23/03/2020

Tin vào ai, tin điều gì, tin thế nào? (TM Gio-an)



Bài viết tiếng Pháp và tiếng Anh:

Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 23 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Tin vào ai?
    1. Tin vào Đức Giê-su
        a) Bốn cách dùng “pisteuô + eis(tin vào…)
        b) Cách dùng “pisteuô + tặng cách” (tin vào…)
    2. Tin vào Thiên Chúa
    3. Tin vào Mô-sê
    4. Tin vào dân chúng
II. Tin điều gì?
    1. Chín nội dung niềm tin
        a) Năm nội dung với pisteuô hoti...” (tin rằng:...)
        b) Ba nội dung với pisteuô + tặng cách”
        c) Một nội dung quan trọng với pisteuô + đối cách”
    2. Hai cách dùng khác (pisteuô + tặng cách)
III. Tin (không có bổ túc từ)
    1. Số lần xuất hiện
    2. Ý nghĩa
IV. Ba cấp độ tin vào Đức Giê-su
    1. Không thực sự tin (8,31)
    2. Chưa thực sự tin (2,23-25)
    3. Thực sự tin
        a) Nhờ dấu lạ
        b) Nhờ lời Đức Giê-su
        c) Nhờ lời các môn đệ
Kết luận



Dẫn nhập

Trong Tin Mừng Gio-an, động từ Hy-lạp “pisteuô” (tin) xuất hiện 99 lần. Tính từ “pistos” (người tin) và tính từ “apistos” (người không tin) chỉ xuất hiện 1 lần ở 20,27. Đức Giê-su Phục Sinh nói với Tô-ma ở 20,27: “Đưa ngón tay của anh vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay của anh ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng trở thành người không tin (apistos), nhưng là người tin (pistos).” (Xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ).

99 lần động từ “pisteuô” trong Tin Mừng được phân bổ thế nào? Nếu chia Tin Mừng thành hai phần lớn: (1) sách các dấu lạ (Ga 1–12) và (2) sách Giờ tôn vinh (Ga 13–21) thì có hơn 3/4 lần (77/99 lần) động từ “tin” trong sách các dấu lạ. 22 lần trong Ga 13–21. Vậy đề tài này được triển khai chủ yếu trong ch. 1–12. Số lần động từ “tin” tăng dần trong 12 chương đầu và giảm dần trong ch. 13–21. Nếu chia Tin Mừng thành nhiều phần, với độ dài khoảng 4 chương, thì đỉnh cao số lần động từ “tin” ở ch. 9–12. Cụ thể trong các phần: ch. 1–4: 22 lần; ch. 5–8: 26 lần; ch. 9–12: 29 lần; ch. 13–17: 15 lần; ch. 18–21: 7 lần. Các chương có động từ “tin” nhiều nhất, theo thứ tự giảm dần, là ch. 12 (10 lần); ch. 6 (9 lần); ch. 11 (9 lần); ch. 3 (8 lần); ch. 4 (7 lần); ch. 5 (7 lần); ch. 14 (7 lần); ch. 10 (6 lần); ch. 20 (6 lần). Động từ này xuất hiện 1 lần  trong hai chương (13,19; 19,35) và không xuất hiện trong ba chương (ch. 15; 18; 21). Xem liệt kê chi tiết 99 lần động từ “tin” tại “pisteuô (tin), pistos (người tin) và apistos (người không tin) trong Tin Mừng Gio-an.”

Trong lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18) đề tài “tin” (pisteuô) được nói đến cách long trọng. Người thuật chuyện cho biết Gio-an Tẩy Giả làm chứng về Đức Giê-su là “để mọi người tin nhờ ông ấy” (1,7). Người tin được định nghĩa ở 1,12-13: “12 Những ai đã đón nhận Người (Logos), Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ là những người tin vào danh của Người. 13 Họ được sinh ra không bởi khí huyết, cũng không bởi ước muốn của người phàm, cũng không bởi ước muốn của đàn ông, nhưng bởi Thiên Chúa.” Trong ch. 1–12, người thuật chuyện triển khai đề tài “tin” qua lời nói và việc làm của Đức Giê-su. Trong ch. 13–17, Đức Giê-su khích lệ các môn đệ giữ vững niềm tin ở 14,1: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy.” Trong kết luận thứ nhất sách Tin Mừng, người thuật chuyện viết ở 20,30-31: “30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ [của Người]; chúng không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được ghi chép là để anh em tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người.” Tóm lại, đề tài “tin” xuyên suốt Tin Mừng và là mục đích sách Tin Mừng, những gì được viết ra là để độc giả tin và có sự sống.

Người thuật chuyện nhấn mạnh hành động “tin” bằng cách chỉ dùng động từ “pisteuô”, còn danh từ “pistis” (lòng tin, đức tin) không xuất hiện trong Tin Mừng. Để tìm hiểu đề tài: “Tin vào ai, tin điều gì, tin thế nào?”, bài viết trình bày bốn mục: (I) tin vào ai?; (II) tin điều gì?; (III) tin (không có bổ túc từ); (IV) ba cấp độ tin vào Đức Giê-su. Mục I-III cho biết cách dùng 99 lần động từ “pisteuô” trong Tin Mừng.

I. Tin vào ai?

Tin Mừng nói về bốn đối tượng của hành động “tin”:  (1) tin vào Đức Giê-su; (2) tin vào Thiên Chúa; (3) tin vào Mô-sê; (4) tin vào dân chúng. Trong đó tin vào Đức Giê-su là đề tài quan trọng hơn cả và được nói đến nhiều nhất.

    1. Tin vào Đức Giê-su

Phần lớn động từ “tin” trong Tin Mừng nói về việc “tin” hay “không tin” vào Đức Giê-su. Trong tiếng Hy-lạp, hai cách diễn tả ý tưởng “tin vào ai”: (1) động từ “pisteuô” (tin) + giới từ “eis(vào) + đại từ hay danh từ ở đối cách (accusative). (2) Động từ “pisteuô (tin) + đại từ hay danh từ ở tặng cách (dative).

        a) Bốn cách dùng “pisteuô + eis(tin vào…)

(1) Khẳng định hay phủ định hành động “tin”. Khẳng định “tin” vào Đức Giê-su, 20 lần: 2,11; 3,15.16; 3,18a.36; 4,39; 6,29.35.40; 7,31.48; 8,30; 9,36; 10,42; 11,45.48; 12,11.42; 14,1a; 17,20. Phủ định “không tin” vào Đức Giê-su, 4 lần: 7,5; 12,37.44; 16,9.

(2) Nói gián tiếp về tin vào Đức Giê-su, 2 lần: “tin vào Con Người” (9,35); “tin vào ánh sáng” (12,36).

(3) Động từ “tin” chia ở “lối động tính từ (participle) + giới từ “eis(vào)”, có nghĩa “người tin vào Đức Giê-su”, 7 lần: 7,38.39; 11,25.26a; 12,44.46; 14,12.

(4) Trong kiểu nói: “tin vào danh Đức Giê-su”, hay “tin vào danh Con Một Thiên Chúa”, 3 lần: 1,12; 2,23; 3,18c.
Tóm lại, kiểu diễn tả “tin vào” (pisteuô + eis) Đức Giê-su xuất hiện 33 lần; và “tin vào” (pisteuô + eis) danh Đức Giê-su, 3 lần.

        b) Cách dùng “pisteuô + tặng cách” (tin vào…)

Cách dùng động từ pisteuô + đại từ hay danh từ ở tặng cách (dative) xuất hiện ít hơn “pisteuô + eis”. Kiểu nói khẳng định “tin vào Đức Giê-su” (pisteuô + tặng cách) xuất hiện 4 lần: 4,21; 5,46b; 6,30; 8,31. Kiểu nói phủ định “không tin vào Đức Giê-su” (pisteuô + tặng cách) xuất hiện 6 lần: 5,38; 8,45; 8,45.46; 10,37.38a. Vậy cách dùng “pisteuô + tặng cách” xuất hiện 10 lần trong hai kiểu nói: khẳng định và phủ định.

Tóm lại, 46 lần trong hai cách dùng “pisteuô + eis” và “pisteuô + tặng cách” để nói về tin hay không tin vào Đức Giê-su.

    2. Tin vào Thiên Chúa

Đề tài “tin vào Thiên Chúa”, xuất hiện 2 lần trong Tin Mừng, với hai cách dùng: “pisteuô + eis” (14,1b) và “pisteuô + tặng cách” (5,24). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,1: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy.” Ở 5,24a, Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời.” Trong câu này, Đức Giê-su nói Thiên Chúa là Đấng đã sai Người, nên Người có thẩm quyền để mặc khải ý định của Thiên Chúa cho con người.

Tuy chỉ xuất hiện 2 lần, nhưng đề tài tin vào Thiên Chúa có tầm quan trọng đặc biệt vì hai lý do: (1) Đức Giê-su đồng hoá “Đấng đã sai Người” với “Thiên Chúa”. Vậy tin vào Thiên Chúa (14,1a) là tin vào Đấng đã sai Đức Giê-su đến thế gian (5,24). (2) Trong cả hai lần (5,24 và 14,1a) tin vào Thiên Chúa nối kết chặt chẽ với nghe lời Đức Giê-su (5,24) và tin vào Người (14,1b). Hai điều này quan trọng vì cho phép phân biệt môn đệ Đức Giê-su với những kẻ chống đối (những người Do Thái, những người Pha-ri-sêu). Họ cũng tin vào Thiên Chúa và cho rằng Thiên Chúa là Cha của họ (8,41b). Thật vậy, những người Do Thái nói với Đức Giê-su ở 8,41b: “Chúng tôi không phải là con đẻ hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa.” Nhưng thật ra, họ không có Thiên Chúa là Cha vì Đức Giê-su trả lời ở 8,42: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ông, các ông đã yêu mến Tôi, vì chính Tôi phát xuất và đến từ nơi Thiên Chúa. Tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Đấng ấy đã sai Tôi.” Những người Do Thái tự cho mình có Cha là Thiên Chúa nhưng họ không yêu mến, không tin vào Đức Giê-su. Hơn nữa họ đang tìm giết Người nên cha của họ không phải là Thiên Chúa mà là quỷ như Đức Giê-su nói với họ ở 8,44a: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông.”

Phân biệt trên dẫn đến khác biệt giữa môn đệ Đức Giê-su và môn đệ Mô-sê trong ch. 9. Người thuật chuyện kể ở 9,28-29: “28 Họ (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu) mắng anh ta (anh mù từ thuở mới sinh) và nói: ‘Anh, anh là môn đệ của Ông ấy (Đức Giê-su); còn chúng tôi, chúng tôi là môn đệ của Mô-sê. 29 Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã nói với Mô-sê; nhưng người này (Đức Giê-su), chúng tôi không biết Ông ta từ đâu đến.” Những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu tự hào mình là môn đệ Mô-sê và không biết Đức Giê-su từ đâu đến. Họ khinh bỉ anh mù từ thuở mới sinh bằng cách gán cho anh ta là môn đệ Đức Giê-su.  

    3. Tin vào Mô-sê

Chỉ có 1 lần Đức Giê-su nói đến “tin vào Mô-sê” (pisteuô + tặng cách) ở 5,46. Người chất vấn những người Do Thái ở 5,46-47: “46 Vì nếu các ông tin Mô-sê, các ông cũng tin Tôi, vì ông ấy đã viết về Tôi. 47 Nhưng nếu chữ viết của ông ấy, các ông không tin, làm sao các ông tin những lời của Tôi?” Theo Đức Giê-su, khi chống lại Người, những người Do Thái đã không tin ông Mô-sê và không tin vào những gì Mô-sê đã viết nghĩa là bộ Ngũ Thư (năm cuốn đầu bộ Kinh Thánh).

    4. Tin vào dân chúng

Kiểu nói “tin vào dân chúng”, với cách dùng “pisteuô + tặng cách” ở thể phủ định, xuất hiện 1 lần ở 2,24. Người thuật chuyện kể ở 2,23-24: “23 Trong lúc Người (Đức Giê-su) ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả.” Động từ “tin” ở 2,23 nói về việc nhiều người tin vào danh Đức Giê-su vì đã thấy dấu lạ Người làm. Động từ “tin” ở 2,24, với chủ từ là Đức Giê-su: “chính Người không tin họ” cho biết  Đức Giê-su không tin vào niềm tin của họ. Điều này cho thấy niềm tin của dân chúng ở 2,23 chưa phải là tin thực sự, cần lắng nghe lời Đức Giê-su để đạt tới niềm tin vững chắc hơn.

Tóm lại, đề tài “tin vào ai” được trình bày như sau: “tin vào Đức Giê-su” (46 lần), “tin vào Thiên Chúa” (2 lần: 14,1b; 5,24); “tin vào Mô-sê” (1 lần: 5,46), “Đức Giê-su không tin dân chúng” (1 lần: 2,24).

II. Tin điều gì?

Tin vào Đức Giê-su và tin vào điều gì là hai nội dung chính của mặc khải trong Tin Mừng. Trả lời câu “tin điều gì?” sẽ nhận ra nội dung niềm tin. Nội dung này được trình bày qua hai công thức tiếng Hy-lạp: pisteuô hoti...” (tin rằng:…) và  pisteuô + tặng cách (dative)”. Đề tài “tin vào điều gì” được trình bày qua hai điểm: (1) chín nội dung niềm tin; (2) hai cách dùng khác với công thức “pisteuô + tặng cách”

    1. Chín nội dung niềm tin

Tin vào Đức Giê-su là đón nhận Người, là bước vào tương quan với Người, từ đó tin vào lời Người mặc khải. Chín nội dung niềm tin được xếp thành ba loại: (a) năm nội dung với công thức “pisteuô hoti...” (tin rằng:…); (b) ba nội dung với công thức “pisteuô + tặng cách (dative)”; một nội dung với công thức “pisteuô + đối cách (accusative)”.

        a) Năm nội dung với pisteuô hoti...” (tin rằng:...)

Tin Mừng dùng kiểu nói: “pisteuô hoti...” (tin rằng:…) 11 lần, trình bày 5 nội dung niềm tin:

(1) Tin rằng Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian, 2 lần: 11,27; 20,31a.
(2) Tin rằng Chúa Cha đã sai Đức Giê-su, 3 lần: 11,42; 17,8.21.
(3) Tin rằng Đức Giê-su là Đấng “Ta Là” (egô eimi), 2 lần: 8,24; 13,19. Xem bài viết: “Ta Là (egô eimi) trong Tin Mừng Gio-an.”
(4) Tin rằng Đức Giê-su từ Thiên Chúa mà đến, 2 lần: 16,27.30.
(5) Tin rằng Đức Giê-su ở trong Cha và Cha trong Người, 2 lần: 14,10.11.

        b) Ba nội dung với pisteuô + tặng cách”

Ba nội dung niềm tin khác diễn tả qua công thức “pisteuô + tặng cách (dative)” với đối tượng không phải là con người (xem “pisteuô + tặng cách” với đối tượng là con người trên đây). Cách dùng này xuất hiện 5 lần, trình bày 3 nội dung niềm tin:

(1) Tin vào Kinh Thánh, 1 lần: 2,22.
(2) Tin vào lời Đức Giê-su, 3 lần: 2,22; 4,40; 5,47b. Trong đó ở 2,22b và 4,50 dùng danh từ Hy-lạp “logos” (lời); còn ở 5,47b dùng danh từ “rêma” cũng có nghĩa “lời”.
(3) Tin vào các việc Đức Giê-su làm, 1 lần: 10,38b.

        c) Một nội dung quan trọng với pisteuô + đối cách”

Ở 11,26b, người thuật chuyện dùng kiểu nói: “pisteuô + đối cách (accusative)”, xuất hiện 1 lần, để trình bày nội dung niềm tin quan trọng. Lời Đức Giê-su ở 11,25-26 là nội dung thứ 9 của niềm tin. Trong hoàn cảnh La-da-rô em của Mác-ta và Ma-ri-a đã chết bốn ngày, Đức Giê-su đến Bê-ta-ni-a gặp Mác-ta và nói với chị ở 11,25-26: “25 Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26 và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết. Chị có tin điều đó không?” Trong câu hỏi: “Chị có tin điều đó không?”, động từ pisteuô + đối cách” diễn tả nội dung lời mặc khải ở 11,25-26a. Đây là câu trả lời của Đức Giê-su liên quan đến “sự chết” và “sự sống” của chính Người; “sự chết” và “sự sống” của La-da-rô và của người tin qua mọi thời đại. (Xem phân tích Ga 11,1-54 về “chết” và “sống” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 147-185).

Tóm lại, Tin Mừng trình bày chín nội dung niềm tin cách rõ ràng với động từ “pisteuô” (tin). Tuy nhiên, nên hiểu là toàn bộ nội dung mặc khải trong Tin Mừng là đối tượng của niềm tin. Chẳng hạn, tác giả mời gọi độc giả tin Đức Giê-su là “Logos” (Lời) như trong câu đầu tiên Tin Mừng ở 1,1: “Lời (Logos) có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa.” Trong sứ vụ, giáo huấn của Đức Giê-su mời gọi độc giả tin nhiều điều khác. Chẳng hạn, tin rằng Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi ban Con Một của Người để thế gian được cứu (3,16); tin rằng Đức Giê-su là con đường, là sự thật và là sự sống, và không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người (14,6); tin rằng thủ lãnh thế gian đã bị xét xử rồi (16,11); tin rằng Đức Giê-su đã chiến thắng thế gian (16,33) v.v... Vậy toàn bộ mặc khải trình bày trong Tin Mừng là nội dung niềm tin.

    2. Hai cách dùng khác (pisteuô + tặng cách)

Hai lần cách dùng “pisteuô + tặng cách” (5,47; 12,38) không liên quan đến niềm tin vào Đức Giê-su:

(1) Đức Giê-su kết tội những người Do Thái là đã không tin vào những điều Mô-sê viết ở 5,47: “Nhưng nếu chữ viết của ông ấy (Mô-sê), các ông không tin, làm sao các ông tin những lời của Tôi?” Câu 5,47a có nghĩa “nếu các ông không tin vào chữ viết (pisteuô + tặng cách) của ông ấy…”

(2) Người thuật chuyện tóm kết sứ vụ Đức Giê-su ở 12,37-38: “37 Người (Đức Giê-su) đã làm quá nhiều dấu lạ trước mặt họ, họ không tin vào Người, 38 để lời ngôn sứ I-sai-a được nên trọn như đã nói: ‘Lạy Đức Chúa, ai đã tin lời rao giảng của chúng con? Và cánh tay của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?’” Công thức pisteuô + tặng cách” ở trong câu “ai đã tin lời rao giảng của chúng con?”

Tóm lại, ba cách dùng “pisteuô hoti”, “pisteuô + tặng cách” và “pisteuô + đối cách”, xuất hiện 17 lần. Trong đó, 15 lần trình bày 9 nội dung niềm tin và 2 lần “pisteuô + tặng cách” (5,47; 12,38) không liên quan đến tin vào Đức Giê-su.

III. Tin (không có bổ túc từ)        

Phần này trình bày hai điểm: (1) số lần xuất hiện trong Tin Mừng; (2) ý nghĩa cách dùng động từ “tin” không có bổ túc từ.

    1. Số lần xuất hiện

Tin Mừng dùng 30 lần động từ “tin” (pisteuô) không có bổ túc từ và được chia làm hai nhóm: (a) trong câu khẳng định (tin); (b) trong câu phủ định (không tin).

a) “Tin”, câu khẳng định, xuất hiện 19 lần. Trong đó, động từ “tin” chia ở lối trình bày (indicative mode), 16 lần: 1,7.50; 3,12b; 4,41.42.53; 6,69; 9,38; 11,15.40; 14,29; 16,31; 19,35; 20,8.29a.31b; chia ở lối động tính từ (participle mode): “ho pisteuôn” (người tin), 3 lần: 3,18b; 6,47; 20,29b.

b) “Không tin”, câu phủ định, xuất hiện 11 lần. Trong đó, động từ “tin” chia ở lối trình bày (indicative mode), 10 lần: 3,12a; 4,48; 5,44; 6,36.64a; 9,18; 10,25.26; 12,39; 20,25; chia ở lối động tính từ (participle mode), 1 lần: 6,64b.

    2. Ý nghĩa

Khi người thuật chuyện dùng động từ “tin” không có bổ túc từ thường bao hàm nhiều khía cạnh của niềm tin (tin vào ai và tin vào điều gì). Chẳng hạn, khi Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác, người Đức Giê-su thương mến, đi ra mộ Đức Giê-su, vào ngày thứ nhất trong tuần (20,1-7), họ không thấy Đức Giê-su trong mộ, họ chỉ “6b thấy những băng vải còn để đó, 7 và khăn che đầu của Người không để với những băng vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi” (20,6b-7). Người thuật chuyện viết về môn đệ Đức Giê-su thương mến ở 20,8b: “Ông ấy đã thấy và đã tin.” Trong câu này, hai động từ “thấy” và “tin” không có bổ túc từ. Vậy trước khi Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ vào tối ngày hôm đó (20,19-23), môn đệ Đức Giê-su thương mến là người đầu tiên đã tin. Cách thức “thấy” và “tin” của môn đệ này được đề cao trong trình thuật, đó là “thấy thực sự” và “tin thực sự”. Điều đáng chú ý là môn đệ này “đã thấy” và “đã tin” khi chưa thấy Đức Giê-su, ông chỉ thấy ngôi mộ trống, thấy khăn che đầu và những băng vải. “Thấy” và “tin” này gợi đến lời chúc phúc dành cho “người không thấy mà tin” ở cuối Tin Mừng. Đức Giê-su nói với Tô-ma ở 20,29: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin? Phúc cho những người không thấy mà những người tin.”

“Thấy” và “tin” (20,8) không có bổ túc từ cho phép liên tưởng đến nhiều khía cạnh của hai động từ này. Điều môn đệ này thấy, không chỉ là những băng vải, mà ông còn thấy ngôi mộ trống rỗng, thấy Đức Giê-su không còn trong mộ. Xa hơn, gợi đến những gì môn đệ này đã thấy khi đứng dưới chân thập giá (19,25-37). Động từ “tin” ở 20,8 không có túc từ cho phép hiểu rằng môn đệ này không chỉ tin Đức Giê-su đã sống lại mà còn tin vào lời Người đã nói, tin Người là Đấng Cha sai đến (17,21.23), tin Người có “những lời đem lại sự sống đời đời” và Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (6,68-69). Lòng tin ở cấp độ cao nhất là tin Đức Giê-su là “Chúa” (kurios) và là “Thiên Chúa” (theos) như Tô-ma tuyên xưng trước Đấng Phục Sinh ở 20,28: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.”

“Thấy” và “tin” (20,8) theo nghĩa tuyệt đối, không có túc từ, cho thấy môn đệ Đức Giê-su thương mến đã hiểu ý nghĩa biến cố Thương Khó – Phục Sinh. (Xem bài viết: “Ga 20,1-9: ‘Ông đã thấy và đã tin’ (20,8). Ai thấy? Thấy gì? Tin gì?”). Hành động “thấy” và “tin” của môn đệ này không theo nghĩa bình thường mà theo nghĩa thần học như Đức Giê-su nói với đám đông ở 6,40: “Đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy người Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời.” Tuy nhiên, giữa “thấy bằng mắt” (thấy thể lý) và “tin” có khoảng cách lớn. Bởi lẽ ngôi mộ trống và băng vải không phải là bằng chứng hiển nhiên là Đức Giê-su đã Phục Sinh. Môn đệ Đức Giê-su thương mến chỉ thấy “dấu chỉ” và qua đó ông đã tin. Cách thức tin của môn đệ này là khuôn mẫu cho người tin qua mọi thời đại. Họ là “người không thấy mà những người tin” (20,29b).

Tóm lại, 99 lần động từ “pisteuô(tin) trong Tin Mừng bàn về các đề tài: “tin vào ai?” (50 lần); “tin vào điều gì?” (19 lần); “tin” không có bổ túc từ (30 lần).

IV. Ba cấp độ tin vào Đức Giê-su

Tin Mừng trình bày ba cấp độ tin vào Đức Giê-su:  (1) không thực sự tin; (2) chưa thực sự tin; (3) thực sự tin.

    1. Không thực sự tin (8,31)

Không thực sự tin vào Đức Giê-su là trường hợp của những người Do Thái trong đoạn văn 8,31-59. Đoạn văn này mở đầu ở 8,31-32: “31 Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do Thái đã tin Người: ‘Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi các ông thực sự là môn đệ của Tôi, 32 các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông.’” Lòng tin của những người Do Thái ở 8,31 có phải là lòng tin thực sự hay không? Nội dung 8,31-59 cho câu trả lời.

Ở 8,21-30 Đức Giê-su tranh luận với “những người Do Thái” (8,22) về sứ vụ của Người và về tương quan giữa Người với Chúa Cha. Trong đoạn văn tiếp theo (8,31-59), người thuật chuyện cho biết “Đức Giê-su nói với những người Do Thái đã tin Người” (8,31a), tuy nhiên tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Do Thái ngày càng gay gắt cho đến hết ch. 8 (8,59). Bối cảnh văn chương hai đoạn văn 8,21-30 và 8,31-59 cho phép kết luận: lòng tin của những người Do Thái ở 8,31a không phải là lòng tin đích thực vào Đức Giê-su.

Thật vậy, họ không thực sự tin, vì không hiểu và không đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su. Hơn nữa, họ chống lại Đức Giê-su và đang tìm cách giết Người (8,37.40). Tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Do Thái kèm theo những lời kết án nặng nề. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,44a: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông.” Những người Do Thái lại kết tội Đức Giê-su ở 8,48: “Ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ ám.” Đoạn văn 8,31-59 mở đầu bằng “những người Do Thái đã tin vào Đức Giê-su” (8,31) nhưng kết thúc bằng sự thù ghét ở 8,59: “Họ (những người Do Thái) liền lượm đá để ném Người (Đức Giê-su). Nhưng Đức Giê-su ẩn mình và đi ra khỏi Đền Thờ.”

Thái độ không đón nhận và thù nghịch với Đức Giê-su trong đoạn văn 8,31-59, không thể dung hoà với lòng tin vào Người (8,31a). Đầu đoạn văn này Đức Giê-su mời gọi những người Do Thái ở 8,31b: “Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi các ông thực sự là môn đệ của Tôi.” Nhưng nội dung cho thấy họ không thực sự là môn đệ Đức Giê-su vì họ không “ở lại trong lời” của Người (8,31b), nghĩa là không lắng nghe và đón nhận Người. Nên lòng tin của họ không phải là lòng tin đích thực. Cấp độ thứ hai là chưa thực sự tin vào Đức Giê-su. Đây là trường hợp tin vì thấy dấu lạ Đức Giê-su làm (2,23-25).

    2. Chưa thực sự tin (2,23-25)

Người thuật chuyện tóm kết hoạt động của Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem trong đoạn văn 2,23-25: “23 Trong lúc Người ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả, 25 và Người không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì nơi con người.”

Câu 2,23 nối kết giữa “thấy các dấu lạ” và “tin vào Đức Giê-su.” Người thuật chuyện dùng 2 lần động từ “tin” (pisteuô) ở 2,23-24 với tương phản mạnh mẽ. Lần thứ nhất cho biết nhiều người đã tin vào Đức Giê-su khi thấy những dấu lạ Người làm (2,23). Lần thứ hai cho biết chính Đức Giê-su đã không tin vào niềm tin của họ (2,24). Như thế lòng tin của nhiều người trong trường hợp này chưa phải là “tin thực sự”. Đây là trường hợp tin nhờ thấy dấu lạ, nhưng lòng tin ấy chưa trưởng thành, cần được nuôi dưỡng và phát triển để đạt tới lòng tin đích thực.

    3. Thực sự tin

Thế nào là thực sự tin vào Đức Giê-su? Đề tài quan trọng này được diễn tả nhiều cách và có thể xếp thành ba loại: Tin đích thực (a) nhờ dấu lạ, (b) nhờ lời Đức Giê-su và (c) nhờ lời các môn đệ.

        a) Nhờ dấu lạ

Tin đích thực vào Đức Giê-su nhờ dấu lạ được nói đến trong hai dấu lạ ở Ca-na: (1) hoá nước lã thành rượu ngon (2,1-11) và (2) cứu sống đứa con của viên quan chức nhà vua (4,46-54).

(1) Sau khi Đức Giê-su thực hiện dấu lạ nước lã hoá thành rượu ngon (2,1-11), người thuật chuyện cho biết ở 2,11: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Người đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ của Người đã tin vào Người.” Vậy, Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Người qua dấu lạ. Các môn đệ đã nhận ra điều đó và tin vào Người. Tuy trình bày ngắn gọn nhưng đây là lòng tin đích thực vào Đức Giê-su. Dấu lạ đầu tiên ở Ca-na (2,1-12) gợi đến dấu lạ thứ hai ở Ca-na (4,46-54).

(2) Người thuật chuyện kết thúc dấu lạ cứu sống đứa con của viên quan chức nhà vua (4,46-54) như sau: “Ông ấy và cả nhà của ông đã tin” (4,53). Đây là cách dùng động từ “tin” không có bổ túc từ (xem phân tích trên đây), nên bao hàm cả hai ý: tin vào Đức Giê-su và tin vào lời của Người. Thực vậy, dấu lạ chữa lành này (4,46-54) cũng đề cao việc tin vào lời Đức Giê-su. Khi viên quan chức nhà vua xin Đức Giê-su đến Ca-phác-na-um để cứu sống đứa con trai bị bệnh sắp chết (4,46-47), Đức Giê-su nói với ông ấy: “Nếu các ông không thấy các dấu lạ và những điềm thiêng, chắc chắn các ông không tin” (4,48). Viên quan chức nhà vua nói với Người: “Thưa Ngài, xin Ngài hãy xuống trước khi con tôi chết” (4,49). Đức Giê-su nói với ông: “Ông hãy đi về, con ông sống” (4,50a). Người thuật chuyện cho biết phản ứng của viên quan chức nhà vua: “Người này tin vào lời Đức Giê-su nói với mình và đi về” (4,50b). Như thế, dấu lạ chữa lành được thực hiện là nhờ viên quan chức đã tin vào lời Đức Giê-su (4,50b).

Phần trình thuật giữa hai dấu lạ Ca-na (2,1-12 và 4,46-54) có câu chuyện Đức Giê-su đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri và gặp gỡ dân thành Xy-kha (4,1-43). Trình thuật này mô tả loại thứ hai: tin đích thực nhờ lời Đức Giê-su.

        b) Nhờ lời Đức Giê-su

Cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp (4,7-9) về nước sự sống (4,10-15) và về cách thức thờ phượng Cha (4,20-24) kết thúc bằng niềm tin của những người Sa-ma-ri (4,39-42). Đây là trình thuật điển hình về tin nhờ lời Đức Giê-su và được chia làm hai giai đoạn: (1) tin nhờ lời chứng của người phụ nữ Sa-ma-ri; (2) tin nhờ lời Đức Giê-su.

(1) Sau cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri (4,5-25), người thuật chuyện kể phản ứng của người phụ nữ ở 4,28-29: “28 Vậy người phụ nữ để lại vò nước của mình đi vào thành và nói với mọi người: 29 ‘Hãy đến và xem một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?’” Nhờ lời này mà dân thành Xy-kha đến gặp Đức Giê-su và sau đó người thuật chuyện cho biết ở 4,39: “Trong thành đó, nhiều người Sa-ma-ri đã tin vào Người, nhờ lời người phụ nữ làm chứng rằng: ‘Ông ấy nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.’” Đây là trường hợp nhiều người tin vào Đức Giê-su nhờ lời chứng của người khác, cụ thể là nhờ lời chứng của người phụ nữ Sa-ma-ri. Chị ấy giữ vai trò sứ giả (báo cho biết) và chứng nhân (làm chứng về Đức Giê-su).

(2) Câu chuyện còn đi xa hơn và nhấn mạnh lòng tin nhờ lời Đức Giê-su khi kết thúc ở 4,40-42: “40 Vậy khi những người Sa-ma-ri đến với Người, họ xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 và nhiều người hơn nữa đã tin, nhờ lời của Người. 42 Họ nói với người phụ nữ rằng: ‘Không còn phải vì lời của chị mà chúng tôi tin. Vì chính chúng tôi đã nghe và đã biết rằng Người thật là Đấng cứu độ thế gian.’” Nhờ lời người phụ nữ, “nhiều người” đã tin vào Đức Giê-su (4,39), và sau khi Đức Giê-su ở lại hai ngày với những người Sa-ma-ri, “nhiều người hơn nữa” đã tin (4,41) nhờ chính lời của Người. Vậy người tin đã nhiều hơn trước đây và là nhờ lời Đức Giê-su. Điều đáng chú ý là Đức Giê-su không làm dấu lạ nào ở Sa-ma-ri, Người chỉ đối thoại với người phụ nữ và ở lại với dân thành hai ngày. Đây là trình thuật điển hình về tin vào Đức Giê-su nhờ lời người khác (lời chứng của người phụ nữ) và nhờ lời Đức Giê-su.

        c) Nhờ lời các môn đệ

Trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su ngỏ lời với Cha trước sự hiện diện của các môn đệ ở 17,18: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ (các môn đệ) đến thế gian.” Qua lời này, Đức Giê-su gián tiếp trao sứ vụ cho các môn đệ, họ sẽ nối tiếp sứ vụ của Người trong thế gian. Sau khi Phục Sinh, Đức Giê-su trực tiếp sai các môn đệ ở 20,21b: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Trong đoạn văn 17,20-21, Đức Giê-su can thiệp với Cha của Người cho những ai tin vào Người nhờ lời các môn đệ ở 17,20-21: “20 Con không chỉ can thiệp cho những người này (các môn đệ), nhưng còn cho những người tin vào Con nhờ lời của họ, 21 để tất cả nên một, lạy Cha, như Cha trong Con và Con trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con.”

Tin Mừng Gio-an mở đầu bằng tin vào Đức Giê-su nhờ dấu lạ (2,1-12), tiếp nối là tin nhờ lời của Người (4,1-43) và kết thúc bằng tin vào Đức Giê-su nhờ lời của các môn đệ rao giảng (17,20). Vậy tin vào Đức Giê-su gồm hai giai đoạn: (1) Giai đoạn thứ nhất là tin nhờ thấy dấu lạ Đức Giê-su làm và nhờ nghe Người rao giảng. (2) Giai đoạn thứ hai là tin vào Đức Giê-su nhờ lời rao giảng của các môn đệ. Người tin trong các thế hệ tiếp theo cho đến ngày nay đã tin vào Đức Giê-su nhờ lời rao giảng của các môn đệ và của Hội Thánh. Như thế, đề tài “tin” trong Tin Mừng hướng về tương lai. Độc giả qua mọi thời đại được mời gọi tin vào Đức Giê-su nhờ lời chứng thuật lại trong Tin Mừng. Tin Mừng được viết ra là “để anh em (độc giả) tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người” (20,31b).

Kết luận

Phân tích trên cho thấy tầm quan trọng của đề tài “tin” (xuất hiện 99 lần). Đặc biệt đề tài này xuyên suốt Tin Mừng. Thật vậy, lời tựa Tin Mừng (1,1-18) định nghĩa thế nào là “tin” (1,11-13). Nội dung Tin Mừng cho biết thế nào là không tin, thế nào là không thực sự tin hay chưa thực sự tin và thế nào là thực sự tin vào Đức Giê-su. Kết luận Tin Mừng là lời mời gọi độc giả tin (20,30-31). Tin Mừng trả lời các câu hỏi: Tin vào ai? Tin điều gì? Tin thế nào?

(1) Tin vào ai? Tin Mừng mời gọi tin vào Đức Giê-su, tuy nhiên để đến với Người, trước hết con người cần mở lòng đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa (6,45) và được sinh ra bởi trên (3,3.7). Từ đó, nghe lời Đức Giê-su, đón nhận Người và bước vào tương quan lòng mến với Người. Tin vào Đức Giê-su là tin vào căn tính của Người. Người là Đấng từ trời xuống để ban sự sống đời đời cho người tin; là Đấng Chúa Cha sai đến thế gian để cứu thế gian khỏi hư mất (3,16-17). Tin vào Đức Giê-su cũng là tin vào Thiên Chúa là Cha của Người.

(2) Tin điều gì? Theo nghĩa hẹp, chín nội dung niềm tin được trình bày qua động từ “tin”; theo nghĩa rộng toàn bộ mặc khải trong Tin Mừng là nội dung niềm tin. Tin Mừng cho biết cách “sống”, “thực hành” và “tuyên xưng” niềm tin.

(3) Tin thế nào? Tin Mừng mời gọi độc giả đạt tới niềm tin đích thực vào Đức Giê-su nhờ đọc Tin Mừng. Khi đọc Tin Mừng độc giả chứng kiến những dấu lạ Đức Giê-su làm, nghe những lời Đức Giê-su rao giảng. Hành động “tin” theo thần học là bước vào tương quan tình yêu, cách mới mẻ và sống động, với Đức Giê-su, với Chúa Cha và với anh chị em mình. Đó là niềm tin có khả năng đem lại sức sống và sự sống đích thực cho con người. Nhờ tin, con người lãnh nhận sự sống đời đời ngay bây giờ, ngay đời này.

Ai muốn nếm hưởng sự sống đích thực nhờ tin vào Đức Giê-su có thể tìm đến với Tin Mừng Gio-an. Ai muốn sống niềm tin cách sống động, muốn củng cố niềm tin đã có, hay muốn vượt qua khủng hoảng niềm tin... đều có thể tìm thấy câu trả lời cụ thể và thiết thực trong Tin Mừng. Với tầm quan trọng đặc biệt và xuyên suốt của đề tài “tin”, có thể gọi Tin Mừng Gio-an là “Tin Mừng của niềm tin”./.


2 nhận xét:

  1. đất đỏ21:42 21/5/14

    Thưa Cha giáo, tin hay không tin là chấp nhận hay từ chối???, con thích phần
    " Tin đích thực nhờ lời Đức Giê-su " chỉ qua cuộc đối thoại mà có nhiều người tin vào Đức Giesu, cuộc đối thoại đó rất hấp dẫn và có logic, nên con cũng chỉ mong ước qua cách sống chân thành, an vui, hòa đồng... để mọi người xung quanh nhận ra mình là người kitô hữu, người có đức tin vào Đấng mình tôn thờ, để qua đó mọi người biết về Đức Kitô, và biết có Thiên CHúa. Xin cám ơn Cha về bài chia sẻ này.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh20:53 17/6/14

    Thua Cha, that tuyet khi kham pha ra rang : Duc tin khoi dau bang lo tai qua viec lang nghe Loi Chua. Cam on Cha

    Trả lờiXóa