13/04/2020

Ga 20,19-25. Quà tặng của Đức Giê-su Phục Sinh



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 13 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Bản văn 20,19-25, bối cảnh và cấu trúc 20,1-29
    1. Bản văn Ga 20,19-25
    2. Bối cảnh và cấu trúc 20,1-29 quanh đề tài “thấy”  
II. Hành trang Đấng Phục Sinh ban tặng
    1. Ban bình an và sứ vụ (20,19.21a) 
    2. Được sai đi (20,21b)
    3. Ban Thánh Thần (20,22)
    4. Trao quyền tha tội và cầm giữ (20,23)    
Kết luận



Dẫn nhập

Đoạn văn Ga 20,19-25 trình bày gặp gỡ quan trọng giữa Đức Giê-su Phục Sinh và các môn đệ với hai lý do: (1) việc các môn đệ “thấy” Đấng Phục Sinh là nền tảng của mối phúc “không thấy mà tin”; (2) Đấng Phục Sinh trao ban hành trang cho người tin qua mọi thế hệ. Đó là quà tặng “bình an” và “Thánh Thần”; lãnh nhận “sứ vụ” và “quyền hành” để thực thi sứ vụ. Bài viết “quà tặng của Đức Giê-su Phục Sinh” trong đoạn văn 20,19-25 được trình bày qua hai mục: (I) bản văn 20,19-25, bối cảnh và cấu trúc 20,1-29 quanh đề tài “không thấy”, “thấy”; (II) hành trang Đấng Phục Sinh ban tặng.

I. Bản văn 20,19-25, bối cảnh và cấu trúc 20,1-29

Phần này trình bày (1) bản văn 20,19-25; (2) bối cảnh và cấu trúc 20,1-29 xoay quanh động từ “thấy”.

    1. Bản văn Ga 20,19-25

Người thuật chuyện kể ở Ga 20,19-25: “19 Chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ những người Do Thái. Đức Giê-su đến, Người đứng giữa các ông và nói với các ông: ‘Bình an cho anh em.’ 20 Nói xong điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn của Người. Các môn đệ vui mừng thấy Chúa. 21 [Đức Giê-su] lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.’ 22 Nói xong điều đó, Người thổi hơi và nói với các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội của ai thì tội của họ được tha, anh em cầm giữ tội ai, thì tội của họ bị cầm giữ.’ 24 Nhưng Tô-ma, một người trong Nhóm Mười Hai, gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Vậy các môn đệ khác nói với ông ấy: ‘Chúng tôi đã thấy Chúa.’ Nhưng ông ấy nói với họ: ‘Nếu tôi không thấy tay Người với những dấu đinh, và đặt ngón tay của tôi vào những dấu đinh, và đặt tay của tôi vào cạnh sườn Người, tôi không tin.’” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư).

    2. Bối cảnh và cấu trúc 20,1-29 quanh đề tài “thấy”  

Về bối cảnh, ch. 20 là trình thuật Phục Sinh, các nhân vật trong chương này gồm những kẻ thuộc về Đức Giê-su. Xuất hiện trước nhất là Ma-ri-a Mác-đa-la, chị đến mộ trước tiên vào lúc sáng sớm, khi trời còn tối (20,1-2), xem bài viết “Ga 20,1-2. Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, để làm gì?” Tiếp đến là hai môn đệ đi ra mộ: Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su thương mến, (20,2-10), xem bài viết: “Ga 20,8: ‘Ông đã thấy và đã tin.’ Ai thấy, thấy gì, tin gì?” Đoạn văn 20,11-18 thuật lại những gì xảy ra ở mộ với Ma-ri-a Mác-đa-la. Chị thấy hai thiên thần ở mộ, sau đó Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra cho chị. Nên chị là người đầu tiên thấy Đấng Phục Sinh. Trong phần tiếp theo, Đức Giê-su đến gặp các môn đệ hai lần: lần thứ nhất không có Tô-ma (20,19-25); lần thứ hai vào tám ngày sau, có Tô-ma hiện diện (20,26-29). Ch. 20 kết thúc với kết luận thứ nhất sách Tin Mừng (20,30-31).

Về cấu trúc, ch. 20 mở đầu và kết thúc với đề tài “không thấy”. Phần trọng tâm gồm hai trình thuật gặp gỡ Đấng Phục Sinh: (1) Người tỏ mình ra cho Ma-ri-a Mác-đa-la  (20,11-18); (2) Người gặp các môn đệ và trao ban hành trang trước khi về với Cha (20,19-25). Nếu không kể hai câu kết luận (20,30-31), cấu trúc đoạn văn Ga 20,1-29 xoay quanh đề tài “không thấy” và “thấy” Đấng Phục Sinh, theo dạng đồng tâm A, B, A’:


Trình thuật Phục Sinh đi từ (A) không thấy Đấng Phục Sinh mà tin (20,8) đến (B) “vui mừng được thấy Chúa” (20,18.20), rồi kết thúc với (A’) “phúc cho những người không thấy mà những người tin” (20,29). Bản văn đề cao ý tưởng “không thấy mà tin” qua song song A, A’ và đó là niềm tin đích thực. Lời chúc phúc của Đấng Phục Sinh ở 20,29 dành cho người tin mọi nơi, mọi thời. Sau thế hệ các môn đệ đầu tiên được thấy Đức Giê-su Phục Sinh, người tin các thế hệ kế tiếp đều là người không thấy mà tin.

Phải chăng “không thấy mà tin” là nhẹ dạ và thiếu cơ sở. Câu hỏi đặt ra là dựa vào đâu, dựa trên cơ sở nào để “không thấy” mà vẫn “tin”? Câu trả lời tìm thấy trong bản văn. Lựa chọn “không thấy mà tin” dựa trên đoạn văn trọng tâm B. thấy Đấng Phục Sinh. Nghĩa là dựa trên lời chứng của những người đã khẳng định: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (20,25). Trong cấu trúc A, B, A’, phần (B) thấy Đấng Phục Sinh đặt ở trọng tâm đề cao lời chứng của các môn đệ là người gặp Đức Giê-su Phục Sinh. Cấu trúc 20,1-29 trên đây được trình bày vắn tắt qua sơ đồ:


Ga 20,1-29 đề cao những ai dám tin vào Đức Giê-su Phục Sinh, dù không thấy Người. Niềm tin ấy dựa trên lời chứng của người đã thấy Đấng Phục Sinh. Nên cả hai đề tài “thấy” và “không thấy” Đấng Phục Sinh đều được nhấn mạnh trong bản văn. Phân tích đoạn văn các môn đệ thấy Đấng Phục Sinh (20,19-25) dưới đây cho thấy hành trang Đức Giê-su ban tặng cho các môn đệ, cho Hội Thánh và cho người tin qua mọi thời.

II. Hành trang Đấng Phục Sinh ban tặng

Hành trang Đấng Phục Sinh ban tặng cho người tin được trình bày qua bốn điểm: (1) ban bình an và sứ vụ (20,19.21a); (2) được sai đi (19,21b); (3) ban Thánh Thần (20,22); (4) trao quyền tha tội và cầm giữ (20,23).

    1. Ban bình an và sứ vụ (20,19.21a) 

Trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa Đấng Phục Sinh và các môn đệ (20,19-25), hai lần Người chúc bình an cho họ ở 20,19.21: “Bình an cho anh em” trong bối cảnh khác nhau: (1) chúc bình an để không còn sợ hãi (20,19); (2) chúc bình an để thi hành sứ vụ (20,21a).

(1) Trong lần chúc bình an thứ nhất, các môn đệ đang trong tình trạng sợ hãi và khép kín. Người thuật chuyện cho biết ở 20,19a: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ những người Do Thái.” Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su ban bình an cho các môn đệ lúc họ đang xao xuyến và sợ hãi. Trong ch. 14, Đức Giê-su động viên các môn đệ ở đầu và ở cuối chương khi nói họ ở 14,1: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy”; và ở 14,27: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như thế gian ban mà chính Thầy ban cho anh em. Lòng anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi.”

“Bình an” (eirênê) là đề tài quan trọng trong thần học Tin Mừng, Đức Giê-su ban bình an của Người cho các môn đệ trước khi bước vào cuộc Thương Khó (14,27) và sau khi Người Phục Sinh (20,19.21). Vậy “ban bình an” là dấu chỉ để các môn đệ nhận ra Đức Giê-su đã Phục Sinh. Đây là thứ bình an có khả năng làm cho các môn đệ vượt trên mọi nỗi sợ và đem lại niềm vui, nên sau lời chúc bình an, người thuật chuyện cho biết: “Các môn đệ vui mừng thấy Chúa” (20,20b). Đây không phải là thứ bình an theo kiểu thế gian. Không phải thứ bình an gạt ra ngoài những khó khăn thử thách; cũng không phải là thứ bình an giả tạo, che lấp đau khổ và mong manh của đời người. Ngược lại, bình an Đức Giê-su ban tặng làm cho người tin có khả năng đón nhận trọn vẹn sự mong manh và chóng qua của thân phận làm người, đồng thời đứng vững trong thử thách. Nghĩa là ngay trong hoàn cảnh gian nan, khốn khó, người tin vẫn có bình an sâu xa trong tâm hồn, có nghị lực để xác tín, vững tin và vui sống.

Đức Giê-su tiếp tục ban bình an của Người cho người tin qua mọi thời đại. Chính Đấng Phục Sinh đang nói với cộng đoàn và với độc giả như đã nói với các môn đệ ở 16,33: “Những điều này, Thầy nói với anh em để trong Thầy, anh em có sự bình an. Trong thế gian, anh em có sự khốn khó, nhưng anh em hãy can đảm, chính Thầy đã thắng thế gian.” Cụm từ “những điều này” ở đầu câu 16,33 bao hàm tất cả mặc khải trong Tin Mừng. Mục đích giáo huấn của Đức Giê-su là đem lại bình an và sự sống đời đời cho người tin, ngay trong lúc đang gặp khó khăn thử thách, ngay cả đang đối diện với sự chết.

(2) Lời chúc bình an lần thứ hai kèm theo lời sai đi. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 20,21: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Lời này các môn đệ đã nghe khi Đức Giê-su thưa với Cha ở 17,18: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ (các môn đệ) đến thế gian.” Điều mới mẻ ở 20,21 là Đức Giê-su nói trực tiếp với các môn đệ và “bình an” gắn liền với lời “sai đi”. Vậy phần quan trọng trong sứ vụ các môn đệ là đón nhận bình an của Đức Giê-su và trao ban bình an đó cho mọi người. Sứ vụ các môn đệ là trao ban bình an của Đấng Phục Sinh cho thế giới.

Tóm lại, quà tặng bình an gồm hai khía cạnh: (1) nhờ bình an của Đức Giê-su người tin vượt qua mọi sợ hãi và can đảm làm chứng cho Người; (2) bình an này gắn liền với sứ vụ: đem bình an của Đấng Phục Sinh đến cho mọi người. Xem “bình an và niềm vui” trong Khủng hoảng và giải pháp, tr. 226-253.

    2. Được sai đi (20,21b)

Sau khi ban bình an, Đức Giê-su sai các môn đệ ra đi. Lời sai đi ở 20,21 đã được Đức Giê-su nói tới 17,18. Trong hai câu 17,18 và 20,21 (trích dẫn trên đây), Đức Giê-su không nói đến nội dung sứ vụ,  không cho biết các môn đệ phải làm gì. Thật ra, sứ vụ các môn đệ tiếp nối sứ vụ Đức Giê-su, mà sứ vụ của Người đã trình bày trong Tin Mừng. Vậy đọc Tin Mừng sẽ biết phải làm gì để thực thi sứ vụ. Điều bản văn nhấn mạnh là các môn đệ được Đấng Phục Sinh sai đi tiếp nối sứ vụ của Người.

Đức Giê-su được sai đến trần gian để thực hiện ý định yêu thương của Thiên Chúa. Sứ vụ của Người là trao ban sự sống đích thực cho ai tin vào Người. Các môn đệ cũng thi hành sứ vụ này. Nghĩa là làm cho mọi người biết Thiên Chúa đã yêu thương thế gian (3,16); biết Đức Giê-su và tin Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa để nhờ tin mà có sự sống (20,31).

    3. Ban Thánh Thần (20,22)

Khi nói với các môn đệ ở 20,22: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, Đức Giê-su thực hiện lời hứa ban Ðấng Pa-rác-lê là Thánh Thần trong ch. 14–16. Đấng Pa-rác-lê, là Thánh Thần, là Thần Khí sự thật, giữ vai trò quan trọng vì Đấng này nối tiếp sứ vụ giảng dạy của Đức Giê-su như Người nói với các môn đệ ở 14,26: “Đấng Pa-rác-lê, Thánh Thần (to pneuma to hagion), Đấng mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng Pa-rác-lê sẽ dạy anh em tất cả và sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì [chính] Thầy đã nói với anh em.” Trong Tin Mừng, hoạt động của Đấng Pa-rác-lê phong phú: “ở với”, “ở giữa” và “ở trong” các môn đệ mãi mãi (14,16-17); cùng với họ làm chứng cho Đức Giê-su (15,26); làm cho họ biết sự thật về thế gian (16,8-11); dẫn họ đi trong chân lý toàn vẹn (16,13a); loan báo cho họ những điều sẽ xảy đến (16,13b). Xem “Đấng Pa-rác-lê là ai?”; Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư. Vậy quà tặng Thánh Thần làm các môn đệ hiểu biết Đức Giê-su và vững mạnh niềm tin vì có Đấng Pa-rác-lê là Thánh Thần, đồng hành, soi sáng, dạy dỗ và hướng dẫn.

Đức Giê-su ban Thánh Thần cho các môn đệ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần (20,19), ngày người Sống Lại, nhưng vẫn còn ở trong khung cảnh kín đáo và riêng tư; mọi chuyện xảy ra trong căn phòng “các cửa đều đóng kín”. Thánh Thần sẽ đến công khai trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-11), khởi đầu sứ vụ rao giảng của các môn đệ, tiếp nối sứ vụ Đức Giê-su trong thế gian. Lời trao quyền “tha tội và cầm giữ” được hiểu trong bối cảnh quà tặng “bình an”, “Thánh Thần” và trao ban “sứ vụ”.

    4. Trao quyền tha tội và cầm giữ (20,23)    

Sau khi ban bình an, Đấng Phục Sinh cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn để các môn đệ nhận ra Người chính là Thầy của họ (20,19-20), rồi Người lại ban bình an lần thứ hai và kèm theo sứ vụ (20,21). Cuối đoạn văn 20,19-25 Đức Giê-su long trọng ban Thánh Thần kèm theo lời ban quyền tha tội và cầm giữ ở 20,23:  “Anh em tha tội của ai thì tội của họ được tha, anh em cầm giữ tội ai, thì tội của họ bị cầm giữ.” Quyền “tha tội và cầm giữ” được trao cho các môn đệ vì từ nay Đức Giê-su không còn hiện diện thể lý ở trần gian nữa.

Quyền này nối kết chặt chẽ với quà tặng bình an, Thánh Thần và sứ sụ đem bình an cho thế gian. Với quyền này, các môn đệ tham dự vào quyền xét xử của Đức Giê-su; quyền mà  Người đã nhận từ nơi Cha như Người nói với những người Do Thái ở 5,26-27: “26 Vì như Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho Con có sự sống nơi mình như vậy, 27 và ban cho Người quyền để thi hành việc xét xử, vì Người là Con Người.” Chúa Cha đã ban cho Đức Giê-su quyền xét xử. Người đã thi hành quyền này trong sứ vụ để mang lại sự sống cho người tin. Bây giờ Đức Giê-su Phục Sinh hoàn tất sứ vụ trần thế, Người cho các môn đệ được tham dự vào quyền xét xử của Người để họ tiếp nối sứ vụ đem ơn cứu độ và sự sống đích thực đến cho mọi người. Vậy các môn đệ không thi hành quyền “tha tội và cầm giữ” theo ý riêng mà dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su và sự hướng dẫn của Thánh Thần. Đồng thời, mục đích của quyền “tha tội và cầm giữ” là thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, bênh vực con người và đem lại sự sống cho con người.

Theo thần học Tin Mừng, Đức Giê-su không đến để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian và ban sự sống cho thế gian. Toàn bộ sứ vụ của Người là thực hiện ý định yêu thương của Thiên Chúa như Người nói rõ ở 3,16-17: “16 Vì Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời. 17 Vì Thiên Chúa không sai Con đến thế gian để lên án thế gian, nhưng để nhờ Người, thế gian được cứu.” Trong viễn cảnh này, ai không tin vào Đức Giê-su thì đã tự kết án mình (3,18). Quyền “tha tội và cầm giữ” mà Đức Giê-su trao cho các môn đệ cũng là quyền “ban sự sống đích thực” cho ai quyết định tin vào Đức Giê-su.

Kết luận

Đoạn văn 20,19-25 thuật lại việc các môn đệ “thấy” Đức Giê-su Phục Sinh, nằm giữa các trình thuật đề cao đề tài “không thấy” mà vẫn tin. Những gì xảy ra trong trình thuật 20,19-25 là nền tảng để người “không thấy”, “tin” Đức Giê-su đã Phục Sinh.

Trong lúc các môn đệ đang sợ hãi, khép kín, cửa đóng then cài, Đức Giê-su Phục Sinh đến trao tặng bốn yếu tố nền tảng, giúp cộng đoàn tồn tại, phát triển và thi hành sứ vụ: (1) có và sống bình an của Đức Giê-su; (2) đón nhận và thi hành sứ vụ  Đức Giê-su trao phó; (3) sống dưới sự hướng dẫn và dạy dỗ của Ðấng Pa-rác-lê, Thánh Thần; (4) thi hành quyền tha tội và cầm giữ để đem bình an, niềm vui và sự sống của Đức Giê-su đến cho mọi người. Các yếu tố trên luôn là nền tảng của cộng đoàn người tin qua mọi thế hệ. Đoạn văn 20,19-25 mời gọi độc giả đón nhận, sống và xây dựng cộng đoàn dựa trên những quà tặng cao quý của Đấng Phục Sinh./.


7 nhận xét:

  1. Cám ơn cha về bài Tìm hiểu Tin Mừng Ga 20,19-23. Cha không chỉ giới hạn trong đoạn văn này, nhưng đã đặt trong đoạn văn lớn và liên hệ với cái nhìn thần học của Ga về vấn đề đó, để bài tìm hiểu có một cái nhìn xuyên suốt và phong phú. Thật ý nghĩa khi quyền "tha tội và xét xử" phải được hiểu đúng tinh thần của Đức Kitô: yêu thương, cứu độ và ban sự sống cho con người. Tiếc rằng, ngày nay nhiều người cảm thấy "quyền bính của giáo hội cơ sở" nặng nề và gò bó, nên khó nghiệm ra được "bình an"! Người ta cũng thấy khó cảm nhận được "bình an" khi cuộc đời gặp toàn "thử thách gian nan" (thường: bình an là an và lành). Cám ơn cha đã làm nổi bật giá trị của bình an đích thực: bình an ngay trong "khó khăn và sợ hãi". Đây là bình an "lớn" mà thế gian không thể ban tặng! Điều này quan trọng cho niềm tin và lý giả phần nào mầu nhiệm sự dữ trong cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh23:52 6/6/11

    Cám ơn cha thật nhiều về bài: „Không thấy- Thấy- Không thấy“
    Con người được sinh ra có đôi mắt để nhìn thấy, đó là hạnh phúc tuyệt vời! Tuy nhiên, mắt chỉ nhìn được những cái xung quanh nó; mắt tự nhìn thấy được mắt?
    Thông thường, trong thực tế cuộc sống, người ta thấy được cái gì đó vì đã nhìn; đôi khi, cố nhìn mãi mà chẳng thấy được gì cả!
    Sống là nhìn, nhìn trời cao, đất thấp. Nhìn mà không thấy rõ hướng sẽ đi vào ngõ cụt... Bao nhiêu người đã nhìn Đức Giê su, nhưng vẫn không thấy đó là Đấng giàu lòng Thương Xót. Đã có người nhìn Đức Giê su rồi bảo đó là tên quỷ ám, tên mê ăn uống, tên tội lỗi, không phải là người của Thiên Chúa(GA. 9:24; 9:16. MT. 9:11; 9:34. LC. 19:7)
    Cuộc sống được phong phú, dồi dào, có ý nghĩa là khi cuộc sống đó có tình yêu thương thật sự. Nhưng con người không phải là tình yêu, mà chỉ có tình yêu. Do đó, Thái độ sống của con người thường là muốn chiếm đoạt và tích lũy nên khiến cho tình yêu con người bị nghèo nàn và trống rổng. Cuộc sống trở nên khô cằn, vô nghĩa, con người sẽ sống gian dối, lừa gạt, tranh giành nhau; người này sẽ đè người khác xuống để họ được nâng lên cao, và đến một lúc nào đó, bất chấp tất cả, họ sẵn sàng giết chết người khác để họ được sống một mình thoải mái, sung sướng. Khi cuộc sống mà con người luôn luôn biết múc lấy Tình yêu của suối nguồn vĩnh cữu là Thiên Chúa rồi nghĩ đến người khác mà biết phân phát, biết cho đi những gì theo khả năng mình có thì cuộc sống đó mới triển nở, dạt dào hạnh phúc, con người mới sống thật được bình an. Phải như vậy, thưa cha?

    Trả lờiXóa
  3. Con người có thể rơi vào tình trạng “nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu”. Khả năng “nghe” và “thấy” là đề tài lớn trong thần học Tin Mừng Gio-an. Những người Do Thái trong Tin Mừng Gio-an đã thấy những dấu lạ Đức Giê-su làm, đã nghe những lời Đức Giê-su giảng dạy, nhưng họ vẫn không tin, nghĩa là họ “không thấy” và “không biết” thực sự Đức Giê-su là ai. Hình như khả năng “nghe và thấy Đức Giê-su” không thể tách rời khỏi “lòng” và “trí”. Nếu không “mở lòng”, “mở trí” để đón nhận, nếu không hoán cải và bước vào tương quan lòng mến, thì không thể “nghe” và “thấy” Đức Giê-su được.

    Trong thực tế cuộc sống, con người chỉ có thể “thấy” và “nghe” thực sự, khi có sự đồng cảm từ cả hai phía: “Người nói” và “người nghe”. Nếu cả hai “cùng tần số” mới chuyển tải được lời muốn nói cho nhau. Khi chưa mở lòng ra để đón nhận, chưa sẵn sàng để nghe, thì lời nói chỉ là “đàn gảy tai trâu” mà thôi. Lời nói chỉ có hiệu quả khi người nghe muốn nghe, sẵn sàng để nghe, và người nói muốn nói với lòng yêu thương và tôn trọng nhau.

    Về tình yêu, có lẽ ai cũng biết rằng con người chỉ thực sự có tình yêu khi được yêu thương, yêu thương, tôn trọng và mong muốn làm người khác hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc đời con người vẫn luôn có sự giằng co và đấu tranh giữa “ánh sáng” và “bóng tối”, giữa “làm việc tốt” và “làm việc xấu”, giữa “chiếm hữu” và “trao ban”…

    Trong cuộc chiến này, Đức Giê-su chỉ ra cho các môn đệ một con đường nghịch lý, Người nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn ở lại một mình; nhưng nếu chết đi, nó sinh nhiều hoa trái. Ai yêu mạng sống mình thì mất nó; ai ghét mạng sống mình trong thế gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25). Đó là con đường “chết để sống”, “ghét để yêu” mà Đức Giê-su đã đi. Người mời gọi các môn đệ cùng bước đi trên con đường ấy để bày tỏ tình yêu. Đó là con đường có khả năng mang lại niềm vui, bình an và sự sống đích thực cho mình và cho người khác./.

    Trả lờiXóa
  4. Mừng lễ Hiện Xuống, Kính chúc cha được nhiều Ơn Chúa Thánh Thần, nhiều niềm vui và hy vọng, tam hồn tràn ngập sự bình an.
    Mục đích cuộc đời con người là kiếm tìm hạnh phúc, ai cũng mong muốn có cuộc sống đầm ấm, an vui. Tuy vậy, con người đang sống trong hiện tại, họ không lo nghĩ cho cuộc sống hiện tại, mà cứ hướng về tương lai, quá bận tâm băng khoăng, lo lắng cho tương lai đời mình. Tương lai là gì vậy? Không ai nắm vững, chỉ biết mò mẫm, phỏng đoán, kiếm tìm!
    Cuộc sống luôn là một cuộc kiếm tìm, có nhiều vất vả tính toán và đầy lo toan. Phải chăng khi con người lặn lội kiếm tìm, tích lũy có được nhiều của cải, có nhiều tiền bạc, có địa vị danh vọng... thì cuộc sống đó mới được vững chải, bền lâu, họ mới có được sự bình an, hạnh phúc?
    Nhưng sự bình an và hạnh phúc mà con người đang mãi mê kiếm tìm trong „cái có“ hàng ngày, nó luôn là một sự nghịch lý, vẫn lo âu, bất an.
    Nhìn vào thực tế, người ta muốn xây một ngôi nhà rộng lớn để sống thoải mái, tận hưởng những tiện nghi; nhưng suốt ngày họ phải bận rộn, tất bật bù đầu lo tính toán với những công việc làm ăn, không một chút nghỉ ngơi.
    Con người hôm nay đã biết biến chế ra nhiều loại đồ uống, thức ăn để dùng và thưởng thức; vậy mà họ phải kiêng cử, ăn khem tránh khỏi hại sức khỏe, gây nên nhiều bệnh tật nguy hiểm.
    Người ta cùng hùn vốn, đầu tư kinh doanh hầu để kiếm được nhiều tiền của, nhưng khi đã có được nhiều tiền, người ta lại tranh giành, rồi giết nhau. Và còn biết bao chuyện khác đang diễn ra hàng ngày...
    Vậy phải tìm ở đâu để con người có được bình an, hạnh phúc thật?
    Trong Tin mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu đã trả lời cho chúng ta biết: Nếu ta cho các ngươi tự do thì các ngươi mới đích thực tự do. (GA 8:36) Như vậy, Bình an, hạnh phúc của con người là sống trong tự do mà Chúa ban.
    Tự do và Bình an của Chúa là gì? Thực sự Thiên Chúa không có Tự do, không có Bình an; Nhưng chính Ngài là Tự do, chính Ngài là Bình an. Thiên Chúa không Có, mà Thiên Chúa Là. Thiên Chúa là tất cả. Mà trong đời sống, con người có nhiều thứ, con người có nhà cửa, có tiền bạc, con người có địa vị danh vọng, có bằng cấp..., nhưng con người không có Chúa. Như vậy con người vẫn mãi mãi thiếu, vẫn luôn luôn kiếm tìm. Con người vẫn mãi sống trong cô đơn tuyệt vọng, trong lo âu và bất an. Vì trong cuộc sống này, không có gì hiện hữu độc lập ngoài Ân Sủng của Thiên Chúa. Thưa cha, cha nghĩ thế nào?

    Trả lờiXóa
  5. Có lẽ cần phân biệt “những giá trị trần thế” với “những giá trị đức tin”. Người ta có thể có mọi giá trị trần thế như: tình yêu, bình an, niềm vui, tự do và hạnh phúc, nhưng không đương nhiên là có sự sống, niềm vui và bình an của Đức Giê-su ban tặng.

    Giá trị trần thế và giá trị của người tin vào Đức Giê-su vừa giống nhau, vừa khác nhau từ nền tảng. Trong trường hợp có sự xung đột thì giá trị đức tin cần được ưu tiên. Bằng chứng là có người sống ở trần gian khốn khổ suốt cả đời, nhưng lại được hưởng hạnh phúc đời sau, và ngược lại (xem dụ ngôn người giàu có và anh La-da-rô nghèo trong Tin Mừng Lc 19,16-31). Biết bao vị thánh tử đạo đã bị bách hại, tù tội và bị giết chết. Các vị không có bình an, niềm vui, tự do và hạnh phúc trần thế, nhưng thực sự các vị là người có bình an, niềm vui, tự do và hạnh phúc của Đức Giê-su ban tặng, ngay ở đời này và suốt cả đời sau.

    Đức Giê-su mời gọi con người lo tìm kiếm nước Thiên Chúa trước tiên (Mt 6,33), nghĩa là tìm kiếm và sống những giá trị mà Đức Giê-su ban tặng cho những ai tin và sống theo giáo huấn của Người./.

    Trả lờiXóa
  6. Thưa cha! Trong câu 21b có 2 động từ Hy Lạp khác nhau (ἀπέσταλκέν và πέμπω) để nói về việc sai đi. Cách dùng này có ý nghĩa gì không cha?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét hay, hai động từ“apostellô” “pempô” có sắc thái nghĩa khác nhau. Chẳng hạn Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 13,16c: “Kẻ được sai đi (apostolos) không lớn hơn người sai phái (pempsantos) kẻ ấy.” Trong câu này, “kẻ được sai đi” là danh từ “ho apostolos”, gốc từ động từ “apostellô” (sai đi); còn “người sai đi (pempsantos)” là động tính từ, thì quá khứ aoriste, giống đực, thuộc cách của động từ “pempô”. Trong trường hợp Gio-an Tẩy Giả, động từ “apostellô” ở 1,6a ở dạng thụ động: “apestalmenos”, nhấn mạnh vai trò của người được sai đi là Gio-an. Còn ở 1,33b: “ho pempsas me” (Đấng sai tôi) là động từ “pempô” ở lối động tính từ, thì quá khứ aoriste, chủ cách, nhấn mạnh đến người sai đi là Thiên Chúa (cf. 1,6a). Điều này phù hợp với mạnh văn 1,32-33 vì Gio-an vừa dựa vào uy thế Đấng sai ông (1,33b), vừa dựa vào lời nói của Đấng này (1,33c) để xác nhận tính xác thực nội dung lời chứng về Đức Giê-su. Tóm lại động từ “apostellô” (sai đi) ở 1,6 đề cao vai trò làm chứng của Gio-an là “người được sai đi”; còn động từ “pempô” (sai đi) đề cao hành động của Thiên Chúa là Đấng sai đi.

      Xóa