Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 03 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
I. Biết bằng lý trí (oida)
1. Số lần và chiết tự
2. Đức Giê-su và các môn đệ “biết” (oida)
3. Những kẻ chống đối không “biết” (oida)
II. Biết bằng con tim (ginôskô)
1. Số lần và chiết tự
2. Đức Giê-su và các môn đệ “biết” (ginôskô)
3. Những kẻ chống đối không “biết” (ginôskô)
III. Kết hợp “oida” và “ginôskô”
1. Đức Giê-su biết “oida” và “ginôskô”
2. Những kẻ chống đối không biết
“oida” và “ginôskô”
IV. Động từ “làm cho
biết” (gnôrizô)
1. Làm cho biết mặc khải
(15,15)
2. Tiếp tục làm cho biết (17,26)
Kết luận
Dẫn nhập
Đề tài “biết” trong Tin mừng Gio-an diễn
tả qua ba động từ Hy-lạp. Trong đó hai động từ “oida” (84 lần) và “ginôskô”
(57 lần) đều có nghĩa là “biết”; động từ “gnôrizô” (3 lần) có nghĩa “làm
cho biết”. Đề tài này quan trọng về thần học và liên quan đến nhiều nhân vật: Đức
Giê-su, Chúa Cha, các môn đệ và những kẻ chống đối, Ni-cô-đê-mô, người phụ nữ
Sa-ma-ri, v.v...
Hiện nay có ba ý kiến về cách hiểu “oida”
và “ginôskô” trong Tin Mừng Gio-an: (1) phân biệt khác
nhau giữa
“oida” và “ginôskô”, (I. de La Potterie); (2) hai động
từ “oida”
và “ginôskô” thay thế được
cho nhau, đồng
nghĩa, (J. Gaffney; K. J. Carl); (3) có phân biệt,
nhưng
không rõ, (R. E. Brown). Xem các lập
trường
trong P.-M. Jerumanis, Réaliser la communion avec Dieu,
1996, n. 181, p. 147.
Trong Tin Mừng có những nơi khó phân biệt
sự khác nhau về sắc thái nghĩa của “oida” và “ginôskô”. Tuy
nhiên, bối cảnh văn chương cũng như phân tích từ ngữ cho phép hiểu sắc thái
nghĩa khác nhau của hai động từ này. Động từ “oida” nhắm vào sự hiểu
biết bằng lý trí nhờ suy luận; động từ “ginôskô” nghiêng về sự hiểu biết
bằng con tim, nhờ tương quan và kinh nghiệm sống. Bài viết tìm hiểu đề tài “biết”
trong Tin Mừng qua bốn mục: (I) biết bằng lý trí (oida); (II) biết bằng con tim (ginôskô); (III) kết hợp “oida” và “ginôskô”; (IV) động
từ “làm cho biết” (gnôrizô).
I. Biết bằng lý trí (oida)
Ba điểm sau bàn về động từ “oida”
(biết, hiểu biết): (1) số lần và chiết tự; (2) Đức Giê-su và các
môn đệ “biết” (oida); (3) những kẻ chống đối không “biết” (oida).
1. Số lần và chiết tự
Động từ “oida” xuất hiện 84 lần
trong Tin Mừng Gio-an:
Ch. 1–12 (54 lần): 1,26.31.33; 2,9a.9b; 3,2.8.11; 4,10.22a.22b.25.32.42;
5,13.32; 6,6.42.61.64; 7,15.27.28a.28b.28c.29; 8,14a.14b.19a.19b.19c.37.55a.55b.55c;
9,12.20.21a.21b.24.25a.25b.29a.29b.30.31; 10,4.5; 11,22.24.42.49; 12,35.50.
Ch. 13–17 (14 lần): 13,1.3.7.11.17.18;14,4.5a.5b;
15,15.21; 16,18.30a.30b.
Ch. 18–21 (16
lần): 18,2.4.21; 19,10.28.35; 20,2.9.13.14; 21,4.12.15.16.17.24.
Động từ Hy-lạp “oida” có ngữ căn là
“id-” có nghĩa “thấy”, “nhận ra”, “nhận biết”. Trong chiều hướng này, “oida”
diễn tả hiểu biết nhờ khả năng lý luận bằng lý trí. Hễ là con người, ai cũng có
khả năng này. Các môn đệ đã tin vào Đức Giê-su nhưng vẫn phải học hỏi để hiểu
biết mặc khải.
2. Đức Giê-su và các môn đệ “biết” (oida)
Đồng từ “oida” liên
quan đến Đức Giê-su và các môn đệ được minh hoạ qua ba ý: (1) Đức Giê-su biết, (2)
các môn đệ biết, (3) mọi người được mời gọi biết.
(1) Đức Giê-su biết Giờ của Người đã đến và
biết ý nghĩa của Giờ ấy. Người thuật chuyện kể ở 13,1-3: “1 Trước lễ Vượt Qua, Đức
Giê-su biết (eidôs) rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà
về với Cha. Đã yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến
họ đến cùng. 2 Trong bữa ăn, quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn
Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Người. 3 Người biết (eidôs) rằng: Cha đã trao
ban mọi sự trong tay Người và Người bởi Thiên Chúa mà đến và Người đi về cùng
Thiên Chúa.” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư).
Hai lần động từ “oida” ở 13,1.3 cho thấy Đức Giê-su ý thức và biết rõ về
Giờ của Người, Người biết điều gì sắp xảy đến với Người.
(2) Đầu ch. 10, Đức Giê-su dùng động từ “oida” để
nói về khả năng nhận biết của đàn chiên ở 10,4-5: “4 Khi đàn chiên của mình đã
ra hết, người ấy (mục tử) đi trước chúng và đàn chiên đi theo người ấy, vì
chúng biết (oidasin) tiếng nói của người ấy. 5 Chúng sẽ không đi theo
người lạ, nhưng chúng sẽ trốn tránh anh ta, vì chúng không biết (ouk oidasin)
tiếng nói của những người lạ.” Trong ch. 13–16, qua những thắc mắc của các môn
đệ, Đức Giê-su cho họ biết Người là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Cuối sứ vụ của
Đức Giê-su, các môn đệ nói với Người ở 16,30: “Bây giờ chúng con biết (oidamen)
rằng Thầy biết (oidas) mọi sự và Thầy không cần có ai để hỏi Thầy. Vì
điều này, chúng con tin rằng: Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” Vậy quá trình giảng
dạy của Đức Giê-su đã đạt kết quả. Các môn đệ đã biết Người nhưng vẫn còn nhiều
điều các môn đệ chưa biết, cần học hỏi suốt cả đời để càng ngày càng biết thêm
về Đức Giê-su và giáo huấn của Người.
(3) Đức Giê-su mời gọi người nghe tìm hiểu
để “biết”. Người nói với người phụ nữ Sa-ma-ri ở 4,10: “Nếu chị nhận biết (êideis)
ân huệ của Thiên Chúa và ai là người nói với chị: ‘Cho Tôi uống với’, hẳn chị
đã xin người ấy và người ấy đã ban cho chị nước sự sống.” Trong phần tiếp theo cuộc
đối thoại, chị đã nhận biết một phần về Đức Giê-su khi nói với Người ở 4,19: “Thưa
Ông, tôi thấy rằng chính Ông là một ngôn sứ.” Trong ch. 9, cách anh mù được thấy
tranh luận với những kẻ chất vấn anh, đã đề cao sự hiểu biết của anh mù. Người
thuật chuyện kể ở 9,24-25: “24 Vậy họ (những người Pha-ri-sêu và những người Do
Thái) gọi người ấy lần thứ hai – người trước đây là người mù –, và nói với anh
ta: ‘Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng tôi, chúng tôi biết (oidamen) rằng:
Ông ấy là người tội lỗi.’ 25 Anh ta trả lời: ‘Ông ấy là người tội lỗi hay không,
tôi không biết (ouk oida). Tôi chỉ biết (oida) một điều: Là người
mù nhưng bây giờ tôi thấy được.’” Bản văn mời gọi độc giả biết lý luận sắc bén
như anh mù được thấy: biết và xác tín những gì Đức Giê-su đã làm cho mình.
3. Những kẻ chống đối không “biết” (oida)
Trong ch. 8, Đức Giê-su nói với những
người Pha-ri-sêu ở 8,14: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là
thật, bởi vì Tôi biết (oida) Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu. Nhưng các ông,
các ông không biết (ouk oidate) Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu.” Sau đó Người
nói với họ ở 8,18: “Chính Tôi là người làm chứng về mình, và Cha, Đấng đã sai
Tôi, làm chứng về Tôi.” Những người Pha-ri-sêu hỏi Người: “Cha của Ông ở đâu?” (8,19a)
Người trả lời họ: “Các ông không biết (oidate) Tôi, cũng chẳng biết
Cha của Tôi. Nếu các ông biết Tôi (êideite), các ông cũng
biết (êideite) Cha của Tôi” (8,19b).
Bối cảnh tranh luận ở 8,18-19 nhấn mạnh khía
cạnh hiểu biết bằng lý luận nên dùng động từ “oida”. Điều nghịch lý là những
người Pha-ri-sêu đang đối thoại với Đức Giê-su, họ biết rõ nguồn gốc của Đức
Giê-su, nhưng Người khẳng định họ không biết Người. Không biết Đức Giê-su thì
cũng không biết Chúa Cha. Những kẻ chống đối, không tin và không đón nhận Đức
Giê-su. Họ không thuộc về Thiên Chúa (8,47), không thuộc về sự thật (18,37) và
không thuộc về đàn chiên của Người (10,26), nên không biết Đức Giê-su cũng dễ
hiểu. Họ đã không dùng khả năng lý trí để nhận biết Đức Giê-su.
II. Biết bằng con tim (ginôskô)
Động từ “ginôskô”
(biết, học biết) được trình bày qua ba điểm: (1) số lần và
chiết tự; (2) Đức Giê-su và các
môn đệ “biết” (ginôskô); (3) những kẻ chống đối không “biết” (ginôskô).
1. Số lần và
chiết tự
Động từ “ginôskô”
(biết, học biết), xuất hiện 57 lần trong Tin Mừng:
Ch. 1–12 (33 lần):
1,10.48; 2,24.25; 3,10; 4,1.53; 5,6.42; 6,15.69; 7,17.26.27.49.51;
8,27.28.32.43.52.55; 10,6.14a.14b.15a.15b.27.38a.38b; 11,57; 12,9.16.
Ch. 13–17 (22 lần):
13,7.12.28.35; 14,7a.7b.7c.9.17a.17b.20.31; 15,18; 16,3.19;
17,3.7.8.23.25a.25b.25c.
Ch. 18–21 (2 lần): 19,4; 21,17.
Động từ “ginôskô” có tiếp vĩ ngữ:
“-skô”. Đây là dạng láy âm diễn tả ý tưởng học biết, lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm đạt tới một sự hiểu biết nào
đó. “Biết” như thế là qua quá trình học hỏi kèm theo kinh nghiệm sống.
Nên động từ “ginôskô” còn có nghĩa “học biết” (apprendre
à connaître).
Trong Kinh Thánh, động từ “ginôskô”
(biết) còn có nghĩa đặc biệt: diễn tả sự hiệp thông sâu xa, trong tương quan
tình yêu. Theo nghĩa này, “ginôskô” (biết) diễn tả việc vợ chồng ăn ở
với nhau. Sách Sáng thế kể ở 4,1: “Con người biết (theo nghĩa ăn ở với) E-và,
vợ mình. Bà thụ thai và sinh Ca-in.” Trong câu này, động từ “biết” tiếng
Híp-ri: yāda’, được dịch sang Hy-lạp trong bản LXX là “ginôskô”.
2. Đức Giê-su và các môn đệ “biết” (ginôskô)
Phần này trình bày hai ý: (1) Đức Giê-su và
Chúa Cha “biết” (ginôskô); (2) các môn đệ “biết” (ginôskô).
(1) Đức Giê-su biết những gì thâm sâu nơi
con người. Lần đầu tiên Na-tha-na-en gặp Đức Giê-su, Người nói với ông ở 1,47: “Đây
đích thật là một người Ít-ra-en, nơi ông ấy không có gian dối.” Na-tha-na-en
nói với Người: “Làm sao Ngài lại biết (ginôskeis) tôi?” (1,48a). Đức
Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, khi anh ở dưới cây vả, Tôi đã
thấy anh” (1,48b). Đức Giê-su đã thấy Na-tha-na-en trước khi gặp ông. Cuối ch. 2,
người thuật chuyện cho biết trong đoạn văn tóm kết ở 2,23-25: “23 Trong lúc
Người (Đức Giê-su) ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào
danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính
Người không tin họ, vì Người biết (ginôskein) tất cả, 25 và Người không
cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết (eginôsken) có gì
nơi con người.” Đoạn văn nhấn mạnh sự biết huyền nhiệm của Đức Giê-su và cho thấy
lòng tin của dân chúng cần được củng cố thêm qua việc lắng nghe Đức Giê-su để đạt
tới lòng tin đích thực.
Sau dấu lạ bánh và cá hoá nhiều, người thuật
chuyện cho biết ở 6,15: “Đức Giê-su biết (gnous) họ (đám đông chứng kiến
dấu lạ) sắp đến và bắt lấy Người để tôn
làm vua. Một lần nữa, Người đi lên núi một mình.” Trong ch. 10, Đức Giê-su mặc
khải cho những người Pha-ri-sêu về tương quan giữa Người với đàn chiên và với
Chúa Cha ở 10,14-15: “14 Chính Tôi là mục tử tốt. Tôi biết (ginôskô) chiên
của Tôi, và chiên của Tôi biết (ginôskousi) Tôi, 15 như Cha biết (ginôskei)
Tôi và Tôi biết (ginôskô) Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình vì đàn
chiên.” Động từ “ginôskô” ở đây diễn tả “biết” trong tương quan: mục tử
và đàn chiên, Đức Giê-su và Cha biết lẫn nhau.
(2) Tiến trình hiểu biết của các môn đệ được
trình bày theo hướng biết Đức Giê-su thì biết Chúa Cha. Đức Giê-su nói với các
môn đệ ở 14,7: “Nếu anh em biết (egnôkate) Thầy, anh em cũng sẽ biết (gnôsesthe)
Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết (ginôskete) Người và đã thấy
Người.” Ở đây là biết trong tương quan, biết bằng con tim, bằng sự lắng nghe và
đón nhận. Các môn đệ học biết bằng “nghe” và “thấy”: nghe Đức Giê-su và thấy
những dấu lạ Người làm. Từ đó, nhận biết Đức Giê-su là ai. Nhờ biết Đức Giê-su,
các môn đệ biết về Cha. Vậy không biết Đức Giê-su thì cũng không biết Thiên
Chúa. Thiên Chúa ở đây có nhiều đặc điểm mới so với Cựu Ước. Đó là Thiên Chúa
theo như Đức Giê-su mặc khải. Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su, Người đến từ nơi
Cha, Người được Cha sai đến để ban sự sống cho người tin. Vậy Đức Giê-su mặc
khải về Cha và làm cho các môn đệ biết Cha.
Đức Giê-su còn cho biết trước những điều các
môn đệ sẽ biết sau biến cố Phục Sinh, Người nói với họ ở 14,20: “Trong ngày đó,
anh em sẽ biết (gnôsesthe) rằng: Thầy trong Cha Thầy, anh em trong Thầy và
Thầy trong anh em.” Đây là lời hứa quan trọng về sự hiện diện và hiệp thông giữa
Đức Giê-su và người tin. Vấn đề là người tin có thực sự biết và sống tương quan
này không. Trong ch. 17, Đức Giê-su định nghĩa lòng tin bằng động từ “ginôskô”
khi ngỏ lời với Cha của Người ở 17,3: “Đây là sự sống đời đời: Họ nhận
biết (ginôskôsin) Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân thật, và Đấng Cha đã
sai đến là Đức Giê-su Ki-tô.”
3. Những kẻ chống đối không “biết” (ginôskô)
Trong ch. 8, khi Đức Giê-su nói với những
người Do Thái ở 8,26: “Tôi có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng
Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; và Tôi, những điều Tôi đã nghe nơi Người, Tôi
nói những điều đó trong thế gian”, người
thuật chuyện cho độc giả biết ở 8,27: “Họ (những
người Do Thái) không biết (ouk egnôsan) là Người
nói với họ về Cha.” Khi
chống đối và tìm giết Đức Giê-su (8,37.40), những người Do Thái mất khả năng nghe
và hiểu biết như Người nói với họ ở 8,43: “Tại sao các ông
không hiểu biết (ou ginôskete) ngôn ngữ của Tôi? Bởi vì các ông không thể
nghe lời Tôi.”
Đầu ch. 16, Đức Giê-su nói với các môn đệ
về những kẻ bách hại ở 16,2-3: “2 Họ sẽ làm cho anh em thành những người bị
khai trừ khỏi hội đường. Sẽ đến giờ, kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng
thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm những điều đó vì họ đã không biết (egnôsan) Cha
cũng chẳng biết Thầy.” Nếu hiểu động từ “ginôskô” theo nghĩa biết
nhờ tương quan, nhờ lòng mến, thì những kẻ bách hại đã không biết Đức Giê-su và
không biết Thiên Chúa. Họ đã không có tương quan với Thiên Chúa, đã không giữ
Lề Luật và các điều răn của Người. Sự “không biết Thiên Chúa” này gợi lại bất
trung của dân Ít-ra-en được thuật lại trong Cựu Ước.
Tiến trình học biết Đức Giê-su của những
kẻ chống đối đã thất bại. Họ không có khả năng nghe và không biết nhìn để nhận
biết Đức Giê-su. Khó khăn của họ là đạt đến sự hiểu biết đích thực. Họ tự cho là
biết, nhưng lại “biết không đúng”. M.-é.
Boismard và A. Lamouille nhận định về họ: “Vì định hướng sai lạc về Thiên Chúa,
nên họ không thể đón nhận cách đúng đắn Đấng Thiên Chúa sai đến.” (M.-é. Boismard; A. Lamouille, Synopse
des quatre évangiles, t. III, 1977, p. 378). Thực ra, theo thần học Tin
Mừng, chỉ những ai đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa mới đến được với Đức
Giê-su như Người cho biết ở 6,44a: “Không ai có thể đến với Tôi, nếu Cha là
Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy”; và ở 6,45: “Mọi người nghe Cha và đón
nhận giáo huấn của Người thì đến với Tôi.”
III. Kết hợp “oida” và “ginôskô”
Một số đề tài trong Tin Mừng dùng cả hai động
từ “oida” và “ginôskô”. Phần sau bàn về trường hợp của
(1) Đức Giê-su và (2) những kẻ chống đối.
1. Đức Giê-su biết “oida” và “ginôskô”
Đề tài “Đức Giê-su biết Chúa Cha” được diễn
tả bằng cả hai động từ “oida” và “ginôskô”. Ở 8,55, khi tranh
luận với những người Do Thái, Đức Giê-su đối lập giữa biết và không biết Chúa Cha.
Người nói với họ ở 8,55: “Các ông không biết (ginôskô) Người (Chúa Cha);
nhưng Tôi, Tôi biết (oida) Người. Nếu Tôi nói là Tôi không biết (oida)
Người, thì Tôi sẽ giống như các ông là kẻ nói dối. Nhưng Tôi biết (oida)
Người và Tôi giữ lời của Người.” Đức Giê-su dùng động từ “oida” (biết)
để khẳng định Người biết Cha, điều này phù hợp với bối cảnh tranh luận, trong
đó khía cạnh hiểu biết bằng lý trí được đề cao. Đồng thời, ở 10,15, Đức Giê-su
dùng động từ “ginôskô” để khẳng định Người biết Cha. Người nói ở 10,15:
“Cha biết (ginôskô) Tôi, và Tôi biết (ginôskô) Cha.” Bằng cách
dùng cả hai động từ: “oida” (8,55) và “ginôskô” (10,15), Đức
Giê-su cho thấy Người biết Chúa Cha cách trọn hảo và sâu xa đến nỗi Người khẳng
định với những người Do Thái ở 10,30: “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một”, và ở 10,38:
“Cha trong Tôi và Tôi trong Cha”. Người cũng mặc khải điều này cho các môn đệ
khi nói với họ ở 14,9: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”, và ở 14,11: “Thầy trong Cha
và Cha trong Thầy.”
Sự hiểu biết của Đức Giê-su về con người cũng
được diễn tả bằng động từ “ginôskô” (2,24-25) và “oida” (16,30a).
Trong ch. 2, người thuật chuyện cho biết ở 2,24-25: “24 Nhưng Đức Giê-su, chính
Người không tin họ, vì Người biết (ginôskein) tất cả, 25 và Người không
cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết (eginôsken) có gì
nơi con người.” Đến ch. 16, các môn đệ nói với Đức Giê-su ở 16,30: “Bây giờ
chúng con biết (oidamen) rằng Thầy biết (oidas) mọi sự và Thầy
không cần có ai để hỏi Thầy. Tương tự như trên, Đức Giê-su biết rõ lòng con người
được diễn tả qua cả hai động từ có nghĩa “biết”.
2. Những kẻ chống đối không biết
“oida” và “ginôskô”
Đề tài “không biết” liên quan đến những kẻ
đối lập xuất hiện 6 lần và diễn tả bằng hai động từ. Trong đó, thế gian không
biết, 3 lần: 15,21 (oida); 16,3 (ginôskô); 17,25 (ginôskô);
những kẻ chống đối không biết, 3 lần: 7,28 (oida); 8,19 (oida);
8,55 (ginôskô).
Trong ch. 7–8, đề tài “không biết Chúa Cha”
của những kẻ chống đối Đức Giê-su (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu)
được diễn tả bằng “oida” và “ginôskô”. Thật vậy, khi giảng dạy
trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói 7,28b: “Đấng đã sai Tôi là Đấng chân thật, Đấng
mà các ông không biết (oida).” Trong ch. 8, Đức Giê-su nói với những
người Do Thái ở 8,55a: “Các ông không biết (ginôskô) Người (Cha).”
Sự không biết của thế gian thù ghét trong đoạn
văn 15,18–16,4a cũng được diễn tả bằng “oida” (15,21) và “ginôskô”
(16,3). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,21: “Nhưng họ sẽ làm tất cả những
điều ấy (bắt bớ) cho anh em vì danh của Thầy, bởi họ không biết (oidasin)
Đấng đã sai Thầy”; và ở 16,3: “Họ sẽ làm những điều đó (giết các môn đệ) vì họ
đã không biết (egnôsan) Cha cũng chẳng biết Thầy.”
Phủ định hai động từ “oida” và “ginôskô”
cho thấy những kẻ đối lập với Đức Giê-su đã hoàn toàn không biết Người và không
biết Cha. Họ không biết về tri thức (oida) và không biết về tương quan (ginôskô).
Câu phủ định làm nổi bật tương phản “biết - không biết” diễn tả mạnh mẽ sự khước
từ và chống đối.
Tuy nhiên bối cảnh Tin Mừng cho phép hiểu
“sự không biết” của những kẻ chống đối theo hướng tích cực. Những kẻ chống đối
đã bách hại Đức Giê-su và các môn đệ vì không biết. Nên Đức Giê-su và các môn
đệ vẫn có tương quan với họ. Họ bách hại vì không biết, nên người tin không cắt
đứt tương quan với những kẻ chống đối. Ngược lại, sứ vụ của Đức Giê-su và sứ vụ
của các môn đệ là làm cho họ nhận biết rằng Chúa Cha đã sai Đức Giê-su đến thế
gian (17,21.23). Khả năng “biết” của họ vẫn ở phía trước. Trong viễn cảnh này, “biết”
– “không biết” là đề tài quan trọng và độc đáo của thần học Tin Mừng. Mặc khải của
Đức Giê-su về những kẻ chống đối vừa giúp các môn đệ đứng vững trước khó khăn
thử thách, vừa giúp các môn đệ có tương quan đúng đắn và tích cực với với những
người chưa thực sự biết Đức Giê-su là ai.
IV. Động từ “làm cho
biết” (gnôrizô)
Động từ “gnôrizô” (làm cho biết), xuất
hiện 3 lần trong Tin Mừng ở 15,15; 17,26a.26b. Tuy ít lần nhưng có ý nghĩa quan
trọng. Trong cả ba lần, chủ từ của động từ “gnôrizô” là Đức Giê-su. Phần
sau trình bày hai điểm: (1) làm cho biết mặc khải (15,15); (2) tiếp tục làm cho
biết (17,26).
1. Làm cho biết mặc khải
(15,15)
Trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức
Giê-su nói với các môn đệ ở 15,15b: “Tất cả những gì Thầy nghe nơi Cha của
Thầy, Thầy đã làm cho anh em biết (gnôrizô).” Vậy toàn bộ mặc khải đã
được Đức Giê-su trao ban cho các môn đệ rồi. Nội dung mặc khải được thuật lại
trong Tin Mừng, nên không cần đi tìm mặc khải ở nơi nào khác nữa. Theo thần học
Tin Mừng, sứ vụ của Đức Giê-su là “làm cho biết”. Thật vậy, Người ngỏ lời với Cha
về kết quả sứ vụ ở 17,7-8: “7 Bây giờ họ (các môn đệ) biết (ginôskô)
rằng: Tất cả những gì Cha ban cho Con đều là của Cha. 8 Những lời mà Cha đã ban
cho Con, Con đã ban cho họ; và họ đã nhận chúng, và họ đã biết (ginôskô)
thật là Con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai Con.” Như thế, tiến
trình Đức Giê-su truyền đạt mặc khải và tiến trình của các môn đệ học biết mặc
khải đã thành công. Họ đã biết Đức Giê-su và biết Chúa Cha, nhưng việc học hỏi
chưa kết thúc.
2. Tiếp tục làm cho biết (17,26)
Đức Giê-su đã trao ban toàn bộ mặc khải cho
các môn đệ (15,15), tuy nhiên tiến trình làm cho biết mặc khải vẫn chưa kết
thúc. Trong mạch văn Tin Mừng, Đức Giê-su tiếp tục “làm cho biết”. Các môn đệ và
độc giả được mời gọi tiếp tục “học biết” vì không ai dám cho rằng mình đã biết
tất cả mặc khải. Vì thế, trước khi bước vào cuộc Thương Khó, lời cuối cùng Đức
Giê-su nói với Cha (17,25-26) vừa tóm kết sứ vụ, vừa hướng về tương lai, diễn tả
qua động từ “biết” (ginôskô) và “làm cho biết” (gnôrizô). Đức
Giê-su nói với Cha ở 17,25-26: “25 Lạy Cha Đấng Công Chính, thế gian đã không
biết (egnô) Cha, nhưng Con, Con biết (egnôn) Cha, và những người
này đã biết (egnôsan) rằng: Chính Cha đã sai Con. 26 Con đã làm cho họ
biết (gnôrisa) danh của Cha, và Con sẽ còn làm cho họ biết (gnôrisô),
để tình yêu mà Cha đã yêu mến Con ở trong họ và Con trong họ.” Đức Giê-su tiếp
tục làm cho các môn đệ biết trong suốt cuộc đời của họ qua sự hướng dẫn, giảng
dạy của Đấng Pa-rác-lê. Đấng này dạy và làm cho các môn đệ nhớ lại tất cả những
gì Đức Giê-su đã nói (14,26). Chính Đấng Pa-rác-lê dẫn các môn đệ đi trong sự
thật toàn vẹn (16,13). (Xem bài viết: “Ðấng
Pa-rác-lê là ai?”)
Kết luận
Hai động từ “oida” và “ginôskô”
(biết) cùng với động từ “gnôrizô” (làm cho biết) cho phép xây dựng thần
học về quá trình truyền đạt và đón nhận mặc khải.
Đức Giê-su biết cách trọn vẹn về Chúa Cha,
về các môn đệ, về đàn chiên của Người và về con người theo cả hai nghĩa: biết
bằng tri thức, nhờ lý luận (oida) và biết bằng con tim, nhờ tình yêu (ginôskô).
Các môn đệ cũng biết Đức Giê-su, biết Chúa Cha và biết mặc khải bằng lý trí (oida)
và bằng con tim (ginôskô) nhờ sự đón nhận, lắng nghe và tin vào Đức
Giê-su.
Ngược lại, những kẻ chống đối và không tin
vào Đức Giê-su (những người Do Thái, những người Pha-ri-sêu, các thượng tế), đã
hoàn toàn không biết Đức Giê-su và Chúa Cha. Họ không biết bằng suy luận (oida)
và không biết bằng con tim (ginôskô). Tuy nhiên, Đức Giê-su luôn mời gọi
họ mở lòng ra để biết. Sứ vụ của các môn đệ qua mọi thời đại là sống hiệp nhất với
nhau để thế gian nhận biết và tin vào Đức Giê-su (17,21.23). Xem mục: “Thế gian
không biết (oida và ginôskô)” trong Yêu và ghét, Phần I,
tr. 202-218.
Với động từ gnôrizô” (làm cho biết),
Đức Giê-su được trình bày như là “Đấng làm cho biết”, “Đấng mặc khải”, “Đấng
giảng dạy”. Nên trong suốt Tin Mừng, Đức Giê-su làm cho thính giả và độc giả
biết sự thật về Thiên Chúa, sự thật về Người và sự thật về con người. Đề tài “biết
– không biết – làm cho biết” mời gọi độc giả qua mọi thời đại (đã tin, chưa tin,
sẽ tin) bước vào tiến trình học hỏi bằng lý trí và con tim để thực sự biết Đức
Giê-su và hiểu giáo huấn của Người. Việc học hỏi này không bao giờ kết thúc vì
Đức Giê-su không ngừng “làm cho biết” qua hoạt động của Đấng Pa-rác-lê, Thần
Khí sự thật.
Cám ơn cha thật nhiều về bài "Biết bằng lý trí- biết bằng con tim". Qua bài này, cha đã dày công phân tích thật mạch lạc, rõ ràng về ý nghĩa của các động từ: Oida, Ginôskô và Gnôrizô trong Tin mừng GA, làm cho người đọc nắm bắt được vấn đề chắc chắn.
Trả lờiXóaThưa cha, phải chăng, con người có tự do, dù "biết bằng lý trí- biết bằng con tim", để biết Chúa, nhưng lúc nào cũng vẫn có con người chối từ, chống lại Chúa?
Thiên Chúa dựng nên con người và ban cho con người món quà quý giá là sự tự do. Thiên Chúa muốn con người dùng sự tự do ấy để nhận biết Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho nhau. Trong thực tế, với lương tâm và lương tri trong sáng, nhiều người đã dùng tự do để tìm kiếm sự thật và đứng về phía sự thật, đến với Ánh Sáng và yêu mến Ánh Sáng. Nhưng cũng có người dùng tự do để lựa chọn đứng về phía bóng tối. Thực ra có thể nói, người khước từ điều mang lại hạnh phúc và sự sống đích thực cho mình và cho người khác thì không còn là người có sự tự do đích thực nữa, người ấy đã trở thành nô lệ cho thế lực đen tối.
Trả lờiXóaTrong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su tôn trọng tự do của con người: Tự do làm môn đệ cũng như tự do để thôi không làm môn đệ nữa. Điều này đã xảy ra ở Ga 6. Sau khi nghe Đức Giê-su mặc khải về nguồn gốc và sứ vụ của Người trong diễn từ bánh sự sống (Ga 6,25-59), nhiều môn đệ nói: “Lời này chướng tai quá! Ai có thể nghe nổi?” (6,60) Rồi người thuật chuyện cho biết: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ của Người bỏ đi và không còn đi với Người nữa.” “Nhiều môn đệ” (polloi mathêtai) bỏ đi chứ không phải một vài môn đệ. Đức Giê-su tôn trọng sự lựa chọn của con người, tuy nhiên Người không thất vọng về sự lựa chọn không tin. Đức Giê-su và các môn đệ của Người qua mọi thời đại vẫn tiếp tục sứ vụ làm cho mọi người “biết” và “tin” vào Đức Giê-su (Ga 17,21.23).
Thưa Cha, bài chia sẻ của cha nói về biết bằng lý trí (oida) là nhờ nhận biết qua trí thức và nhờ suy luận, còn biết bằng con tim (ginôskô)là nhờ lắng nghe, sự đón nhận và tin. Nhưng thực tế con đường từ cái đầu đến con tim rất xa, vì có rất nhiều người học cao hiểu rộng mà vẩn ở ngoài Giáo hội, đúng là 1 sự tự do và 1 chọn lựa phải không cha???
Trả lờiXóaTừ cái đầu đến con tim có thể rất xa mà cũng có thể rất gần. Nếu chỉ biết bằng lý trí hay chỉ biết bằng con tim, con người có thể rơi vào nguy cơ xa rời thực tại cuộc sống và khó đi vào tương quan nhân vị với người khác. Thông thường “biết bằng lý trí” và “biết bằng con tim” hỗ trợ nhau để nhận ra sự phong phú và phức tạp của cuộc sống: Sự đan xen giữa ánh sáng và bóng tối, giữa niềm vui và nỗi đau...
Trả lờiXóaTrong Tin Mừng thứ tư, “biết” hay “không biết” liên quan đến “đón nhận” hay “không đón nhận”, “tin” hay “không tin” vào Đức Giê-su, nên đề tài “biết” có nghĩa thần học. Nói cách khác, theo thần học Tin Mừng thứ tư, “biết” hay “không biết” đồng nghĩa với “có” hay “không có” sự sống đời đời. Sự sống đích thực mà Đức Giê-su ban tặng cho những ai tin vào Người.
Cám ơn những lời giải thích của cha thật nhiều. "Biết" không phải chỉ để hiểu, nhưng để sống. Con người không ai là chân lý, duy có Chúa là Chân, Thiện, Mỹ. Chỉ có những người cố gắng sống và làm cho đời mình chân thật hơn, chính xác hơn. Yêu ai là tin vào người đó, nhưng hành trình tin vào Chúa cũng oái oăm lắm phải vậy không, thưa cha? Vì tình yêu không có thử nghiệm, nhưng tình yêu là một thử thách.
Trả lờiXóaTheo thần học Tin Mừng thứ tư, những câu hỏi sau đây không ngừng được đặt ra: Biết hay không biết? Tin hay không tin? “Là môn đệ” nhưng liệu có “làm môn đệ” hay không? Nghĩa là có hiểu và sống theo giáo huấn của Đức Giê-su hay không?
Trả lờiXóaĐúng là hành trình dấn thân “tin” và “làm môn đệ” Đức Giê-su vẫn ở phía trước, hành trình này thường gặp nhiều “thử thách” và “lắm oái ăm”, nhiều lúc đòi hỏi hy sinh và cả những mất mát. Nhưng nếu làm môn đệ Đức Giê-su để được sống sự sống của Thiên Chúa, để cuộc sống này có ý nghĩa, để có sức vượt qua mọi trở ngại và để có tình yêu, niềm vui và bình an sâu xa trong tâm hồn, thì cũng đáng để dấn thân. Trong thực tế, có người đã đành mất tất cả… để được tất cả…
Cám ơn bài viết “Biết bằng lý trí – biết bằng con tim” của Cha rất nhiều. Bằng lối diễn giải sâu sắc và phong phú, Cha đã giúp chúng con mở rộng kiến thức Thánh Kinh để việc “nghe”, “nhìn” và “học để biết” điều Đức Giêsu “nói và làm” - trở nên thú vị cho cuộc sống. Nhưng Cha phải cầu nguyện nhiều cho chúng sinh, bởi tiến trình này chắc chắn là nghiêu khê lắm lắm, bởi “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi – mà khó vì lòng người đào bới lung tung!”.
Trả lờiXóaTuy nhiên Cha giáo thật khéo léo để giải mã ẩn số: Đấng Pa-rác-lê dầu chỉ được nhắc đến 4 lần ở phần cuối số 5 và 6, nhưng chính Ngài, Thần Khí sự thật lại là Đấng làm sinh động tiến trình “làm cho biết” và “biết Đức Giêsu bằng con tim” một cách viên mãn., nếu chúng ta chấp nhận làm môn sinh của Đấng Pa-rác-lê.
Ước mong những tác phẩm và bài viết của Cha giáo luôn có những giá trị mà nhiều say yêu Lời Chúa đang muốn tìm đến.
Cha ơi, con đọc mà "mê"... bài Cha viết.
Trả lờiXóaCó lẽ không phải vô tình mà là "hữu duyên" nên con mới "vớ" được và đọc nó trong Mùa Chay này. Hình như con chưa "biết" hay biết lơ mơ về Chúa, nên Ngài...
Cho phép con "rinh" bài của Cha "về nhà" con để con nghiền ngẫm nha.
Cám ơn Cha nhiều.