04/01/2024

Mt 2,1-12: Các nhà chiêm tinh (magoi) và Vua dân Do Thái





Danh từ Hy-lạp “ho magos” có hai nghĩa: (1) Gốc từ “magos” có nghĩa “lớn, great” chỉ về tầng lớp trí thức ở Trung Đông cổ, nhất là ở Ba-tư. Họ thường thuộc hàng thượng tế của tôn giáo địa phương và hiểu biết về thiên văn (experts in astrology). (2) Nghĩa thứ hai chỉ về các nhà phù thuỷ (magicians, sorcerers) sử dụng phép thuật (witchcraft).

Trong Tân Ước, từ “ho magos” xuất hiện 6 lần; gồm 4 lần ở số nhiều trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 2,1.7.16a.16b) dịch “các nhà chiêm tinh” vì họ biết về ý nghĩa các vì sao; và 2 lần ở số ít trong sách Công vụ Tông Đồ (Cv 13,6.8) có nghĩa “phù thuỷ”.

Trình thuật Mt 2,1-12 nói đến các nhà chiêm tinh và không cho biết bao nhiêu vị. Truyền thống dân gian gọi là “ba” nhà đạo sĩ vì dựa vào ba lễ vật họ dâng tiến Hài nhi Giê-su: vàng, nhũ hương và mộc dược. Cách gọi “ba vua” không đúng, vì họ không phải là “basileus” (vua, king) như “vua” Hê-rô-đê Cả (Mt 2,1) hay Hài nhi Giê-su được gọi là “vua dân Do Thái (basileus tôn Ioudaiôn)” (Mt 2,2).

Các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông so với Giê-ru-sa-lem và Bê-lem, nghĩa là họ đến từ phía vương quốc Ba-tư. Cựu Ước dùng biểu tượng “vì sao” để nói về một vị vua quyền thế sẽ xuất hiện từ nhà Ít-ra-en (Is 14,12; Ds 24,17). Các nhà chiêm tinh đã nhận ra vì sao của Vua dân Do Thái nơi Hài nhi Giê-su.

Câu chuyện các nhà chiêm tinh (Mt 2,1-12) đề cao hai điểm thần học của Tin Mừng Mát-thêu. (1) Đức Giê-su là Vua theo nghĩa phổ quát được các nhà chiêm tinh nhìn nhận; họ tượng trưng cho dân ngoại. (2) Cuộc đời trần thế của Đức Giê-su mở đầu (Giáng Sinh) và kết thúc (Chết trên thập giá) bằng tước hiệu “Vua dân Do Thái (basileus tôn Ioudaiôn)” (Mt 2,2; 27,37) theo nghĩa phổ quát: Vua dân Do Thái đem đến niềm vui ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại./.

04/01/2024. Giu-se Lê Minh Thông, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét