04/03/2020

Mc 1,40-45: Tại sao không giữ lời Đức Giê-su căn dặn?


Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 04 tháng 03 năm 2020.



Nội dung



Dẫn nhập
    1. Hành động trước khi được chữa lành
    2. Phản ứng sau khi được chữa lành
    3. Ý nghĩa của việc “không vâng lời” (Mc 1,44-45)
Kết luận


Dẫn nhập

Đoạn văn Mc 1,40-45 thuật lại việc Đức Giê-su chữa người mắc bệnh phong hủi và những gì xảy ra sau đó. Người thuật chuyện kể ở Mc 1,40-45: “40 Và một người phong hủi đến với Người (Đức Giê-su), van xin Người, [quỳ xuống] và nói với Người rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch.’ 41 Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và nói với anh ta: ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch.’ 42 Ngay lập tức, bệnh phong hủi biến khỏi anh ta và anh ta được sạch. 43 Rồi nghiêm giọng với anh ta, Người đuổi anh ta đi ngay 44 và nói với anh ta: ‘Coi chừng, đừng nói gì với ai, nhưng anh hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, anh hãy tiến dâng những gì Mô-sê đã truyền, để làm chứng trước mặt họ.’ 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh ta đã bắt đầu rao giảng nhiều nơi và loan truyền lời ấy, đến nỗi Người không thể công khai đi vào thành, Người đành ở những nơi hoang vắng bên ngoài và người ta từ khắp nơi đến với Người.” (Xem Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt).

Không phải tình cờ khi bản văn lặp lại bốn lần từ “sạch”, trong đó 3 lần là động từ “katharizô” (sạch) ở Mc 1,40.41.42 và 1 lần danh từ “katharismos” (sự sạch) ở 1,44. Người mắc bệnh phong “muốn được sạch” và Đức Giê-su “muốn anh ta được sạch”. Hai ước muốn gặp nhau và lập tức anh ta được sạch. Sau đó Đức Giê-su nói anh ta đi trình diện tư tế, để xác nhận “sự sạch” (được chữa lành) nơi anh ta. Như thế, bệnh phong hủi làm người ta trở nên không “sạch” và bị cách ly khỏi xã hội. Bệnh phong làm cho sự giao tiếp và tương quan của người bệnh với người khác bị cắt đứt. Vậy làm thế nào để biến đổi từ tình trạng “không sạch” trở thành “được sạch”, từ tình trạng “tương quan bị cắt đứt” trở thành “có tương quan với người khác”?

Điều lạ lùng trong cách hành văn là sau khi chữa lành, Đức Giê-su lại đuổi anh ta đi ngay, dặn anh ra không nói gì với ai và đi trình diện tư tế, nhưng anh ta đã không giữ lời Đức Giê-su căn dặn. Thay vì giữ im lặng thì người được chữa lành lại đi “rao giảng nhiều nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai đi vào thành” (1,45). Việc anh ta không giữ lời Đức Giê-su trong bản văn có ý nghĩa gì? Bài viết tìm hiểu việc chữa lành bệnh phong hủi và phản ứng lạ lùng của người được chữa lành qua ba điểm: (1) người mắc bệnh phong đã làm gì trước khi được chữa lành, (2) đã phản ứng thế nào sau khi được chữa lành, và (3) ý nghĩa của việc “không vâng lời” (Mc 1,44-45).

    1. Hành động trước khi được chữa lành

Câu chuyện mở đầu khi người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin để Người làm cho anh được sạch. Về phía Đức Giê-su, Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và nói: “Tôi muốn, anh hãy được sạch” (1,41). Lập tức bệnh phong biến khỏi và anh ta được sạch. Như thế, việc chữa lành được thực hiện từ cả hai phía. Ba động tác về phía người bệnh phong hủi là “đến với”, “quỳ xuống” và “van xin Đức Giê-su” bằng một lời nói: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch” (1,40). Về phía Đức Giê-su, Người cũng thực hiện ba bước, trước hết là chạnh lòng thương, kế đến là đụng vào người phong hủi và sau cùng là nói lên ý muốn của Người: “Tôi muốn, anh hãy được sạch” (1,41). Trong lời nói của hai nhân vật, đều xuất hiện động từ “muốn” (thelô) và động từ “sạch” (katharizô). Như thế, “ước muốn được sạch” của người bệnh phong chỉ được thực hiện khi anh ta đối diện với người vừa “muốn chữa lành”, vừa “có khả năng chữa lành”. Nếu “không muốn” và “không xin” thì chẳng có gì để nói. Nhưng nếu “muốn” và “van xin” mà không gặp được người “có khả năng” thì cũng chẳng có gì xảy ra.

Bản văn đề cao hành động của người bị phong hủi: “đến với Đức Giê-su” và “van xin Người”. Đây là hành động “cầu xin” dựa trên niềm tin, vì đây không phải là cách chữa bệnh bình thường. Đồng thời bản văn đề cao “ước muốn” và “khả năng chữa lành” của Đức Giê-su. Người là Đấng có quyền năng làm cho người mắc bệnh phong “được sạch”, nghĩa là làm cho một người bị loại trừ khỏi cộng đoàn được hội nhập trở lại và thiết lập tương quan với mọi người trong cộng đoàn.

    2. Phản ứng sau khi được chữa lành

Sự hội nhập cộng đoàn của người được chữa lành diễn tả qua sự đảo ngược ngoạn mục. Từ chỗ anh ta không được tiếp xúc với cộng đồng đến chỗ trở thành người rao giảng về lời Đức Giê-su. Người thuật chuyện cho biết ở 1,45a: “Vừa đi khỏi, anh ta đã bắt đầu rao giảng nhiều nơi và loan truyền lời ấy”. Câu kết của bài Tin Mừng cho thấy tầm ảnh hưởng lời rao giảng của anh ta: “...đến nỗi Người (Đức Giê-su) không thể công khai đi vào thành, Người đành ở những nơi hoang vắng bên ngoài và người ta từ khắp nơi đến với Người” (1,45b).

Người mắc bệnh phong được chữa lành là người đã thi hành sứ vụ của Đức Giê-su: “rao giảng” (kêrussô). Thực vậy, trước đoạn văn Mc 1,40-45, người thuật chuyện cho biết ở 1,39: “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng (kêrussô) trong các Hội đường.” Đến 1,45, chính người được chữa lành đi “rao giảng nhiều nơi”, còn Đức Giê-su lại không di chuyển để “giảng dạy” mà “ở những nơi hoang vắng bên ngoài và người ta từ khắp nơi đến với Người” (1,45b). Chi tiết: “Người ta từ khắp nơi đến với Người” cho thấy kết quả lời rao giảng của người được chữa lành là ngoài sức tưởng tượng.

Đầu đoạn văn, người phong “đến với Đức Giê-su” chứ không phải Đức Giê-su đến với anh ta. Đến cuối đoạn văn, Đức Giê-su lại không thể công khai vào thành, vì người được chữa lành đã làm cho nhiều người khác từ khắp nơi “đến với Đức Giê-su”. Bản văn muốn nói với độc giả rằng ai thực sự gặp được Đức Giê-su và được Người “chữa lành bệnh tương quan”, thì người ấy sẽ phản ứng bằng cách “rao giảng về Đức Giê-su” và làm cho “nhiều người khác”, “đến với Người”. Điều lạ trong bản văn là “lời rao giảng thành công” của người được chữa lành là do “không giữ lời Đức Giê-su”.

    3. Ý nghĩa của việc “không vâng lời” (Mc 1,44-45)

Sau khi người bệnh được chữa lành, Đức Giê-su đã làm gì và nói gì với anh ta? Người nghiêm giọng, đuổi anh ta đi ngay và nói với anh ta: “Coi chừng, đừng nói gì với ai, nhưng anh hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, anh hãy tiến dâng những gì Mô-sê đã truyền, để làm chứng trước mặt họ” (1,44). Người được chữa lành hoàn toàn không giữ lời Đức Giê-su dặn. Đức Giê-su nói “coi chừng, đừng nói gì với ai” thì anh ta lại “loan truyền lời ấy cho cả thành biết”. Đức Giê-su bảo “hãy đi trình diện tư tế và tiến dâng những gì Mô-sê đã truyền” thì anh ta lại không đi trình diện tư tế và dâng của lễ mà đi vào thành rao giảng và nói với mọi người về việc anh ta được chữa lành. Tại sao anh ta không giữ lời Đức Giê-su căn dặn? Kiểu hành văn này có ý nghĩa gì? Lời dặn của Đức Giê-su có thể hiểu là nhằm tránh hiểu lầm về tư cách Mê-si-a của Người và để Người có thể vào các thành rao giảng. Điều đáng chú ý là việc người được chữa lành không giữ lời dặn đã mang lại ba hiệu quả tích cực:

(1) Điều tích cực thứ nhất là anh ta nói về Đức Giê-su cho mọi người, nhưng lời rao giảng của anh ta không thay thế lời rao giảng của Đức Giê-su. Ngược lại, lời rao giảng của người được chữa lành là làm cho “mọi người đến với Đức Giê-su”.

(2) Điều tích cực thứ hai là thay vì Đức Giê-su đi vào các thành để rao giảng cho đám đông, thì bây giờ dân chúng từ khắp nơi đến với Người. Nhờ lời giảng của người được chữa lành, Đức Giê-su có thể giảng dạy mà không phải đi đâu cả. Hơn nữa nhờ anh ta mà cử toạ được chuẩn bị trước, dân chúng chủ động đến với Đức Giê-su nghĩa là họ thực sự muốn nghe lời Người.

(3) Điều tích cực thứ ba là việc không giữ lời Đức Giê-su căn dặn diễn tả tác động lớn lao của việc chữa lành. Làm sao anh ta có thể im lặng khi niềm vui gặp được Đức Giê-su, hạnh phúc được chữa lành, được hội nhập vào cộng đồng là quá lớn. Để diễn tả cuộc đời mới, sức sống mới, tương quan mới, anh ta không còn cách nào khác là ra đi loan báo về Đức Giê-su. Dân chúng khắp nơi đã cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc ấy, nên họ đã kéo đến với Đức Giê-su, để cũng được sạch tâm linh, nghĩa là có thể thiết lập tương quan với Đức Giê-su và tương quan với người khác.

Đề tài người được chữa lành “không giữ lời Đức Giê-su dặn” (Mc 1,44-45) còn xuất hiện ở các nơi khác trong Tin Mừng Mác-cô và đây là một trong những kiểu hành văn độc đáo của văn chương Mác-cô. Đề tài tương phản: “Càng cấm, càng nói”. Xem bài viết: “Bí mật công khai”. Cấm không được nói mà ai cũng biết! Chi tiết “không vâng lời Đức Giê-su” ở 1,40-45 cho độc giả biết hai thông tin: (1) Theo truyền thống Do Thái, để hội nhập vào cộng đồng, người bệnh phong hủi được chữa lành phải “trình diện tư tế, và tiến dâng những gì Mô-sê đã truyền” (1,44). (2) Đối với độc giả dân ngoại (cũng là độc giả qua mọi thời đại), họ được mời gọi hành động như người phong được chữa lành: ra đi rao giảng để mọi người ở mọi nơi, mọi thời, đến được với Đức Giê-su.

Kết luận

Con người có thể “cô đơn” và “đơn độc” ngay giữa đám đông. Có những người hoàn toàn khoẻ mạnh về thể lý, nhưng tương quan với người khác lại bị tổn thương, bị rạn nứt, thậm chí bị cắt đứt, đổ vỡ, nghĩa là trở thành những người “bị tách rời khỏi cộng đoàn” hay “tự mình cắt đứt tương quan với người khác”. Bài Tin Mừng dùng hình ảnh “bệnh phong hủi” để diễn tả “tương quan bị cắt đứt” giữa cá nhân với cộng đoàn. Vì thế, hãy đến với Đức Giê-su để được Người chữa lành. Hành trình của người mắc bệnh phong trong bản văn là lời mời gọi độc giả hãy “đến với” và “xin” Đức Giê-su. Người sẽ chữa lành, vì Người là “Đấng muốn chữa lành” và “có khả năng chữa lành”. Nghĩa là Đức Giê-su có khả năng làm cho độc giả được thanh tẩy, được sạch, được hội nhập cộng đoàn và bước vào tương quan với Đức Giê-su và tương quan tốt đẹp với mọi người.

Một khi đã được chữa lành, những tương quan trên sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc khôn tả, thúc đẩy những ai được chữa lành lên đường, ra đi rao giảng và loan báo về Đức Giê-su để mọi người cũng có cơ may đến với Đức Giê-su để đón nhận niềm vui và hạnh phúc ấy. Cách thức rao giảng mà bản văn đề cao là rao giảng như thế nào đó, để mọi người không “đến với mình” mà là “đến với Đức Giê-su”, lắng nghe và tin vào Người. Ước mong độc giả thực sự gặp Đức Giê-su, bước vào tương quan tràn đầy sức sống với Người và với mọi người. Từ đó hân hoan ra đi rao giảng và làm chứng về Đức Giê-su để chia sẻ niềm vui và hạnh phúc đã lãnh nhận cho mọi người./.


12 nhận xét:

  1. Nặc danh17:22 5/2/12

    thật là hay!
    "không giữ lời Đức Giêsu"...vì niềm vui quá lớn làm sao có thể giữ riêng trong lòng. giá như mỗi Kitô hữu đều cảm nhận thật niềm vui được gặp Đức Giêsu và được Người chữa lành thì thế giới đã khác, vì người ta sẽ ùn ùn kéo đến với Đức Giêsu rồi!..bài viết của cha đã làm con suy nghĩ nhiều về việc đón nhận Tin Mừng, con nhớ đến hình ảnh một người đi quảng cáo bột giặt mà lại mặc một chiếc áo lem luốc, một người đi rao niềm vui mà không biết đến nụ cười,..."đến với Người" mới có cơ may có "tin mừng" nơi chính mình!để loan báo! đây là thách đố lớn cha nhỉ?!..cám ơn cha về bài chia sẻ!mỗi lần đọc bài cha chia sẻ con thấy Lời Chúa rất thú vị! chắc cha đã gặp Đức Giêsu rồi phải không!xin chúc mừng cha và chúc cha "không giữ lời Đức Giêsu" bao giờ. (vinhson18@....)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả vinhson đã có nhận xét hay. Một trong những thách đố lớn ngày nay là làm thế nào để Lời Chúa trở thành hấp dẫn và thú vị cho mọi người. Những chia sẻ trên chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng Lời Chúa, vì mỗi đoạn văn ẩn chứa những nét độc đáo và thú vị riêng.

      Trong đoạn văn Mc 1,40-45, nếu như người được chữa lành làm theo lời Đức Giê-su dặn thì sức mạnh của bản văn sẽ giảm đi và sẽ không hay bằng câu chuyện như hiện nay. Vậy ý tưởng độc đáo của Mc 1,40-45 là "không giữ lời Đức Giêsu".

      Tuy vậy, không nên khái quát ý tưởng này, bởi vì ở nơi khác, việc tuân giữ giáo huấn của Đức Giê-su lại rất quan trọng. Chẳng hạn Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Ga 15,13: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em làm những điều Thầy truyền dạy anh em”. Trong trường hợp này, người môn đệ không chỉ “giữ” mà còn “làm”, nghĩa là thực hiện giáo huấn của Đức Giê-su trong cuộc sống để có thể bước vào tương quan bạn hữu với Người.

      Xóa
  2. Cám ơn cha thật nhiều về bài chia sẻ .
    Được đọc trong các Tin Mừng, Đức Giê su hay dùng lối dạy nghịch thường nhằm đánh bật con người ra khỏi những tập quán, những tiên kiến của mình để dọn đường cho những nhận định và suy tư độc lập. Nhưng một thái độ hay lời nói nghịch thường chủ ý làm nổi bật một khía cạnh của sự việc. Nếu coi đó là một nguyên tắc rồi áp dụng một cách máy móc tức là quên đi những khía cạnh khác. Điều đó cha cũng đã trả lời ở trên.
    Đức Giê su đã làm nhiều phép lạ, chữa lành những bệnh tật cho nhiều người và nhiều chuyện tốt lành khác... Vây, thưa cha, tại sao các môn đệ đã theo Ngài, sống bên Ngài và thấy được những chuyện đó. Nhưng khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: Các con có biết Ta là ai? Không ai biết rõ Đức Giê su là ai, ngọai trừ Phê rô ? Có lẽ, hôm nay Đức Giê su hỏi từng người trong chúng ta, con nghĩ rằng, không ai biết rõ Đức Giê su là ai ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả Tran Hoang Trang đã nhận xét và đặt câu hỏi về đề tài quan trọng: “biết rõ Đức Giê-su là ai”. Trước khi trả lời câu hỏi, có lẽ cần làm rõ: Các sách Tin Mừng được viết ra cho ai? Các sách Tin Mừng được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất, sau khi Đức Giê-su Phục Sinh đã hơn 40 năm. Như thế, sách Tin Mừng thuật lại biến cố Đức Giê-su là nhằm giáo huấn cộng đoàn, để cộng đoàn biết Đức Giê-su là ai và giáo huấn của Người là gì. Khi Hội Thánh đón nhận bốn sách Tin Mừng vào Quy Điển, sách Tin Mừng trở thành thông điệp mặc khải dành cho độc giả qua mọi thời đại. Câu hỏi đặt ra là câu chuyện kể lại trong sách Tin Mừng có ý nghĩa gì cho độc giả?

      Theo Tin Mừng Mác-cô, có thể nói rằng, đang khi Đức Giê-su thi hành sứ vụ công khai thì không ai biết rõ Đức Giê-su thực sự là ai, kể cả tông đồ Phê-rô. Xem mục “Hành trình ‘đi xuống’ của Phê-rô, Tông Đồ trưởng” trong bài viết: “Anh em ngu muội như thế sao?” (7,18) trên blog (mục tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô). Bởi lẽ, nếu Phê-rô thực sự biết Đức Giê-su là ai thì đã không chối Thầy đến ba lần.

      Cách trình bày Tin Mừng như thế nhằm đề cao biến cố Thương Khó – Phục Sinh của Đức Giê-su. Đây là biến cố nền tảng của niềm tin và các môn đệ chỉ thực sự biết Đức Giê-su là ai, sau khi lãnh nhận ơn ban từ biến cố Thương Khó - Phục Sinh. Đối với độc giả ngày nay, điều sách Tin Mừng muốn nói là Đức Giê-su đã Phục Sinh rồi, nhưng liệu độc giả có thực sự biết Đức Giê-su là ai không? Bài viết “biết bằng lý trí, biết bằng con tim” trên blog (mục tìm hiểu Tin Mừng Gio-an) cho thấy rằng: “Biết Đức Giê-su là ai” là hành trình suốt cả đời người, bởi vì đây là biết trong tương quan, biết để sống với, biết để hiệp thông. Do đó, cần cả cuộc đời để học biết Đức Giê-su là ai bằng cách không ngừng tìm hiểu Tin Mừng và tập sống theo giáo huấn của Người./.

      Xóa
  3. Mc 1:22.27 nói Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… uy quyền của Đức Giê-su thể hiện qua một loạt các phép lạ. Tại sao người bệnh lại không vâng lời Đức Giê-su? Điều đó rất đúng, nếu như người bệnh có im lặng thì ngay trong thân xác của anh đã là lời loan báo rồi. Qua chia sẻ của Cha, khi nói đến lời van xin Chúa đã chạnh lòng, con nghĩ Chúa đã quặn lòng trước thân phận anh. Chúa đã nâng anh lên, làm cho anh có khả năng hội nhập vào cộng đoàn & xã hội. Anh đã chạm vào Đấng đầy tình yêu (thẩm quyền), chính anh đã nhận ra mình được yêu, hơn nữa là được sống trong tự do của 1 con người mà trước khi anh không dám ngẩng đầu lên. Con tạm trả lời chính sức mạnh này là đà sống giúp anh không giữ lời. Qua các bài chia sẻ của Cha đã giúp con ngộ ra rất nhiều về tình yêu của Chúa Giê-su trước con người khốn khổ Mc 1:40-45. Con chân thành cám ơn Cha thật nhiều.
    Con
    k.liễu.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh15:02 7/2/12

    Cảm ơn cha nhiều về bài Tin Mừng này. Cha có lối lập luận rất súc tích và chuộng cách dùng hình ảnh, từ ngữ tương phản nhau khiến hấp dẫn người đọc rất nhiều. XIn Chúa ban nhiều phúc lộc xuân mới của Ngài xuống trên cha, để cha tiếp tục nghiên cứu và rao truyền Lời cho mọi người.

    Matteo

    Trả lờiXóa
  5. Đọc cái tựa đề hết cả hồn, cảm ơn cha về bài viết hay

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh21:47 8/2/12

    Cám ơn Cha về bài viết thật hay. Qua bài viết của Cha, chúng con có dịp hiểu rõ thêm ý nghĩa của bản văn này. Con nghĩ rằng, người tín hữu trong thời đại hôm nay, kể cả chính bản thân con, đều đã không làm theo lời Đức Giêsu căn dặn, nhưng không làm theo một cách thức không phải là cách thức của người được chữa lành trong bản văn mà Cha đã phân tích.

    Trả lờiXóa
  7. Trinh Đỗ Phương23:32 11/2/12

    Hôm nay ngày 11/2 con đi lễ, đc nghe bài Tin mừng này nè, mà hông nhớ TM nào nữa, nhưng nội dung là bài này... Hay ghê, đọc bài này của cha hôm trước, hôm nay lại đc nghe lại và có dịp nhớ lại những gì đã đc cha giải thích trên đây.. cha xứ cũng hỏi "sao anh đó hông nghe lời Chúa?" Mà bực cái là hỏi mà hổng chịu trả lời gì hết trơn à,nếu mà cho con trả lời chắc con trả lời y chang của cha luôn á, lúc đó mà có ai hỏi sao con biết, con kêu là cha Lê Minh Thông chỉ cho con biết đó, chắc oách lắm, được Tiến sỹ thần học giảng cho nghe mà, hihi!!!
    Con nghe TM 1 cách đơn thuần là nghe và cảm nhận, cảm đc thì thấy thích, hông cảm được thì chỉ nghe trơ trơ vậy thôi (mà phần lớn con hông cảm được,hihi)... Nói chung là từ nay con sẽ siêng zô blog của cha để thêm cái chữ HIỂU trong cách nghe TM của con nha... Thanks cha nhìu nhìu nhìu....

    Trả lờiXóa
  8. Trinh Đỗ Phương23:35 11/2/12

    àh cho con P/S thêm 1 cái, blog của cha hấp dẫn con là nhờ con chuột, ngày nào cũng zô cho chuột ăn hết trơn à, hihi...
    Nhờ con chuột mới biết khi nào cha có bài mới mà coi chứ ha, hihi...

    Trả lờiXóa
  9. Trần Hành BC10:03 12/2/12

    Thưa Cha, bài viết của Cha đã giúp độc giả phần nào giải quyết được những điều khó hiểu trong Tin mừng Mác-cô. Tuy nhiên, con có một ý thế này. Trong bài viết, Cha đã đề cập đến hành động của người bị bệnh phong trước khi chữa lành. Và Cha cũng đã cho thấy hiệu quả tích cực của việc không vâng lời người bệnh sau khi đã khỏi bệnh bệnh. Theo con, bài viết sẽ hay hơn nếu Cha đào sâu thêm chi tiết: người bị bệnh phong đã không vâng lời ngay từ đầu. Anh ta đã không giữ luật: là một người phong mà lại đến với một người lành. Và chính việc không giữ luật này lại cũng mang đến một hiệu quả tốt là anh ta đã được khỏi bệnh. Như vậy, phải chăng đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sau khi được khỏi bệnh anh ta không lời Đức Giê-su? Và sự liên hệ giữa hai lần không vâng lời này nói lên điều gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn độc giả Trần Hành BC đã có nhận xét hay để làm rõ thêm những chi tiết thú vị trong bản văn Mc 1,40-45. Xin chia sẻ thêm một vài ý:

      Luật Mô-sê quy định: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46). Khoản luật này nhằm tránh lây lan bệnh phong hủi trong cộng đồng. Luật Mô-sê không ngăn cấm việc người bệnh tìm cách chữa bệnh, bởi vì Lv 14 mô tả nghi thức hội nhập người khỏi bệnh phong vào cộng đoàn như thế nào. Lời căn dặn của Đức Giê-su ở Mc 1,44b gợi ý đến quy định ở Lv 14, vì thế khó có thể nói người bệnh phong ở Mc 1,40-44 đến xin Đức Giê-su chữa bệnh là không vâng lời.

      Tuy nhiên, trong trình thuật Mc 1,40-45 có ý tưởng song song giữa “không giữ luật Môi-sê” (không đi trình diện tư tế) và “không vâng lời Đức Giê-su”. Nhưng ý nghĩa của hai cái “không” này lại trái ngược nhau. Người được chữa lành không vâng lời Đức Giê-su là để đi rao giảng về Người. Ngược lại, “không đi trình diện tư tế” là xem thường luật Mô-sê. Mạch văn cho phép hiểu: tác giả trình thuật không nói đến việc thực hiện luật Môi-sê nhằm đề cao lời rao giảng về Đức Giê-su của người Ki-tô hữu.

      Như đã trình bày trong câu trả lời cho độc giả trên đây, Tin Mừng Mác-cô được viết ra cho cộng đoàn Mác-cô là những người đã tin vào Đức Giê-su. Bản văn đề cao cách sống của người Ki-tô hữu, chứ không quan tâm đến những luật lệ trong đạo Do Thái. Các Ki-tô hữu gốc Do Thái, nhất là các Ki-tô hữu gốc dân ngoại không buộc phải giữ Luật Môi-sê, nên bản văn bỏ qua việc người bệnh phong được chữa lành đi trình diện tư tế và dâng của lễ. Tác giả trình thuật nhằm giáo huấn cộng đoàn Ki-tô hữu và mời gọi cộng đoàn ra đi rao giảng về Đức Giê-su nên đã bỏ qua việc thực hiện khoản luật Mô-sê liên quan đến người phong được khỏi bệnh. Ý tưởng này giải thích thêm lý do tại sao người được chữa lành trong trình thuật đã không giữ lời Đức Giê-su căn dặn./.

      Xóa