24/03/2020

Đến với, thấy và tin (TM Gio-an)



Bài viết tiếng Pháp và tiếng Anh:

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 24 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập 
I. Chưa thực sự đến vớithấy và tin” Đức Giê-su
    1. Chưa thực sự “đến với” Đức Giê-su
    2. Chưa thực sự “thấy” và “tin” 
II. Thực sự “đến với”, “thấy” và “tin” Đức Giê-su
    1. Thực sự “đến với” Đức Giê-su
    2. Thực sự “thấy” và “tin”
III. Tin thực sự dù không thấy Đức Giê-su
Kết luận



Dẫn nhập 

Trong Tin Mừng Gio-an, người thuật chuyện thường dùng các động từ “đến với”, “thấy” và “tin” Đức Giê-su để diễn tả hành trình trở thành môn đệ. Những động từ Hy-lạp về đề tài trên là “erkhomai” (đến), “pisteuô” (tin) và bốn động từ: “horaô”, “theôreô”, “theaomai”, “blepô”, đều có nghĩa là “thấy”,  không có sự khác biệt lớn về ngữ nghĩa. Xem trình bày chi tiết về bốn động từ này trong Nghe và thấy trong Tin Mừng Gio-an, tr. 18-34.

Nội dung Tin Mừng cho thấy có hai cách áp dụng ba động từ “đến với”, “thấy” và “tin”. Người ta có thể đến với Đức Giê-su về thể lý, nhưng chưa thực sự đến với Người. Khán thính giả có thể thấy Đức Giê-su về thể lý, ngay cả đã tin vào Người, nhưng chưa thực sự thấy và tin vào Người. Có thể xác định những cách thức trên bằng tính từ: “chưa thực sự” hay “thực sự”. Làm sao để phân biệt “thật” hay “không thật” trong tiến trình “đến với”, “thấy” và “tin vào” Đức Giê-su? Để tìm hiểu lời mời gọi liên quan đến ba động từ trên, bài viết phân tích một số đoạn văn qua ba mục: (I) chưa thực sự “đến với”, “thấy” và “tin” Đức Giê-su; (II) thực sự “đến với”, “thấy” và “tin” Đức Giê-su; (III) thực sự tin dù không thấy Đức Giê-su.

I. Chưa thực sự đến vớithấy và tin” Đức Giê-su

Phần này dùng một số đoạn văn trong Tin Mừng để phân tích hai điểm: (1) chưa thực sự “đến với” Đức Giê-su ; (2) chưa thực sự “thấy” và “tin” Đức Giê-su.

    1. Chưa thực sự “đến với” Đức Giê-su

Bài viết “Bánh hằng ngày và bánh hằng sống (6,22-40)” đã trình bày đề tài “hiểu lầm” của đám đông về dấu lạ bánh hoá nhiều và hiểu lầm về Đức Giê-su trong Ga 6. Phần sau tìm hiểu ý tưởng chưa thực sự “đến với” Đức Giê-su trong hai đoạn văn (1) 6,14-15 và (2) 5,39-40.

(1) Sau khi Đức Giê-su thực hiện dấu lạ bánh hoá nhiều (6,5-13), người thuật chuyện kể ở 6,14: “Khi thấy dấu lạ Người (Đức Giê-su) làm, người ta (đám đông) nói: ‘Ông này thực sự là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian.’” (Xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ). Theo mạch văn, xem ra đám đông đã nhận ra Đức Giê-su là ai sau khi thấy dấu lạ Người làm. Nhưng câu tiếp theo (6,15) cho độc giả biết đám đông đã hiểu không đúng ý nghĩa dấu lạ và họ cũng chưa biết thực sự Đức Giê-su là ai. Người thuật chuyện kể ở 6,15: “Đức Giê-su biết họ sắp đến và bắt lấy Người để tôn làm vua. Một lần nữa, Người đi lên núi một mình.” Câu này cho độc giả biết là Đức Giê-su biết được ý định của đám đông và Người không chấp nhận điều đó, nên Người đi lên núi một mình.

Ba chi tiết đáng chú ý trong cụm từ “đi lên núi một mình”. (1) động từ Hy-lạp “anakhôreô” (đi) hiểu theo nghĩa “lánh đi” (retire), “rút lui” (withdraw) để tránh dân chúng. (2) Tính từ “một mình” (alone), gợi đến sự “cô đơn” (loneliness) của Đức Giê-su vì dân chúng đã không hiểu Người. (3) Từ “núi” (oros) có nghĩa tích cực, vì trong Kinh Thánh, “núi” biểu tượng nơi Thiên Chúa hiện diện. Hình ảnh Đức Giê-su đi lên núi một mình vừa diễn tả khó khăn trong sứ vụ, vừa gợi về tương quan mật thiết Người với Chúa Cha. Câu 6,15 cho biết cách thức đám đông tìm đến với Đức Giê-su là không đúng. Họ hiểu chưa đúng vai trò và sứ vụ của Người. Nói cách khác, họ chưa thực sự đến với Người  theo nghĩa thần học của động từ này.

(2) Ở 5,39-40, Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì chính các ông nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh là những lời chứng về Tôi. 40 Các ông không muốn đến với Tôi để có sự sống.” Theo Đức Giê-su, những người Do Thái đã lầm khi tìm sự sống đời đời trong Kinh Thánh mà lại không đến với Đức Giê-su để đón nhận sự sống từ nơi Người. Trong câu “các ông không muốn đến với Tôi để có sự sống” (5,40), động từ “đến với” có nghĩa thần học: đến với Đức Giê-su là đón nhận và tin vào Người. Trong ch. 5, những người Do Thái tìm đến với Đức Giê-su, nhưng mục đích của họ không phải là đón nhận và tin mà là để chất vấn và kết tội Người (5,16-18). Vậy họ chưa thực sự “đến với” theo nghĩa thần học.

    2. Chưa thực sự “thấy” và “tin” 

Hai trường hợp trong Tin Mừng cho thấy nhân vật trong câu chuyện chưa thực sự “thấy” và “tin” Đức Giê-su là (1) 6,14.36 và (2) 2,23-25.

(1) Câu 6,14 cho biết đám đông đã thấy dấu lạ bánh hoá nhiều, nhưng đây không phải là thấy thực sự. Đức Giê-su xác định điều này khi Người nói với đám đông ở 6,36: “Các ông đã thấy (heôrakate) [Tôi] mà các ông không tin.” Theo thần học “thấy” Đức Giê-su mà không dẫn đến lựa chọn “tin” vào Người thì đó chưa phải là thấy thực sự.

(2) Cuối ch. 2, người thuật chuyện tóm kết hoạt động của Đức Giê-su khi Người ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua ở 2,23-25: “23 Trong lúc Người (Đức Giê-su) ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả, 25 và Người không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì nơi con người.” Đoạn văn trình bày tương qua giữa “thấy” dấu lạ và “tin” vào Đức Giê-su. Nhiều người đã tin khi thấy dấu lạ Đức Giê-su làm nhưng chính Đức Giê-su lại không tin họ. Nghĩa là lòng tin của họ chưa phải là “tin thực sự”. Lòng tin chưa trọn vẹn của dân chúng ở đầu Tin Mừng (ch. 2) mời gọi độc giả tiếp tục đọc Tin Mừng để biết cần làm gì để đạt tới niềm tin thực sự.

II. Thực sự “đến với”, “thấy” và “tin” Đức Giê-su

Đề tài này được phân tích qua hai điểm: (1) thực sự đến với Đức Giê-su và (2) thực sự “thấy” và “tin”.

    1. Thực sự “đến với” Đức Giê-su

Để minh hoạ cho ý nghĩa thần học của động từ “đến với”, phần sau phân tích lời Đức Giê-su ở (1) 6,35 và (2) 7,37-38.

(1) Phần đầu diễn từ bánh sự sống Đức Giê-su mặc khải về bánh bởi trời, bánh của Thiên Chúa. Đây là bánh xuống từ trời và ban sự sống cho thế gian (6,32-33). Khi đám đông xin Đức Giê-su ở 6,34: “Thưa Ngài, hãy cho chúng tôi bánh ấy luôn mãi”, Đức Giê-su cho biết Người là “bánh sự sống” và mời gọi họ đến với và tin vào Người ở 6,35: “Chính Tôi là bánh sự sống, người đến với Tôi, không hề đói, và người tin vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ.” Kết quả của việc đến với và tin vào Đức Giê-su là “không hề đói” và “chẳng khát bao giờ”. Đây là “đến thực sự” và “tin thực sự” vào Đức Giê-su, bởi vì cách thức “đến” và “tin” này đem lại sự sống đích thực, sự sống đời đời. Ở 6,35, ý tưởng “không hề đói” và “chẳng khát bao giờ” song song với “đến với Đức Giê-su” và “tin vào Người”. Cách hành văn này làm rõ liên kết giữa hai hành động “đến” và “tin”. Thực sự “đến với” Đức Giê-su bao hàm “tin vào” Người và ngược lại.

(2) Ý tưởng “đến với” và “tin” ở 6,35, song song với 7,37-38: “37 Vào ngày cuối cùng, ngày long trọng nhất của dịp lễ, Đức Giê-su đứng lên và lớn tiếng nói: ‘Nếu ai khát hãy đến với Tôi và hãy uống. 38 Người tin vào Tôi, như Kinh Thánh đã nói: ‘Từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống.’” Có hai cách ngắt câu ở 7,37b-38 dẫn đến hai cách hiểu câu văn:  

(a) Cách ngắt câu thứ nhất như trong trích dẫn trên: “37b Nếu ai khát hãy đến với Tôi và hãy uống. 38 Người tin vào Tôi,...” (7,37b-38a). Dấu chấm đặt cuối câu 7,37b, nên 7,38 là câu độc lập. Trong trường hợp này, lời Kinh Thánh: “Từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống” (7,38b) nói về người tin. “Từ lòng người ấy” trong lời Kinh Thánh là từ lòng người tin vào Đức Giê-su. Vậy lời Kinh Thánh áp dụng cho người tin. Cách ngắt câu này phù hợp với giải thích của người thuật chuyện ở 7,39: “Điều đó, Người [Đức Giê-su] nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Tuy nhiên, Thần Khí chưa có, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” Động từ “tôn vinh” ở đây gợi về biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Cách hiểu này còn nối kết với ý tưởng Đức Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri ở 4,13-14: “13 Bất kỳ ai uống nước này sẽ lại khát. 14 Nhưng ai uống nước mà chính Tôi sẽ ban cho kẻ ấy, đời đời sẽ không khát. Nhưng nước mà Tôi sẽ ban cho người ấy sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên sự sống đời đời.” Cùng với Nestle-Aland, Novum Testamentum Graece, 27th ed., chúng tôi chọn cách ngắt câu này.

(b) Cách ngắt câu thứ hai nối phần cuối câu 7,37b với cụm từ “người tin vào Tôi” ở đầu 7,38 như sau: “37b Nếu ai khát hãy đến với Tôi, và hãy uống 38 người tin vào Tôi, như Kinh Thánh đã nói: ‘Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống’” (7,37b-38). Cách ngắt câu này không có dấu chấm cuối câu 7,37b. Trong trường hợp này, lời Kinh Thánh dịch là “từ lòng Người sẽ tuôn chảy...” nghĩa là từ lòng Đức Giê-su. Vậy  lời Kinh Thánh áp dụng cho Đức Giê-su. Cách ngắt câu này cho phép nối kết 7,38 với biến cố, nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Đức Giê-su trên thập giá được thuật lại ở 19,34: “Nhưng một trong những người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Người (Đức Giê-su), và ngay tức thì, máu và nước chảy ra.” Tác giả R. E. Brown và một số tác giả khác chọn cách ngắt câu này.  (Xem R. E. Brown, The Gospel According to John, I–XII, vol. I, (Anchor Bible 29), New York (NY), Doubleday, 1966, p. 320-322).

Tuy nhiên, trong cả hai cách ngắt câu trên đều có nối kết giữa “đến với” và “tin” vào Đức Giê-su. Động từ “đến với” xuất hiện trong lời mời gọi: Ai khát hãy đến với Đức Giê-su và hãy uống (7,37b). Động từ “tin” xuất hiện đầu câu 7,38 khi nói về người tin vào Đức Giê-su. Qua hình ảnh “khát nước”, “uống nước”, “dòng nước sự sống” độc giả được mời gọi “đến với” và “tin”. Lời mời gọi này mô tả tiến trình “thực sự đến với” và “thực sự tin” vào Đức Giê-su. Tương tự như ở 6,35, đoạn văn 7,37b-38 cho thấy “thực sự đến với” Đức Giê-su không thể tách rời khỏi lựa chọn “tin” vào Người và ngược lại. Tin Mừng còn diễn tả sự nối kết này qua hai động từ “thấy” và “tin”.

    2. Thực sự “thấy” và “tin”

Nối kết ý nghĩa thần học của hai động từ “thấy” và “tin” được trình bày qua ba đoạn văn: (1) Câu 6,40 trong diễn từ bánh sự sống (6,25-59); (2) dấu lạ hoá nước lã thành rượu ngon (2,1-11); (3) môn đệ Đức Giê-su thương mến trước ngôi mộ trống (20,1-8).

(1) Đức Giê-su cho biết về “thấy thực sự” khi Người nói với đám đông ở 6,40: “Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và chính Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại [trong] ngày sau hết.” Trong lời mặc khải này, “thấy Con” (theôreô ton huios) nghĩa là “thấy Đức Giê-su” bởi vì Người là “Con Một Thiên Chúa là Đấng hằng ở nơi cung lòng Cha” (1,18b). “Thấy” ở 6,40 là thấy thực sự vì được nối kết với hành động tin vào Đức Giê-su và dẫn đến kết quả có sự sống đời đời. Người thuật chuyện mời gọi độc giả “thực sự thấy” dấu lạ bánh hóa nhiều (6,1-13) và “thấy” Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa” và tin vào Người.

(2) Thực sự “thấy” và “tin” còn được diễn tả qua dấu lạ nước lã hoá thành rượu ngon ở 2,1-11. Qua dấu lạ này, Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã nhận ra và đã tin vào Người. Người thuật chuyện cho biết điều đó ở 2,11: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Người đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ của Người đã tin vào Người.”

(3) Lời mời gọi “thấy” và “tin” ở 6,30 trên đây được thực hiện trong trình thuật Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trước ngôi mộ trống (20,1-10). Vào ngày thứ nhất trong tuần, Si-môn Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su thương mến đi ra mộ (20,1-7). Vào mộ Đức Giê-su, các ông chỉ thấy những băng vải và khăn che đầu của Người (20,6b-7). Người thuật chuyện kết thúc trình thuật bằng hai động từ “thấy” và “tin” để nói về môn đệ Đức Giê-su thương mến: “Ông ấy đã thấy và đã tin” (20,8). Cách thức “thấy” và “tin” của môn đệ này được đề cao trong trình thuật, đó là “thấy thực sự” và “tin thực sự”. Điều đáng chú ý là hai động từ “thấy” và “tin” ở đây không có bổ túc từ cho phép độc giả hiểu theo nghĩa rộng: môn đệ này tin vào Đức Giê-su, tin Đức Giê-su đã sống lại, tin vào lời Người... Xem mục “tin” (không có bổ túc từ) trong bài viết: “Tin vào ai? Tin điều gì? Tin thế nào?” Đề tài “không thấy Đức Giê-su mà tin” trở thành lời chúc phúc ở cuối Tin Mừng (20,29b).

III. Tin thực sự dù không thấy Đức Giê-su

Đoạn văn Đức Giê-su hiện ra với Tô-ma ở 20,26-29 cho thấy chuyển tiếp giữa hai giai đoạn: (1) Giai đoạn tin vào Đức Giê-su nhờ thấy Người; (2) giai đoạn tin vào Đức Giê-su mà không thấy Đức Giê-su thể lý, nhưng (3) cùng chung một niềm tin.

(1) Giai đoạn thứ nhất là “tin” nhờ “thấy”. Khi Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ ở 20,19-23, “các môn đệ vui mừng thấy Chúa” (20,20b), “nhưng Tô-ma, một trong Nhóm Mười Hai, gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến” (20,24). Tô-ma nói với các môn đệ khác rằng: “Nếu tôi không thấy tay Người với những dấu đinh, và đặt ngón tay của tôi vào những dấu đinh, và đặt tay của tôi vào cạnh sườn Người, tôi không tin” (20,25b). Yêu cầu của Tô-ma là chính đáng, bởi vì các môn đệ khác đã thấy Đức Giê-su và đã tin Người đã sống lại, nên Tô-ma cũng cần thấy Đức Giê-su để tin. Mong muốn của Tô-ma được thực hiện vào tám ngày sau đó. Đức Giê-su lại hiện ra với các môn đệ và nói với Tô-ma ở 20,27: “Đưa ngón tay của anh vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay của anh ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng trở thành người không tin, nhưng là người tin.” Đối với các môn đệ đã đi theo Đức Giê-su, lòng tin của họ dựa trên “thấy Đức Giê-su”, “thấy các dấu lạ” và “lắng nghe giáo huấn” của Người. Nhưng đối với những người tin sau khi Đức Giê-su về với Cha của Người, nghĩa là các môn đệ từ thế hệ thứ hai trở đi, họ không còn “thấy” tận mắt và “nghe” trực tiếp giáo huấn từ Đức Giê-su nữa.

(2) Giai đoạn thứ hai là “không thấy” mà “tin”. Lời Đức Giê-su nói với Tô-ma ở 20,29: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin? Phúc cho những người không thấy mà là những người tin” là lời chúc phúc cho tất cả những ai không thấy Đức Giê-su về thể lý mà tin vào Người. Sau khi Người đi về với Cha và Đấng Pa-rác-lê, Thần Khí sự thật, được ban xuống cho các môn đệ (16,7) thì  một giai đoạn mới, cách thức “tin thực sự” mới đã khai sinh. Đó là tin vào Đức Giê-su dù không thấy Người. Các môn đệ từ thế hệ thứ hai trở đi đã tin nhờ lời rao giảng về Đức Giê-su của thế hệ trước và được tiếp nối trong Hội Thánh. Đức Giê-su nói về những người “không thấy mà tin” khi ngỏ lời với Cha của Người ở 17,20: “Con không chỉ can thiệp cho những người này (các môn đệ thuộc thế hệ thứ nhất), nhưng còn cho những người tin vào Con nhờ lời của họ (các môn đệ kể từ thế hệ thứ hai trở về sau)” (17,20). Với lời chúc phúc của Đức Giê-su ở 20,29b, người tin qua mọi thời đại nhận ra rằng họ được Đức Giê-su Phục Sinh chúc phúc và họ là môn đệ đích thực của Người.

Tuy nhiên, kiểu nói “không thấy mà tin” là hiểu theo nghĩa không thấy về thể lý. Còn trên bình diện tương quan tâm linh thì Đức Giê-su vẫn luôn hiện diện với người tin. Hơn nữa, ngay cả đối với Đức Giê-su trong thân phận làm người, hiện diện thể lý là đương nhiên bị giới hạn trong không gian và thời gian. Trong khi sự hiện diện tâm linh cho phép Đức Giê-su ở giữa  các môn đệ, ở trong từng môn đệ, khắp mọi nơi, ở mọi thời đại như Người đã hứa ở 14,20: “Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng: Thầy trong Cha Thầy, anh em trong Thầy và Thầy trong anh em.” Sự hiện diện này được thực hiện từ hai phía: Đức Giê-su ở trong người tin và người tin ở trong Đức Giê-su. Sự ở lại trong nhau này là sự hiệp thông sâu xa theo khuôn mẫu hiệp thông giữa Đức Giê-su và Cha của Người. Đức Giê-su ở trong Cha và Cha ở trong Người (14,11a). Sự hiện diện và hiệp thông giữa Đức Giê-su và người tin là niềm vui khôn tả, niềm vui không ai lấy mất được, nhờ thực sự đến với và tin.

(3) Hai giai đoạn khác nhau nhưng cùng chung một niềm tin. Lời Tô-ma tuyên xưng với Đức Giê-su Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,28) bày tỏ lòng tin đích thực vào Đức Giê-su. Đây cũng là lời tuyên xưng lòng tin của tất cả các môn đệ ở mọi nơi, mọi thời. Lời tuyên xưng long trọng này ở  cuối Tin Mừng (20,28) nối kết với lời tuyên xưng của tác giả đầu sách Tin Mừng về căn tính Đức Giê-su:  Lời (Logos) có lúc khởi đầu, và Lời (Logos) ở với Thiên Chúa, và Lời (Logos) là Thiên Chúa” (1,1); “Lời đã trở thành người phàm” (1,14a) và Lời ấy là “Con Một Thiên Chúa là Đấng hằng ở nơi cung lòng Cha, chính Đấng ấy đã kể cho chúng ta” (1,18b). Thật vậy, Đức Giê-su đã kể về Cha và mặc khải về tình yêu Chúa Cha dành cho nhân loại (3,16) trong Tin Mừng. Đến cuối Tin Mừng, môn đệ Tô-ma, đã nhận ra căn tính đích thực của Đức Giê-su: Người là Chúa và là Thiên Chúa (20,28). Lời khẳng định của tác giả đầu Tin Mừng song song với lời tuyên xưng của Tô-ma cuối Tin Mừng làm thành “lời mở” và “lời kết” mạnh mẽ về nội dung niềm tin vào Đức Giê-su. Những lời tuyên xưng trên là khuôn mẫu để độc giả diễn tả lòng tin đích thực.

Kết luận

Phân tích về “chưa thực sự” và “thực  sự” đến với, thấy và tin Đức Giê-su, cho thấy cách vận dụng độc đáo của người thuật chuyện về ba động từ: “đến”, “thấy” và “tin”, cũng như sự liên kết giữa chúng. Ba động từ này có nghĩa (1) tiêu cực (chưa thực sự) hay (2) tích cực (thực sự).

(1) Trong trường hợp chưa thực sự đến với, thấy và tin, mạch văn luôn hàm ẩn có sự hiểu lầm của khán thính giả về những gì Đức Giê-su đã làm (để thấy) hay về lời Người đã nói (để nghe). Vì thế “đến với”, “thấy” và “tin” không dẫn đến tương quan đích thực với Đức Giê-su. Chẳng hạn đám đông đã thấy dấu lạ Đức Giê-su làm (6,14), nhưng đó là cách thấy sai lạc, không dẫn đến niềm tin. Hành động tin vào Đức Giê-su vì thấy các dấu lạ Người đã làm ở 2,23b cũng chưa phải là lòng tin đích thực, vì Đức Giê-su không tin họ (2,24a).  

(2) Những trường hợp trên, giúp độc giả hiểu thế nào là thực sự “đến với”, “thấy” và “tin”. Đức Giê-su mời gọi mọi người đến với và tin vào Người để không bao giờ đói và khát nữa (6,35). Ai thấy và tin vào Đức Giê-su thì có sự sống đời đời (6,40). Tin Mừng đề cao cách thức “thấy” và “tin” của môn đệ Đức Giê-su thương mến. Trước ngôi mộ trống, môn đệ này “đã thấy và đã tin” (20,8b). Tin Mừng kết thúc bằng lời chúc phúc của Đức Giê-su dành cho ai không thấy Người mà tin (20,29b). Độc giả được mời gọi trở thành người được chúc phúc. Tuy nhiên, về tâm linh, Đức Giê-su vẫn ở với người tin và người tin được mời gọi ở lại trong Người (14,20b; 15,1-8)./.


2 nhận xét:

  1. Nặc danh23:51 11/6/14

    Thua Cha, cam nghiem cua con khi doc xong Bai chia se cua Cha , do la cac cau hoi: Thuc su hay khong thuc su tin noi Chua ? Do phai chang la mot hanh trinh ? The nao la quan niem cua toi ve niem tin ?
    Dieu con quan tam do la trong Tin Mung Thanh Gio- an , Chua Gie- su thuong dung cac bieu tuong tran the de dien ta nhung thuc tai tam linh chang han nhu : Chua noi ve su tai sinh voi Ni- co – dem, ve nuoc voi phu nu Sa- ma- ri, ve banh hang song … Vi the tin co phai la di nhung buoc nhay hai hoa giua the gioi huu hinh va the gioi vo hinh phai khong Cha.? Con nghi do la mot trong nhung van nan lon cua duc tin doi voi nguoi Do Thai va cua xa hoi ngay hom nay.
    Phai chang tin do la dieu vu mat thiet , quyen luyen cua mot tinh yeu giua Thien Chua voi con nguoi noi Duc Gie-su?.Nhu Cha viet : Đức Giê-su khong bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong khi sự hiện diện tâm linh cho phép Đức Giê-su ở với các môn đệ khắp mọi nơi, ở mọi thời đại. Sự hiện diện này được thực hiện từ hai phía: “Đức Giê-su ở trong người tin” và “người tin ở trong Đức Giê-su”. Đây là mối tương quan và hiệp thông sâu xa, hàm ẩn sự dấn thân của hai bên. Mối tương quan này giống tương quan giữa Đức Giê-su và Cha của Người.
    . Nguoi tin nhan ra Chua Giê- su, con Thien Chua va nhan ra tha nhan la anh- chi em cung Cha tren troi , dong thoi nhan ra tao vat la hong an Chua. Trai lai , nguoi khong tin nhin Chua Gie- su nhu con cua ong tho moc Giu- su va cung chang khac gi mot Darwin cua thoi dai moi. Ho nhin tha nhan giong nhu bao cac loai thu tao khac. Ben canh do lai co nhung nguoi tin nhung song nhu nguoi vo than va nguoi vo than song nhu nguoi tin. Con tu hoi dau la ranh gioi giua ca hai ?
    Con yeu men loi Cha viet: Tu trong long chay ra nguon su song . Co le do la tieu chuan de nhan biet duc tin cua toi co that hay khong ? Cam on Cha nhieu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả đã chia sẻ cảm nghĩ về niềm tin vào Đức Giê-su và ưu tư về thực trạng niềm tin hiện nay. Xin chia sẻ một đôi điều về thế nào là tin và ranh giới giữa tin và không tin.

      Niềm tin vào Đức Giê-su khởi đi từ kinh nghiệm sống giữa con người với nhau. Con người là một huyền nhiệm, không một khoa học nào dám nghĩ là đã hiểu hết về con người. Mỗi người có một phần, một nơi mà không ai có thể đụng chạm tới được. Không gian tâm linh này làm nên sự tự do và phẩm giá con người. Vì không nắm được nhau, không hoàn toàn kiểm soát được nhau, không thể hiểu hết được về nhau, cho nên để sống với nhau con người phải tin nhau. Vợ chồng không tin tưởng nhau không thể sống được với nhau. Thầy trò không tin tưởng nhau thì thầy không dạy được và trò cũng chẳng học được. Tuy vậy, cần tin nhau để sống và phát triển, nhưng không phải là “cả tin”, “dễ tin”, ai nói gì cũng tin, để rồi bị lừa gạt. Do đó, cần học hỏi để tin tưởng nhau một cách khôn ngoan và sáng suốt….

      Niềm tin vào Đức Giê-su đi xa hơn và cao hơn, vì nó ảnh hưởng đến cuộc đời con người, lúc còn sống cũng như khi đã qua đời. Tin vào Đức Giê-su là bước vào tương quan tình yêu và tình bạn với Người, đón nhận phần huyền nhiệm bí ẩn không thể kiểm chứng được về nhau. Vì tin vào Đức Giê-su nên tin vào lời Người nói, tin vào giáo huấn của Người. Như độc giả nhận xét rất đúng, tin là một hành trình, vì thế không dễ dàng phân biệt giữa tin và không tin. Có trường hợp nghĩ rằng mình đang tin nhưng thực sự là chưa tin. Cũng có thể hôm nay tin, nhưng ngày mai gặp thử thách lòng tin bị giảm sút. Đối diện với thế giới xem ra ngày càng xa rời niềm tin tôn giáo, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng niềm tin vào nhau, niềm tin và uy tín trong công việc, trong tương quan, để từ đó có cơ may nhận ra rằng niềm tin vào Đức Giê-su không phải là gánh nặng cho con người mà niềm tin làm cho con người sống mạnh mẽ hơn, sống dồi dào hơn, sống tự do hơn, sống có ý nghĩa hơn với mình, với cuộc đời và với mọi người./.

      Xóa