15/04/2020

Gio-an và Đức Giê-su (Ga 1,6-8.19-28)



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 15 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Bối cảnh và bản văn Ga 1,6-8.19-28
II. Làm chứng về Đức Giê-su là ánh sáng
    1. Lời chứng của Gio-an
    2. Tương quan giữa Gio-an và Đức Giê-su
Kết luận




Dẫn nhập

Nhân vật chính trong hai đoạn văn Ga 1,6-8 và 1,19-28 là Gio-an (Tẩy Giả), ông làm chứng về ánh sáng là Đức Giê-su. Tin Mừng thứ tư mở đầu bằng lời chứng của Gio-an và kết thúc bằng lời chứng của môn đĐức Giê-su yêu mến (21,24). Nên Tin Mừng đề cao đề tài làm chứng trong bối cảnh vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối. Bài viết trình bày lời chứng của Gio-an và tương quan giữa ông với Đức Giê-su qua hai mục: (I) Bối cảnh và bản văn Ga 1,6-8.19-28 ; (II) làm chứng về Đức Giê-su là ánh sáng.

I. Bối cảnh và bản văn Ga 1,6-8.19-28

Tin Mừng Gio-an mở đầu bằng hai lời tựa: (1) lời tựa thần học (1,1-18) nói về nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su; (2) lời tựa lịch sử (1,19-51) kể lại lời chứng của Gio-an (1,19-34) và các môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su (1,35-51). Sứ vụ Đức Giê-su bắt đầu ở ch. 2 qua dấu lạ nước lã hoá thành rượu ngon (2,1-12). Phần lời tựa lịch sử (1,19-51) được chia làm bốn đoạn văn: 1,19-28; 1,29-34; 1,35-42; 1,43-51. Ba đoạn văn sau bắt đầu bằng từ “hôm sau” (têi epaurion) đầu các câu 1,29.35.43. Gio-an làm chứng trong hai đoạn văn (1,19-28; 1,29-34), các môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su được thuật lại trong hai đoạn văn (1,35-42; 1,43-51). Trong phần trích dẫn bản văn dưới đây gồm hai đoạn văn: (1) 1,6-8 thuộc lời tựa thần học (1,1-18); (2) 1,19-28 là đoạn văn thứ nhất về lời chứng của Gio-an, thuộc lời tựa lịch sử (1,19-51):

Ga 1,6-8: 6 Có một người được sai đến từ Thiên Chúa, tên ông là Gio-an. 7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy. 8 Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng.
[1,9-18:…]
Ga 1,19-28: 19 Và đây là lời chứng của Gio-an, khi những người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử các tư tế và các Lê-vi đến với ông ấy để họ hỏi ông ấy: “Ông là ai?20 Ông ấy tuyên xưng chứ không chối, Ông ấy tuyên xưng rằng: “Chính tôi không phải là Đấng Ki-tô.21 Họ hỏi ông ấy: “Vậy thì sao? Ông là Ê-li-a phải không? Ông ấy nói: Không phải tôi.– “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông ấy đáp: Không.22 Vậy họ nói với ông ấy: “Ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người đã cử chúng tôi? Ông nói gì về chính mình? 23 Ông ấy khẳng định: “Tôi là tiếng kêu trong hoang mạc, hãy làm cho thẳng con đường của Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” 24 Những người được sai đến thì thuộc nhóm Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông ấy và nói với ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu chính ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay vị ngôn sứ? 26 Gio-an trả lời họ rằng: “Chính tôi làm phép rửa trong nước. Người đang đứng giữa các ông mà các ông không biết, 27 Người đến sau tôi và chính tôi không xứng đáng cởi quai dép của Người.28 Những điều đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia Gio-đan, nơi Gio-an làm phép rửa. (Xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ).

II. Làm chứng về Đức Giê-su là ánh sáng

Vai trò của Gio-an trong tương quan với Đức Giê-su được trình bày qua hai điểm: (1) lời chứng của Gio-an; (2) tương quan giữa Gio-an và Đức Giê-su.

    1. Lời chứng của Gio-an

Phần này trình bày bốn điểm: (1) Gio-an không phải là ánh sáng; (2) Lời là ánh sáng; (3) xung đột giữa ánh sáng và bóng tối ; (4) lời chứng về Đức Giê-su, lời chứng của Đức Giê-su.

(1) Trong đoạn văn 1,6-8, tác giả lời tựa nói đến vai trò của Gio-an. Ông không đến tự mình, nhưng được Thiên Chúa sai đến và nhiệm vụ của ông là làm chứng về ánh sáng. Bản văn vừa lặp lại vừa khẳng định bằng câu phủ định ở 1,8: “Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng để làm chứng về ánh sáng. Có thể người ta đã lầm tưởng Gio-an là ánh sáng nên cần làm rõ bằng câu phủ định. Gio-an có thể là gì đó, nhưng chắc chắn ông không phải là ánh sáng. Trong lời tựa Tin Mừng (1,1-18), những câu trước (1,1-5) và sau (1,9-11) đoạn văn nói về Gio-an (1,6-8) cho biết ánh sáng mà Gio-an làm chứng là ai. Tác giả lời tựa viết ở 1,4-5: “4 Ở nơi Người (Lời) là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người, 5 và ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng.” Sau các câu 1,6-8, tác giả nói tiếp về Lời ở 1,9-11: “9 Người là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian. 10 Người ở trong thế gian, thế gian được tạo thành nhờ Người và thế gian đã không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người.”

(2) Vậy ánh sáng là Lời (Logos), Lời Nhập Thể (1,14a), được tác giả khẳng định cách mạnh mẽ về nguồn gốc thần linh ở 1,1-4: “1 Lời có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. 2 Người ở với Thiên Chúa lúc khởi đầu. 3 Mọi sự nhờ Người được tạo thành, và không có Người thì chẳng có một cái gì đã tạo thành mà được tạo thành. 4 Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người. (Hai câu 1,3-4 được dịch lại, sát với bản văn Hy-lạp hơn). Sự hiện hữu và vai trò của Lời Nhập Thể được giới thiệu như thế thì làm sao có thể lầm lẫn với Gio-an được? Thật ra, trên bình diện lịch sử, có thể có người tưởng Gio-an là Đấng Mê-si-a vì ông xuất hiện trước Đức Giê-su và gây được tiếng vang đáng kể. Còn những gì nói về Lời Nhập Thể trong lời tựa là khẳng định niềm tin của cộng đoàn. Nên cần phải làm rõ vai trò của Gio-an, trong tương quan với Đức Giê-su là “người đến sau” (1,15.30).

(3) Lời chứng của Gio-an (1,6-8) đặt trong bối cảnh xung đột giữa “ánh sáng” và “bóng tối”, giữa “đón nhận” và “không đón nhận”, giữa “nhận biết” và “không nhận biết” ánh sáng (xem 1,4-5.9-11, trích dẫn trên đây). Lời chứng của Gio-an ở 1,19-28 cũng đặt trong bầu khí xung đột với giới lãnh đạo Do-thái – qua những lời chất vấn – để biết Gio-an là ai. Giới lãnh đạo Do-thái sẽ chất vấn Đức Giê-su trong suốt Tin Mừng để biết: Người là ai, từ đâu đến, đã làm gì và lấy quyền ở đâu để rao giảng. Chất vấn và tranh luận là kiểu hành văn của Tin Mừng trong bối cảnh một vụ kiện. Đó là vụ kiện giữa “ánh sáng” và “bóng tối”. Nếu Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi ban Con Một (3,16) thì người ta lại yêu mến bóng tối hơn ánh sáng và ghét ánh sáng (3,19-20). Vụ kiện này vẫn tiếp diễn trong cộng đoàn người tin qua mọi thời đại.

(4) Trong bối cảnh của vụ kiện như trên, việc làm chứng có tầm quan trọng đặc biệt. Có thể nói toàn bộ Tin Mừng là một chuỗi các “lời chứng về Đức Giê-su” và “lời chứng của Đức Giê-su”: (1) Lời chứng về Đức Giê-su vì tất cả các lời chứng khác như lời chứng của Chúa Cha, của Gio-an Tẩy Giả, của Kinh Thánh, v.v (5,31-47) đều làm chứng cho Đức Giê-su. (2) Nội dung Tin Mừng là “lời chứng của Đức Giê-su” vì Người đến để làm chứng cho sự thật (18,37c). Cái chết của Người trên thập giá là lời chứng hùng hồn về tình yêu dành cho các môn đệ (13,1; 15,13); về tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian (3,16).

    2. Tương quan giữa Gio-an và Đức Giê-su

Đoạn văn 1,19-28 trình bày phần đầu lời chứng của Gio-an.  Nếu như Gio-an được giới thiệu ở 1,7: “Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy” thì đoạn văn 1,19-28 mở đầu ở 1,19a: “Và đây là lời chứng của Gio-an…” Lời chứng này được trình bày qua cuộc đối thoại giữa ông với giới lãnh đạo Do Thái. Họ cử  các tư tế và Lê-vi (1,19), thuộc nhóm Pha-ri-sêu (1,24), đến gặp Gio-an để hỏi: “Ông là ai?” (1,19b). Trước khi giới thiệu Đức Giê-su, Gio-an làm chứng bằng cách nói “không” về mình. Ông “không phải là Đấng Ki-tô” (1,20), “không phải là Ê-li-a” (1,21a), “không phải là vị ngôn sứ” (1,21b). Trả lời bằng câu phủ định vừa cho phép loại trừ lầm lẫn, vừa chuẩn bị để giới thiệu ai đó theo nguyên tắc mà Gio-an nói với môn đệ của ông ở 3,30: “Đấng ấy phải lớn lên, còn thầy phải suy giảm. Qua nhân vật Gio-an trong Tin Mừng, có bốn ghi nhận về tương quan giữa Gio-an và Đức Giê-su:

(1) Gio-an xuất hiện trước Đức Giê-su và được nhiều người biết đến, đã có người nghĩ rằng Gio-an là Đấng Ki-tô mà dân chúng mong đợi. Vì thế, cần làm rõ qua cách nói phủ định để tránh hiểu lầm trước khi giới thiệu Đức Giê-su. Gio-an nói với những kẻ đến chất vấn ông ở 1,26: “Chính tôi làm phép rửa trong nước. Người đang đứng giữa các ông mà các ông không biết.” Lời này cho thấy vào lúc ấy, người ta biết Gio-an hơn là biết Đức Giê-su, vì Người chưa thi hành sứ vụ.

(2) Trước khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giê-su có liên hệ với nhóm Gio-an, vì hai lý do. Trước là Gio-an giới thiệu Đức Giê-su cho dân chúng khi ông tuyên bố ở 1,31: “Phần tôi, tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho Ít-ra-en, vì điều này, chính tôi đến làm phép rửa trong nước.” Sau là ông giới thiệu Đức Giê-su cho môn đệ của ông. Hai môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su là môn đệ của Gio-an. Người thuật chuyện kể ở 1,35-37: “35 Hôm sau, Gio-an lại đứng với hai người trong các môn đệ của ông ấy. 36 Và chăm chú nhìn Đức Giê-su đang đi qua, ông ấy nói: ‘Đây là Chiên của Thiên Chúa.’ 37 Hai môn đệ của ông ấy nghe nói thế, họ đi theo Đức Giê-su.” Một trong hai môn đệ ở đây là An-rê, anh của Si-môn Phê-rô (1,40), còn người thứ hai là môn đệ vô danh, người thuật chuyện không cho biết tên.

(3) Gio-an nói về Đức Giê-su là “người đến sau tôi hay “người đi sau tôi” (1,15.30), kiểu nói này cho phép hiểu người ấy là môn đệ, bởi vì đi sau người nào là môn đệ của người ấy. Dựa vào hai lần Gio-an nói về Đức Giê-su trên đây ở 1,15.30, có giả thuyết cho rằng trước khi Đức Giê-su thi hành sứ vụ, Người là môn đệ của Gio-an.

(4) Khi Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ, Gio-an khẳng định sự đảo lộn nền tảng về vị trí và vai trò giữa ông và Đức Giê-su. Gio-an  giới thiệu Đức Giê-su ở 1,15.30: “Người đến sau tôi, nhưng vượt trước tôi, vì Người có trước tôi.” Câu này có ý nghĩa thần học quan trọng. Về lịch sử, Đức Giê-su là người đi sau, nhưng đã vượt lên trước nghĩa là trở thành vị Thầy. Đối với Gio-an, Đức Giê-su trở thành Thầy của ông vì Người đã vượt trước” ông. Trong câu “Người có trước tôi (prôtos mou en)” (1,15.30) dùng động từ “eimi” (là, có, hiện hữu). Gio-an khẳng định Đức Giê-su hiện hữu trước ông. Trên bình diện lịch sử, Gio-an sinh ra trước Đức Giê-su; trên bình diện thần học, Đức Giê-su hiện hữu trước Gio-an vì Lời có lúc khởi đầu” (1,1a). Để làm rõ sự trổi vượt này, Gio-an dùng hình ảnh “không xứng đáng để cởi quai dép” của Người (1,27). Gio-an khẳng định mạnh mẽ căn tính và nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su phù hợp với thần học Lời Nhập Thể trong lời tựa Tin Mừng. Như thế, qua nhân vật Gio-an, Tin Mừng vừa đề cao tính lịch sử về Đức Giê-su, vừa khẳng định mạnh mẽ thần học về Lời Nhập Thể.

Kết luận

Tóm lại, nhân vật Gio-an được trình bày trong lời tựa ở 1,6-8 và trong phần đầu lời chứng của ông ở 1,19-28. Trình thuật cho độc giả thấy phần nào bối cảnh vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng. Vì thế, đề tài “làm chứng” và “lời chứng” được nhấn mạnh. Lời chứng của Gio-an vừa làm rõ trong tương quan giữa ông và Đức Giê-su, vừa báo trước sự xung đột và tranh luận trong Tin Mừng. Nhân vật Gio-an mời gọi độc giả can đảm làm chứng, dám nói không về mình đánh sáng đích thực là Đức Giê-su được tỏ lộ; dám làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa bày tỏ nơi tình yêu cao cả của Đức Giê-su./.


6 nhận xét:

  1. Bài Tìm hiểu TM Ga 1,6-8.19-28: Làm chứng và giới thiệu Đức Giê-su, cho độc giả hiểu rõ vai trò của GIoan B. và sứ vụ của ĐGS qua sự đối chiếu rất thú vị và rõ ràng, đọc câu trước lại muốn tiếp câu sau cho tới đoạn kết. Bài rất đáng cho những ai muốn tìm hiểu và đi sâu về Tm. Ga.
    Mong được đọc thêm nhiều bài tìm hiểu như thế nữa!
    TIến Đức op.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh04:09 16/1/11

    Cám ơn bài tìm hiểu TM Ga 1,6-8.19-28: Làm chứng và giới thiệu Đức Giê-su của cha thật rõ ràng, mạch lạc. Một lần nữa, con được biết thêm nhiều điều mới về Tin Mừng Thánh Ga.
    "Ước mong chúng ta cũng biết can đảm làm chứng như Gio-an Tẩy Giả,......dám làm chứng cho tình yêu cao cả ấy giữa cộng đoàn và cho thế giới hôm nay." Thưa cha, theo con, ƯỚC MONG thì nhiều, nhưng thực hiện thì ít.

    Trả lờiXóa
  3. Ước mong, ước mơ, ước muốn những điều tốt đẹp cho người khác và cho nhau là điều đáng quý trọng, chỉ có những người yêu thương nhau mới ước mong như thế. Ngày lễ, ngày tết chúng ta chúc nhau những điều tốt đẹp, không chỉ mong muốn những điều ấy được thực hiện, mà quan trọng hơn là để diễn tả lòng ưu ái dành cho nhau.

    “Ước mong”, “ước muốn” cho chép tôn trọng tự do và khả năng của mỗi người trong quyết định dấn thân và hành động. Chính Đức Giê-su đã bày tỏ ước muốn khi ngỏ lời với Cha của Người: “Lạy Cha, về những người mà Cha đã ban cho Con, Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con” (Ga 17,24a). Đức Giê-su cũng tôn trọng ước muốn của người khác. Trước khi chữa bệnh, Đức Giê-su hỏi người bệnh đã 38 năm ở hồ nước Bết-da-tha: “Anh muốn trở nên khoẻ mạnh không?” (Ga 5,6).

    “Ước mong” và “thực tế” luôn có khoảng cách. Cuộc đời này mong manh và còn khiếm khuyết, khi “thực tế” không như điều chúng ta “ước mong” cũng không làm chúng ta chán nản, thất vọng. Ngược lại “ước mong”, “ước mơ” cho phép chúng ta sống lạc quan và can đảm sống trọn vẹn cuộc đời này trong lòng tin và mong chờ trời mới đất mới.

    Cảm ơn Josepphin đã gợi ý.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh19:38 16/1/11

    Cám ơn cha thật nhiều,Sau một tuần lễ làm việc mệt mõi, được cha cho bồi dưỡng món ăn tinh thần thật quý hóa! Thưa cha, con không phủ nhận cuộc sống không có "mơ ước", "ước mong"; Nhờ đó, cưộc sống hôm nay mới có nhiều tốt đẹp, hữu ích cho con người, nhưng thực hiện được thật khó khăn.
    Kính chúc cha vui, khỏe, trẻ trung, yêu đời, yêu người.

    Trả lờiXóa
  5. Xin vỗ một tràng pháo tay từ xa của lòng biết ơn về bài viết của Cha giáo. Chúa làm cho cha thành người dẫn đường vào TM Ga một cách hấp dẫn lắm đó. Cha luôn cho người đọc những cái nhìn mới mẻ về Ga để dẫn vào cuộc sống, bởi con nghĩ chúng ta luôn đọc Tin Mừng ở thì hiện tại và cảm nhận là của chính mình. Bài cha viết , con liên tưởng đến những bảng hiệu lớn nhỏ khắp đường phố, chỗ nào cũng quảng cáo mình là “trung tâm” - đến độ không biết đâu là trung tâm thật – Còn Gioan lại 3 lần khẳng định dứt khoát nói “không” về mình bằng mọi phương cách, để giới thiệu nhân vật chính duy nhất là Đức Giêsu, trung tâm của lịch sử cứu độ phải vượt trổi lên. Đây là một bài học thật sâu lắng cho đời tu và sứ vụ như trong phần kết bài cha nói tới. Điều này thực khó lắm cha ơi, chỉ mong sức mạnh của Chúa hoàn tất nơi sự yếu hèn của phận người, lúc nào cũng biết phân định chọn lựa giữa “ánh sáng” và “bóng tối”!
    Cầu chúc ngòi bút cha đầy Thần Khí để tiếp tục chuyển trao Lời, không chỉ giúp người đọc thêm kiến thức, nhưng nhất là mong được hiểu biết Đức Giêsu bằng cái biết nội tâm và sống mỗi ngày.

    Trả lờiXóa
  6. Xin chao Anh Thong ngay dau nam!
    Uoc mong doc Tin mung Gioan theo Le Minh Thong da thanh hien thuc... Trong truong hop nay, uoc mo va hien thuc da la mot roi!
    Than ai,
    Ke tha huong

    Trả lờiXóa