21/10/2012

Lc 11,37-41. Thanh tẩy bên trong và bên ngoài



[The article in English]


Ngày 21 tháng 10 năm 2012

Nội dung

I. Dẫn nhập
1. Bản văn Lc 11,37-41 (NPD/CGKPV)
2. Bối cảnh Lc 11,37-41
3. Cấu trúc Lc 11,37-54
II. Phân tích
1. Nghi thức thanh tẩy của người Do Thái
2. Tại sao Đức Giê-su không thanh tẩy trước khi ăn?
3. Bên trong và bên ngoài
4. Đấng làm ra cái bên ngoài và bên trong
5. “Hãy bố thí” (Give for alms)
III. Kết luận
Thư mục



I. Dẫn nhập

Để chuẩn bị phân tích đoạn văn Lc 11,37-41, chúng tôi sẽ trình bày ba mục: (1) Bản văn Lc 11,37-41 (bản dịch NPD/CGKPV, ấn bản 2011); (2) Bối cảnh văn chương của đoạn văn Lc 11,37-41; (3) Cấu trúc đoạn văn lớn Lc 11,37-54. Đoạn văn phân tích trong bài viết này (11,37-41) là phần đầu của đoạn văn lớn (11,37-54).

1. Bản văn Lc 11,37-41 (NPD/CGKPV)

37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. 39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? 41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.

2. Bối cảnh Lc 11,37-41

Lc 11,37-41 nối kết với ý tưởng của đoạn văn trước (11,29-36) và đoạn văn sau (11,42-54). Trước hết ở 11,29, Đức Giê-su nói với đám đông: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (11,29). Ý tưởng “Thế hệ này là một thế hệ gian ác” sẽ gặp lại ở đoạn văn 11,37-41, trong đó Đức Giê-su khiển trách người Pha-ri-sêu: “Bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà” (11,39b).  

Đề tài nối kết thứ hai là lời Đức Giê-su tuyên bố về “ánh sáng” và “bóng tối” ở 11,35-36: “35 Vậy hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối. 36 Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn toả sáng chiếu soi anh.” Đề tài “ánh sáng” và “bóng tối” nơi con người này nối kết với đề tài “bên ngoài” và “bên trong” con người ở 11,37-41. Đức Giê-su đã làm lộ ra những điều đen tối trong lòng những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật (11,37-54). Khi họ “sạch bên ngoài” nhưng lại “đen tối bên trong” thì “ánh sáng nơi họ đã thành bóng tối” (x. 11,35).

3. Cấu trúc Lc 11,37-54

Lc 11,37-41 là phần đầu tiên của đoạn văn lớn hơn (Lc 11,37-54). Trong đoạn văn lớn này Đức Giê-su khiển trách những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật với những lời nặng nề: “Đồ ngốc!” (11,40) và “Khốn cho các người!” (11,42.43.44.46.47.52). Đoạn văn Lc 11,37-54 mở đầu với lời mời của người Pha-ri-sêu. Ông ấy mời Đức Giê-su đến dùng bữa. Đức Giê-su nhận lời mời, và khi tới nơi Người liền vào bàn ăn (11,37b). Đoạn văn kết thúc khi Đức Giê-su đi ra khỏi đó (11,53). Người thuật chuyện kể ở cuối đoạn văn 11,37-54: “Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện” (11,53). Đoạn văn lớn 11,37-54 có cấu trúc như sau:

      
Trao đổi trong bối cảnh một bữa ăn là đặc điểm hoạt động của Đức Giê-su trong Tin Mừng Lu-ca. Bối cảnh câu chuyện là có một người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến nhà dùng bữa. Đức Giê-su nhận lời mời, Người đến nhà người Pha-ri-sêu và vào bàn ăn (11,37). Sự căng thẳng nảy sinh khi “ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn” (11,38). Người thuật chuyện cho biết phản ứng của người Pha-ri-sêu, chứ người này không lên tiếng trong câu chuyện. Như thế, trong toàn bộ đoạn văn lớn 11,37-54 chỉ một mình Đức Giê-su lên tiếng và Người làm lộ ra những gì ẩn dấu trong lòng con người. Theo mạch văn, những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật hiện diện trong bữa văn và hai nhóm này xuất hiện nối tiếp nhau, trước hết là nhóm những người Pha-ri-sêu (11,37-44), tiếp đến là nhóm các nhà thông luật (11,45-52).

II. Phân tích

Đoạn văn ngắn 11,37-41 được phân tích qua năm ý: (1) Nghi thức thanh tẩy của người Do Thái; (2) Tại sao Đức Giê-su không thanh tẩy trước khi ăn? (3) Bên trong và bên ngoài; (4) Đấng làm ra cái bên ngoài và bên trong; (5) “Hãy bố thí” (Give for alms).

1. Nghi thức thanh tẩy của người Do Thái

Người thuật chuyện dùng động từ Hy Lạp “baptizô” (thanh tẩy, phép rửa) trong câu: “Người [Đức Giê-su] không thanh tẩy (ebaptisthê) trước bữa ăn” (11,38). Động từ “baptizô” có nghĩa “làm phép rửa”, “phép dìm”, nghĩa là dìm vào nước để thực hiện “phép rửa”. Nghi thức này được Gio-an Tẩy Giả thực hiện trong sông Gio-đan. Các Ki-tô hữu cũng dùng từ “baptizô” (thanh tẩy, thánh tẩy, phép rửa) để chỉ nghi thức gia nhập Ki-tô Giáo.

Trong bối cảnh Lc 11,37-41, động từ “baptizô” (to baptize, to wash) nói đến nghi thức thanh tẩy của người Do Thái. Mạch văn cho phép hiểu rằng, không chỉ là rửa tay, bởi vì trong trình thuật Đức Giê-su nói về “sạch” và “không sạch” cả “bên trong” lẫn “bên ngoài” chén đĩa. Hình ảnh này được áp dụng cho “sạch” và “không sạch” cả “bên trong” lẫn “bên ngoài” con người. Khi áp dụng cho con người hình ảnh “sạch” và “không sạch” có hai tầng ý nghĩa: “sạch” và “không sạch” của thân thể và của tâm hồn. Thanh tẩy là nghi thức rất quan trọng đối với nhóm Pha-ri-rêu. Vì thế, nhân dịp bữa ăn, Đức Giê-su đã mặc khải cho các nhân vật trong câu chuyện cũng như cho độc giả biết thế nào là thanh tẩy theo như ý muốn của Thiên Chúa.

2. Tại sao Đức Giê-su không thanh tẩy trước khi ăn?

Tại sao Đức Giê-su không thanh tẩy trước khi dùng bữa tại nhà người Pha-ri-sêu? Theo quan điểm của người Pha-ri-sêu thì Đức Giê-su đã không tuân giữ nghi thức thanh tẩy. Tuy nhiên, nếu đọc Tin Mừng như là câu chuyện được viết cho cộng đoàn Lu-ca, thì cách ứng xử của Đức Giê-su cho thấy cách sống của cộng đoàn các môn đệ. Cộng đoàn đón nhận sách Tin Mừng Lu-ca là cộng đoàn tín hữu mà đa số thành viên đến từ thế giới dân ngoại, chứ không phải từ thế giới Do Thái Giáo. Các Ki-tô hữu dân ngoại không buộc phải tuân giữ nghi thức thanh tẩy của Do Thái Giáo.

Trong bản văn, người thuật chuyện gọi Đức Giê-su là “Chúa” (kurios) ở 11,39: “Nhưng Chúa (kurios) nói với ông ấy rằng:…” Uy quyền của Đức Giê-su trong việc nói lên sự thật trong lòng con người chứng tỏ người là Đấng mặc khải ý định của Thiên Chúa. Đức Giê-su là “Chúa” của cộng đoàn và Người giảng dạy cách thức mới để bước vào tương quan với Thiên Chúa là Cha, qua trình Đức Giê-su mời gọi mọi người sống theo giáo huấn của Người.

3. Bên trong và bên ngoài

Đức Giê-su khiển trách những người Pha-ri-sêu: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà” (11,39). Có sự so sánh giữa “bên trong” và “bên ngoài” chén đĩa với “bên trong” và “bên ngoài” con người. “Bên ngoài” chén đĩa song song với nghi thức thanh tẩy “bên ngoài” con người. “Bên trong” chén đĩa song song với những ý định “trong lòng” con người. Những người Pha-ri-sêu ở 11,39 là trường hợp “ánh sáng nơi họ lại thành bóng tối” mà Đức Giê-su đã nói trước đó (11,34-35). Bên ngoài họ quan tâm đến việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy, nhưng “bên trong” lại đầy sự dữ. Đức Giê-su tố cáo họ vì họ không thống nhất giữa bên trong và bên ngoài. Họ lo làm sạch bên ngoài, nhưng trong lòng họ lại không sạch, vì chứa đầy đen tối, gian tà và cướp bóc.

4. Đấng làm ra cái bên ngoài và bên trong

Câu hỏi tu từ của Đức Giê-su: “Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?” (11,40) dùng hình ảnh “người làm ra” (maker). Hình ảnh này vừa áp dụng cho người làm ra chén đĩa, vừa áp dụng cho Thiên Chúa là Đấng làm ra con người. Vì thế, con người chịu trách nhiệm về những ý định “bên trong” cũng như việc tuân giữ nghi thức “bên ngoài”. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng dạ con người, nên Thiên Chúa biết những ý định đen tối và gian tà trong lòng con người. Vậy chúng ta phải làm gì để thanh tẩy “bên trong” và “bên ngoài” như Thiên Chúa mong muốn?

5. “Hãy bố thí” (Give for alms)

Đức Giê-su cho biết cách thức để làm cho “bên trong” và “bên ngoài” được thanh sạch, đó là “bố thí” (give for alms). Người nói: “Hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (11,41). Trong câu này, “thanh tẩy bên trong” được thực hiện trước “thanh tẩy bên ngoài”. Nói cách khác, sự thanh sạch bên trong được diễn tả ra bên ngoài bằng hành động “bố thí”, “chia sẻ” với người khác. Đức Giê-su dùng hình ảnh: Bố thí những gì ở bên trong chén đĩa cho người túng thiếu. Hành động liên đới này sẽ thanh tẩy lòng con người khỏi sự gian tà, độc ác. Thực hành bác ái: “bố thí” và “chia sẻ” là những hành động bên ngoài có khả năng thanh tẩy và làm sạch cả “bên ngoài” lẫn “bên trong”, như Đức Giê-su nói: “Bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (10,41b). Nghĩa là mọi sự “bên ngoài” và “bên trong” đều được thanh sạch.

III. Kết luận

Câu chuyện nhấn mạnh đề tài “bên trong” và “bên ngoài”. Đức Giê-su làm lộ ra lối sống không thống nhất giữa “thực hành nghi thức thanh tẩy bên ngoài” và sự thật bên trong: đầy những chuyện đen tối. Những người Pha-ri-sêu lo tuân giữ nghi thức bên ngoài mà bỏ qua sự thống nhất cần thiết giữa “ý định bên trong” và “thể hiện ra bên ngoài”. Bởi vì cả “bên ngoài” lẫn “bên trong” đều do Thiên Chúa làm ra, nên không thể bỏ qua hay xem nhẹ một trong hai. Thực ra, do thiếu quy hướng nền tảng về Thiên Chúa, mà việc thực hành nghi thức thanh tẩy của người Pha-ri-sêu đã mất hết ý nghĩa, bởi vì “bên ngoài” mâu thuẫn với “bên trong”.

Sự kiện người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su tới dùng bữa cho thấy người này có cảm tình với Đức Giê-su, nhân dịp này Đức Giê-su mời gọi thính giả và độc giả thực hiện cách thức “thanh tẩy” có khả năng làm cho con người được trong sạch cả “bên trong” lẫn “bên ngoài”. Đó là “hãy bố thí” để mọi sự cả trong lẫn ngoài trở nên trong sạch. Đây là cách thức thanh tẩy Thiên Chúa mong muốn./.

Thư mục
[1986] Joseph A. FITZMYER, The Gospel According to LUKE (X – XXIV), (Anchor Bible 28A), New York (NY), Doubleday, 1986, xxxvi, 841-1642 p.

[1991] Luke Timothy JOHNSON, The Gospel of Luke, (Sacra Pagina Series 3), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1991, xiv-466 p.

[1997] Joel B. GREEN, The Gospel of LUKE, (The New International Commentary on the New Testament [NICNT]), Grand Rapides, Michigan – Cambridge, U.K., William B. Eerdmans Publishing Company, 1997.

Ngày 21 tháng 10 năm 2012


1 nhận xét:

  1. con cảm ơn cha về bài viết, nguyễn xin Chúa ban bình anh cho cha

    Trả lờiXóa