Dụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25,1-13) đặt trong bối cảnh Đức Giê-su giáo huấn các môn đệ về ngày cùng tận (Mt 24–25).
Động từ “grêgoreô” (canh thức, be watchful) chỉ xuất hiện 1 lần cuối dụ ngôn (25,13) nhưng quan trọng. Nhiều lần Đức Giê-su mời gọi canh thức (Mt 24,42.43; 26,38.40.41).
Đề tài “ngủ” diễn tả qua hai động từ: “nustazô” (buồn ngủ, thiếp đi, to become drowsy) và “katheudô” (ngủ, to sleep). Mt 25,5 kể: “Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi (enustazan), rồi ngủ (ekatheudon) cả.” Năm cô dại và năm cô khôn đều “thiếp đi” và “ngủ”.
Vậy lời Đức Giê-su mời gọi các môn đệ ở Mt 25,13a: “Anh em hãy canh thức (Grêgoreite)” không có nghĩa là không ngủ. Vấn đề là mang theo “dầu” hay không (25,3-4). Năm cô khôn (hai phronimoi, prudent, wise) là hình ảnh người canh thức; nghĩa là biết mình đi đâu, làm gì và dự phòng điều cần thiết.
Ước mong độc giả có giấc ngủ ngon như mười trinh nữ, nhưng canh thức; nghĩa là biết cuộc đời mình đi về đâu, kết thúc thế nào để chuẩn bị từ bây giờ hành trang cần thiết. Nhờ đó, khi “chú rể” đến bất ngờ thì có “đèn”, có “dầu” sẵn sàng đi với chú rể vào dự tiệc cưới (25,10). Cần “ngủ ngon” để có khả năng “canh thức”. Việc này quan trọng vì chỉ xảy ra một lần: vào hay không vào dự tiệc, không có cơ hội thứ hai (25,12)./.
09/11/2023. Giu-se Lê Minh Thông, OP.
https://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2023/11/mt-251-13-e-canh-thuc-can-ngu-ngon.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét