27/02/2020

Mc 1,21-28. Tại sao thần ô uế nói đúng mà bị cấm nói?


Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 27 tháng 02 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Bản văn, bối cảnh và cấu trúc Mc 1,21-28
II. Thần ô uế, con người và Đức Giê-su
    1. Bị thần ô uế nhập ngay trong hội đường (1,23)
    2. Thần ô uế biết đúng và nói đúng (1,24)
    3. “Hãy câm đi” và “hãy xuất ra” (1,25)
    4. Thần ô uế “xuất khỏi người ấy” (1,26)
Kết luận




Dẫn nhập

Ngạc nhiên bởi kiểu hành văn lạ lùng: thần ô uế nói đúng về Đức Giê-su mà lại bị Người bảo “câm đi”. Hơn nữa Đức Giê-su cấm điều thần ô uế đã nói ra rồi, nghĩa là cấm nói điều ai cũng biết. Ý tưởng này đã phân tích trong bài “bí mật công khai”. Bài viết này bàn về nhân vật “thần ô uế” trong tương quan với Đức Giê-su. Từ đó tìm ý nghĩa trình thuật dành cho độc giả liên quan đến điều kiện để nói về Đức Giê-su và tư cách người nói. Đề tài này trình bày qua hai mục: (I) bản văn, bối cảnh và cấu trúc Mc 1,21-28; (II) thần ô uế, con người và Đức Giê-su.

I. Bản văn, bối cảnh và cấu trúc Mc 1,21-28

Trình thuật giảng dạy và trục xuất thần ô ế trong hội đường ở Ca-phác-na-um được kể lại ở Mc 1,21-28: “21 Các ngài [Đức Giê-su và các môn đệ] đi vào Ca-phác-na-um, và tức khắc, đi vào trong hội đường ngày sa-bát, Người giảng dạy. 22 Họ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy họ như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. 23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, người ấy la lên 24 nói rằng: ‘Nào có gì giữa chúng tôi và Ông, Ông Giê-su Na-da-rét? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ông là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa.’ 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó và nói: ‘Hãy câm đi và hãy xuất khỏi người này.’ 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét một tiếng lớn và xuất khỏi người ấy. 27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi bàn tán với nhau rằng: ‘Điều này là gì? Giáo huấn mới mẻ, kèm theo uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng tuân lệnh Ông ta.’ 28 Danh tiếng Người lập tức lan ra mọi nơi, đến khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.” (xem Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt.)

Mc 1,21 mở đầu: “Các ngài đi vào Ca-phác-na-um”. Động từ chia ở ngôi thứ ba số nhiều “các ngài đi” nối kết với đoạn văn trước đó, thuật lại việc Đức Giê-su gọi bốn môn đệ đầu tiên dọc theo biển hồ Ga-li-lê: Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Theo mạch văn, Đức Giê-su và bốn môn đệ này đi vào hội đường Ca-phác-na-um (1,21). Đây là lần đầu tiên Đức Giê-su giảng dạy công khai trong hội đường và mọi người đã sửng sốt về lời giảng dạy của Người. Đoạn văn dành phần quan trọng kể lại việc Đức Giê-su trục xuất thần ô uế. Cuối trình thuật, một lần nữa mọi người kinh ngạc và thốt lên “Giáo huấn mới mẻ, kèm theo uy quyền” (1,27b). Đoạn văn kết thúc với thành công của Đức Giê-su: “Danh tiếng Người lập tức lan ra mọi nơi, đến khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê” (1,28).

Đoạn văn tiếp theo (1,29-34) thuật lại câu chuyện Đức Giê-su chữa lành mẹ vợ Phê-rô. Trình thuật  mở đầu như sau: “Ra khỏi hội đường, lập tức Người đến nhà Si-môn và An-rê, cùng với Gia-cô-bê và Gio-an” (1,29). Vậy, Mc 1,21-28 làm thành một đoạn văn, nói về lần đầu tiên Đức Giê-su xuất hiện giảng dạy và trục xuất thần ô uế trong hội đường ở Ca-phác-na-um. Dân chúng đã sững sờ kinh ngạc trước uy quyền giảng dạy và trừ thần ô uế của Người. Lần xuất hiện đầu tiên này thành công tốt đẹp vì khắp cả vùng lân cận Ga-li-lê biết Đức Giê-su.    

Đoạn văn 1,21-28 cấu trúc theo kiểu đồng tâm A, B, C, D, D’, C’, B’, A’ như sau:


Đầu đoạn văn 1,21-18 cho biết Đức Giê-su và các môn đệ đi vào hội đường (1,21). Đầu đoạn văn tiếp theo (1,29-34) cho biết họ “ra khỏi hội đường” (1,29). Yếu tố A nói rõ nơi chốn: hội đường Ca-phác-na-um, song song với yếu tố A’: mở rộng nơi chốn, vì danh tiếng Đức Giê-su đã lan ra khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê (1,28). Yếu tố B nói về sự sửng sốt ngạc nhiên khi nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su, song song với B’: mọi người kinh ngạc về lời nói và quyền năng của Đức Giê-su. Lời của Người có khả năng trục xuất thần ô uế.

Các yếu tố C // C’ và D // D’ thuật lại việc Đức Giê-su trục xuất thần ô uế. Câu chuyện này quan trọng vì được thuật lại chi tiết với 4 câu (1,23-26). Trong đó, yếu tố C: giới thiệu người bị thần ô uế nhập // C’: thần ô uế xuất khỏi con người. Yếu tố trọng tâm D: thần ô uế lên tiếng // D’ Đức Giê-su lên tiếng và trục xuất thần ô uế. Việc Đức Giê-su đang làm nối kết với lời tựa sách Tin Mừng (1,1-15): Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan trong hoang mạc (1,12-13), bây giờ Người có thể trục xuất thần ô uế ra khỏi con người.

Tóm lại đoạn văn 1,21-28 khẳng định hai điều: (1) Đức Giê-su giảng dạy có uy quyền chứ không như các kinh sư. (2) Với lời quyền năng, Đức Giê-su trục xuất thần ô uế ra khỏi con người, trả lại cho con người sự tự do đích thực để lắng nghe và tin vào Người.

II. Thần ô uế, con người và Đức Giê-su

Bối cảnh và cấu trúc trên làm rõ tương quan giữa thần ô uế, con người và Đức Giê-su. Cần hiểu lời Đức Giê-su quát mắng thần ô uế ở 1,25: “Hãy câm đi và hãy xuất khỏi người này” (1,25) trong bối cảnh mạch văn, trong tương quan với Đức Giê-su. Từ đó tìm ra điều bản văn muốn nói với độc giả. Nhân vật thần ô uế trong tương quan với con người và Đức Giê-su được tìm hiểu qua bốn điểm: (1) bị thần ô uế nhập ngay trong hội đường (1,23); (2) thần ô uế biết đúng và nói đúng (1,24); (3) “Hãy câm đi” và “hãy xuất ra” (1,25); (4) thần ô uế “xuất khỏi người ấy” (1,26).

    1. Bị thần ô uế nhập ngay trong hội đường (1,23)

Cụm từ “trong hội đường của họ” ở 1,23a gợi đến khoảng cách giữa người thuật chuyện (độc giả) và hội đường Do Thái. Chi tiết này phản ảnh phân biệt nơi hội họp thờ phượng của Do Thái giáo và nơi hội họp và cử hành Thánh Thể của Ki-tô hữu. Cụm từ: “Có một người bị thần ô uế nhập” (1,23b), dịch sát: “Một người trong (với) thần ô uế”. Người bị thần ô uế nhập xuất hiện cách đột ngột. Điều lạ là ngay giữa hội đường, nơi cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh, lại hiện diện một người bị thần ô uế nhập mà xem ra mọi chuyện vẫn bình thường. Bản văn có nét châm biếm, vì lần đầu tiên “thần ô uế” xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô, lại xuất hiện trong hội đường là nơi cầu nguyện, thờ phượng và học hỏi Kinh Thánh của người Do Thái.

Người ta thường gọi đây là trình thuật trừ quỷ, nhưng bản văn không nói đến “quỷ” (diabolos) mà là “thần ô uế” (to pneuma to akatharton). “Thần ô uế” đối lập “Thánh Thần” (to pneuma to hagion, Thần Khí thánh). Trong cả hai danh xưng đều có danh từ “pneuma” (thần khí, thần trí), nhưng một bên là thần khí ô uế”, một bên là “Thần Khí thánh” hay “Thánh Thần”. Đối lập giữa “thánh thiện” và “ô uế” lộ rõ trong lời thần ô uế nói về Đức Giê-su. Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa (ho hagios tou theou)” (1,24). Vậy, Đấng Thánh đang đối diện với thần ô uế và chính Người sẽ làm cho thần ô uế bị tiêu diệt.

Tình trạng “người bị thần ô uế nhập” (1,23) cũng lạ. Người ấy chẳng làm gì cả, cũng chẳng có ai xin Đức Giê-su trục xuất thần ô uế. Sức khoẻ của người bị thần ô uế nhập, cũng như tình trạng của người ấy sau khi Đức Giê-su trục xuất thần ô uế, không được bản văn nói tới. Xem ra câu chuyện tập trung vào “lời của thần ô uế” và “lời của Đức Giê-su” (xem yếu tố trọng tâm D // D’ trong cấu trúc), nên cần tìm hiểu kỹ hai lời này.

    2. Thần ô uế biết đúng và nói đúng (1,24)

Người bị thần ô uế nhập la lên nói rằng: “Nào có gì giữa chúng tôi và Ông, Ông Giê-su Na-da-rét? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ông là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24). Cụm từ “nói rằng (legôn)” cho thấy để “nói” (legô), thần ô uế phải nhập vào con người. Bởi vì tự nó, thần ô uế không nói được, không lên tiếng được. Thần ô uế không có phương tiện để nói. Nó phải nhập vào con người, mượn tiếng loài người để nói. Điều này cho thấy người bị thần ô uế nhập lệ thuộc và chịu ảnh hưởng của thần ô uế, người ấy trở thành phát ngôn viên của thần ô uế. Bằng tiếng nói của con người, thần ô uế nói với Đức Giê-su.

Lời thần ô uế nói gồm hai câu hỏi và một lời khẳng định. Câu hỏi thứ nhất: “Nào có gì giữa chúng tôi và Ông, Ông Giê-su Na-da-rét?” (1,24b). Câu hỏi này chối bỏ mọi quan hệ giữa “chúng tôi” và “Ông”, nghĩa là giữa “thần ô uế” nói chung (số nhiều) và Đức Giê-su. Câu hỏi thứ hai tiếp theo cho biết sự xuất hiện của Đức Giê-su đe dọa sự sống còn của thần ô uế: “Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?” (1,24c). Thần ô uế tự xưng là “chúng tôi”, có thể hiểu đại từ “chúng tôi” là liên hiệp giữa con người và thần ô uế, nhưng cũng có thể chỉ toàn bộ thần ô uế. Chúng cảm thấy bị đe dọa khi đối diện với Đức Giê-su. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai thì thần ô uế đã nói đại diện tất cả thần ô uế khi dùng đại từ “chúng tôi”. Vậy, nếu như thần ô uế trong câu chuyện bị trục xuất, nghĩa là sự hiện diện của Đức Giê-su trở thành sự tận diệt của thần ô uế nói chung. Nói cách khác, khi Đức Giê-su xuất hiện, quyền lực của thần ô uế trên con người đã đến hồi kết thúc.

Về lời khẳng định: “Tôi biết Ông là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24d). Đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” ở 1,24b.c bây giờ chuyển sang ngôi thứ nhất số ít “tôi” (1,24d). Trong mạch văn, “Tôi” ở đây nhấn mạnh, sự khước từ và đối lập trong tương quan “Tôi” - “Ông” đã được nói đến ở 1,24c: “Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”

Tước hiệu “Đấng Thánh (ho hagios) của Thiên Chúa (tou theou)” cho biết Đức Giê-su chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Thánh thì Đức Giê-su cũng được gọi là Đấng Thánh. Trong Tin Mừng Gio-an, Phê-rô, đại diện Nhóm Mười Hai, dùng tước hiệu này để tuyên xưng lòng tin vào Đức Giê-su ở Ga 6,69: “Phần chúng con, chúng con đã tin và đã nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh (ho hagios) của Thiên Chúa (tou theou).”

    3. “Hãy câm đi” và “hãy xuất ra” (1,25)

Đức Giê-su quát mắng thần ô uế và nói: “Hãy câm đi và hãy xuất khỏi người này” (1,25). Đức Giê-su “quát mắng” và “nói” chứ không “làm”. Người nói hai mệnh lệnh ngắn ngủi: (1) “hãy câm đi” và (2) “hãy xuất khỏi người này”. Tại sao Đức Giê-su ra lệnh cho thần ô uế câm đi, không được nói, trong khi thần ô uế nói đúng về Người? Có hai cách hiểu lệnh cấm của Đức Giê-su:

a) Đức Giê-su chưa muốn tiết lộ căn tính của Người để tránh hiểu lầm. Vì câu hỏi quan trọng: “Đức Giê-su thực sự là ai?” chỉ được mặc khải dần dần qua sứ vụ và nhất là qua biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Ở Mc 3,11 Đức Giê-su cấm thần ô uế nói về Người, để Người khỏi bị lộ.

b) Cách hiểu thứ hai sâu xa hơn và phù hợp với bối cảnh mạch văn hơn. Đức Giê-su ra lệnh cho thần ô uế câm đi, vì tự bản chất, thần ô uế đối lập với Đấng Thánh. Thần ô uế không có tư cách để nói sự thật về Đức Giê-su. Trong trình thuật song song (Mc 1,23 // Lc  4,33), Tin Mừng Lu-ca ghép chung “thần ô uế” (to pneuma to akatharton) với “quỷ” (diabolos) khi viết: “Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế (ekhôn pneuma daimoniou akathartou) nhập, kêu lớn tiếng:...”  (Lc 4,33). Vậy thần ô uế thuộc về quỷ được Tin Mừng Gio-an định nghĩa: “Quỷ không đứng trong sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối” (Ga 8,44). Vì không có sự thật nơi mình, nên thần ô uế không có khả năng nói sự thật.

Hơn nữa, thần ô uế tự cho mình “biết” khi nói “Tôi biết Ông là ai”. Nhưng theo nghĩa thần học, chỉ có người của Thiên Chúa, người thuộc về Thiên Chúa mới thực sự “biết” Đức Giê-su. Thần ô uế không thuộc về Thiên Chúa nên không thực sự biết Người. Thần ô uế không được nói vì nó không thể nói sự thật, nó không có sự thật để nói. Hơn nữa, trong đoạn văn Mc 1,21-28, thần ô uế phải câm, vì nó không thể là nhân vật đầu tiên nói về Đức Giê-su trong Tin Mừng.

Đối với độc giả, lời thần ô uế (1,24) là thông tin quan trọng và đúng nhưng Đức Giê-su lại cấm thần ô uế nói. Kiểu hành văn nghịch lý này muốn nói với độc giả rằng vấn đề không chỉ là nội dung lời nói mà còn là tư cách người nói. Thần ô uế nói đúng nhưng không thuộc về Thiên Chúa, nên không có tư cách để nói. Nói đúng về Đức Giê-su là chưa đủ, cần nói với với lòng tin, nghĩa là nói với tư cách là môn đệ của Người.

    4. Thần ô uế “xuất khỏi người ấy” (1,26)

Người thuật chuyện kể tiếp: “Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét một tiếng lớn và xuất khỏi người ấy” (1,26). Thần ô uế không “nói” nữa mà “thét”. Tiếng thét gợi đến tiếng kêu trước khi chết. Theo lệnh Đức Giê-su, thần ô uế đã xuất khỏi con người. Người trục xuất thần ô uế ra khỏi con người, trả lại cho con người lời nói, bởi vì con người không phải là người nói thay cho thần ô uế. Đức Giê-su đến giải thoát con người khỏi quyền lực thần ô uế để con người thuộc về sự thật và có khả năng nói sự thật về Đức Giê-su, có khả năng hiểu đúng giáo huấn của Người và trở thành môn đệ của Người.

Kết luận

Để con người thuộc về Thiên Chúa và có tư cách nói về Người, Đức Giê-su đã chọn cách giải thoát con người khỏi thần ô uế và mặc khải cho con người biết về Người. Tuy loài người không biết rõ Đức Giê-su như thần ô uế, nhưng nếu con người đón nhận và tin vào Người thì có khả năng biết đúng và nói đúng về Người. Cho dù tiến trình học biết về Đức Giê-su không đơn giản. Đây là một hành trình dài, cần không ngừng học hỏi và sống tư cách người môn đệ Đức Giê-su. Trình thuật trục xuất thần ô uế đề cao uy quyền giảng dạy và trừ quỷ của Đức Giê-su đồng thời mời gọi độc giả sửng rốt và kinh ngạc như thính giả trong câu chuyện để không ngừng tìm đến với Đức Giê-su, lắng nghe và thưởng thức “giáo huấn mới mẻ, kèm theo uy quyền” của Người./.



6 nhận xét:

  1. Nặc danh15:20 24/3/13

    Xin cám ơn Cha về bài chia sẻ.
    Xin Chúa chúc lành cho Cha.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh15:49 24/3/13

    Hom nay duoc doc chia se nay, TH hieu ro hon ve doan Kinh thanh du da duoc nghe, doc nhieu lan. Cam on chia se cua cha Thong.
    "...chỉ có thông tin đúng mà thôi thì chưa đủ, điều quan trọng là tuyên xưng điều đó với lòng tin vào Đức Giê-su." cau nay lam cho TH suy nghi nhieu hon ca.

    Trả lờiXóa
  3. Chao anh,
    "Tai sao Chua Giesu lai cam than o ue noi ve Nguoi? " Cau hoi nay rat nhieu nguoi da hoi va chinh em cung thac mac. Hom nay doc bai phan tich cua anh, em duoc cau giai dap rat thoa dang vi bai viet rat sau sac va mach lac. Cam on anh da cho anh em mot bai viet hay va y nghia.
    Cau chuc anh nhieu on soi sang de tiep tuc lam sang to Tin Mung qua nhung bai phan tich cua anh.
    Chuc anh tuan Thanh thanh thien va sot sang.

    Trả lờiXóa
  4. Con cám ơn Cha, bài viết Cha chia sẻ thật ý nghĩa, và sâu sắc. Điều làm con tâm đắc nhất đó là đoạn:
    “Tôi biết Ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó và nói: “Hãy câm đi và hãy xuất khỏi người này.” (Mc1, 24d-25).
    Qua đây con rút ra bài học là, nhiều khi ta cứ ngỡ là mình có đủ kiến thức Kinh Thánh là mình sẽ nói đúng về Chúa, một cách có hiệu quả, khi mà ta không có đủ một đời sống kết hiệp với Chúa. Bởi theo như bài viết của Cha, nếu chỉ có thông tin đúng và chính xác mà thôi thì chưa đủ, thế còn thiều điều gì, nếu không phải là một đời sống cầu nguyện. Trong cuộc sống có rất nhiều người không tin Chúa nhưng họ biết rất nhiều về Kinh Thánh với một mục đích khác không phải là một sự tuyên tín vào Thiên Chúa. Và lời giảng dạy của họ, cũng sẽ không mang đến hiệu quả. Mỗi người cũng sẽ rơi vào tình trạng ấy nếu đời sống không được củng cố bằng cầu nguyện và sự kết hiệp mất thiết với Chúa.
    Con cám ơn Cha Giáo rất nhiều, những ý trên chỉ là một chút suy nghĩ nhỏ của con.

    Trả lờiXóa
  5. Thao Nghi19:37 27/3/13

    bai viet cua Fr rat hay,ro ran, de hieu. Tks Fr nhieu!

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh03:29 3/10/13

    Cám ơn Cha đã phân tích rất hay về đoạn ngắn Phúc Âm này.

    Trả lờiXóa