Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 25 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
I. Ai là mục tử?
1. Bản văn Ga 10,11-18, bối
cảnh và từ ngữ
2. Mục tử tốt
3. Hy sinh mạng sống mình
vì đàn chiên
4. Một đàn chiên, một mục tử duy nhất
II. Ai là đàn chiên?
1. Dân Thiên Chúa
2. Môn đệ Đức Giê-su
3. Những ai chưa biết mục tử tốt
4. Chiên nghe tiếng mục
tử tốt
III. Được giao phó sứ vụ chăn dắt
đàn chiên
1. Bản văn 21,15-17 và từ ngữ
2. Điều kiện chăn dắt đàn chiên
Kết luận
Dẫn nhập
Qua hai đoạn văn 10,11-18 và 21,15-17, bài viết trả lời hai câu hỏi “Ai
là mục tử, ai là đàn chiên?” Xác định căn tính của mục tử và đàn chiên giúp độc
giả bước vào tương quan với mục tử duy nhất bằng cách nghe tiếng mục tử tốt, đồng
thời giúp những ai tham dự vào sứ vụ chăn dắt đàn chiên biết là mình đang chăn
dắt “đàn chiên của Thầy” và điều kiện để chăn dắt là “thương mến Thầy” (21,15-17).
Đề tài được phân tích qua ba mục: (I) ai là mục tử?; (II) ai là đàn chiên?; (3)
được giao phó sứ vụ chăn dắt đàn chiên.
I. Ai là mục tử?
Để xác định mục tử là ai và có những đặc điểm nào,
phần này trình bày bốn điểm: (1) bản văn Ga 10,11-18, bối
cảnh và từ ngữ; (2) mục
tử tốt; (3) hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên; (4) một đàn chiên, một mục tử duy
nhất.
1. Bản văn Ga 10,11-18, bối
cảnh và từ ngữ
Phần này tìm hiểu bản văn qua ba điểm: (1) trích dẫn Ga 10,11-18; (2) bối
cảnh; (3) từ ngữ “mục tử”, “đàn chiên”.
(1) Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 10,11-18: “11 Chính Tôi
là mục tử tốt. Mục tử tốt hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên. 12 Người làm
thuê không phải là mục tử, đàn chiên không thuộc về mình. Thấy sói đến, anh ta
bỏ đàn chiên mà chạy – và sói vồ lấy chúng và làm tán loạn –. 13 Vì là kẻ làm
thuê, anh ta không lo lắng cho đàn chiên. 14 Chính Tôi là mục tử tốt. Tôi biết
chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi, 15 như Cha biết Tôi, và Tôi biết Cha,
và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. 16 Tôi còn có những chiên khác,
chúng không thuộc ràn này. Tôi cũng phải dẫn dắt chúng và chúng sẽ nghe tiếng
Tôi. Và sẽ làm thành một đàn chiên, một mục tử. 17 Vì điều này mà Cha yêu mến
Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó. 18 Không ai lấy nó khỏi Tôi,
nhưng chính Tôi tự ý hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy
lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi.” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và Ba thư).
(2) Bối cảnh đoạn văn 10,11-18 là một phần diễn
từ của Đức Giê-su ở 10,1-21. Trong đó Người nói với những người Pha-ri-sêu về đề
tài: cửa ràn chiên, mục tử và đàn chiên. Xem bối cảnh và cấu trúc 10,1-21 trong
Nghe và thấy trong Tin Mừng Gio-an,
tr. 258-264.
(3) Trong Tin Mừng, danh từ “mục tử” (ho poimèn)
xuất hiện 6 lần ở 10,1-21 (10,2.11a.11b.12.14.16).
Trong đó, Đức Giê-su nói về “mục tử tốt” (ho
poimên ho kalos) 3 lần: 10,11a.11b.14. Từ “to probaton” (con chiên) chỉ
dùng ở số nhiều (đàn chiên), Từ này xuất
hiện 19 lần trong ba chương: ch. 2 (2 lần: 2,14.15); ch. 10 (15 lần) và ch. 21
(2 lần: 21,16.17). 15 lần trong ch. 10 tập trung vào ba tiểu đoạn:
(a) 10,1-5 (5
lần:
10,1.2.3a.3b.4);
(b) 10,7-16 (8 lần: 10,7.8.11.12a.12b.13.15.16);
(c) 10,25-30
(2 lần: 10,26.27).
Ở 2,14-15, Đức Giê-su xua đuổi những kẻ bán bò, chiên, bồ câu ra khỏi đền thờ. Ở
21,16-17, Người trao sứ vụ chăn dắt đàn chiên cho Phê-rô. Như thế “đàn chiên”
trong tương quan với “mục tử tốt” chỉ được nói đến trong ch. 10. Chăn chiên là
hình ảnh quen thuộc ở Pa-lét-tin và được dùng trong Cựu Ước để nói về dân Ít-ra-en
như là đàn chiên của Đức Chúa (xem Is 40,10-11; Gr 23,1-4; Ed 34,1-24).
2. Mục tử tốt
Có người dùng kiểu nói “mục tử nhân lành”, nhưng cách nói này chưa diễn
tả hết ý nghĩa, vì có thể chỉ dừng lại ở nghĩa “hiền lành”, “tốt lành”. Trong
khi, bản văn Hy-lạp dùng tính từ “tốt” (kalos). “Mục tử tốt” không chỉ
là “tốt lành”, “hiền lành”, mà điều quan trọng hơn là “tốt” về phẩm chất. Người
mục tử tốt là người có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của nhiệm vụ chăn dắt và chu
toàn tốt đẹp vai trò mục tử. Đức Giê-su khẳng định ở 10,11a: “Chính Tôi là mục
tử tốt.” Đây là kiểu nói đặc trưng của thần học Tin Mừng Gio-an bằng cụm từ “egô
eimi” (chính Tôi là) kèm theo bổ túc từ: chính Đức Giê-su là ánh sáng, là
bánh, là cây nho đích thực, là cửa ràn chiên, là mục tử tốt, v.v…, xem bài viết:
“Egô eimi: chính Ta Là, chính là Ta.” Tính từ “tốt” cho phép phân
biệt với tất cả mục tử khác trong Cựu Ước. Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su không
so sánh mình với các mục tử khác, bởi vì Người là mục tử duy nhất có khả năng hy
sinh và lấy lại mạng sống mình vì đàn chiên (10,17-18).
3. Hy sinh mạng sống mình
vì đàn chiên
Mục tử tốt là người hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên (10,11). Lời
này lạ lùng và nghịch lý. Nếu mục tử chết, đàn chiên cũng chết. Vì không có ai bảo
vệ đàn chiên trước sự tấn công của sói dữ. Trên thực tế, người mục tử phải tìm
mọi cách để sống còn. Dù phải đối diện với nguy hiểm, người mục tử khôn ngoan
là người bảo toàn được mạng sống mình, như thế mới bảo vệ được đàn chiên. Bởi
vì sự sống còn của đàn chiên lệ thuộc vào sự sống còn của mục tử. Người mục tử
tốt là người “sống vì đàn chiên”, chứ không phải là người “hy sinh mạng sống
mình”, theo nghĩa “chết vì đàn chiên” như Đức Giê-su nói ở 10,11. Thật ra, cuối
đoạn văn 10,11-18, sự sống được đề cao khi Đức Giê-su khẳng định với những
người Pha-ri-sêu ở 10,18: “Không ai lấy nó khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự mình hy
sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh
lệnh này từ nơi Cha của Tôi.” Lời này báo trước Người sẽ chiến thắng sự chết. Biến
cố Phục Sinh làm cho Người trở thành mục tử duy nhất. Người đang sống và chính Người
bảo vệ, chăn dắt và ban sự sống đích thực cho đàn chiên để đàn chiên được sống
dồi dào (10,10).
Nhưng tại sao ở đầu đoạn văn 10,11-18, Đức Giê-su lại hướng về sự chết khi
nói ở 10,11b: “Mục tử tốt hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên”? Trong bối
cảnh Tin Mừng, đoạn văn 10,11-18 ở vào cuối sứ vụ Đức Giê-su, những kẻ chống
đối đã và đang tìm cách giết Người; sứ vụ của Người đang dần dần khép lại. Đoạn
văn 10,11-18 nhằm xác định vai trò của Đức Giê-su đối với ai tin vào Người. Người
là mục tử tốt, Người tự ý hy sinh mạng sống mình và Người có quyền lấy lại nó. Nên
Người có khả năng ban sự sống cho đàn chiên.
Bầu khí xung đột bộc lộ trong cách Đức Giê-su dùng hình ảnh “người làm
thuê” (10,12). Ai là những kẻ làm thuê? Tin Mừng cho phép hiểu lời Đức Giê-su ở
10,12 áp dụng cho giới lãnh đạo Do-thái đang tìm cách giết Người, họ là những
người được giao nhiệm vụ chăn dắt dân. Các sách Cựu Ước gọi họ là mục tử (Xem Ed
34,2b-3 trích dẫn trong mục “III.1. Dân Thiên Chúa” dưới đây), nhưng Đức Giê-su tước mất quyền đó khi nói với họ ở 10,12-13: “12 Người
làm thuê không phải là mục tử, đàn chiên không thuộc về mình. Thấy sói đến, anh
ta bỏ đàn chiên mà chạy – và sói vồ lấy chúng và làm tán loạn –. 13 Vì là kẻ
làm thuê, anh ta không lo lắng cho đàn chiên.” Vậy theo Tin Mừng, Đức Giê-su là
mục tử tốt và là mục tử duy nhất của đàn chiên.
4. Một đàn chiên, một mục tử duy nhất
Chính trong bối cảnh những kẻ chống đối đang tìm cách giết Đức Giê-su mà
Người nói đến việc “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên” (10,11b). Hoa trái của
sự hy sinh và lấy lại mạng sống (10,18) là phổ quát. Vì qua đó, Đức Giê-su quy
tụ tất cả con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về thành một đàn chiên, một mục
tử. Người cho biết ở 10,16: “Tôi còn có những chiên khác, chúng không thuộc ràn
này. Tôi cũng phải dẫn dắt chúng và chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ làm thành
một đàn chiên, một mục tử.” Lời này gợi
đến lời người thuật chuyện giải thích ý nghĩa cái chết của Đức Giê-su ở 11,51-52.
Khi Cai-pha đề nghị với Thượng Hội Đồng ở 11,50: “Các ông cũng chẳng nghĩ rằng:
Điều lợi cho các ông là một người chết cho dân và toàn thể dân tộc không bị
tiêu diệt”, người thuật chuyện cho biết ý nghĩa lời Cai-pha ở 11,51-52: “51 Điều
đó, ông ấy không tự mình nói ra, nhưng vì đang là thượng tế năm ấy, ông ấy tiên
báo rằng Đức Giê-su sắp phải chết cho dân tộc, 52 và không chỉ cho dân tộc,
nhưng còn để con cái Thiên Chúa đang tản mác quy tụ về thành một.” Một đàn chiên, một mục tử (10,16) và cái chết của Đức Giê-su quy tụ con
cái Thiên Chúa khắp nơi về thành một đàn chiên (11,52), nhưng đàn chiên là ai?
II. Ai là đàn chiên?
Trong diễn từ 10,1-21, Đức Giê-su không
nói rõ hình ảnh “đàn chiên” chỉ về
ai. Tuy nhiên mạch văn cho phép hiểu biểu tượng này theo ba nghĩa: (1) dân Thiên
Chúa; (2) môn đệ Đức Giê-su; (3) những ai chưa biết mục tử tốt. Điểm cuối (4) phân
tích đề tài chiên nghe tiếng mục tử tốt.
1. Dân Thiên Chúa
Trong Cựu Ước, đàn chiên là dân Thiên Chúa.
Lời ĐỨC CHÚA trong sách Ê-dê-ki-en lên án các mục tử Ed 34,2b-3: “2b Khốn cho
các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt
đàn chiên sao? 3 Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các
ngươi làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên.” Vì các mục tử
Ít-ra-en không chăm sóc đàn chiên nên chính ĐỨC CHÚA sẽ chăn dắt đàn chiên như ngôn
sứ Ê-dê-ki-en cho biết ở Ed 34,11: “Quả thật, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán
thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.” Trong
Tin Mừng Gio-an, những người Pha-ri-sêu và những người Do Thái trong đoạn văn 9,1–10,21
có liên hệ đến lời kết tội các mục tử ở Ed 34,2b-3. Chẳng hạn họ đã la mắng anh
mù được thấy và trục xuất anh ra khỏi cộng đoàn (Ga 9,34). Tuy nhiên hình ảnh “mục
tử” và “đàn chiên” trong
Ga 10,1-21 còn là lời kết tội giới lãnh đạo mạnh mẽ hơn sách Ê-dê-ki-en (Ed
34,1-6). Bởi vì Đức Giê-su không dùng từ “mục tử” để nói về những kẻ không lo lắng
cho đàn chiên mà gọi họ là “kẻ trộm”, “kẻ cướp” (10,8), “kẻ làm thuê” (10,12-13).
Trong bối cảnh này, hình ảnh “đàn chiên” trong Ga 10,1-21 gợi đến đàn chiên của
ĐỨC CHÚA không có người chăn dắt. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, chính Người sẽ
chăm sóc đàn chiên.
2. Môn đệ Đức Giê-su
Ai nghe tiếng mục tử tốt là Đức Giê-su và
đi theo Người thì thuộc về đàn chiên của Người. Họ là những người tin, là môn đệ
của Người. Nhóm “những người Do Thái” thuộc dân Ít-ra-en nhưng chống đối và
không tin nên không thuộc về đàn chiên của Đức Giê-su. Người nói với họ ở 10,26:
“Nhưng các ông (những người Do Thái) không tin, vì các ông không thuộc về đàn
chiên của Tôi.” Trong đoạn văn 10,1-21, hình ảnh “mục tử tốt” chỉ áp dụng cho Đức
Giê-su (10,11a.14a); vai trò vị mục tử tốt là “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”
(10,11b). Trong viễn cảnh này, đàn chiên
của ĐỨC CHÚA trong Ed 34 bước qua giai đoạn mới: từ nay “đàn chiên của ĐỨC CHÚA”
là “đàn chiên của Đức Giê-su”, gồm những ai tin và đi theo Người. Đàn chiên của
Đức Giê-su không giới hạn trong dân Ít-ra-en mà được mở rộng đến mọi người.
3. Những ai chưa biết mục tử tốt
Hình ảnh “đàn chiên” còn gợi về mọi người
chưa biết đến Đức Giê-su. Người nói ở 10,16: “Tôi
còn có những con chiên (probata) khác,
chúng không thuộc ràn (aulês) này. Tôi
cũng phải dẫn dắt chúng và chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ làm thành một đàn
chiên (mia poimnê), một mục tử (heis poimên).” Từ “probaton” (chiên), 10 lần trong ch. 10, ở số nhiều, dịch là “đàn chiên”,
ngoại trừ ở 10,16 dịch là “những con chiên” (probata) để phân biệt với từ
“hê poimnê”, 1 lần trong Tin Mừng ở
10,16, có nghĩa “đàn chiên”. Trong câu 10,16a, “những con chiên (probata) khác” không thuộc về “ràn (hê aulê) này” (ràn chiên của Đức Giê-su)
gợi đến những ai trong nhân loại chưa nhận biết Đức Giê-su. Vậy đàn chiên của Thiên
Chúa không giới hạn trong dân Ít-ra-en nữa mà
mở rộng đến toàn thể nhân loại. Sứ vụ Đức Giê-su và các môn đệ là làm cho mọi
người biết và nghe tiếng mục tử tốt và là mục tử duy nhất. Sứ vụ phổ quát này
hướng về sự hiệp nhất, nghĩa là làm thành “một đàn chiên, một mục tử” (10,16c).
Tóm lại, “đàn chiên” trong đoạn văn 10,1-21 vừa gợi về dân Ít-ra-en, vừa
là môn đệ Đức Giê-su, vừa mở rộng đến mọi người chưa biết Đức Giê-su. Từ nay đàn
chiên của Thiên Chúa là đàn chiên của Đức Giê-su. Đồng thời hình ảnh “chiên” mang
tính phổ quát qua sứ vụ quy tụ tất cả về thành một đàn chiên, một mục tử. Vậy
theo Tin Mừng, sứ vụ mục tử tốt là đem lại sự sống đích thực cho toàn thể nhân
loại.
4. Chiên nghe tiếng mục
tử tốt
Bối cảnh đoạn văn 10,1-21 cho thấy đàn
chiên đang đối phó với nguy hiểm bởi kẻ trộm, kẻ cướp, người lạ, người làm
thuê. Vì thế khả năng nghe tiếng mục tử là sự sống còn của từng con chiên. Đức
Giê-su nhấn mạnh đề tài này khi dùng 5 lần danh từ “tiếng” (phônê, 10,3.4.5.16.27) và 5 lần động từ
“nghe” (akouô, 10,3.8.16.20.27).
Trong đó, ba lần động từ “nghe” đi kèm với danh từ “tiếng” làm thành cụm từ:
“nghe tiếng” mục tử (10,3.16.27). Tương quan giữa đàn chiên và mục tử được tóm
kết qua bảy ý:
1) Để nghe tiếng mục tử cần có khả năng
phân biệt với các tiếng khác (chẳng hạn tiếng người lạ), đồng thời có khoảng cách
đủ gần để nghe được tiếng. Chẳng hạn, cách thức “nghe” của anh mù từ thuở mới
sinh được thấy trong ch. 9, là khuôn mẫu về khả năng nghe tiếng mục tử.
2) Điều kiện để nghe là “biết (oida) tiếng” (10,4b) và “biết (ginôskô) mục
tử” (10,14b). “Biết” (oida) nhấn mạnh
việc học hỏi, tìm hiểu qua khả năng lý luận. Còn “biết” (ginôskô) đề cao nhận biết nhờ tương quan. (Xem bài viết: “Biết
bằng lý trí, biết bằng con tim”).
Đức Giê-su dùng động từ “ginôskô” để
diễn tả tương quan mật thiết với đàn chiên và với Chúa Cha ở 10,14-15: “14 Chính Tôi là mục tử tốt. Tôi biết (ginôskô) chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết (ginôskousi) Tôi, 15 như Cha biết (ginôskei) Tôi và Tôi biết (ginôskô)
Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.” Vậy “biết” (ginôskô) là dấn thân từ cả hai phía: Đức
Giê-su biết chiên và chiên biết mục tử, nghĩa là bước vào tương quan và sống lời
Người.
3) Mục đích “nghe tiếng” là “đi theo” (akoloutheô,
10,4.5) mục tử để được sống (10,10). Nghĩa là thực sự nghe tiếng mục tử dẫn tới
quyết định dấn thân, đi theo và làm môn đệ.
4) Nghe tiếng mục tử là hành động không thể
gián đoạn. Trong mọi lúc và ở mọi nơi, người môn đệ cần nghe tiếng mục tử để
không lạc lối và tránh nguy hiểm. “Nghe tiếng” là học hỏi và là sống theo giáo
huấn Đức Giê-su.
5) “Nghe tiếng mục tử” thuộc về căn tính đàn
chiên. Những ai không nghe, không tin thì không thuộc về đàn chiên của Đức Giê-su.
Người nói với những người Do Thái ở 10,26: “26 Nhưng các ông không tin, vì các
ông không thuộc về đàn chiên của Tôi.” Chỉ những ai nghe và đi theo mục tử tốt mới
thuộc về đàn chiên của Đức Giê-su.
6) Lời mời gọi “nghe tiếng mục tử tốt”
dành cho mọi người. Đối với những con chiên chưa thuộc về ràn chiên của Đức
Giê-su (10,16) thì sứ vụ của Người là làm cho họ biết và nghe tiếng mục tử.
7) “Nghe tiếng” là nhiệm vụ của chiên, đồng
thời đề cao sứ vụ “lên tiếng” của mục tử. Đức Giê-su vừa là cửa để chiên được cứu
(10,9), vừa là mục tử tốt (10,11a.14a) để chiên được sống dồi dào (10,10). Đặc
biệt, vì yêu mến đàn chiên, mục tử tốt hy sinh mạng sống (10,11b.15b) và lấy lại
mạng sống đó (10,17-18). Với quyền năng và tình yêu này, Đức Giê-su dẫn dắt đàn
chiên bằng “tiếng”, nghĩa là bằng giáo huấn của Người. Nếu Người không lên tiếng
thì chẳng có gì để nghe. Xem Nghe và thấy trong Tin Mừng Gio-an,
tr. 264-273.
III. Được giao phó sứ vụ chăn dắt đàn chiên
Các môn đệ được tham gia vào sứ vụ chăn dắt, nhưng chăn dắt đàn chiên của
ai và với điều kiện nào? Hai điểm sau giúp trả lời: (1) bản văn 21,15-17 và từ
ngữ; (2) điều kiện chăn dắt đàn chiên.
1. Bản văn 21,15-17 và từ ngữ
Sau biến cố Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ
Ti-bê-ri-a qua dấu lạ mẻ cá lạ lùng (21,1-14), người thuật chuyện kể ở
21,15-17: “15 Khi các ông (các môn đệ) ăn xong, Đức Giê-su nói với Si-môn Phê-rô:
‘Si-môn, con Gio-an, anh có yêu mến (agapais) Thầy hơn những
người này không?’ Ông ấy nói với Người: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến
(philô) Thầy.’ Người nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.’ 16
Người lại nói với ông ấy lần thứ hai: ‘Si-môn, con Gio-an, anh có yêu mến (agapais) Thầy không?’
Ông ấy nói với Người: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến (philô) Thầy.’
Người nói với ông ấy: ‘Hãy chăn dắt chiên của Thầy.’ 17 Người nói với ông ấy
lần thứ ba: ‘Si-môn, con Gio-an, anh
có thương mến (phileis) Thầy không?’ Phê-rô buồn vì Người nói với ông ấy
lần thứ ba: ‘Anh có thương mến (phileis) Thầy không?’ Rồi ông ấy nói với
Người: ‘Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con thương mến (philô) Thầy.’
[Đức Giê-su] nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy.’”
Ba lần Đức Giê-su hỏi Phê-rô về tình yêu của ông dành cho Người. Trong
cuộc đối thoại ở 21,15-17, Đức Giê-su hỏi Phê-rô hai lần đầu bằng động từ “agapaô”
(21,15a.16a) và hỏi lần thứ ba bằng động từ “phileô” (21,17a). Phê-rô
trả lời ba lần bằng động từ “phileô” (21,15b.16b.17c). Người thuật chuyện
lặp lại câu Đức Giê-su hỏi lần thứ ba (động từ “phileô”) ở 21,17b. Vậy trong
cuộc đối thoại ở 21,15-17 có 2 lần động từ “agapaô” (21,15a.16a) và 5 lần
“phileô” (21,15b.16b.17a.17b.17c). Có tác giả dựa vào đoạn văn này để
cho rằng hai động từ “agapaô” và “phileô” đồng nghĩa với nhau.
Tuy nhiên về ngôn ngữ, hai động từ này diễn tả hai cách tương quan qua hai cặp
từ: danh từ “tình yêu” (agapê) và động từ “yêu mến” (agapaô);
danh từ “bạn hữu” (philos) và động từ “thương mến” (phileô). Trong
Tin Mừng, hai động từ “agapaô” và “phileô” diễn tả tình yêu và tình
bạn giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Xem bài viết: “Đề tài tình yêu và tình bạn”. Vì thế động từ “phileô”
(thương mến) trong đoạn văn 21,15-17 gợi đến đề tài bạn hữu “philos” (cùng
gốc từ với phileô) ở 15,13-15. Khi Phê-rô thương mến (philei) Đức
Giê-su là ông bước vào tương quan tình bạn với Người và sống tư cách bạn hữu
của Người. Để là bạn hữu của Đức Giê-su cần ba điều: (1) nhận ra tình yêu cao
cả của Đức Giê-su là hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu (15,13); (2) làm những
điều Đức Giê-su truyền dạy (15,14); (3) toàn bộ mặc khải đã được trao ban rồi
(15,15b), không cần tìm kiếm ở nơi nào khác ngoài giáo huấn của Đức Giê-su.
2. Điều kiện chăn dắt đàn chiên
Hai điều kiện để tham gia sứ vụ chăn dắt đàn chiên: (1) thương mến Đức
Giê-su; (2) sở hữu đàn chiên là Đức Giê-su chứ không phải ai khác.
(1) Ba lần ở 21,15-17, Phê-rô tuyên xưng lòng mến dành cho Đức Giê-su
trước khi được Người trao phó sứ vụ chăn dắt. Vậy thương mến Đức Giê-su là nền
tảng và căn tính của sứ vụ chăn dắt. Có thể nói, nếu như người được giao phó
nhiệm vụ chăn dắt không thực sự thương mến Đức Giê-su, không là bạn hữu của Người,
thì ngay lúc ấy, người ấy không đủ tư cách để chăn dắt đàn chiên của Đức Giê-su
nữa.
(2) Trong cả ba lần ở 21,15-17, Đức Giê-su nhấn mạnh “chiên của Thầy” chứ
không phải của Phê-rô. Sở hữu đàn chiên là Đức Giê-su vì Người là mục tử tốt và
là mục tử duy nhất của đàn chiên (10,10-12). Đàn chiên, bao gồm mọi người tin, là
của Đức Giê-su. Các chủ chăn trong Hội Thánh là những người được Đức Giê-su giao
phó nhiệm vụ chăn dắt và chăm sóc đàn chiên của Người. Phê-rô được uỷ thác nhiệm
vụ chăm sóc đàn chiên của Đức Giê-su, nên ông sẽ chăn dắt đàn chiên theo ý muốn
của Đức Giê-su và dựa trên tình yêu dành cho Người và dành cho đàn chiên của Người.
Kết luận
Trong bốn Tin Mừng, đề tài mục tử và đàn chiên là đóng góp quan trọng về
mặc khải của Tin Mừng Gio-an. Đức Giê-su dùng công thức long trọng để nói về
vai trò mục tử của Người: “Chính Tôi là mục tử tốt” (10,11a.14a) với ba đặc điểm:
(1) mục tử tốt về phẩm chất, biết rõ từng con chiên và có khả năng hoàn thành cách
tốt nhất trách nhiệm chăn dắt; (2) yêu thương đàn chiên đến hy sinh mạng sống và
có quyền lấy lại mạng sống đó, nghĩa là mục tử luôn sống để chăm sóc và đem lại
sự sống dồi dào cho đàn chiên; (3) mục tử duy nhất của đàn chiên và có sứ vụ
quy tụ làm thành một đàn chiên, một mục tử.
Khi tham gia nhiệm vụ chăn dắt trên nhiều cấp độ khác nhau trong Hội
Thánh, bản văn cho thấy chỉ có một mục tử duy nhất là Đức Giê-su. Những người
có nhiệm vụ chăn dắt trong cộng đoàn là được Đức Giê-su giao phó nhiệm vụ chăn dắt
đàn chiên của Người. Sở hữu đàn chiên là Đức Giê-su và điều kiện để chăn dắt là
yêu mến và sống tương quan bạn hữu với Người./.
Cha oi, con cam on Cha nhieu nha.
Trả lờiXóaKính chào cha, đọc bài chia sẻ của cha , được học thêm cái mới, chỉ có Chúa Giesu là mục tử tốt duy nhất
Trả lờiXóaCha oi con chan thanh data cha.
Trả lờiXóa