18/03/2020

Sáu nghĩa từ "pneuma" trong Tin Mừng Gio-an



Bài viết tiếng Pháp và tiếng Anh:

Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 18 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
    1. Thần Khí, Thánh Thần (14 lần)
        - Ga 7,39a.39b: Thần Khí
        - Ga 1,32b-33a: Thần Khí; 1,33b: Thánh Thần
        - Ga 14,17: Thần Khí sự thật; 14,26: Thánh Thần
    2. Thần Khí hay tâm linh (4,24; 6,63)
        - Ga 4,24
        - Ga 6,63a
    3. Tâm linh, linh thiêng, thần khí (3,6; 4,23.24b; 6,63b)
    4. Tâm thần, tâm trí con người (11,33; 13,21)
    5. Thần khí Đức Giê-su gợi về Thần Khí Thiên Chúa (19,30)
    6. Gió (3,8a)
Kết luận



Dẫn nhập

Trong Kinh Thánh, danh từ Hy-lạp: “pneuma”, gốc tiếng Híp-ri: “ruah” có nghĩa khởi đầu là “hơi thở”. Trong Tin Mừng Gio-an, danh từ này xuất hiện 24 lần (1,32.33a.33b; 3,5.6a.6b.8a.8b.34; 4,23.24a.24b; 6,63a.63b; 7,39a.39b; 11,33; 13,21; 14,17.26; 15,26; 16,13; 19,30; 20,22) và có nhiều nghĩa. Từ “pneuma” có nghĩa “Thần Khí” (viết hoa) không xuất hiện trong 10 chương (Ga 2; 5; 8–13; 17; 21) và được dùng nhiều nhất ở ch. 3 (6 lần). 
Các bản dịch sau đây được dùng để so sánh cách dịch từ “pneuma” trong Tin Mừng Gio-an: - Giu-se Lê Minh Thông (Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, 2011). - NPD/CGKPV (Nhóm Phiên Dịch / Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 2011). - BJ (La Bible de Jérusalem, 2000). - TOB (Traduction Œcuménique de la Bible, 2011). - RSV-SCE (Revised Standard Version - Second Catholic Edition, 2006). - NAB-RE (New American Bible, Revised Edition, 1991 - Present). - NASB (The New American Standard Bible, 1995). - NIV (The New International Version, 1984). - NKJV (The New King James Version, 1982). - NOV (Nova Vulgata Version).

Các nghĩa của từ “pneuma” trong Tin Mừng Gio-an có thể xếp thành sáu nhóm: (1) Thần Khí (Thiên Chúa), (2) Thần Khí Thiên Chúa hay tâm linh, (3) Linh thiêng, tâm linh (chose spirituelle), (4) Thần trí, tâm trí (con người), (5) Thần khí Đức Giê-su gợi đến Thần Khí Thiên Chúa (19,30), (6) Gió (3,8).

    1. Thần Khí, Thánh Thần (14 lần)

Nghĩa thứ nhất từ “pneuma” là Thần Khí (viết hoa) Thiên Chúa. Nghĩa này xuất hiện 14 lần với ba danh xưng: (a) Thần Khí (pneuma), 8 lần ở 1,32.33a; 3,5.6.8.34; 7,39a.39b; (b) Thánh Thần (pneuma to hagion), dịch sát: “Thần Khí Thánh”, 3 lần ở 1,33b; 14,26; 20,22; (c) Thần Khí sự thật (pneuma tês alêtheias), 3 lần ở 14,17; 15,26; 16,13. Dưới đây là một số trích dẫn minh hoạ.

        - Ga 7,39a.39b: Thần Khí

Vào ngày cuối cùng dịp lễ Lều, ngày long trọng nhất của dịp lễ, Đức Giê-su tuyên bố ở 7,37b-38: “37b Nếu ai khát hãy đến với Tôi và hãy uống. 38 Người tin vào Tôi, như Kinh Thánh đã nói: ‘Từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống.’” Người thuật chuyện giải thích cho độc giả ý nghĩa lời này trong câu tiếp theo ở 7,39: “Điều đó, Người (Đức Giê-su) nói về Thần Khí (pneumatos) mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Tuy nhiên, Thần Khí (pneuma) chưa có, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” Hai lần từ “pneuma” ở Ga 7,39 có nghĩa Thần Khí (viết hoa).

        - Ga 1,32b-33a: Thần Khí; 1,33b: Thánh Thần

Đầu Tin Mừng, Gio-an Tẩy Giả làm chứng về Đức Giê-su ở 1,32b-34: “32b Tôi đã thấy Thần Khí (pneuma) tựa chim bồ câu từ trời ngự xuống và ở lại trên Người (Đức Giê-su). 33 Phần tôi, tôi đã không biết Người. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước, Đấng ấy đã nói với tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí (pneuma) xuống và ở lại trên ai, thì người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (pneumati hagiôi).’ 34 Phần tôi, tôi đã thấy và đã làm chứng rằng: Chính Người là Con Thiên Chúa.” Trong hai câu 1,32-33, Gio-an nhắc đến việc Thiên Chúa là Đấng sai ông đến làm chứng (1,6). Trong lời chứng, ông nói về Thần Khí (pneuma) và Thánh Thần (pneuma to hagion), rồi xác nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa (1,34).

        - Ga 14,17: Thần Khí sự thật; 14,26: Thánh Thần

Ở Ga 14, Đức Giê-su đồng hoá “Đấng Pa-rác-lê” (paraklêtos) với “Thần Khí sự thật” và “Thánh Thần”. Người hứa với các môn đệ ở 14,15-17: “15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16 và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác (allon paraklêton) để Người ở với anh em mãi mãi. 17 Thần Khí sự thật (pneuma tês alêtheiaslà Đấng thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người. Còn anh em, anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em.

Trong đoạn văn trên “Đấng Pa-rác-lê khác” (14,16) chính là Đấng Pa-rác-lê được nói đến ở 14,26. (Xem bài viết: “Đấng Pa-rác-lê là ai?”). Đức Giê-su đồng hoá “Đấng Pa-rác-lê” với “Thánh Thần” khi nói với các môn đệ ở 14,26: “Đấng Pa-rác-lê (ho paraklêtos), Thánh Thần (to pneuma to hagion), Đấng mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng Pa-rác-lê sẽ dạy anh em tất cả và sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì [chính] Thầy đã nói với anh em.” Như thế, bản văn dùng bốn tước hiệu để nói về một nhân vật: Đấng Pa-rác-lê khác (allos paraklêtos), Đấng Pa-rác-lê (ho paraklêtos), Thần Khí sự thật (pneuma tês alêtheias), Thánh Thần (pneuma to hagion).

    2. Thần Khí hay tâm linh (4,24; 6,63)

Nhóm nghĩa thứ hai của từ “pneuma” không rõ ràng, có thể hiểu là “Thần Khí” (viết hoa) hay “thần khí” (viết thường). Trong các thủ bản Hy-lạp Tân Ước cổ, lên đến thế kỷ II, trong đó bản văn được viết toàn bộ bằng chữ hoa (PNEUMA). Từ thế kỷ IX, mới xuất hiện các thủ bản Hy-lạp viết chữ thường (pneuma). Vì thế, có ba trường hợp trong Tin Mừng  (4,24a.24b; 6,63a), có thể hiểu danh từ “pneuma” theo một trong hai nghĩa: Thần Khí (viết hoa) là Thánh Thần hay thần khí (viết thường) theo nghĩa tâm linh, linh thiêng. So sánh một số bản dịch dưới đây cho thấy lựa chọn cách hiểu khác nhau.

        - Ga 4,24

Ở Ga 4,24 xuất hiện 2 lần từ “pneuma” và có ba cách dịch hai cụm từ: “THIÊN CHÚA LÀ THẦN KHÍ” (4,24a) và “THỜ PHƯỢNG TRONG THẦN KHÍ” (4,24b) như sau: (a) danh từ “thần khí” viết thường trong cả hai cụm từ; (b) danh từ “thần khí” viết hoa (Thần Khí) trong cụm từ thứ nhất và viết thường (thần khí) trong cụm từ thứ hai; (c) danh từ “thần khí” viết hoa trong cả hai cụm từ.

(a) Danh từ “thần khí” viết thường trong cả hai cụm từ trong các bản dịch: - NPD/CGKPV, Ga 4,24: Thiên Chúa là thần khí (pneuma), và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí (pneumati) và sự thật.” - BJ, Jn 4,24: “Dieu est esprit (pneuma), et ceux qui adorent, c’est dans l’esprit (pneumati) et la vérité qu’ils doivent adorer.” - TOB, Jn 4,24: “Dieu est esprit (pneuma), et c’est pourquoi ceux qui l’adorent, doivent adorer en esprit (pneumatiet en vérité.” - RSV-SCE, Jn 4:24: “God is spirit (pneuma), and those who worship him must worship in spirit (pneumatiand truth.

(b) Danh từ “thần khí” viết hoa (Thần Khí) trong cụm từ thứ nhất và viết thường (thần khí) trong cụm từ thứ hai trong các bản dịch: - Giu-se Lê Minh Thông, Ga 4,24: “Thiên Chúa là Thần Khí (pneuma), và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí (pneumati) và sự thật.” - NKJV, Jn 4:24: “God is Spirit (pneuma), and those who worship Him must worship in spirit (pneumati) and truth.”

(c) Danh từ “thần khí” viết hoa cả hai cụm từ trong các bản dịch: - NAB-RE, Jn 4:24: “God is Spirit (pneuma), and those who worship him must worship in Spirit (pneumatiand truth.” - NOV, Jn 4,24: “Spiritus (pneumaest Deus, et eos, qui adorant eum, in Spiritu (pneumati) et veritate oportet adorare.”

        - Ga 6,63a

Có 2 lần từ “pneuma” ở 6,63. Lần thứ nhất trong cụm từ “THẦN KHÍ thì làm cho sống” (6,63a) có hai cách hiểu: “Thần Khí” (viết hoa) hay “thần khí” (viết thường). Trong cụm từ thứ hai “Những lời chính Thầy (Đức Giê-su) nói với anh em (các môn đệ) là thần khí” (6,63b), hầu hết các bản dịch lựa chọn viết thường từ “thần khí” (pneuma). Dưới đây là hai lựa chọn cách dịch cụm từ “THẦN KHÍ thì làm cho sống” (6,63a).

a) Ga 6,63a: “Thần khí (viết thường) thì làm cho sống.” - NPD/CGKPV, Ga 6,63: “Thần khí (pneuma) mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí (pneuma) và là sự sống.” - Giu-se Lê Minh Thông, Ga 6,63: “Thần khí (pneuma) thì làm cho sống, xác thịt chẳng có ích gì. Những lời chính Thầy nói với anh em là thần khí (pneuma) và là sự sống.” - BJ, Jn 6,63: C’est l’esprit (pneuma) qui vivifie, la chair ne sert de rien. Les paroles que je vous ai dites sont esprit (pneumaet elles sont vie.” - RSV-SCE, Jn 6:63: “It is the spirit (pneumathat gives life, the flesh is of no avail; the words that I have spoken to you are spirit (pneumaand life.” - NAB-RE, Jn 6:63: It is the spirit (pneuma) that gives life, while the flesh is of no avail. The words I have spoken to you are spirit (pneuma) and life.”

b) Ga 6,63a: “Thần Khí (viết hoa) làm cho sống.” - TOB, Jn 6,63: “C’est l’Esprit (pneumaqui vivifie, la chair ne sert de rien. Les paroles que je vous ai dites sont esprit (pneumaet vie.” - NASB, Jn 6:63: “It is the Spirit (pneumawho gives life; the flesh profits nothing; the words that I have spoken to you are spirit (pneumaand are life.” - NIV, Jn 6:63: “The Spirit (pneuma) gives life; the flesh counts for nothing. The words I have spoken to you are spirit (pneumaand they are life.”
Tóm lại, nếu dịch “Thần Khí” (viết hoa) thì hiểu là Thánh Thần (nghĩa thứ nhất của từ pneuma). Nếu dịch là “thần khí” (viết thường) thì hiểu theo nghĩa “linh thiêng”, “tâm linh”, tức là nghĩa thứ ba của từ “pneuma”.

    3. Tâm linh, linh thiêng, thần khí (3,6; 4,23.24b; 6,63b)

Nghĩa thứ ba của từ “pneuma” là linh thiêng, tâm linh, xuất hiện 4 lần ở 3,6; 4,23.24b; 6,63b. Ở 3,6, có 2 lần từ “pneuma”, trong đó lần thứ nhất chỉ Thần Khí (viết hoa), lần thứ hai có nghĩa tâm linh, linh thiêng. Đức Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô ở 3,6: “Điều gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt; và điều gì sinh ra bởi Thần Khí (pneumatos) là thần khí (pneuma).”

Ở 4,23-24, xuất hiện 2 lần cụm từ “thờ phượng trong thần khí và sự thật” (4,23.24b), phần lớn các bản dịch hiểu là “thần khí” (viết thường) theo nghĩa “tâm linh”. Tuy nhiên, vẫn có một số bản dịch (NAB-RE, NOV) viết hoa từ “Thần Khí” như đã trình bày. Đức Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri ở 4,23-24: “23 Nhưng giờ đến – và là bây giờ –, khi mà những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong thần khí (pneumati) và sự thật. Vì Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là Thần Khí (pneuma), và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí (pneumati) và sự thật.”

Ở 6,63, có 2 lần từ “pneuma”, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 6,63: “Thần khí (pneuma) thì làm cho sống, xác thịt chẳng có ích gì. Những lời chính Thầy nói với anh em là thần khí (pneuma) và là sự sống.” Từ “pneuma” lần thứ hai trong cụm từ: “Những lời chính Thầy nói với anh em là thần khí (pneuma) và là sự sống” (6,63b), có nghĩa “tâm linh” (xem trích dẫn 6,63 của các bản dịch trên đây).

    4. Tâm thần, tâm trí con người (11,33; 13,21)

Nghĩa thứ tư của “pneuma” là  tâm thần, tâm trí con người. Tin Mừng Gio-an dùng 2 lần (11,33; 13,21) theo nghĩa này để nói về tâm trí, tâm thần Đức Giê-su. Trong câu chuyện La-da-rô (11,1-46), lúc Ma-ri-a và những người Do Thái khóc thương La-da-rô đã chết, người thuật chuyện kể ở 11,33-35: “33 Khi Đức Giê-su thấy cô ấy khóc, và những người Do Thái đi với cô ấy cũng khóc, Người thổn thức trong tâm trí (pneumati) và xao xuyến. 34 Người nói: ‘Các người đặt anh ấy (La-da-rô) ở đâu?’ Họ nói với Người: ‘Thưa Thầy, hãy đến và hãy xem.’ 35 Đức Giê-su khóc.”

Ở 13,21, từ “pneuma” chỉ tâm thần, tâm trí của Đức Giê-su. Sau khi Người nói với các môn đệ về ý nghĩa việc rửa chân (13,12-20), người thuật chuyện kể ở 13,21: “Nói những điều đó xong, Đức Giê-su xao xuyến trong tâm thần (pneumati). Người làm chứng và nói: ‘A-men, a-men, Thầy nói cho anh em: Một người trong anh em sẽ nộp Thầy.’”

    5. Thần khí Đức Giê-su gợi về Thần Khí Thiên Chúa (19,30)

Nghĩa thứ năm chỉ xuất hiện 1 lần ở 19,30. Từ “pneuma”  ở đây có ẩn ý đặc biệt: thần khí Đức Giê-su gợi về Thần Khí Thiên Chúa (Thánh Thần). Người thuật chuyện kể biến cố Đức Giê-su chết trên thập giá cách lạ lùng ở 19,30: “Khi đã nếm giấm, Đức Giê-su nói: ‘Đã hoàn tất’ rồi Người gục đầu xuống trao thần khí (pneuma).” Văn chương Hy Lạp không dùng kiểu nói “trao thần khí” (paradiômi to pneuma) để mô tả việc tắt thở của người hấp hối, nên chi tiết Đức Giê-su trút hơi thở cuối cùng cách lạ lùng như trên là có ẩn ý thần học. Thật vậy, theo thần học Tin Mừng Gio-an, giờ chết của Đức Giê-su là giờ Người được tôn vinh (12,23.28; 13,31-32). Khi chết treo trên thập giá là lúc Đức Giê-su được giương cao trong vinh quang (12,31-32). Trong viễn cảnh này, biến cố Đức Giê-su tắt thở trùng khớp với việc  trao ban Thần Khí cho thế gian như Người đã hứa ở 7,37-38.

Người thuật chuyện kể ở 7,37-39: “37 Vào ngày cuối cùng, ngày long trọng nhất của dịp lễ, Đức Giê-su đứng lên và lớn tiếng nói: ‘Nếu ai khát hãy đến với Tôi và hãy uống. 38 Người tin vào Tôi, như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống.’ 39 Điều đó, Người nói về Thần Khí (pneumatos) mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Tuy nhiên, Thần Khí (pneuma) chưa có, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” Câu “Thần Khí chưa có, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (7,39b) gợi đến lúc Người chết trên thập giá, nghĩa là lúc Người được tôn vinh.

Trước biến cố thập giá, người tin chưa lãnh nhận Thần Khí (7,39a). Khi Đức Giê-su được tôn vinh trên thập giá là lúc người tin sẽ lãnh nhận Thần Khí. Điểm thần học này diễn tả qua câu: “Người (Đức Giê-su) trao thần khí (paredôken pneuma)” (19,30b). Vậy từ “pneuma” ở đây bao hàm cả hai nghĩa: (1) trao thần khí là trút hơi thở cuối cùng; (2) trao thần khí là ban Thần Khí cho người tin. Việc trao ban Thần Khí sẽ minh nhiên sau biến cố Phục Sinh. Chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, “Người thổi hơi và nói với các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (pneuma hagion)’” (20,22b).

    6. Gió (3,8a)

Nghĩa thứ sáu từ pneuma” là nghĩa nguyên thuỷ của tiếng Híp-ri “ruah”, có nghĩa “hơi thở”, “khí”. Trong Tin Mừng Gio-an “pneuma” có nghĩa “gió” chỉ xuất hiện một lần ở 3,8. Đức Giê-su mặc khải cho Ni-cô-đê-mô về những kẻ được sinh ra bởi Thần Khí ở 3,8: “Gió (pneuma) muốn thổi ở đâu, ông nghe tiếng của nó, nhưng ông không biết nó từ đâu đến và đi đâu. Mọi kẻ được sinh ra bởi Thần Khí (pneumatos) thì cũng như vậy.” Hai lần danh từ pneuma” trong câu này có hai nghĩa khác nhau: ở đầu câu có nghĩa là “gió” (3,8a) và ở cuối câu có nghĩa là “Thần Khí” (3,8b).

Kết luận

Tóm lại, 24 lần từ “pneuma” xuất hiện trong Tin Mừng thứ tư được xếp vào sáu nhóm nghĩa: (1) Pneuma Thần Khí (Thiên Chúa), 14 lần, trong đó, 8 lần là “Thần Khí”: 1,32.33; 3,5.6.8.34; 7,39a.39b; 3 lần là “Thánh Thần”: 1,33; 14,26; 20,22; và 3 lần là “Thần Khí sự thật”: 14,17; 15,26; 16,13. (2) Pneuma là Thần Khí (viết hoa) hay tâm linh (viết thường), 2 lần: 4,24a; 6,63a. (3) Pneuma có nghĩa tâm linh, linh thiêng, thần khí, 4 lần: 3,6; 4,23.24b; 6,63b. (4) Pneuma chỉ tâm thần hay tâm trí con người, 2 lần: 11,33; 13,21. (5) Pneuma có hai nghĩa, 1 lần: 19,30; nghĩa thứ nhất thần khí Đức Giê-su, gợi đến nghĩa thứ hai Thần Khí (Thánh Thần). (6) Pneuma là gió, diễn tả sự linh hoạt của người được sinh ra bởi Thần Khí, 1 lần: 3,8a.

Bối cảnh văn chương trong bản văn cho phép xác định ý nghĩa của từ ngữ. Những quan sát vắn tắt trên đây cho thấy sự phong phú về nghĩa của từ “pneuma” trong Tin Mừng Gio-an. Những nghĩa này không xuất hiện trong các tự điển đại cương mà chỉ có trong các tự điển Kinh Thánh, đặc biệt trong các sách chú giải Tin Mừng Gio-an. Xem phân tích từ “pneuma” trong Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật trong Tin Mừng thứ tư, tr. 142-149./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét