Bài viết tiếng Pháp và tiếng Anh:
Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 21 tháng 03 năm 2020.
Nội dung
I. Dấu lạ Đức Giê-su làm
1.
Hoá nước lã thành rượu ngon ở Ca-na (2,1-12)
2. Cứu sống con trai quan chức nhà vua (4,43-54)
3.
Chữa người đau ốm tại hồ Bết-da-tha (5,1-18)
4.
Hoá bánh và cá ra nhiều (6,1-15)
5.
Đi trên mặt biển hồ Ga-li-lê
(6,16-20)
6.
Cho người mù từ thuở mới sinh được thấy (9,1-41)
7. Gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,1-46)
8.
Mẻ cá lạ
lùng, 153 con (21,1-14)
II. Nói về dấu lạ Đức
Giê-su làm
1.
Ni-cô-đê-mô nói về dấu lạ (3,2)
2.
Thượng Hội Đồng nói về dấu lạ (11,47)
3.
Người thuật
chuyện nói về dấu lạ
III. Những cách dùng khác của từ “dấu lạ”
1.
Xin Đức Giê-su làm dấu lạ (2,18; 6,30)
2.
Gio-an Tẩy Giả
không làm dấu lạ (10,41)
3.
“Các dấu lạ
và những điềm thiêng” (4,48)
Kết luận
Dẫn nhập
Thông thường, danh từ Hy-lạp “sêmeion” có
nghĩa “dấu chỉ” (signe, sign) cho phép kết luận một điều gì đó mà dấu
chỉ nhắm tới. Chẳng hạn, sốt là dấu chỉ bị viêm nhiễm. Từ “dấu chỉ” còn dùng
trong các ký hiệu ngôn ngữ hay toán học. Nói chung, “dấu chỉ” chỉ có ý nghĩa
khi đặt trong một hệ thống.
Trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca),
các trình thuật “phép lạ” chiếm phần quan trọng và làm nên thể văn đặc thù của Tin
Mừng Nhất Lãm. Đức Giê-su thực hiện phép lạ chữa lành, phép lạ trên thiên
nhiên, phép lạ trừ quỷ, đặc biệt phép lạ làm cho người chết sống lại. Đây là
cách Đức Giê-su mặc khải quyền năng của Người trên bệnh tật, trên thiên nhiên
và trên sự chết. Tin Mừng Nhất Lãm dùng danh từ Hy-lạp “dunamis” (quyền
năng) để chỉ các phép lạ. Các bản dịch dùng từ “phép lạ” để dịch từ “dunamis”.
Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Mc 9,39b: “Không ai làm
phép lạ (dunamin) nhờ danh của Thầy và ngay sau đó có thể nói xấu Thầy.”
(Xem Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt, 2011). Người thuật chuyện cho biết dân chúng ngạc
nhiên về Đức Giê-su ở Mc 6,2: “Đến ngày sa-bát, Người (Đức Giê-su) bắt đầu giảng
dạy trong hội đường, nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên nói rằng: ‘Bởi đâu Ông
ta được như thế? Sự khôn ngoan được ban
cho Ông ấy và những phép lạ (hai dunameis) như thế nhờ tay Ông ấy nghĩa
là gì?’”
Tin Mừng Gio-an thuật lại một số phép lạ có trong
Tin Mừng Nhất Lãm và một số phép lạ không có trong Tin Mừng Nhất Lãm. Điều đáng
chú ý là Tin Mừng Gio-an không dùng từ “phép lạ” (dunamis) mà dùng từ “sêmeion”
(dấu lạ), nghĩa gốc là “dấu chỉ”. Từ “sêmeion” trong Tin Mừng Gio-an được
dịch là “dấu lạ” vì đó là những “phép lạ” Đức Giê-su làm. Từ “dấu lạ” có ý
nghĩa quan trọng trong thần học Tin Mừng liên quan đến sứ vụ và căn tính của Đức
Giê-su. Người làm các dấu lạ và chính Người cho biết ý nghĩa của dấu lạ như ở Ga
5; 6; 11 (xem phân tích dưới đây).
Từ “dấu lạ” (sêmeion) xuất hiện 17 lần trong
Tin Mừng Gio-an ở các nơi: 2,11.18.23; 3,2; 4,48.54; 6,2.14.26.30; 7,31; 9,16;
10,41; 11,47; 12,18.37; 20,30. Trong đó, 11 lần ở số nhiều: “sêmeia”
(những dấu lạ) ở 2,11.23; 3,2; 4,48; 6,2.26; 7,31; 9,16; 11,47; 12,37; 20,30;
và 6 lần ở số ít: “sêmeion” (dấu lạ) ở 2,18; 4,54; 6,14.30; 10,41;
12,18. Tin Mừng Gio-an thuật lại bao nhiêu dấu lạ?
Người thuật chuyện sử dụng từ “dấu lạ” (sêmeion) như
thế nào? Các nhân vật trong câu chuyện nhận định ra sao về “các dấu lạ” Đức
Giê-su làm? Bài viết trả lời những câu hỏi này qua
ba mục: (I) dấu lạ Đức Giê-su làm; (II) nói về dấu lạ Đức Giê-su làm; (III) những
cách dùng khác của từ “dấu lạ”.
I. Dấu lạ Đức Giê-su làm
Trong 17 lần từ “sêmeion” (dấu lạ) nêu trên,
có 7 lần từ này nói về dấu lạ Đức Giê-su làm (2,11; 4,54; 7,31; 6,14.26; 9,16;
12,18). Có thể nói đến 8 dấu lạ trong Tin Mừng. Trong đó bốn trình thuật được
xác định rõ là “dấu lạ”: (1) nước hoá thành rượu ngon (2,11); (2) chữa lành con
trai viên quan chức nhà vua (4,54); (3) hoá bánh và cá ra nhiều (6,14); (4) gọi
La-da-rô ra khỏi mồ (12,18). Hai dấu lạ được nói đến gián tiếp: (5) chữa lành
người 38 năm đau ốm (7,31); (6) cho người mù từ thuở mới sinh được thấy (9,16).
Hai trình thuật (7) đi trên mặt biển hồ Ti-bê-ri-a (6,16-20) và (8) mẻ cá lạ
lùng (21,1-14) có thể xem là dấu lạ vì sự lạ lùng của sự kiện chứ từ “dấu lạ”
không xuất hiện trong hai trình thuật này. Dưới đây là chi tiết 8 dấu lạ theo
thứ tự trong bản văn Tin Mừng Gio-an.
1.
Hoá nước lã thành rượu ngon ở Ca-na (2,1-12)
Sau khi Đức Giê-su hoá nước lã thành rượu ngon
trong tiệc cưới ở Ca-na (2,1-10), người thuật chuyện cho biết: “Đức Giê-su đã
làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Người đã tỏ vinh quang của
Người, và các môn đệ của Người đã tin vào Người” (2,11). (Xem Bản văn Gio-an,
Tin Mừng và Ba thư, 2011). Câu “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên
này” (2,11a) dịch sát tiếng Hy-lạp: “Đây là lần đầu tiên của các dấu lạ (tôn
sêmeiôn) Đức Giê-su đã làm” (2,11a). Từ “tôn sêmeiôn” là danh từ “sêmeion”
ở thuộc cách (genitive) số nhiều (sêmeiôn) có mạo từ (tôn).
Như thế, dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su làm tại Ca-na là dấu lạ thứ nhất trong một
chuỗi các dấu lạ (số nhiều). Dấu lạ đầu tiên đã gợi đến những dấu lạ khác trong
trình thuật Tin Mừng.
2. Cứu sống con trai quan chức nhà vua (4,43-54)
Dấu lạ thứ hai được nói rõ trong Tin Mừng là câu
chuyện Đức Giê-su cứu sống con trai một quan chức nhà vua (4,43-54). Trình
thuật này kết như sau: “Đó là dấu lạ (sêmeion) thứ hai Đức Giê-su đã
làm, khi Người từ Giu-đê đến Ga-li-lê” (4,54). Dấu lạ thứ hai xảy ra ở Ca-na
(4,46), gợi lại dấu lạ thứ nhất ở Ca-na: nước lã hoá thành rượu ngon (2,1-12).
3.
Chữa người đau ốm tại hồ Bết-da-tha (5,1-18)
Đoạn văn 5,1-18 thuật lại việc Đức Giê-su chữa
lành người 38 năm đau ốm (5,5). Mặc dù từ “dấu lạ” không xuất hiện trong đoạn
văn 5,1-18, nhưng Ga 7 có nhắc đến chữa lành ở ch. 5 (7,14-29) và trong mạch văn,
đám đông xem việc chữa lành này là dấu lạ (7,14-36).
Thật vậy, khi tranh luận với những người Do Thái ở 7,14-29, Đức Giê-su nói
với họ 7,23: “Nếu người ta chịu phép cắt bì trong ngày sa-bát để luật Mô-sê
không bị vi phạm, sao các ông nổi giận với tôi, vì tôi đã làm cho toàn thân một
người được khoẻ mạnh trong ngày sa-bát?” Chi tiết “làm cho toàn thân một người
được khoẻ mạnh trong ngày sa-bát?” (7,23b) gợi lại trình thuật chữa lành người
38 năm đau ốm vào ngày sa-bát ở 5,1-18. Sau đó, người thuật chuyện kể lại lời
đám đông nói về các dấu lạ Đức Giê-su làm trong câu tóm kết tranh luận ở 7,31:
“Trong đám đông, nhiều người đã tin vào Người (Đức Giê-su), họ nói: ‘Khi Đấng
Ki-tô đến, Người sẽ làm nhiều dấu lạ (pleiona sêmeia) hơn dấu lạ
Ông này đã làm không?’” Mạch văn ch. 7 cho phép hiểu từ cụm từ “nhiều dấu lạ” trong
lời của đám đông (7,31b), bao gồm cả dấu lạ Đức Giê-su chữa lành người đau ốm ở
5,1-18.
4.
Hoá bánh và cá ra nhiều (6,1-15)
Dấu lạ thứ tư là hoá bánh và cá ra nhiều (6,1-15).
Người thuật chuyện kể ở 6,14: “Khi thấy dấu lạ (sêmeion) Người (Đức Giê-su)
làm, người ta nói: ‘Ông này thực sự là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian.’”
Sau đó, dân chúng đi tìm và gặp lại Đức Giê-su vào ngày hôm sau (6,22) ở bên
kia Biển Hồ (6,25a). Họ nói với Người ở 6,25b: “Thưa Ráp-bi, Thầy đến đây bao
giờ?” Đức Giê-su trả lời họ ở 6,26: “A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Các ông
tìm Tôi không phải vì đã thấy những dấu lạ (sêmeia), nhưng vì các ông đã
ăn bánh và đã được no nê.” Trong câu này, Đức Giê-su dùng từ “dấu lạ” ở số
nhiều, Người nói về dấu lạ bánh hoá nhiều và những dấu lạ khác Người đã làm. Điều
trớ trêu là đám đông chỉ thấy sự kiện lạ lùng qua việc bánh và cá hoá nhiều chứ
không thấy “dấu lạ”, nghĩa là không hiểu ý nghĩa của dấu lạ. Đức Giê-su sẽ mặc
khải ý nghĩa dấu lạ trong diễn từ bánh sự sống (6,25-59).
5.
Đi trên mặt biển hồ Ga-li-lê
(6,16-20)
Trình thuật Đức Giê-su đi trên mặt biển hồ
Ga-li-lê (6,16-20) tiếp nối dấu lạ
bánh và cá hoá nhiều (6,1-15). Chỉ có các môn đệ chứng kiến dấu lạ này. Bản văn
không nói rõ biến cố này là dấu lạ. Tuy nhiên trình thuật có hai chi tiết lạ
lùng: (1) Đức Giê-su đi trên Biển Hồ và đến với các môn đệ. Người thuật chuyện
kể ở 6,19-20: “19 Khi đã chèo được khoảng 25 đến 30 dặm, các ông (các môn đệ)
thấy Đức Giê-su đi trên Biển Hồ và đang tới gần thuyền, các ông sợ hãi. 20
Nhưng Người nói với các ông: ‘Chính là Thầy, đừng sợ!’” (2) Chi tiết lạ lùng
thứ hai là cách thức thuyền được đưa vào bờ. Người thuật chuyện kể ở 6,21: “Các
ông (các môn đệ) muốn đưa Người (Đức Giê-su) lên thuyền, và ngay lúc đó thuyền
đã tới đất liền nơi các ông đi đến.” Qua hai chi tiết lạ lùng này, có thể xem
trình thuật Đức Giê-su đi trên mặt biển hồ Ti-bê-ri-a (6,16-20) là dấu lạ.
6.
Cho người mù từ thuở mới sinh được thấy (9,1-41)
Dấu lạ thứ năm là Đức Giê-su chữa người mù từ thuở
mới sinh (9,1-41). Trình thuật chữa lành (9,6-7) không dùng từ “dấu lạ”, nhưng trong
phần tranh luận (9,8-34), những người Pha-ri-sêu xem việc “người mù từ thuở mới
sinh được thấy” là dấu lạ. Người thuật chuyện kể ở 9,16: “Vậy một số người
trong nhóm Pha-ri-sêu nói: ‘Ông ta (Đức Giê-su) không phải là người đến
từ Thiên Chúa, vì Ông ta không giữ ngày sa-bát.’ Những người khác nói: ‘Làm sao
một người tội lỗi có thể làm được những dấu lạ (sêmeia) như thế?’ Và đã
có sự chia rẽ giữa họ.” Danh từ “dấu lạ” ở số nhiều: “những dấu lạ” (9,16), vừa
nói về dấu lạ ngay trước đó (người mù được thấy), vừa gợi về các dấu lạ khác Đức
Giê-su đã làm.
7. Gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,1-46)
Dấu lạ thứ sáu là gọi La-da-rô ra khỏi mồ
(11,1-46). Bản văn xác định việc Đức Giê-su làm là “dấu lạ” trong trình thuật
Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem (12,12-19). Đám đông cầm nhành lá thiên tuế
đón Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và làm chứng về dấu lạ La-da-rô sống lại. Người
thuật chuyện kể ở 12,17-18: “17 Vậy đám đông làm chứng, họ là những người đã có
mặt với Người (Đức Giê-su), khi Người gọi La-da-rô ra khỏi mồ và làm cho anh ấy
trỗi dậy từ giữa những kẻ chết. 18 Vì lẽ đó, đám đông đến đón Người, bởi họ
nghe biết Người làm dấu lạ (sêmeion) đó.” Dấu lạ này đặc biệt quan trọng,
vì là dấu lạ cuối cùng trong sứ vụ của Đức Giê-su. Người thực hiện dấu lạ này
để mặc khải về ý nghĩa “sự chết” và “sự sống lại” của Người cũng như “sự chết” và
“sự sống” của người tin qua mọi thời đại. Đức Giê-su gọi La-da-rô ra khỏi mồ để
minh hoạ cho điều Người đã mặc khải cho Mác-ta trước đó, ở 11,25-26a: “25 Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được
sống, 26a và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.”
8.
Mẻ cá lạ lùng, 153 con (21,1-14)
Tương tự như trình thuật Đức Giê-su đi trên mặt
Biển Hồ (6,16-20), trình thuật mẻ cá lạ lùng ở cuối sách Tin Mừng (21,1-14),
cũng ở biển hồ Ti-bê-ri-a, không được bản văn nói rõ là dấu lạ. Tuy nhiên câu
chuyện xảy ra cách lạ lùng như sau: Các môn đệ đánh cá suốt đêm mà không bắt
được gì (21,3d). Khi trời sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển và nói với họ:
“Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, và anh em sẽ tìm thấy” (21,6a). Sự lạ lùng
đã xảy ra qua lời kể của người thuật chuyện ở 21,6b: “Vậy các ông thả lưới,
và rồi không sao kéo lên nổi vì đầy cá.” Nên có thể xem câu chuyện này là dấu
lạ thứ 8 trong Tin Mừng.
II. Nói về dấu lạ Đức
Giê-su làm
Từ “sêmeion” (dấu lạ) xuất hiện 6 lần trong
Tin Mừng để nói về các dấu lạ Đức Giê-su làm (3,2; 11,47; 2,23; 6,2; 12,37;
20,30) và được xếp vào ba trường hợp: (1) Ni-cô-đê-mô nói về dấu lạ của Đức
Giê-su (1 lần, 3,2); (2) Thượng Hội Đồng Do Thái nói về dấu lạ (1 lần, 11,47);
(3) người thuật chuyện nói về dấu lạ (4 lần, 2,23; 6,2; 12,37; 20,30).
1.
Ni-cô-đê-mô nói về dấu lạ (3,2)
Trong trình thuật 3,1-12, Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức
Giê-su ban đêm. Ông ấy nói với Đức Giê-su về các dấu lạ ở 3,2: “Thưa Ráp-bi,
chúng tôi biết rằng: Ngài là một vị Thầy đến từ Thiên Chúa, vì không ai
có thể làm được những dấu lạ (sêmeia) Ngài làm, nếu Thiên Chúa không ở
với người ấy.” Ngay từ đầu sách Tin Mừng (ch. 3), Ni-cô-đê-mô là một trong
những người Pha-ri-sêu và là một thủ lãnh những người Do Thái, đã biết đến Đức
Giê-su như là “người làm các dấu lạ.” Sau dấu lạ nước lã hoá thành rượu ngon ở
Ca-na (2,1-12) và trước khi bắt đầu câu chuyện Ni-cô-đê-mô đầu ch. 3, người thuật
chuyện tóm kết ở 2,23: “Trong lúc Người ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều
kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm.” Vậy Đức
Giê-su đã làm những dấu lạ khác không được thuật lại trong Tin Mừng, nên Ni-cô-đê-mô
đã dùng từ “dấu lạ” ở số nhiều khi nói với Đức Giê-su ở 3,2b: “không ai có thể
làm được những dấu lạ (sêmeia) Ngài làm.” Dấu lạ là đề tài quan trọng
trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ, và cũng vì dấu lạ mà Người bị Thượng
Hội Đồng Do Thái kết án chết (11,47-53).
2.
Thượng Hội Đồng nói về dấu lạ (11,47)
Nhóm nhân vật “các thượng tế và những người
Pha-ri-sêu” xác nhận Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ. Sau dấu lạ gọi La-da-rô ra
khỏi mồ (11,1-46), nhóm này đã triệu tập Thượng Hội Đồng và nói với nhau về Đức
Giê-su ở 11,47b-48: “47b Chúng ta làm gì đây vì người này (Đức Giê-su) làm
nhiều dấu lạ (polla sêmeia)? 48 Nếu chúng ta cứ để Ông ấy như thế tất cả
sẽ tin vào Ông ấy, và người Rô-ma sẽ đến, họ sẽ huỷ diệt nơi thánh và dân tộc chúng
ta.” Sau đó họ làm theo đề nghị của Cai-pha ở 11,49b-50: “49b Các ông không
biết gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ rằng: Điều lợi cho các ông là một người
chết cho dân và toàn thể dân tộc không bị tiêu diệt.” Người thuật chuyện cho
biết lựa chọn cuối cùng của Thượng Hội Đồng Do Thái ở 11,53: “Vậy từ ngày đó,
họ quyết định giết Người (Đức Giê-su).” Như thế, Đức Giê-su bị kết án chết vì
những dấu lạ Người đã làm. Dấu lạ dẫn Người đến cái chết là dấu lạ gọi La-da-rô ra
khỏi mồ (11,1-46). Điều nghịch lý và nét châm biếm là Người làm cho người khác
sống lại thì sắp phải chết. Nghịch lý này cho độc giả thấy hai mặc khải quan trọng:
(1) Về phía Đức Giê-su, khi gọi La-da-rô ra khỏi mồ Người bày tỏ quyền năng của
Người trên sự chết. Nghĩa là Người bị giết chết nhưng Người sẽ sống lại. (2) Về
phía người tin, Đức Giê-su không đề cao sự sống thể lý khi gọi La-da-rô ra khỏi
mồ nhưng để khẳng định lời Người nói với Mác-ta ở 11,25-26a là có cơ sở để tin (xem
trích dẫn trên đây).
3.
Người thuật chuyện nói về dấu lạ
Người thuật chuyện dùng từ “sêmeion” (dấu
lạ) bốn lần (2,23; 6,2; 12,37; 20,30) để nói về các dấu lạ Đức Giê-su làm. Lần
thứ nhất trong phần tóm kết cuối ch. 2 ở 2,23-25: “23 Trong lúc Người (Đức
Giê-su) ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người
khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin
họ, vì Người biết tất cả, 25 và Người không cần có ai làm chứng về con người,
vì chính Người biết có gì nơi con người.” Nhiều người đã tin vào Đức Giê-su khi
thấy những dấu lạ (sêmeia) Người làm, nhưng Đức Giê-su đã không tin vào
niềm tin của họ. Đây là trường hợp tin nhờ dấu lạ nhưng chưa phải là lòng tin
đích thực. Lòng tin này cần được củng cố thêm qua việc lắng nghe và đón nhận giáo
huấn Đức Giê-su. (Xem bài viết: “Tin (pisteuô) trong Tin Mừng Gio-an”).
Lần thứ hai ở đầu ch. 6. Trong chương này từ “dấu
lạ” xuất hiện nhiều nhất (4 lần: 6,2.14.26.30) trong Tin Mừng. Dấu lạ bánh và cá
hoá nhiều (6,4-15) mở đầu bằng việc nhắc lại “những dấu lạ Đức Giê-su đã làm”
(6,2). Người thuật chuyện kể ở 6,1-3: “1 Sau những điều đó, Đức Giê-su đi qua
bên kia biển hồ Ga-li-lê, gọi là Ti-bê-ri-a. 2 Một đám đông lớn đi theo Người,
vì họ đã thấy những dấu lạ (sêmeia) Người làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức
Giê-su lên núi và ngồi ở đó với các môn đệ của Người.” Như thế, dấu lạ hoá bánh
và cá ra nhiều được nối kết với các dấu lạ khác, đặc biệt là hai dấu lạ chữa
lành trước đó: chữa người đau ốm tại hồ Bết-da-tha (5,1-18) và cứu sống con
trai quan chức nhà vua (4,43-54).
Lần thứ ba người thuật chuyện dùng từ “dấu lạ” ở
12,37. Những dấu lạ Đức Giê-su làm không nhất thiết làm cho người chứng kiến
tin vào Người. Người thuật chuyện tóm kết sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su ở
12,37: “Người (Đức Giê-su) đã làm quá nhiều dấu lạ (sêmeia) trước mặt
họ, mà họ không tin vào Người.” Nhận xét này vừa gợi lại xung đột trong Tin
Mừng, vì bản văn được trình bày như một vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối; vừa
hướng về biến cố Giờ của Đức Giê-su: Thương Khó – Phục Sinh, vì biến cố này
giúp độc giả nhận ra Đức Giê-su thực sự là ai. Như thế câu 12,37 vừa tóm kết sứ
vụ, vừa dẫn vào các diễn từ từ biệt (Ga 13–17). Vì không đón nhận, không tin
vào Đức Giê-su mà những kẻ chống đối đã tìm cách giết Người. Tuy nhiên theo
thần học Tin Mừng, giờ Thương Khó của Đức Giê-su là giờ Người được tôn vinh (12,23;
13,31-32; 17,1).
Lần thứ tư, người thuật chuyện kết luận sách Tin
Mừng bằng cách đề cao “những dấu lạ Đức Giê-su đã làm” ở 20,30-31: “30 Đức
Giê-su đã làm nhiều dấu lạ (sêmeia) khác trước mặt các môn đệ [của Người]; chúng không được ghi chép trong sách
này. 31 Còn những điều đã được ghi chép là để anh em tin rằng: Đức Giê-su là
Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người.”
Tóm lại, sách Tin Mừng Gio-an mở đầu bằng dấu lạ
(2,11), phần lớn nội dung Tin Mừng thuật lại các dấu lạ (ch 4–9), sứ vụ rao giảng
của Đức Giê-su kết thúc bằng dấu lạ (ch. 11) và cuối cùng, kết luận sách Tin
Mừng nói đến dấu lạ (20,30). Vậy “dấu lạ” là một trong những đề tài chính của
Tin Mừng Gio-an. Ngoài ra còn có một số cách dùng khác của từ “sêmeion”.
III. Những cách dùng khác của từ “dấu lạ”
Từ “sêmeion” (dấu lạ) trong Tin Mừng còn được
nói đến theo quan điểm của người khác và theo nghĩa khác. Phần sau sẽ tìm hiểu
ba trường hợp: (1) người ta xin Đức Giê-su làm dấu lạ (2 lần, 2,18; 6,30); (2) Tin
Mừng cho biết Gio-an Tẩy Giả không làm dấu lạ (1 lần, 10,41); (3) Đức Giê-su
dùng kiểu nói “các dấu lạ và những điềm thiêng (sêmeia kai terata)” (1
lần, 4,48).
1.
Xin Đức Giê-su làm dấu lạ (2,18; 6,30)
Hai lần (2,18; 6,30) từ “dấu lạ” (ở số ít) ở cho
biết các khán thính giả đòi Đức Giê-su làm dấu lạ. Sau khi Đức Giê-su đuổi
những kẻ buôn bán khỏi Đền Thờ (2,13-17), những người Do Thái chất vấn Người ở
2,18: “Bằng dấu lạ (sêmeion) nào Ông chứng tỏ cho chúng tôi là Ông có
quyền làm những điều đó?” Lần thứ hai ở trong diễn từ bánh sự sống
(6,25-59). Sau khi đám đông chứng kiến dấu lạ hoá bánh và cá ra nhiều (6,1-15),
họ gặp lại Đức Giê-su ngày hôm sau (6,25). Trình thuật tiếp theo là diễn từ
bánh sự sống (6,25-59). Trong phần này đám đông hỏi Đức Giê-su ở 6,30: “Vậy
chính Ông, Ông làm dấu lạ (sêmeion) nào để chúng tôi thấy và chúng tôi
tin Ông? Ông sẽ làm việc gì?” Cả hai trường hợp xin Đức Giê-su làm dấu lạ trên
đây (2,18; 6,30) đều đặt trong bối cảnh thách thức và xung đột, vì thế Đức
Giê-su đã không thực hiện dấu lạ nào cho họ.
2.
Gio-an Tẩy Giả
không làm dấu lạ (10,41)
Trong lần tranh luận cuối cùng giữa Đức Giê-su và
những người Do Thái ở 10,22-38, họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng người thuật
chuyện cho biết ở 10,39b-40: “39b Người (Đức Giê-su) đã thoát khỏi tay họ. 40 Người
lại ra đi, sang bên kia Gio-đan, đến chỗ trước kia Gio-an đã làm phép rửa, và
Người ở lại đó.” Người thuật chuyện kể tiếp về thái độ dân chúng ở 10,41-42:
“41 Nhiều người đến với Người (Đức Giê-su) và họ nói rằng: ‘Gio-an đã không làm
một dấu lạ (sêmeion) nào cả, nhưng mọi điều Gio-an nói về người này là
thật.’ 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Người.” Nhận định này gợi đến những dấu
lạ Đức Giê-su đã làm theo nghĩa Gio-an Tẩy Giả không làm dấu lạ, nhưng Đức
Giê-su đã làm nhiều dấu lạ. Điều này được minh chứng qua sáu dấu lạ Đức Giê-su
đã thực hiện trước đó (từ ch. 2 đến ch. 9). Hơn nữa, bản văn còn nói tới nhiều dấu
lạ khác không được kể lại trong Tin Mừng (2,23; 20,30).
3.
“Các dấu lạ và những điềm thiêng” (4,48)
Trong Tin Mừng Gio-an, từ “dấu lạ” (sêmeion)
xuất hiện 1 lần trong cụm từ “các dấu lạ và những điềm thiêng” (sêmeia kai
terata) ở 4,48. Khi viên quan chức nhà vua xin chữa bệnh cho đứa con trai ở
Ca-phác-na-um (4,46-47), Đức Giê-su nói với ông ấy ở 4,48: “Nếu các ông không
thấy các dấu lạ và những điềm thiêng (sêmeia kai terata), chắc chắn các
ông không tin.” Tuy nhiên, sau đó Đức Giê-su đã chữa lành con trai của viên
quan chức nhà vua bằng một lời nói. Người thuật chuyện kể ở 4,50: “Đức Giê-su nói với ông ấy: ‘Ông hãy đi về, con ông
sống.’ Người này tin vào lời Đức Giê-su nói với mình và đi về.”
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, cụm từ “các dấu lạ và
những điềm thiêng” xuất hiện trong diễn từ cánh chung (Mc 13,22; Mt 24,24). Đức
Giê-su nói với các môn đệ ở Mc 13,22: “Vì sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả
xuất hiện, làm các dấu lạ và những điềm thiêng (sêmeia kai terata) để
lừa gạt những người được tuyển chọn, nếu có thể.” Từ “dấu lạ” trong cụm từ trên
có nghĩa khác với từ “dấu lạ” (sêmeion) trong thần học Tin Mừng Gio-an
như đã trình bày.
Kết luận
Trong Tin Mừng Gio-an, 17 lần từ “sêmeion” xuất
hiện trong ba trường hợp:
(1) Các dấu lạ Đức Giê-su làm (7 lần) liên quan đến
6 dấu lạ:
- Dấu lạ nước hoá thành rượu ngon, 1 lần 2,11.
- Dấu lạ cứu sống con trai một viên quan chức, 1
lần: 4,54.
- Dấu lạ chữa người 38 năm đau ốm, 1 lần: 7,31.
- Dấu lạ bánh và cá hoá nhiều, 2 lần: 6,14.26.
- Dấu lạ chữa người mù từ thuở mới sinh, 1 lần:
9,16.
- Dấu lạ gọi La-da-rô ra khỏi mồ, 1 lần: 12,18.
(2) Người khác nói về dấu lạ Đức Giê-su làm (6
lần)
- Ni-cô-đê-mô nói, 1 lần: 3,2.
- Thượng Hội Đồng Do Thái, 1 lần: 11,47.
- Người thuật chuyện, 4 lần: 2,23; 6,2; 12,37;
20,30.
(3) Cách dùng khác của từ “sêmeion” (4 lần)
- Xin Đức Giê-su làm dấu lạ, 2 lần: 2,18;
6,30.
- Gio-an Tẩy giả không làm dấu lạ, 1 lần: 10,41.
- Kiểu nói: “các dấu lạ và những điềm thiêng”, 1
lần: 4,48.
Những cách dùng từ “dấu lạ” (sêmeion) như
trên cho thấy đề tài “dấu lạ” phong phú và khá phức tạp. Cần đặt từ này trong
bối cảnh từng đoạn văn để hiểu ý nghĩa của chúng. Các nhân vật trong Tin Mừng
nói đến “dấu lạ” với cách hiểu khác nhau. Các thượng tế và những người Pha-ri-sêu
nói về dấu lạ (11,47), nhưng họ không hiểu dấu lạ theo nghĩa như Đức Giê-su
muốn. Vì nếu họ thực sự hiểu ý nghĩa dấu lạ Đức Giê-su làm thì họ đã tin vào
Người.
Người thuật chuyện lựa chọn thuật lại một số dấu
lạ và kèm theo diễn từ của Đức Giê-su, giúp độc giả hiểu ý nghĩa dấu lạ. Chẳng
hạn, diễn từ sau dấu lạ chữa lành người 38 năm đau ốm (ch. 5), diễn từ sau dấu
lạ bánh và cá hoá nhiều (ch. 6), tranh luận sau dấu lạ chữa lành người mù từ
thuở mới sinh (ch. 9). Ở ch. 11, Đức Giê-su mặc khải ý nghĩa dấu lạ (11,25-26) trước
khi gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,43). Với lối trình bày độc đáo: “dấu lạ –
diễn từ” như trên làm cho thần học về “dấu
lạ” trong Tin Mừng Gio-an khác với nghĩa của từ “sêmeion” (signe)
trong Tin Mừng Nhất lãm hay trong các bản văn khác của Tân Ước.
Tin Mừng thuật lại bảy dấu lạ trong 12 chương đầu
(Ga 1–12) và một dấu lạ trong chương cuối (ch. 21). Dựa vào đặc điểm này, người
ta thường gọi 12 chương đầu sách Tin Mừng (Ga 1–12) là “Sách Các Dấu Lạ”, phần Ga
13–21 là “Sách Giờ Tôn Vinh”. Một số tác giả xem hai trình thuật: thanh tẩy đền
thờ (2,13-22) và rửa chân cho các môn đệ (13,1-19) là dấu chỉ (sêmeion).
Tuy nhiên, hai đoạn văn này không có yếu tố lạ lùng của phép lạ nên không phải
là “dấu lạ” theo thần học Tin Mừng.
Mỗi dấu lạ mặc khải một số khía cạnh liên quan đến ba câu hỏi về Đức Giê-su: Người từ đâu tới? Người là ai? Sứ vụ là gì? Đặc biệt các dấu lạ Đức Giê-su làm có liên hệ mật thiết với biến cố thập giá. Ngay từ dấu lạ đầu tiên (hoá nước lã thành rượu ngon) Đức Giê-su đã nói về “Giờ” của Người (2,4) và người thuật chuyện nói về việc bày tỏ “vinh quang” (2,11). Hai đề tài “Giờ” và “vinh quang” gợi đến biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Dấu lạ cuối trong sứ vụ rao giảng (gọi La-da-rô ra khỏi mồ) đã dẫn tới quyết định của Thượng Hội Đồng Do Thái: Đức Giê-su phải chết (11,47-53). Nói cách khác, các dấu lạ dẫn Đức Giê-su đến biến cố Giờ của Người và ngược lại biến cố Giờ tôn vinh trên thập giá giúp độc giả hiểu ý nghĩa đích thực của các dấu lạ. Thương Khó – Phục Sinh là biến cố nền tảng bày tỏ căn tính của Đức Giê-su. Vì thế, sau khi thuật lại các dấu lạ và biến cố Giờ của Đức Giê-su, tác giả kết luận sách ở 20,31: “Còn những điều đã được ghi chép là để anh em tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người.” Qua trình thuật các dấu lạ, độc giả được mời gọi tin vào Đức Giê-su để có sự sống đích thực, vì mục đích của dấu lạ là “để anh em tin” (20,21a).
Về thần học, có thể nói trong Tin Mừng Gio-an chỉ
có “dấu lạ” chứ không có “phép lạ”, bởi vì người thuật chuyện cố ý dùng từ “dấu
lạ” (sêmeion), không dùng từ “phép lạ” (dunamis). Vì thế, nếu độc
giả dùng từ “phép lạ” để nói về “dấu lạ” trong Tin Mừng Gio-an thì chưa cảm nhận
được nét thần học độc đáo về “dấu lạ” của Tin Mừng này./.
Thưa cha giáo, cám ơn cha qua bài viết này con mới hiểu được Tin mừng Thánh Gioan chỉ nói về dấu lạ, mà mỗi dấu lạ lại được mặc khải một số khía cạnh liên quan đến ba câu hỏi quan trọng: Đức Giê-su từ đâu tới? Người là ai? Sứ vụ của Người là gì? vậy đây có phải là điểm chính trong Tin mừng Gioan không ??? con xin Chúa ban cho cha giáo nhiều sức khỏe.
Trả lờiXóaCảm ơn độc giả đã nhận xét.
XóaĐúng như vậy, dấu lạ là một trong những đề tài độc đáo riêng của Tin Mừng Gio-an. Còn nhiều đề tài khác riêng của Tin Mừng này chẳng hạn kiểu nói “Ta là”, xem bài viết: “Ta là (egô eimi) trong Tin Mừng Gio-an” tại địa chỉ:
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2014/03/ta-la-ego-eimi-trong-tin-mung-gio-an.html