10/04/2020

Ni-cô-đê-mô, hành trình từ đêm tối đến ánh sáng (Ga 2,23–3,12; 7,48-52; 19,39-40)



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 10 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Lần 1 (2,23–3,12), biết là chưa biết Đức Giê-su
    1. Bản văn 2,23–3,12 và bối cảnh văn chương
    2. Đêm tối bên ngoài và trong tâm trí
II. Lần 2 (7,48-52), bênh vực Đức Giê-su
    1. Những kẻ chống đối Đức Giê-su
    2. Đòi công lý cho Đức Giê-su
    3. Chưa công khai đứng về phía Đức Giê-su
III. Lần 3 (19,39-40), tẩm liệm Đức Giê-su
    1. Trình thuật tẩm liệm và mai táng (19,38-42)
    2. Giu-se A-ri-ma-thê
    3. Ni-cô-đê-mô
Kết luận



  
Dẫn nhập

Nhân vật Ni-cô-đê-mô xuất hiện ba lần trong Tin Mừng Gio-an và ở những nơi đặc biệt: ở đầu (3,1-12), ở giữa (7,48-52) và ở cuối Tin Mừng (19,39-40). Qua nhân vật này, tác giả trình bày cho độc giả một khuôn mẫu về hành trình “đến với” và “nói với” Đức Giê-su; hành trình từ “bóng tối” đến “ánh sáng” theo nghĩa đen và nghĩa thần học của cặp từ này.

Trong ba lần Ni-cô-đê-mô xuất hiện, lần đầu được thuật lại chi tiết hơn cả, ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm và đối thoại với Người. Trong hai lần xuất hiện tiếp theo, tác giả đều nhắc lại cuộc gặp gỡ đầu tiên vào ban đêm này. Bài viết phân tích ba lần Ni-cô-đê-mô xuất hiện trong Tin Mừng: (I) lần 1 (2,23–3,12), biết là chưa biết Đức Giê-su; (II) lần 2 (7,48-52), bênh vực Đức Giê-su ; (III) lần 3 (19,39-40), tẩm liệm Đức Giê-su.

I. Lần 1 (2,23–3,12), biết là chưa biết Đức Giê-su

Có nhiều đề tài trong đoạn văn đối thoại giữa Đức Giê-su và Ni-cô-đê-mô (3,1-12). Phần này trình bày (1) bản văn 2,23–3,12 và bối cảnh văn chương, sau đó phân tích đề tài (2) đêm tối bên ngoài và trong tâm trí.

    1. Bản văn 2,23–3,12 và bối cảnh văn chương

Nội dung phần này gồm ba điểm: (1) bản văn Ga 2,23–3,12; (2) tương quan giữa 3,1-12 và 3,13-21; (3) nối kết giữa 2,23-25 và 3,1-2.

(1) Trình thuật về Ni-cô-đê-mô (3,1-12) nối kết chặt chẽ với đoạn văn trước đó (2,23-25). Dưới đây trích dẫn đoạn văn 2,23–3,12 (xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ):

2,23 Trong lúc Người (Đức Giê-su) ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả, 25 và Người không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì nơi con người.

3,1 Có một người trong những người Pha-ri-sêu, tên ông ấy là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của những người Do Thái. 2 Ông này đến gặp Người ban đêm và nói với Người: “Thưa Ráp-bi, chúng tôi biết rằng: Ngài là một vị Thầy đến từ Thiên Chúa, vì không ai có thể làm được những dấu lạ Ngài làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.” 3 Đức Giê-su trả lời và nói với ông ấy: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra một lần nữa, thì không thể thấy vương quốc Thiên Chúa.” 4 Ni-cô-đê-mô nói với Người: “Làm sao một người có thể được sinh ra khi đã già? Chẳng lẽ có thể trở vào lòng mẹ của mình lần thứ hai để được sinh ra sao?” 5 Đức Giê-su trả lời: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra bởi nước và Thần Khí, thì không thể bước vào vương quốc Thiên Chúa. 6 Điều gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt; điều gì sinh ra bởi Thần Khí là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì Tôi đã nói với ông: ‘Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa.’ 8 Gió muốn thổi ở đâu, ông nghe tiếng của nó, nhưng ông không biết nó từ đâu đến và đi đâu. Mọi kẻ được sinh ra bởi Thần Khí thì cũng như vậy.”

9 Ni-cô-đê-mô trả lời và nói với Người: “Làm sao những điều ấy có thể xảy ra được?” 10 Đức Giê-su trả lời và nói với ông: “Ông là bậc thầy của Ít-ra-en, mà không biết những điều ấy sao? 11 A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Điều chúng tôi đã biết, chúng tôi nói và điều chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng, và lời chứng của chúng tôi, các ông không đón nhận. 12 Nếu những chuyện dưới đất Tôi nói với các ông mà các ông không tin, thì nếu Tôi nói với các ông về những chuyện trên trời làm sao các ông tin?”

(2) Đối thoại giữa Đức Giê-su và Ni-cô-đê-mô liên quan đến mặc khải về được sinh ra một lần nữa, bởi trên (3,3.7), bởi nước và Thần Khí (3,5). Đối thoại kết thúc bằng sự không biết của Ni-cô-đê-mô, như Đức Giê-su nói với ông ở 3,10: “Ông là bậc thầy của Ít-ra-en, mà không biết những điều ấy sao?” Phần tiếp theo là diễn từ độc thoại của Đức Giê-su (3,11-21). Đối thoại với Ni-cô-đê-mô kết thúc ở 3,12 vì trong câu này Đức Giê-su nói trực tiếp với ông qua đại từ “các ông” (số nhiều). Ni-cô-đê-mô đại diện giới lãnh đạo Do Thái vì ông thuộc nhóm họ (3,1b). Từ 3,13 đến hết diễn từ (3,21), Ni-cô-đê-mô không được nhắc tới nữa, độc thoại của Đức Giê-su trong đoạn văn 3,13-21 dành cho độc giả.

(3) Người ta thường đọc chuyện Ni-cô-đê-mô từ câu 3,1, tuy nhiên cách đọc này làm lu mờ ý nghĩa bản văn. Bốn chi tiết buộc nối kết 3,1-12 với 2,23–25: (a) tên gọi Đức Giê-su; (b) danh từ “dấu lạ”; (c) danh từ “con người”; (d) động từ “biết”.

(a) Tên gọi “Đức Giê-su” không xuất hiện ở 3,2a: “Ông này (Ni-cô-đê-mô) đến gặp Người ban đêm và nói với Người:...”. Để biết đại từ “người” là ai, cần đọc đoạn văn trước đó. Danh xưng “Đức Giê-su” (Iêsous) xuất hiện ở 2,24: “Đức Giê-su (Iêsous) không tin họ...” Vậy nếu đọc từ 3,1 độc giả sẽ không biết Ni-cô-đê-mô đến gặp ai, nên cần nối kết 3,1-12 với 2,23-25. Một số bản dịch thêm tên gọi “Đức Giê-su” vào 3,2 làm mất nối kết với 2,23-25 và làm mất những nét độc đáo của đoạn văn 3,1-12.

(b) Người thuật chuyện kể ở 2,23b: “Nhiều kẻ đã tin vào danh của Người (Đức Giê-su) khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm.” Ở 3,2b Ni-cô-đê-mô nói với Đức Giê-su: “Không ai có thể làm được những dấu lạ Ngài làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.” Danh từ “dấu lạ” (to sêmeion) và động từ “làm” (poieô), nối kết 3,2 với 2,25.

(c) Danh từ “anthrôpos” (con người, người) xuất hiện ở 2,25: “Người (Đức Giê-su) không cần có ai làm chứng về con người (anthrôpou), vì chính Người biết có gì nơi con người (anthrôpôi)”, và ở 3,1: “Có một người (anthrôpos) trong những người Pha-ri-sêu, tên ông ấy là Ni-cô-đê-mô.” Vậy từ này nối kết 2,24 với 3,1. Ni-cô-đê-mô là “người” (3,1), còn Đức Giê-su thì biết “có gì nơi con người” (2,24), nên Người biết là Ni-cô-đê-mô không biết (3,10).

(d) Về động từ “biết”, Đức Giê-su “biết tất cả” (2,24b) và “biết có gì nơi con người” (2,25b). Ni-cô-đê-mô khẳng định ở 3,2a: “Thưa Ráp-bi, chúng tôi biết rằng:...”; đến cuối đoạn văn Đức Giê-su nói với ông ở 3,10: “Ông là bậc thầy của Ít-ra-en, mà không biết những điều ấy sao?” Nét châm biếm giữa “biết” và “không biết” giúp độc giả hiểu thế nào là biết thực sự. Đoạn văn 3,1-12 minh hoạ sự “biết” của Đức Giê-su nói đến ở 2,24-25.
Tóm lại, đoạn văn 2,23–3,12 đặt song song việc nhiều người “tin” vào Đức Giê-su (2,23) và Ni-cô-đê-mô “biết” Người đến từ Thiên Chúa (3,2). Tuy nhiên, hành động “tin” và “biết” này chưa trọn vẹn, câu chuyện mời gọi độc giả lắng nghe Đức Giê-su để thực sự biết và tin. Xem YÊU và GHÉT, phần II, tr. 20-26.

    2. Đêm tối bên ngoài và trong tâm trí

Bản văn không cho biết tại sao Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức Giê-su ban đêm, nhưng mạch văn cho phép hiểu ông làm thế để tránh xung đột với những người Pha-ri-sêu và giới lãnh đạo Do Thái. Họ chống đối Đức Giê-su mà Ni-cô-đê-mô lại thuộc nhóm Pha-ri-sêu và là một thủ lãnh của những người Do Thái (3,1). Bóng tối ban đêm gợi đến tối tăm trong tâm trí Ni-cô-đê-mô, vì ông không hiểu lời Đức Giê-su. Trong suốt cuộc đối thoại, ông không nói gì khác ngoài việc đặt hai câu hỏi: một ở đầu (3,4), một ở cuối đoạn văn (3,9). Nghĩa là ông thực sự chưa hiểu lời Đức Giê-su. Đối diện với mặc khải, Ni-cô-đê-mô vừa ở trong bóng tối khách quan (ban đêm), vừa ở trong tình trạng u tối chủ quan: hiểu lầm (3,4), chưa hiểu, chưa biết (3,9).

Trong bối cảnh đêm tối theo nghĩa đen và nghĩa bóng như trên, điểm tích cực nơi nhân vật Ni-cô-đê-mô là ông đã “đến với” Đức Giê-su và đã “nói với” Người (3,2). Lời Đức Giê-su trở thành lời khai sáng, lời soi sáng cho Ni-cô-đê-mô và cho độc giả. Đức Giê-su hướng dẫn Ni-cô-đê-mô, và qua câu chuyện tác giả dẫn độc giả đi từ sự tối tăm tâm trí đến ánh sáng sự hiểu biết: biết thế nào là được sinh ra bởi trên, bởi nước và Thần Khí (3,3a.5a) để thấy và bước vào Nước Thiên Chúa (3,3b.5b).

Lần thứ nhất Ni-cô-đê-mô xuất hiện trong Tin Mừng đã khởi đầu một cuộc hành trình. Ông thắc mắc và được Đức Giê-su giải thích nhưng bản văn không cho biết ông phản ứng thế nào. Có lẽ ông cần thời gian để suy nghĩ. Đúng vậy, sau 5 chương (ch. 3 đến ch. 7) ông lại xuất hiện để bênh vực Đức Giê-su (7,48-52).

II. Lần 2 (7,48-52), bênh vực Đức Giê-su

Ni-cô-đê-mô xuất hiện lần thứ hai ở giữa sách Tin Mừng (7,48-52). Lần này độc giả thấy lập trường của Ni-cô-đê-mô trước những kẻ chống đối Đức Giê-su. Phần này trình bày ba điểm: (1) những kẻ chống đối Đức Giê-su; (2) đòi công lý cho Đức Giê-su; (3) chưa công khai đứng về phía Đức Giê-su.

    1. Những kẻ chống đối Đức Giê-su

Trong Tin Mừng, xung đột giữa Đức Giê-su và giới lãnh đạo Do Thái đã xảy ra từ ch. 2, họ chất vấn Người sau khi Người thanh tẩy Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (2,18). Đến ch. 5, đã xảy ra tranh luận giữa những người Do Thái và Đức Giê-su, sau dấu lạ chữa lành người bệnh tại hồ nước Bết-da-tha (5,1-9). Họ quyết định giết Đức Giê-su như người thuật chuyện cho biết ở 5,18: “Những người Do Thái lại càng tìm Người để giết, vì Người không chỉ phá ngày sa-bát, nhưng còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.” Tranh luận ngày càng gay gắt hơn được thuật lại trong ch. 7–8.

    2. Đòi công lý cho Đức Giê-su

Sau khi các thượng tế và những người Pha-ri-sêu sai thuộc hạ đi bắt Đức Giê-su (7,32), nhưng không thành công vì cả những người được sai đi bắt Đức Giê-su cũng thán phục Người. Người thuật chuyện kể với giọng văn châm biếm những người Pha-ri-sêu ở 7,44-49: “44 Một số người trong họ muốn bắt Người (Đức Giê-su), nhưng chẳng có ai tra tay trên Người. 45 Các thuộc hạ đi về với các thượng tế và những người Pha-ri-sêu. Họ hỏi các thuộc hạ: ‘Tại sao các anh không dẫn Ông ấy về?’ 46 Các thuộc hạ trả lời: ‘Chưa hề có ai nói năng như người ấy.’ 47 Vậy những người Pha-ri-sêu nói với các thuộc hạ: ‘Cả các anh, các anh cũng bị mê hoặc sao? 48 Không có ai trong những người lãnh đạo hay trong những người Pha-ri-sêu đã tin vào Ông ấy sao? 49 Còn đám đông này, thứ người không biết Lề Luật, là những kẻ bị nguyền rủa.’” Theo những kẻ chống đối thì lời Đức Giê-su có sức hấp dẫn đến “mê hoặc” còn độc giả thì sao?

Trong bối cảnh trên Ni-cô-đê-mô xuất hiện đòi công lý cho Đức Giê-su, người thuật chuyện kể ở 7,50-52: “50 Ni-cô-đê-mô, người trước đây đã đến gặp Người, là một người trong nhóm họ, nói với họ: ‘51 Lề Luật của chúng ta không kết án người nào, nếu trước đó không nghe người ấy và biết người ấy làm gì phải không?’ 52 Họ trả lời và nói với ông: ‘Không phải chính ông cũng là người Ga-li-lê sao? Hãy nghiên cứu và thấy rằng: Không một ngôn sứ nào xuất hiện từ Ga-li-lê.’”

Người thuật chuyện giúp độc giả xác định nhân vật Ni-cô-đê-mô qua hai chi tiết ở 7,50: người trước đây đã đến gặp Đức Giê-su và một người trong nhóm những người Pha-ri-sêu. Cả hai chi tiết này đều xuất hiện ở 3,1. Việc những người Pha-ri-sêu chất vấn và có ý khiển trách Ni-cô-đê-mô cho thấy họ không đồng tình với Ni-cô-đê-mô, đồng thời độc giả biết Ni-cô-đê-mô đã nhận ra phần nào Đức Giê-su là ai.

    3. Chưa công khai đứng về phía Đức Giê-su

Một cách kín đáo, Ni-cô-đê-mô đòi công lý cho Đức Giê-su, nhưng ông chỉ nói một câu (7,51) và sau lời chất vấn của những người Pha-ri-sêu (7,52) là sự im lặng. Tuy chưa công khai đứng về phía Đức Giê-su nhưng lời bênh vực Đức Giê-su cho thấy ông đã có thiện cảm với Người. Chi tiết này cho thấy, trong Tin Mừng, có một số nhân vật quyền thế trong giới lãnh đạo Do Thái có thiện cảm với Đức Giê-su và tin vào Người. Cuối sứ vụ Đức Giê-su, người thuật chuyện cho biết ở 12,42-43: “42 Ngay cả trong giới lãnh đạo nhiều người đã tin vào Người (Đức Giê-su). Nhưng vì những người Pha-ri-sêu, họ không tuyên xưng để không trở thành những kẻ bị khai trừ khỏi hội đường. 43 Vì họ yêu mến vinh quang của con người hơn vinh quang của Thiên Chúa.” Câu này phù hợp với Ni-cô-đê-mô ở ch. 7. Ông là một trong những người thuộc giới lãnh đạo Do Thái chưa dám tuyên xưng Đức Giê-su cách công khai. Điều này không đúng nữa vào cuối Tin Mừng, khi  Ni-cô-đê-mô xuất hiện lần thứ ba.

III. Lần 3 (19,39-40), tẩm liệm Đức Giê-su

Lần thứ ba, Ni-cô-đê-mô xuất hiện trong Tin Mừng vào lúc đặc biệt: an táng Đức Giê-su. Phần sau trình bày ba điểm: (1) trình thuật tẩm liệm và mai táng 19,38-42; (2) Giu-se A-ri-ma-thê; (3) Ni-cô-đê-mô.

    1. Trình thuật tẩm liệm và mai táng (19,38-42)

Sau khi Đức Giê-su chết trên thập giá (19,30) và lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến về những gì đã xảy ra (19,31-37), trình thuật tẩm liệm và mai táng Đức Giê-su được kể trong đoạn văn 19,38-42: “38 Sau những điều đó, Ông Giu-se, [người] A-ri-ma-thê, xin Phi-la-tô để lấy thi hài Đức Giê-su – ông ấy là một môn đệ của Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo vì sợ những người Do Thái –. Phi-la-tô chấp thuận. Vậy ông ấy đến lấy thi hài Người. 39 Ni-cô-đê-mô cũng đến mang theo mộc dược trộn với trầm hương khoảng một trăm cân (32,70 kg) trước đây ông đến gặp Người ban đêm –. 40 Vậy các ông nhận lấy thi hài Đức Giê-su quấn bằng băng vải tẩm thuốc thơm, theo như tục lệ an táng của người Do Thái.”

Trong lúc tất cả các môn đệ khác không hiện diện lúc an táng Thầy của họ thì có hai người lo việc an táng Đức Giê-su. Người thứ nhất là Giu-se A-ri-ma-thê, ông là “một môn đệ của Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo vì sợ những người Do Thái” (19,38) và người thứ hai là Ni-cô-đê-mô, có “biệt hiệu” là “người đến gặp Đức Giê-su ban đêm” (3,2; 7,50; 19,39).

    2. Giu-se A-ri-ma-thê

Xem ra Giu-se A-ri-ma-thê là người có uy thế, vì ông đã đến gặp Phi-la-tô và xin lấy xác Đức Giê-su để an táng trong mộ. Trong lúc các môn đệ đang sợ hãi và phân tán vì Đức Giê-su bị giết chết trên thập giá, thì một nhân vật có uy thế (Giu-se A-ri-ma-thê) và một nhân vật thuộc giới lãnh đạo Do Thái (Ni-cô-đê-mô), đã lo việc an táng Đức Giê-su.

Việc ông Giu-se A-ri-ma-thê đến gặp quan tổng trấn Rô-ma chứng tỏ vị thế của ông, bởi vì không phải ai cũng được phép gặp Phi-la-tô, người giữ chức vụ tổng trấn, đại diện đế quốc Rô-ma và chịu trách nhiệm cai quản vùng Giu-đê. Chi tiết này cho biết trong số các môn đệ Đức Giê-su có những người có vai vế trong xã hội thời đó. Chẳng hạn, môn đệ quen biết vị thượng tế đã dẫn Phê-rô vào dinh thượng tế Kha-nan (18,16), xem trích dẫn 12,42-43 ở mục II.3.

    3. Ni-cô-đê-mô

Trong lần xuất hiện này, Ni-cô-đê-mô không nói lời nào cả, nhưng hành động của ông ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Ông bày tỏ cách công khai lựa chọn đứng về phía Đức Giê-su. Tuy bản văn không nói rõ Ni-cô-đê-mô là môn đệ, nhưng hành động lo việc an táng Đức Giê-su cho thấy ông ứng xử như là môn đệ. Một người có chức vị trong xã hội như ông, đã lựa chọn bày tỏ công khai lòng tôn kính thân xác Đức Giê-su, khi ông lo việc tẩm liệm với 100 cân mộc dược trộn với trầm hương. Lựa chọn này làm cho Ni-cô-đê-mô, tuy thuộc nhóm Pha-ri-sêu và là thủ lãnh của người Do Thái nhưng ông không thuộc về nhóm chống đối Đức Giê-su.

Điều cao cả nơi Ni-cô-đê-mô là ông nhận ra Đức Giê-su là ai khi Người chỉ còn là một xác chết. Không một môn đệ nào, kể cả Nhóm Mười Hai có được niềm tin mạnh mẽ và cử chỉ cao đẹp như ông. Nói cách khác không cần đợi đến lúc Đức Giê-su Phục Sinh, Ni-cô-đê-mô đã biết và tin vào Đức Giê-su.

Tương phản giữa sự vắng mặt của “các môn đệ chính danh” (được nói đến trong Tin Mừng) và sự hiện diện của “các môn đệ vô danh” (theo Đức Giê-su cách kín đáo) trong biến cố tẩm liệm và mai táng Đức Giê-su, là một trong những nét đặc thù của Tin Mừng Gio-an. Tương phản này làm cho “hành trình trở thành môn đệ” của Ni-cô-đê-mô là đề tài độc đáo. Mọi người có thể trở thành môn đệ Đức Giê-su, kể cả giới lãnh đạo Do Thái.

Kết luận

Tìm hiểu ba lần xuất hiện của nhân vật Ni-cô-đê-mô (ở đầu, ở giữa và ở cuối sách Tin Mừng) trên đây đã phác hoạ phần nào hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su. Ni-cô-đê-mô đã thực hiện hành trình từ “ban đêm” đến “ban ngày”, từ “bóng tối” đến “ánh sáng”, từ “đến với” Đức Giê-su ban đêm đến “bày tỏ công khai” đứng về phía Người vào ban ngày. Vậy Ni-cô-đê-mô là nhân vật khuôn mẫu cho hành trình trở thành môn đệ, nhờ biết cách “thấy” dấu lạ và “nghe” lời Đức Giê-su.

Hành trình của Ni-cô-đê-mô là thông điệp tác giả gửi đến độc giả. Hành trình của Ni-cô-đê-mô là khuôn mẫu của hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Độc giả có thể vì một lý do nào nào đó đã đến gặp Đức Giê-su ban đêm, đối thoại với Người, nhưng chẳng hiểu gì cả. Không sao, điều quan trọng là đã “đến với”, “nói với” Đức Giê-su, bước tiếp theo là để lời Người ở lại nơi mình. Về văn chương, Ni-cô-đê-mô cần đến 16 chương (từ ch. 3 đến ch. 19); về lịch sử, ông cần đến ba năm suy nghĩ (thời gian Đức Giê-su thi hành sứ vụ), để nhận ra Đức Giê-su là ai. Trong thực tế, có người cần nhiều thời gian hơn: cả đời tìm kiếm để cuối cùng quyết định theo Đức Giê-su. Ngược lại có người như Phi-líp-phê, ông chỉ cần nghe hai chữ của Đức Giê-su ở 1,43b: “akolouthei moi” (“Anh hãy theo Tôi”) là đã thành môn đệ. Vấn đề không phải là thời gian mà là để lời Đức Giê-su soi sáng, hướng dẫn, biển đổi để dần dần nhận ra “Ai đó” là “là con đường, sự thật và sự sống” (14,6) cho mình./.


2 nhận xét:

  1. Dear Cha Thông
    Cám ơn Cha về bài chia sẻ
    Lâm cảm nhận nhận thật sâu sắc câu " Tưởng mình biết Đức Giê-su nhưng thực ra chưa biết (3,2) "
    Lạy Chúa - xin cho chúng con được biết Ngài - dù chỉ 1 lần
    Nguyện bình an của Chúa luôn ở cùng Cha và mọi người trong Tết Nhâm Thìn đang đến
    Lâm BASIC

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh07:34 20/1/12

    Thưa Cha Giáo, bài viết của Cha viết vào thời điểm này cũng thú vị đó nhỉ? vì (trong thế gian đang vui mừng đón xuân) cùng lúc xuất hiện nhân vật Ni-cô-đê-mô có cuộc hành trình trở thành môn đệ Đức Giesu rất tuyệt vời là hành trình từ “ban đêm” đến “ban ngày”, từ “bóng tối” đến “ánh sáng”, từ “đến với Đức Giê-su vào ban đêm” đến “bày tỏ công khai đứng về phía Người vào ban ngày”. Chúng con là những học trò đang tìm hiểu và học hỏi để trở thành những môn đệ đích thực của Đức Giesu,để cùng đi đến hưởng Mùa Xuân Vĩnh Hằng trong Ánh Sáng không bao giờ tàn lụi, Con chúc Cha năm mới bình an, vui tươi, và chan hoa hồng ân Thiên CHúa, để Cha có nhiều bài hay giúp mọi người và học trò sống thánh hơn.

    Trả lờiXóa