08/04/2020

Biểu tượng ánh sáng Trong Tin Mừng Gio-an



Bài viết tiếng Pháp:

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 08 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Tám đoạn văn về ánh sáng
II. Đồng hoá với ánh sáng
    1. Lời (Logos) là ánh sáng (1,4.5.9)
    2. Đức Giê-su là ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46)
    3. Gio-an Tẩy Giả không là, ánh sáng (1,7.8; 5,35)
III. Sứ vụ của ánh sáng  
    1. Ánh sáng chiếu soi thế gian
    2. Mời gọi đến với và tin vào ánh sáng
IV. Khước từ ánh sáng
V. Chiến thắng của ánh sáng
Kết luận




Dẫn nhập

Trong Tự Điển Tiếng Việt, 2007, định nghĩa mục từ “ánh sáng” như sau: (1) dạng vật chất do vật phát ra hoặc phản chiếu trên vật, nhờ đó mắt có thể cảm thụ mà nhìn thấy vật ấy (nghĩa đen); (2) sự soi sáng, sự hướng dẫn (nghĩa bóng). Dựa trên nghĩa tổng quát này Tin Mừng Gio-an đã xây dựng đề tài ánh sáng thế nào? Ánh sáng là ai và nói về điều gì? Danh từ “ánh sáng” trong Tin Mừng có thể chứa đựng nhiều nghĩa không có trong tự điển và trong các Tin Mừng khác. Bài viết tìm hiểu đề tài ánh sáng qua năm mục: (I) tám đoạn văn về ánh sáng; (II) đồng hoá với ánh sáng; (III) sứ vụ của ánh sáng; (IV) khước từ ánh sáng; (V) chiến thắng của ánh sáng.

I. Tám đoạn văn về ánh sáng

Trong Tin Mừng, xuất hiện 23 lần danh từ Hy-lạp “phôs” (ánh sáng); 2 lần (1,5; 5,35) động từ “phainô” (chiếu soi, toả sáng); và 1 lần (1,9) động từ “phôtizô” (chiếu soi). Tất cả 23 lần từ “phôs” xuất hiện trong ch. 1–12. (Xem bài viết “Ánh sáng và bóng tối”). Đề tài “ánh sáng” diển tả qua ba từ: “phôs”, “phainô”, “phôtizô” tìm thấy trong tám đoạn văn: (1) 1,1-11: Lời là ánh sáng thật, Gio-an Tẩy Giả không phải là ánh sáng; (2) 3,18-21: yêu mến bóng tối và ghét ánh sáng; (3) 5,33-35: Gio-an Tẩy Giả là ánh sáng của ngọn đèn; (4) 8,12: Đức Giê-su là ánh sáng của sự sống; (5) 9,1-5: Đức Giê-su là ánh sáng của thế gian; (6) 11,6-10: ánh sáng của thế gian này; (7) 12,35-36: tin vào ánh sáng; (8) 12,44-46: Đức Giê-su là ánh sáng đến thế gian. Dưới đây trích dẫn tám đoạn văn này. (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và Ba thư).

(1) Tác giả viết trong lời tựa Tin Mừng ở 1,1-11: “1 Lời có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. 2 Người ở với Thiên Chúa lúc khởi đầu. 3 Nhờ Người, mọi sự được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người; 5 và ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng. 6 Có một người được sai đến từ Thiên Chúa, tên ông là Gio-an. 7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy. 8 Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng. 9 Người (Logos) là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian. 10 Người ở trong thế gian, thế gian được tạo thành nhờ Người và thế gian đã không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người.”

(2) Đức Giê-su tuyên bố trong diễn từ độc thoại ở 3,18-21: “18 Ai tin vào Người (Con Một Thiên Chúa) thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. 19 Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa. 20 Vì mọi kẻ làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng để các việc của họ khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ làm sự thật thì đến với ánh sáng để các việc của người ấy được bày tỏ ra là đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

(3) Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,33-35: “33 Chính các ông đã cử người đến với Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Tôi, Tôi không nhận lời chứng do người phàm, nhưng Tôi nói những điều này để chính các ông được cứu. 35 Ông ấy là ngọn đèn được thắp lên và toả sáng, chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng của ông ấy.”

(4) Người thuật chuyện kể ở 8,12: “Đức Giê-su lại nói với họ (những người Pha-ri-sêu) rằng: ‘Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.’”

(5) Câu chuyện anh mù được thấy mở đầu ở 9,1-5: “1 Đi ngang qua, Người (Đức Giê-su) thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2 Các môn đệ của Người hỏi Người rằng: ‘Thưa Ráp-bi, ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta, để anh ta sinh ra đã bị mù?’ 3 Đức Giê-su trả lời: ‘Không phải anh ta đã phạm tội, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta. 4 Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy khi còn là ngày; đêm đến thì không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng của thế gian.’”

(6) Người thuật chuyện kể về Đức Giê-su và các môn đệ ở 11,6-10: “6 Tuy nhiên, sau khi nghe rằng anh ấy (La-da-rô) bệnh, Người (Đức Giê-su) còn ở lại nơi Người đang ở thêm hai ngày. 7 Sau điều đó, Người nói với các môn đệ: ‘Chúng ta cùng trở lại Giu-đê.’ 8 Các môn đệ nói với Người: ‘Thưa Ráp-bi, mới đây những người Do Thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại đi đến đó sao?’ 9 Đức Giê-su trả lời: ‘Ban ngày chẳng có mười hai giờ sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. 10 Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã vì ánh sáng không ở trong người ấy.’”

(7) Cuối sứ vụ Đức Giê-su, người thuật kể ở 12,35-36: “35 Đức Giê-su nói với họ (đám đông): ‘Còn một ít thời gian nữa, ánh sáng ở giữa các người. Hãy bước đi khi các người có ánh sáng, để bóng tối không bắt được các người. Ai đi trong bóng tối thì không biết mình đi đâu. 36 Khi các người có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng.’ Đức Giê-su đã nói những điều đó rồi Người bỏ đi lánh khỏi họ.”

(8) Đức Giê-su tóm kết sứ vụ ở 12,44-46: “44 Người tin vào Tôi, không phải tin vào Tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai Tôi, 45 và ai thấy Tôi là thấy Đấng đã sai Tôi. 46 Tôi là ánh sáng đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi thì không ở lại trong bóng tối.’”

II. Đồng hoá với ánh sáng

Tin Mừng đồng hoá ba nhân vật với ánh sáng: (1) Lời (Logos) là ánh sáng (1,4.5.9); (2) Đức Giê-su là ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46); (3) Gio-an Tẩy Giả không là (1,7.8), và là ánh sáng (5,35).

    1. Lời (Logos) là ánh sáng (1,4.5.9)

Trong Lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18), tác giả đồng hoá Lời (Logos) với ánh sáng qua hai bước: (a) Sự sống là ánh sáng (1,4); (b) Lời là ánh sáng (1,9).

(a) Sự sống được đồng hoá với ánh sáng ở 1,4b: “Sự sống là ánh sáng của loài người.” Tuy nhiên ở 1,3b-4a, tác giả viết: “3b Điều đã được tạo thành 4a ở nơi Người (Logos) là sự sống.” Sự sống là biểu hiện của Lời. Nên cách mặc nhiên, Lời đồng hoá với ánh sáng. Cụm từ “Sự sống là ánh sáng của loài người” (1,4b) gợi đến kiểu nói “ánh sáng của sự sống” ở 8,12e.

(b) Lời (Logos) được đồng hoá với ánh sáng cách minh nhiên ở 1,9: “Người (Logos) là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian.” Sự đồng hoá còn được diễn tả qua những đặc tính của ánh sáng: “ánh sáng của loài người” (1,4b), “ánh sáng thật” (1,9a); ánh sáng “đến trong thế gian” (1,9c), “chiếu soi mọi người” (1,9b) và “chiếu soi trong bóng tối” (1,5a).

    2. Đức Giê-su là ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46)

Ba lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su đồng hoá Người với ánh sáng (8,12; 9,5; 12,46) bằng kiểu nói đặc thù của Tin Mừng: “chính Tôi là... (egô eimi)”. Xem phân tích trong các bài viết: “Ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng Gio-an”; “Egô eimi: chính Ta Là, chính là Ta (Is, Xh, Kh, Ga).”

Trong bối cảnh tranh luận, Đức Giê-su nói với những kẻ chống đối ở 8,12: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.” Trong ch. 9, Đức Giê-su tuyên bố trước các môn đệ ở 9,5: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng của thế gian.” Lời này định nghĩa sứ vụ của Đức Giê-su như một ngày làm việc, vì Đức Giê-su nói ở 9,4: “Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy khi còn là ngày; đêm đến thì không ai có thể làm việc được.” “Ngày” là lúc Đức Giê-su thực hiện sứ vụ công khai của Người, “đêm” là biểu tượng của sự chết. (Xem bài viết “Ngày và đêm trong Tin Mừng Gio-an”). Cuối ch. 12, để tóm kết sứ vụ, Đức Giê-su khẳng định Người là ánh sáng và mời gọi độc giả tin ở 12,46: “Tôi ánh sáng đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi thì không ở lại trong bóng tối.

    3. Gio-an Tẩy Giả không là, ánh sáng (1,7.8; 5,35)

Phần này trình bày khẳng định xem ra trái ngược nhau liên quan đến Gio-an Tẩy Giả và ánh sáng: (a) ông không phải là ánh sáng (1,8); (b) ông là ánh sáng (5,35).

(a) Trong Tin Mừng, Gio-an Tẩy Giả xuất hiện lần đầu tiên trong Lời tựa (1,1-18) ở hai nơi: 1,6-8; 1,15. Hai đoạn văn này được chèn vào Lời tựa cho thấy tầm quan trọng về vai trò làm chứng của ông. Tuy nhiên, tác giả khẳng định rõ ràng là Gio-an không phải là ánh sáng (1,8a), đồng thời lặp lại hai lần: ông đến “làm chứng cho ánh sáng” (1,7.8b). Trong mạch văn, khẳng định Gio-an Tẩy Giả không phải là ánh sáng để làm nổi bật “Lời – Giê-su” là ánh sáng.

(b) Trong bối cảnh khác ở ch. 5, Đức Giê-su đồng hoá Gio-an với ánh sáng (5,35). Khi những người Do Thái đang tìm giết Đức Giê-su (5,18), Người nói với họ về “những việc của người Con” (5,19-29) và liệt kê một loạt các lời chứng về Người (5,30-47). Trong đoạn văn này, Người nói đến lời chứng của Gio-an ở 5,33-35. Ở 5,35a, Đức Giê-su nói Gio-an là “ngọn đèn được thắp lên và toả sáng.” Động từ “toả sáng (phainô)” chỉ xuất hiện hai lần trong Tin Mừng (1,5; 5,35a). Lần thứ nhất để nói về Lời (Logos) ở 1,5: Lời là “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng.” Lần thứ hai nói về Gio-an là “ngọn đèn được thắp lên và toả sáng” (5,35a).

Lời Đức Giê-su nói với những người Do Thái về Gio-an ở 5,35b: “Chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng của ông ấy”, dịch sát: “hoan hỷ một giờ (hôran) trong ánh sáng của ông ấy.” Sứ vụ ngắn ngủi của Gio-an được ví như “ánh sáng của một giờ”. Theo Tin Mừng Mát-thêu, Gio-an bị Hê-rô-đê bắt bỏ tù (Mt 14,3). Sau đó nhà vua đã ra lệnh chém đầu Gio-an (Mt 14,9). Ở Ga 5,35b, động từ “hoan hỷ” (agalliaô) diễn tả sự kính trọng và đóng góp có ý nghĩa của Gio-an cho dân Ít-ra-en. Đức Giê-su đề cao vai trò làm chứng của ông (1,19-34) khi dùng biểu tượng ánh sáng để nói về ông. Gio-an là ngọn đèn toả sáng qua việc ông làm chứng cho “ánh sáng đích thực” là Đức Giê-su. Xem “Gio-an Tẩy Giả là ánh sáng (5,35)” trong bài viết: “Ở Ga 1,21 Gio-an Tẩy Giả không phải là Ê-li-a, nhưng ở Mt 17,13 Gio-an là Ê-li-a, mâu thuẫn hay bổ sung lẫn nhau?

III. Sứ vụ của ánh sáng  

Sứ vụ của Đức Giê-su là ánh sáng gồm hai khía cạnh: (1) chiếu soi thế gian; (2) mời gọi đến với và tin vào ánh sáng.

    1. Ánh sáng chiếu soi thế gian

Tin Mừng dùng nhiều cách diễn tả tương quan giữa ánh sáng và thế gian như ánh sáng “đến trong thế gian” (1,9c; 3,19; 12,46a) để “chiếu soi mọi người” (1,9b). Ánh sáng được xác định là “ánh sáng của loài người” (1,4b), “ánh sáng của thế gian” (9,5b). Như thế, Lời – Giê-su là ánh sáng, có sứ vụ trong thế gian là chiếu soi mọi người qua lời nói và việc làm của Người. Đây là ánh sáng mang lại sự sống đích thực cho mọi người và cho độc giả.

    2. Mời gọi đến với và tin vào ánh sáng

Đức Giê-su thi hành sứ vụ bằng cách mời gọi thính giả và độc giả “làm sự thật” và “đến với ánh sáng” (3,21a), “đi theo” Người (8,12c) để “không bước đi trong bóng tối” (8,12d) và “có ánh sáng của sự sống” (8,12e). Người đề nghị với đám đông bước đi trong ánh sáng khi ánh sáng còn ở giữa họ (12,35a), nghĩa là “tin vào ánh sáng” để “trở nên con cái ánh sáng” (12,36a). Vậy ai tin vào Đức Giê-su thì không ở lại trong bóng tối (12,46b). Ở 11,9-10, Đức Giê-su nói đến những ai “thấy ánh sáng của thế gian này” thì không vấp ngã, còn nếu “ánh sáng không ở trong người ấy” thì vấp ngã. Nghĩa là “thấy Đức Giê-su” và “có Đức Giê-su ở với mình” sẽ tiến bước trong ánh sáng của sự sống. Tóm lại, lời Đức Giê-su mời gọi độc giả phong phú đa dạng và được diễn tả qua nhiều động từ liên kết với ánh sáng để không thuộc về bóng tối:

- “Đến với” ánh sáng (3,21b)
- “Đi theo” ánh sáng (8,12c)
- “Có” ánh sáng của sự sống (8,12e)
- “Thấy” ánh sáng của thế gian này (11,9e)
- “Ở trong” ánh sáng (11,10c)
- “Bước đi trong” ánh sáng (12,35b)
- “Tin vào” ánh sáng (12,36b.46b)
- “Trở thành con cái” ánh sáng (12,36c)

- “Không bước đi trong” bóng tối (8,12c)
- “Không ở lại trong” bóng tối (12,46d).

IV. Khước từ ánh sáng

Theo Tin Mừng, những ai từ chối lời mời gọi trên đây là tự lựa chọn “bước đi trong bóng tối” (8,12c) và “ở lại trong bóng tối” (12,46d). Đề tài “khước từ ánh sáng” xuyên suốt Tin Mừng và được tìm thấy trong (1) lời tựa Tin Mừng (ch. 1); (2) sứ vụ Đức Giê-su (ch. 3); và (3) diễn từ từ biệt (ch. 15–16).

(1) Việc khước từ ánh sáng đã được nói đến trong Lời tựa ở 1,10-11. Lời là ánh sáng, ở trong thế gian nhưng thế gian đã không nhận biết Người (1,10). “Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người” (1,11).

(2) Trong sứ vụ Đức Giê-su, việc từ chối đến với ánh sáng tỏ lộ nơi những kẻ chống đối. Ở 3,18, Đức Giê-su nói đến sự “tự lên án” đối với người không tin vào ánh sáng. Người tuyên bố ở 3,18: “Ai tin vào Người (Con Một Thiên Chúa) thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.” Đức Giê-su cho biết lý do khước từ ánh sáng trong câu tiếp theo ở 3,19: “Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa.” Theo nghĩa thần học, “các việc xấu xa” là hành động thù nghịch và ý định tìm giết Đức Giê-su (5,18; 8,37.40). Sự khước từ ánh sáng ở cấp độ cao nhất là “yêu mến bóng tối” (3,19) và “ghét ánh sáng” (3,20). Đức Giê-su cho biết ở 3,20: “Mọi kẻ làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng để các việc của họ khỏi bị chê trách.”

(3) Sự khước từ (3,18-19) được bộc lộ qua thế gian thù ghét trong đoạn văn 15,18–16,4a. Thật vậy, thế gian “yêu thích” những gì thuộc về nó (15,19) và “ghét” Chúa Cha, “ghét” Đức Giê-su (15,23.24) và “ghét” các môn đệ (15,18.19). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,18: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” Ở ch. 7, những người Do Thái ghét Đức Giê-su và tìm cách làm hại Người (7,1-7). Còn các thượng tế và những người Pha-ri-sêu thì tìm cách bắt Người (7,45-46). Vì thế thế gian thù ghét ở ch. 15–16 có liên hệ với sự thù ghét của những người Pha-ri-sêu và các thượng tế. Họ từ chối đến với ánh sáng, từ chối tin vào ánh sáng và tìm cách dập tắt ánh sáng.

V. Chiến thắng của ánh sáng

Khi tìm giết Đức Giê-su, những kẻ chống đối đã “yêu mến bóng tối” và thuộc về bóng tối. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối trong bối cảnh vụ kiện là đề tài quan trọng trong Tin Mừng. Chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối đã nói đến ngay trong Lời tựa Tin Mừng ở 1,5: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng.” Tuy nhiên sự chiến thắng này được trình bày cách nghịch lý. “Ánh sáng - Giê-su” sẽ tắt. Cuối sứ vụ, Đức Giê-su nói với đám đông ở 12,35-36: “35 Còn một ít thời gian nữa, ánh sáng ở giữa các người. Hãy bước đi khi các người có ánh sáng, để bóng tối không bắt được các người. Ai đi trong bóng tối thì không biết mình đi đâu. 36 Khi các người có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng.” Vậy cuối ch. 12, “ánh sáng - Giê-su” chỉ còn một ít thời gian nữa thôi. Những kẻ khước từ ánh sáng sẽ thành công trong việc loại trừ ánh sáng khỏi thế gian. “Ánh sáng” sẽ tắt trên thập giá. Vậy hiểu thế nào về chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối?

Chiến thắng của ánh sáng được diễn tả qua ba mặc khải: (1) không ai có thể lấy mạng sống của Đức Giê-su được (10,17-18); (2) không thể bắt Đức Giê-su nếu người không cho phép (18,6); (3) Giờ chết là lúc Đức Giê-su được tôn vinh (12,23); lúc thủ lãnh thế gian bị xét xử (16,11) và là lúc Người chiến thắng thế gian (16,33).

(1) Trong suốt sứ vụ Đức Giê-su, những kẻ chống đối nhiều lần tìm bắt Người nhưng họ không thực hiện được. Người thuật chuyện cho biết ở 7,30: “Bấy giờ họ tìm bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay trên Người, vì giờ của Người chưa đến.” Cuối sứ vụ, Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 10,17-18: “17 Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó. 18 Không ai lấy nó khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự mình hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi.” Lời này cho thấy Đức Giê-su hiến dâng mạng sống vì yêu mến Cha và vì yêu mến các môn đệ (13,1; 14,31). Không ai có thế lấy đi mạng sống của Người được.

(2) Đầu ch. 18, quyền năng Đức Giê-su được bày tỏ khi các thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu đến bắt Người trong thửa vườn bên kia thung lũng Kít-rôn (18,1-3). Người thuật chuyện kể ở 18,4-6: “4 Đức Giê-su biết mọi sự sắp xảy đến cho mình, Người đi ra và nói với họ: ‘Các anh tìm ai?’ 5 Họ trả lời Người: ‘Giê-su người Na-da-rét.’ Người nói với họ: ‘Chính là Tôi.’ Giu-đa, kẻ nộp Người, đứng với họ. 6 Khi Người vừa nói: ‘Chính là Tôi’ họ lùi lại và ngã xuống đất.” Bản văn trình bày uy quyền Đức Giê-su cách mạnh mẽ: chỉ với hai chữ “egô eimi” (Chính là Tôi) mà những kẻ đến bắt đã “lùi lại và ngã xuống đất” (18,6). Tương quan lực lượng chênh lệch như thế thì họ không thể đụng đến Đức Giê-su được. Sở dĩ “cơ đội và viên chỉ huy cùng các thuộc hạ của những người Do Thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại” (18,12) là vì Đức Giê-su cho phép họ làm. Rõ ràng quyền năng của ánh sáng mạnh mẽ hơn quyền lực của bóng tối.

(3) Trong viễn cảnh này, Đức Giê-su tuyên bố ở 12,23: “Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh”; và ở 12,31-32: “31 Bây giờ sự xét xử thì dành cho thế gian này, bây giờ thủ lãnh thế gian này sẽ bị tống ra ngoài. 32 Phần Tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” Cái chết của Đức Giê-su trở thành sự kết án dành cho thủ lãnh của thế gian này. Đức Giê-su nói với các môn đệ về hoạt động của Đấng Pa-rác-lê ở 16,8-11: “8 Khi Đấng ấy đến (Đấng Pa-rác-lê), Người sẽ chứng minh thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử. 9 Về tội: Họ không tin vào Thầy. 10 Về sự công chính: Thầy đi về với Cha, và anh em không còn thấy Thầy. 11 Về sự xét xử: Thủ lãnh của thế gian này đã bị xét xử.” Theo thần học Tin Mừng, biến cố Thương Khó là lúc Đức Giê-su đi về với Cha (16,10b). Qua đó thủ lãnh thế gian này bị xét xử (16,11b). Trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su cho các môn đệ biết Người đã chiến thắng thế gian ở 16,33: “Những điều này, Thầy nói với anh em để trong Thầy, anh em có sự bình an. Trong thế gian, anh em có sự khốn khó, nhưng anh em hãy can đảm, chính Thầy đã thắng thế gian.”

Tóm lại, ánh sáng đã chiến thắng bóng tối cách nghịch lý: chiến thắng ngay khi ánh sáng bị dập tắt. Trên bình diện trần thế và lịch sử, ánh sáng đã tắt với cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Nhưng trên bình diện mặc khải và thần học, qua cái chết, Đức Giê-su đi về với Cha, Người được tôn vinh, được giương cao. Ánh sáng - Giê-su đã mãi mãi chiến thắng bóng tối và thế lực đen tối. (Xem mục “bóng tối không lấn át được ánh sáng” trong bài viết: “Ngày và đêm trong Tin Mừng Gio-an”).

Kết luận

Phân tích trên cho thấy sự độc đáo của đề tài “ánh sáng” trong Tin Mừng. Nhiều nhân vật được đồng hoá với ánh sáng: Lời (Logos), Đức Giê-su, Gio-an Tẩy Giả. Trong đó Lời làm người là Đức Giê-su; còn Gio-an là ánh sáng của ngọn đèn, ông làm chứng cho Đức Giê-su là ánh sáng mặt trời. Vậy ánh sáng trong Tin Mừng quy về Đức Giê-su. Sứ vụ của Người là chiếu soi thế gian vì Người là ánh sáng của thế gian. Điều kiện để có ánh sáng là tin vào ánh sáng. Nhờ đó có sự sống đời đời, ngay trong cuộc sống trần thế. Quà tặng sự sống này diễn tả bằng nhiều động từ đứng trước danh từ “ánh sáng”: “thấy”, “đến với”, “đi theo”, “có” “ở trong”, “bước đi trong”, “tin vào” và “trở thành” con cái”. Đến với ánh sáng là ra khỏi bóng tối, nghĩa là “không bước đi” và “không ở lại” trong bóng tối.

Đức Giê-su mời gọi thính giả và độc giả đến với ánh sáng. Người không áp đặt hay làm áp lực để buộc người ta đến với ánh sáng. Có những người tin vào Đức Giê-su, nhưng cũng có những kẻ từ chối tin. Trong bối cảnh vụ kiện giữa “ánh sáng” và “bóng tối”, sự khước từ ở cấp độ cao nhất là “yêu mến bóng tối” và “ghét ánh sáng” (3,19-20). Khi tìm giết Đức Giê-su, những kẻ chống đối đã thuộc về bóng tối, thuộc về quỷ (8,44). Họ đã thành công trong việc loại trừ ánh sáng ra khỏi thế gian. Tuy nhiên, mặc khải của Đức Giê-su cho độc giả biết sự thật sâu xa: ánh sáng đã mãi mãi chiến thắng bóng tối. Ánh sáng được tôn dương và tôn vinh trong chính lúc bị dập tắt. Đó cũng là lúc thủ lãnh của thế gian bị kết án và hoàn toàn thất bại (16,11).

Ý nghĩa phong phú của đề tài ánh sáng cho thấy mỗi Tin Mừng sử dụng từ ngữ và xây dựng thần học theo cách thức riêng. Vậy tra tự điển để biết nghĩa của từ ngữ trong bản văn là chưa đủ. Cần đọc chính bản văn để xem ý nghĩa của từ ngữ ấy được xây dựng thế nào. Biểu tượng ánh sáng trong Tin Mừng Gio-an, không tìm thấy trong tự điển đại cương, là một trong những đóng góp độc đáo cho thần học và cho suy tư của độc giả./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét