21/02/2020

Tác giả, nơi biên soạn, độc giả, niên biểu và tài liệu biên soạn Tin Mừng Mác-cô

 

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 21 tháng 02 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Tác giả sách Tin Mừng thứ hai
     1. Gio-an Mác-cô
     2. Mác-cô (không phải Gio-an Mác-cô)
     3. Tác giả dựa vào sách Tin Mừng
II. Nơi biên soạn Tin Mừng thứ hai
III. Độc giả sách Tin Mừng thứ hai
IV. Niên biểu sách Tin Mừng Mác-cô
V. Nguồn tài liệu để biên soạn các sách Tin Mừng
     1. Giả thuyết “hai nguồn văn”
     2. Giả thuyết Mt và Lc có các nguồn riêng
     3. Giả thuyết “ba nguồn văn”
     4. Giả thuyết “nhiều nguồn văn”
     5. Giả thuyết của P. Benoit và M.-É. Boismard
Kết luận


 
Dẫn nhập

Sách “Tin Mừng Mác-cô” còn được gọi là “Tin Mừng thứ hai”, vì sách này ở vị trí thứ hai trong bốn sách Tin Mừng (Mt – Mc – Lc – Ga) và vì nội dung sách Tin Mừng này không nói rõ Mác-cô là tác giả (xem phân tích trong nội dung bài viết). Cũng trong chiều hướng này, sách “Tin Mừng Gio-an” được gọi là “Tin Mừng thứ tư”, vì nội dung sách Tin Mừng Gio-an không nói rõ là Gio-an là tác giả, xem bài viết: Ai là tác giả sách Tin Mừng Gio-an?

Bài viết này tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến lịch sử hình thành sách Tin Mừng thứ hai (Tin Mừng Mác-cô). Những câu hỏi đặt ra: Tin Mừng thứ hai do ai viết (tác giả thực sự), viết cho ai (độc giả thực sự), viết ở đâu (nơi biên soạn), viết lúc nào (niên biểu) và dựa vào tài liệu nào để viết sách Tin Mừng (tài liệu nguồn)? Kết quả nghiên cứu liên quan đến những câu hỏi này phần lớn dựa vào truyền thống và dựa trên các giả thuyết. Có nhiều lập trường và quan điểm khác nhau sẽ được trình bày sơ lược sau đây.

Cần phân biệt khái niệm “tác giả thực sự” và “độc giả thực sự” với “tác giả tiềm ẩn” và “độc giả tiềm ẩn”, xem giải thích trong tập sách: Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư. Những phác hoạ lịch sử biên soạn Tin Mừng thứ hai, giúp hiểu biết phần nào bối cảnh lịch sử hình thành sách Tin Mừng. Tuy nhiên, đây là những vấn đề phức tạp, càng đi sâu vào chi tiết, càng nhiều tranh luận, bởi vì có nhiều giả thuyết khác nhau. Vì thế, không nên đi sâu vào những tranh luận dựa trên giả thuyết, điều quan trọng là tìm hiểu khái quát những vấn đề trên, sau đó tập trung tìm hiểu nội dung mặc khải trong Tin Mừng. Nghĩa là đọc chính bản văn Tin Mừng Mác-cô và tìm hiểu xem câu chuyện nói gì và nói như thế nào để lĩnh hội thông điệp bản văn muốn chuyển tải đến người đọc.

Ngày nay, các tranh luận về vấn đề “tác giả thực sự” không còn quan trọng nữa. Bởi lẽ cho dù ai viết sách Tin Mừng thứ hai đi nữa thì cũng không làm thay đổi nội dung mặc khải trong Tin Mừng này. Giá trị mặc khải của Tin Mừng Mác-cô đã được Hội Thánh xác nhận trong Quy Điển các sách Tân Ước. Những phân tích sau đây phác hoạ phần nào môi trường xuất hiện sách Tin Mừng thứ hai, đồng thời cho thấy sự phức tạp của các vấn đề liên quan đến lịch sử.

I. Tác giả sách Tin Mừng thứ hai

Ai là tác giả sách Tin Mừng thứ hai? Có thể trả lời câu hỏi này bằng cách dựa vào truyền thống hay dựa vào chính bản văn Tin Mừng. Nói chung có ba đề nghị: 1. Gio-an Mác-cô. 2. Mác-cô nhưng không phải là Gio-an Mác-cô. 3. Tác giả theo sách Tin Mừng.

     1. Gio-an Mác-cô

Trong Tân Ước, nhân vật Gio-an Mác-cô được nói đến trong Công vụ Tông Đồ (Cv 12,12.25; 15,37.39). Mẹ của Gio-an Mác-cô có một ngôi nhà ở Giê-ru-sa-lem (Cv 12,12). Gio-an Mác-cô đã đồng hành với Ba-na-ba và Phao-lô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất (Cv 12,25; 13,5.13). Sau đó Gio-an Mác-cô chia tay Phao-lô và đi truyền giáo với Ba-na-ba (15,37.39). Tân Ước còn nói tới nhân vật Mác-cô là người giúp đỡ Phê-rô (1Pr 5,13); Mác-cô cộng sự viên của Phao-lô (2Tm 4,11; Plm 1,24) và Mác-cô em họ của Ba-na-ba (Col 4,10).

“Gio-an Mác-cô” và “Mác-cô” trong Tân Ước là một, là hai hay là nhiều nhân vật khác nhau? Tình trạng bản văn không nói rõ. Một số tác giả cho rằng, những lần tên gọi Mác-cô xuất hiện trong Tân Ước có thể là nhiều nhân vật khác nhau cùng mang tên Mác-cô, vì thời ấy tên gọi Mác-cô khá phổ biến trong đế quốc Rô-ma.

Theo truyền thống, Mác-cô, môn đệ và thông ngôn của Phê-rô, thường được đồng hoá với Gio-an Mác-cô trong sách Công vụ Tông Đồ. Pa-pi-át (năm 100–150), giám mục Hierapolis, cho biết tác giả sách Tin Mừng thứ hai là Mác-cô. Những gì Pa-pi-át viết được sử gia Eusèbe de Césarée kể lại như sau:

“Đây là những gì Kỳ mục đã nói: ‘Mác-cô, người phiên dịch cho Phê-rô, đã ghi chép một cách chính xác [trạng từ: akrisbôs], cho dù không có thứ tự, tất cả những điều ông ấy nhớ về những điều Chúa đã nói hoặc đã làm. Bởi vì ông ấy đã không nghe Chúa nói, cũng chẳng đi theo Người, nhưng sau này, như tôi đã nói, ông ấy đi theo Phê-rô. Ông này giảng dạy theo nhu cầu, chứ không tổng hợp toàn bộ những lời của Chúa. Như thế, Mác-cô đã không sai lầm khi ghi lại vài điều ông ấy đã nhớ. Quả thế, ông ấy chỉ có một ý định duy nhất là không bỏ qua những gì đã nghe và không lừa dối ai qua những gì ông ấy thuật lại” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, livre III, 39,15, [Sources Chrétiennes 31], [Texte grec, traduction et annotation par G. Bardy], Paris, Le Cerf, 1952, p. 157).

Đọc kỹ trích dẫn trên đây sẽ thấy có những chi tiết không ăn khớp với nhau. Một đàng khẳng định sự chính xác những gì được ghi chép lại: “Ghi chép một cách chính xác”, “không bỏ qua những gì đã nghe”. Một đàng cho thấy tính tương đối: ghi chép “không có thứ tự”, “ghi lại vài điều ông ấy đã nhớ”. Dù vậy, trích dẫn trên đã nói lên được điều cốt lõi của sách Tin Mừng: “Không lừa dối ai qua những gì ông ấy thuật lại”.

Đây là kiểu hành văn vào thế kỷ III-IV, độc giả ngày nay không thể đòi hỏi sự chính xác theo khoa học của thế kỷ XXI. Vì thế, không thể chỉ dựa vào trích dẫn trên đây để khẳng định cách khoa học: Mác-cô là tác giả sách Tin Mừng thứ hai. Những giả thuyết dưới đây cho thấy sự phức tạp của vấn đề tác giả Tin Mừng này. Xem C. Focant, L’évangile selon Marc, (CB.NT 2), Paris, Le Cerf, 2004, p. 30-33; R.E. Brown, Que sait-on du Nouveau Testament?, Paris, Bayard, 2000, [dịch từ: An Introduction to the New Testament, 1997], p. 200-202.

     2. Mác-cô (không phải là Gio-an Mác-cô)

Ngày nay, một số tác giả phủ nhận việc đồng hoá các nhân vật: “Mác-cô tác giả Tin Mừng thứ hai” với các nhân vật “Mác-cô” hay “Gio-an Mác-cô”, được nhắc đến trong các sách Tân Ước. Lập trường này cho rằng tác giả Tin Mừng thứ hai là một Ki-tô hữu tên là Mác-cô, không được sách Tân Ước nói tới. Bởi vì tên gọi Mác-cô khá phổ biến trong đế quốc Rô-ma thời đó và không có bằng chứng thuyết phục trong các sách Tân Ước để khẳng định “Mác-cô, thông ngôn của Phê-rô” hay “Gio-an Mác-cô” đã biên soạn sách Tin Mừng thứ hai.

     3. Tác giả dựa vào sách Tin Mừng

Nội dung Tin Mừng thứ hai không cho biết tên tác giả. Tuy vậy, dựa vào bản văn Tin Mừng, có thể nói rằng tác giả là một người có văn hoá Hy-lạp. Tác giả đã dùng những truyền thống có trước (truyền thống truyền khẩu và dựa bản văn đã có) để viết sách Tin Mừng. Theo nội dung Tin Mừng, tác giả là người sống trong môi trường văn hoá La Tinh. Bằng chứng là Tin Mừng này viết bằng tiếng Hy-lạp nhưng lại sử dụng nhiều từ gốc La Tinh chuyển tự sang tiếng Hy-lạp, hay từ ngữ gốc Hy-lạp Lạp được giải thích bằng tiếng La Tinh

Theo tình trạng văn chương Tin Mừng thứ hai hiện nay, không có lý do để nghĩ là nhiều tác giả biên soạn Tin Mừng này. Một số tác giả cho rằng có thể Tin Mừng thứ hai đã trải qua nhiều lần soạn thảo khác nhau. Điều này giải thích sự khác nhau trong Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Lu-ca, khi cả hai Tin Mừng này dùng Tin Mừng Mác-cô làm tài liệu biên soạn. Tuy nhiên, quá trình biên soạn và sự ảnh hưởng giữa các sách Tin Mừng là đề tài phức tạp. Vấn đề này sẽ được trình bày trong mục: Nguồn tài liệu biên soạn các sách Tin Mừng.

II. Nơi biên soạn Tin Mừng thứ hai

Có nhiều giả thuyết về nơi biên soạn Tin Mừng thứ hai. Các tài liệu những thế kỷ đầu Công Nguyên cũng không thống nhất. Có thể nêu lên bốn giả thuyết về nơi biên soạn sách Tin Mừng thứ hai như sau:

1. Rô-ma. Theo Clément d’Alexandrie và Origène (Eusebe de Césarée, Histoire ecclésiastique, VI, 14,6; VI, 25,5), Tin Mừng thứ hai được biên soạn ở Rô-ma, nơi các Ki-tô hữu bị bách hại dưới thời hoàng đế Nê-rô.

2. Ai Cập. Theo Jean Chrysostome, Tin Mừng Mác-cô biên soạn ở Ai Cập (Eusebe de Césarée, Histoire ecclésiastique, II, 16,1).

3. Theo nội dung Tin Mừng, Đức Giê-su tập trung hoạt động rao giảng của Người ở Ga-li-lê và vùng phụ cận, vì thế có tác giả cho rằng Tin Mừng Mác-cô được viết ở phía nam Sy-ri.

4. Hay ở phía Bắc cao nguyên Ga-li-lê.

Giả thuyết được nhiều người chấp nhận là ở Rô-ma, vì trong Tin Mừng thứ hai có nhiều từ La Tinh được Hy-lạp hoá (5,9.15; 6,27; 6,37; 12,15; 14,5; 12,42.14; 15,16.39.44.45). Đây là dấu hiệu văn chương cho thấy Tin Mừng được biên soạn trong môi trường văn hoá La Tinh và Hy-lạp.

III. Độc giả sách Tin Mừng thứ hai

Vấn đề độc giả Tin Mừng Mác-cô tuỳ thuộc vào giả thuyết về các nơi biên soạn nêu trên. Bản văn Tin Mừng cho thấy, sách Tin Mừng Mác-cô ít trích dẫn Cựu Ước và không hàm ẩn nhiều đến tư tưởng Cựu Ước. Tin Mừng này chú ý cắt nghĩa tập quán Do Thái (7,3-4; 14,12; 15,42), phiên dịch từ A-ram (3,17; 5,41; 7,11; 10,46; 14,36; 15,22.34) và nhấn mạnh việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại (7,27-29; 10,12; 11,17; 13,10).

Những dấu hiệu trên cho phép đưa ra giả thuyết: Tin Mừng Mác-cô viết cho độc giả không phải gốc Do Thái, sống ngoài Pa-lét-tin. Có thể cộng đoàn Mác-cô là dân ngoại, nhưng không loại trừ khả năng Tin Mừng cũng dành cho các độc giả Do Thái kiều. Theo dữ liệu trong Tin Mừng, cũng có thể phỏng đoán Tin Mừng thứ hai được viết cho các Ki-tô hữu nói chung chứ không hẳn dành cho một cộng đoàn nào cụ thể. Có thể cộng đoàn Mác-cô đang chịu bách hại và đã có những người chối bỏ niềm tin (xem C. Focant, L’évangile selon Marc, (CB.NT 2), Paris, Le Cerf, 2004, p. 37-38).

IV. Niên biểu sách Tin Mừng Mác-cô

Tin Mừng thứ hai gợi đến cuộc bách hại thời Nê-rô (54-68) và Đền Thờ bị phá huỷ (Mc 13,2) nhưng không rõ nét như trong Mt 22,7 và Lc 21,20. Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca nói đến biến cố Đền Thờ và thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bằng lửa năm 70. Một số tác giả dựa vào lời Đức Giê-su nói với môn đệ ở Mc 13,2: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào mà không bị phá đổ” để cho rằng Tin Mừng Mác-cô biên soạn sau năm 70.

Hiện nay, các đề nghị về năm biên soạn Tin Mừng Mác-cô như sau: (1) Trước 50, (2) 64–69, (3) 67–69, (4) Sau 70. Các dữ liệu trong Tin Mừng Mác-cô không cho phép xác định chắc chắn, có thể chọn niên biểu được nhiều người chấp nhận: Tin Mừng Mác-cô được biên soạn trong khoảng năm 68–73 (xem R. E. Brown, Que sait-on du Nouveau Testament?, Paris, Bayard, 2000, p.  169).

V. Nguồn tài liệu để biên soạn các sách Tin Mừng

Có nhiều giả thuyết về tài liệu nguồn để biên soạn Tin Mừng Mác-cô cũng như các sách Tin Mừng khác. Các giả thuyết này hình thành theo thời gian và ngày càng phức tạp. Đơn giản nhất là giả thuyết “hai nguồn văn”, nhưng mô hình này quá sơ lược không thể giải thích hết những vấn đề các Tin Mừng đặt ra. Với thời gian, những giả thuyết phức tạp hơn dần dần xuất hiện.

     1. Giả thuyết “hai nguồn văn”


Giả thuyết “hai nguồn văn” (xem W. Harrington, Nouvelle Introduction à la Bible, (Traduit de l’Anglais [1965] par Jacques Winandy), Paris, Le Seuil, 1971, p. 676) cho rằng: Khởi đầu có “Tin Mừng Mác-cô” và “tài liệu nguồn”, ký hiệu Q (viết tắt từ “Quelle”, tiếng Đức, có nghĩa là “nguồn”). Giả thuyết này giải thích rằng: Tin Mừng Mt và Lc dựa vào Tin Mừng Mác-cô và tài liệu Q để biên soạn. Những đoạn văn Mt và Lc giống nhau mà không có trong Mc thì được lấy trong tài liệu Q.

Tuy vậy, mô hình này không giải thích được những đoạn văn chỉ có trong Tin Mừng Mt hay chỉ có trong Lc mà thôi. Để lý giải điều này giả thuyết phức tạp hơn xuất hiện:

     2. Giả thuyết Mt và Lc có các nguồn riêng
  

Từ giả thuyết “hai nguồn văn” là Mc và Q, mô hình này thêm vào “tài liệu riêng của Mt” và “tài liệu riêng của Lc”. Ngoài việc Mt và Lc dựa vào tài liệu chung (Mc và Q) để biên soạn, Mt và Lc còn có những tài liệu riêng. Lý thuyết này giải thích hiện tượng: có những chi tiết riêng của Mt và của Lc mà không có trong Tin Mừng Mc và tài liệu Q.

     3. Giả thuyết “ba nguồn văn”


Giả thuyết “ba nguồn văn” (xem W. Harrington, Nouvelle Introduction à la Bible, (Traduit de l’Anglais [1965] par Jacques Winandy), Paris, Le Seuil, 1971, p. 677) phức tạp hơn và chú trọng đến quá trình hình thành các bản văn A-ram và bản dịch Hy-lạp được dùng để biên soạn các sách Tin Mừng Mt và Lc. Lý thuyết “ba nguồn văn” không dùng “tài liệu Q” mà chia thành ba nhóm tài liệu: “Các bản dịch Hy-lạp”, “Tin Mừng Mác-cô” và “các nguồn văn khác”. Tài liệu thứ ba này (các nguồn văn khác) chỉ được Lu-ca sử dụng.

Giả thuyết “ba nguồn văn” chưa tính đến truyền thống truyền khẩu và chưa trả lời được câu hỏi: Tin Mừng Mác-cô dựa vào tài liệu nào để biên soạn? Giả thuyết “nhiều nguồn văn” sẽ trả lời phần nào câu hỏi này.

     4. Giả thuyết “nhiều nguồn văn”
  

Giả thuyết “nhiều nguồn văn” (xem W. Harrington, Nouvelle Introduction à la Bible, (Traduit de l’Anglais [1965] par Jacques Winandy), Paris, Le Seuil, 1971, p. 680) cho thấy sự phức tạp của việc hình thành các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mc – Mt – Lc). Theo giả thuyết này, Tin Mừng Mác-cô được biên soạn dựa trên “truyền thống truyền khẩu (A-ram, Hy-lạp), giáo huấn của Phê-rô” và “các bản dịch Mt A-ram sang tiếng Hy-lạp”.

Những giả thuyết trên phác hoạ khái quát tài liệu nguồn của Tin Mừng Nhất Lãm (Mc – Mt – Lc). Tuy nhiên, càng đi vào chi tiết càng có nhiều điểm tranh luận. Chẳng hạn, tranh luận về sự hiện hữu và nội dung của “tài liệu Q”, “các nguồn văn khác”, “nguồn chung” và “Mt A-ram” v.v... 

Nói chung, giả thuyết “nhiều nguồn văn” khá thuyết phục, nhưng chưa nói đến quá trình hình thành sách Tin Mừng Gio-an. Các tác giả P. Benoît và M.-É. Boismard đề nghị giả thuyết về các giai đoạn hình thành cả bốn sách Tin Mừng sau đây (xem phân tích chi tiết về vấn đề tác giả và quá trình hình thành Tin Mừng Gio-an trong tập sách: Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?).


     5. Giả thuyết của P. Benoit và M.-É. Boismard
  

Hai tác giả P. Benoît và M.-É. Boismard (P. Benoit; M.-É. Boismard, Synopse des Quatre Évangiles, t. II, Paris, Le Cerf, 1972) đưa ra giả thuyết về bốn tài liệu nguồn được dùng để biên soạn các sách Tin Mừng: Q, A, B, C. Theo hai tác giả này, trước khi hình thành các sách Tin Mừng như hiện nay, đã có những tài liệu trung gian:

Mt – inter (bản văn Mt trung gian)
Mc – inter (bản văn Mc trung gian)
Proto-Lc inter (bản văn Lc trung gian)
Ga 1–20 (Tin Mừng nguyên thuỷ với kết luận thứ nhất ở Ga 20,30-31).

Các “tài liệu nguồn”, những “bản văn trung gian” và “bốn sách Tin Mừng hiện nay”, tương tác với nhau theo sơ đồ trên. Việc giả thuyết này xếp Tin Mừng Mác-cô ngang hàng với Tin Mừng Mt và Lc, nghĩa là xuất hiện cùng giai đoạn với hai Tin Mừng này, đã gây nhiều tranh cãi. Bởi vì có những dấu hiệu văn chương cho thấy Tin Mừng Mác-cô xuất hiện trước Tin Mừng Mt và Lc. Niên biểu các sách Tin Mừng xuất hiện theo thời gian được đa số tác giả chấp nhận hiện nay: 
    - Tin Mừng Mác-cô:         khoảng năm 68 – 73.
    - Tin Mừng Mát-thêu:       khoảng năm 80 – 90.
    - Tin Mừng Lu-ca:            khoảng năm 85 – 90.
    - Tin Mừng Gio-an:          khoảng năm 90 – 95.  

Kết luận

Có thể tóm kết vấn đề tác giả, nơi biên soạn, độc giả, niên biểu và tài liệu nguồn biên soạn Tin Mừng thứ hai (Tin Mừng Mác-cô) như sau:

1. Tác giả:
Theo truyền thống, tác giả là Mác-cô, thông ngôn của Phê-rô.
Theo nội dung sách Tin Mừng thứ hai, tác giả không được nêu tên, đó là người sử dụng tiếng Hy-lạp sống trong môi trường văn hoá La Tinh.

2. Nơi biên soạn:
Bản văn không cho biết rõ nơi biên soạn, nhưng đa số tác giả cho rằng Rô-ma là nơi phù hợp hơn cả.

3. Độc giả:
Theo nội dung sách Tin Mừng độc giả là các Ki-tô hữu dân ngoại, nhưng không loại trừ các Ki-tô hữu gốc Do Thái.

4. Niên biểu:
Tin Mừng Mác-cô biên soạn trong khoảng năm 68–73.

5. Tài liệu nguồn:
Có thể dựa vào giả thuyết “nhiều nguồn văn” để thấy sự phức tạp trong việc hình thành các sách Tin Mừng.

Những nét khái quát về tác giả, nơi biên soạn, độc giả, niên biểu và quá trình hình thành Tin Mừng Mác-cô trên đây giúp độc giả đặt Tin Mừng Mác-cô trong bối cảnh lịch sử, đồng thời nhận ra sự phức tạp của vấn đề. Thiết nghĩ, không nên đi vào những tranh luận chi tiết, điều trong tầm tay có thể làm là đọc và phân tích chính bản văn để tìm hiểu thông điệp sách Tin Mừng dành cho độc giả. Trong hành trình đi tìm ý nghĩa của bản văn, độc giả sẽ thưởng thức được những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo của văn chương và thần học sách Tin Mừng Mác-cô./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét