05/03/2020

Châm biếm và hài hước trong Kinh Thánh (TM Mác-cô)



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 05 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Châm biếm (ironie)
    1. Lời nói
    2. Tình huống. Chối Thầy là chối mình (Mc 14,66-72)
II. Hài hước (humour)
    1. Mc 14,66-72: Chối mà là nói thật
    2. Mc 5,1-13: Quỷ và đàn heo. Được mà là mất
    3. Gn 3–4. Tức giận vì thành công
Kết luận



Dẫn nhập

Một số trình thuật trong Kinh Thánh dùng lối hành văn châm biếm (ironie) và hài hước (humour) để chuyển tải mặc khải thần học. Đọc ra những nét hài hước và châm biếm giúp độc giả hiểu ẩn ý người thuật chuyện muốn nói với mình qua câu chuyện. Lối hành văn này mang lại cho độc giả niềm vui và thú vị khi thưởng thức bản văn.

“Châm biếm là một câu nói sai để làm hiểu đúng, và không tìm kiếm tác dụng gây cười” (D. Marguerat; Y. Bourquin, Pour lire les récits bibliques, Initiation à l’analyse narrative, Paris – Genève, Le Cerf – Labor et Fides, 2004 (3e éd.), p. 143). Ngược lại, hài hước nhắm đến yếu tố gây cười. Tuy nhiên, trong thực tế, hai yếu tố châm biếm và hài hước có thể đan xen vào nhau. Qua một số ví dụ trong Kinh Thánh và ba đoạn văn: Mc 14,66-72 (Phê-rô chối Thầy); Mc 5,1-13 (quỷ và đàn heo ở Ghê-ra-sa); Gn 2–3 (Gio-na và thành Ni-ni-vê) bài viết minh hoạ đề tài qua hai mục: (I) châm biếm và (II) hài hước.

I. Châm biếm (ironie)

Trong Kinh Thánh có hai loại châm biếm: (1) “châm biếm lời nói” (ironie verbale) và (2) “châm biếm tình huống(ironie situationelle).

    1. Lời nói

Dưới đây là ba ví dụ về châm biếm lời nói: (a) lời ngôn sứ Ê-li-a ở 1V 18,27; (b) lời anh mù từ thuở mới sinh được thấy ở Ga 9,27; (c) lời Đức Giê-su ở Mc 7,6.

a) “Châm biếm lời nói” điển hình là lời Ê-li-a nói với các ngôn sứ giả trên đỉnh núi Các-men ở 1V 18,27: “Đến trưa, ông Ê-li-a chế nhạo họ rằng: ‘Kêu lớn tiếng lên, vì người là một vị thần mà. Người đang mải suy nghĩ, hay là đi vắng hoặc trẩy đường xa; có khi người đang ngủ, thì sẽ thức dậy thôi.’” Nét châm biếm là “vị thần” của các ngôn sứ giả “sinh hoạt” như con người.

b) Lời châm biếm mạnh mẽ khác tìm thấy ở Tin Mừng Gio-an ch. 9. Anh mù được thấy nói với giới lãnh đạo Do Thái (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu) đang tra hỏi anh ta ở Ga 9,27: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không nghe. Tại sao các ông muốn nghe một lần nữa? Chẳng lẽ các ông cũng muốn trở thành những môn đệ của ông ấy?” Anh mù được thấy là người ăn xin mà lại trả lời câu hỏi của những kẻ lãnh đạo bằng hai câu hỏi khác. Câu hỏi cuối mang tính châm biếm: “Chẳng lẽ các ông cũng muốn trở thành những môn đệ của ông ấy?” (Ga 9,27b).

c) Ở Mc 7,6.9 xuất hiện trạng từ Hy-lạp “kalôs” có nghĩa: “đúng”, “một cách đúng đắn”. Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở Mc 7,6: “I-sai-a đã nói tiên tri rất đúng (kalôs) về các ông, những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: ‘Dân này tôn kính Ta ngoài môi, còn lòng chúng thì xa rời Ta’.” Từ kalôs” trong câu này không có ý châm biếm nhưng là lời tố cáo sự giả hình của người Pha-ri-sêu. Sau đó, Đức Giê-su nói với họ Mc 7,9: “Các ông thật khéo (kalôs) coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.” Dịch sát: “Đúng  là (kalôs) các ông coi thường…” Từ  đúng” (kalôs) trong câu này có nghĩa châm biếm: “đúng” là những người Pha-ri-sêu đã làm “sai”.

    2. Tình huống. Chối Thầy là chối mình (Mc 14,66-72)

Điển hình về kiểu hành văn “châm biếm tình huống(ironie situationelle) là trình thuật Phê-rô chối Thầy trong Tin Mừng Mác-cô. Người thuật chuyện kể ở Mc 14,66-72: “66 Phê-rô đang ở dưới sân, một đứa trong bọn tớ gái của thượng tế đi đến, 67 thấy Phê-rô đang sưởi, cô ta nhìn thẳng vào ông ấy và nói: ‘Chính ông đã ở với Ông Giê-su người Na-da-rét.’ 68 Ông ấy chối rằng: ‘Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì.’ Rồi ông đi ra phía tiền sảnh [và một con gà đã gáy]. 69 Người tớ gái thấy ông ấy, lại bắt đầu nói với những người đứng đó rằng: ‘Ông này thuộc nhóm họ.’ 70 Nhưng ông ấy lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với Phê-rô: ‘Đúng là ông thuộc nhóm họ, vì ông là người Ga-li-lê.’ 71 Nhưng ông ấy bắt đầu chửi rủa và thề rằng: ‘Tôi không biết người mà các ông nói.’ 72 Ngay lập tức, gà gáy lần thứ hai. Phê-rô nhớ lại lời Đức Giê-su đã nói với ông ấy: ‘Trước khi gà gáy hai lần, anh đã chối Thầy ba lần.’ Và ông ấy oà lên khóc.” (Xem Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt). Tình huống câu chuyện gợi lên bốn chi tiết có nét châm biếm:

1) Chính lúc Đức Giê-su xuất hiện trước quyền hành cao nhất là Thượng Hội Đồng và đang bị thượng tế tra hỏi (Mc 14,55-64), thì Phê-rô cũng xuất hiện trước quyền hành thấp nhất là bọn tớ gái (14,66.69). Cũng như Đức Giê-su, Phê-rô cũng đang bị tra hỏi.

2) Phê-rô đã chối Thầy như thể là ông chưa được báo trước. Cứ bình thường báo trước để tránh nhưng Phê-rô vẫn chối. Vậy lời cảnh báo của Đức Giê-su ở Mc 14,30 không phải để tránh. Nét châm biếm là được báo trước và sẽ xảy ra đúng như lời đã cảnh báo.

3) Khi chối Thầy, Phê-rô đã chối chính mình vì ông không giữ lời đã quả quyết với Thầy ở 14,31: “Dù con phải cùng chết với Thầy, con sẽ không hề chối Thầy (ou mê aparnêsomai).” Động từ “aparnêsomai” (chối bỏ, không thừa nhận, từ chối) xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Mác-cô (8,34; 14,30.31.72). Lần thứ 1, Đức Giê-su nói về chối bỏ chính mình để theo Người (8,34); lần thứ 2, Người báo trước Phê-rô sẽ chối Thầy 3 lần (14,30); lần thứ 3, Phê-rô quả quyết không chối bỏ Đức Giê-su (14,31); lần thứ 4, Phê-rô nhớ lại lời Đức Giê-su nói sau khi đã chối Thầy 3 lần (14,72). Như thế, hành động chối Thầy có nét châm biếm vì lẽ ra Phê-rô nên “chối bỏ chính mình”, vác thập giá mình mà theo Thầy thì lại “chối bỏ Thầy” để không vác thập giá mình.

4) Châm biếm đạt tới cao điểm khi người thuật chuyện cho biết ở 14,71: “Nhưng ông ấy bắt đầu chửi rủa và thề rằng: ‘Tôi không biết người mà các ông nói.’” Lời nói dối kèm theo lời “chửi rủa và thề” của Tông Đồ trưởng Phê-rô, thuộc nhóm ba môn đệ (Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê) được Đức Giê-su cho chứng kiến những biến cố đặc biệt, cho thấy Phê-rô đang ở mức thấp nhất trong hành trình làm môn đệ. Nét châm biếm bộc lộ qua tương phản giữa vị trí của Phê-rô trong Nhóm Mười Hai với những gì ông đang làm.

Những nét châm biếm và tương phản trong hành động và lời nói của Phê-rô làm lộ ra lối hành văn sinh động của Tin Mừng. Tác giả trình bày nhân vật Phê-rô như trên là muốn nói về hành trình làm môn đệ của độc giả. Trong cộng đoàn Mác-cô có thể một số thành viên, trong hoàn cảnh bị bách hại, đã chối bỏ Thầy. Vậy nét châm biếm nơi nhân vật Phê-rô giúp độc giả nhận biết mình đang ở đâu trong tương quan với Đức Giê-su.

II. Hài hước (humour)

Đề tài hài hước được minh hoạ qua ba đoạn văn: (1) Mc 14,66-72: Phê-rô chối Thầy. Chối mà là nói thật; (2) Mc 5,1-13: quỷ và đàn heo ở Ghê-ra-sa. Được mà là mất; (3) Gn 3–4: ngôn sứ Giô-na và thành Ni-ni-vê. Tức giận vì thành công.

    1. Mc 14,66-72: Chối mà là nói thật

Cũng trong trình thuật Phê-rô chối Thầy (Mc 14,66-72), câu chuyện làm lộ ra những ý tưởng hài hước mang tính thần học. Phê-rô chối Thầy ba lần, tuy nhiên, ở góc nhìn khác, độc giả nhận ra rằng “lời nói dối” của Phê-rô là “lời nói thật”. Đó là sự thật sâu xa. Đúng như Phê-rô đã nói, ông chưa thực sự biết Đức Giê-su là ai.

Thật vậy, ở cấp độ thứ nhất Phê-rô đã nói dối khi khẳng định rằng: “Tôi không biết Đức Giê-su là ai”, có lẽ vì sợ. Về hình thức, Phê-rô là môn đệ Đức Giê-su, là Tông Đồ trưởng nên “biết rõ” Đức Giê-su. Nhưng “lời nói dối” ở cấp độ thứ nhất lại là “lời nói thật” ở cấp độ thứ hai. Quả thế, theo nghĩa thần học của động từ “biết”, Phê-rô không nói dối mà là nói đúng sự thật. Bởi vì khi chối bỏ Thầy, ông thực sự chưa biết Thầy (xem D. Marguerat; Y. Bourquin, Pour lire les récits bibliques, p. 145). Vậy, “nói dối” mà là “nói thật”. Phê-rô chối là “không biết” Đức Giê-su, nghĩa là ông biết Đức Giê-su nhưng chối là không biết. Đồng thời lời nói dối này đúng sự thật, thực sự Phê-rô “không biết” Đức Giê-su. Tương phản này là yếu tố hài hước gây cười nhưng có ý nghĩa thần học sâu xa đối với độc giả qua hai ý: (1) Khi người tin chối bỏ Đức Giê-su vì bất cứ lý do nào, thì người đó chưa thực sự biết Đức Giê-su. (2) Nếu thực sự biết Đức Giê-su là ai thì sẽ không thể chối bỏ Người. Chính Phê-rô đã chứng minh điều này, khi ông đã chịu chết vì trung tín với Thầy và để tôn vinh Thiên Chúa (Ga 21,19).

Yếu tố hài hước được xây dựng qua những tương phản bất ngờ, chơi chữ… với điểm nhắm là chính độc giả. Qua trình thuật, tác giả mời gọi độc giả đọc ra được những nét hài hước nơi các nhân vật để nhìn lại lựa chọn và cách xử sự của mình.

    2. Mc 5,1-13: Quỷ và đàn heo. Được mà là mất

Toàn bộ trình thuật quỷ và đàn heo ở Ghê-ra-sa là đoạn văn dài ở Mc 5,1-20. Những nét hài hước thuộc phần đầu câu chuyện (Mc 5,1-13) làm lộ ra những khẳng định thần học liên quan đến căn tính Đức Giê-su. Người thuật chuyện kể ở 5,1-13: “1 Họ (Đức Giê-su và các môn đệ) đến bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của người Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, lập tức, từ đám mồ mả một người bị thần ô uế nhập ra gặp Người. 3 Người ấy có chỗ ở trong các mồ mả và ngay cả với xiềng xích không ai có thể trói anh ta. 4 Vì nhiều lần anh ta bị trói bằng gông cùm và xiềng xích, nhưng anh ta bẻ gãy xiềng xích, đập bể gông cùm, và không ai có thể thắng được anh ta. 5 Suốt đêm ngày, anh ta ở trong mồ mả và trên núi đồi tru tréo và lấy đá rạch mình. 6 Thấy Đức Giê-su từ xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng, anh ta nói: ‘Can gì đến tôi và Ông, thưa Ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao? Tôi van xin Ông là Thiên Chúa, xin Ông đừng hành hạ tôi.’ 8 Vì Người đã nói với anh ta: ‘Thần ô uế kia, hãy xuất khỏi người này.’ 9 Người hỏi nó: ‘Tên ngươi là gì?’ Nó nói với Người: ‘Tên tôi là đạo binh vì chúng tôi đông lắm.’ 10 Nó khẩn khoản nài xin Người để Người không đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó, bên sườn núi, có một bầy heo rất đông đang ăn. 12 Chúng nài xin Người rằng: ‘Hãy sai chúng tôi đến bầy heo kia để chúng tôi nhập vào chúng.’ 13 Người cho phép chúng. Các thần ô uế xuất ra và nhập vào bầy heo. Cả bầy lao từ trên sườn núi xuống Biển Hồ, khoảng hai ngàn con và chết ngộp trong Biển Hồ.” Đây là trình thuật dân gian có nhiều nét ấn tượng, qua đó bày tỏ uy quyền Đức Giê-su với bốn chi tiết hài hước:

(1) Trước hết, cuộc đối đầu giữa “một mình Đức Giê-su” với “một đạo binh” quỷ (5,9) đã trở thành cuộc thương lượng, trả giá và mặc cả. Từ “đạo binh” (legiôn) chỉ một đơn vị khoảng 6.000 lính Rô-ma. Lời Đức Giê-su nói với người bị quỷ ám: “Thần ô uế kia, hãy xuất khỏi người này” (5,8), làm nẩy sinh câu hỏi: xuất ra rồi thì đi đâu? Quỷ đi bước trước để thương lượng bằng cách “khẩn khoản nài xin Người để Người không đuổi chúng ra khỏi vùng ấy” (5,10) và đề nghị với Đức Giê-su: “Hãy sai chúng tôi đến bầy heo kia để chúng tôi nhập vào chúng” (5,12).

(2) Thứ đến, chi tiết ở 5,11: “Ở đó, bên sườn núi, có một bầy heo rất đông đang ăn” cho thấy đây là vùng đất dân ngoại, vì đối với người Do Thái, heo là động vật ô uế. “Đàn heo ô uế” song song với “đạo binh thần ô uế” là yếu tố hài hước, gây cười.

(3) Sau cùng, về hình thức, Đức Giê-su không đuổi đạo binh quỷ ra khỏi vùng, vì khi chúng xin nhập vào đàn heo để được ở lại trên vùng đất ấy, Đức Giê-su cho phép chúng làm điều chúng xin (5,13). Nét châm biếm là Đức Giê-su cho phép quỷ làm điều chúng xin.

(4) Điều xảy ra sa đó là cảnh tượng đảo ngược hoàn toàn: “Các thần ô uế  xuất ra và nhập vào bầy heo. Cả bầy lao từ trên sườn núi xuống Biển Hồ, khoảng chừng hai ngàn con, và chết ngộp trong Biển Hồ” (5,13). Quỷ xin “ở lại”, được phép nhập vào đàn heo để “ở lại”, nhưng lại phải “ra đi”… đi về bên kia thế giới, đi về với Biển là biểu tượng nơi ở của thế lực tối tăm.

Tóm lại, những chi tiết tương phản hài hước: “Một mình Đức Giê-su” đương đầu với “một đạo binh quỷ”; “đạo binh thần ô uế” song song với “đàn heo đông đảo ô uế”; quỷ “năn nỉ” xin Đức Giê-su và được Người “chấp nhận”. Nhưng kết quả cuối cùng lại không như mong muốn của quỷ: cả đàn heo nhào xuống biển chết. Nghĩa là quỷ mất chỗ cư trú ở trần gian. Trong trình thuật đạo binh quỷ và đàn heo, Đức Giê-su không làm gì nhiều mà lại thắng lớn về ba điểm: (1) Quỷ xuất khỏi con người; (2) đạo binh quỷ mất chỗ ở vì đàn heo đã chết; (3) đàn heo ô uế theo nhãn quan Do Thái giáo cũng không còn. Quỷ đã thành công khi Đức Giê-su chấp nhận lời xin, nhưng quỷ không biết điều sẽ xảy ra sau khi nhập vào đàn heo. Vậy điều quỷ xin (nhập vàp đàn heo) dẫn chúng đến thất bại, mất cả chì lẫn chài, nghĩa là được mà là mất, mất tất cả.

    3. Gn 3–4. Tức giận vì thành công

Sách Giô-na ch. 3–4 có nhiều chi tiết hài hước. Trình thuật mở đầu ở Gn 3,3-5: “3 Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: ‘Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.’ 5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (Gn 3,3-5). (Xem bản dịch NCGKPV).

Phần tiếp theo câu chuyện có ba chi tiết hài hước: (1) Giô-na là ngôn sứ duy nhất trong Cựu Ước tức giận vì đã thành công khi rao giảng (Gn 4,1). (2) Thường các ngôn sứ của Thiên Chúa bị các vua Ít-ra-en ngược đãi, trong khi đó, vua thành Ni-ni-vê đã hối cải ngay từ những lời giảng đầu tiên (Gn 3,5). (3) Hài hước vì vua thành Ni-ni-vê ra chỉ thị cho cả súc vật, bò bê và chiên dê cũng ăn chay. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa (Gn 3,7-8). Tại sao thú vật cũng phải ăn chay và khoác áo vải thô như người? 

Qua những yếu tố hài hước, bản văn trình bày ba mặc khải thần học độc đáo và mạnh mẽ: (1) Quan niệm thần học truyền thống bị đảo ngược. Theo quan niệm của Ít-ra-en, dân ngoại không phải là dân của Thiên Chúa. Bình thường, Thiên Chúa bảo vệ dân Ít-ra-en trước sự thù địch của dân ngoại, thì ở đây Thiên Chúa rủ lòng thương không phạt dân thành Ni-ni-vê, một thành phố dân ngoại. (2) Xem ra dân ngoại mau mắn tin vào Thiên Chúa hơn và biết nghe lời ngôn sứ hơn dân Ít-ra-en, dân của Thiên Chúa. (3) Qua các chi tiết lạ thường, quy luật thiên nhiên bị đảo lộn, cá nuốt Giô-na rồi nhả ra trên bờ theo lệnh ĐỨC CHÚA (Gn 2), quyền năng của Thiên Chúa được đề cao. Người sẽ thực hiện ý định của Người, Giô-na không chạy thoát được (Gn 1).

Có thể nói cách hài hước rằng không có gì bình thường trong sách Giô-na kể cả Thiên Chúa.

Kết luận

Lối hành văn châm biếm và hài hước là nét độc đáo và đặc sắc của một số trình thuật trong Kinh Thánh. Khi khám phá ra được những nét châm biếm và hài hước trong bản văn, độc giả đã hiểu được phần nào điều tác giả muốn nói với độc giả qua câu chuyện.

Phần lớn những nét châm biếm và hài hước trong Kinh Thánh nhằm diễn tả thần học. Nghĩa là qua châm biếm và hài hước tác giả muốn cho độc giả biết một khía cạnh nào đó liên quan đến Thiên Chúa, liên quan đến niềm tin, liên quan đến cách sống và lựa chọn của con người trước mặc khải của Thiên Chúa./.



9 nhận xét:

  1. Thông ơi, chưa hài lòng lắm với các điểm mặc khải thần học sơ sài qua Giôna.... hihihiiii sẽ trao đổi thêm sau...vì 4 chương của Giôna độc đáo lắm khi dùng analyse narrative...cả một kho tàng mặc khải đấy ! shalom ! tn

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy, mỗi đoạn văn là một kho tàng mặc khải đầy thú vị để tìm hiểu và khám phá. Bài viết trên đây chỉ là món "khai vị". Mong được độc giả tiếp tục đào sâu để tận hưởng LỜI.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh12:51 4/3/11

    Thưa cha,
    Con cũng muốn chui vào bụng cá ở vài năm, để có thể giảng hay như ong Giona và Cha vậy.
    Amen
    Con GF

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh04:57 6/3/11

    Cám ơn cha đã nghĩ ra nhiều đề tài hấp dẫn, làm cho người đọc hiểu được Thánh kinh thật phong phú.
    Châm biếm và hài hước là thực tại cuộc sống, nhiều lúc cái cười của người nầy, là cái đau khổ của người khác...
    Sự khôi hài của thánh Phêrô „Ý tưởng “nói dối” mà là “nói thật”. Phê-rô chối là “không biết” Đức Giê-su, nghĩa là “biết” Người, mà thực sự lại là “không biết” Người“.
    Con nghĩ rằng thông thường, muốn biết Chúa là phải học Kinh Thánh thật nhiều, phải có bằng cấp cao, có tước vị...Nhưng phải chăng khi biết chính mình thì mới biết Chúa?

    Trả lờiXóa
  5. Thông thường, không nhất thiết phải có bằng cấp, có tước vị mới biết Chúa được. Bằng chứng là một anh mù ăn xin bên vệ đường biết nhiều và biết đúng về Đức Giê-su hơn những người Pha-ri-sêu, là những người hiểu biết Kinh Thánh và có địa vị (Ga 9). Không biết họ học thế nào mà từ “sáng” trở thành “mù” (Ga 9,39-41). Thực tế cho thấy đã có người mất đức tin vì nghiên cứu Kinh Thánh!

    Những đề tài như: “biết mình”, “biết người”, “biết Chúa”; “tự tin vào mình”, “tin tưởng nhau”, “tin vào Chúa” là những đề tài lớn của cuộc sống, chúng bổ túc cho nhau và đan xen vào nhau. Biết và tin như thế sẽ không bao giờ kết thúc. Có lẽ không ai dám nói: “Tôi đã biết Chúa rồi”, theo nghĩa vì đã biết nên không có gì để tìm hiểu thêm nữa.
    Ngày nay, càng tiến xa về khoa học kỹ thuật, con người càng ý thức rằng điều chưa biết quá mênh mông so với điều đã biết. Có thể nói, việc học không chỉ là để “biết” mà quan trọng hơn là để biết là mình “chưa biết”.

    Thực ra, BIẾT và TIN vào chính mình, vào người khác, vào Đức Giê-su, vào Thiên Chúa là một cuộc gặp gỡ trong lòng mến và trong sự đón nhận nhau. Khi nói “tin vào ai” đã hàm ẩn có một phần mình “chưa biết” nơi người ấy. Chính vì “chưa biết” mới cần đến “tin”. Ngược lại, nhờ “tin nhau” mới có cơ may “biết đúng” về nhau. Như thế, BIẾT và TIN không tách rời nhau, bổ túc cho nhau và không bao giờ xong.

    Lối hành văn châm biếm và hài hước trong Kinh Thánh là cách thức mời gọi các nhân vật trong câu chuyện và độc giả BIẾT và TIN./.

    Trả lờiXóa
  6. Kính thưa Cha,
    con thấy Biết mình đã khó rồi, Biết người, và Biết Chúa lại càng khó hơn. Xin cha giúp con có cách nào, nghệ thuật nào để biết người và biết Chúa cách dễ dàng và có phương pháp. Vì nhiều lần con cố gắng muốn hiểu biết người mình tiếp xúc và hiểu biết Chúa để thấy đời mình hạnh phúc hơn nhưng con bị rối trong đám sương mù.
    Con chờ đợi lời hương dẫn của cha, xin chân thành cảm on cha.
    Con
    Joan

    Trả lờiXóa
  7. Để có thể “biết phần nào” và tiếp tục “học để biết” chính mình, người khác và Thiên Chúa, có lẽ cần khẳng định rằng con người “không thể biết hết” về mình, về người khác và về Thiên Chúa.

    Như thế, ai ai cũng đi “trong đám sương mù” của cuộc đời và cần ánh sáng soi dẫn. Hãy đọc Lời Chúa, đặc biệt các sách Tin Mừng để học cách sống, cách xử sự của Đức Giê-su, thấm nhuần giáo huấn của Người và đi vào tương quan với Người. Nhờ đó, chúng ta biết cách lượng giá những vấn đề liên quan đến mình, đến người khác và đến Thiên Chúa.

    Để khởi đầu, có lẽ cần nhận ra giới hạn của con người, đón nhận thân phận mong manh của kiếp người. Từ đó, thanh thản, bình an lên đường học biết chính mình, biết người khác và biết Thiên Chúa qua mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời, nhờ ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.

    Vì “không thể biết hết”, “không thể biết một lần cho tất cả” nên chính việc “lên đường học để biết” đã là một bước đi quan trọng, một sự khởi đầu tốt lành đem lại niềm vui và sức sống để hướng về tương lai.../.

    Trả lờiXóa
  8. Dear Father,
    Thank you very much for your good explanation. I will take your advice and keep practicing and practicing. I will come back to see you if I find any difficulty.
    I hope you have a holy and meaningful Lenten season.
    Thanks a lot father.

    Trả lờiXóa
  9. Con cảm ơn cha, nhờ đọc bài thú vị này mà con hiểu thêm nét thú vị về đoạn Tin Mừng Mc 5,1-13.
    Đồng thời con hiểu thêm về sách tiên tri Giô-na.
    Chúc cha Mùa Chay đầy Ân Phúc

    Trả lờiXóa