23/02/2020

“Tin mừng” trong “sách Tin Mừng” Mác-cô



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 23 tháng 02 năm 2020

Nội dung

Dẫn nhập
    1) Tin mừng của Đức Giê-su
    2) Tin mừng của Thiên Chúa
    3) Tin mừng của các môn đệ
    4) Tin mừng là chính Đức Giê-su
    5) Bốn sách Tin Mừng
Kết luận


Dẫn nhập

Trong bốn sách Tin Mừng, danh từ “tin mừng” (euaggelion) xuất hiện 8 lần trong sách Tin Mừng Mác-cô (1,1.14.15; 8,35; 10,29; 13,10; 14,9; 16,15), 4 lần trong Mát-thêu (Mt 4,23; 9,25; 24,14; 26,13) và không xuất hiện trong Tin Mừng Lu-ca và Tin Mừng Gio-an. Với số lần xuất hiện vượt trội so với các Tin Mừng khác, “tin mừng” là đề tài quan trọng và đặc thù của Tin Mừng Mác-cô. Để tránh lầm lẫn, chúng tôi dùng thuật ngữ “Tin Mừng” (viết hoa) để chỉ bốn “sách Tin Mừng”). Từ “Tin Mừng” trong các kiểu nói “đọc Tin Mừng”, “học hỏi Tin Mừng”... được hiểu là bốn sách Tin Mừng (Mt, Mc, Lc, Ga). Ngoài nghĩa “sách Tin Mừng”, từ “tin mừng” còn có nghĩa khác; chúng tôi dùng từ “tin mừng” (viết thường) khi từ này không chỉ các sách Tin Mừng.

Bài viết này trình bày 5 nghĩa của từ “tin mừng” (euaggelion):  (1) tin mừng của Đức Giê-su; (2) tin mừng của Thiên Chúa; (3) tin mừng của các môn đệ; (4) tin mừng là chính Đức Giê-su; (5) sách Tin Mừng. (Các trích dẫn bản văn Mác-cô lấy trong Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt.)

    1) Tin mừng của Đức Giê-su

Tác giả mở đầu sách Tin Mừng Mác-cô bằng lời giới thiệu: “Khởi đầu tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô [Con Thiên Chúa]” (Mc 1,1). Như thế, “tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô (to euaggelion Iêsou Christou)” là tin mừng do chính Đức Giê-su rao giảng. Nội dung tin mừng ấy bao gồm lời nói, việc làm, cách sống, cách xử sự của Đức Giê-su.

Trong bốn sách Tin Mừng, kiểu nói “vì Đức Giê-su và vì tin mừng” chỉ xuất hiện 2 lần trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 8,35; 10,29). Bối cảnh của hai lời này khác nhau. Mc 8,35 là một lời giáo huấn của Đức Giê-su mang tính phổ quát: “Ai muốn cứu mạng sống của mình, sẽ mất nó; nhưng ai sẽ mất mạng sống của mình vì Tôi, và vì tin mừng, sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Ở ch 10, Đức Giê-su hứa với các môn đệ ở Mc 10,29-30: “29 A-men, Thầy nói cho anh em: Không ai bỏ nhà cửa, hay anh em, chị em, mẹ, cha, con cái, ruộng đất, vì Thầy và vì tin mừng, 30 mà không nhận được gấp trăm, bây giờ, trong thời gian này, nhà cửa và anh em, chị em, mẹ, con cái, ruộng đất, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời trong thời đang đến.” Kiểu nói “vì Đức Giê-su” (“vì Tôi”, “vì Thầy”) ám chỉ hành động “tin vào Đức Giê-su” và “trung tín với Người” đến cùng. Cụm từ tiếp theo “vì tin mừng” hiểu là “vì tuân giữ giáo huấn của Đức Giê-su”, nghĩa là “vì sống theo tin mừng Đức Giê-su rao giảng” mà các môn đệ có thể bị bách hại, bị ngược đãi, bị mất mạng sống.

Tóm lại, nghĩa đầu tiên của từ “tin mừng” và cũng là nghĩa quan trọng trong Tin Mừng Mác-cô: “tin mừng” là “tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô”, “tin mừng Đức Giê-su rao giảng”.     

    2) Tin mừng của Thiên Chúa

Lời tựa Tin Mừng Mác-cô cho biết nội dung lời Đức Giê-su rao giảng như sau: “Sau khi Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến Ga-li-lê rao giảng tin mừng của Thiên Chúa (to euaggelion tou theou)” (1,14). Tin mừng của Thiên Chúa là tin mừng cứu độ, Thiên Chúa dành cho nhân loại qua biến cố Đức Giê-su đến thế gian, giải thoát con người khỏi ách tội lỗi và sự chết.

    3) Tin mừng của các môn đệ

Cụm từ “tin mừng của các môn đệ” hiểu theo nghĩa “tin mừng các môn đệ rao giảng”. Đức Giê-su nói về sứ vụ các môn đệ ở Mc 13,9-10: “9 Phần anh em, anh em hãy coi chừng, người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn và sẽ phải đứng trước quan quyền và vua chúa vì Thầy để làm chứng trước mặt họ. 10 Và tin mừng phải được rao giảng trước tiên cho mọi dân tộc.” Dù hoàn cảnh khó khăn, bị bách hại, tin mừng vẫn được rao giảng. Trong phần kết dài sách Tin Mừng, Đức Giê-su nói rõ sứ vụ của các môn đệ là “rao giảng tin mừng”: “Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng tin mừng cho mọi thụ tạo” (16,15).

Trong trình thuật người phụ nữ xức dầu thơm cho Đức Giê-su tại nhà ông Si-mon Cùi (Mc 14,3-9), Đức Giê-su nói với những kẻ gắt gỏng với cô ấy ở 14,8-9: “8 Điều cô ấy có, cô ấy đã làm, cô ấy đã xức dầu thơm thân thể Tôi trước để chuẩn bị mai táng. 9 A-men, Tôi nói cho các ông: Tin mừng được loan báo ở đâu trong khắp thế gian, thì điều cô ấy vừa làm sẽ được kể lại để nhớ tới cô ấy.” Kiểu nói “tin mừng được loan báo ở đâu trong khắp thế gian” gợi về sứ vụ rao giảng tin mừng của các môn đệ thời Đức Giê-su; cũng như sứ vụ rao giảng tin mừng của Hội Thánh và của người tin qua mọi thời đại.

Tóm lại, như Đức Giê-su đã rao giảng tin mừng, các môn đệ cũng được Người trao phó sứ vụ rao giảng tin mừng. Các môn đệ rao giảng tin mừng về cuộc đời, sứ vụ và giáo huấn của Đức Giê-su. Nhờ các môn đệ (13,10) tin mừng được rao giảng cho mọi loài thọ tạo (16,15) và tin mừng sẽ lan rộng khắp nơi qua dòng thời gian (14,9). Cụ thể lời rao giảng tin mừng của các môn đệ được thuật lại trong sách Công Vụ, trong các thư Phao-lô và trong một số sách khác của Tân Ước.

    4) Tin mừng là chính Đức Giê-su

Người thuật chuyện kết thúc Lời tựa Tin Mừng Mác-cô (1,1-15) bằng cách thuật lại lời rao giảng của Đức Giê-su ở 1,14-15: “14 Sau khi Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến Ga-li-lê rao giảng tin mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói rằng: ‘Thời gian đã viên mãn, và Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và hãy tin vào tin mừng’.” Lời mời gọi “hãy sám hối và hãy tin vào tin mừng” tóm kết mục đích toàn bộ Tin Mừng Mác-cô. “Tin” là đề tài chính của sách Tin Mừng, mục đích giáo huấn của Đức Giê-su là để thính giả và độc giả “Tin vào Đức Giê-su”. Nên kiểu nói “tin vào tin mừng” hiểu là “tin vào Đức Giê-su”, nghĩa là chính Đức Giê-su là “tin mừng của Thiên Chúa” (1,14) dành cho nhân loại.

    5) Bốn sách Tin Mừng

Như đã trình bày, chúng tôi viết hoa từ “Tin Mừng” khi nói về bốn sách Tin Mừng trong quy điển Tân Ước. Trong các thủ bản Hy-lạp cổ, tựa đề bốn sách Tin Mừng bắt đầu bằng “Tin Mừng theo…” (euaggelion kata...) và kèm theo tên gọi Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, Gio-an. Tựa đề sách Tin Mừng thứ hai: “Tin Mừng theo Mác-cô” (euaggelion kata Markon); Tin Mừng thứ tư: “Tin Mừng theo Gio-an” (euaggelion kata Iôannên). Vậy từ “euaggelion” dùng để gọi bốn sách Tin Mừng.

Kết luận

Phân tích trên cho thấy từ “tin mừng” (euaggelion) xuất hiện 8 lần trong Mác-cô là đề tài quan trọng và hàm ẩn nhiều ý nghĩa phong phú. Tuỳ theo mạch văn từ “tin mừng” (euaggelion) có 5 nghĩa: (1) “tin mừng của Đức Giê-su”, (2) “tin mừng của Thiên Chúa”, (3) “tin mừng của các môn đệ”, (4) “tin mừng là chính Đức Giê-su”; (5) sách Tin Mừng. Từ “tin mừng” diễn tả nhiều thực tại khác nhau, nhưng chỉ có một “tin mừng” duy nhất, đó là “TIN MỪNG CỦA THIÊN CHÚA” (Mc 1,14), tin mừng đó chính là Đức Giê-su (1,15), đó là tin mừng Đức Giê-su rao giảng (1,1). Khi các môn đệ rao giảng tin mừng của Đức Giê-su cũng là rao giảng tin mừng của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nội dung các sách Tin Mừng là thuật lại tin mừng của Thiên Chúa. Hội Thánh đã và đang không ngừng nỗ lực sống tin mừng và rao giảng tin mừng cho mọi người ở mọi nơi./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét