Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 09 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
I. Bản văn, bối cảnh văn chương và cấu trúc
1. Bản văn Ga 13,1-32
2. Bối cảnh văn chương
3. Cấu trúc
II. Phân tích
1. Nhân vật
a) Ba nhóm nhân vật
b) Phê-rô và các môn đệ
không biết
c) Giu-đa và các môn đệ
chưa biết
d) Đức Giê-su biết và làm
cho biết
e) Môn đệ Đức Giê-su yêu
mến
2. Thời gian
a) Lễ Vượt Qua và Giờ của
Đức Giê-su
b) Trời tối và hành động đen
tối
c) Mặt sáng, mặt tối
3. Không gian
Kết luận
Dẫn nhập
Trong lối phân tích cấu trúc và thuật chuyện,
việc quan sát cấu trúc và các yếu tố: nhân vật, thời gian, không gian, giúp
hiểu ý nghĩa câu chuyện. Bài viết tìm hiểu các yếu tố này trong đoạn văn Ga
13,1-32 qua hai mục: (I) bản văn, bối cảnh và cấu trúc; (2) Phân tích các yếu tố:
nhân vật, thời gian, không gian.
I. Bản văn, bối cảnh văn chương
và cấu trúc
Phần trình bày gồm ba điểm: (1) bản văn, (2)
bối cảnh văn chương và (3) cấu trúc Ga 13,1-32.
1. Bản văn Ga 13,1-32
Người thuật chuyện mở đầu các diễn từ từ biệt
(ch. 13–17) bằng trình thuật Đức Giê-su rửa chân các môn đệ và báo Giu-đa sẽ nộp
thầy ở Ga 13,1-32 (xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ):
13,1 Trước lễ Vượt Qua, Đức
Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã
yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến họ đến cùng.
2 Trong bữa ăn, quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa,
con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Người. 3 Người biết rằng: Cha đã trao ban mọi sự trong tay Người và Người
bởi Thiên Chúa mà đến và Người đi về cùng Thiên Chúa, 4 Người chỗi dậy khỏi bàn
ăn, cởi áo ngoài và lấy khăn thắt lưng mình. 5 Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt
đầu rửa chân các môn đệ và lấy khăn Người thắt lưng mà lau. 6 Vậy, Người đến
chỗ Si-môn Phê-rô, ông ấy nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy rửa chân cho con
sao?” 7 Đức Giê-su trả lời và nói với ông ấy: “Điều Thầy làm anh chưa biết bây
giờ nhưng sau này anh sẽ biết.” 8 Phê-rô nói với Người: “Không đời nào Thầy lại
rửa chân cho con.” Đức Giê-su trả lời ông
ấy: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng có phần với Thầy.” 9
Si-môn Phê-rô nói với Người: “Thưa Thầy, không chỉ rửa chân con, nhưng
cả tay và đầu.” 10 Đức Giê-su nói với ông ấy: “Ai
đã tắm rồi, thì không cần nữa – ngoại trừ rửa chân –, toàn thân người ấy
đã sạch. Phần anh em, anh em đã sạch, nhưng
không phải tất cả.” 11 Người biết kẻ nộp Người, vì điều này
Người nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho họ xong, Người mặc áo
vào, trở về bàn ăn, Người nói với họ: “Anh em có biết rõ việc Thầy đã làm cho
anh em không? 13 Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’ và là ‘Chúa’, anh em nói đúng, vì
Thầy là thế. 14 Vậy nếu chính Thầy rửa chân cho anh em, Thầy là ‘Chúa’, là
‘Thầy’, thì chính anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu
gương cho anh em, để như Thầy đã làm cho anh em, chính anh em cũng làm. 16 A-men,
a-men, Thầy nói cho anh em: Tôi tớ không lớn hơn chủ của nó, kẻ được sai đi
không lớn hơn người sai phái kẻ ấy. 17 Nếu anh em đã biết những điều này, anh
em có phúc, nếu anh em thực hành chúng.
18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu.
Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng để Kinh Thánh được nên trọn:
‘Kẻ đã cùng con ăn bánh lại giơ gót đạp con.’ 19 Thầy nói với anh em từ lúc này,
trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin rằng: Thầy Là. 20 A-men,
a-men, Thầy nói cho anh em: Ai đón nhận người Thầy sai phái là đón nhận
Thầy, ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy.” 21 Nói những điều
đó xong, Đức Giê-su xao xuyến trong tâm thần. Người làm chứng và nói: “A-men, a-men, Thầy nói cho anh em: Một người trong anh em sẽ
nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Có một người trong các môn đệ của Người đang dùng
bữa, tựa vào lòng Đức Giê-su, đó là người Đức Giê-su yêu mến. 24 Vậy
Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy hỏi xem Thầy nói về ai. 25 Ông này nghiêng
mình vào ngực Đức Giê-su nói với Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” 26 Đức Giê-su trả
lời: “Kẻ đó là người mà chính Thầy chấm miếng bánh và trao cho.” Rồi Người chấm
miếng bánh [cầm lấy và] trao cho Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.
27 Và khi nhận miếng bánh,
Xa-tan liền nhập vào ông ấy. Đức Giê-su nói
với ông ấy: “Anh làm gì thì làm mau đi.” 28 [Nhưng] điều này,
không ai trong những người đang dùng bữa biết tại sao Người nói với ông ấy như
thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, có vài người nghĩ là Đức Giê-su nói với ông ấy:
“Anh hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bố thí cho người nghèo. 30 Sau
khi nhận lấy miếng bánh, ông ấy đi ra ngay lập tức. Lúc đó, trời đã tối.
31 Vậy khi ông ấy đi rồi, Đức Giê-su nói:
“Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. 32 [Nếu
Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người,] Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người nơi chính
Mình, và ngay lập tức Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người.
2. Bối cảnh văn chương
Đoạn văn 13,1-32 mở đầu các diễn từ từ
biệt (ch. 13–17) của Đức Giê-su dành cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc
Thương Khó (ch. 18–19). Câu 13,1 cho biết Giờ đã đến, đó là Giờ Đức Giê-su yêu
thương những kẻ thuộc về Người cho đến cùng. Đoạn văn trình bày ba ý chính: (1)
Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ; (2) Phê-rô và các môn đệ không hiểu về
những điều đang xảy ra; (3) Giu-đa sẽ nộp Thầy. Liên kết giữa ba đề tài này được
trình bày trong phần phân tích đoạn văn.
3. Cấu trúc
Đoạn văn 13,1-32 có cấu trúc đồng tâm A,
B, C, C’, B’, A’:
Yếu tố A song song với
A’, vì câu dẫn nhập cho biết Giờ đã đến (13,1) song song với câu kết: Giờ tôn
vinh (13,31-32). Yếu tố B (13,2) giới thiệu khung cảnh trình
thuật: “bữa ăn” cùng với ý tưởng quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, ý định nộp Đức
Giê-su. Việc Giu-đa nộp Thầy được
trình bày chi tiết trong tiểu đoạn song song B’ (13,27-30). Vậy yếu tố B: “Quỷ
đã gieo vào lòng Giu-đa...” song song với B’: “Xa-tan liền nhập vào ông ấy”.
Tiểu đoạn C trình bày hành động rửa chân và ý nghĩa, song song với tiểu đoạn C’
là thông báo và thắc mắc về kẻ sẽ nộp Đức Giê-su. Các ý tưởng song song giữa C
và C’ liên quan đến đề tài “không biết” của các nhân vật: Phê-rô, các môn đệ và Giu-đa. Xem phân tích “Cấu trúc Ga
13,1-32” trong Khủng hoảng và giải pháp cho các môn đệ, tr. 48-60).
II. Phân tích
Phần này bàn về ba yếu tố trong đoạn văn 13,1-32:
(1) nhân vật; (1) thời gian; (3) không gian.
1. Nhân vật
Đoạn văn 13,1-32
trình bày các nhân vật cách phong phú qua năm điểm: (a) ba
nhóm nhân vật; (b) Phê-rô và các môn đệ không biết; (c) Giu-đa và các môn đệ chưa
biết; (d) Đức Giê-su biết và làm cho biết; (e) môn đệ Đức Giê-su yêu mến.
a) Ba nhóm nhân vật
Các nhân vật trong đoạn
văn 13,1-32 được chia thành ba nhóm: (1) Nhóm thứ nhất gồm có Chúa Cha, Thiên
Chúa, Đức Giê-su, Con Người (chỉ Đức Giê-su). Trong nhóm này, Đức Giê-su là
nhân vật xuất hiện trong trình thuật còn Thiên Chúa là nhân vật được nói đến. (2)
Nhóm thứ hai là thế lực chống lại Thiên Chúa: Quỷ, Xa-tan. (3) Nhóm thứ ba là những
kẻ thuộc về Đức Giê-su (13,1) gồm có: các môn đệ, Giu-đa, Si-môn
Phê-rô, môn đệ Đức Giê-su yêu mến.
(1) Khi kể lại những điều
liên quan đến nhóm nhân vật thứ nhất (Đức Giê-su và Thiên Chúa), người thuật
chuyện cho độc giả biết hai mối tương quan trong bối cảnh “Giờ đã đến”: (1) tương
quan giữa Đức Giê-su và Cha của Người; (2) tương quan giữa Đức Giê-su và những
kẻ thuộc về Người. Đoạn văn 13,1-32 mở đầu với mặc khải về Giờ của Đức Giê-su,
đây là Giờ Người bị trao nộp, Giờ Người chịu chết trên thập giá. Đó cũng chính
là Giờ Đức Giê-su “ra khỏi thế gian mà về với Cha” (13,1), Giờ Thiên Chúa và
Đức Giê-su được tôn vinh (13,31-32). Đức Giê-su biết rõ điều đó, vì người thuật
chuyện kể ở 13,3: “Người (Đức Giê-su) biết rằng: Cha đã trao ban mọi sự trong tay
Người và Người bởi Thiên Chúa mà đến và Người đi về cùng Thiên Chúa...” “Giờ đã
đến” cũng là Giờ Đức Giê-su bày tỏ tình yêu dành cho những kẻ thuộc về mình. Đó
là tình yêu đến cùng về mức độ (tình yêu cao cả) và về thời gian (yêu đến hy
sinh mạng sống).
(2) Nhóm nhân vật thứ
hai là quỷ (13,2) và Xa-tan (13,27), xuất hiện ở đầu và ở gần cuối đoạn văn.
Trong cả hai lần, quỷ và Xa-tan có liên hệ với nhân vật Giu-đa, con
ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. Ngay trong phần mở đầu, người thuật chuyện cho độc giả
biết ở 13,2: “Quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa ý
định nộp Người.” Cuối trình thuật, người thuật chuyện kể ở 13,27: “Xa-tan liền nhập vào ông ấy (Giu-đa).” Tương
quan giữa quỷ, Xa-tan với Giu-đa cho thấy nguyên nhân sâu xa trong hành động nộp
Thầy là do quỷ xúi dục và đó là hành động của Xa-tan, đây mới thực sự là kẻ
chống lại Thiên Chúa và Đức Giê-su. Còn Giu-đa, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai,
ông đã để mình thuộc về quỷ. Khi nộp Đức Giê-su, Giu-đa đang làm công việc của
quỷ. Tương tự như những người Do Thái, khi tìm giết Đức Giê-su, họ có cha là quỷ
và đang làm công việc của quỷ (8,44).
(3) Nhóm nhân vật thứ ba là “những kẻ thuộc về Đức Giê-su”, họ là các môn đệ, Si-môn
Phê-rô, môn đệ Đức Giê-su yêu mến và kể cả
Giu-đa, bởi vì câu mở đầu (13,1) cho biết Đức Giê-su đã yêu mến những kẻ
thuộc về Người ở trong thế gian, và đã yêu mến họ đến cùng. Trong nhóm các môn
đệ có Giu-đa, ông được gọi là “một người
trong Nhóm Mười Hai” (6,71) và thuộc nhóm các môn đệ như Đức Giê-su nói ở 13,21:
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Vậy Giu-đa là môn đệ Đức
Giê-su. Tư cách môn đệ của Giu-đa vẫn còn đó. Đức Giê-su không loại Giu-đa ra
khỏi nhóm mà chính ông quyết định rời khỏi nhóm và ra đi trong đêm tối (13,30).
Từ câu 13,31 Giu-đa không còn hiện diện trong nhóm các môn đệ nữa.
b) Phê-rô và các môn đệ không biết
“Những kẻ thuộc về
Đức Giê-su” được Người yêu thương đến cùng, nhưng nhóm này đã làm gì và ứng xử
như thế nào? Đề tài nổi bật về nhóm các môn đệ là “không hiểu”, “không biết”.
Phê-rô không hiểu hành động Đức Giê-su làm và không hiểu lời Người. Không để
Đức Giê-su rửa chân là không hiểu ý nghĩa việc Người làm (13,6-8a). Khi Đức
Giê-su nói với Phê-rô ở 13,8b: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh
sẽ chẳng có phần với Thầy”, ông cũng không
hiểu khi trả lời ở 13,9: “Thưa Thầy, không chỉ rửa chân con,
nhưng cả tay và đầu.”
Phê-rô cùng với các môn đệ khác, không ai
biết kẻ sẽ nộp Đức Giê-su là ai. Khi Đức Giê-su nói: “Một người trong
anh em sẽ nộp Thầy” (13,21) thì “các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết
Người nói về ai” (13,22). Khi Đức Giê-su “chấm miếng bánh [cầm lấy và] trao cho
Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt” (13,26) và nói với ông: “Anh làm gì thì làm mau đi” (13,27b)
thì “không ai trong những người đang dùng bữa biết tại sao Người nói với ông ấy
như thế” (13,28). Các môn đệ đi từ không biết này đến không biết khác. Trước là
không biết ai là kẻ sẽ nộp Thầy, sau là không biết Giu-đa ra đi làm gì.
c) Giu-đa và các môn đệ chưa biết
Các môn đệ không biết, không hiểu về những
sự kiện đang xảy ra. Còn Giu-đa, ông không nói lời nào trong trình thuật. Nhân
vật này không bày tỏ cảm xúc, không phân vân, không thắc mắc. Giu-đa hành động
như thể đã được “cài đặt” trước. Thật vậy, Giu-đa để quỷ gieo vào lòng mình ý
định nộp Đức Giê-su (13,2) và để Xa-tan nhập vào mình (13,27). Nên ông thuộc về
quỷ và đang làm công việc của quỷ. Cách trình bày nhân vật Giu-đa như thế làm
cho ông trở thành công cụ của quỷ.
Tuy vậy, khi đặt nhân vật Giu-đa vào bối
cảnh đoạn văn, độc giả nhận ra rằng cũng như Phê-rô và các môn đệ khác, khi nộp
Thầy, Giu-đa đã thực sự không biết Thầy là ai. Nhóm các môn đệ đang ở trong
tình trạng khủng hoảng, vì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, đi nộp Thầy,
còn Phê-rô sẽ chối Thầy (13,38), còn lại các môn đệ khác thì không hiểu lời nói
và việc làm của Thầy. Tất cả họ đều chưa thực sự biết Đức Giê-su là ai.
Thật ra, căn tính của Đức Giê-su chỉ hoàn
toàn được tỏ lộ sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Chỉ sau khi Người về với Cha
và Đấng Pa-rác-lê
đến với các môn đệ thì
họ mới thực sự biết Đức Giê-su, thực sự tin vào Người và đi theo Người như
Phê-rô: Đức Giê-su báo trước ông sẽ chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa (21,19).
d) Đức Giê-su biết và làm cho biết
Đề tài các môn đệ không hiểu, không biết
tương phản mạnh mẽ với đề tài “biết” của Đức Giê-su. Người biết Giờ của Người đã
đến (13,1), Người biết Cha đã trao mọi sự trong tay Người... (13,3). Đức Giê-su
biết ai là kẻ sẽ nộp Người (13,26), biết Giờ sắp xảy đến là Giờ Người được tôn
vinh, là Giờ Người tôn vinh Thiên Chúa (13,31-32). Tương phản giữa “biết” (Đức
Giê-su) và “không biết” (các môn đệ, kể cả Giu-đa) làm cho Đức Giê-su trở thành
Đấng mặc khải, Đấng làm cho biết.
e) Môn đệ Đức Giê-su yêu mến
Trong bối cảnh các môn đệ đi từ không biết
này (không biết ai sẽ nộp Đức Giê-su) đến không biết khác (không biết Giu-đa đi
ra để làm gì), nhân vật “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” (13,23-25) xuất hiện đột ngột
trong bản văn. Người thuật chuyện cho biết vị trí đặc biệt của môn đệ này trong
bữa ăn: “tựa vào lòng Đức Giê-su” (13,23). Câu môn đệ
này hỏi Đức Giê-su (13,25) được Người trả lời rõ ràng (13,26). Những chi tiết
trên cho thấy môn đệ này thân tình và có tương quan mật thiết với Đức Giê-su hơn các môn đệ khác, đúng như tên
gọi của ông: “người Đức Giê-su yêu mến” (13,23c). Môn đệ này xuất hiện hỏi Đức
Giê-su một câu (13,23-25) rồi ông không được nói tới nữa. Lần xuất hiện tiếp
theo của ông là ở dưới chân thập giá (19,25-27). Tin Mừng đề cao phẩm chất nhân
vật “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” về nhiều phương diện: “lòng mến” (13,23), “lòng
tin” (20,8), “lòng trung tín” (19,26-27), “sự nhận biết” (21,7) và “lời chứng” xác
thực (19,35; 21,24), nên ông trở thành khuôn mẫu cho độc giả mọi nơi mọi thời.
Tóm lại, các tình tiết liên quan đến các
nhân vật trong đoạn văn 13,1-32 phong phú và đa dạng. Phân tích nhân vật trong
bản văn giúp độc giả nhận ra mình cũng đang “không biết”, “chưa biết đủ” về Đức
Giê-su. Trình thuật mời gọi độc giả lắng nghe để biết hơn về Đức Giê-su và hiểu
ý nghĩa các tình tiết trong câu chuyện. Qua đó, vun đắp tương quan tình yêu với
Đức Giê-su như môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Những gì xảy ra liên quan đến các
nhân vật, được đặt trong bối cảnh thời gian và không gian được phân tích vắn
tắt sau đây.
2. Thời gian
Yếu tố thời gian trong đoạn văn 13,1-32 có
nhiều gợi ý thần học, được trình bày vắn tắt qua ba điểm:
(1) Lễ Vượt Qua và Giờ của Đức Giê-su; (2) trời tối và hành động đen tối; (c) mặt sáng, mặt tối.
a) Lễ Vượt Qua và Giờ của Đức Giê-su
Ch. 13 mở đầu bằng hai từ: “lễ Vượt Qua”
và “Giờ” như người thuật chuyện kể ở 13,1a: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết
rằng giờ của Người đã đến.” Theo thần học Tin Mừng, sứ vụ Đức Giê-su hướng về
Giờ của Người, Giờ thập giá. Đức Giê-bị đóng đinh vào ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua
(18,28; 19,31). “Giờ của Đức Giê-su” được định nghĩa rõ ràng. Đó là Giờ Đức
Giê-su đi về với Cha (13,1b), Giờ Người yêu thương những kẻ thuộc về mình cho
đến cùng (13,1c), Giờ Người tôn vinh Thiên Chúa và là Giờ Thiên Chúa tôn vinh Người
(13,31-32).
Về thời gian vật lý, các tình tiết trong đoạn văn 13,1-32 nói riêng và ch. 13–19 nói chung được tính bằng “giờ”. Bởi vì trong bảy chương (ch. 13–19), người thuật chuyện kể lại những gì xảy ra trong khoảng thời gian chưa đầy 24 giờ: từ bữa tiệc ly vào buổi tối (13,1) đến chiều hôm sau, lúc Đức Giê-su được mai táng trong mộ (19,42).
b) Trời tối và hành động đen tối
Đoạn văn 13,1-32 cho biết thời điểm Giu-đa
quyết định nộp Đức Giê-su, đó là giờ Giu-đa tách khỏi nhóm các môn đệ, để ra đi
làm công việc của Xa-tan (13,27). Về thời điểm, lúc Giu-đa đi ra, bản văn cho
biết: “Lúc đó, trời đã tối” (13,30b). Ông đi vào đêm tối, gợi đến hành động đen
tối và giờ của thế lực bóng tối. Giờ hành động của quỷ và Xa-tan nơi nhân vật
Giu-đa.
c) Mặt sáng, mặt tối
Yếu tố thời gian tương phản nhau trong đoạn
văn 13,1-32 làm lộ ra ý nghĩa thần học. Đó là đan xen giữa “mặt sáng” (giờ yêu
thương, giờ tôn vinh) và “mặt tối” (giờ của thế lực bóng tối, giờ Đức Giê-su bị
trao nộp). Trên bình diện lịch sử, “Giờ đã đến” là giờ Đức Giê-su bước vào cuộc
Thương Khó, giờ Người sẽ chết trên thập giá; nhưng trên bình diện mặc khải,
“Giờ đã đến” là Giờ Đức Giê-su về với Cha, Giờ Người được tôn vinh, Giờ Người
bày tỏ tình yêu dành cho các môn đệ. Như thế, theo thần học Tin Mừng, Giờ chết trên
thập giá cũng là Giờ Đức Giê-su chiến thắng thế gian (16,33), Giờ thủ lãnh thế
gian bị xét xử (16,11). Bản văn 13,1-32 đã chuyển tải được những ý nghĩa mặc
khải quan trọng này nhờ yếu tố thời gian.
3. Không gian
Trình thuật Gio-an 13,1-32 được đặt trong
một không gian rất đặc biệt với nhiều nét tương phản. Trước hết, khung cảnh câu
chuyện là một bữa ăn: “Trong bữa ăn,...” (13,2a), nhưng bản văn không nói nhiều
về bữa ăn mà nói về những gì xảy ra xung quanh bữa ăn ấy. Bữa ăn tự nó là nơi
chia sẻ, nơi gặp gỡ, nơi bày tỏ tâm tình của những người có tương quan thân
thiết với nhau. Cụ thể trong bản văn 13,1-32, đây là bữa ăn cuối cùng giữa Đức
Giê-su và các môn đệ. Điều tương phản trong khung cảnh bữa ăn là Phê-rô không
hiểu Đức Giê-su. Cũng trong bữa ăn ấy, Đức Giê-su nói về kẻ sẽ nộp Người và cho
biết kẻ ấy là ai. Tương phản qua nhân vật Phê-rô và Giu-đa làm cho bữa ăn trong
đoạn văn 13,1-32 đan xen giữa “ánh sáng” (không gian bày tỏ tình yêu) và “bóng
tối” (không gian làm lộ ra ý định đen tối: nộp Thầy).
Không gian trình bày như trên chia các diễn
từ từ biệt (ch. 13–17) làm hai phần: “bữa ăn có Giu-đa” (13,1-30) và tiếp theo
là “bữa ăn không có Giu-đa” (13,32–17,26). Tuy nhiên, có hay không có Giu-đa,
nhóm các môn đệ vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng. Sau khi Giu-đa rời khỏi
nhóm, Đức Giê-su báo trước Phê-rô sẽ chối Người ba lần (13,36). Trong ch. 14, các
môn đệ xao xuyến và sợ hãi (14,1.27). Thật ra khủng hoảng của các môn đệ trước
cái chết của Thầy, gợi về thử thách của cộng đoàn Gio-an cuối thế kỷ I và của người
tin qua mọi thời. Phân tích yếu tố không gian giúp độc giả đọc ra ý nghĩa của câu
chuyện và liên hệ với hoàn cảnh độc giả đang sống.
Kết luận
Bài viết minh hoạ các bước tìm hiểu một đoạn
văn. Phần chuẩn bị cần đọc kỹ bản văn, tìm hiểu bối cảnh văn chương và cấu trúc.
Phần tiếp theo phân tích các yếu tố: nhân vật, thời gian và không gian. Cuối cùng,
nối kết các tình tiết lại với nhau để hiểu phần nào ý nghĩa câu chuyện và áp
dụng vào hoàn cảnh hiện tại. Người thuật chuyện dùng các tình tiết để xây dựng
câu chuyện và trình bày thần học. Những gì được kể ra không phải cho các nhân vật
trong bản văn mà là cho độc giả. Vậy tìm ra điều trình thuật muốn nói với độc
giả là mục đích việc đọc Tin Mừng./.
con cám ơn Cha vì đã cho con một cái nhìn mới là nhãn qua thật và đúng theo chính bản văn, chứ không như cái nhìn tưởng tượng( từ bụng ta suy ra bụng người) nơi từng về các nhân vật sự kiện trong bản văn. do đó để con ngừng lên án các... nhất là nhân vật Giuda nhưng phải biết nhìn lại cảnh giác chính mình để sống đúng tinh thần Tin Mưng.
Trả lờiXóa