09/03/2020

Tổng quát về ba thư Gio-an



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 09 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Tác giả và niên biểu
    1. Tác giả
    2. Niên biểu
II. Cấu trúc và nội dung
    1. Cấu trúc và nội dung 1Ga
    2. Cấu trúc và nội dung 2Ga
    3. Cấu trúc và nội dung 3Ga
III. Bối cảnh thư thứ nhất Gio-an
    1. Tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn
    2. Thiên tính và nhân tính của Đức Giê-su
    3. Mời gọi hiệp thông và giữ điều răn yêu thương
Kết luận




Dẫn nhập

Trong 3 thư Gio-an, thư thứ nhất (1Ga) dài hơn cả: 5 chương, thư thứ hai (2Ga) chỉ có 13 câu và thư thứ ba (3Ga) 15 câu. Bài viết trình bày tổng quát về ba thư Gio-an qua ba mục: (I) Tác giả và niên biểu; (II) cấu trúc và nội dung ba thư; (III) bối cảnh thư thứ nhất.

I. Tác giả và niên biểu

    1. Tác giả

Các thư Gio-an không cho biết rõ tên tác giả. Thư 1Ga cũng không cho biết chức vụ của tác giả. Trong lời tựa (1Ga 1,1-4), tác giả tự xưng ở ngôi thứ nhất, số nhiều: “Chúng tôi”. Giáo huấn và lời mời gọi trong 1Ga cho phép hiểu tác giả là một cá nhân hay tập thể đứng đầu cộng đoàn, có trách nhiệm điều chỉnh những sai lạc trong cộng đoàn Ki-tô hữu.

Thư 2Ga và 3Ga không cho biết tên tác giả nhưng cho biết chức vụ. Tác giả là “vị kỳ mục” (presbuteros)” (2Ga 1; 3Ga 1) . Bối cảnh và nội dung của thư 2Ga và 3Ga khác nhau, nhưng giống nhau về cấu trúc. Hai thư này đều có lời mở đầu và lời kết, nên giả thuyết là thư 2Ga và 3Ga do một kỳ mục viết. Tuy nhiên, vì tình trạng bản văn không cho phép xác định ba thư Gio-an là do một người, hai người hay ba người viết. Về nội dung, 1Ga và 2Ga có liên hệ với nhau. Hai thư này có từ ngữ và ý tưởng liên hệ với Tin Mừng Gio-an. Còn thư 3Ga, tuy vẫn có xung đột trong cộng đoàn nhưng không liên hệ nhiều đến 1Ga và 2Ga, có thể hiểu 3Ga được viết sau 1Ga và 2Ga.

Truyền thống gán cho tông đồ Gio-an, con ông Dê-bê-đê là tác giả Tin Mừng Gio-an và ba thư Gio-an. Tuy nhiên khi phân tích nội dung bản văn, có thể nói về các tác giả Tin Mừng và ba thư Gio-an như sau: Đứng đầu trường phái Gio-an là “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”, người môn đệ này đã viết lại lời chứng và để lại bút tích trong Tin Mừng Gio-an (Ga 19,35; 21,24). Nhóm biên soạn Tin Mừng Gio-an khẳng định: “Chính môn đệ này (người môn đệ Đức Giê-su yêu mến) là người làm chứng về những điều đó và  người đã viết những điều này, và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Ga 21,24). Nội dung Tin Mừng Gio-an hiện nay cho thấy Tin Mừng được biên soạn qua nhiều giai đoạn. Nên tác giả (hay nhóm tác giả) Tin Mừng Gio-an thuộc nhóm các môn đệ của môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Nhóm này được gọi là “trường phái Gio-an” (école Johannique) đã sưu tập tài liệu, biên soạn và xuất bản Tin Mừng thứ tư như chúng ta có hiện nay.

Đến giai đoạn ba thư, tác giả các thư Gio-an cũng thuộc “trường phái Gio-an”, vì một số đề tài trong 1Ga và 2Ga lấy trong sách Tin Mừng. Ba thư được viết sau Tin Mừng vì những xung đột trong các thư Gio-an có thể đã xảy ra sau khi Tin Mừng Gio-an được biên soạn.

    2. Niên biểu

Có thể dựa trên bốn dấu hiệu sau đây để xác định niên biểu ba thư Gio-an: (1) Nội dung ba thư bàn về cách hiểu đúng đắn và lối giải thích sai lạc về vai trò của Đức Giê-su đã trình bày trong sách Tin Mừng. (2) Các thư 1Ga và 2Ga nhắc lại điều răn mới là điều răn yêu thương trong Tin Mừng Gio-an (Ga 13,34; 15,12). (3) Ngôn từ trong các thư Gio-an có liên hệ với Tin Mừng Gio-an, đặc biệt trong lời tựa 1Ga 1,1-5. (4) Trong Tin Mừng Gio-an không có dấu hiệu xung đột và chia rẽ giữa các môn đệ về thiên tính và nhân tính của Đức Giê-su. Trong khi các thư Gio-an bàn về những vấn đề trong cộng đoàn về đề tài trên.

Nhận xét trên cho phép hiểu hai thư 1Ga và 2Ga có thể được biên soạn ít lâu sau khi xuất bản sách Tin Mừng. Riêng thư 3Ga nói đến sinh hoạt cộng đoàn với những bất đồng giữa các vị có trách nhiệm trong cộng đoàn, nên có thể được viết sau 2Ga. Có thể đưa ra niên biểu các bản văn Gio-an như sau: Tin Mừng Gio-an viết khoảng năm 90–95 SCN; ba thư Gio-an viết khoảng năm 95–100 SCN, theo thứ tự 1Ga, 2Ga, 3Ga.

II. Cấu trúc và nội dung

Phần này trình bày lần lượt cấu trúc và nội dung ba thư.

    1. Cấu trúc và nội dung 1Ga

(a) Cấu trúc. Ngoài lời tựa (prologue) và lời kết (épilogue), thư thứ nhất Gio-an cấu trúc thành ba phần song song A, B, C, // A’, B’, C’, // –, B’’, C’’ (khuyết yếu tố A’’):



(b) Nội dung. Trong thư 1Ga, tác giả kêu gọi cộng đoàn sống hiệp thông với tác giả. Bởi vì có những kẻ tách ra khỏi cộng đoàn, gieo rắc giáo lý sai lạc và lôi kéo Ki-tô hữu đi vào con đường đó. Tác giả đưa ra những lập luận cho thấy đạo lý sai lầm của nhóm ly khai mà tác giả gọi là phản Ki-tô và ngôn sứ giả. Tác giả mời gọi cộng đoàn đề phòng lạc thuyết, nắm vững đạo lý chính thống và sống điều răn yêu thương đã được Đức Giê-su trao ban trong sách Tin Mừng.

    2. Cấu trúc và nội dung 2Ga

(a) Cấu trúc. Thư thứ hai Gio-an có 13 câu, cấu trúc như sau:

1-3:     Lời chào
4-6:     Điều răn yêu mến
7-11:   Những kẻ phản Ki-tô
12-13: Lời kết thúc

(b) Nội dung. Bối cảnh 2Ga khá giống 1Ga, tác giả là một kỳ mục viết thư cho người đứng đầu cộng đoàn Ki-tô hữu. Trước là để mời gọi đứng vững trong sự thật và sống điều răn yêu thương mà cộng đoàn các môn đệ đã lãnh nhận từ Đức Giê-su (Ga 13,34; 15,12). Thứ đến, tác giả nói đến nhóm phản Ki-tô và căn dặn cộng đoàn phải đề phòng và tránh xa những giáo lý sai lạc của nhóm này.

    3. Cấu trúc và nội dung 3Ga

(a) Cấu trúc. Thư thứ ba Gio-an có 15 câu, cấu trúc như sau:

1-2:     Lời chào
3-8:     Ca tụng ông Gai-ô
9-11:   Hành vi không tốt của ông Đi-ốt-rê-phét
12:      Làm chứng về ông Đê-mết-ri-ô
13-15: Lời kết thúc

(b) Nội dung. Thư 3Ga không nhắc đến nhóm phản Ki-tô, tác giả là kỳ mục, và lá thư gửi cho ông Gai-ô. Tác giả ca ngợi ông Gai-ô và than phiền về người đứng đầu cộng đoàn ông Gai-ô là ông Đi-ốt-rê-phét. Cuối thư tác giả làm chứng cho ông Đê-mết-ri-ô.

III. Bối cảnh thư thứ nhất Gio-an

Thư thứ nhất Gio-an được viết trong bối cảnh đặc biệt, khác với bối cảnh Tin Mừng thứ tư. Nội dung thư 1Ga cho thấy khủng hoảng trầm trọng xảy ra ngay giữa cộng đoàn người tin. Tác giả cho biết nguyên nhân gây khủng hoảng, qua đó mời gọi cộng đoàn nắm vững đạo lý và sống hiệp thông với nhau. 

    1. Tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn

Sự chia rẽ, xung đột và căng thẳng đã xảy ra, khi một nhóm trong cộng đoàn hiểu sai vai trò của Đức Ki-tô. Tác giả thư thứ nhất tố cáo nhóm này ở 1Ga 2,22: “Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là người chối bỏ và cho rằng Đức Giê-su không phải là Đấng Ki-tô? Người ấy là tên phản Ki-tô, là kẻ chối bỏ Cha và Con.” Nhóm sai lạc này đã từng là thành viên của cộng đoàn, nhưng nay không thuộc về cộng đoàn nữa. Tác giả viết ở 1Ga 2,19: “Chúng [những kẻ phản Ki-tô] xuất thân từ nơi chúng ta, nhưng chúng không thuộc về chúng ta; vì nếu chúng thuộc về chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng để tỏ hiện ra là không phải tất cả thuộc về chúng ta.

Trong bối cảnh này, tác giả viết cho các thành viên còn ở lại trong cộng đoàn ở 1Ga 2,18: Hỡi các con thơ bé, đây là giờ cuối cùng, như anh em đã nghe là tên phản Ki-tô sẽ đến, và giờ đây nhiều tên phản Ki-tô đã xuất hiện. Do đó, chúng ta biết rằng đây là giờ cuối cùng.Những lời trên cho thấy cộng đoàn đang bị chia rẽ. Có một nhóm đã tách rời khỏi cộng đoàn và trở thành “phản Ki-tô”, “ngôn sứ giả” (1Ga 4,1.4.5), “kẻ dối trá” (1Ga 2,22). Đây là khủng hoảng về thần học và Ki-tô học. Câu hỏi đặt ra là sai lạc ở điểm nào?

    2. Thiên tính và nhân tính của Đức Giê-su

Nguyên nhân gây chia rẽ trong 1Ga là cách hiểu khác nhau về vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su. Tác giả viết ở 1Ga 4,2-3: “2 Trong điều này, anh em biết thần khí của Thiên Chúa: Mọi thần khí tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác là bởi Thiên Chúa. 3 Mọi thần khí nào phân chia (luei) Đức Giê-su thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Ki-tô (antikhristou) mà anh em đã nghe là nó đang tới và hiện nay nó ở trong thế gian rồi.

Động từ “luô” (phân chia) trong câu 4,3a có hai dị bản (variante). Dị bản thứ nhất dùng động từ: “homologeô” (tuyên xưng, confesser): “không tuyên xưng Đức Giê-su.” Dị bản thứ hai dùng động từ “luô” (huỷ bỏ, phân chia, séparer, diviser): “phân chia Đức Giê-su.” Một số bản dịch chọn dị bản “mê homologei” (không tuyên xưng) vì dị bản này có trong nhiều thủ bản quan trọng (xem các dị bản trong phần chú thích của NTG 27e édition). Còn dị bản “luei ton Iêsoun (phân chia Đức Giê-su) chỉ xuất hiện trong các thủ bản (manuscrits) La Tinh và nơi một số Giáo phụ (xem chú thích của NTG 27e édition). Bản dịch BJ (Bible de Jérusalem) chọn dị bản homologeô (tuyên xưng). Bản dịch TOB (Traduction œcuménique de la Bible) chọn dị bản luô (phân chia). Các tác giả R. E. Brown (The Epistles of John, (AB 30), New York (NY), Doubleday, 1982, p. 485-511) và J. Painter (1, 2, and 3 John, (SPS 18), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 2002, p. 253-264) chọn dị bản luô. Cùng với các tác giả trên, chúng tôi chọn dị bản luô (phân chia).

Lý do là dị bản luô (phân chia, chia rẽ) phù hợp với bối cảnh thư thứ nhất Gio-an. Theo đó, những kẻ phản Ki-tô đã phân chia, tách biệt nhân tính và thiên tính của Đức Ki-tô. Nên 1Ga 4,3 muốn nói rằng những kẻ phản Ki-tô đã tách rời “Đức Giê-su lịch sử” khỏi “Đức Ki-tô của lòng tin”. Như thế là sai lạc, không đúng với mặc khải của Thiên Chúa như tác giả khẳng định ở 1Ga 4,2b: “Mọi thần khí tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác là bởi Thiên Chúa.”

Kiểu nói: “Đến trong thân xác” vừa gợi đến mầu nhiệm nhập thể, vừa gợi đến sứ vụ và sự chết của Đức Giê-su trong thân phận làm người. Theo tác giả thư thứ nhất Gio-an, nhân tính Đức Giê-su không thể tách rời khỏi thiên tính của Người. Những kẻ phản Ki-tô đã sai lạc vì họ không tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến trong thân xác” (1Ga 4,2). Họ đã phân chia Đức Giê-su (1Ga 4,3) và tách rời “Đức Giê-su” (nhân tính) và “Đức Ki-tô” (thiên tính). Những kẻ phản Ki-tô đã hiểu sai giáo huấn và đạo lý chính thống của cộng đoàn. Từ đó dẫn đến những lệch lạc về đạo đức và luân lý.

    3. Mời gọi hiệp thông và giữ điều răn yêu thương

Phần trên cho thấy trong cộng đoàn thư thứ nhất Gio-an đã xảy ra khủng hoảng trầm trọng và chia rẽ. Nên nhiều lần tác giả mời gọi các thành viên trong cộng đoàn hiệp thông (koinônia) với nhau (1Ga 1,3a.3b.6.7). Tác giả kêu gọi ở 1Ga 1,3: “Điều chúng tôi thấy và chúng tôi nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em, để chính anh em cũng có sự hiệp thông với chúng tôi. Sự hiệp thông của chúng tôi với Cha và với Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô.

Tác giả thư thứ nhất còn kêu gọi tuân giữ điều răn yêu thương. Điều răn này không phải là điều răn mới, bởi vì đã có ngay từ khởi đầu. Khi cộng đoàn được thành lập, Đức Giê-su đã ban điều răn yêu thương cho các môn đệ ở Ga 13,34; 15,12. Tác giả viết ở 1Ga 2,7-8: “7 Anh em thân mến, không phải một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng một điều răn cũ mà anh em đã có từ khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. 8 Tuy nhiên, đó là một điều răn mới tôi viết cho anh em, – điều ấy là sự thật nơi Người và nơi anh em – vì bóng tối đang đi qua và ánh sáng thật đã tỏa sáng rồi.” Tác giả thư thứ nhất chơi chữ “cũ” và “mới” khi lập luận “điều răn cũ” là “điều răn mới”. Xem phân tích đề tài này trong: Tình yêu và tình bạn trong Ga 15,9-17, tr. 173-179; Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư, tr. 171-174.

Kết luận

Tìm hiểu Ba thư Gio-an là bước vào thế giới bản văn và rút ra từ đó những điều thiết thực cho độc giả ngày nay. Bản văn không nói rõ ai là tác giả của các thư, nên điều này không quan trọng. Điều quan trọng là chú ý tìm hiểu bản văn để hiểu thông điệp của lá thư. Chẳng hạn hoàn cảnh khó khăn và những lời mời gọi trong thư 1Ga gợi đến hoàn cảnh cộng đoàn mà độc giả đang sống. Qua bản văn, độc giả biết thế nào là hiểu đúng về Đức Giê-su để không rơi vào con đường sai lạc. Đồng thời nội dung các lá thư cho biết độc giả biết phải làm gì để giữ vững niềm tin và xây dựng cộng đoàn. Theo tác giả thư 1Ga, cộng đoàn được xây dựng dựa trên “sự hiệp thông” và “thực hành điều răn yêu thương”. Nhờ đó thẩm định và phân biệt “thần khí sự thật” hay “thần khí sai lầm”, “ngôn sứ thật” hay “ngôn sứ giả”. Các thư Gio-an giúp độc giả giữ vững đạo lý và xây dựng sự hiệp nhất và sống điều răn yêu thương trong cộng đoàn./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét