26/11/2011

H/Đ.PP. Có đoạn văn hay nhất trong Kinh Thánh không?


Hỏi:
Sau khi phân tích một đoạn văn, độc giả có thể nói đây là đoạn văn hay nhất được không?


Để đưa ra nhận định: “Đây là đoạn văn hay nhất”, chắn chắn độc giả đã dày công làm việc, áp dụng phương pháp học hỏi để phân tích đoạn văn. Từ đó độc giả đã khám phá ra những nét hay, nét độc đáo của bản văn, đã tìm ra phần nào ý nghĩa của bản văn, đã áp dụng chúng vào hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống của độc giả và cảm thấy điều đó là thú vị.

Cảm nhận đoạn văn mình đang phân tích là “đoạn văn hay nhất” là một bước tiến lớn trong quá trình ứng dụng phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc vào việc đọc Kinh Thánh. Có thể hiểu “hay nhất” ở đây là so với những gì độc giả đã đọc và đã hiểu từ trước cho đến lúc bấy giờ. Tuy nhiên, xét về phương pháp có thể mở rộng cái “hay” đến các đoạn văn khác. Nhờ đó độc giả sẽ cảm nhận được rằng: Đọc Kinh Thánh là một tiến trình suốt cả cuộc đời và còn nhiều điều hay, thú vị và độc đáo khác đang chờ đợi mình. Sau đây là hai ý giúp mở rộng cái “hay” của bản văn:

1) Có ba cấp độ so sánh: so sánh bằng (A = B), so sánh hơn (A cao/thấp hơn B), so sánh cấp cao nhất (A cao/thấp nhất). Nếu chưa phân tích kỹ các đoạn văn khác thì làm sao có thể so sánh được?

2) Thực ra không thể nói đoạn văn này hay hơn đoạn văn khác, vì mỗi đoạn văn vẽ lên một bức tranh độc đáo riêng. Mỗi đoạn văn đều có những chi tiết, những ý tưởng, những từ ngữ, và nhất là cách kể câu chuyện riêng biệt. Không một đoạn nào hoàn toàn giống một đoạn văn khác.

Chẳng hạn, năm đoạn văn về Đấng Pa-rác-lê trong Ga 14–16 là năm bức tranh độc đáo riêng. Năm bức tranh ấy làm nên đề tài “Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng Gio-an”. Đây là đề tài hay và độc đáo riêng của Tin Mừng Gio-an, nhưng không thể nói đề tài này “hay hơn” hoặc “hay nhất” so với các đề tài khác. Bởi vì đề tài khác như “yêu và ghét”, “ánh sáng và bóng tối”… đều là những đề tài “rất quan trọng” và “rất hay” trong Tin Mừng Gio-an.

Tóm lại, có thể nói tất cả các đoạn văn đều hay, đều độc đáo. Còn có nhiều điều “hay” đang chờ độc giả khám phá. Tuy nhiên, có thể nói “thích đoạn văn này hơn đoạn văn khác”. Sở thích mang tính chủ quan, nên có thể so sánh để diễn tả sở thích riêng của mình. Tôi thích đoạn văn này hơn đoạn văn kia vì đoạn văn này phù hợp với ưu tư và tìm kiếm của tôi hơn...

Ước mong độc giả sau khi khám phá ra “nét hay”, “nét đẹp” của một đoạn văn sẽ mong muốn lên đường tìm hiểu và phân tích những đoạn văn khác. Dần dần độc giả sẽ nhận thấy rằng Kinh Thánh là một kho tàng và mỗi đoạn văn là một viên ngọc quý trong kho tàng ấy./.      


Ngày 27 tháng 11 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét