần học về biến cố thập giá. Đó là Giờ Người được tôn vinh (Ga 12,23), như Người nói với giới lãnh đạo Do Thái ở Ga 10,17: “Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình (chết đi) để rồi lấy lại nó (sinh nhiều hoa trái).”

Điều này nghịch lý đối với con người; đồng thời đề cao quyền năng của Đức Giê-su. Chỉ một mình Đức Giê-su có khả năng “chết” để “sinh nhiều hoa trái” và Ki-tô hữu được tham dự vào tiến trình này. Người tin chết về thể lý nhưng không chết về tâm linh vì họ đã có sự sống đời đời.

Xem chương 2, mục “II.2.3. Cấu trúc và chú giải 12,24-26” trong cuốn Yêu và ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần II, tr. 216-229.

16/03/2024. Giu-se Lê Minh Thông, OP.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét