17/04/2020

Lời chứng và làm chứng (TM Gio-an)



Bài viết tiếng Pháp:

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 17 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Danh từ “lời chứng” (marturia), 14 lần
    1. Lời chứng của Gio-an (1,7.19; 5,36)
    2. Lời chứng của Đức Giê-su
    3. Năm lời chứng trong đoạn văn 5,31-39
    4. Lời chứng của Đức Giê-su và Chúa Cha (8,14.18)
    5. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,35; 21,24)
II. Động từ “làm chứng” (martureô), 33 lần
    1. Ai làm chứng? (30 lần)
    2. Điều gì làm chứng? (3 lần)
Kết luận



Dẫn nhập

“Lời chứng và làm chứng” trong Tin Mừng Gio-an là đề tài quan trọng và liên quan đến nhiều nhân vật: Chúa Cha, Đức Giê-su, Gio-an Tẩy Giả, môn đệ Đức Giê-su yêu mến, v.v… Bài viết trình bày tổng quát đề tài này qua hai mục: (I) danh từ “lời chứng” (marturia) và (II) động từ “làm chứng” (martureô).

I. Danh từ “lời chứng” (marturia), 14 lần

Danh từ “lời chứng” xuất hiện 14 lần trong Tin Mừng: 1,7.19; 3,11.32.33; 5,31.32.34.36; 8,13.14.17; 19,35; 21,24. Danh từ này được tìm hiểu qua năm mục: (1) lời chứng của Gio-an (1,7.19; 5,36); (2) lời chứng của Đức Giê-su; (3) năm lời chứng trong đoạn văn 5,31-39; (4) lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha (8,14.18); (5) lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,35; 21,24).

    1. Lời chứng của Gio-an (1,7.19; 5,36)

Lời chứng của Gio-an được nói đến 2 lần ở 1,7.19. Tác giả Tin Mừng long trọng giới thiệu Gio-an trong lời tựa ở 1,6-8: “6 Có một người được sai đến từ Thiên Chúa, tên ông là Gio-an. 7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy. 8 Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng.” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư). Có 1 lần danh từ “lời chứng” ở 1,7a: “Ông ấy đến làm chứng (houtos êlthen eis marturian)”, dịch sát: “Ông ấy đến vì (cho) lời chứng (he came for testimony).” Sau lời tựa (1,1-18) là đoạn văn nói về lời chứng của Gio-an được mở đầu ở 1,19a: “Và đây là lời chứng của Gio-an…” Lời chứng của ông được Đức Giê-su nhắc lại trong bối cảnh tranh luận với những người Do Thái ở 5,33-36.

    2. Lời chứng của Đức Giê-su

Lời chứng của Đức Giê-su được nói đến lần đầu tiên trong ch. 3, khi Người nói với Ni-cô-đê-mô ở 3,11: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Điều chúng tôi đã biết, chúng tôi nói và điều chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng, và lời chứng của chúng tôi, các ông không đón nhận.” Câu này có 1 lần động từ “làm chứng” (3,11b) và 1 lần danh từ “lời chứng” (3,11c). Điều lạ là Đức Giê-su dùng đại từ ngôi thứ nhất, số nhiều “chúng tôi”. Có thể hiểu Đức Giê-su nói thay cộng đoàn các môn đệ, nghĩa là Đức Giê-su xác nhận lời chứng của cộng đoàn.

Trong mạch văn ch. 3, đoạn văn 3,31-36 là lời chứng của Gio-an nói về lời chứng của Đức Giê-su. Danh từ “lời chứng” xuất hiện ở hai câu 3,32.33. Gio-an nói về Đức Giê-su ở 3,31-33: “31 Đấng đến từ trên thì ở trên tất cả; kẻ bởi đất thì thuộc về đất và nói chuyện thuộc về đất. Đấng đến bởi trời [thì ở trên tất cả]; 32 điều Người đã thấy và đã nghe, Người làm chứng về điều ấy, và lời chứng của Người chẳng ai đón nhận. 33 Ai đón nhận lời chứng của Người thì xác nhận rằng: Thiên Chúa thì chân thật.” Lời chứng của Đức Giê-su xuất hiện 2 lần ở 3,32.33 trong kiểu nói “lời chứng của Người”.

    3. Năm lời chứng trong đoạn văn 5,31-39

Trong diễn từ tranh luận với những người Do Thái (5,19-47), Đức Giê-su nói đến năm lời chứng trong đoạn văn 5,31-39: (1) mở đầu là lời chứng của Đức Giê-su (5,31); (2) kế đến là lời chứng của Chúa Cha (5,32 // 5,37); (3) tiếp theo, Đức Giê-su nhắc lại lời chứng của Gio-an và nói về “lời chứng của người phàm” (5,33-36); và (4) lời chứng lớn hơn lời chứng của Gio-an, đó là những việc Đức Giê-su làm (5,36); (5) cuối cùng là lời chứng của Kinh Thánh (5,39). Trong câu này không có danh từ “lời chứng” (marturia) mà là động từ “làm chứng” (martureô), chia ở lối động tính từ (participle), ở số nhiều, có nghĩa như danh từ: “những lời chứng” (hai marturousai). Phần sau trình bày chi tiết năm lời chứng trên.

(1) Lời chứng của Đức Giê-su ở 5,31 thuộc diễn từ độc thoại của Đức Giê-su (5,19-47) trong bối cảnh tranh luận với những người Do Thái. Người thuật chuyện cho biết thái độ của họ ở 5,18: “Vậy, vì điều này, những người Do Thái lại càng tìm Người (Đức Giê-su) để giết, vì Người không chỉ phá ngày sa-bát, nhưng còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.” Cụm từ “vì điều này” gợi đến lời Đức Giê-su vừa nói ở 5,17: “Cha Tôi làm việc cho đến bây giờ, Tôi cũng làm việc.” Trong bối cảnh này, Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,31: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật.”

(2) Lời chứng của Chúa Cha xuất hiện ở hai câu: 5,32 và 5,37. Đức Giê-su nói tiếp với những người Do Thái ở 5,32: “Có Đấng khác là Đấng làm chứng về Tôi và Tôi biết rằng: Lời chứng mà Người làm chứng về Tôi là thật.” Từ “Đấng khác” trong câu này là Chúa Cha sẽ được nói rõ khi Đức Giê-su nói với họ ở 5,37-38: “37 Và Cha, Đấng đã sai Tôi, chính Người đã làm chứng về Tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng của Người, cũng chẳng thấy tôn nhan của Người; 38 và các ông không có lời của Người ở lại trong các ông, vì Đấng Người đã sai đến, chính các ông không tin vào Đấng ấy.”

(3) Về lời chứng của người phàm (5,34), Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,33-35: “33 Chính các ông đã cử người đến với Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Tôi, Tôi không nhận lời chứng do người phàm, nhưng Tôi nói những điều này để chính các ông được cứu. 35 Ông ấy là ngọn đèn được thắp lên và toả sáng, chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng của ông ấy.” Cụm từ “lời chứng do người phàm” (5,34a) dịch sát: “lời chứng từ nơi con người (para anthrôpou)”.

(4) Lời chứng qua việc Đức Giê-su đã làm (5,36) được Người nói đến ở 5,36: “Nhưng Tôi, Tôi có lời chứng lớn hơn lời chứng của Gio-an, đó là những việc mà Cha đã ban cho Tôi để Tôi hoàn thành chúng. Chính những việc Tôi làm, làm chứng về Tôi rằng: Cha đã sai Tôi.” Các việc Đức Giê-su làm là lời chứng lớn hơn lời chứng của Gio-an. Nội dung lời chứng ấy là Chúa Cha đã sai Đức Giê-su đến thế gian để cứu thế gian (3,16-17).

(5) Về những lời chứng của Kinh Thánh (5,39), Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,39-40: “39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì chính các ông nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh là những lời chứng về Tôi, 40 và các ông không muốn đến với Tôi để có sự sống.” Cụm từ “những lời chứng (hai marturousai)” ở 5,39 là động tính từ số nhiều của động từ “làm chứng”, được dùng như danh từ, có mạo từ (article) và ở số nhiều: “hai marturousai”.

    4. Lời chứng của Đức Giê-su và Chúa Cha (8,14.18)

Trong phần tranh luận với những người Pha-ri-sêu (8,13-18), Đức Giê-su có nói đến hai lời chứng: (1) lời chứng của Đức Giê-su về chính mình (8,13-14) và (2) lời chứng của hai người: Đức Giê-su và Cha (8,17-18).

(1) Về lời chứng của Đức Giê-su về chính mình, người thuật chuyện cho biết ở 8,13-14: “13 Những người Pha-ri-sêu nói với Người (Đức Giê-su): ‘Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của Ông là không thật.’ 14 Đức Giê-su trả lời và nói với họ: ‘Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu. Nhưng các ông, các ông không biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu.’” Trước đây, Đức Giê-su đã nói với những người Do Thái ở 5,31: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật”, sau đó Người nói đến một loạt lời chứng như đã trình bày. Bây giờ, ở 8,13, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su bằng chính câu Người đã nói với những người Do Thái ở 5,31. Điều đáng lưu ý là ở 8,14, Đức Giê-su trả lời ngược với điều Người đã nói ở 5,31. Người nói ở 8,14a: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật.” Lý do làm cho lời chứng của Đức Giê-su là thật là vì Người biết Người từ đâu tới và sẽ đi đâu (8,14a); còn những người Pha-ri-sêu thì không biết điều này (8,14b). Họ chỉ xét đoán theo người phàm (8,15a) còn Đức Giê-su, sự xét đoán của Người là thật (8,16a).

(2) Về lời chứng của hai người (Đức Giê-su và Cha), Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 8,17-18: “17 Trong Lề Luật của các ông có chép rằng: ‘Lời chứng của hai người là thật.’ 18 Chính Tôi là người làm chứng về mình, và Cha, Đấng đã sai Tôi, làm chứng về Tôi.” Vì lời chứng của Đức Giê-su có giá trị (8,14a), nên Người có thể làm chứng về chính Người. Người làm chứng thứ hai là Cha của Người.

    5. Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,35; 21,24)

Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến làm chứng hai lần trong Tin Mừng: (1) lần thứ nhất là lời chứng dưới chân thập giá (19,35); (2) lần thứ hai là lời chứng qua bản văn (21,24), được soạn giả nói tới ở cuối Tin Mừng.

(1) Trong Tin Mừng Gio-an, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến hiện diện dưới chân thập giá và đã làm chứng về tất cả những gì đã xảy ra. Mục đích của lời chứng là để dẫn đến hành động “tin” như người thuật chuyện cho biết ở 19,35: “Người đã xem thấy (môn đệ Đức Giê-su yêu mến), đã làm chứng, và lời chứng của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin.”

(2) Sách Tin Mừng kết thúc với lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 21,24. Đây là lời chứng được viết lại trong Tin Mừng. Soạn giả Tin Mừng viết ở 21,24: “Chính môn đệ này (môn đệ Đức Giê-su yêu mến) là người làm chứng về những điều đó và  người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.” Soạn giả xác nhận lời chứng của môn đệ này với hai khía cạnh: (1) làm chứng về những điều đó (21,24a), nghĩa là những điều đã được thuật lại trong sách Tin Mừng;  và (2) đã viết những điều đó, nghĩa là đã để lại bút tích trong sách Tin Mừng.

Tóm lại, danh từ “lời chứng” (marturia) xuất hiện 14 lần trong Tin Mừng nói về bảy lời chứng: (1) lời chứng của Gio-an (2 lần: 1,7.19); (2) lời chứng của Đức Giê-su (6 lần: 3,11.32.33; 5,31; 8,13.14); (3) lời chứng của Chúa Cha (1 lần: 5,32); (4) lời chứng của người phàm (1 lần: 5,34); (5) lời chứng qua những việc Đức Giê-su làm (1 lần: 5,36); (6) lời chứng của hai người: Đức Giê-su và Cha (1 lần: 8,17); (7) lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến (2 lần: 19,35; 21,24). Một lần ở 5,39 nói về: “những lời chứng của Kinh Thánh”, nhưng không dùng danh từ “lời chứng” (marturia) mà dùng lối động tính từ của động từ “làm chứng” (martureô), chia ở số nhiều và có mạo từ (hai marturousai) nên hiểu như danh từ. Những lời chứng trên đây được làm rõ nhờ động từ “làm chứng” (martureô). 

II. Động từ “làm chứng” (martureô), 33 lần

Động từ “làm chứng” xuất hiện 33 lần, phân bổ như sau:
Ch. 1–4 (12 lần): 1,7.8.15.32.34; 2,25; 3,11.26.28.32; 4,39.44.
Ch. 5–8 (12 lần): 5,31.32a.32b.33.36.37.39; 7,7; 8,13.14.18a.18b.
Ch. 9–12 (2 lần): 10,25; 12,17.
Ch. 13–17 (3 lần): 13,21; 15,26.27.
Ch. 18–21 (4 lần): 18,23.37; 19,35; 21,24.

Trong 33 lần trên, 30 lần chủ từ của động từ “làm chứng” là con người (xem mục “Ai làm chứng?”); còn lại 3 lần chủ từ không phải là con người mà là hai điều làm chứng cho Đức Giê-su (xem mục “Điều gì làm chứng?”). Phần sau liệt kê chủ từ của động từ “làm chứng” qua hai câu hỏi: (1) ai làm chứng? và (2) điều gì làm chứng?

    1. Ai làm chứng? (30 lần)

Phần này bổ túc đề tài “lời chứng” trên đây và có thêm những nhân vật làm chứng mới như: người ta, các môn đệ của Gio-an, Đấng Pa-rác-lê, các môn đệ Đức Giê-su, v.v… 11 nhân vật làm chủ từ của động từ “làm chứng” là (1) Gio-an (7 lần: 1,7.8.15.32.34; 3,26; 5,33); (2) người ta (1 lần: 2,25); (3) Đức Giê-su (10 lần: 3,11.32; 4,44; 5,31; 7,7; 8,13.14.18a; 13,21; 18,37); (4) các môn đệ của Gio-an (1 lần: 3,28); (5) người phụ nữ Sa-ma-ri (1 lần: 4,39); (6) Chúa Cha (4 lần: 5,32a.32b.37; 8,18b); (7) đám đông dân chúng (1 lần: 12,17); (8) Đấng Pa-rác-lê (1 lần: 15,26); (9) các môn đệ Đức Giê-su (1 lần: 15,27); (10) thuộc hạ của thượng tế (1 lần: 18,23); (11) môn đệ Đức Giê-su yêu mến (2 lần: 19,35; 21,24).

    2. Điều gì làm chứng? (3 lần)

Tin Mừng nói đến 2 điều làm chứng về Đức Giê-su: (1) Kinh Thánh (1 lần: 5,39); (2) những việc của Đức Giê-su (2 lần: 5,36; 10,25).

Kết luận

Quan sát trên về danh từ “lời chứng” và động từ “làm chứng” cho thấy tầm quan trọng của đề tài này trong Tin Mừng. Hầu hết các lần xuất hiện đều quy về “lời chứng của Đức Giê-su” hay “lời chứng về Đức Giê-su”, với ba đề tài quan trọng: (1) lời chứng và làm chứng của Gio-an; (2) lời chứng và làm chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha; (3) lời chứng và làm chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Các đề tài này sẽ phân tích trong các bài viết khác./.


6 nhận xét:

  1. Cám ơn Cha về quan sát "lời chứng" và "làm chứng".
    Giữa những ngổn ngang hiện nay, xã hội chúng ta vẫn rất cần "lời chứng" và "làm chứng" để sự thật (x. Ga 8,32) được hiển sáng.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh21:12 4/10/13

    Thưa cha Giáo, trong năm đức tin này mọi người rất cần lời chứng kèm theo làm chứng, vì đức tin phải có hành động mới là đức tin sông, nên rất cám ơn cha về bài viết rất hay này, xin Chúa luôn đồng hành và ở cùng Cha.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh19:44 17/6/14

    Cam on Cha ve nhung chia se. dieu do da lam con hieu rang Tin Mung Thanh Gio- an la nhung loi chung cua nhung nhan chung. Khoi dau la Duc Giê-su noi cung long cua Chua Cha va ke den la Thanh Gio- an Tay gia , cac mon de va cac tin huu qua cac thoi dai. Thua Cha con cam nhan rang tin Mung la nhung Loi chung khong phai chi ghi bang muc viet nhung duoc ghi bang mau- bang su song. Vi the ti Mung co suc manh su song va su song vinh cuu Cam on Cha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả đã chia sẻ, tôi xin góp thêm vài ý.
      Điều kiện tiên quyết để làm chứng về Đức Giê-su là tin vào Người, và tin vào giáo huấn của Người. Với niềm tin mang lại sự sống đời đời này, tuỳ theo hoàn cảnh sống, người tin sống và làm chứng qua muôn vàn cách thức. Các thánh tử đạo đã làm chứng bằng màu của mình, các nhà truyền giáo làm chứng bằng lời rao giảng và bằng cuộc sống. Mọi người có thể làm chứng qua cách suy nghĩ, cách giao tiếp, cách ứng xử v.v… Có thể nói sự hiện diện của người tin đã là lời chứng đích thực./.

      Xóa
  4. Nặc danh23:31 20/6/14

    Xin chân thành tri ơn Cha bỡi những chỉ bảo hứơng dẫn. Thưa Cha, de dap tra loi khuyen cua Dức Thánh Cha Phan-xi cô nói rằng : Các con hãy đến với các Linh Mục như chú bò con khát sữa doi mẹ , neu con dich dung nghia la da chan me. Vâng đó là lý do con đến để xin Cha chỉ bảo thêm cho con cũng như các độc giả.
    Thưa Cha, con vừa đoc tin Mừng Thánh Gio- an 1, 15-34 va Gn 3, 22-35. Nếu con không lầm, đó là những lời chứng của Gio- an Tẩy giả về Chúa Gie- su. Con thưc sự nhu lạc vào trong một thế giới linh thiêng chưa khám phá hết.Thánh Gio- an tẩy giả dùng những câu phủ định để nói về chính mình như : Tôi không là…, toi khong dang .. để lam chứng ve Duc Giê- su là Thiên Chúa, là ánh sáng, là Lời ,là ân sủng, là chiên Thiên Chúa, là hôn phu , là Dấng Messia, là Dấng dầy Thánh Thân. Thêm vào đó Ngài khẳng định môt định huong thieng lieng thật tuyêt : Ngài phải lớn lên, còn Tôi phải nhỏ lại. Vâỵ đây có phải là một thái độ nội tâm tất yếu của một một ngừơi làm chứng không thưa Cha ? Hon thế nữa , điều mà con thắc mắc đó là Thánh Gio – An Tẩy giả nói : Tôi đến để làm chứng về Ngài … Tôi không biết Ngài , điều này phải hiểu như thế nào ? Nguoi lam chung , phai chang chua han la da biet Chua ? Con có nghe nói về Thần học phủ nhận, vây đây có phải là câu trả lời về điều đó không thua Cha ? Nhu Cha co lan viet : nhung dieu toi biet ve Tin Mung thanh Gio- an chi la hat nuoc trong dai duong co phai la cau tra loi cho loi noi cua Thanh Gio- An tay gia khong ? Tạ ơn Cha trước.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn độc giả đã chia sẻ, xin trả lời hai câu hỏi trong lời nhận xét trên đây:

    (1) Lời chứng của Gio-an Tẩy giả và cách thức làm chứng của ông là gương mẫu cho tất cả người tin, đặc biệt qua câu nói: “Đấng ấy (Đức Giê-su) phải lớn lên, còn thầy phải suy giảm” (Ga 3,30). Người tin sống và làm chứng để Đức Giê-su được hiện diện rõ nét hơn cho mọi người, chứ không phải làm ngược lại: người nói về Đức Giê-su được vẻ vang còn chính Đức Giê-su lại mờ nhạt.

    (2) Tại sao Gio-an làm chứng mà ông lại nói là không biết Đức Giê-su? Tôi đã tạm trả lời câu hỏi này trong bài viết ở mục số 2: Gio-an Tẩy Giả làm chứng về Đức Giê-su ở 1,19-37, đoạn văn số 8.

    Trả lờiXóa