04/12/2011

Mt 18,12-14: “99 con chiên không đi lạc” và “1 con chiên bị lạc đường”, chọn bên nào đây?



Nội dung

Bản văn Mt 18,12-14
Dẫn nhập
1. Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14
2. Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11
3. Trách nhiệm của mục tử (Mt 18,12-13)
Kết luận




Bản văn Mt 18,12-14
(Các trích dẫn Kinh Thánh dưới đây lấy theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch / Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Mt 18,12-14: “12Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”


Dẫn nhập

Đoạn Tin Mừng Mt 18,12-14 thuật lại dụ ngôn 100 con chiên, trong đó 99 con chiên không đi lạc và 1 con chiên bị lạc đường. Mục tử lựa chọn để lại 99 con trên núi để đi tìm con chiên lạc. Lựa chọn với tỷ lệ 1/100 này có hợp lý không? Cách ứng xử của mục tử trong dụ ngôn có được thực thi trong lịch sử Ít-ra-en không? Câu kết của dụ ngôn ở 18,14 nói đến “những kẻ bé mọn” và “hư mất”, những đề tài này là mới hay đã xuất hiện trong đoạn văn trước? Có thể dụ ngôn ngắn gọn này vẫn luôn luôn là một thách đố dành cho các mục tử và dành cho tất cả các thành viên trong cộng đoàn người tin, về thái độ và cách ứng xử đối với “những kẻ lầm đường lạc lối”, “những kẻ bé mọn”. Giữa “99 con chiên không đi lạc” và “1 con chiên bị lạc đường”, độc giả chọn bên nào?

Để tìm hiểu ý nghĩa giáo huấn của Đức Giê-su ở Mt 18,12-14, phần sau sẽ phân tích các mục: (1) Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14; (2) Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11; (3) Trách nhiệm của mục tử (Mt 18,12-13).

1. Bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14

Đoạn Tin Mừng ngắn Mt 18,12-14 là một phần giáo huấn của Đức Giê-su trong chương 18 của Tin Mừng Mát-thêu. Chương này thu thập những lời giảng của Đức Giê-su liên quan đến đời sống cộng đoàn các môn đệ. Cụ thể là trả lời câu hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (18,1-4). Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng làm cho người ta sa ngã” (18,5-9), “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (18,10-11). Tiếp đến là dụ ngôn “Một con chiên bị lạc trên núi” (18,12-14), sau đó là giáo huấn về sửa lỗi anh em (18,15-18).v.v… Như thế, bối cảnh đoạn văn Mt 18,12-14 là những giáo huấn của Đức Giê-su về đời sống và cách xử sự trong cộng đoàn Hội Thánh, cụ thể là cộng đoàn Mát-thêu. Đề tài chính trong Mt 18,12-14 là vai trò của mục tử đối với đàn chiên.

2. Mt 18,12-14 nối kết với 18,10-11

Nếu chỉ đọc đoạn văn Mt 18,12-14, độc giả có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Đại từ “anh em” (ngôi thứ hai số nhiều) trong câu “Anh em nghĩ sao?” là ai, là các môn đệ hay dân chúng? Trong phần kết dụ ngôn ở 18,14: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”, xuất hiện các ý tưởng song song: “con chiên bị đi lạc” trong dụ ngôn ám chỉ “một trong những kẻ bé mọn này”. Ý tưởng “đi lạc” song song với “hư mất”. “Những kẻ bé mọn này” là ai? Tại sao lại ví “đi lạc đường” với “hư mất”?

“Dụ ngôn con chiên lạc” (18,12-13) khởi đầu cách đột ngột: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên….” (18,12). Một số câu hỏi trên sẽ được giải đáp nhờ các trình thuật trước đó (18,1-11). Mở đầu Mt 18, người thuật chuyện cho biết ai đang nói và nói với ai, người thuật chuyện kể: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Lời mở đầu này xác định toàn bộ Mt 18 là giáo huấn của Đức Giê-su dành cho các môn đệ của Người. Đại từ “anh em” trong Mt 18, được hiểu trước hết là “các môn đệ”, đồng thời ám chỉ cộng đoàn Mát-thêu nói riêng và cộng đoàn Hội Thánh nói chung.

Đặc biệt Mt 18,12-14 nối kết chặt chẽ với 18,10-11. Ở Mt 18,10-11, Đức Giê-su dặn dò các môn đệ: “Đừng khinh thường những kẻ bé mọn” (18,10) và nói đến sự “hư mất” (18,11), như thế cần đọc chung Mt 18,12-14 với 18,10-11 sẽ dễ hiểu ý của bản văn hơn.
Mt 18,10-11: “10Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. [11Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất].”  (Câu 11 để trong ngoặc vuông [ ] vì không có trong các thủ bản cổ).

Sự liên kết từ ngữ và ý tưởng giữa Mát-thêu 18,10-11 và 10,12-14 được thể hiện qua cấu trúc sau đây:



Cấu trúc song song trên cho thấy “dụ ngôn con chiên lạc”  đặt ở trọng tâm (C), nhằm minh họa cho chủ đề chung của đoạn văn: Giáo huấn của Đức Giê-su về cách cư xử trong cộng đoàn đối với “những kẻ bé mọn” (A // A’). Đồng thời Đức Giê-su mặc khải về sứ vụ của Người: “Cứu cái gì đã hư mất” (B. 18,11) và mặc khải về ý định của Chúa Cha: “Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (B’. 18,14b). Động từ “apollumi” (hư mất), xuất hiện ở 18,11 và 18,14b, nên B // B’.

Bối cảnh văn chương và cấu trúc bản văn cho phép hiểu: Hình ảnh “con chiên bị lạc đường” trong dụ ngôn (18,12-13) là “những kẻ bé mọn trong cộng đoàn” và sự kiện “bị lạc đường” được so sánh với tình trạng “hư mất” cần được “cứu”. Hình ảnh con chiên bị lạc đường ám chỉ những người lầm lạc trong cộng đoàn và sự lầm lạc ở đây có thể hiểu theo cả hai nghĩa: (1) Lạc đường vì nghe theo đạo lý không chính thống (sai lạc đạo lý) và (2) Lạc đường vì đời sống luân lý không phù hợp với giáo huấn của Đức Giê-su (sai lạc luân lý).

3. Trách nhiệm của mục tử (Mt 18,12-13)

Điều đáng chú ý là “dụ ngôn con chiên bị lạc”  không quy trách nhiệm cho con chiên. Trong thực tế, 100 con chiên thả trên núi và một con chiên bị lạc đường thì không có gì lạ. Động từ “planaô” (đi lạc, lạc đường) ở Mt 18,12 chia ở dạng thụ động (voix passive): “planêthê” (bị đi lạc, bị lạc đường). Không phải là con chiên cố tình đi lạc mà là “bị lạc đường”. Câu văn ở dạng thụ động nên độc giả không biết nguyên nhân nào làm cho con chiên đi lạc. Như thế, bản văn không quy trách nhiệm cho con chiên về sự kiện “lạc lối”, theo cả hai nghĩa “lạc về đạo lý” và “lạc về luân lý”. Giáo huấn của trình thuật tập trung vào cách ứng xử của “mục tử”, chứ không bàn đến nguyên nhân của việc đi lạc.

Vấn đề đặt ra trong dụ ngôn là mục tử đối xử thế nào với con chiên bị lạc đường. Giữa 99 con chiên không bị lạc và 1 con chiên bị lạc lối, mục tử chọn đứng về phía nào? Liệu trong cộng đoàn, mục tử có ưu tư và lo lắng cho con chiên bị lạc đường không? Mục tử có đi tìm và đưa chiên lạc lối trở về hay không? Trong dụ ngôn (18,12-13), xem ra đương nhiên là mục tử sẽ để lại 99 con chiên và đi tìm con chiên lạc, nhưng thực tế lịch sử Ít-ra-en cho thấy vấn đề không đơn giản như thế. Dụ ngôn Đức Giê-su kể ở Mt 18,12-14 gợi lại cho độc giả những gì ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã viết về cách ứng xử của các mục tử:

Ed 34,1-6: “1Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: 2Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? 3Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. 4Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. 5Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. 6Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.”

Tương phản với các mục tử không chu toàn trách nhiệm của mình như trên, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho biết ĐỨC CHÚA chăn dắt đàn chiên của Người như thế nào:
Ed 36,13b-16: “13bTa sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. 14Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. 15Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. 16Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.”

Thay vì đi tìm con chiên lạc như ở Mt 18,12-14, mục tử có thể lý luận rằng: Tại sao lại có thể bỏ lại 99 con chiên không có người chăm sóc để đi tìm một con chiên bị lạc? 99 con không hơn 1 con hay sao? Ai sẽ lo cho 99 con chiên kia, trong khi không chắc sẽ tìm được con chiên lạc?.v.v... Bằng nhiều chi tiết tương phản mạnh mẽ, dụ ngôn cho biết mục tử đích thực phải làm gì. Trước hết là tương phản giữa 99 con chiên không đi lạc so với 1 con chiên bị lạc đường (tỷ lệ 1/100). Kế đến là nhấn mạnh ý tưởng không chắc sẽ tìm được con chiên lạc khi dùng kiểu nói: “Nếu may mà tìm được...” (18,13a), nghĩa là không chắc tìm được nhưng vẫn để 99 con chiên lại trên núi để đi tìm con chiên bị lạc. Cuối cùng là đề cao niềm vui khi tìm được con chiên lạc, bằng cách so sánh với 99 con chiên không bị lạc: “Người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (18,13b). Rõ ràng dụ ngôn ám chỉ sứ vụ của Đức Giê-su, Người là mục tử đích thực, Người đến trần gian “để cứu cái gì đã hư mất”  (18,11). Người lo lắng cho đàn chiên như ĐỨC CHÚA chăn dắt đàn chiên của Người (Ed 36,13b-16).

Qua dụ ngôn, Đức Giê-su đề cao một trong những nhiệm vụ của mục tử đích thực là “tìm kiếm những con chiên lạc đường”. Đó là sứ vụ của Đức Giê-su (18,11) và Người mời gọi tất cả các mục tử trong cộng đoàn Hội Thánh thi hành sứ vụ này. Dẫn đưa những kẻ lầm đường lạc lối trở về là điều Cha trên trời mong đợi, vì Người không muốn bất cứ kẻ bé mọn nào trong cộng đoàn bị hư mất. Cách cư xử đúng đắn của người mục tử là dành sự ưu ái và tình thương cho những thành viên trong cộng đoàn bị lạc đường. Tuy vậy, dường như trong cộng đoàn Mát-thêu nói riêng và trong cộng đoàn người tin qua mọi thời đại nói chung, “những kẻ bé mọn”, “những kẻ lầm đường lạc lối” vẫn chưa được các mục tử đối xử đúng mức. Giáo huấn của Đức Giê-su vẫn cần được học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của từng cộng đoàn.

Kết luận

Giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng Mt 18,12-14 mãi mãi là một thách đố cho các mục tử trong cộng đoàn người tin. Dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su: “Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn” (18,10) và ý của Cha trên trời là “Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất” (18,14), người mục tử được Đức Giê-su mời gọi bày tỏ lòng ưu ái và cảm thông đối với những con chiên lạc trong cộng đoàn. Dù con chiên đó cố tình hay vô ý đi lạc, dù con chiên đó lạc đường về đạo lý hay lạc đường về luân lý, người mục tử vẫn được mời gọi lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Cho dù tỷ lệ là 1/100, người mục tử trong dụ ngôn vẫn đứng về phía 1 con chiên bị lạc lối. Tình thương và trách nhiệm của mục tử dành cho con chiên bị lạc đường trong dụ ngôn được diễn tả mạnh mẽ qua tỷ lệ 1/100, nghĩa là nếu có 10 con chiên lạc lối trong cộng đoàn, thì tỉ lệ đó là 10/1000. Người mục tử sẽ để 990 con chiên không đi lạc để đi tìm 10 con chiên đi lạc...
Hình ảnh mục tử trong Mt 18,12-14 có thể được mở rộng đến mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa. Đức Giê-su là mục tử duy nhất của đàn chiên. (Xem bài viết: “Ai là mục tử? Đàn chiên thuộc về ai?”, http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2010/11/chia-se-tm-ga-1011-18-muc-tu-la-ai.html). Chính Đức Giê-su đã trao quyền chăn dắt đàn chiên của Người cho các môn đệ: Đầu tiên là Nhóm Mười Hai, rồi đến các đấng kế vị Thánh Phê-rô. Các Giám mục, các linh mục, là những vị có nhiệm vụ trực tiếp chăn dắt đàn chiên được giao phó. Đồng thời vai trò mục tử có thể được mở rộng đến những người có trách nhiệm trong cộng đoàn; các bậc phụ huynh trong vai trò giáo dục con cái; các thầy cô, các giáo lý viên trong vai trò giáo dục đức tin. Ngay cả các anh chị lớn đối với các em nhỏ. Nói cách khác, tất cả mọi người tin trong cộng đoàn được Đức Giê-su mời gọi dành sự ưu ái và tình thương cho “những kẻ bé mọn”, “những kẻ lầm đường lạc lối”.
Thực tế cho thấy, tình thương là sức mạnh lớn lao có khả năng cảm hoá và làm biến đổi con người, giúp con người sống tốt hơn, sống mạnh mẽ hơn và sống có lý tưởng hơn. Dẫn một con chiên lạc đường trở về, thực sự là một niềm vui lớn lao, và điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ những hành động thiết thực và nhờ tình thương. Hai yếu tố nền tảng: “Giáo huấn của Đức Giê-su” và “lòng mến” sẽ hướng dẫn mục tử và những người có trách nhiệm biết ứng xử thích hợp trong hoàn cảnh cụ thể. Bằng cách tìm hiểu và suy niệm Tin Mừng Mt 18,10-14, các mục tử nói riêng và từng thành viên trong cộng đoàn nói chung, sẽ biết cần làm gì trước hiện trạng “99 con chiên không bị lạc đường” và “1 con chiên đi lạc”. Thực tế này vẫn còn đó trong cộng đoàn người tin qua mọi thời đại./.

Ngày 04 tháng 12 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P. 
email: josleminhthong@gmail.com 

26/11/2011

H/Đ.PP. Có đoạn văn hay nhất trong Kinh Thánh không?


Hỏi:
Sau khi phân tích một đoạn văn, độc giả có thể nói đây là đoạn văn hay nhất được không?


Để đưa ra nhận định: “Đây là đoạn văn hay nhất”, chắn chắn độc giả đã dày công làm việc, áp dụng phương pháp học hỏi để phân tích đoạn văn. Từ đó độc giả đã khám phá ra những nét hay, nét độc đáo của bản văn, đã tìm ra phần nào ý nghĩa của bản văn, đã áp dụng chúng vào hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống của độc giả và cảm thấy điều đó là thú vị.

Cảm nhận đoạn văn mình đang phân tích là “đoạn văn hay nhất” là một bước tiến lớn trong quá trình ứng dụng phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc vào việc đọc Kinh Thánh. Có thể hiểu “hay nhất” ở đây là so với những gì độc giả đã đọc và đã hiểu từ trước cho đến lúc bấy giờ. Tuy nhiên, xét về phương pháp có thể mở rộng cái “hay” đến các đoạn văn khác. Nhờ đó độc giả sẽ cảm nhận được rằng: Đọc Kinh Thánh là một tiến trình suốt cả cuộc đời và còn nhiều điều hay, thú vị và độc đáo khác đang chờ đợi mình. Sau đây là hai ý giúp mở rộng cái “hay” của bản văn:

1) Có ba cấp độ so sánh: so sánh bằng (A = B), so sánh hơn (A cao/thấp hơn B), so sánh cấp cao nhất (A cao/thấp nhất). Nếu chưa phân tích kỹ các đoạn văn khác thì làm sao có thể so sánh được?

2) Thực ra không thể nói đoạn văn này hay hơn đoạn văn khác, vì mỗi đoạn văn vẽ lên một bức tranh độc đáo riêng. Mỗi đoạn văn đều có những chi tiết, những ý tưởng, những từ ngữ, và nhất là cách kể câu chuyện riêng biệt. Không một đoạn nào hoàn toàn giống một đoạn văn khác.

Chẳng hạn, năm đoạn văn về Đấng Pa-rác-lê trong Ga 14–16 là năm bức tranh độc đáo riêng. Năm bức tranh ấy làm nên đề tài “Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng Gio-an”. Đây là đề tài hay và độc đáo riêng của Tin Mừng Gio-an, nhưng không thể nói đề tài này “hay hơn” hoặc “hay nhất” so với các đề tài khác. Bởi vì đề tài khác như “yêu và ghét”, “ánh sáng và bóng tối”… đều là những đề tài “rất quan trọng” và “rất hay” trong Tin Mừng Gio-an.

Tóm lại, có thể nói tất cả các đoạn văn đều hay, đều độc đáo. Còn có nhiều điều “hay” đang chờ độc giả khám phá. Tuy nhiên, có thể nói “thích đoạn văn này hơn đoạn văn khác”. Sở thích mang tính chủ quan, nên có thể so sánh để diễn tả sở thích riêng của mình. Tôi thích đoạn văn này hơn đoạn văn kia vì đoạn văn này phù hợp với ưu tư và tìm kiếm của tôi hơn...

Ước mong độc giả sau khi khám phá ra “nét hay”, “nét đẹp” của một đoạn văn sẽ mong muốn lên đường tìm hiểu và phân tích những đoạn văn khác. Dần dần độc giả sẽ nhận thấy rằng Kinh Thánh là một kho tàng và mỗi đoạn văn là một viên ngọc quý trong kho tàng ấy./.      


Ngày 27 tháng 11 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

17/11/2011

H/Đ-BV. Cấu trúc Ga 13–17


Hỏi:
 Có thể cấu trúc Ga 13–17 như dưới đây được không?
I. Dẫn nhập: 13,1: Đức Giêsu biết “giờ” của Người đã đến.
II. 13,2–16,33: Khủng hoảng và giải pháp để vượt qua khủng hoảng.
   1) 13,2–15,17: Khủng hoảng trong nội bộ các môn đệ và giải pháp.
   2) 15,18–16,4a: Khủng hoảng đến từ bên ngoài và giải pháp.
   3) 16,4b–16,33: Khủng hoảng vì Đức Giê su ra đi và giải pháp.
III. Kết thúc: Ga 17: Đức Giêsu ngỏ lời với Chúa Cha trước sự hiện diện của các môn đệ.

Phân chia “Đoạn văn Ga 15,18–16,4a: Khủng hoảng đến từ bên ngoài và những giải pháp” là chưa đủ, vì sự đối lập giữa các môn đệ với thế gian thù ghét đã xuất hiện trong Ga 14. Do đó, Ga 13,2–15,17 không chỉ là khủng hoảng nội bộ mà thôi. Đối lập “thế gian thì ghét - môn đệ” còn xuất hiện cuối chương 16 và giữa chương 17 nữa. Vì vậy, cấu trúc trên chưa nói lên được cách trình bày độc đáo của bản văn.

Đề nghị chia cấu trúc Ga 13–17 thành 2 phần lớn: Ga 13–14 và Ga 15–17 (Xem lý do trong trả lời liên hệ giữa Ga 14,31; 15,1 và 18,1 trên đây [01.H/Đ-BV. Ga 14,31; 18,1]). Trong phần Ga 15–17, chương 17 được tách ra vì Đức Giê-su ngỏ lời với Cha, không còn nói trực tiếp với các môn đệ nữa. Có thể cấu trúc Ga 13–17 theo đề nghị trong phần trích đoạn của cuốn sách Bản văn Gio-an TIM MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt.

Trong phần lý giải cấu trúc, chú ý 3 chi tiết: (1) 13,1 mở đầu chung cho Ga 13–17. (2) 14,31 kết thúc Ga 13–14 và (3) Ga 16,33 kết thúc đoạn văn 16,4b-32 và cũng là kết thúc của Ga 15–16. Xem trình bày về cấu trúc Ga 13–16 trong KHỦNG HOẢNG VÀ GIẢI PHÁP cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư.
Ngày 17 tháng 11 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

13/11/2011

H/Đ-BV. Ga 15,15b: “Làm cho biết”


Hỏi:
Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,15b: “Thầy gọi anh em là bạn hữu,vì tất cả những gì Thầy nghe nơi Cha của Thầy,Thầy đã làm cho anh em biết”, (1) Tại sao Đức Giê-su đang “nói cho anh em biết” mà bản văn lại viết “làm cho anh em biết”? (2) Có phải câu này có hai động từ: “làm” và “biết” hay không?

(1) Đúng là trong mạch văn, Đức Giê-su đang nói với các môn đệ, nhưng kiểu nói “làm cho anh em biết” có nghĩa rộng hơn. Trong câu 15,15, điều làm cho các môn đệ trở thành “bạn hữu của Đức Giê-su” là vì tất cả những gì Đức Giê-su nghe nơi Cha của Người, Người đã làm cho các môn đệ biết. Kiểu nói “làm cho biết tất cả” này đã tóm kết toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su. Không chỉ mặc khải bằng lời nói, Đức Giê-su “làm cho các môn đệ biết” bằng chính cuộc đời của Người. Lời nói, giáo huấn, tranh luận, hành động, các dấu lạ và cách ứng xử của Đức Giê-su là cách thức Người “làm cho các môn đệ biết”. Người làm cho biết Chúa Cha, biết Đức Giê-su và biết con người phải làm gì để có sự sống đời đời. Xem phân tích Ga 15,15 trong Tình yêu và tình bạn trong Ga 15,9-17.

(2) Trong cụm từ “làm cho anh em biết” không phải là có hai động từ “làm” và “biết” mà chỉ có một động từ: “làm cho biết” (gnôrizô). Động từ này liên hệ với hai động từ Hy Lạp khác có nghĩa là “biết”: ginôskô và oida. Động từ “làm cho biết” (gnôrizô) chỉ xuất hiện 3 lần trong Tin Mừng Gio-an (15,15; 17,26a.26b) nhưng diễn tả ý tưởng thần học quan trọng. Thực vậy, Đức Giê-su đã làm cho các môn đệ biết tất cả những gì Người nghe nơi Cha của Người, nghĩa là vào cuối sứ vụ công khai, Đức Giê-su đã trao ban tất cả mặc khải cho các môn đệ, Người đã hoàn thành sứ vụ Cha giao phó (15,15). Tuy nhiên, sứ vụ “làm cho biết” này chưa kết thúc, vì trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người như sau: “Con đã làm cho họ biết (egnôrisa) danh của Cha, và Con sẽ còn làm cho họ biết (gnôrisô), để tình yêu mà Cha đã yêu mến Con ở trong họ và Con trong họ.” Như thế, sau khi Đức Giê-su về với Cha, Người vẫn tiếp tục làm cho các môn đệ biết, vẫn tiếp tục dạy các môn đệ qua Đấng Pa-rác-lê như Người đã nói với các môn đệ ở 14,26: “Đấng Pa-rác-lê (paraklêtos) sẽ dạy anh em tất cả và sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì [chính] Thầy đã nói với anh em.” Xem vai trò của Đấng Pa-rác-lê Thần khí sự thật trongTin Mừng thứ tư.
 
Ngày 13 tháng 11 năm 2011. 
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
  

11/11/2011

List of articles on the Holy Land

List of articles on the Synoptic Gospels


- Relationships between the Synoptic Gospels.
- Mk 10:17-31. Leaving everything to receive a hundredfold.
- Lk 11:37-41. Inside and Outside Cleanliness.
- Lk 12:10. Against the Son of Man and against the Holy Spirit.



List of articles on the Gospel of John

Liste des articles sur l’archéologie de la Terre Sainte



- Le système d’eau lié à la source de Gihôn et à la piscine de Siloé.

- Le systèe d’eau de la Cité de David, Jérusalem (Le système de Warren).

- Le canal des Cananéens (le canal II) et le tunnel d’Ézéchias (le tunnel VIII) de la Cité de David, Jérusalem.

- Les piscines de Siloé, l’esplanade de la grande piscine, la rue en escalier et le canal de drainage de la Cité de David.


Liste des articles sur les Épîtres de Jean

Hình ảnh Ein Avdat, Negev, Israel


Để ghi nhớ khoảng khắc có một không hai trong dòng chảy thời gian: 11 giờ, 11 phút, 11 giây, ngày 11, tháng 11, năm 2011, thế kỷ 21,
xin mời độc giả viếng thăm thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ
của vùng đất khai sinh Do Thái giáo và Ki-tô giáo 
qua một số hình ảnh về Ein Avdat, 
trong hoang mạc Negev, Israel ngày nay. 

Hình số 01 và số 02 lấy trong Google Maps. 
Các hình số 03, 14, 15 lấy trên Internet, 
trong đó hình 14 và 15 minh hoạ thác nước sau khi xảy ra mưa lớn. 
16 tấm hình còn lại chụp ngày 24 tháng 10 năm 2007
trong chuyến du khảo của các sinh viên 
trường Kinh Thánh và Khảo Cổ của Pháp tại Giê-ru-sa-lem
(l’École Biblique et Archéologique Française à Jérusalem).




01. Vị trí địa danh Ein Avdat, Negev, tại Israel


02. Ein Avdat, Negev nhìn từ trên không (Google Maps)


03. Ein Avdat, Negev nhìn từ xa


04. Đường vào Ein Avdat


05. Dòng suối giữa hẻm núi Avdat, 
xem bìa cuốn sách: Phân tích THUẬT CHUYỆN và CẤU TRÚC


06. Thực vật giữa hẻm núi Avdat


07. Thực vật giữa hẻm núi Avdat


08. Thực vật giữa hẻm núi Avdat và hai sinh viên


09. Thực vật giữa hẻm núi Avdat


10. Dòng thác giữa hẻm núi Avdat vào tháng 10


11. Dòng thác giữa hẻm núi Avdat


 12. Phía trên thác nước 


13. Phía trên thác nước, 
xem bìa trước cuốn sách: Cú pháp Hy Lạp Tân Ước


 14. Thác nước sau cơn mưa lớn


 15. Thác nước sau cơn mưa lớn


16. Cây cỏ cạnh dòng suối


 17. Sơn dương sống trong hẻm núi, 
xem bìa sau cuốn sách: Cú pháp Hy Lạp Tân Ước


18. Sơn dương sống trong hẻm núi


 19. Hẻm núi Avdat nhìn từ phía trên


 20. Hẻm núi Avdat nhìn từ phía trên


 21. Hẻm núi Avdat nhìn từ phía trên 


Hành trình khoảng 4-5 giờ đi bộ dọc theo hẻm núi, sau đó leo dốc thẳng đứng để lên phía trên và ra khỏi Ein Avdat.



Ngày 11 tháng 11 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P. 
email: josleminhthong@gmail.com



09/11/2011

Tìm hiểu Tin Mừng Mát-thêu




Bài viết theo đoạn văn và theo đề tài




Các bài viết khác: 
Phương pháp và kỹ thuật hành văn trong Kinh Thánh 
Tin Mừng Gio-an - Tin Mừng Mác-cô - Tin Mừng Mát-thêu 
Tin Mừng Lu-ca - Ba thư Gio-an - Sách Khải Huyền

Tìm hiểu Tin Mừng Lu-ca



Bài viết theo đoạn văn và theo đề tài

Theo đoạn văn


Thanh tẩy bên trong và bên ngoài (Lc 11,37-41)

Tìm hiểu Đất Thánh