Dẫn nhập
1. Cấu trúc 4,13 và tầm quan trọng dụ ngôn gieo giống.
2. So sánh dụ ngôn (4,3-8) và áp dụng (4,14-20)
3. Giải thích đoạn văn Mc 4,14-20
4. Các loại đất trong dụ ngôn là ai?
5. Dụ ngôn gieo giống và độc giả
Kết luận
Dẫn nhập
Sau khi tìm hiểu “Mc 4,1-9: Dụ ngôn gieo giống” và “Mc 4,10-12: Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa và những kẻ ở ngoài”, bài viết này phân tích “Mc 4,13-20: Áp dụng dụ ngôn gieo giống”.
Từ đầu thế kỷ XX, các nhà chú giải thường phân biệt hai giai đoạn trong đoạn văn 4,1-20: (1) Lời rao giảng của Đức Giê-su bằng dụ ngôn (4,1-9) và (2) phần áp dụng dụ ngôn (4,14-20) là của những người đi rao giảng Tin Mừng sau khi Đức Giê-su về trời, vì đoạn văn 4,14-20 có những chi tiết gợi lại giáo huấn của Hội Thánh tiên khởi. Một số tác giả khác cho rằng Đức Giê-su chỉ nói dụ ngôn gieo giống (4,1-9) trong viễn cảnh cánh chung: khẳng định sự thành công cuối cùng của Vương Quốc Thiên Chúa cho dù gặp sự chống đối. Khởi đầu là như thế, nhưng những người rao giảng trong cộng đoàn Ki-tô hữu đã áp dụng dụ ngôn gieo giống vào cuộc sống với những bài học luân lý (4,14-20).
Bản văn 4,3-8 (dụ ngôn) và 4,14-20 (áp dụng) có những chi tiết khác nhau cho thấy khoảng cách giữa hai thời kỳ: (1) thời Đức Giê-su và (2) thời cộng đoàn Mác-cô. Tuy nhiên, khẳng định lời nào trong Tin Mừng là của Đức Giê-su và lời nào của cộng đoàn là không thể thực hiện được, vì cả hai được hòa lẫn với nhau. Tin Mừng kể lại câu chuyện thời Đức Giê-su vào những năm 30, nhưng lại viết cho cộng đoàn vào những năm 70 nên trong trình thuật Tin Mừng có những gợi ý về hoàn cảnh, cách sống, cách suy nghĩ của cộng đoàn; cũng như những khó khăn thử thách từ bên trong hay bên ngoài mà cộng đoàn đang trải qua, chẳng hạn cộng đoàn đang bị bách hại vì niềm tin vào Đức Giê-su. Vậy không nên hiểu đơn giản là những gì có trong bản văn đều xuất phát từ môi miệng Đức Giê-su. Điều quan trọng là tác giả sách Tin Mừng với ơn linh hứng viết Tin Mừng nhằm chuyển tải thông điệp mặc khải cho cộng đoàn và cho độc giả qua mọi thời đại. Độc giả có thể nhận ra dấu ấn của cộng đoàn trong phần giải thích dụ ngôn (4,14-20). Người thuật chuyện dùng từ “logos” (Lời) để chỉ nội dung giảng dạy của Đức Giê-su. “Gieo lời” cũng là sứ vụ rao giảng của cộng đoàn. Phần giải thích dụ ngôn cho thấy bận tâm của cộng đoàn tiên khởi trong việc rao giảng và giải thích lời Đức Giê-su.
Phần sau tìm hiểu đoạn văn áp dụng dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20) qua 5 mục: (1) cấu trúc 4,13 và tầm quan trọng của dụ ngôn gieo giống; (2) so sánh dụ ngôn (4,3-8) và áp dụng dụ ngôn (4,14-20); (3) giải thích đoạn văn 4,14-20; (4) các loại đất trong dụ ngôn là ai?; (5) dụ ngôn gieo giống và độc giả.
1. Cấu trúc 4,13 và tầm quan trọng dụ ngôn gieo giống.
Đoạn văn 4,13-20 mở đầu bằng hai câu hỏi của Đức Giê-su ở 4,13 cho thấy tầm quan trọng của dụ ngôn gieo giống. Câu 4,13 có cấu trúc đồng tâm A, B, C, C’, B’, A’ theo ba đề tài A//A’: không hiểu biết – hiểu biết; B//B’: dụ ngôn số ít và số nhiều; C//C’: trường hợp cụ thể “dụ ngôn này” soi sáng cho “tất cả”. Kiểu cấu trúc đặc biệt ngắn ngọn này được trình bày song song tiếng Việt và tiếng Hy-lạp như sau:
Mc 4,13 gồm hai
câu hỏi. Bản văn N-A27e gộp 2 câu thành một câu hỏi và để dấu phẩy
cuối câu thứ nhất: “Anh em không hiểu biết dụ ngôn này, thì làm sao anh em
hiểu...?” Bản văn BYZ dùng hai lần dấu hỏi (?). Theo kiểu hành văn Mác-cô, nên
hiểu đâu là hai câu hỏi đặt cạnh nhau. Hai câu hỏi này cùng với lời kêu gọi ở
đầu dụ ngôn “Các ngươi hãy nghe” (4,3) mời gọi độc giả cần chú ý lắng nghe để
hiểu.
Đức Giê-su nói đến “dụ ngôn” (số ít) ở 4,13a trong khi các môn đệ hỏi Đức Giê-su về “các dụ ngôn” (số nhiều) ở 4,10. Câu 4,13 có cấu trúc đồng tâm, dụ ngôn số ít (B) song song với dụ ngôn số nhiều (B’) cho thấy dụ ngôn gieo giống là chìa khoá để hiểu tất cả các dụ ngôn khác. Nếu không hiểu dụ ngôn này thì sẽ không hiểu được tất cả các dụ ngôn khác. Vậy cần tìm hiểu kỹ ý nghĩa dụ ngôn này. Trong câu 4,13, lần đầu tiên Đức Giê-su trách các môn đệ không hiểu. Đề tài các môn đệ “không hiểu” sẽ được nhấn mạnh trong những đoạn văn tiếp theo sách Tin Mừng. Xem bài viết: “Anh em ngu muội như thế sao?” (Mc 7,18) Lời này nói gì với độc giả?
Trong phần dụ ngôn (4,3-8), mỗi trường hợp có hai yếu tố: (a) nơi hạt giống rơi xuống và (c) kết quả. Trong phần áp dụng dụ ngôn (4,14-20), mỗi trường hợp gồm ba yếu tố: (a) nhắc lại loại đất nơi hạt giống được gieo xuống đã nói đến trong dụ ngôn; (b) mô tả cách thức nghe và thái độ đón nhận lời; (c) kết quả.
Ba
lời giải thích đầu tiên (4,15-19) kèm theo những yếu tố khác nhau làm cho hạt
giống không phát triển được. Qua đó cho thấy lý do tại sao lời Thiên Chúa không
hiệu quả. Những lý do cản trở này mang màu sắc luân lý.
Phần dụ ngôn (4,4-8) nhấn mạnh chiều kích “không gian”, có hạt rơi xuống vệ đường, có hạt rơi trên sỏi đá, có hạt rơi vào bụi gai, có hạt rơi vào đất tốt. Trong khi phần áp dụng nhấn mạnh yếu tố “thời gian”: Trước là rơi xuống vệ đường, sau đó bị lấy mất... và chú trọng đến hoàn cảnh người đón nhận.
Phần áp dụng đồng hoá hạt giống với người nghe Lời qua kiểu nói: “những kẻ thuộc loại được gieo vào...”. Về trường hợp đất tốt, trong dụ ngôn là “hạt giống sinh hoa trái” (4,8), còn trong phần áp dụng là “họ sinh hoa trái” (4,20).
3. Giải thích đoạn văn Mc 4,14-20
4,14: “Người gieo giống gieo Lời.” Câu này không cho biết người gieo giống là ai, nhưng nói rõ hạt giống trong dụ ngôn là Lời. Danh từ “Lời” (logos) là thuật ngữ Hội Thánh tiên khởi nói về loan báo tin mừng (Cv 4,4; 6,4; 8,4; 10,44; 11,19; 17,11; 19,20; Gl 6,6; Col 4,3; 2Tm 4,2; 1P 2,8; 3,1). Từ “Lời” (logos) ở Mc 4,14 không có bổ túc từ, nên không xác định là lời của ai. Bản văn không xác định để độc giả hiểu nhiều cấp độ: Lời Thiên Chúa, lời Đức Giê-su, lời rao giảng của cộng đoàn Mác-cô.
4,15: “Những kẻ thuộc loại ở bên vệ đường, nơi
Lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì
ngay lập tức Xa-tan đến và lấy đi Lời đã được gieo nơi họ.”
- 4,15a: “Những kẻ thuộc loại: ở bên vệ đường, nơi Lời đã gieo xuống”. Phần áp dụng dụ ngôn nói về “đất đón nhận lời” và không phân biệt “hạt giống” (Lời) và “đất đón nhận Lời”. Trong dụ ngôn (4,3-8), “con người” đồng hoá với “loại đất” nơi hạt giống được gieo và “Lời” đồng hoá với “hạt giống”, còn trong phần áp dụng (4,14-20) “con người” lại được đồng hoá với “hạt giống” qua kiểu nói: “những kẻ thuộc loại ở bên vệ đường” (4,15), nghĩa là những kẻ thuộc loại hạt giống rơi bên vệ đường (x. 4,16.18). Phần dụ ngôn (4,4-8) phân biệt 3 điều: (a) “người gieo giống”; (b) hành động “gieo giống”; (c) “nơi hạt giống rơi xuống”. Dụ ngôn phân biệt “hạt giống” và “đất đón nhận hạt giống”, trong khi phần áp dụng (4,14-20) chỉ chú trọng vào người đón nhận hạt giống.
- 4,15b: “Xa-tan”. Nhân vật này xuất hiện trong phần áp dụng, còn trong dụ ngôn là “chim chóc” (4,4). Hình ảnh loài chim nói về Xa-tan tìm thấy trong sách Jubilé (Jub 11,11) và Apocalypse d’Abraham (Ap Abr 13,3-8). (Xem các bản văn này trong A. Dupont-Sommer; M. Philonenko, (dir.), La Bible, écrits intertestamentaires, (Bibliothèque de la Pléiade), Paris, Gallimard, 1987). Xa-tan là kẻ chống lại Thiên Chúa, cản trở Lời phát triển nơi người nghe. “Lời” và “người nghe” chưa có tương quan, chưa gắn kết được với nhau thì đã bị Xa-tan lấy mất.
“Lập tức Xa-tan đến và lấy đi Lời đã gieo nơi họ”. Câu này gợi đến nhân vật Phê-rô. Sau khi ông tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô” (8,29) lại ứng xử như Xa-tan: ngăn cản chương trình của Thiên Chúa. Đức Giê-su nói với ông ở 8,33: “Hãy đi sau Thầy! Xa-tan!” Hạt giống tốt đã gieo vào Phê-rô qua lời tuyên xưng, nhưng Xa-tan đã làm cho ông thuộc về nó.
4,16-17: “16 Những kẻ thuộc loại được gieo trên sỏi đá, là những kẻ khi nghe Lời lập tức vui vẻ đón nhận Lời, 17 họ không có rễ nơi mình lại còn nông nổi nhất thời; sau đó, xảy đến sự khốn khó hay bách hại vì Lời, lập tức họ bị vấp ngã.”
- 4,16: “Những kẻ thuộc loại được gieo trên sỏi đá, là…” Trường hợp thứ hai này có những yếu tố mới so với trường hợp thứ nhất (4,15). Người ta không chỉ nghe mà còn đón nhận và đón nhận cách vui vẻ. Nhưng lại không có rễ sâu để đứng vững trước sóng gió.
- 4,17: “xảy đến sự khốn khó hay bách hại vì Lời, lập tức họ bị vấp ngã”. Điều làm họ vấp ngã đến từ bên ngoài. Đó là những khó khăn và bách hại. Khi niềm tin đòi hỏi phải trả giá, nghĩa là “đón nhận lời” đồng nghĩa với thiệt thòi, mất mát, khổ đau. Đặc biệt nguyên nhân vấp ngã là “vì Lời” và cũng chính “Lời” đem lại niềm vui và sức sống. Có khả năng đón nhận cả hai khía cạnh này của “Lời” mới là người thực sự nghe Lời. Câu giải thích này gợi đến hoàn cảnh cộng đoàn bị bách hại.
4,18-19: “18 Những người khác là những kẻ được gieo vào bụi gai. Đây là những kẻ đã nghe Lời, 19 nhưng những lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý và những đam mê về những điều khác đến bóp nghẹt Lời và không sinh hoa trái.”
4,18: “Đã nghe Lời (akousantes)” là động tính từ, thì quá khứ aoriste của động từ “akouô” (nghe). Hai lần trước (4,15.16) động từ này được dùng ở lối tiếp thuộc aoriste: “akousôsin” có nghĩa mong muốn nghe chứ chưa nghe. Vậy, loại người ở 4,18 đã thực sự nghe được Lời (động từ ở thì quá khứ aoriste).
4,19a: “những đam
mê về những điều khác đến bóp nghẹt Lời”. Hình ảnh “bụi gai” (4,18) diễn tả yếu
tố bóp nghẹt lời. Trường hợp thứ ba này nói về những điều bên trong con người
gây trở ngại cho Lời. Những bận tâm sự đời làm cho Lời không có không gian và không
đủ thời gian để phát triển, nên bị bóp nghẹt, bị ngộp, bị chết yểu, suy dinh
dưỡng.
4,19b: “Không sinh hoa trái”. Dịch sát: “và trở thành (ginetai) không có trái (akarpos)”. Tiếp đầu ngữ “a-” có nghĩa phủ định: “không”.
4,20: “Còn những người thuộc loại được gieo trên đất tốt, đó là những người nghe Lời và đón nhận và họ sinh hoa trái, kẻ được ba mươi, kẻ được sáu mươi, kẻ được một trăm.”
- 4,20b: “Những người nghe Lời và đón nhận”. Trong phần áp dụng dụ ngôn, ở đây xuất hiện lần đầu tiên động từ “akouô” (nghe) ở thì hiện tại, lối trình bày: “akouousin”. Trước đây, động từ này chia ở thì quá khứ aoriste, ở lối tiếp thuộc hay ở lối động tính từ. Động từ “đón nhận” (paradekhomai) cũng chia ở thì hiện tại: “paradekhontai”. Như thế, người thuộc loại này đã thực sự “nghe” và “đón nhận” Lời. Hai động từ thì hiện tại trên diễn tả ý tưởng kéo dài trong quá trình nghe và đón nhận: Nghe và đón nhận mọi nơi, mọi lúc và không bao giờ kết thúc. Nghĩa là nghe và đón nhận Lời suốt đời, trong mọi hoàn cảnh.
- 4,20c: “họ sinh hoa trái”. Nghe và đón nhận Lời ở 4,20b là điều mới mẻ so với cách nghe và đón nhận trong những trường hợp trước: nghe mà không sinh hoa trái. Nghe và đón nhận trong trường hợp thứ tư (4,20) không phải hời hợt bên ngoài. Lời đã thấm sâu vào tâm trí, trở thành máu thịt, trở thành nguồn sức sống cho người nghe. Nhờ sức mạnh của Lời, người đón nhận vượt qua mọi thử thách bên ngoài (bách hại), cám dỗ bên trong (lo lắng sự đời).
Tóm lại so sánh dụ ngôn (4,4-8) và áp dụng dụ ngôn (4,14-20) cho thấy một số điểm khác nhau. Dụ ngôn gieo giống (4,1-9) giúp hiểu phần áp dụng dụ ngôn (4,13-20), chứ không phải phần áp dụng giúp hiểu dụ ngôn gieo giống (4,1-9). Dụ ngôn gieo giống (4,1-9) tự nó phong phú hơn nhiều. Phần áp dụng chỉ là một trong những cách hiểu. Như đã trình bày trong phân tích, dụ ngôn 4,1-9 giải thích tại sao công việc rao giảng của Đức Giê-su lại bị chống đối và có những người không tin. Còn phần áp dụng (4,14-20) lại cho biết những lý do luân lý khiến Lời không sinh hoa trái. “Hạt giống rơi vào đất tốt” trong dụ ngôn (4,8a) được hiểu là “những kẻ được gieo vào đất tốt” trong phần áp dụng dụ ngôn (4,20a).
4. Các loại đất trong dụ ngôn là ai?
Nếu đọc hết Tin Mừng Mác-cô có thể nhận ra những loại đất được nói đến trong dụ ngôn:
Lề đường:
- Các kinh sư.
- Những người Pha-ri-sêu.
- Những người thuộc phe Hê-rô-đê.
- Giới lãnh đạo Do-thái ở Giê-ru-sa-lem.
Đất sỏi đá:
- Các môn đệ (4,40; 7,18; 8,17.21; 14,50).
- Phê-rô (8,29-33; 14,66-42).
- Gia-cô-bê và Gio-an (10,35-40).
Trong bụi gai:
- Hê-rô-đê (6,20).
- Người thanh niên giàu có (10,17-22).
Đất tốt:
- Các môn đệ sau biến cố Phục Sinh.
- Cộng đoàn người tin qua mọi thời đại.
5. Dụ ngôn gieo giống và độc giả
Dụ ngôn gieo giống như Đức Giê-su rao giảng (4,3-9), khởi đầu được áp dụng cho sứ vụ rao giảng của Người. Sau đó dụ ngôn được áp dụng vào đời sống cộng đoàn Mác-cô (4,14-20), và áp dụng vào sứ vụ rao giảng Lời của Hội Thánh. Tự nó, dụ ngôn có nhiều cách áp dụng khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh. Trước hết, dụ ngôn không nói đến trách nhiệm của người gieo lời, cũng không quy trách nhiệm cho chất lượng hạt giống. Vậy độc giả có thể áp dụng dụ ngôn thế nào?
1. Lời gieo trên vệ đường: Độc giả có thể nghe, đọc và hiểu biết “Lời” trong Tin Mừng nhưng Lời không có tương quan với cuộc đời độc giả, nghĩa là hạt giống còn nằm trên mặt đất khô cằn, không có nối kết giữa Lời và độc giả để hạt giống phát triển. Cách thức nghe, đọc và học hỏi giáo huấn của Đức Giê-su như trên sẽ không sinh hoa kết quả, nghĩa là Lời không mang lại sự sống cho người đọc.
2. Lời gieo trên đất sỏi đá: Đón nhận lời thì “mọc ngay” (4,5) hay “lập tức vui vẻ đón nhận” (4,16), nhưng “không có rễ nơi mình” (4,6.17). Khi mặt trời mọc lên, nghĩa là lúc phải đương đầu với khó khăn thử thách thì không chịu nổi, nên Lời đã gieo bị chết khô. Giáo huấn của Đức Giê-su tuy hấp dẫn, thích nghe nhưng chẳng mấy chốc không còn gì nữa vì động lực đến với Lời chỉ hời hợt bên ngoài.
3. Lời gieo vào bụi gai: Gai mọc lên làm cho cây chết nghẹt. Những ưu tư, bận tâm cuộc sống làm cho Lời không phát triển đủ để sinh hoa trái. Những gì đã đọc, đã học, đã biết về “Lời” không áp dụng được vào hoàn cảnh cụ thể. Những hiểu biết về giáo huấn của Đức Giê-su vẫn chỉ là những kiến thức trong sách vở, có kiến thức mà không biết để làm gì, không giúp gì cho cuộc sống, nghĩa là Lời không sinh hoa trái trong cuộc đời.
4. Lời gieo vào đất tốt: Dụ ngôn không nói đất tốt thế nào, nhưng dựa vào “sinh hoa trái” để biết là đất tốt. Việc lắng nghe và đón nhận Lời đem lại sức sống và làm cho độc giả có khả năng đứng vững trước mọi thử thách. Trong mọi hoàn cảnh, Lời mang lại bình an và niềm vui đích thực cho người biết lắng nghe. Hoa trái của người biết nghe và đón nhận thực sự sẽ lan toả trong môi trường sống.
Kết luận
Những ý tưởng mới trong phần áp dụng dụ ngôn (4,14-20) so với dụ ngôn gieo giống (4,1-9) cho thấy sự phong phú của cách giảng dạy bằng dụ ngôn. Dụ ngôn tự nó là hình ảnh có khả năng mở ra nhiều áp dụng khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh. Đối với độc giả, vấn đề không phải là thu thập nhiều kiến thức về giáo huấn của Đức Giê-su nhưng là cách đón nhận Lời. Khả năng đón nhận và kết quả có khác nhau. Dụ ngôn nói đến ba cấp độ sinh hoa trái: ba mươi, sáu mươi hay một trăm. Kết quả không đồng đều vì khả năng mỗi người khác nhau. Điều bản văn nhấn mạnh là “sinh hoa trái” hay “không sinh hoa trái” chứ không phải sinh bao nhiêu hoa trái. Nhờ dành cho Lời một vị trí xứng đáng trong lòng mình, độc giả sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào, thú vị và sức mạnh hoa trái của Lời trong cuộc đời./.
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2020/06/mc-413-20-ap-dung-du-ngon-gieo-giong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét