16/06/2020

Mc 4,10-12. Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và những kẻ ở ngoài



Ngày 16 tháng 06 năm 2020. 


Nội dung 

Dẫn nhập
1. Bối cảnh Mc 4,10-12
2. “Những kẻ ở ngoài” ở 4,11 là ai?
3. Giải thích bản văn Mc 4,10-12.
Kết luận



Dẫn nhập

Bài viết thứ nhất (“Mc 4,1-9. Dụ ngôn gieo giống”) đã trình bày bối cảnh đoạn văn Đức Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn 4,1-34 và phân tích dụ ngôn gieo giống. Bài viết này tìm hiểu ba câu 4,10-12 nói về “Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và những kẻ ở ngoài”. Ba câu này mở đầu đoạn văn chèn vào (4,10-25), trong đó Đức Giê-su nói riêng với “những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai” (4,10). Phần chuyển tiếp (4,10-12) giữa dụ ngôn (4,1-9) và áp dụng dụ ngôn (4,13-20), được trình bày qua ba điểm: (1) bối cảnh Mc 4,10-12; (2) “những kẻ ở ngoài” ở 4,11 là ai?; (3) giải thích đoạn văn Mc 4,10-12.

    1. Bối cảnh Mc 4,10-12

Sau phần dụ ngôn gieo giống (4,1-9), người thuật chuyện kể ở 4,10-12: “10 Khi Người ở một mình, những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai, hỏi Người về các dụ ngôn. 11 Người nói với họ: “Mầu nhiệm Vương Quốc Thiên Chúa được ban cho anh em; nhưng những người kia là những kẻ ở ngoài  thì mọi sự xảy đến trong các dụ ngôn, 12 để họ nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu, kẻo họ trở lại và được tha thứ.”

Mc 4,10-12 ở trong bối cảnh khác với trình thuật dụ ngôn. Câu 4,10 cho biết Đức Giê-su đang ở một mình với với Nhóm Mười Hai và những kẻ ở chung quanh Người. Bản văn không cho biết “những kẻ ở chung quanh Người” là ai, nhưng điều chắc chắn là không có đám đông hiện diện. Đoạn văn chèn vào 4,10-12 ngoài khung cảnh thời gian và không gian của câu chuyện lúc ban đầu. Thật vậy ở 4,1, Đức Giê-su ở trên thuyền và nói với đám đông ở trên bờ Biển Hồ. Phần xảy ra khi Đức Giê-su ở một mình với một nhóm nhỏ (4,10), kéo dài đến câu 4,25. Sang câu 4,26, Đức Giê-su lại giảng dạy đám đông bằng dụ ngôn, nối tiếp dụ ngôn gieo giống ở 4,1-9. Theo mạch văn, phần nói với đám đông gồm ba dụ ngôn: dụ ngôn gieo giống (4,1-9), dụ ngôn về đất tự sinh hoa trái (4,26-29) và dụ ngôn hạt cải (4,30-32). Phần nói riêng với Nhóm Mười Hai những kẻ ở chung quanh Người (4,10-25) được chèn vào nhằm minh họa hai điều người thuật chuyện sẽ nói đến trong phần kết ở 4,33-34: (a) Đức Giê-su giảng dạy dân chúng bằng dụ ngôn (4,33); (b) Người giải thích dụ ngôn cho các môn đệ khi họ ở riêng với Người (4,34).

    2. “Những kẻ ở ngoài” ở 4,11 là ai?

Để biết “những kẻ ở ngoài” (4,11) là ai, bảng sau làm rõ các nhân vật trong hai phần: (1) giảng dạy bằng dụ ngôn (Mc 4,1-9; 26-34) và (2) nói về dụ ngôn (Mc 4,10-25):

Có phân biệt giữa hai nhóm ở 4,11: (1) “Những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai” thì được ban cho “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa”. (2) Còn “những kẻ ở ngoài” thì mọi sự xảy đến trong dụ ngôn. Phân biệt hai nhóm “bên trong” và “bên ngoài” như trên không rõ ràng trong mạch văn, vì đoạn văn 4,10-25 chen ngang làm câu chuyện bị gián đoạn trình thuật Đức Giê-su giảng dạy đám đông bên bờ Biển Hồ. Có tác giả cho rằng “những kẻ ở ngoài” chỉ về những kẻ chống đối Đức Giê-su (phân biệt với đám đông). Một số tác giả khác (chẳng hạn J. Lagrange) lại hiểu phân biệt “bên trong”, “bên ngoài” ở đây có tính nguyên tắc: phân biệt giữa những kẻ thuộc về Đức Giê-su và tất cả những ai không thuộc về Người.

Theo mạch văn, “những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai” thì được ban cho “mầu nhiệm của Vương Quốc Thiên Chúa”, họ là “những người ở trong”. Còn “những kẻ ở ngoài” là đám đông dân chúng. Đối với họ “mọi sự xảy đến trong dụ ngôn”, nghĩa là Đức Giê-su giảng dạy cho “những kẻ ở ngoài” bằng dụ ngôn, còn “những kẻ ở trong” thì được giải thích dụ ngôn. Phần kết ở 4,33-34 nói rõ: “33 Với nhiều dụ ngôn tương tự, Người nói Lời cho họ theo như họ có thể nghe. 34 Người không nói với họ nếu không dùng dụ ngôn. Nhưng khi ở riêng, Người giải thích mọi điều cho các môn đệ của Người.” Vậy vào thời Đức Giê-su, “những kẻ ở ngoài” bao gồm cả các kinh sư, những người Pha-ri-sêu, gia đình Đức Giê-su đã chống lại và không đón nhận Người. Họ được định nghĩa qua lời Cựu Ước (trích Is 6,9-10) nói về sự cứng lòng của dân: “Để họ nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu, kẻo họ trở lại và được tha thứ” (Mc 4,12). Vào thời cộng đoàn Mác-cô, những kẻ ở ngoài gợi về tất cả những người không thuộc cộng đoàn người tin. Điều lạ ở 8,18, Đức Giê-su lại khiển trách các môn đệ: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” Như thế, các môn đệ là “người ở trong” lại trở thành “người ở ngoài”. Xem bài viết: “Anh em ngu muội như thế sao?” (Mc 7,18) Lời này nói gì với độc giả?

    3. Giải thích bản văn Mc 4,10-12.

4,10: “Khi Người ở một mình, những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai, hỏi Người về các dụ ngôn.”

- 4,10b: “Hỏi Người về các dụ ngôn”. Bản văn trình bày về hiểu biết cách nghịch lý. Các môn đệ hỏi nghĩa là các ông chưa hiểu ý nghĩa dụ ngôn. Ngược lại những người ở ngoài không hỏi, như thể họ nghe mà không hiểu (4,12) nên không có gì để hỏi. Đặt câu hỏi là điều tiên quyết để biết. Đặt câu hỏi về điều mình chưa biết là dấu hiệu quan tâm, lắng nghe lời Đức Giê-su. Các môn đệ đã nhận ra họ chưa hiểu. Như thế, bản văn đề cao ý tưởng “biết mình chưa biết”, nghĩa là biết có điều huyền nhiệm phía sau dụ ngôn. Biết mình chưa biết là nền tảng để có thể biết rõ hơn, đi sâu hơn vào Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Trong mạch văn 4,10-12, Đức Giê-su cho “những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai” biết tại sao người giải thích dụ ngôn cho họ. Không phải vì họ biết rõ hơn người bên ngoài, nhưng những câu hỏi giúp họ chuẩn bị đất để đón nhận hạt giống Lời.

4,11-12: “11 Người nói với họ: ‘Mầu nhiệm Vương Quốc Thiên Chúa được ban cho anh em; nhưng những người kia là những kẻ ở ngoài thì mọi sự xảy đến trong các dụ ngôn, 12 để họ nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu, kẻo họ trở lại và được tha thứ.’”

- 4,11a: “Mầu nhiệm Vương Quốc Thiên Chúa được ban cho anh em”. Các môn đệ chưa hiểu mà Đức Giê-su lại ban cho họ mầu nhiệm, như thể việc đặt câu hỏi (4,10b) là đã nhận ra ý nghĩa dụ ngôn vừa nghe. Có thể hiểu các môn đệ muốn biết sâu hơn, muốn biết điều ẩn dấu trong dụ ngôn. Trong Tin Mừng Mác-cô, nhóm các môn đệ được Đức Giê-su ban mầu nhiệm Vương Quốc Thiên Chúa (Nước Thiên Chúa), nhưng dần dần người thuật chuyện cho biết các ông vẫn chưa thực sự hiểu Đức Giê-su là ai. Điều này cho độc giả biết là không đơn giản để hiểu và sống mầu nhiệm ấy.

Trong câu: “Mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa được ban” có hai chi tiết chỉ có trong Tin Mừng Mác-cô, không có ở các nơi khác trong Tân Ước (thuật ngữ gọi là hapax của Tin Mừng Mác-cô): (1) kiểu nói “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (to mustêrion tês basileias tou theou)” và (2) cụm từ “ban (dedotai) mầu nhiệm”. Kiểu nói lạ lùng này có thể hiểu là các môn đệ hơn những người ở ngoài không phải vì họ hiểu mầu nhiệm nhưng là biết có mầu nhiệm, và sự hiểu biết ấy là được ban cho. Từ “mầu nhiệm” ở đây số ít (mustêrion), thông thường nếu từ này ở số nhiều thì nói về những điều bí ẩn.

Trong các đoạn văn song song, Tin Mừng Mát-thêu viết: “Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: ‘Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?’ Người đáp: ‘Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không’” (Mt 13,10-11; x. Lc 8,10). Có thể Tin Mừng Mát-thêu đã thay đổi bản văn Mác-cô để câu văn dễ hiểu hơn.

- 4,12: “họ nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu, kẻo họ trở lại và được tha thứ”. Câu này trích Is 6,9-10 (cf. Mt 13,14-15; Ga 12,40; Cv 28,26-27). Mc 4,12 giải thích tại sao giới lãnh đạo Do Thái và đa số dân chúng không đón nhận Đức Giê-su. Tại sao cộng đoàn người tin phải chịu bách hại và bị chống đối. Lời quở trách lấy ý trong lời Đức Chúa phán với I-sai-a ở Is 6,9-10: “9 Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. 10 Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” Đứng trước sự cứng lòng của dân, lời này có tính châm biếm. Lời ngôn sứ làm cho dân càng chai đá hơn. Kiểu nói này vừa là lời khiển trách mạnh mẽ, vừa là lời mời gọi dân quay về để được chữa lành. Tuy nhiên sự không nghe, không hiểu ở Mc 4,12 không hoàn toàn khép kín vì dụ ngôn nói đến nhiều mức độ nghe. Mục đích dụ ngôn là cho độc giả biết lý do tại sao con người không đón nhận lời Đức Giê-su. Nhờ đó chuẩn bị mảnh đất lòng mình cách thích hợp.

Kết luận

Những kẻ ở ngoài “nghe mà không hiểu” không phải vì họ không đủ thông minh, nhưng vì mảnh đất lòng họ chưa đủ điều kiện, chưa thuận lợi để hạt giống mọc lên. Và họ chưa biết rằng: Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm, không thể hiểu bằng lý trí mà cần đón nhận để sinh hoa trái.

Không phải Đức Giê-su muốn che dấu “Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa” nên giảng dạy bằng dụ ngôn, ngược lại dụ ngôn là cơ may để những người ở ngoài có thể đón nhận Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nếu họ muốn. Điều ngăn cản con người đón nhận hạt giống Lời, chính là phẩm chất mảnh đất lòng họ, nơi hạt giống rơi xuống. Cần “hối cải và tin vào tin mừng” (1,15) để đón nhận Nước Thiên Chúa. Nối tiếp đoạn văn nói về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và những kẻ ở ngoài là phần áp dụng dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20)./.

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2020/06/mc-410-12-mau-nhiem-nuoc-thien-chua-va.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét