I. Giảng dạy bằng dụ ngôn (4,1-34)
1. Bối cảnh dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9)
2. Hai kiểu cấu trúc Mc 4,1-34
3. Một số từ khóa trong Mc 4,1-34
II. Phân tích dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9)
1. Cấu trúc dụ ngôn (4,1-9)
2. Phân biệt “Vương Quốc Thiên Chúa” và “Nước Trời”
3. Giải thích bản văn Mc 4,1-9
Kết luận
Dẫn nhập
Trong Tin Mừng Mác-cô, đoạn
văn 4,1-34 trình bày về việc Đức Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn với kỹ thuật hành
văn chèn vào đoạn văn đang kể, (xem bài viết: “Tác giả đối thoại với độc giả.”) Phần giảng dạy dân chúng bằng dụ ngôn thuật lại qua hai đoạn văn
4,1-9 và 4,26-32. Phần chèn vào nói riêng với các môn đệ và những kẻ ở chung
quanh Người ở 4,10-25. Phần liên quan đến dụ ngôn gieo giống (4,1-20) được trình
bày qua ba bài viết: (1) Mc 4,1-9. Dụ ngôn gieo giống; (2) Mc 4,10-12. Mầu nhiệm Nước Thiên Chúavà những kẻ ở ngoài; (3) Mc 4,13-20. Áp dụng dụ ngôn gieo giống. Bài viết thứ
nhất (Mc 4,1-9) trình bày hai mục: (I) bối cảnh và cấu trúc phần giảng dạy bằng
dụ ngôn (4,1-34); (II) phân tích dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9).
I. Giảng dạy bằng dụ ngôn (4,1-34)
Để chuẩn bị tìm hiểu dụ ngôn
gieo giống (Mc 4,1-9), phần này trình bày bối cảnh và cấu trúc phần Đức Giê-su
giảng dạy bằng dụ ngôn (Mc 4,1-34) qua ba điểm: (1) bối cảnh dụ ngôn gieo giống;
(2) hai kiểu cấu trúc đoạn văn Mc 4,1-34; (3) một số từ khoá Mc 4,1-34.
1. Bối
cảnh dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9)
Phần
Đức Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn (Mc 4,1-34) gồm các trình thuật sau:
4,10-12 Mầu nhiệm Vương quốc Thiên Chúa và dụ ngôn
4,13-20 Áp dụng dụ ngôn gieo giống
4,21-23 Hình ảnh cái đèn
4,24-25 Hình ảnh đấu đong
4,26-29 Dụ ngôn đất tự sinh hoa trái
4,30-32 Dụ ngôn hạt cải
2. Hai kiểu cấu trúc Mc 4,1-34
Đoạn văn lớn Mc 4,1-34 có thể cấu trúc theo
hai kiểu: (1) Cấu trúc đồng tâm A, B, C, D, C’, B’, A’. Trong đó yếu tố trọng tâm
D là phần áp dụng dụ ngôn; (2) Cấu trúc A, B, C, B’, A’ với yếu tố trọng tâm C
trình bày hai hình ảnh về sự đón nhận: cái đèn và đấu đong. Hai kiểu cấu trúc này
cho thấy sự phong phú của bản văn và giúp độc giả chú ý đến những điểm nhấn khác nhau trong trình thuật. Kiểu cấu trúc thứ
nhất đề cao dụ ngôn gieo giống, và kiểu cấu trúc thứ hai đề cao cách sống của
người môn đệ.
Trong cấu trúc
đồng tâm trên đây, yếu tố A. 4,1-2 (dẫn nhập) song song với A’. 4,33-34 (kết luận)
là phần kể của người thuật chuyện. Yếu tố B. 4,3-9 (dụ ngôn gieo giống) song
song với B’. 4,26-32 (dụ ngôn đất tự sinh hoa trái và hạt cải) là phần Đức
Giê-su giảng dạy đám đông trong đó có các môn đệ. Ba yếu tố in nghiêng (C // C’
và D) là phần Đức Giê-su nói riêng với “những kẻ ở chung quanh Người cùng với
Nhóm Mười Hai”. Đoạn văn 4,10-25 gồm ba yếu tố C, D, C’ được chèn vào để minh
họa cho câu kết luận ở 4,34: “Người không nói với họ, nếu không dùng dụ ngôn.
Nhưng khi ở riêng, Người giải thích mọi điều cho các môn đệ của Người.”
Kiểu cấu trúc thứ
hai có yếu tố C. 4,21-25 ở trọng tâm. Cấu trúc này đề cao cách sống của người môn
đệ qua hình ảnh cái đèn và đấu đong. Hai hình ảnh này không phải là dụ ngôn vì
hai lý do (a) không diễn tả Vương Quốc Thiên Chúa; (b) Đức Giê-su nói riêng với
các môn đệ không có đám đông. Theo 4,11.33, dụ ngôn dành để giảng dạy đám đông.
3. Một số từ khóa trong Mc 4,1-34
Trước khi phân tích
dụ ngôn gieo giống (4,1-9) cần tìm hiểu một số từ khoá trong đoạn văn Mc 4,1-34.
- “Dụ ngôn”, dt.,
parabolê, 13 lần trong Mác-cô (8
lần trong ch. 4) 3,23; 4,2.10.11.13a.13b.30.33.34; 7,17; 12,1.12; 13,28.
- “Lời”, dt., logos,
24 lần trong Mác-cô (9 lần trong ch. 4) 1,45; 2,2; 4,14.15a.15b.16.17.18.19.20.33; 5,36; 7,13.29; 8,32.38; 9,10; 10,22.24; 11,29; 12,13;
13,31; 14,39; [16,20].
- “Gieo giống”,
đt., speirô, 12 lần trong Mác-cô, tất cả ở trong ch. 4: 4,3a.3b.4.14a.14b.15a.15b.16.18.20.31.32.
Trong đó 2 lần nói đến người
gieo (ho speirôn) ở 4,3.14 là hình thức động tính từ của động từ “speirô”.
- “Sinh hoa kết quả” (hoa trái), dt., karpos, 5 lần trong Mác-cô (3 lần trong ch. 4): 4,7.8.29; 11,14; 12,2.
- Không sinh hoa kết quả, akarpos, 1 lần, 4,19.
- Cải (cây), dt.,
sinapi, 1 lần, 4,31.
- Hạt (cải), dt.,
kokkos, 1 lần, 4,31.
- Hạt giống, dt.,
sporos, 2 lần 4,26.27.
- Liềm hái, dt.,
drepanon, 1 lần 4,29.
- Mùa gặt, dt., therismos,
1 lần: 4,29.
Quan sát trên cho thấy các từ xuất hiện nhiều lần tập
trung vào các đoạn văn liên quan đến dụ ngôn gieo giống (4,1-20): “dụ ngôn”, “Lời”,
“gieo giống”, “sinh hoa kết quả”.
Từ “hạt” dùng trong bản dịch tiếng Việt Mc 4,3-8 không có
trong bản văn Hy-lạp. Bản văn chỉ nói trống: “trong khi gieo thì rơi xuống vệ đường”
(4,4a). Ở 4,5a.7a dùng tính từ “allos” (khác) ở số ít “allo”, hiểu
là “một số khác” thì rơi trên sỏi đá (4,5a). Đặc biệt trường hợp đất tốt, tính
từ “allos” ở số nhiều “alla” dịch là “có những hạt khác” rơi
vào đất tốt, cho thấy những hạt giống không sinh hoa kết quả chỉ là số ít, còn
số nhiều là sinh hoa kết quả.
II. Phân tích dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9)
Dụ
ngôn gieo giống được tìm hiểu qua ba mục: (1) cấu trúc dụ ngôn (4,1-9); (2) phân
biệt Vương Quốc Thiên Chúa và Nước Trời; (3) giải thích bản văn Mc 4,1-9.
1. Cấu trúc dụ ngôn (4,1-9)
Phẩm chất của đất
là yếu tố quyết định cho kết quả của hạt giống được gieo, chứ không phải do
phẩm chất của người gieo hay do phẩm chất của hạt giống.
Mạch văn gợi ý rằng
sự rao giảng của Đức Giê-su về Nước Thiên Chúa gặp phải sự chống đối của các
kinh sư, những người Pha-ri-sêu và ngay cả gia đình của Người. Lý do sự chống
đối và khước từ là mảnh đất được gieo không đủ phẩm chất để hạt giống phát
triển và sinh hoa kết quả.
2. Phân biệt “Vương Quốc Thiên Chúa” và
“Nước Trời”
Từ “basileia” (vương quốc, nước, triều đại) xuất hiện 20 lần trong Mác-cô: 1,15;
3,24a.24b; 4,11.26.30; 6,23; 9,1.47; 10,14.15.23.24.25; 11,10; 12,34; 13,8a.8b;
14,25; 15,43. Trong đó, 14 lần chỉ “Vương Quốc của Thiên Chúa” (hê basileia tou theou): 1,15; 4,11.26.30; 9,1.47; 10,14.15.23.24.25;
12,34; 14,25; 15,43. 6 lần chỉ quốc gia: 3,24a.24b;
6,23; 11,10; 13,8a.8b. Tin Mừng Mác-cô chỉ dùng kiểu nói: “Vương Quốc Thiên Chúa” (hê basileia
tou theou) dịch sát: “Nước của Thiên Chúa” hay “Triều đại của Thiên Chúa”. Mác-cô
không dùng từ “Nước Trời” (hê basileia tôn ouranôn) như Tin Mừng Mát-thêu
hay dùng (Mt 3,2; 5,3...), dịch sát: “Vương Quốc của các tầng trời”.
3. Giải
thích bản văn Mc 4,1-9
4,1: “Người lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám đông lớn tụ họp chung
quanh Người, nên Người xuống thuyền trên Biển Hồ mà ngồi, còn tất cả đám đông ở
trên đất, ven bờ Biển Hồ.”
- 4,1a: “Người
lại bắt đầu giảng dạy”. Động từ “didaskô” (giảng dạy) xuất hiện 17 lần trong Mác-cô: 1,21.22;
2,13; 4,1.2; 6,2.6.30.34; 7,7; 8,31; 9,31; 10,1; 11,17; 12,14.35; 14,49. Lần xuất
hiện thứ tư của động từ này ở 4,1. Danh từ “sự giảng dạy” (didakhê) xuất
hiện 5 lần trong Mác-cô: 1,22.27; 4,2; 11,18; 12,38. Lần xuất hiện thứ 3 ở 4,2. Như
thế, công việc giảng dạy của Đức Giê-su trong ch. 4 nối kết với sự giảng dạy
của Người trước đó và nối kết với phần sau. Một trong những cách thức giảng dạy
quan trọng trong Mác-cô là giảng dạy bằng dụ ngôn.
- 4,1b: “Biển Hồ”
là nơi hoạt động thường xuyên của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô với 19 lần
từ “thalassa” (biển): 1,16a.16b; 2,13; 3,7; 4,1a.1b.1c.39.41; 5,1.13a.13b.21;
6,47.48.49; 7,31; 9,42; 11,23. Kiểu nói đầy đủ: biển hồ Ga-li-lê (tên
thalassan tês Galilaias) chỉ xuất hiện 2 lần (1,16; 7,31). Giữa hai lần nói
đầy đủ này, bản văn chỉ gọi tắt: “thalassa” dịch là “Biển” hay “Biển Hồ”
(viết hoa) để chỉ biển hồ Ga-li-lê . Mác-cô không dùng kiểu nói: “biển Ti-bê-ri-a”
như trong Ga 6,1.23; 21,1.
- 4,1c: “Người
xuống thuyền trên Biển Hồ mà ngồi”. Dịch sát: “Người ngồi trên (trong) Biển” (kathêsthai
en têi thalassêi), còn đám đông “ở trên đất (epi tês
gês), ven bờ Biển”. Khoảng cách này được thiết lập vì có nhiều đám đông tụ
họp quanh Người. Tuy nhiên, lối hành văn nhấn mạnh và xác định rõ khoảng cách
giữa Đức Giê-su và đám đông, cho độc giả biết khoảng cách giữa nội dung dụ ngôn
và việc hiểu ý nghĩa dụ ngôn. Thực vậy, “những kẻ ở chung quanh Người cùng với
Nhóm Mười Hai” đã không hiểu ý nghĩa dụ ngôn, và đã hỏi Đức Giê-su ở 4,10.
4,2: “Người dạy họ bằng nhiều dụ ngôn. Người nói với họ trong lời dạy của Người:”
- 4,2a: “Người
dạy họ bằng nhiều dụ ngôn”. Đây là lần đầu tiên người thuật chuyện cho
biết cách giảng dạy của Đức Giê-su là bằng dụ ngôn (4,1-9). Nghĩa là nội dung giáo
huấn của Đức Giê-su ẩn chứa trong dụ ngôn.
4,2b: “Người nói
với họ trong lời dạy của Người:...”. Những dấu hiệu văn chương cho phép hiểu phần
dẫn nhập (4,1-2) do Mác-cô biên soạn, vì trong hai câu này có nhiều từ Mác-cô
hay dùng. Phần 4,3-9 có thể được tác giả lấy từ truyền thống và hầu như không
sửa đổi gì.
4,3: “Các người hãy nghe.
Này, người gieo giống đi ra gieo giống.”
- 4,3a: “Các người hãy nghe”. Lời mời gọi lắng nghe được nhắc lại hai lần (4,3.9) và gợi đến hai ý
tưởng. (1) Lưu ý cử tọa và người đọc về tầm quan trọng của dụ ngôn này. Dụ ngôn
này là chìa khóa để hiểu các dụ ngôn khác. (2) Phải chú ý lắng nghe để hiểu, vì
không đơn giản để hiểu ý nghĩa dụ ngôn. Đức Giê-su nói ở 4,13 trước khi giải
thích dụ ngôn cho các môn đệ: “Anh em không hiểu biết dụ ngôn này, thì làm sao
hiểu được tất cả các dụ ngôn?” Điều này cho thấy dụ ngôn gieo giống giúp hiểu
tất cả các dụ ngôn khác.
4,3b: “Người gieo
giống” (ho speirôn). Nội dung dụ ngôn (4,3-9) và phần áp dụng (4,13-20) không
cho biết người gieo giống là ai. Nhưng mạch văn cho phép nghĩ về Đức Giê-su là
người “nói Lời” (2,2) và “dạy dỗ” (2,13) dân chúng. Đồng thời, “Người gieo
giống” cũng gợi về các nhân vật khác như: Thiên Chúa, các Tông Đồ, các Ki-tô
hữu rao giảng về Đức Giê-su (13,11).
4,3c: “đi ra”.
Động từ “đi ra” (exerkhomai) áp dụng cho Đức Giê-su ở 1,38: Người đi nơi
khác để rao giảng; và ở 2,13: Người đi ra bờ Biển Hồ để giảng dạy.
4,3d: “gieo
giống”. Bản văn chỉ nói đến hành động “gieo giống” chứ không nói gì đến người
gieo giống, vì thế nếu gọi đoạn văn Mc 4,1-9 là “dụ ngôn người gieo giống” thì chưa
diễn tả được nội dung dụ ngôn. Có thể gọi “dụ ngôn gieo giống”, vì dụ ngôn nói
về những gì xảy ra cho hạt giống, khi hạt giống rơi vào những vùng đất khác
nhau. Dụ ngôn không nói đến tài khéo của người gieo hay chất lượng của hạt
giống. Trọng tâm của dụ ngôn nói về phẩm chất của những loại đất khác nhau, nơi
hạt giống được gieo. Phần áp dụng dụ ngôn (4,13-20) cho biết cụ thể phẩm chất
của từng loại đất. Có tác giả cho rằng Mc 4,1-9 không phải là “dụ ngôn người
gieo giống”, cũng không phải là “dụ ngôn hạt giống” mà là dụ ngôn về “đất đón
nhận hạt giống.” Xem Tolbert, M.A.,
Sowing the Gospel: Mark’s World in Literary-Historical Perspective,
Minneapolis, 1989, tr. 149.
4,4: “Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ
đường, chim chóc đến ăn mất.” Hai yếu tố có trách nhiệm: (1) vệ đường, đất cứng
nên không có giao tiếp giữa lời rao giảng và người nghe; (2) chim chóc lấy đi
hạt giống ấy nơi con người.
4,5-6: “5 Có hạt rơi trên sỏi đá, nơi không có nhiều đất, nó lập tức mọc lên, vì
không có độ sâu của đất, 6 và khi mặt trời mọc lên, nó bị cháy; vì không có rễ,
nó bị chết khô.”
4,5c: “nó lập tức
mọc lên”. Trường hợp này đã có giao tiếp giữa hạt giống và đất, hạt giống đã
mọc lên. Tuy nhiên, mặt trời là yếu tố bên ngoài, vừa cần thiết cho cây phát
triển, vừa tác hại đến cây nếu cây không có rễ.
4,7: “Có hạt rơi
vào bụi gai, bụi gai mọc lên làm nó chết nghẹt và nó không sinh hoa trái.”
- 4,7a: “Có hạt rơi vào bụi gai”. Loại thứ ba ở mức độ cao hơn: hạt giống mọc thành cây, yếu tố mới so với
hai lần trước là nói đến việc sinh trái.
- 4,7b: “chết
nghẹt”. Từ này cho thấy cây thiếu không gian, thiếu những yếu tố cần thiết để
cây phát triển như ánh sáng mặt trời. Lời Đức Giê-su không có chỗ để phát triển
nơi người nghe. Nói cách khác, “hạt giống Lời” không được người nghe dành một
chỗ, một không gian xứng đáng, nên Lời bị các yếu tố khác bóp nghẹt. Tuy đã
phát triển thành cây nhưng “không sinh hoa trái”, dịch sát: “không cho trái”.
4,8: “Có những hạt khác rơi vào đất tốt và
sinh hoa trái, nó mọc lên, lớn lên và đem lại kết quả, hạt được ba mươi, hạt được
sáu mươi, hạt được một trăm.”
-4,8b: “hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được
một trăm”. Ba lần hạt giống được gieo bị thất bại, không sinh hoa trái, đối lại
một lần hạt giống rơi vào đất tốt. Kết quả liệt kê ba lần, theo chiều tiến lên:
30, 60, 100. Đây là kết quả vượt quá mức bình thường so với thực tế. Theo các
nghiên cứu nông nghiệp, được mùa là gấp 10 lần còn bình thường là gấp 5-7 lần.
Hiện nay với kỹ thuật hiện đại, gấp 30 lần chỉ có trong những năm được mùa. Với
kết quả ngoài sức tưởng tượng như trong dụ ngôn (30, 60, 100 lần), bản văn đề
cao sự dồi dào phong phú của Triều Đại Thiên Chúa. Sự thất bại với ba loại đất
trên chỉ là phần nhỏ, không thể so sách với kết quả đạt được. Hình ảnh đồng lúa
cũng nhấn mạnh sự thành công, vì tỷ lệ hạt giống rơi xuống vệ đường, sỏi đá và
bụi gai là không đáng kể so với hạt giống được gieo vào đất tốt trong cánh
đồng.
Nếu chưa đọc phần
áp dụng dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20), các nhân vật trong trình thuật và độc
giả có thể hiểu dụ ngôn gieo giống (4,1-9) là hình ảnh về sứ vụ Đức Giê-su. Người
ra đi rao giảng Vương Quốc Thiên Chúa, Người bày tỏ uy quyền của Người trên
thần ô uế và quỷ. Người có quyền tha tội và có quyền trên ngày sa-bát. Người có
khả năng chữa lành bệnh mọi thứ bệnh tật và tỏ lòng ưu ái với những người tội
lỗi. Tuy nhiên, Người đã gặp chống đối từ phía các kinh sư và những người
Pha-ri-sêu, kể cả thân nhân của Người cũng không đón nhận Người.
Thất bại trên
không do Đức Giê-su là người gieo giống, cũng không do hạt giống là lời rao
giảng của Người về Vương Quốc Thiên Chúa, mà nguyên nhân là do cách thức nghe
và đón nhận từ phía con người. Thính giả được ví như các loại đất: vệ đường,
sỏi đá, bụi gai, đất tốt. Dụ ngôn gieo giống cho thấy sự khước từ lời Đức
Giê-su rao giảng ở nhiều mức độ khác nhau, tuỳ theo nơi hạt giống rơi vào. Nhưng
ba loại đất đầu tiên (vệ đường, sỏi đá, bụi gai) kết quả giống nhau: “không
sinh hoa trái”.
Chỉ có những hạt giống
gặp đất tốt mới sinh hoa kết quả, và kết quả cũng không đồng đều vì khả năng
mỗi người khác nhau. Điều quan trọng là “sinh hoa kết quả”. Như thế, chỉ có hai
loại: “sinh hoa trái” hay “không sinh hoa trái”. Ba lần không sinh hoa trái
nhằm giải thích lý do tại sao không sinh hoa trái. Ba trường hợp thất bại không
thể so sánh với trường hợp thành công là mảnh đất tốt. Kết quả ngoài sức tưởng
tượng như trên gợi đến sự thành công của Đức Giê-su. Đồng thời gợi đến sứ vụ rao
giảng của các môn đệ trong tương lai. Hội thánh đã phát triển mạnh mẽ trong
những thế kỷ đầu. Qua dụ ngôn, Đức Giê-su mời gọi thính giả và độc giả chuẩn bị
lòng mình trở thành mảnh đất tốt để có thể đón nhận, nghe và hiểu lời Đức
Giê-su. Tuy nhiên ý nghĩa của dụ ngôn sẽ được triển khai thêm trong phần Đức
Giê-su nói riêng với các môn đệ (4,10-25), tự bản chất dụ ngôn có nhiều cách áp
dụng. Hai bài viết tiếp theo sẽ trình bày về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và
những kẻ ở ngoài (Mc 4,10-12); và tầm quan trọng của dụ ngôn gieo giống và một
cách áp dụng dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20)./.
Nguồn:
Thưa cha, con nghĩ rằng trong câu 8: “Có những hạt khác rơi vào đất tốt và sinh hoa trái, nó mọc lên, lớn lên và đem lại kết quả, hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm” thì ý tác giả muốn nói đến số hạt sinh từ hạt 'gốc', chứ không so sánh với các mùa bình thường của nông nghiệp. Thực tế hôm nay, cha gieo sạ lúa khoảng 60-80kg giống/1 ha tùy mùa vụ, và cha sẽ thu được ít nhất từ 7-10 tấn/1 ha tùy kỹ thuật chăm sóc. Bởi vì một hạt lúa nảy mầm, đẻ nhiều nhánh, rồi mới trổ bông, do đó chuyện từ một hạt thành 30, 60, 100 cũng là "trong khả năng" nội tại của nó. Như cha đã nói điều quan trọng là “sinh hoa kết quả”; con chỉ mạn phép nói thêm rằng kết quả như tác giả trình bày là khả thể, không quá ngoa ngôn. Xin cha soi sáng thêm cho chúng con.
Trả lờiXóaCảm ơn độc giả đã có nhận xét hay với những bằng chứng khoa học về “gieo sạ lúa”. Theo như con số độc giả cho biết thì khoảng 1 kg giống có thể thu hoạch được 100 kg, nghĩa là 1/100, tỷ lệ cao nhất ở Mc 4,8.
XóaTuy nhiên trên đây là so sách với cách trồng lúa ở VN, thường lúa trồng ở ruộng nước, thu hoạch cao hơn lúa trồng ở rãy. Tin Mừng Mc nhấn mạnh hành động “gieo”, không có danh từ “hạt” nên cũng không biết gieo hạt gì. Thông thường ở vùng đất Ðấng Pa-lét-tin, người ta trồng lúa mì, chứ không phải lúa gạo như ở VN.
Tôi cũng không chuyên môn về nông nghiệp ở vùng Pa-lét-tin nên dựa vào nghiên cứu của các nhà chuyên môn, xin trích lại đây để hiểu thêm về Mc 4,8.
C. FOCANT, L’évangile selon Marc, (CB.NT 2), Paris, Le Cerf, 2004, tr. 162 viết: “McIver a bien montré l’exagération manifeste des textes invoqués et il rejoint l’opinion de Jeremias, Paraboles, 153, n. 5: ‘Des nombreuses données numériques que nous fournit Dalman, il ressort qu’un rendement de 10 était considéré comme une belle récolte et un rendement de 7, 5 comme la normale.’ Ceci est confirmé par TBKet 112a. Par ailleurs, même avec les moyens technologiques et chimiques modernes, une récolte de trente pour un n’est possible en Israel aujourd’hui que les bonnes années.”