23/06/2020

Mc 10,17-31. Từ bỏ mọi sự, nhận lại gấp trăm




Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 23 tháng 06 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Bản văn, bối cảnh và cấu trúc Mc 10,17-31
    1. Bản văn
    2. Bối cảnh
    3. Cấu trúc
II. Phân tích
    1. “Của cải” và “làm môn đệ Đức Giê-su” (10,17-22)
    2. Vào Vương Quốc Thiên Chúa (10,23-27)
    3. Phần thưởng dành cho môn đệ (10,28-30)
    4. Nguyên tắc: “Đứng đầu – đứng chót” (10,31)
Kết luận
    Thư mục



Dẫn nhập

Bài viết trình bày đề tài “từ bỏ mọi sự, nhận lại gấp trăm”, nghĩa là từ bỏ, không những không mất mát gì mà còn được thêm gấp nhiều lần. Lời Đức Giê-su hứa có ý nghĩa gì cho độc giả? Từ bỏ cái gì, mất gì, được gì, mất bao nhiêu, được bao nhiêu, trong thời gian bao lâu? Câu chuyện về người “có nhiều của cải” (Mc 10,22b) muốn biết “phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp” (10,17b) và đoạn văn Đức Giê-su trao đổi với các môn đệ về các đề tài: “vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,23-27) và được gì khi đi theo Đức Giê-su (10,28-31) giúp trả lời những câu hỏi trên. Đoạn văn Mc 10,17-31 được tìm hiểu qua hai phần: (I) bản văn, bối cảnh và cấu trúc Mc 10,17-31 và (II) phân tích một số đề tài trong đoạn văn.

I. Bản văn, bối cảnh và cấu trúc Mc 10,17-31

Phần này tình bày trước hết (1) bản văn Mc 10,17-31; kế đến (2) cho biết bối cảnh đoạn văn này liên hệ thế nào với đoạn văn trước và sau nó; cuối cùng (3) cấu trúc tổng quát đoạn văn.

    1. Bản văn

Bản văn Mc 10,17-31 gồm 3 tiểu đoạn: (a) 10,17-22: làm gì để có sự sống đời đời? (b) 10,23-27: vào Vương Quốc Thiên Chúa; (c) 10,28-31: Bỏ mọi sự, được gấp trăm. Dưới đây là trình thuật ba tiểu đoạn trên:

(a) Mc 10,17-22: “17 Người [Đức Giê-su] vừa lên đường, một người chạy đến quỳ xuống trước Người và hỏi Người: ‘Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp?’ 18 Đức Giê-su nói với người ấy: ‘Sao anh nói Tôi là tốt lành? Không có ai tốt lành, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Anh biết các điều răn: Ngươi không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai, ngươi hãy thảo kính cha mẹ của ngươi.’ 20 Anh ta xác nhận với Người: ‘Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã giữ từ thời niên thiếu.’ 21 Đức Giê-su nhìn anh ta, Người yêu mến anh ta và nói với anh: ‘Anh còn thiếu một điều: Anh hãy ra đi, hãy bán những gì anh có và cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi.’ 22 Nhưng anh ta sầm mặt lại vì lời ấy anh ta buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”

(b) Mc 10,23-27: “23 Rảo mắt nhìn chung quanh, Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: ‘Thật khó biết bao cho những người có của đi vào Vương Quốc Thiên Chúa.’ 24 Các môn đệ sững sờ về những lời của Người. Đức Giê-su lại lên tiếng nói với các ông: ‘Các con ơi, thật là khó biết bao để đi vào Vương Quốc Thiên Chúa. 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim thì dễ hơn người giàu đi vào Vương Quốc Thiên Chúa.’ 26 Các ông hết sức kinh ngạc nói với nhau: ‘Vậy thì ai có thể được cứu?’ 27 Nhìn thẳng vào các ông, Đức Giê-su nói: ‘Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa.’”

(c) Mc 10,28-31: “28 Phê-rô lên tiếng nói với Người: ‘Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà đi theo Thầy.’ 29 Đức Giê-su xác nhận: ‘A-men, Thầy nói cho anh em: Không ai bỏ nhà cửa, hay anh em, chị em, mẹ, cha, con cái, ruộng đất, vì Thầy và vì tin mừng,  30 mà không nhận được gấp trăm, bây giờ, trong thời gian này, nhà cửa và anh em, chị em, mẹ, con cái, ruộng đất, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời trong thời đang đến. 31 Nhưng nhiều kẻ đứng đầu sẽ đứng chót và những kẻ đứng chót sẽ đứng đầu.’”

Tiểu đoạn 1 (10,17-22) thuật lại đối thoại giữa người có nhiều của cải và Đức Giê-su, hiểu ngầm là có các môn đệ hiện diện. Tiểu đoạn 2 (10,23-27) và 3 (10,28-31) là trao đổi giữa Đức Giê-su và các môn đệ về hai đề tài có liên quan đến tiểu đoạn 1. Đề tài tiểu đoạn 2: vào Vương Quốc Thiên Chúa, và tiểu đoạn 3: theo Đức Giê-su thì được gì.

    2. Bối cảnh

Đoạn văn Mc 10,17-31 thuộc phần Đức Giê-su giảng dạy về Vương Quốc Thiên Chúa. Đoạn văn trước đó (10,13-16), thuật lại giáo huấn liên quan đến “trẻ em” và cách thức vào Vương Quốc Thiên Chúa. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 10,14b-15: “14b Hãy để các trẻ em đến với Thầy, hãy đừng ngăn cấm chúng, vì Vương Quốc của Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 A-men, Thầy nói cho anh em: Người nào không đón nhận Vương Quốc Thiên Chúa như một trẻ em thì chắc chắn người ấy không được vào đó.” Giáo huấn này nối kết với đề tài trong đoạn văn 10,17-31 là “có sự sống đời đời làm gia nghiệp” (10,17) và “vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,23.24.25.27).

Trong đoạn văn tiếp theo (10,32-34), Đức Giê-su và các môn đệ đi lên Giê-ru-sa-lem. Trên đường đi, Người báo trước lần thứ III biến cố Thương Khó và Phục Sinh. Người nói với các môn đệ ở 10,33-34: “33 Này chúng ta đi lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và các kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34 Họ sẽ nhạo báng Người và sẽ khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn Người và sẽ giết chết Người, và sau ba ngày, Người sẽ sống lại.” Lời này nối kết với đoạn văn 10,17-31 qua ba đề tài: (1) từ bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su; (2) bị bách hại và ngược đãi (10,30); và (3) nguyên tắc đảo ngược: “kẻ đứng đầu sẽ đứng chót và những kẻ đứng chót sẽ đứng đầu” (10,31). Nguyên tắc này áp dụng cho các môn đệ và cho biến cố Thương Khó và Phục Sinh. Tóm lại, đoạn văn 10,17-31 liên kết chặt chẽ với đoạn văn trước (10,13-16) và sau nó (10,32-34).

    3. Cấu trúc

Đoạn văn Mc 10,17-31 cấu trúc tổng quát thành ba tiểu đoạn: (1) 10,17-22; (2) 10,23-27; (3) 10,28-31 với ba đề tài, tuy khác nhau nhưng bổ túc và soi sáng cho nhau.



Tiểu đoạn thứ nhất (10,17-22) kể về người muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp. Khởi đầu xem ra anh ta là người tốt lành và đạo đức, vì tuân giữ các điều răn (10,19) từ thời niên thiếu (10,20). Tuy nhiên, khi Đức Giê-su đề nghị: “Anh hãy ra đi, hãy bán những gì anh có và cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi”, anh ta đã “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (10,22). Như thế, của cải trở thành chướng ngại cho quyết định làm môn đệ Đức Giê-su. Đề tài “của cải” và “làm môn đệ” sẽ được phân tích dưới đây.

Tiểu đoạn thứ hai (10,23-27) là phần Đức Giê-su nói với các môn đệ sau khi người có nhiều của cải bỏ đi. Ý tưởng “thật là khó biết bao để đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” được Đức Giê-su nói đến 2 lần (10,23.24). Khó khăn này không chỉ liên quan đến “người có của” mà còn mở rộng đến mọi người. Hơn nữa, không chỉ là “khó” mà Đức Giê-su còn nhấn mạnh qua câu ví: “Con lạc đà chui qua lỗ kim thì dễ hơn người giàu đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,25). Như thế, trước là “khó vào”, sau là “không thể vào”, nhưng “mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa” (10,27). Tại sao “vào Vương Quốc Thiên Chúa” lại khó khăn như thế? Đề tài “có sự sống đời đời làm gia nghiệp” hay “vào Vương Quốc Thiên Chúa” sẽ được trình bày trong mục thứ hai dưới đây.

Trong tiểu đoạn thứ ba (10,28-31), Đức Giê-su hứa phần thưởng cho những ai bỏ mọi sự mà đi theo Người (10,28). Phần thưởng dành cho các môn đệ vừa ở hiện tại: “trong thời gian này” (10,30a) vừa ở tương lai: “trong thời đang đến” (10,30b). Tại sao mạch văn đang nói đến phần thưởng gấp trăm lại nói đến “cùng với sự ngược đãi” (10,30)? Nghịch lý này sẽ được bàn tới trong mục thứ ba: “phần thưởng dành cho các môn đệ”. Câu cuối tiểu đoạn 3 là nguyên tắc đảo ngược 10,31: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ đứng chót và những kẻ đứng chót sẽ đứng đầu.” Ai là người đứng đầu, ai là người đứng chót sẽ được tìm hiểu trong mục thứ tư.

II. Phân tích

Phần phân tích đoạn văn 10,17-31 gồm bốn mục: (1) của cải và làm môn đệ Đức Giê-su (10,17-22); (2) vào Vương Quốc Thiên Chúa (10,23-27); (3) phần thưởng dành cho các môn đệ (10,28-30); (4) nguyên tắc đảo ngược: “đứng đầu” – “đứng chót” (10,31).

    1. “Của cải” và “làm môn đệ Đức Giê-su” (10,17-22)

Trình thuật bắt đầu khi có một người chạy đến quỳ xuống và hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (10,17) Để trả lời câu hỏi này, Đức Giê-su nói đến hai ý tưởng: (1) phẩm chất “tốt lành” (10,18) và (2) các điều răn (10,19). 

(1) Trước hết, là phẩm chất “tốt lành” khi Người nói với anh ta: “Sao anh nói Tôi là tốt lành? Không có ai tốt lành, trừ một mình Thiên Chúa” (10,18b). Trong truyền thống Do Thái, phẩm chất “tốt lành” dành cho Thiên Chúa và cũng được áp dụng cho những thực tại khác (xem St 1,4.10.12.18; v.v…). Trong phần mở đầu (10,18) cuộc đối thoại (10,17-18), Đức Giê-su dành phẩm chất “tốt lành” cho một mình Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự tốt lành và là Đấng duy nhất có thể ban tặng “sự sống đời đời” (10,17). Qua xác nhận nguồn gốc sự tốt lành, Đức Giê-su đã hướng người muốn “có sự sống đời đời làm gia nghiệp” về phía Thiên Chúa, bởi vì trước hết, “có sự sống đời đời” hay “vào Vương Quốc Thiên Chúa” là quà tặng của Thiên Chúa.

Câu 10,18 gợi đến điều răn nền tảng trong sách Đệ Nhị Luật 6,4-5: “4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (NPD/CGKPV). J. Marcus viết về liên hệ trong câu trả lời của Đức Giê-su với 10 điều răn như sau: “[Điều răn đứng đầu này (Đnl 6,4-5)] được người Do Thái và Ki-tô hữu thời sơ khai xem như tương đương với phần đầu của 10 điều răn [phiến đá thứ nhất của Thập Điều], trong đó nói về tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Phần thứ hai của câu trả lời [10,19] trích dẫn từ phần thứ hai của 10 điều răn [phiến đá thứ hai của Thập Điều], trong đó nói đến tương quan giữa người với người” (J. Marcus, Mark 8–16, 2009, tr. 725). 

(2) Câu 10,19 liệt kê các điều răn. Đức Giê-su thay đổi thứ tự điều răn thứ năm: “ngươi hãy thảo kính cha mẹ của ngươi” trong danh sách Mười Điều Răn ở Xh 20,12-16; Đnl 5,16-20. Nếu so với Xh và Đnl, thứ tự các điều răn ở Mc 10,19 là 6, 7, 8, 9, 10, 5. Việc anh ta tuân giữ các điều răn được trình bày trong phần đầu trình thuật (10,19-20). Chỉ đến cuối câu chuyện, độc giả mới biết “anh ta có nhiều của cải” (10,22b). Phần đầu câu chuyện, anh ta được trình bày như là người tốt và đạo đức, vì đã tuân giữ cẩn thận các điều răn tương quan giữa người với người: từ niên thiếu (10,20), đã “không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai, thảo kính cha mẹ” (10,19). Phần tiếp theo câu chuyện cho thấy việc tuân giữ cẩn thận các điều răn trên đây chưa đủ để “có sự sống đời đời làm gia nghiệp” (10,17). Đức Giê-su nói với anh ta: “Anh còn thiếu một điều”. “Điều còn thiếu” hàm ý việc tuân giữ điều răn của anh ta chưa trọn vẹn. Thật trớ trêu khi người này dường như có tất cả (đạo đức và của cải), nhưng lại thiếu một điều quan trọng. Đó là điều gì?

Đức Giê-su đề nghị anh ta thực hiện điều còn thiếu: “Anh hãy ra đi, hãy bán những gì anh có và cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi” (10,21b). Có hai hướng di chuyển trong lời Đức Giê-su: “HÃY ĐI” và “HÃY ĐẾN”. Lời mời gọi “hãy ra đi, hãy bán những gì anh có và cho người nghèo” làm anh ta thành người nghèo, nhưng anh ta sẽ “có một kho tàng trên trời” (10,21b). Nghĩa là anh ta lại trở nên giàu, với “một kho tàng”, nhưng không phải ở trần gian này. Thay vì “kho tàng trần thế”, “kho tàng trên trời” làm anh ta được tự do, không bị ràng buộc vào của cải trần thế để đến và đi theo Đức Giê-su (10,21c).

Trong truyền thống Cựu Ước, giàu có và của cải vật chất được xem là ân huệ Thiên Chúa ban (xem G 1,10; Tv 128 [127]; Is 3,10). Một người đạo đức thường mong ước trở nên thịnh vượng, phát đạt, rồi từ đó chia sẻ và giúp đỡ những người khác. Họ trở thành ân nhân của những người nghèo khổ (xem G 1,1-5; 29,1-25). Thông thường người làm ơn sẽ  được người thụ ơn kính trọng và biết ơn. Tuy nhiên, ở Mc 10,21, Đức Giê-su không đề nghị anh ta chia sẻ của cải cho những người túng thiếu để trở thành ân nhân của họ mà là từ bỏ tất cả của cải anh ta có, một lần cho tất cả. Vậy anh ta phải lựa chọn một trong hai điều: Gắn bó với của cải hay từ bỏ nó để theo Đức Giê-su và làm môn đệ. Đức Giê-su mời gọi anh ta giải thoát mình khỏi mọi thứ ràng buộc để được tự do đi theo Người. Đáng tiếc là anh ta không làm theo lời Đức Giê-su đề nghị.

Trên bình diện văn chương, thay đổi nhanh chóng từ nhiệt tình hăm hở “chạy đến quỳ xuống trước Đức Giê-su và hỏi Người “phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp” đến thái độ “sầm mặt lại” và “buồn rầu bỏ đi” là nét độc đáo của lối hành văn Tin Mừng Mác-cô. Câu chuyện sinh động làm lộ ra thế nào là “có sự sống đời đời” và nguy cơ cho việc vào Vương Quốc Thiên Chúa.

    2. Vào Vương Quốc Thiên Chúa (10,23-27)

Sau khi người “có nhiều của cải” “buồn rầu bỏ đi” (10,22), Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh nói với các môn đệ: “Thật khó biết bao cho những người có của đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,23). Sự ngạc nhiên của các môn đệ tăng lên với những lời tuyên bố của Đức Giê-su, tiến triển từ “khó” đến “không thể” vào Vương Quốc Thiên Chúa. Điều này không chỉ áp dụng cho “người có của cải” mà còn cho tất cả mọi người. Đề tài này tỏ lộ qua cấu trúc đoạn văn 10,23-27:



Cấu trúc trên làm rõ ba ý chính trong ba phần: (1) 10,23-24; (2) 10,25-26; (3) 10,27: 

(1) Phần thứ nhất (10,23-24) nói đến ý tưởng “khó” vào Vương Quốc Thiên Chúa. Trước hết là “khó cho người có của cải”, Đức Giê-su tuyên bố: “Thật khó biết bao cho những người có của đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,23), kế đến là “khó cho mọi người”, vì Đức Giê-su nói: “Các con ơi, thật là khó biết bao để đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,24b). Câu này xuất hiện trong nhiều thủ bản Hy Lạp cổ, trong khi một số thủ bản khác viết: “Các con ơi, thật là khó cho những kẻ cậy dựa vào của cải để đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,24b). Có thể cụm từ “những kẻ cậy dựa vào của cải” đã được thêm vào để phù hợp với ý lời Đức Giê-su đã nói trước đó ở 10,23. (Xem chú thích 10,24 trong Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt). Chúng tôi theo bản văn Hy-lạp 10,24b của Nestle-Aland, Novum Testamentum Graece, (27th Edition), 1996: “Thật là khó biết bao để đi vào Vương Quốc Thiên Chúa”. Trong trường hợp này, khó khăn để vào Vương Quốc Thiên Chúa mở rộng đến mọi người. Giữa hai khẳng định: “khó cho người có của cải” và “khó cho mọi người” là sự “sững sờ kinh ngạc” của các môn đệ (10,24a). Điều này còn tăng lên trong đoạn văn tiếp theo.

(2) Ý tưởng chính trong phần thứ hai (10,25-26) là “không thể” vào Vương Quốc Thiên Chúa. Trước hết là “không thể” cho người giàu. Đức Giê-su nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim thì dễ hơn người giàu đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,25). Lạc đà là thú vật nuôi lớn nhất ở vùng Pa-lét-tin biểu thị cho hình dạng to lớn, trong khi lỗ kim biểu tượng cho thứ nhỏ nhất. Việc “con lạc đà chui qua lỗ kim” là điều “không thể”. Hơn nữa, việc người giàu “không thể” vào Vương Quốc Thiên Chúa còn được nhấn mạnh vì con lạc đà chui qua lỗ kim còn “dễ hơn”, nghĩa là hoàn toàn không thể.

Có lẽ ngạc nhiên bởi sự cường điệu quá mức giữa “con lạc đà” và “lỗ kim” nên một số thủ bản Hy-lạp làm giảm bớt tương phản, để cái “không thể” trở thành “khả thể” hơn một chút. Thực vậy, một số thủ bản thay thế danh từ Hy-lạp “kamêlon” (con lạc đà, camel) bằng từ gần giống: “kamilon” (giây thừng, rope). Tuy xỏ dây thừng qua lỗ kim cũng là việc không thể làm được, nhưng không cường điệu bằng “con lạc đà chui qua lỗ kim”.

Giải thích khác cho rằng ở Giê-ru-sa-lem đã từng có cổng thành mang tên “lỗ kim” (Eye of the Needle Gate), đây là cách giải thích giảm nhẹ tương phản trên và thiếu cơ sở. J. R. Donahue and D. J. Harrington nhận định: “Ý tưởng về hiện hữu một ‘cổng thành lỗ kim’ (Eye of the Needle Gate) hay ‘cổng thành lạc đà’ (Camel’s Gate) ở Giê-ru-sa-lem là không có nền tảng lịch sử và cũng chỉ để giảm nhẹ sự cường điệu” (J.R. Donahue; D.J. Harrington, Gospel of Mark, 2002, tr. 304). Cũng vậy, theo P. Minear, những cách hiểu trên đây là “thu nhỏ con lạc đà và mở rộng lỗ kim” (P. Minear, “Needle’s eye”, tr. 169).

Thực ra, câu Đức Giê-su so sánh hai hình ảnh: “lạc đà chui qua lỗ kim” và “người giàu vào Vương Quốc Thiên Chúa” là phù hợp với mạch văn 10,17-31. Hình ảnh “con lạc đà chui qua lỗ kim thì dễ hơn người giàu đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,25) làm rõ câu Đức Giê-su nói trước đó: “Thật khó biết bao cho những người có của đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,23). J. Marcus nối kết hình ảnh “lạc đà” và “của cải” như sau: “Đã không thể thực hiện được việc một con vật lớn chui qua lỗ kim, lại còn trở nên vô lý hơn nữa khi con vật được chất đầy tài sản.” (J. Marcus, Mark 8–16, 2009, tr. 731). Phản ứng của các môn đệ: “hết sức kinh ngạc” (10,26a) phù hợp với câu ví cường điệu ở 10,25. Các ông đã mở rộng “không thể cho người giàu” đến tất cả mọi người khi dùng đại từ “ai” ở 10,26b: “Vậy thì ai có thể được cứu?”

(3) Phần thứ ba (10,27) là giải pháp cho tình trạng “khó” rồi “không thể” vào Vương Quốc Thiên Chúa, đối với người giàu và với mọi người. Đức Giê-su đưa ra giải pháp tích cực, mở lối hy vọng cho con người khi tuyên bố ở 10,27: “Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa.” Đây là ý tưởng nền tảng và đặc biệt quan trọng, bởi vì trước tiên “vào Vương Quốc Thiên Chúa” là quà tặng của Thiên Chúa. Thật vậy, trong đoạn văn trước, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ về trẻ em và Vương Quốc Thiên Chúa ở 10,14b-15: “14b Hãy để các trẻ em đến với Thầy, hãy đừng ngăn cấm chúng, vì Vương Quốc của Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 A-men, Thầy nói cho anh em: Người nào không đón nhận Vương Quốc Thiên Chúa như một trẻ em thì chắc chắn người ấy không được vào đó.” Lời này cho thấy con người chỉ có thể vào Vương Quốc Thiên Chúa bằng cách đón nhận điều ấy như là quà tặng của Thiên Chúa: “đón nhận Vương Quốc Thiên Chúa như một trẻ em” (10,15a). Nối kết hai đoạn văn 10,14-15 và 10,17-27 giúp độc giả trả lời câu hỏi: “Phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (10,17b). Đó là sống tinh thần trẻ thơ và tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

Nói cách khác, mọi người điều có thể vào Vương Quốc Thiên Chúa nếu như họ mở lòng đón nhận quà tặng của Thiên Chúa như trẻ thơ và tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Từ đó ĐẾN VỚI Đức Giê-su, ĐI THEO Người và TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ của Người. Làm môn đệ là yêu mến Đức Giê-su và tuân giữ các điều răn của Người. Đoạn văn tiếp theo (10,28-30) nói về phần thưởng dành cho người đã từ bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su.

    3. Phần thưởng dành cho môn đệ (10,28-30)

Lời Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà đi theo Thầy” (10,28), tương phản với quyết định bỏ đi của “người có nhiều của cải” ở 10,22: “Anh ta sầm mặt lại vì lời ấy anh ta buồn rầu bỏ đi”. Người này từ chối trở thành môn đệ Đức Giê-su, không muốn “từ bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giê-su” (10,28b). Câu trả lời của Đức Giê-su ở 10,29-30 tương phản mạnh mẽ: các môn đệ từ bỏ mọi sự, nhưng họ không mất gì cả, ngược lại họ nhận được gấp trăm những thứ mà họ đã từ bỏ. Cấu trúc song song 10,29 // 10,30 dưới đây làm lộ ra nhiều điều thú vị:



Nhiều ý tưởng và từ ngữ ở 10,29 song song với 10,30. Câu 10,29 gồm 8 yếu tố. Câu 10,30 chia thành chia thành hai giai đoạn: (I) “Bây giờ, trong thời gian này” và (II) “trong thời đang đến”. Danh sách “phần thưởng” “trong thời gian này” (10,30) song song với 8 yếu tố trong câu trước (10,29), ngoại trừ yếu tố thứ (5) không có song song ở (5’). Yếu tố “cha” (5) trong danh sách từ bỏ, không xuất hiện trở lại trong danh sách “nhận lại” (5’). Còn yếu tố (8’): “cùng với sự ngược đãi” (10,30) không phải là phần thưởng. Bốn điểm sau giải thích ý nghĩa và một số chi tiết lạ thường trong cấu trúc trên:

(1) Cấu trúc song song 10,29 // 10,30 nhấn mạnh ý: khi bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su thì không mất gì cả mà còn nhận lại được gấp trăm. Điều này diễn tả qua “danh sách từ bỏ” (10,29) sẽ được thay thế bằng “danh sách nhận lại gấp trăm” (10,30).

(2) Tại sao không có yếu tố (5’) song song với yếu tố (5): “cha” ở 10,29? Có thể hiểu Thiên Chúa là “Cha” của các môn đệ, thay cho “cha” trần thế. Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện ở 11,25: “Khi anh em đứng cầu nguyện, anh em hãy tha thứ nếu anh em có gì bất bình với người nào, để Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, cũng tha cho anh em những lỗi lầm của anh em.” Vậy, Cha, Đấng ngự trên trời là Cha của các môn đệ. Đồng thời, hình ảnh “cha” còn áp dụng cho Đức Giê-su. Hai yếu tố song song (6) // (6’) “con cái” (tekna) trong bảng cấu trúc trên đi chung với các yếu tố khác trong tương quan đình: cha, mẹ, anh em, chị em ở 10,29-30. Điều lạ là Đức Giê-su cũng dùng từ “tekna” (số nhiều: các con, con cái) để gọi các môn đệ, khi Người nói với các ông ở 10,24: “Các con ơi (tekna), thật là khó biết bao để đi vào Vương Quốc Thiên Chúa.” Có thể hiểu lối xưng hô này như sau: Vào thời điểm biên soạn Tin Mừng, Đức Giê-su đã được cộng đoàn tuyên xưng là Chúa, là Con Thiên Chúa (15,39). Sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh, Đức Giê-su “được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (16,19). Người là đối tượng niềm tin của cộng đoàn, nên hình ảnh “Cha” được gán cho Đức Giê-su qua cách Người xưng hô với các môn đệ: “các con” (10,24).

(3) Cụm từ “cùng với sự ngược đãi”, yếu tố (8’) ở 10,30 không phải là phần thưởng và làm gián đoạn các yếu tố tích cực. Tuy vậy, yếu tố “sự ngược đãi” (8’) có ý nghĩa quan trọng. Yếu này song song với yếu tố (8) ở 10,29: “vì Thầy và vì tin mừng”. Trong thế gian này, các môn đệ có thể bị ngược đãi, bị bách hại “vì Đức Giê-su và vì tin mừng.” Yếu tố (8’): “cùng với sự ngược đãi” cho độc giả biết rằng tham dự vào Vương Quốc Thiên Chúa không loại bỏ mầu nhiệm thập giá. Đối với các môn đệ, phần thưởng “trong thời gian này” và “trong thời đang đến” (10,30) là quá lớn, quá tuyệt vời, không thể so sánh được với bất kỳ thứ gì khác. Vì thế, “vì Đức Giê-su và vì tin mừng” (8) người môn đệ đón nhận “sự ngược đãi” (8’), dám hy sinh mọi thứ khác, kể cả mạng sống mình khi cần thiết “để có sự sống đời đời làm gia nghiệp” (10,17).

(4) Nét tương phản đáng chú ý là (a) sự quá phong phú của các phần thưởng “bây giờ, trong thời gian này” với  6 yếu tố và nhận được gấp trăm: “nhà cửa và anh em, chị em, mẹ, con cái, ruộng đất” (10,30a) với (b) chỉ duy nhất một phần thưởng “trong thời đang đến” là “sự sống đời đời” (10,30b). Tương phản này làm nổi bật phần thưởng quý giá nhất là “sự sống đời đời”, như thể chỉ phần thưởng này có giá trị hơn tất cả phần thưởng khác “bây giờ, trong thời gian này.” Vậy, phần thưởng gấp trăm trong thời gian này chỉ là “khai vị” của phần thưởng “sự sống đời đời” trong thời đang đến. J.R. Donahue và D.J. Harrington diễn tả điều này như sau: “Danh sách phần thưởng mô tả sự mở đầu hay sự tham dự vào những khía cạnh của Vương Quốc Thiên Chúa, đã được trải nghiệm trong cộng đoàn Ki-tô hữu” (J.R. Donahue; D.J. Harrington, Gospel of Mark, 2002, tr. 305-306). Đoạn văn 10,18-21 kết thúc bằng nguyên tắc đảo ngược ở 10,31.

    4. Nguyên tắc: “Đứng đầu – đứng chót” (10,31)

Lời Đức Giê-su ở 10,31: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ đứng chót và những kẻ đứng chót sẽ đứng đầu” như thể là một lời độc lập, bị lạc khỏi bối cảnh văn chương của nó và được chèn vào bản văn. Tuy nhiên, nếu liên kết lời này (10,31) với bối cảnh văn chương đoạn văn trước (10,17-30) và đoạn văn sau (10,32-34) thì đây là nguyên tắc quan trọng với nhiều cách áp dụng. Từ Hy-lạp: “nhiều người” (polloi) ở đầu câu 10,31 chỉ ra rằng, không phải tất cả “đứng đầu sẽ đứng chót” mà là “nhiều người”. Nguyên tắc trên có thể áp dụng cho các môn đệ và cho Đức Giê-su theo cả hai chiều:

(1) “Kẻ đứng đầu sẽ đứng chót”. Các môn đệ đã từ bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su nên họ có một kho tàng trên trời (10,21c),  họ được thừa hưởng gấp trăm, có gia đình mới là cộng đoàn Hội Thánh và có Thiên Chúa là Cha. Các môn đệ trở thành “kẻ đứng đầu” “trong thời gian này” và thừa hưởng “sự sống đời đời” “trong thời đang đến” (Mc 10,30). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bị bách hại, các môn đệ bị ngược đãi và trở thành “kẻ đứng chót”. Ngay sau câu nói về nguyên tắc trên (10,31), Đức Giê-su báo trước Thương Khó và Phục Sinh của Người ở 10,33-34 (xem trích dẫn 10,33-34 ở mục “bối cảnh”). Vậy nguyên tắc đảo ngược còn áp dụng cho Đức Giê-su. Người là “Đấng đứng đầu”, là Con Thiên Chúa, nhưng đã trở nên “đứng chót”, đã chịu đau khổ và chết trên thập giá.

(2) “Kẻ đứng chót sẽ đứng đầu”. Đức Giê-su chết ô nhục trên thập giá như là “kẻ đứng chót”, nhưng biến cố Phục Sinh làm Người trở thành “Đấng đứng đầu”. Các môn đệ cũng theo tiến trình này, trong hoàn cảnh bị ngược đãi, bị bách hại, họ là “kẻ đứng chót”, nhưng đã trung tín với Đức Giê-su cho đến chết, họ sẽ được phục sinh và sống hạnh phúc trong Vương Quốc Thiên Chúa, nghĩa là trở thành “kẻ đứng đầu”.

Kết luận

Trong tiểu đoạn đầu 10,17-22, Đức Giê-su trả lời câu hỏi của người đã chạy đến quỳ xuống trước Người và hỏi: “Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (10,17). Trong tiểu đoạn cuối 10,28-30, Đức Giê-su nói về tình trạng của người từ bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su. Đoạn văn giữa 10,23-27, bàn về “không thể” và “có thể” vào Vương Quốc Thiên Chúa. Câu cuối cùng 10,31 là nguyên tắc đảo ngược có thể áp dụng cho các môn đệ và cho Đức Giê-su. Ý nghĩa chung của toàn đoạn văn 10,17-31 được tóm kết trong ba điểm sau:

(1) Cám dỗ cậy dựa vào của cải trần thế và lấy của cải làm lẽ sống. Người có của trong trình thuật coi trọng của cải mình có hơn “kho tàng trên trời” và đi theo Đức Giê-su (10,21-22). Trong viễn cảnh này, J. Marcus viết: “Trở nên giàu có không phải là điều xấu, nhưng là trông cậy vào sự giàu có của mình (cf. 1 Tim 6,17).” (J. Marcus, Mark 8–16, 2009, tr. 730). Như thế, cụm từ “người có của” trong câu Đức Giê-su nói: “Thật khó biết bao cho những người có của đi vào Vương Quốc Thiên Chúa” (10,23) có thể hiểu theo nghĩa “tin cậy vào của cải”, nghĩa là tin tưởng và trông chờ vào của cải vật chất, vào tài năng, vào quyền lực, danh tiếng, vào sự thành công trong cuộc sống, ngay cả cậy dựa và tự mãn về những giá trị tinh thần mình có. Tất cả những thứ này có thể cản trở quyết định “ĐẾN VỚI” và “ĐI THEO” Đức Giê-su.

(2) Bản văn 10,23-27 nhấn mạnh đề tài “khó” đến nỗi “không thể” vào Vương Quốc Thiên Chúa. Điều này không chỉ áp dụng cho người giàu mà còn cho mọi người. Đề tài này muốn nói rằng “Vương Quốc Thiên Chúa” trước hết là quà tặng của Thiên Chúa. “Không thể” đối với con người nhưng “mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa” (10,27b). Vì thế, con người cần mở lòng ra đón nhận quà tặng Vương Quốc Thiên Chúa như trẻ em, làm môn đệ Đức Giê-su và tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

(3) Đức Giê-su không khinh rẻ sự giàu có hay đề cao sự nghèo khó. Ngược lại, Người mời gọi con người giải thoát khỏi mọi thứ ràng buộc để được tự do đi theo và làm môn đệ của Người. Nhờ thế trở thành giàu có cách khác: “kho tàng trên trời” (10,21c) và “sự sống đời đời làm gia nghiệp” (10,17b). Bất cứ ai can đảm từ bỏ mọi thứ để đến với và làm môn đệ Đức Giê-su, người ấy sẽ được “gấp trăm, bây giờ, trong thời gian này” (10,30a) “và sự sống đời đời trong thời đang đến” (10,30b). Phần thưởng ở đời này và đời sau này lớn lao đến nỗi, vì Đức Giê-su và vì tin mừng, người môn đệ chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình. Đó là nguyên tắc đảo ngược trong giáo huấn của Đức Giê-su: “Kẻ đứng đầu sẽ đứng chót và những kẻ đứng chót sẽ đứng đầu” (10,31)./.

    Thư mục

- Donahue, J.R.; Harrington, D.J., The Gospel of Mark, (Sacra Pagina 2), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 2002.
- Mann, C.S., Mark, A New Translation With Introduction and Commentary, (Anchor Bible 27), New York (NY), Doubleday, 1986.
- Marcus, J., Mark 8–16, A New Translation with Introduction and Commentary, (Anchor Yale Bible 27A), New Haven & London, Yale University Press, 2009.
- Minear, P., “Needle’s eye”, JBL 61 (1942) 157-169.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét