Bài viết tiếng Pháp:
Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 07 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
I. Ánh sáng
1. Từ ngữ
2. Nghĩa đen và nghĩa biểu tượng
3. Đức Giê-su là ánh sáng
II. Bóng tối
1. Từ ngữ
2. Nghĩa đen và nghĩa biểu tượng của “skotia”
3. “Skotia” và “skotos” (bóng
tối)
Kết luận
Dẫn nhập
Cặp từ đối lập “ánh sáng” và “bóng tối” là đề
tài quan trọng trong Tin Mừng Gio-an. Tương phản này được trình bày như thế nào
và xuất hiện ở đâu trong Tin Mừng? Nghĩa đen và nghĩa biểu tượng của “ánh sáng”
và “bóng tối” liên hệ với nhau thế nào? Bài viết trả lời những câu hỏi trên qua
hai mục: (I) ánh sáng; (II) bóng tối.
I. Ánh sáng
Phần này trình bày ba điểm: (1) từ ngữ; (2) nghĩa đen và nghĩa biểu tượng; (3) Đức Giê-su là ánh sáng.
1. Từ ngữ
Trong Tin Mừng, ba từ Hy-lạp nói về đề tài ánh
sáng: 23 lần danh từ “phôs” (ánh sáng); 1 lần động từ “phôtizô”
(1,9); 2 lần động từ “phainô” (1,5; 5,35), hai động từ này có nghĩa: “chiếu
sáng”, “chiếu soi” (illuminer, briller, luire, apparaître) tuỳ theo mạch
văn. (Xem mục từ liên quan
đến ánh sáng và bóng tối).
23 lần danh từ “phôs” tìm thấy ở ch. 1–12:
1,4.5.7.8a.8b.9; 3,19a.19b.20a.20b.21; 5,35; 8,12a.12b; 9,5; 11,9.10;
12,35a.35b.36a.36b.36c.46. Trong phần Ga 13–21 không xuất hiện danh từ “phôs”.
Bài viết chỉ phân tích danh từ này.
2. Nghĩa đen và nghĩa biểu tượng
Trong Tin Mừng, đề tài “ánh sáng” dùng theo
nghĩa đen, nghĩa biểu tượng và nghĩa thần học. Thông thường nghĩa đen dẫn đến
nghĩa biểu tượng và nghĩa thần học. Chẳng hạn, Đức Giê-su tuyên bố ở 11,9-10:
“9 Ban ngày chẳng có mười hai giờ sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy
ánh sáng (phôs) của thế gian này. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì
ánh sáng (phôs) không ở trong người ấy.” (Xem Bản văn Gio-an, TIN
MỪNG và BA THƯ). Từ
nghĩa đen: “đi ban ngày thì không vấp ngã”; “đi ban đêm, thì vấp ngã” gợi đến
nghĩa thần học của hai kiểu nói: “thấy ánh sáng của thế gian này” (11,9) và “ánh
sáng ở trong người ấy”.
Thật vậy, bao lâu Đức Giê-su còn hiện diện thì bấy lâu con người có thể “thấy
Đức Giê-su” là ánh sáng của thế gian. Ai tin vào Người thì “ánh sáng ở trong
người ấy” nên sẽ không vấp ngã. Như thế, nghĩa đen của từ “ánh sáng” ở 11,9-10 gợi
đến nghĩa biểu tượng và nghĩa thần học của từ này.
3. Đức Giê-su là ánh sáng
Một trong những điểm thần học quan trọng
của Tin Mừng là Đức Giê-su đồng hoá với ánh sáng. Đề tài này xuất hiện ba lần, Đức
Giê-su tuyên bố Người là ánh sáng qua kiểu nói đặc trưng: (1) “egô eimi…”
(chính Tôi là) ở 8,12; (2) “eimi” (Thầy là) ở 9,5; và (1) “egô” (chính
Tôi) ở 12,46.
(1) Lần thứ nhất, Đức Giê-su nói với những
kẻ chống đối Người trong bối cảnh tranh luận ở 8,12: “Chính Tôi là (egô eimi)
ánh sáng (phôs) của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi
trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng (phôs) của sự sống.” Trong lời này,
trước hết Đức Giê-su đồng hoá Người với ánh sáng, sau đó mời gọi bước theo Người,
nghĩa là trở thành môn đệ. Nhờ vậy, “chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối”
nghĩa là bước đi trong ánh sáng, có ánh sáng là chính Đức Giê-su, soi sáng và
hướng dẫn. Nói theo bản văn là “có ánh sáng của sự sống”. “Đức Giê-su - ánh
sáng” biểu tượng cho sự sống, Người ban sự sống và chính là sự sống; vì Người là
“sự sống lại và là sự sống” (11,25).
(2) Lần thứ hai, Đức Giê-su nói với các
môn đệ ở 9,5: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là (eimi) ánh
sáng (phôs) của thế gian.” Đức Giê-su là ánh sáng, nên Người làm cho
người mù từ thuở mới sinh được thấy ánh sáng (Ga 9,1-41). Khi Đức Giê-su làm
cho anh mù được thấy về thể lý, chỉ mới là khởi đầu của hành trình “thấy thực sự”
nghĩa là tin. Thật vậy, cuối ch. 9, sau khi bị giới lãnh đạo Do Thái trục xuất
(9,34), “anh mù được thấy” gặp lại Đức Giê-su và tuyên xưng lòng tin vào Người:
“Tôi tin, thưa Ngài” (9,38). Chỉ lúc này anh mù mới thực sự sáng mắt theo nghĩa
thần học: tin vào Đức Giê-su là ánh sáng. Chỉ sau khi tuyên xưng lòng tin, dấu lạ mới kết thúc. Vậy theo
Tin Mừng, “thấy đích thực” đồng nghĩa với tin vào Đức Giê-su. Nên người thấy thể
lý có thể là người mù nếu không tin (9,39-41).
(3) Lần thứ ba, Đức Giê-su vừa đồng hóa
Người với ánh sáng, vừa nối kết với hành động “tin”. Trong phần tóm kết sứ vụ, Đức
Giê-su tuyên bố ở 12,46: “Chính Tôi là (egô) ánh sáng (phôs)
đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi thì không ở lại trong bóng tối.” Câu
này có hai yếu tố mới so với tuyên bố ở 8,12. Thật vậy, ở 8,12 Đức Giê-su mời
gọi “theo” Người để không “bước đi” trong bóng tối. Ở 12,46, Người dùng hai
động từ khác: “tin” và “ở lại”. Bất cứ ai tin vào Người thì không “ở lại” trong
bóng tối. Vậy “theo” Đức Giê-su có nghĩa là “tin” vào Người, còn “bước đi”
trong bóng tối và “ở lại” trong bóng tối, là “thuộc về” bóng tối. Người ấy
không có ánh sáng của sự sống và sẽ hư mất.
Tóm lại, trong cả ba trường hợp, mặc khải
về Đức Giê-su là ánh sáng luôn kèm theo lời mời gọi, minh nhiên hay mặc nhiên,
tin vào Người. Ai tin thì có ánh sáng, không bị vấp ngã (8,12), thấy ánh sáng
(9,5) và không ở lại trong bóng tối (12,46).
II. Bóng tối
Đề tài này được tìm hiểu qua ba điểm: (1) từ ngữ; (2) nghĩa đen và
nghĩa biểu tượng của “skotia”; (3) “Skotia” và “skotos”
(bóng tối).
1. Từ ngữ
Tin Mừng Gio-an dùng hai danh từ Hy-lạp: “skotia”
và “skotos” để chỉ “bóng tối”, “sự tối tăm”, “đêm tối”. Danh từ “skotia”
xuất hiện 8 lần ở 1,5a.5b; 6,17; 8,12; 12,35a.35b.46; 20,1. Danh từ “skotos”
chỉ xuất hiện 1 lần ở 3,19. Trong Tin Mừng Nhất Lãm từ “skotos” được
dùng nhiều hơn (Mt: 7 lần; Mc: 1 lần; Lc: 4 lần).
Trong Tin Mừng Gio-an, “bóng tối” thường
đối lập với “ánh sáng”. Có hai nơi “ánh sáng” không đối lập với “bóng tối”: lần
thứ nhất, sau dấu lạ bánh và cá hóa nhiều (6,1-16), các môn đệ xuống thuyền vào
lúc: “Trời đã tối (skotia) và Đức Giê-su chưa đến với các ông” (6,17). Lần
thứ hai xảy ra “vào ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ lúc
sáng sớm, khi trời còn tối (skotia)” (20,1).
Ngoài hai nơi trên, ở tất cả những nơi
khác (năm chỗ), “bóng tối” (skotia, skotos) đối lập với “ánh sáng”: 1,5;
3,19; 8,12; 12,35 và 12,46. Cuộc chiến giữa “ánh sáng” và “bóng tối” đã xuất hiện
trong lời tựa sách Tin Mừng ở 1,5 (xem 2. Nghĩa đen và
nghĩa biểu). Sau đó đề tài này được
triển khai trong sứ vụ Đức Giê-su, mở đầu đề tài với lời Đức Giê-su ở 3,19-21 (xem
3. “Skotia” và “skotos”),
tiếp theo đề tài “ánh sáng – bóng tối” xuất hiện ở 8,12; 12,35 và 12,46.
2.
Nghĩa đen và nghĩa biểu tượng của “skotia”
Cũng như “ánh sáng”, danh từ “bóng tối” (skotia)
vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa thần học. Thông thường, nghĩa đen gợi đến nghĩa biểu
tượng. Phần sau trình bày từ “bóng tối” (skotia) trong bốn câu: (1) 1,5;
(2) 6,17; (3) 8,12; (4) 12,35.
(1) Tác giả lời tựa viết ở 1,5: “Ánh sáng
chiếu soi trong bóng tối (skotia), và bóng tối (skotia) đã không
lấn át (katelaben) được ánh sáng.” Danh từ “skotia” (bóng tối) ở
1,5 là chủ từ của động từ “katalambanô” (lấn át, nắm bắt), nên “bóng
tối” ở đây nói đến con người và quyền lực đen tối.
(2) Người thuật chuyện kể ở 6,16-18: “16 Chiều
đến, các môn đệ của Người xuống bờ Biển Hồ, 17 và xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um,
bên kia Biển Hồ. Trời đã tối (skotia) và Đức Giê-su chưa đến với các
ông. 18 Biển động vì gió thổi mạnh.” Ở 6,17, từ “skotia” (bóng tối) có
nghĩa đen: “trời đã tối”. Tuy nhiên những gợi ý trong trình thuật cho phép hiểu
theo nghĩa biểu tượng. Các môn đệ vất vả chèo thuyền trong bóng đêm, khi biển
động và gió mạnh. Sự thiếu vắng Đức Giê-su và chi tiết biển động mạnh gợi đến khủng
hoảng của các môn đệ trong Tin Mừng, đặc biệt ở (a) cuối ch. 6, (b) trong ch. 14–16
và (c) gợi về khủng hoảng của cộng đoàn cuối thế kỷ I.
(a) Cuối ch. 6, các môn đệ rơi vào tình
trạng khủng hoảng nặng nề. Sau khi nghe diễn từ bánh sự sống (6,25-59), nhiều
môn đệ nói ở 6,60: “Lời này chướng tai quá! Ai có thể nghe nổi?” Hậu quả là có
nhiều môn đệ bỏ đi không theo Đức Giê-su nữa (6,66). Hơn thế, Đức Giê-su còn
thông báo về Giu-đa, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, là người sẽ nộp Thầy ở
6,70: “Chẳng phải chính Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một
người trong anh em là quỷ.” Người thuật chuyện cho độc giả biết ở 6,71: “Người (Đức
Giê-su) nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt; vì ông ấy sẽ nộp Người, một
người trong Nhóm Mười Hai.” Khủng hoảng tỏ lộ trong tương phản: Si-môn Phê-rô, đại
diện Nhóm Mười Hai, tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su ở 6,68-69: “68 Thưa Thầy,
chúng con sẽ bỏ đi với ai? Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần
chúng con, chúng con đã tin và đã nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của
Thiên Chúa.” Lời này tương phản mạnh mẽ với một người trong Nhóm Mười Hai là
quỷ (6,70).
(b) Trong ch. 14–16, các môn đệ đang lo
âu, xao xuyến và sợ hãi trước sự ra đi của Đức Giê-su. Ch. 14 mở đầu bằng lời
động viên của Đức Giê-su ở 14,1: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên
Chúa và hãy tin vào Thầy.” Gần cuối ch. 14, Đức Giê-su lại nói với họ ở 14,27b:
“Lòng anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi.” Cuối ch. 16, Người báo trước các môn
đệ sẽ bị phân tán ở 16,32: “Này đến giờ
– và đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người về nhà mình và bỏ lại
Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một
mình vì Cha ở với Thầy.”
(c) Khủng hoảng của các môn đệ gợi đến
hoàn cảnh cộng đoàn Gio-an cuối thế kỷ I. Cộng đoàn đang gặp thử thách vì bị
bách hại mà như thể Đức Giê-su vắng mặt và bỏ rơi cộng đoàn. Nhưng sự thật không
phải như thế, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,18: “Thầy sẽ không để anh em mồ
côi, Thầy đến với anh em.” Cũng vậy, ở 6,16-18, Đức Giê-su không bỏ rơi các môn
đệ, người thuật chuyện kể ở 6,19b: “Các ông thấy Đức Giê-su đi trên Biển Hồ và
đang tới gần thuyền.”
(3) Ở ch. 8, Đức Giê-su nói với những
người Pha-ri-sêu ở 8,12: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi,
chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.” Đức
Giê-su đồng hóa mình với ánh sáng và giải thoát những ai “theo” Người khỏi
“bóng tối”. Cặp từ “ánh sáng - bóng tối” ở 8,12 có nghĩa thần học và tóm kết sứ
vụ của Đức Giê-su trong Tin Mừng: Người đến trong thế gian để giải thoát con
người để ai tin thì không bước đi trong bóng tối.
(4) Trong ch. 12, Đức Giê-su nói với đám
đông ở 12,35: “Còn một ít thời gian nữa, ánh sáng ở giữa các người. Hãy bước đi
khi các người còn có ánh sáng, để bóng tối không bắt được các người. Ai đi
trong bóng tối thì không biết mình đi đâu.” Đề tài ánh sáng và bóng tối ở 12,35,
dựa trên nghĩa đen để diễn tả nghĩa biểu tượng và thần học. Bao lâu Đức Giê-su
chưa bước vào cuộc Thương Khó thì bấy lâu vẫn còn ánh sáng. Nhưng chỉ còn một
ít thời gian nữa thôi, vì sứ vụ đã đến hồi kết thúc, đêm tối sự chết đang đến
gần. Ai bước đi không có ánh sáng, nghĩa là bước đi không có Đức Giê-su, thì không
biết mình đi đâu (12,35c), người ấy ở trong bóng tối của sự chết. Tóm lại, từ “bóng
tối” (skotia), minh nhiên hoặc mặc nhiên, gợi đến nghĩa biểu tượng và
nghĩa thần học.
3. “Skotia” và “skotos” (bóng
tối)
Bên cạnh 8 lần danh từ “skotia”, danh
từ “skotos”, chỉ xuất hiện 1 lần ở 3,19 để nói về “yêu mến bóng tối”. Câu hỏi
đặt ra là sắc thái nghĩa giữa “skotia” và “skotos” có khác nhau không,
vì cả hai từ này đều có nghĩa là “bóng tối”? Có thể hiểu sự khác nhau giữa “skotia”
và “skotos” qua hai nhận định sau:
(1) “Skotia” là bóng tối mà người
ta không muốn rơi vào đó. Danh từ “skotia” xuất hiện ở 8,12; 12,35;
12,46 trong những kiểu nói: “không bước đi trong bóng tối” (8,12; 12,35); “không
ở lại trong bóng tối” (12,46) Đức Giê-su
đến để đưa con người ra khỏi bóng tối này. Người mời gọi mọi người “theo” Người
để “có ánh sáng của sự sống” (8,12).
(2) Ngược lại, danh từ “skotos”
(bóng tối) ở 3,19 có sắc thái nghĩa khác. Đó là bóng tối mà người ta yêu mến,
nghĩa là muốn ở lại trong đó. Đức Giê-su tuyên bố ở 3,19-20: “19 Đây là án xử:
Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối (skotos) hơn
ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa. 20 Vì mọi kẻ làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không đến với ánh
sáng để các việc của họ khỏi bị chê trách.” Vấn đề ở đây là “yêu mến bóng tối
hơn ánh sáng” (3,19b). Đoạn văn 3,19-20 có hai cặp từ tương phản: “yêu và ghét”
và “ánh sáng và bóng tối”, các cặp từ tạo thành các cụm từ đối lập: “yêu mến
bóng tối” (3,19) và “ghét ánh sáng” (3,20). Đoạn văn trên nói về những người,
không những từ chối tin vào Đức Giê-su mà còn tìm cách để giết Người. Họ không
chỉ “không đến với ánh sáng” mà còn “ghét ánh sáng” (3,20), ghét Đức Giê-su,
ghét Chúa Cha và ghét các môn đệ của Người (15,18-25).
Như thế, “skotos” (bóng tối) mà
người ta yêu mến có ý nghĩa sâu xa hơn: “skotos” chỉ về thế lực đen tối
làm tha hóa con người, làm con người trở thành nô lệ thế lực sự dữ. Tin Mừng dùng
nhiều từ để gọi thế lực này: quỷ (6,70; 8,44; 13,2), Xa-tan (13,27), thủ lãnh
thế gian này (12,31; 14,30; 16,11), Ác thần (17,15). Trong viễn cảnh này, “yêu
mến bóng tối (skotos)” là từ chối tin vào Đức Giê-su ở cấp độ cao nhất
và dẫn đến tự kết án mình như Đức Giê-su tuyên bố ở 3,18: “Ai tin vào Người (Con
Một Thiên Chúa) thì không bị lên án;
nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi,
vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.” Loại “tình yêu bóng tối” này
(3,19) báo trước xung đột và tranh luận giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối.
Họ bảo vệ quan điểm của mình bằng mọi cách, kể cả giết Đức Giê-su. Hành động này
cho thấy họ yêu mến bóng tối, thuộc về bóng tối, thuộc về quỷ (8,44). Theo Tin
Mừng, lựa chọn “yêu mến bóng tối” hàm ẩn sự thù ghét và bách hại Đức Giê-su và các
môn đệ (15,18–16,4a).
Kết luận
Phân tích trên cho thấy, cặp từ “ánh sáng
– bóng tối” diễn tả nhiều đề tài thần học quan trọng. Sứ vụ của Đức Giê-su được
trình bày như một vụ kiện giữa “ánh sáng” và “bóng tối”, giữa Thiên Chúa và Xa-tan,
giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối. Vì là vụ kiện nên có phân biệt rõ ràng giữa
“người đến với ánh sáng” và “người ghét ánh sáng”, giữa “tin” hay “không tin”
vào ánh sáng là Đức Giê-su.
Đồng hóa giữa Đức Giê-su và ánh sáng giúp độc giả hiểu các kiểu
nói đặc trưng của Tin Mừng: “có ánh sáng” (12,36a) là có Đức Giê-su hiện diện
với mình, “tin vào ánh sáng” (12,36b) là tin vào Đức Giê-su và “trở thành con
cái ánh sáng” (12,36c) là trở thành môn đệ của Người. Trong nhiều trường hợp,
nghĩa đen của ánh sáng và bóng tối dẫn
đến nghĩa biểu tượng và nghĩa thần học. Đề tài
này mặc khải căn tính Đức Giê-su và đề cao sứ vụ ban tặng “ánh sáng của sự
sống” cho con người.
Tương phản ánh sáng và bóng tối xuất hiện trong
lời tựa Tin Mừng (1,5) và được triển khai trong ch. 1–12. Đối lập “ánh sáng và bóng
tối” xuất hiện ở đầu (3,19), ở giữa (8,12) và ở cuối (12,35; 12,46) sứ vụ Đức Giê-su nên là đề tài thần học quan trọng. Đức
Giê-su mặc khải Người là ánh sáng và cho biết con người cần làm gì để “có ánh
sáng” và “không bước đi trong bóng tối”. Xem đề tài ánh sáng và bóng tối trong YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an,
phần II,
tr. 48-56./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét