Bài viết tiếng Pháp:
Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 19 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
Dẫn nhập
I. Lời chứng của Gio-an
1. Gio-an làm chứng về mình (1,19-34)
2. Gio-an làm chứng về Đức Giê-su
ở 1,6-8.19-34
3. Gio-an làm chứng về Đức Giê-su ở 3,31-36
II. Đức Giê-su nhắc lại lời chứng của Gio-an (5,33)
Kết luận
Dẫn nhập
Bài viết “Lời
chứng và làm chứng (TM Gio-an)” đã bàn
về các nơi và số lần danh từ “lời chứng” (marturia) và động từ “làm
chứng” (martureô) xuất hiện trong Tin Mừng thứ tư. Bài viết này tìm hiểu
“lời chứng” và “làm chứng” của Gio-an (Tẩy Giả) trình bày qua danh từ “lời
chứng” (2 lần: 1,7.19) và động từ “làm chứng” (7 lần: 1,7.8.15.32.34; 3,26;
5,33). Đề tài được phân tích qua hai mục: (I) lời chứng của Gio-an; (II) Đức
Giê-su nhắc lại lời chứng của Gio-an (5,33).
I. Lời chứng của Gio-an
Ba lần trong Tin Mừng, nói về lời chứng của Gio-an:
(1) lời tựa 1,6-8.15 và đoạn văn về lời chứng của ông ở 1,19-34; (2) diễn từ độc
thoại của ông ở 3,31-36; (3) Đức Giê-su nhắc lại lời chứng của ông ở 5,33.
(1) Trong các đoạn văn về Gio-an ở 1,6-8.15.19-34,
danh từ “lời chứng” (marturia) xuất hiện hai lần ở 1,7a: “Ông ấy (Gio-an)
đến làm chứng”; và ở 1,19: “Và
đây là lời chứng của Gio-an…” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư).
Trong câu “Ông ấy đến làm chứng” (1,7a)
có danh từ “lời
chứng”, dịch
sát: “Ông ấy đến vì (cho) lời chứng (houtos êlthen eis marturian)”, (“he
came for testimony”). Tin Mừng dùng 2 lần danh từ “lời
chứng” ở 1,7.19
để nói về Gio-an, những nơi khác dùng động từ “làm
chứng”. Trong các đoạn văn: 1,6-8.15.19-34, xuất hiện 5 lần động từ (1,7.8.15.32.34).
(2) Trong phần độc thoại ở 3,31-36,
Gio-an làm chứng về
Đức Giê-su. Trong đoạn văn 3,31-36, không
xuất hiện danh từ và động từ nói về lời chứng của Gio-an. Trước đoạn văn này có
1 lần động từ “làm chứng”, khi các môn của Gio-an nhắc lại lời chứng của thầy ở 3,26: “Thưa
Ráp-bi, người đã ở với thầy bên kia Gio-đan, người mà chính thầy đã làm chứng, xem
kìa, Ông ấy làm phép rửa, và mọi người đến với Ông ấy.”
(3) Trong đoạn văn 5,33-36, Đức Giê-su
gián tiếp nhắc lại “lời chứng” của Gio-an trong bối cảnh tranh luận với những người
Do Thái. Gọi là “gián tiếp” vì ở 5,33-36, Đức Giê-su không trực tiếp dùng danh
từ “lời chứng” để nói về lời chứng của Gio-an. Người nói với những người Do
Thái ở 5,36: “Nhưng Tôi, Tôi có lời chứng lớn hơn (lời chứng) của Gio-an (Egô
de ekhô tên marturian meizô tou Iôannou), đó là những việc mà Cha đã ban
cho Tôi để Tôi hoàn thành chúng.” Từ “lời chứng” của Gio-an được hiểu ngầm trong
mạch văn 5,36a. (Xem phân tích trong mục II dưới đây).
Nội dung lời chứng của Gio-an được trình bày
qua ba điểm: (1) Gio-an làm chứng về mình (1,19-34); (2) Gio-an làm chứng về Đức Giê-su ở 1,6-8.19-34; (3) Gio-an làm
chứng về Đức Giê-su ở 3,31-36.
1. Gio-an làm chứng về mình (1,19-34)
Trước khi làm chứng về Đức Giê-su, Gio-an làm
chứng bằng cách nói không về mình (1,20.21a.21b), sau đó
ông xác định rõ vai trò của ông. Phần này tìm hiểu ba điểm: (1) Gio-an không là…;
(2) Gio-an là… (3) làm phép rửa trong nước.
(1) Gio-an không phải là Đấng Ki-tô (1,20),
không phải là Ê-li-a (1,21a), không phải là vị ngôn sứ (1,21b). Sau lời tựa
sách Tin Mừng (1,1-18), người thuật chuyện mở đầu đoạn văn về lời chứng của
Gio-an ở 1,19: “Và đây là lời chứng của Gio-an, khi những người Do Thái từ
Giê-ru-sa-lem cử các tư tế và các Lê-vi đến [với ông ấy] để họ hỏi ông ấy: ‘Ông
là ai?’” Gio-an trả lời “không” ba lần ở 1,21-21: “20 Ông ấy (Gio-an) tuyên xưng chứ không chối, Ông ấy tuyên xưng rằng: ‘Chính tôi không phải là
Đấng Ki-tô.’ 21 Họ hỏi ông ấy: ‘Vậy thì sao? Ông là Ê-li-a phải không?’
Ông ấy nói: ‘Không phải tôi.’ – ‘Ông có
phải là vị ngôn sứ chăng?’ Ông ấy đáp: ‘Không.’” Xem bài viết “Gio-an không
là và là Ê-li-a, mâu thuẫn hay bổ sung? (Ga 1,21; Mt 17,13).”
(2) Sau đó Gio-an nói về sứ vụ của ông ở 1,23:
“Tôi là tiếng kêu trong hoang mạc, hãy làm cho thẳng con đường của Chúa, như ngôn
sứ I-sai-a đã nói.” Tiếng kêu này mời gọi “làm cho thẳng con đường của Chúa”,
như ngôn sứ I-sai-a đã viết ở Is 40,3-5: “3 Có tiếng hô: Trong sa mạc, hãy
mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta. 4 Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi
sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất
phẳng phiu. 5 Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người
phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán.” (Xem NPD/CGKPV, Kinh Thánh, ấn bản 2011). Trong bối cảnh này, Gio-an làm phép rửa sám hối để
chuẩn bị mọi người đón nhận Đức Giê-su và tin vào Người.
(3) Ba lần Gio-an xác định ông là người “làm
phép rửa trong nước” (1,26.31.33a) để phân biệt với “Đấng làm phép rửa trong Thánh
Thần” là Đức Giê-su (1,33b). Lời chứng của Gio-an ở 1,19-34, được chia thành hai
đoạn văn: 1,19-28; 1,29-34 diễn ra hai thời điểm khác nhau, đoạn văn thứ hai mở
đầu bằng từ “hôm sau…” (1,29a). Cụm từ “làm phép rửa trong nước” xuất hiện
trong cả hai đoạn văn. Trong đoạn văn thứ nhất (1,19-28) Gio-an nói với những
người chất vấn ông ở 1,26-27: “26 Chính tôi làm phép rửa trong nước. Người đang
đứng giữa các ông mà các ông không biết, 27 Người đến sau tôi và [chính tôi]
không xứng đáng cởi quai dép của Người.” Trong đoạn văn thứ hai (1,29-34), ông nói
với mọi người ở 1,31: “Phần tôi, tôi đã không biết Người (Đức Giê-su),
nhưng để Người được tỏ ra cho Ít-ra-en, vì điều này, chính tôi đến làm phép rửa
trong nước.” Sau đó ông nói ở 1,33: “Phần tôi, tôi đã không biết Người. Nhưng
Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước, Đấng ấy đã nói với tôi: ‘Ngươi thấy Thần
Khí xuống và ở lại trên ai, thì người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’”
Tác giả lời tựa nói rõ Gio-an đến để làm chứng
(1,6-8). Nội dung lời chứng của ông ở 1,6-8.19-34
quy về tám đề tài:
(1) Gio-an làm chứng về ánh sáng. Hai lần người
thuật chuyện nói về điều này ở 1,7.8. “Ánh sáng” ở đây là “Lời” (Logos) ở
1,1-5, và là Đức Giê-su như Người khẳng định ở 8,12a: “Chính Tôi là ánh sáng
của thế gian” và nói với các môn đệ ở 9,5: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian,
Thầy là ánh sáng của thế gian.” Vậy “Lời – Đức Giê-su” là ánh sáng, Gio-an làm
chứng chứng về ánh sáng là làm chứng về Đức Giê-su.
(2) Gio-an làm chứng là Đức Giê-su đến sau,
nhưng vượt trước, và có trước ông. Người thuật chuyện kể ở 1,15: “Gio-an làm chứng về Người (Lời Nhập Thể), ông ấy hô
lên rằng: ‘Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng vượt trước tôi, vì Người có trước tôi.’” Gio-an
nói về điều này hai lần nữa ở 1,27.30. Trong đoạn văn 1,19-28, ông nói với những
người thuộc nhóm Pha-ri-sêu ở 1,27: “Người (Đức Giê-su) đến sau tôi và [chính
tôi] không xứng đáng cởi quai dép của Người.” Trong đoạn văn 1,29-34, ông giới
thiệu Đức Giê-su với mọi người ở 1,30: “Chính Người là Đấng mà tôi đã nói: ‘Người
đến sau tôi, nhưng trổi vượt trước tôi, vì Người có trước tôi.’” Xem phân tích 1,30
trong “Gio-an và
Đức Giê-su (Ga 1,6-8.19-28).”
(3) Gio-an làm chứng là Đức Giê-su đang ở giữa những
người được sai tới với ông (các tư tế và các Lê-vi), nhưng họ không biết Người.
Ông nói với họ ở 1,26: “Chính tôi làm phép rửa trong nước. Người (Đức Giê-su) đang
đứng giữa các ông mà các ông không biết.” Chi tiết này cho thấy khi Đức Giê-su bắt
đầu xuất hiện, giới lãnh đạo Do Thái không biết Người. Chẳng hạn, người thuật
chuyện kể về Na-tha-na-en ở 1,45-46: “45 Phi-líp-phê gặp Na-tha-na-en và nói
với ông ấy: ‘Đấng mà Mô-sê trong sách Luật và các ngôn sứ đã viết, chúng tôi đã
gặp, đó là Đức Giê-su, con ông
Giu-se, người Na-da-rét.’ 46 Na-tha-na-en nói với ông ấy: ‘Từ Na-da-rét, có thể
có gì tốt?’ Phi-líp-phê nói: ‘Hãy đến và hãy xem.’” Na-tha-na-en không biết gì
về Đức Giê-su trước khi Người xuất hiện thi hành sứ vụ.
(4) Gio-an làm chứng hai lần (1,29.36) rằng Đức
Giê-su là Chiên Thiên Chúa. Trong đoạn văn thứ hai 1,29-34, người thuật chuyện
kể ở 1,29: “Hôm sau, ông ấy (Gio-an) thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, ông ấy
nói: ‘Đây là Chiên của Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội thế gian.’” Gio-an nhắc lại tước
hiệu “Chiên Thiên Chúa” ở 1,35-37: “35 Hôm sau, Gio-an lại đứng với hai người
trong các môn đệ của ông ấy. 36 Và chăm chú nhìn Đức Giê-su đang đi qua, ông ấy
nói: ‘Đây là Chiên của Thiên Chúa.’ 37 Hai môn đệ của ông ấy nghe nói thế, họ
đi theo Đức Giê-su.” Đây là lời cuối cùng của Gio-an trong trình thuật, vì đoạn
văn tiếp theo (1,38-51) nói về các môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su. Người lên
tiếng lần đầu tiên trong Tin Mừng ở 1,38b khi nói với hai môn đệ của Gio-an:
“Các anh tìm gì?” (1,38b).
(5) Gio-an làm chứng là Thần Khí tựa chim bồ
câu từ trời ngự xuống và ở lại trên Đức Giê-su. Người thuật chuyện kể ở 1,32:
“Gio-an làm chứng và nói rằng: ‘Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời ngự
xuống và ở lại trên Người.’” Trong câu này, động từ “làm chứng” xác định nội
dung lời chứng của Gio-an: “Thần Khí” (pneuma) đã “xuống” (katabainô)
và “ở lại” (menô) trên Đức Giê-su. Gio-an nhấn mạnh điều này trong câu
tiếp theo ở 1,33b: “Đấng ấy (Thiên Chúa) đã nói với tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí
xuống và ở lại trên ai, thì người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’”
(6) Gio-an làm chứng rằng Đức Giê-su là Đấng
làm phép rửa trong Thánh Thần. Tiếp theo lời chứng ở 1,32, Gio-an làm chứng về
Đức Giê-su ở 1,33: “Phần tôi, tôi đã không biết Người. Nhưng Đấng sai tôi làm
phép rửa trong nước, Đấng ấy đã nói với tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ở
lại trên ai, thì người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’” Vậy Đức Giê-su
là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, phân biệt với Gio-an Tẩy Giả là người làm
phép rửa trong nước (1,26.31.33a).
(7) Gio-an làm chứng về Đức Giê-su là Con Thiên
Chúa. Trong câu cuối đoạn văn 1,29-34, Gio-an làm chứng về một trong những tước
hiệu quan trọng của Đức Giê-su qua hai động từ “thấy” (horaô) và
“làm chứng (martureô) ở
1,34: “Phần tôi, tôi đã thấy và đã làm chứng rằng: Chính Người là Con Thiên Chúa.”
Ở đây, không phải là người thuật chuyện nói về lời chứng của Gio-an như ở 1,19a
mà chính Gio-an tuyên bố ông là người chứng kiến và làm chứng.
(8) Điều lạ lùng là Gio-an làm chứng về Đức Giê-su
nhưng lại nói hai lần (1,31.33) là không biết Đức Giê-su. Ông nói ở 1,31: “Phần tôi, tôi đã không biết
Người, nhưng để Người được tỏ ra cho Ít-ra-en, vì điều này, chính tôi đến làm
phép rửa trong nước”; và ở 1,33: “Phần tôi, tôi đã không biết Người. Nhưng Đấng
sai tôi làm phép rửa trong nước, Đấng ấy đã nói với tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống
và ở lại trên ai, thì người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’” Mạch văn
cho phép hiểu Gio-an không biết Đức Giê-su nhưng vẫn làm chứng vì hai lý do: (1)
Trong lời tựa Tin Mừng, tác giả cho biết Thiên Chúa sai Gio-an đến làm chứng
(1,6). Nên Thiên Chúa mặc khải cho ông về Đức Giê-su để làm chứng (1,33b). (2) Khẳng
định “tôi đã không biết Người” (1,31.33) là cách Gio-an đề cao nguồn gốc huyền
nhiệm của Đức Giê-su. Gio-an là người phàm làm sao biết được Đức Giê-su là “Con
Thiên Chúa” (1,34), là “Chiên Thiên Chúa” (1,29a.36), là “Đấng xoá bỏ tội thế
gian” (1,29b)? Tuy vậy, các lời chứng của Gio-an là xác thực và đáng tin, vì ông
là người được Thiên Chúa sai đi làm chứng.
3. Gio-an
làm chứng về Đức Giê-su ở 3,31-36
Trong đoạn văn 3,26-30, các môn đệ của Gio-an nhắc
lại việc thầy của họ làm chứng về Đức Giê-su ở 3,26: “Thưa Ráp-bi, người (Đức
Giê-su) đã ở với thầy bên kia Gio-đan, người mà chính thầy đã làm chứng, xem
kìa, Ông ấy làm phép rửa, và mọi người đến với Ông ấy.” Câu này cho thấy Đức
Giê-su cũng làm phép rửa và thành công hơn Gio-an. Để trả lời các môn đệ của
mình, Gio-an tự so sánh với Đức Giê-su ba điều: (1) Gio-an không phải là Đấng
Ki-tô mà là người được sai đi trước Đấng ấy (3,28b); (2) ai có cô dâu mới là
chú rể, còn Gio-an là bạn của chú rể, là người hớn hở vui mừng vì tiếng nói của
chú rể (3,29a); (3) nguyên tắc sống của Gio-an: “Đấng ấy (Đức Giê-su) phải lớn lên,
còn thầy (Gio-an) phải suy giảm” (3,30).
Tiếp theo câu 3,30 là đoạn văn độc thoại, trình
bày lời chứng của Gio-an về Đức Giê-su ở 3,31-36: “31 Đấng đến từ trên thì ở
trên tất cả; kẻ bởi đất thì thuộc về đất và nói chuyện thuộc về đất. Đấng đến
bởi trời [thì ở trên tất cả]; 32 điều Người đã thấy và đã nghe, Người làm chứng
về điều ấy, và lời chứng của Người chẳng ai đón nhận. 33 Ai đón nhận lời chứng
của Người thì xác nhận rằng: Thiên Chúa thì chân thật. 34 Vì Đấng Thiên Chúa
sai đi, thì nói những lời của Thiên
Chúa, vì Người ban Thần Khí vô ngần vô hạn. 35 Cha yêu mến Con và đã ban mọi sự
trong tay Người. 36 Ai tin vào Con thì có
sự sống đời đời; còn ai không vâng phục Con thì
sẽ không thấy sự sống, nhưng sự thịnh nộ của Thiên Chúa ở lại trên kẻ ấy.”
Vì đoạn văn 3,31-36 có nhiều đề tài song song với
độc thoại của Đức Giê-su ở 3,13-21, nên có tác giả cho rằng 3,31-36 tiếp nối lời
chứng của Đức Giê-su ở 3,13-21, chứ không phải của Gio-an. Tuy nhiên, trong
tình trạng bản văn hiện nay, đoạn văn 3,31-36 là lời chứng của Gio-an. Điều này
hợp lý vì ba lý do: (1) Lời chứng của Đức Giê-su (3,13-21) song song với lời
chứng của Gio-an (3,31-36) và cả hai lời chứng này đều nói về căn tính thần linh
và sứ vụ của Đức Giê-su. (2) Với tư cách là người được Thiên Chúa sai đến (1,6-7),
Gio-an có đầy đủ tư cách và thẩm quyền để làm chứng về Đức Giê-su. (3) Câu Ga 3,36c
nói về “sự thịnh nộ của Thiên Chúa” phù hợp với ngôn ngữ của Gio-an trong Mt
3,7-8: “7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép
rửa, ông (Gio-an) nói với họ rằng: ‘Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách
trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? 8 Các anh hãy sinh
hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.”
II. Đức Giê-su nhắc lại lời chứng của Gio-an (5,33)
Trong diễn từ dành cho những kẻ chống đối ở 5,19-47,
Đức Giê-su nói đến các lời chứng trong đoạn văn 5,30-50. Xem bài viết: “Lời chứng
của Đức Giê-su và Chúa Cha”. Trong
đó Đức Giê-su nhắc lại lời chứng của Gio-an ở ch. 1 và ch. 3. Người nói với
những người Do Thái ở 5,33-36: “33 Chính các ông đã cử người đến với Gio-an, và
ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Tôi, Tôi không nhận lời chứng do người
phàm, nhưng Tôi nói những điều này để chính các ông được cứu. 35 Ông ấy là ngọn
đèn được thắp lên và toả sáng, chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong
ánh sáng của ông ấy. 36 Nhưng Tôi, Tôi có lời chứng lớn hơn lời chứng của Gio-an, đó là những việc
mà Cha đã ban cho Tôi để Tôi hoàn thành chúng. Chính những việc Tôi làm, làm chứng
về Tôi rằng: Cha đã sai Tôi.”
Theo Đức Giê-su, Gio-an “đã làm chứng cho sự
thật” (5,33). Đó là “sự thật về Đức Giê-su” và “sự thật là Đức Giê-su” như
Người nói với Tô-ma ở 14,6: “Chính Thầy là con đường và là sự thật và là
sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” Hơn nữa sứ vụ Đức
Giê-su là “làm chứng cho sự thật” như Người nói với Phi-la-tô ở 18,37: “Chính
ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến
thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng
Tôi.” Vậy khi nói Gio-an “đã làm chứng cho sự thật” (5,33), Đức Giê-su vừa đề
cao lời chứng của Gio-an vừa nói về lời chứng khác vượt trên lời chứng của ông.
Đó là những việc mà Chúa Cha đã ban cho Đức Giê-su để Người thực hiện. Những
việc này làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Đức Giê-su đến thế gian (5,36) để cứu
thế gian (3,16). Trong đoạn văn nói về các lời chứng: 5,30-40, Đức Giê-su còn
nói về lời chứng của Chúa Cha và của Kinh Thánh.
Kết luận
Lời chứng của Gio-an về mình và về Đức Giê-su
là một trong những đề tài quan trọng, diễn tả bằng 2 lần danh từ “lời chứng”
và 7 lần động từ “làm chứng”. Số lần này đứng thứ hai, so với lời chứng của Đức
Giê-su: 6 lần danh từ và 10 lần động từ (xem bài viết “Lời chứng
của Đức Giê-su và Chúa Cha”). Lời
chứng của Gio-an có uy tín và đáng tin, bởi vì ông dựa vào uy thế của Đấng sai ông
đến làm chứng là Thiên Chúa (1,6). Điều độc đáo là Gio-an làm chứng về mình
trước khi làm chứng về Đức Giê-su. Lời chứng của ông được tóm tắt trong hai mục:
(I) Gio-an làm chứng về chính mình và (II) làm chứng về Đức Giê-su:
(I) Gio-an làm chứng về mình qua sáu ý: (1) ông
không phải là Đấng Ki-tô (1,20); (2) không phải là Ê-li-a (1,21a); (3) không
phải là vị ngôn sứ (1,21); (4) ông là “tiếng kêu trong hoang mạc” (1,23a); (5) “làm
cho thẳng con đường của Chúa” (1,23b); (6) làm phép rửa trong nước
(1,26.31.33a).
(II) Gio-an làm chứng về Đức Giê-su qua tám đề
tài: (1) làm chứng về ánh sáng (1,7.8) là Đức Giê-su; (2) Đức Giê-su đến sau
ông, nhưng vượt trước ông, vì Đức Giê-su có trước ông (1,15 // 1,27.30); (3) Đức
Giê-su là Chiên Thiên Chúa (1,29.36); (4) Đức Giê-su là Đấng xoá bỏ tội thế
gian (1,29); (5) Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời ngự xuống và ở lại trên Đức
Giê-su (1,32); (6) Đức Giê-su làm phép rửa trong Thánh Thần (1,33); (7) Đức
Giê-su là Con Thiên Chúa (1,34); (8) Gio-an làm chứng về nguồn gốc và sứ vụ Đức
Giê-su ở đoạn văn 3,31-36.
Lời chứng của Gio-an là mặc khải quan trọng về Đức
Giê-su. Nhờ đó độc giả biết Đức Giê-su là ai, sứ vụ của Người là gì, trước khi nghe
giáo huấn của Đức Giê-su./.
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/10/loi-chung-va-lam-chung-cua-gio-tay-gia.html
Thưa cha, Gioan phủ nhận mình là một ngôn sứ và là Ê-li-a trong Tin Mừng Gioan, nhưng Đức Giêsu thì lại khẳng định Gioan chính là một ngôn sứ và là Ê-li-a trong Tin Mừng Matthêu. Tại sao lại có hai câu đối nghịch giữa hai tác giả?
Trả lờiXóaXem bài viết trả lời: “Ở Ga 1,21 Gio-an Tẩy Giả không phải là Ê-li-a, nhưng ở Mt 17,13 Gio-an là Ê-li-a, mâu thuẫn hay bổ sung lẫn nhau?” đăng ngày 26 tháng 12 năm 2013 tại địa chỉ: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/12/o-ga-121-gio-tay-gia-khong-phai-la-e-li.html
Xóa