Bài viết tiếng Pháp:
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 05 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
I. “Egô eimi” trong sách
I-sai-a và Xuất Hành
1. “Egô eimi” nghĩa thông thường
2. “Egô eimi” là danh ĐỨC CHÚA (Is 40–55)
3. Lặp lại hai lần “egô eimi” (Is
43,25; 51,12)
4. “Egô eimi” (Xh 3,14)
II. “Egô eimi” trong
sách Khải Huyền
1. “Chính Ta là An-pha
và Ô-me-ga”, Kh
1,8 // Is 48,21
2. Đức Giê-su là Đấng An-pha và Ô-me-ga (Kh 22,13)
III. “Egô eimi”, nghĩa
thông thường (Tin Mừng Gio-an)
1. Cách dùng “egô eimi”, “eimi”,
“egô”
2. “Egô eimi” nói
về nơi chốn hay thuộc về ai
3. Các nhân vật khác dùng
“egô eimi”
IV. “Egô eimi” của Đức
Giê-su (Tin Mừng Gio-an)
1. “Egô eimi” có thuộc từ (14 lần)
2. “Egô eimi” xác định Đức Giê-su (5 lần)
a) “Chính là Tôi, người đang nói với chị”
(4,26)
b) “Chính là Thầy, đừng sợ!” (6,20)
c) “Chính là Tôi” (18,5)
3. “Egô eimi” không có thuộc từ (4 lần)
a) “Nếu các ông không tin rằng: Tôi Là…”
(8,24)
b) “Bấy giờ các ông sẽ biết rằng Tôi Là”
(8,28)
c) “Trước khi có Áp-ra-ham, Tôi Là” (8,58)
d) “Anh em tin rằng: Thầy Là” (13,19)
Kết luận
Thư mục
Dẫn nhập
Kiểu nói tiếng Hy-lạp “egô eimi” có nghĩa “chính
tôi là” hay “chính là tôi” tuỳ theo văn mạch. “Egô eimi” có thể có nghĩa
thông thường. Chẳng hạn, Gio-an Tẩy Giả trả lời những kẻ hỏi ông ở Ga 1,20b: “Chính tôi không phải là Đấng Ki-tô (egô
ouk eimi ho Khristos)”, hay Phi-la-tô
nói với Đức Giê-su ở Ga 18,35a: “Tôi là người Do Thái sao? (mêti egô Ioudaios eimi;)” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư). Đối
với Đức Giê-su, Người dùng kiểu nói “egô eimi” có thuộc ngữ, như khi
Người nói với những người Do Thái ở 8,12: “Chính Tôi là (egô eimi) ánh sáng
của thế gian.” Thuộc ngữ có thể được hiểu ngầm để xác định người nói như trường
hợp Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 6,20: “Chính là Thầy (egô eimi),
đừng sợ!” Đặc biệt là kiểu dùng tuyệt đối “egô eimi” không có thuộc từ.
Chẳng hạn, Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,58b: “Trước khi có
Áp-ra-ham, chính Tôi Là (egô eimi).”
Để tìm hiểu cách dùng từ “egô eimi”, bài viết
trình bày bốn mục: (I) “egô eimi” trong sách I-sai-a
và Xuất Hành; (II) “egô eimi” trong sách Khải
Huyền; (III) “egô eimi” nghĩa thông thường (Tin Mừng Gio-an); (IV) “egô
eimi” của Đức Giê-su (Tin Mừng Gio-an).
I. “Egô eimi” trong sách
I-sai-a và Xuất Hành
Phần minh hoạ trong các trích dẫn đặt trong ngoặc
đơn, ở trước là tiếng Híp-ri gọi là bản Ma-xo-ra, tiếp theo là tiếng Hy-lạp, gọi
là bản Bảy Mươi (LXX, la Septante). Các từ Híp-ri: “’anî” (tôi là, je suis), “’anî hû’” hay “’anokî hû’”
(chính là tôi, je le suis, I am he) được Bản LXX dịch sang Hy-lạp là “egô
eimi”. Tiếng Híp-ri “’anî” hay
“’anokî” là đại từ ngôi thứ nhất
số ít: “tôi” (je, I); còn “hû” là
đại từ ngôi thứ ba số ít, giống đực: “người ấy, ông ấy” (il, he).
Phần này trình bày bốn điểm: (1) “egô eimi” nghĩa thông thường; (2) “egô
eimi” là danh ĐỨC CHÚA (Is 40–55); (3) lặp lại hai lần “egô
eimi” (Is 43,25; 51,12); (4) “egô eimi” (Xh 3,14).
1. “Egô eimi” nghĩa thông thường
Trong sách I-sai-a “’anî” (egô, egô eimi) dùng theo nghĩa
thông thường, không nói về Danh của ĐỨC CHÚA. Chẳng hạn, trong đoạn văn ai ca
khóc Ba-by-lon, ĐỨC CHÚA phán ở Is 47,8-9: “8 Hỡi kẻ ham lạc thú, ngươi ngồi
trên ngai, bình chân như vại và tự nhủ: ‘Chỉ có ta (’anî, egô eimi), đâu
còn ai khác! Ta sẽ chẳng bao giờ mang thân goá bụa, không bao giờ là người mẹ
mất con.’ Giờ đây, hãy nghe điều này: 9 Thình lình cả hai tai hoạ đó, trong
một ngày, sẽ ập xuống trên ngươi: vừa mất con lại vừa goá bụa. Chưa hết tai hoạ
này đã đến tai hoạ khác, chúng ập xuống trên ngươi, dù ngươi cao tay phù chú và
lắm trò ma thuật.” (Các trích dẫn dùng bản dịch NCGKPV, ấn bản 2011).
Cách dùng “’anî”, “egô eimi” ở Is 47,8 có nghĩa thông thường. (Xem
lời Đa-vít thưa cùng Thiên Chúa ở 1Sb 21,17 và lời ĐỨC CHÚA phán chống lại
Át-sua, kẻ thù Ít-ra-en ở phương Bắc trong ngôn sứ Xô-phô-ni-a, Xp 2,15).
2. “Egô eimi” là danh ĐỨC CHÚA (Is 40–55)
Phần
này trình bày ba điểm: (1) cách dịch trong bản LXX; (2) “egô
eimi” chỉ danh ĐỨC CHÚA trong I-sai-a; (3) “egô eimi” trong các sách
khác của Cựu Ước.
(1) Nghĩa
đặc biệt “egô eimi” xuất hiện trong I-sai-a đệ nhị, gọi là sách an ủi
Ít-ra-en (Is 40–55). Kiểu nói Híp-ri “’anî hû’” hay “’anokî hû’”
(Chính là ta, c’est moi, je le suis, I am he) thay thế cho kiểu nói đầy
đủ: “’anî yhwh” hay “’anokî yhwh” (Ta là ĐỨC CHÚA [YHWH], Je
suis Yahvé, I am Yahweh). Bốn phụ âm tiếng Hip-ri YHWH là tên gọi ĐỨC
CHÚA, khi gặp bốn phụ âm YHWH, người Do Thái không đọc vì tôn kính, họ viết
là YHWH nhưng đọc là A-đô-nai). Bản LXX dịch cụm từ
Híp-ri “’anî yhwh”, “’anokî yhwh” sang Hy-lạp “egô theos” (Ta là
Thiên Chúa, Je suis Dieu) ở Is 43,11; hay “egô kurios” (Ta là Đức
Chúa, Je suis Seigneur)” ở Gn 28,13. Ở Ed 20,5 xuất hiện cả hai tước
hiệu này: “Chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi (’anî yhwh ’elôhêkem, egô kurios ho theos humôn).”
(2) Trong
I-sai-a đệ nhị (Is 40–55) kiểu nói “’anî hû’” (tiếng Híp-ri), “egô eimi” (tiếng Hy-lạp) xuất hiện nhiều lần,
đây là kiểu hành văn long trọng để nói về ĐỨC CHÚA. Chẳng hạn, ĐỨC CHÚA phán với dân về vua Ky-rô ở Is 41,2-4: “2 Từ phương đông, ai đã cho xuất hiện người hùng đi
mở đường cho nền công chính? Ai trao vào tay ông các dân các nước, bắt mọi vua
chúa phải phục quyền? Đao kiếm của ông làm chúng hoá ra như tro bụi, cung nỏ
của ông khiến chúng tán loạn tựa cọng rơm. 3 Ông đuổi bắt thù địch, ông tiến
bước an toàn. Trên đường đi, chân ông không chấm đất. 4 Điều đó, ai đã thực
hiện, ai đã làm nên? – Chính là Đấng từ nguyên thuỷ đã an bài cho các thời đại
nối tiếp nhau. Chính là Ta. Ta là ĐỨC CHÚA (’anî yhwh, egô theos), Ta là khởi nguyên, và giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta
(’anî hû’, egô eimi).”
Trong
Is 43, ngôn sứ I-sai-a nói với dân Ít-ra-en lời ĐỨC CHÚA phán ở Is 43,10-13: “10 Chính
các ngươi là nhân chứng của Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –, là bề tôi Ta đã
tuyển chọn, để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta (’anî
hû’, egô eimi): trước Ta, chẳng có thần nào khác được
hình thành, và sau Ta cũng vậy. 11 Chính Ta, chính Ta đây là ĐỨC CHÚA (’anokî
’anokî yhwh, egô ho theos), ngoài Ta ra, chẳng có ai
cứu độ. 12 Chính Ta đã báo cho biết, đã cứu độ và nói cho nghe, chứ giữa
các ngươi, chẳng có thần lạ nào. Vậy chính các ngươi là nhân chứng của Ta – sấm
ngôn của ĐỨC CHÚA –, và chính Ta là Thiên Chúa, 13 tự muôn đời, Ta
vẫn là Ta (’anî hû’): không ai
cứu thoát khỏi tay Ta, Ta đã làm, ai dám làm ngược lại?”
ĐỨC CHÚA phán ở Is 46,4: “Cho đến khi các ngươi
già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta (’anî hû’, egô eimi); cho
đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta
vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát.” Trong
ch. 48, ĐỨC CHÚA phán ở Is 48,12: “Hãy nghe Ta, hỡi Gia-cóp, hỡi Ít-ra-en, kẻ
Ta đã gọi! Ta vẫn là Ta (’anî hû’, hon egô kalô), Ta là (’anî, egô
eimi) khởi nguyên, Ta cũng là (’anî, egô eimi) cùng tận.” Danh ĐỨC
CHÚA được đồng hoá với “egô eimi”, như lời ĐỨC CHÚA phán ở Is 52,6: “Vì
vậy, trong ngày ấy, dân Ta sẽ nhận biết danh (onoma) Ta, nhận biết rằng:
chính Ta (’anî hû’, egô eimi) là Đấng đã phán: “Này Ta đây!” Các trích
dẫn trên cho thấy “egô eimi” được dùng để nói về danh ĐỨC CHÚA là Đấng
duy nhất, như ĐỨC CHÚA phán ở Is 43,11b: “Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.”
(3) Ngoài I-sai-a đệ nhị (Is
40–55), cụm từ “egô eimi” nói về danh ĐỨC CHÚA xuất
hiện ở sách Đệ Nhị Luật. Trong phần bài ca của ông Mô-sê (Đnl 32–34), ĐỨC CHÚA
phán ở Đnl 32,39: “Bây giờ hãy coi đây: Ta chính là Ta (’anî ’anî hû’, egô
eimi), bên cạnh Ta, chẳng có thần (elôhîm, theos) nào khác, Ta cầm
quyền sinh tử, Ta đánh phạt, rồi Ta lại chữa lành, không ai cứu khỏi tay Ta
được.” Xem cách diễn tả tương tự: “Ta là ĐỨC CHÚA (’anî yhwh, egô kurios)”
ở St 28,13; Ed 20,5; “Ta Là (’anî, egô eimi) Thiên Chúa Toàn năng (El
Chaddaï)” (St 17,1); “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, cha ngươi” (St 26,24).
3. Lặp lại hai lần “egô eimi” (Is
43,25; 51,12)
Kiểu nói lặp lại hai lần “egô eimi” xuất hiện
2 lần trong I-sai-a đệ nhị. ĐỨC CHÚA phán ở Is 43,25: “Nhưng chính Ta đây (’anokî
’anokî hû’, egô eimi, egô eimi), vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội
phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa”; và ở Is
51,12: “Chính Ta, chính Ta đây (’anokî ’anokî hû’, egô eimi, egô eimi) là
Đấng an ủi các ngươi, làm sao ngươi lại sợ những người mang thân phận phải
chết, sợ con cái A-đam mỏng manh như cỏ nội hoa đồng?” Lặp lại hai lần “egô
eimi, egô eimi” như trên có thể hiểu theo nghĩa: Ta là “Đấng TA LÀ”, Đấng sẽ
xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi (Is 43,25a); Ta là “Đấng TA LÀ”, Đấng an
ủi các ngươi (Is 51,12a). Như thế, “TA LÀ” là danh ĐỨC CHÚA, là chính ĐỨC CHÚA.
4. “Egô eimi” (Xh 3,14)
“Egô eimi” trong Tin Mừng Gio-an còn gợi
đến danh Thiên Chúa trong sách Xuất Hành. Bản văn Xh 3,14: “Thiên Chúa phán với
ông Mô-sê: ‘Ta là Đấng Hiện Hữu (’ehyeh ’aser ’ehyeh, egô
eimi ho ôn).’ Người phán: ‘Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng
Hiện Hữu (’ehyeh, ho ôn) sai tôi đến với anh em.’” Câu Híp-ri
“’ehyeh ’aser ’ehyeh” dịch sát: “Ta là Đấng Ta
Là”, tiếng Pháp: “Je suis qui je suis” hay “je suis celui qui est”.
Tiếng Anh: “I am who I am” hay “I am he who is.” Bản LXX dịch
phần thứ hai của câu Hip-ri: “’aser ’ehyeh” là “ho ôn”,
đây là động tính từ của động từ “eimi” ở chủ cách (nominatif), có
giá trị như danh từ. Như thế, “’ehyeh” (tiếng Híp-ri), “ho
ôn” (tiếng Hy-lạp), “Je Suis” (tiếng Pháp), “I Am” (tiếng
Anh), “Ta Là” tương đương với danh Thiên Chúa (’elôhîm, theos). Ở đây
không phải là kiểu nói Híp-ri “’anî hû’” (je le suis, I [am] he)
như trên mà dùng động từ Híp-ri “hâyâh” (là, être, to be). Bản
LXX dịch động từ này ở Xh 3,14 là “egô eimi”.
Tóm lại, kiểu nói “egô eimi” trong Bản LXX,
dịch cụm từ Híp-ri “’anî hû’” (Chính Ta Là) trong Is 40–55 hay “’ehyeh” (Ta Là) ở
Xh 3,14. Trong bối cảnh các câu văn trích dẫn trên đây, “Ta Là” nói về danh ĐỨC
CHÚA. Trong viễn cảnh này, kiểu nói “egô eimi” của Đức Giê-su trong Tin
Mừng Gio-an gợi đến danh ĐỨC CHÚA trong Cựu Ước và qua đó Đức Giê-su khẳng định
căn tính thần linh của Người. Trước khi phân tích “egô emi” trong Tin
Mừng Gio-an, phần sau trình bày vắn tắt cách dùng “egô eimi” trong sách
Khải Huyền.
II. “Egô eimi” trong
sách Khải Huyền
Trong
sách Khải Huyền, Đấng “egô eimi” vừa là (1) Thiên Chúa, vừa là (2) Đức Giê-su.
1. “Chính Ta là An-pha
và Ô-me-ga”, Kh
1,8 // Is 48,21
Khẳng định của ĐỨC CHÚA ở Is
48,12: “Hãy nghe Ta, hỡi Gia-cóp, hỡi Ít-ra-en, kẻ Ta đã gọi! Ta vẫn là Ta (’anî
hû’, hon egô kalô), Ta là (’anî, egô eimi) khởi nguyên, Ta cũng là (’anî,
egô eimi) cùng tận”, gợi về lời Thiên Chúa trong sách Khải Huyền ở Kh 1,8: “Chính
Ta là (egô eimi) An-pha
và Ô-me-ga (to alpha to ô) – Đức Chúa là Thiên Chúa nói – Đấng
hiện có, đã có và đang đến, Đấng Toàn Năng.” (Xem Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt). An-pha (to alpha) và Ô-me-ga
(to ô) là mẫu tự đầu tiên và cuối cùng tiếng
Hy-lạp. Nên kiểu nói “Đấng là An-pha và Ô-me-ga” nghĩa là “Đấng Đầu Tiên và
Cuối Cùng.” Đây là những tước hiệu diễn tả quyền tối thượng của Thiên Chúa trên
mọi thụ tạo, từ khởi đầu cho đến kết thúc lịch sử. Người là “Đấng Toàn Năng”
(Kh 1,8c).
2. Đức Giê-su là Đấng An-pha và Ô-me-ga (Kh 22,13)
Đức Giê-su trong sách Khải Huyền cũng có những tước
hiệu như Thiên Chúa. Trong ch. 2, Đức Giê-su nói với Gio-an (tác giả sách Khải
Huyền) ở Kh 2,8: “Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Xi-miếc-na. Đấng Đầu
Tiên và Cuối Cùng, Đấng đã chết và đã lại sống, nói thế này:...” Cuối sách Khải
Huyền, Đức Giê-su tuyên bố ở Kh 22,13: “Chính Ta (egô) là An-pha và Ô-me-ga, là Đấng Đầu Tiên và Cuối Cùng, là Khởi Nguyên và Tận Cùng.”
Vậy, trong sách Khải Huyền, Đức Giê-su có những
tước hiệu của Thiên Chúa, nhưng Người không thay chỗ Thiên Chúa mà có phân biệt
rõ ràng. Đức Giê-su gọi Thiên Chúa là “Thiên Chúa của Ta” (Kh 3,12), “Cha của Ta”
(Kh 3,21). Với Hội Thánh tại
Phi-la-đen-phi-a, Đức Giê-su nói ở Kh 3,12: “Ai thắng, Ta sẽ làm người
ấy thành cột trụ trong Đền Thờ Thiên Chúa của Ta, người ấy sẽ không hề đi ra
khỏi đó nữa. Ta sẽ ghi trên người ấy danh Thiên Chúa của Ta, tên Thành đô Thiên
Chúa của Ta là Giê-ru-sa-lem mới
xuống từ trời, từ Thiên Chúa của Ta, và tên mới của Ta.” Với Hội Thánh tại
Lao-đi-ki-a, Đức Giê-su hứa ban thưởng ở Kh 3,21: “Ai thắng, Ta sẽ cho người ấy
ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như chính Ta đã thắng và Ta ngồi với Cha của
Ta trên ngai của Người.” Những tước hiệu song song giữa Thiên Chúa và Đức
Giê-su trên đây giúp hiểu “egô eimi” trong Tin Mừng Gio-an.
III. “Egô eimi”, nghĩa
thông thường (Tin Mừng Gio-an)
Phần
này trình bày ba điểm: (1) cách dùng “egô eimi”, “eimi”, “egô”;
(2) “egô eimi” nói về nơi chốn hay thuộc về ai; (3) các nhân vật khác
dùng “egô eimi”.
1. Cách dùng “egô eimi”, “eimi”,
“egô”
Tiếng Hy-lạp, “egô” là đại từ ngôi thứ
nhất số ít (tôi), “eimi” là động từ “là, ở” (être, to be)
chia ở ngôi thứ nhất số ít, “eimi” có nghĩa “tôi là” (je suis).
Trong kiểu nói “egô eimi”, “egô” là hình thức nhấn mạnh chủ từ
nên dịch “chính tôi là” (moi, je suis) hay “chính là tôi” (c’est moi)
tuỳ theo mạch văn.
Vậy động từ “eimi” không có hình thức
nhấn mạnh chủ từ (egô) có nghĩa “tôi là”. Chẳng hạn, Đức Giê-su nói với
các môn đệ ở 9,5: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là (eimi) ánh
sáng của thế gian.” Ở 18,37a, Đức Giê-su nói với Phi-la-tô: “Chính ngài nói
rằng Tôi là (eimi) Vua.” Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 13,13: “Anh
em gọi Thầy là ‘Thầy’ và là ‘Chúa’, anh em nói đúng, vì Thầy là thế (eimi).” Xem cách
dùng “eimi” không có đại từ nhấn mạnh “egô” ở 1,21b; 14,9.
Ngược lại là cách dùng “egô” không
có “eimi”. Chẳng hạn, Đức Giê-su tuyên bố ở 12,46: “Tôi
(egô) là ánh sáng đến trong thế gian.” Dịch
sát: “Tôi, ánh sáng, đến thế gian.” Từ “ánh sáng” theo sau đại từ “egô”
(tôi) làm đồng vị ngữ (apposition) cho chủ từ, nghĩa là Đức Giê-su đồng
hoá Người với ánh sáng. Trong ch. 1, Gio-an Tẩy Giả định nghĩa sứ vụ của ông ở 1,23a:
“Tôi là (egô) tiếng kêu trong hoang mạc, hãy làm cho thẳng con đường của
Chúa…”
Bài viết này giới hạn đề tài trong kiểu nói “egô
eimi”. Trong Tin Mừng, Đức Giê-su dùng kiểu nói “egô
eimi” để nói về nơi chốn hay thuộc về ai. Một số nhân vật khác cũng dùng kiểu
nói “egô eimi”. Trong những trường hợp này, “egô eimi” có nghĩa
thông thường.
2. “Egô eimi” nói
về nơi chốn hay thuộc về ai
Cụm
từ “hopou eimi egô” (nơi tôi ở) xuất hiện ba lần trong Tin Mừng (7,34.36;
14,3). Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 7,34b: “Nơi Tôi ở (hopou
eimi egô), các ông không thể đến được.” Họ lặp lại câu này ở 7,36. Cụm từ trên
còn xuất hiện trong ch. 14, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,3: “Nếu
Thầy đi và dọn chỗ cho anh em, Thầy sẽ lại đến và đem anh em theo với Thầy, để
Thầy ở đâu (hopou eimi egô),
anh em cũng ở đó.”
Kiểu
nói “egô eimi + ek” có nghĩa “thuộc về”, xuất hiện bốn lần trong Tin
Mừng (8,23a.23b; 17,14b.16b). Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 8,23:
“Các ông, các ông thuộc về hạ giới; còn Tôi, Tôi thuộc về thượng giới (egô
ek tôn anô eimi). Các ông, các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi, Tôi
không thuộc về thế gian này (egô ouk eimi ek tou kosmou toutou).” Trong
ch. 17, Đức Giê-su nói với Cha ở 17,14b: “Cũng như
chính Con (kathos egô ouk eimi) không thuộc về thế gian (ek tou kosmou)” ;
và ở 17,16b: “Cũng như chính Con (kathos egô ouk eimi) không thuộc về
thế gian (ek tou kosmou).”
Ở một
số nơi, thứ tự từ Hy-lạp không chính xác là “egô eimi” mà là “hopou
eimi egô” (nơi tôi ở), hay ở thể phủ định: “egô ouk eimi + ek” (tôi
không thuộc về). Cách dùng này mô tả nơi ở của Đức Giê-su hay khẳng định Người không
thuộc về thế gian.
3. Các nhân vật khác dùng
“egô eimi”
Có bốn
nơi trong Tin Mừng (1,20; 3,28; 9,9; 18,35) không phải Đức Giê-su nói “egô
eimi”. Trước hết, Gio-an Tẩy Giả dùng hai lần ở thể phủ định “egô ouk
eimi” (không phải tôi) ở 1,20; 3,28. Người thuật chuyện kể ở 1,19-21: “19 Và
đây là lời chứng của Gio-an, khi những người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử các tư
tế và các Lê-vi đến [với ông ấy] để họ hỏi ông ấy: ‘Ông là ai?’ 20 Ông ấy tuyên
xưng chứ không chối, Ông ấy tuyên xưng rằng:
‘Chính tôi không phải là Đấng Ki-tô (egô ouk eimi ho Khristos).’ 21 Họ hỏi ông ấy: ‘Vậy thì sao? Ông là
Ê-li-a phải không?’ Ông ấy nói: ‘Không phải tôi (ouk eimi).’ – ‘Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?’ Ông ấy đáp: ‘Không
(ou).’” Trong ba lần nói “không”, chỉ có lần đầu tiên xuất hiện ở thể
phủ định “egô ouk eimi” (tôi không phải là) ở 1,20b. Trong ch. 3, Gio-an
Tẩy Giả lặp lại lời này với các môn đệ của ông ở 3,28b: “Chính tôi không phải
là Đấng Ki-tô (ouk eimi egô ho Khristos).”
Tiếp
theo là anh mù từ thuở mới sinh nói “egô eimi” trong ch. 9. Người thuật
chuyện kể về anh ở 9,8-9: “8 Những người láng giềng và những kẻ thấy
anh ta trước kia là người ăn xin, nói rằng:
‘Anh ta không phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?’ 9 Những người khác nói rằng: ‘Chính
anh ta.’ Những người khác nữa nói: ‘Không
phải đâu, nhưng là một người giống anh ta.’ Còn anh ta nói rằng: ‘Chính tôi đây
(egô eimi).’” Cuối cùng là Phi-la-tô dùng kiểu nói “egô eimi” khi
nói với Đức Giê-su ở 18,35a: “Tôi là người Do
Thái sao? (mêti egô Ioudaios eimi;)”
Tóm lại, những cách dùng “egô eimi” trên
đây của Gio-an Tẩy Giả, anh mù từ thuở mới sinh và Phi-la-tô, đều có nghĩa
thông thường, không gợi về nghĩa thần học.
IV. “Egô eimi” của
Đức Giê-su (Tin Mừng Gio-an)
“Egô eimi” của Đức Giê-su có nghĩa thần học,
xuất hiện 23 lần trong Tin Mừng, được trình bày qua ba mục: (1) “egô eimi”
có thuộc từ (14 lần); (2) “egô eimi” xác định Đức Giê-su (5 lần); (3) “egô
eimi” không có thuộc từ (4 lần).
1. “Egô eimi” có thuộc từ (14 lần)
Kiểu
nói “egô eimi + thuộc từ” được tìm hiểu qua ba điểm: (1) liệt kê 14 lần “egô
eimi” có thuộc từ vào tám đề tài; (2) bảy biểu tượng liên hệ đến sự sống;
(3) “egô eimi” và người làm chứng (8,18).
(1) “Egô
eimi” kèm theo thuộc từ (attribut) xuất hiện 14 lần trong Tin Mừng. Đây là những mặc khải về căn tính, sứ vụ và lời hứa của Đức Giê-su dành cho
người tin. 14 lần này nói về tám đề tài:
1- Chính
Tôi là (egô eimi) bánh sự sống (4 lần: 6,35.41.48.51) với các kiểu nói về
“bánh”: “bánh sự sống” (6,35.48), “bánh xuống từ trời”
(6,41), “bánh sự sống, xuống từ trời” (6,51).
2- Chính
Tôi là (egô eimi) ánh sáng của thế gian (1 lần: 8,12). Kiểu nói không đầy
đủ “egô eimi” xuất hiện 2 lần: 9,5 (eimi); 12,46 (egô). Đức
Giê-su nói với các môn đệ ở 9,5: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là (eimi)
ánh sáng của thế gian.” Người tuyên bố ở 12,46: “Tôi (egô) là ánh
sáng đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi thì không ở lại trong bóng
tối.”
3- Chính
Tôi là người làm chứng về mình (1 lần: 8,18).
4- Chính
Tôi là sự sống lại và là sự sống (1 lần: 11,25).
5- Chính
Tôi là cửa của đàn chiên (2 lần: 10,7.9).
6- Chính
Tôi là mục tử tốt (2 lần: 10,11.14).
7- Chính
Tôi là con đường và là sự thật và là sự sống (1 lần: 14,6).
8- Chính
Tôi là cây nho đích thật (2 lần: 15,1.5).
(2) Nếu chỉ tính các biểu tượng liên hệ đến sự
sống con người thì có 7 biểu tượng: (1) bánh, (2) ánh sáng, (3) sự sống lại,
(4) cửa, (5) mục tử, (6) con đường, (7) cây nho. Đây là con số hoàn hảo ( số 7)
biểu tượng toàn thể và trọn vẹn. Tất cả 7 biểu tượng này có liên hệ với sự sống
đời đời. Ở 6,51a, Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh sự sống, bánh xuống từ trời. Nếu
ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời.” Đến ch. 8, những ai đi theo Đức Giê-su là ánh
sáng thì “có ánh sáng của sự sống” (8,12c). Sang ch. 10, Đức Giê-su dùng biểu
tượng “cửa” đàn chiên, khi nói với những người Pha-ri-sêu ở 10,9: “Chính Tôi là
cửa. Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu. Nó sẽ vào, sẽ ra và sẽ gặp đồng cỏ”; và
ở 10,10b: “Phần Tôi, Tôi đến để chúng có sự sống và có dồi dào.” Với tư cách là
mục tử tốt, Đức Giê-su nói với những người Do Thái về đàn chiên ở 10,27-28: “27
Chiên của Tôi nghe tiếng Tôi; Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, 28 và Tôi ban
cho chúng sự sống đời đời, muôn đời chúng không bị hư mất và không ai cướp được
chúng khỏi tay Tôi.” Trong ch. 11, Đức Giê-su mặc khải cho Mác-ta ở 11,25: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được
sống.” Trong các diễn từ từ biệt (ch. 13–17) biểu tượng “con
đường” đi với “sự thật và sự sống” (14,6). Biểu tượng cuối cùng ở ch. 15 là “cây
nho” trong tương quan với người trồng nho (Chúa Cha) và cành nho (các môn đệ).
Biểu tượng “cây nho” liên hệ tới sự sống, vì nhờ ở lại trên cây nho đích thực mà
các môn đệ “sinh nhiều hoa trái” (15,5), nghĩa là được sống thay vì bị khô héo
và bị đốt cháy vì không ở lại trên cây nho.
Quà tặng
sự sống diễn tả qua bảy biểu tưởng trên được trao ban với điều kiện tin vào Đức
Giê-su. Những lời hứa trên mở đầu bằng kiểu nói long trọng “egô eimi”
(chính Tôi là) diễn tả căn tính thần linh của Đức Giê-su. Người tuyên bố “egô
eimi + thuộc từ” với tư cách là Đấng Cha sai đến, là Con Một Thiên Chúa, Đấng
hằng ở nơi cung lòng Cha (1,18b). Vậy lời hứa của Người là chân thật và đáng
tin.
(3) “Egô
eimi” ở ch. 8 được hiểu theo hướng này. Đức Giê-su nói với những người
Pha-ri-sêu ở 8,18a: “Chính Tôi là (egô eimi) người làm chứng về mình.”
“Người làm chứng” trong câu này là động từ “martureô” (làm chứng) ở lối động
tính từ, giống đực, chủ cách, có mạo từ “ho marturôn” nên dùng như danh
từ, có nghĩa “người làm chứng”. Trước khi nói câu 8,18a, Đức Giê-su nói với những
người Pha-ri-sêu ở 8,17: “Trong Lề Luật của các ông có chép rằng: ‘Lời chứng
của hai người là thật.’” Vậy tại sao Đức Giê-su làm chứng về Người và lời chứng
của Người là thật? Bởi vì Người là “egô eimi” theo nghĩa thần học, gợi về
căn tính thần linh và tương quan đặc biệt với Cha như Người nói ở 8,18b: “Và
Cha, Đấng đã sai Tôi, làm chứng về Tôi.”
2. “Egô eimi” xác định Đức Giê-su (5 lần)
Cách dùng “egô eimi” để xác định Đức Giê-su
xuất hiện 5 lần (4,26; 6,20; 18,5.6.8). Trong đó, 2 lần ở 18,6.8 lặp lại “egô
eimi” ở 18,5. Vậy ba lần“egô eimi” xác định Đức Giê-su. Người nói (a)
với người phụ nữ Sa-ma-ri ở 4,26: “Chính là Tôi (egô eimi), người đang
nói với chị” (4,26); (b) với các môn đệ ở 6,20: “Chính là Thầy (egô eimi),
đừng sợ!”; với những kẻ đến bắt Người: “Chính là Tôi (egô eimi)” (18,5.6.8).
a) “Chính là Tôi, người đang nói với chị”
(4,26)
Trong bối cảnh đoạn văn 4,25-26, “egô eimi”
ở 4,26 xác định vị Mê-si-a mà người phụ nữ Sa-ma-ri nói đến. Chị nói với Đức
Giê-su ở 4,25: “Tôi biết rằng Đấng Mê-si-a
sẽ đến – Đấng được gọi là Ki-tô –. Khi Đấng ấy đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”
(4,25). Đức Giê-su trả lời với chị ở 4,26: “Chính
là Tôi (egô eimi), người đang nói với chị.” Trong đoạn văn đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri (4,7-26), “egô
eimi” của Đức Giê-su ở 4,26 gợi đến tư cách Mê-si-a với ba đặc điểm:
(1) Đấng ban “nước sự sống”
(4,10). Đức Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri ở 4,13-14: “13
Bất kỳ ai uống nước này sẽ lại khát. 14 Nhưng ai uống nước mà chính Tôi sẽ ban
cho kẻ ấy, đời đời sẽ không khát. Nhưng nước mà Tôi sẽ ban cho người ấy sẽ trở
nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên sự sống đời đời.”
(2) Đấng biết những gì dấu
kín trong lòng con người. Sự hiểu biết này tỏ lộ trong cuộc đối thoại về đời tư
của người phụ nữ Sa-ma-ri. Người thuật chuyện kể ở 4,16-18: “16
Người (Đức Giê-su) nói với chị ấy: ‘Chị hãy đi gọi chồng của chị, rồi trở lại
đây.’ 17 Người phụ nữ trả lời và nói với Người: ‘Tôi không có chồng.’ Đức
Giê-su nói với chị ấy: ‘Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, 18 vì chị có năm
đời chồng, và người hiện nay chị có, không phải là chồng của chị. Điều này chị
đã nói đúng.’” Độc giả không ngạc nhiên về
sự hiểu biết của Đức Giê-su vì người thuật chuyện đã cho biết ở 2,25: “Người
(Đức Giê-su) không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì
nơi con người.”
(3) Đấng xác định nơi chốn và cách thức thờ phượng
Thiên Chúa. Nơi chốn thờ phượng đích thực Chúa Cha là tất cả mọi nơi, vì Đức
Giê-su nói với người phụ nữ ở 4,21: “Này chị, hãy tin Tôi, giờ đến, không phải
ở trên núi này cũng chẳng phải ở Giê-ru-sa-lem, các người sẽ thờ phượng Cha.”
Cách thức thờ phượng Cha là thờ phượng “trong thần khí và sự thật” (4,23).
Ba đặc điểm trên thuộc về Thiên Chúa. Nên “egô eimi” của Đức Giê-su ở 4,26 vừa xác định Người với Đấng Mê-si-a, vừa gợi đến căn tính “Con Một Thiên Chúa” (1,18b) của Người.
b) “Chính là Thầy, đừng sợ!” (6,20)
Sau dấu
lạ hoá bánh và cá ra nhiều (6,1-15) tiếp theo là dấu lạ Đức Giê-su đi trên biển
hồ Ti-bê-ri-a, thuật lại ở 6,16-21: “16 Chiều đến, các môn đệ
của Người xuống bờ Biển Hồ 17 và xuống thuyền đi về phía
Ca-phác-na-um, bên kia Biển Hồ. Trời đã tối và Đức Giê-su chưa đến với các ông.
18 Biển đầy gió lớn đang thổi và giật mạnh. 19 Khi đã chèo được khoảng 25 đến 30 dặm, các ông thấy Đức Giê-su
đi trên Biển Hồ và đang tới gần thuyền, các ông sợ hãi. 20
Nhưng Người nói với các ông: ‘Chính là Thầy, đừng sợ!’ 21 Các ông muốn đưa
Người lên thuyền, và ngay lúc đó thuyền đã tới đất liền nơi các ông đi đến.”
Sự
việc các môn đệ vất vả chèo thuyền trong đêm tối, chống chọi với sóng to gió
lớn, trong lúc Đức Giê-su vắng mặt, gợi đến những khó khăn thử thách đến từ bên
trong và bên ngoài nhóm các môn đệ và cộng đoàn người tin. (Xem nghĩa đen và
nghĩa biểu tượng trong bài viết “Ánh sáng và bóng tối trong Tin
Mừng Gio-an”). Hành động đi trên Biển Hồ
(6,19) trong lúc “biển đầy gió lớn đang thổi và giật mạnh” (6,18) biểu lộ quyền
năng của Thiên Chúa. Đoạn văn 6,16-21 gợi đến các trình thuật trong Cựu Ước. Ông
Gióp nói về Thiên Chúa ở G 9,8: “Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp
lên trên ba đào biển cả.” Nghĩa là Thiên Chúa chế ngự biển cả và sức mạnh của
chúng. Ngôn sứ Kha-ba-cúc mô tả sức mạnh của ĐỨC CHÚA ở Kb 3,15: “Ngài mở lối
cho chiến mã của Ngài vào biển cả, giữa ba đào cuồn cuộn nước mênh mông.”
Đức
Giê-su bày tỏ quyền năng khi đi trên Biển Hồ để đến với các môn đệ (Ga 6,19a).
Điều lạ lùng này làm các môn đệ sợ hãi (6,19b). Lời Đức Giê-su ở 6,20 gồm hai
phần: phần đầu nói về Đức Giê-su “chính là Thầy” (egô eimi), phần sau khích
lệ các môn đệ: “Đừng sợ!” Lời này gợi lại lời ĐỨC CHÚA an ủi dân Ít-ra-en ở Is
41,10: “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của
ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của
Ta.” Dấu lạ Đức Giê-su đi trên Biển Hồ kết thúc cách lạ lùng ở Ga 6,21: “Các
ông (các môn đệ) muốn đưa Người (Đức Giê-su) lên thuyền, và ngay lúc đó thuyền
đã tới đất liền nơi các ông đi đến.” Cuộc vượt biển nhanh chóng với sự hiện
diện của Đức Giê-su gợi đến biến cố dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ (Xh 14).
Trong lúc dân Ít-ra-en sợ hãi vì bị quân Ai Cập đuổi theo, ĐỨC CHÚA đã can
thiệp để cứu dân. Người thuật chuyện kể ở Xh 14,21-22: “21 Ông Mô-sê giơ tay
trên mặt biển, ĐỨC CHÚA cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn
biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, 22 và con cái Ít-ra-en
đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu.”
Tóm lại, ba chi tiết trong đoạn văn Ga 6,20-21:
(1) “chính là Thầy” (egô eimi),
(2) “đừng sợ!” (6,20)
và (3) “ngay lúc đó thuyền đã tới đất liền nơi các ông đi đến” (6,21) gợi đến hành
động của ĐỨC CHÚA trong Cựu Ước. Vậy “egô eimi” của Đức Giê-su ở 6,20 không
chỉ đơn giản là lời xác định chính là Người mà còn khẳng định quyền năng và căn
tính của Người.
c) “Chính là Tôi” (18,5)
Trong
trình thuật Đức Giê-su bị bắt (18,1-12), xuất hiện 3 lần từ“egô
eimi” (18,5.6.8). Khi Giu-đa dẫn một cơ đội và các
thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu đến thửa vườn bên kia thung lũng
Kít-rôn để bắt Đức Giê-su, người thuật chuyện kể ở 18,4-9: “4 Đức Giê-su biết mọi
sự sắp xảy đến cho mình, Người đi ra và nói với họ: ‘Các anh tìm ai?’ 5 Họ trả
lời Người: ‘Giê-su người Na-da-rét.’ Người nói với họ: ‘Chính là Tôi (egô
eimi).’ Giu-đa, kẻ nộp Người, đứng với họ. 6 Khi Người vừa nói: ‘Chính là
Tôi (egô eimi)’ họ lùi lại và ngã xuống đất. 7 Người lại hỏi họ: ‘Các
anh tìm ai?’ Họ nói: ‘Giê-su người Na-da-rét.’ 8 Đức Giê-su trả lời: ‘Tôi đã nói
với các anh, chính là Tôi (egô eimi). Vậy nếu các anh tìm Tôi, hãy để
những người này đi.’ 9 Thế là nên trọn lời Người đã nói rằng: ‘Những người Cha
đã ban cho Con, Con không để mất một ai.’”
Về
hình thức, kiểu nói “egô eimi” (18,5.6.8) nhằm xác định Đức Giê-su, tuy
nhiên ba chi tiết sau cho thấy ý nghĩa thần học: (1) “Egô eimi” của Đức
Giê-su đã làm cho những kẻ đến bắt Người phải “lùi lại và ngã xuống đất” (18,6b);
(2) Người ra lệnh cho họ là để cho các môn đệ đi (18,8); (3) Người giữ trọn lời
đã hứa với Cha: “Những người Cha đã ban cho Con, Con không để mất một ai”
(18,9). Người đã nói với Cha như thế ở 17,12: “Khi Con còn ở với họ, chính Con
đã gìn giữ họ trong danh của Cha, danh mà
Cha đã ban cho Con. Con đã canh giữ và không một ai trong họ hư mất, trừ đứa
con hư hỏng, để Kinh Thánh được nên trọn.” (Xem 6,39; 10,28).
Ba
chi tiết trên cho phép hiểu “egô eimi” của Đức Giê-su biểu lộ quyền năng
thần linh của Người như một cuộc thần hiện (Thiên Chúa xuất hiện trên núi
Xi-nai ở Xh 19,16-25). Nếu chỉ với hai chữ ngắn ngủi “egô eimi” mà những
kẻ đến bắt đã phải “lùi lại và ngã xuống đất” (18,6b), thì họ không thể đụng đến
Đức Giê-su được. Vậy việc “cơ đội và viên chỉ huy cùng các thuộc hạ của những
người Do Thái
bắt Đức Giê-su và trói Người lại” (18,12) là vì Đức Giê-su cho phép họ bắt. Người
tự nguyện bước vào cuộc Thương Khó để bày tỏ tình yêu dành cho Cha của Người (14,31)
và tình yêu cao cả dành cho những kẻ thuộc về Người (13,1; 15,13).
3. “Egô eimi” không có thuộc từ (4 lần)
Có 4
lần “egô eimi” không có thuộc từ trong Tin Mừng (8,24.28.58; 13,19). Đức
Giê-su nói lời này với các nhân vật: những người Pha-ri-sêu (8,24.28); những người
Do Thái (8,58); các môn đệ (13,19). Về yếu tố thời gian, “tin” Đức Giê-su là “egô
eimi” trong hiện tại (8,24), trong tương lai (13,19) và “biết” Đức Giê-su là
“egô eimi” trong tương lai (8,28). Ở 8,58, Đức Giê-su mặc khải về sự
hiện hữu của Người so với ông Áp-ra-ham. Phần sau sẽ phân tích 4 lần “egô
eimi” này.
a) “Nếu các ông không tin rằng: Tôi Là…”
(8,24)
Người
thuật chuyện kể về trao đổi giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu ở 8,23-26:
“23 Người nói với họ: ‘Các ông, các ông thuộc về hạ giới; còn Tôi, Tôi thuộc về
thượng giới. Các ông, các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi, Tôi không thuộc
về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ chết trong tội của các
ông. Vì nếu các ông không tin rằng: Tôi Là (egô eimi), các ông sẽ chết
trong tội của các ông.’ 25 Họ nói với Người: ‘Ông là ai?’ Đức Giê-su nói với
họ: ‘Ngay từ đầu, Tôi nói với các ông điều đó. 26 Tôi có nhiều điều phải nói và
xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; và Tôi, những
điều Tôi đã nghe nơi Người, Tôi nói những điều đó trong thế gian.’” Sau mặc khải về nguồn gốc
thượng giới (Đức Giê-su) và tình trạng những kẻ thuộc về hạ giới (những người
Pha-ri-sêu), Đức Giê-su mời gọi họ tin Người là Đấng “Ta Là” (egô eimi),
nếu không họ sẽ chết trong tội của họ.
Theo X.
Léon-Dufour, “egô eimi” ở 8,24.28 không gợi đến danh Thiên Chúa như ở Is
43,10 hay Xh 3,14, bởi vì, theo tác giả này, trong bối cảnh Ga 8, Đức Giê-su
không phải là Chúa Cha và Người không hề đồng hoá với Đấng cứu chuộc duy nhất như
ở Is 43,10. (Xem X. Léon-Dufour, Lecture de l’Évangile selon Jean, t. II: Chapitres 5–12, Paris,
Le Seuil, 1990, p. 271). X. Léon-Dufour đề nghị thêm đại từ vào cụm từ “egô
eimi” ở 8,24.28a: “Tôi là như thế” (“Je [le] suis”). Tác giả giải thích như
sau: “Bối cảnh trước c. 24 giải thích rõ: Đức Giê-su vừa khẳng định sự hiệp
nhất với Cha và gần hơn là nguồn gốc của Người: ‘còn Tôi, Tôi thuộc về thượng
giới’ (c. 23). Đó là thuộc từ mặc nhiên của c. 24, theo nghĩa: ‘Nếu các ông
không tin rằng Tôi ở (thượng giới).’ Để tôn trọng chiều hướng huyền nhiệm của
câu văn, chỉ cần thêm đại từ không xác định “như thế” (le) vào “tôi là” (je suis):
‘Nếu các ông không tin rằng Tôi là (như thế).’ Đại từ này thâu tóm những khẳng
định trước đó của Đức Giê-su.” (X. Léon-Dufour,
Lecture
de l’Évangile selon Jean, t. II: Chapitres 5–12, 1990, p. 271-272). Đối với X. Léon-Dufour,
hai lần “egô eimi” ở 8,24.28 có thuộc từ mặc nhiên, nên không gợi đến danh
ĐỨC CHÚA.
Theo
chúng tôi, lời tuyên bố long trọng “egô eimi” của Đức Giê-su ở 8,24.28
gợi đến những gì Đức Giê-su đã nói trước đó như X. Léon-Dufour đã giải thích trên
đây, đồng thời gợi về tất cả mặc khải trong Tin Mừng về nguồn gốc và căn tính
thần linh của Đức Giê-su. Người là Đấng Cha sai đến thế gian, là “Con Người”, là
“Con Một Thiên Chúa”, là Lời (Logos) “ở
với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa” (1,1b). Cuối Tin
Mừng, Tô-ma tuyên xưng trước Đức Giê-su Phục Sinh ở 20,28: “Lạy Chúa (kurios) của con, lạy Thiên Chúa (theos) của con.” Lời
này nối kết với lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18) cho thấy niềm tin của cộng đoàn
Gio-an vào Đức Giê-su. Đối với cộng đoàn, Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa.
Tuy vậy, Đức Giê-su không bao giờ đồng hoá mình với Chúa Cha mà cho biết Người hiệp
thông sâu xa với Cha bởi vì Người “hằng ở nơi cung lòng Cha” (1,18b), Người ở
trong Cha và Cha ở trong Người (10,38; 14,10.11), Người và Cha là một (10,30). Trong
viễn cảnh này, “egô eimi” của Đức Giê-su ở 8,24 gợi đến danh của ĐỨC CHÚA
trong Cựu Ước. Vì Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa (20,28).
Đức
Giê-su mời gọi thính giả và độc giả tin rằng “Người thật là Đấng cứu độ thế
gian” (4,42c) và Người là con đường duy nhất để đến với Chúa Cha như Người nói
với các môn đệ ở 14,6: “Chính Thầy là con đường và là sự
thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” Lời mời gọi tin vào Đức Đức Giê-su là Đấng “egô eimi” ở 8,24
có nghĩa thần học quan trọng. Nếu từ chối tin điều này, hậu quả là chết trong
tội của mình. Chết ở đây có nghĩa là hư mất, là không có sự sống đời đời. Về điều
này, Đức Giê-su đã khẳng định ngay từ đầu Tin Mừng ở 3,16: “Vì Thiên Chúa đã
quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không
hư mất, nhưng có sự sống đời đời.”
Câu những
người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su ở 8,25a: “Ông là ai?” cho thấy họ không biết
Đức Giê-su. Họ cũng không hiểu ý nghĩa kiểu nói “egô eimi” (8,24). Thật
ra, Đức Giê-su đã mặc khải nhiều lần về nguồn gốc của Người và về tương quan
giữa Người với Cha, nhưng những kẻ chống đối không đón nhận lời Người và không
nhìn nhận căn tính thần linh của Người.
b) “Bấy giờ các ông sẽ biết rằng Tôi Là”
(8,28)
Tiếp
nối đoạn văn trên đây (8,23-26) là đoạn văn 8,27-29. Trong đó xuất hiện “egô
eimi” lần thứ hai không có thuộc từ. Người thuật chuyện kể ở 8,27-29: “27
Họ (những người Pha-ri-sêu) không biết là Người (Đức Giê-su) nói với họ về Cha.
28 Vậy Đức Giê-su nói [với họ]: ‘Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ
các ông sẽ biết rằng Tôi Là (egô eimi), và Tôi không tự mình làm bất cứ
điều gì, nhưng Tôi nói những điều ấy như Cha đã dạy Tôi. 29 Và Đấng đã sai Tôi
ở với Tôi; Người không bỏ Tôi một mình, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.’”
Trong
trình thuật, những người Pha-ri-sêu chưa biết Đức Giê-su là ai (8,25), họ cũng
không biết là Đức Giê-su nói với họ về Cha (8,27). Trong tình trạng không biết của
những kẻ chống đối trong hiện tại, Đức Giê-su cho biết họ có thể hiểu biết
trong tương lai ở 8,28. Mệnh đề “khi các ông giương cao Con Người lên” (8,28a)
gợi về biến cố thập giá. Đức Giê-su dùng hình ảnh “giương cao” khi nói với
Ni-cô-đê-mô ở 3,14-15: “14 Như Mô-sê đã giương cao con rắn trong hoang mạc, Con
Người phải được giương cao như vậy, 15 để mọi kẻ tin thì có sự sống đời đời trong Người.” Theo thần học Tin Mừng, biến
cố Đức Giê-su được giương cao trên thập giá là lúc Người được tôn vinh. Khi
biến cố Thương Khó gần đến, Đức Giê-su tuyên bố ở 12,23: “Giờ
đã đến để Con Người được tôn vinh.”
Đại
từ “các ông” ở 8,24a chỉ về “những người Pha-ri-sêu”, họ không tin và chống đối Đức Giê-su. Tuy nhiên trong Tin Mừng, những kẻ chống đối
còn là các thượng tế và những người Do Thái. Họ tìm giết Đức Giê-su (8,37.40)
và quyết định giết Đức Giê-su (11,45-53). Ở 8,28, Đức Giê-su cho biết những kẻ
chống đối sẽ dẫn Người đến thập giá, vì họ không biết Người và không biết Chúa
Cha (8,19). Tuy vậy, biến cố thập giá lại là cơ may cho họ. Qua biến cố này, họ
có thể biết căn tính của Đức Giê-su, hiểu sứ vụ Người và nhận ra tương quan mật
thiết giữa Người với Cha. Về căn tính thần linh, Đức Giê-su là Đấng “egô
eimi (Ta Là)” (8,28b) như danh ĐỨC CHÚA trong Cựu Ước. Về sứ vụ, Người “không
tự mình làm bất cứ điều gì” (8,28c) và hằng làm những điều đẹp ý Cha (8,29c).
Về tương quan với Cha, Người là Đấng Cha sai đến (8,29a). Chúa Cha dạy Người (8,28d),
ở với Người (8,29a) và không để Người một mình (8,29b).
Biến
cố Đức Giê-su được giương cao trên thập giá bày tỏ cách nghịch lý thiên tính, và
tư cách Con Một Thiên Chúa của Người như người thuật chuyện (1,1-3) và Tô-ma (20,28)
đã tuyên xưng. Vậy “egô eimi” của Đức Giê-su song song với “egô eimi”
của ĐỨC CHÚA trong I-sai-a. “Egô eimi” ở 8,24 mời gọi độc giả nhận biết Đức
Giê-su là ai.
c) “Trước khi có Áp-ra-ham, Tôi Là” (8,58)
Ở
8,58, Đức Giê-su mặc khải một chân lý khác về Người. Người hiện hữu từ lúc nào?
Sự hiện hữu ở đây hiểu theo nghĩa thể lý hay thần linh? Đức Giê-su nói tới đề
tài này khi tuyên bố với những người Do Thái ở 8,56: “Áp-ra-ham, cha các ông,
đã hoan hỉ, vì hy vọng được thấy ngày của Tôi. Ông ấy đã thấy và đã mừng rỡ.”
Trước lời tuyên bố lạ lùng này, người thuật chuyện cho biết ở 8,57-59: “57 Vậy
những người Do Thái nói với Người: ‘Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy Áp-ra-ham sao?’
58 Đức Giê-su nói với họ: ‘A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Trước khi có
Áp-ra-ham, Tôi Là (egô eimi).’ 59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng
Đức Giê-su ẩn mình và đi ra khỏi Đền Thờ.”
Câu
trả lời ở 8,58 là mặc khải long trọng mở đầu bằng công thức: “A-men, a-men, Tôi
nói cho các ông…” Hiện hữu của Đức Giê-su được trình bày trong tương quan với
hiện hữu của Áp-ra-ham qua kiểu nói “egô eimi” (Tôi Là). Những người Do
Thái đã hiểu lầm khi giải thích theo nghĩa thể lý ở 8,57: “Ông (Đức Giê-su) chưa
được năm mươi tuổi mà đã thấy Áp-ra-ham sao?” Thực ra, Đức Giê-su nói về sự
hiện hữu thần linh với tư cách Người là Con Một Thiên Chúa (1,18). Căn tính thần
linh này diễn tả qua kiểu nói “egô eimi”, tương tự như “egô eimi”
của ĐỨC CHÚA trong Cựu Ước. Bối cảnh Tin Mừng giúp hiểu hiện hữu của Đức Giê-su
diễn tả qua “egô eimi” (8,58).
Trước
hết, tác giả Tin Mừng khẳng định sự hiện hữu của Lời (Logos) ở 1,1a: “Lời
có lúc khởi đầu (en arkhêi en ho logos).” “Lúc khởi đầu” (en
arkhêi) ở đây gợi đến câu đầu tiên của bộ Kinh
Thánh trong sách Sáng Thế ở St 1,1: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời
đất.” Như thế Lời (Logos) đã hiện hữu trước cả khi “Thiên Chúa sáng
tạo trời đất”. Trong Tin Mừng, người thuật chuyện khẳng định ở Ga 1,14a: “Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng tôi.” Vậy, từ lúc khởi đầu của mọi thụ tạo, Đức Giê-su đã hiện hữu với tư
cách là Lời (Logos).
Kế đến, chính Đức Giê-su khẳng định sự tiền hữu của
Người ở đầu (17,5) và ở cuối (17,24) ch. 17. Người thưa với Cha ở 17,5: “Vậy
giờ đây, lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con bên Cha, vinh quang mà Con đã có bên Cha
trước khi có thế gian”; và ở 17,24: “Lạy Cha, về những người mà Cha đã ban cho Con, Con
muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang
của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho
Con vì Cha đã yêu mến Con trước khi thế gian được tạo thành.”
Hai câu trên khẳng định Đức Giê-su đã hiện hữu “trước khi có thế gian” (17,5),
“trước khi thế gian được tạo thành”
(17,24). “Egô eimi” không có thuộc từ ở 8,58 là khẳng định long trọng về
sự hiện hữu của Đức Giê-su, không chỉ là trước khi Áp-ra-ham hiện hữu mà còn là
trước khi thế gian được tạo thành. Vậy Tin Mừng đề cao sự tiền hữu của Đức
Giê-su, vì được nói đến ở đầu (1,1), ở giữa (8,58) và ở cuối (17,5.24; 20,18) Tin
Mừng.
Trong bối cảnh tranh luận, hình ảnh tổ phụ
Áp-ra-ham xuất hiện nhiều lần trong đoạn văn 8,31-59. Những người Do Thái khẳng
định họ là con cháu Áp-ra-ham (8,33) và Áp-ra-ham là cha của họ (8,39). Nhưng Đức
Giê-su cho biết cha của họ không phải là Áp-ra-ham vì họ không “làm những việc
của Áp-ra-ham”. Người nói với họ ở 8,39b-40: “39b Nếu các ông là con cái Áp-ra-ham,
các ông đã làm những việc của Áp-ra-ham. 40 Nhưng bây giờ các ông tìm giết Tôi,
là người đã nói cho các ông sự thật
mà Tôi đã nghe nơi Thiên Chúa. Điều đó, Áp-ra-ham đã không
làm.” Khi tìm giết Đức Giê-su, họ không có Áp-ra-ham là
cha nữa. Cha của họ cũng không phải là Thiên Chúa (8,41b-42) mà là quỷ, như Người
nói với họ ở 8,44a: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm
những ước muốn của cha các ông.”
Khi Đức Giê-su nói với những người Do Thái về Áp-ra-ham
ở 8,56: “Áp-ra-ham, cha các ông, đã hoan hỉ, vì hy vọng được thấy ngày của Tôi.
Ông ấy đã thấy và đã mừng rỡ”; và ở 8,58b: “Trước khi có Áp-ra-ham, Tôi Là”, Người
mặc khải căn tính thần linh của Người và Người thực hiện lời Thiên Chúa hứa với
Áp-ra-ham. Vậy, nếu những người Do Thái “làm những việc của Áp-ra-ham” (8,39-40),
họ sẽ nhận biết Đức Giê-su là Đấng Cha sai đến và tin vào Người.
d) “Anh em tin rằng: Thầy Là” (13,19)
Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Đức
Giê-su nói với họ ở 13,18-19: “18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính
Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng để Kinh Thánh được nên trọn: ‘Kẻ đã
cùng con ăn bánh lại giơ gót đạp con.’ 19 Thầy nói với anh em từ lúc này, trước
khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin rằng: Thầy Là (egô eimi).”
Cũng như ở 8,28, Đức Giê-su cho biết biến cố thập
giá làm ứng nghiệm Kinh Thánh ở 13,18c: “Để Kinh Thánh được nên trọn: ‘Kẻ đã
cùng con ăn bánh lại giơ gót đạp con.’” (Xem Tv 41(40),10). Cũng như ở 8,24, “Egô
eimi” của Đức Giê-su ở 13,19b nhắm đến hành động “tin” trong tương lai. Sau
biến cố Thương Khó – Phục Sinh, các môn đệ sẽ biết trọn vẹn căn tính thần linh
của Đức Giê-su: Người là Đấng “egô eimi” (Ta Là).
“Egô eimi” ở 13,19 có ý nghĩa quan trọng,
vì các môn đệ là những người đã tin vào Đức Giê-su, nhưng chưa thực sự biết hết
căn tính thần linh của Người trước biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Chỉ sau khi Đức
Giê-su về với Cha và Đấng Pa-rác-lê (Thần Khí sự thật) đến với các môn đệ, thì họ
mới thực sự tin và nhận biết trọn vẹn “egô eimi” của Đức Giê-su, đó là danh
xưng thần linh của Người và của ĐỨC CHÚA trong Cựu Ước.
Kết luận
Trong Cựu ước, “egô eimi” (chính Ta là) nói
về Danh xưng của ĐỨC CHÚA (YHWH), trong Tin Mừng Gio-an “egô eimi” của
Đức Giê-su diễn tả thần tính của Người như là Con Một Thiên Chúa, Đấng được Cha
sai đến. Vậy “egô eimi” của Đức Giê-su không thay thế “egô eimi”
của ĐỨC CHÚA, nhưng tương quan với nhau theo nguyên tắc Đức Giê-su đề ra khi
Người nói với những người Do Thái ở 5,17: “Cha Tôi làm việc cho đến bây giờ,
Tôi cũng làm việc.”
“Egô eimi” của Đức Giê-su trong Tin Mừng được
hiểu trong viễn cảnh sau biến cố Phục Sinh. Cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I
tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su là Lời (Logos) của Thiên Chúa (1,1),
Người là Chúa và là Thiên Chúa (20,28). Đức Giê-su là Đấng Cha sai đến trần
gian và Người hiệp thông sâu xa với Cha như Người đã nói với những người Do Thái
ở 10,30: “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một.”
Với các môn đệ Đức Giê-su nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (14,9c); “Thầy trong Cha và Cha trong Thầy” (14,11). Tóm
lại, tất cả mặc khải liên quan đến nguồn gốc, căn tính và sứ vụ của Đức Giê-su,
cũng như tương quan mật thiết giữa Người với Chúa Cha trong Tin Mừng hàm ẩn trong
kiểu nói “egô eimi”./.
Thư mục
[1966] Brown, R. E.,
“Appendix IV: EGO EIMI – ‘I AM’”, in Id., The Gospel According to John, I–XII, vol. I, (AB 29), New York
(NY), Doubleday, 1966, p. 533-538.
[1975] Dodd, C. H., L’interprétation du quatrième Évangile, (Lectio Divina 82), Paris,
Le Cerf, 1975, (orig. The Interpretation of the Fourth Gospel, 1953).
[1978] Barrett, C. K., The Gospel According to St. John. An Introduction with
Commentary and Note on the Greek Text, (Second Edition), London, SPCK, (11955),
21978.
[1987] Schnackenburg, R., “Excursus 8: The Origin and
Meaning of the egô eimi Formula”, in Id., The Gospel According to St. John, vol. II: Commentary on Chapter 5–12, New York, The Crossroad
Publishing Company, [1971], 1987, p. 79-89. (Orig. Das Johannesevangelium, 1971).
[1990] Léon-Dufour, X., Lecture de l’Évangile selon Jean, t. II: (chapitres 5–12),
(Parole de Dieu), Paris, Le Seuil, 1990.
[1998] Moloney, F. J., The
Gospel of John, (SPS 4), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1998.
[2001] McGrath, J. F., “‘I obey, there
‘I am’ (John 8.12-59)”, in Id., John’s Apologetic Christology:
Legitimation and Development in Johannine Christology, (SNTS.MS 111), Cambridge, Cambridge University
Press, 2001, p. 103-116.
[2001] Williams,
C. H., “‘I Am’ or ‘I Am He’”, in FORTNA, R. T.; Thatcher
T., (eds.), Jesus in Johannine Tradition, Louisville
(KY), Westminster John Knox Press, 2001, p. 343-352.
[2010] Ronning,
John, “The ‘I Am He’ Sayings”, in Id., The
Jews Targums and John’s Logos Theology, Peabody (MA), Hendrickson Publishers,
2010, p. 194-223.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét