22/04/2020

Ga 4,3-26. Địa danh: Sa-ma-ri, Gơ-ri-dim, giếng Gia-cóp, Xy-kha




Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 22 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Vùng đất Sa-ma-ri và thành Sa-ma-ri
    1. Ba miền Giu-đê, Sa-ma-ri, Ga-li-
    2. Thành Sa-ma-ri (Xê-bát-tê)
II. Nơi chốn cuộc gặp gỡ và mặc khải
    1. Xy-kha (Sychar), Askar, Si-khem (Shechem)
    2. Giếng Gia-cóp
    3. Núi Gơ-ri-dim (Gerizim) và núi Ê-van (Ebal)
Kết luận
    Thư mục



Dẫn nhập

Bài viết này bàn đến các tên riêng và địa danh trong Kinh Thánh cũng như một số tên riêng và địa danh ngoài bản văn Kinh Thánh. Phiên âm tên riêng trong Kinh Thánh theo NPD/CGKPV, Kinh Thánh, ấn bản 2011; một số tên riêng và địa danh ngoài Kinh Thánh được viết theo tiếng Anh.

Trình thuật Đức Giê-su gặp gỡ và đối thoại với người phụ nữ  Sa-ma-ri (4,3-26) nói đến nhiều địa danh như ba miền. Giu-đê, Sa-ma-ri và Ga-li-lê ở 4,3-4: “3 Người (Đức Giê-su) rời bỏ Giu-đê và lại đi đến Ga-li-lê. 4 Nhưng Người phải băng qua Sa-ma-ri.” (Xem Bản văn Gio-an,Tin Mừng và Ba thư). Những địa danh này ở đâu? Nơi Đức Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri được mô tả ở 4,5-6a: “5 Vậy Người (Đức Giê-su) đến một thành Sa-ma-ri, gọi là Xy-kha, gần thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se, con của ông ấy. 6a Ở đó có giếng Gia-cóp.” Một địa danh khác được nhắc tới ở cuối phần đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri. Chị ấy nói với Đức Giê-su ở 4,20: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng ở núi này; còn các ông, các ông nói rằng: ở Giê-ru-sa-lem mới là nơi phải thờ phượng.” “Núi này” là núi nào? Đức Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri tại giếng Gia-cóp, gần chân núi Gơ-ri-dim. Trên núi này đã từng có đền thờ của người Sa-ma-ri. Vì thế, “núi này” ở 4,20 là núi Gơ-ri-dim, ở ngay trước mắt chị. Những địa danh trên được tìm hiểu qua hai mục: (I) vùng đất Sa-ma-ri và thành Sa-ma-ri; (II) nơi chốn cuộc gặp gỡ và mặc khải.

I. Vùng đất Sa-ma-ri và thành Sa-ma-ri

Phần này trình bày hai điểm: (1) ba miền Giu-đê, Sa-ma-ri, Ga-li-lê; (2) thành Sa-ma-ri (Xê-bát-tê).

    1. Ba miền Giu-đê, Sa-ma-ri, Ga-li-

Bản đồ vùng đất Pa-lét-tin thời Đức Giê-su dưới đây giúp nhận dạng các vùng đất Giu-đê, Sa-ma-ri và Ga-li-lê:

 Bản đồ từ History Online

Vào thời Đức Giê-su, vùng đất Pa-lét-tin chia thành ba miền: Miền Nam là Giu-đê, miền Trung là Sa-ma-ri và miền Bắc là Ga-li-lê (xem bản đồ). Khi Đức Giê-su thi hành sứ vụ, miền Giu-đê và Sa-ma-ri là một tỉnh của đế quốc Rô-ma. Miền Ga-li-lê và Pe-rê thuộc quyền tiểu vương Hê-rô-đê An-ti-pa (năm 4 TCN – 39 SCN). Vùng Tra-khô-nít (Gaulanitis) thuộc quyền tiểu vương Hê-rô-đê Phi-líp-phê II (năm 4 TCN – 34 SCN). Lãnh thổ Thập Tỉnh (Decapolis), tiếng Hy-lạp có nghĩa là mười (deca) thành (polis). Decapolis là nhóm 10 thành ở về biên giới phía Đông của đế quốc Rô-ma, tiếp nối vùng đất Giu-đê và Xy-ri. Quy chế chính trị của Thập Tỉnh vào thời đó là tự trị (autonomous cities).

    2. Thành Sa-ma-ri (Xê-bát-tê)

Người thuật chuyện cho độc giả biết ở 4,3-4: “3 Người (Đức Giê-su) rời bỏ Giu-đê và lại đi đến Ga-li-lê. 4 Nhưng Người phải băng qua Sa-ma-ri.” Trong câu này, tên gọi “Sa-ma-ri” không phải là thành Sa-ma-ri mà là vùng đất Sa-ma-ri (miền Trung). Đã từng có một thành Sa-ma-ri hùng mạnh, là thủ đô của Vương quốc Ít-ra-en. Thủ đô Sa-ma-ri do vua Om-ri (khoảng 885-874 TCN) thiết lập và kéo dài cho đến khi thành Sa-ma-ri bị Sargon II chiếm vào năm 721 TCN và vương quốc Ít-ra-en bị sụp đổ.

Đến thời đế quốc Hy-lạp, thành Sa-ma-ri bị Alexander đại đế đánh chiếm năm 331 TCN. Đến khoảng năm 108 TCN, thành Sa-ma-ri lại bị John Hyrcan tàn phá (cf. Josephus Ant. 13:275-281). Dưới thời đế quốc Rô-ma, Pompey xây dựng lại thành Sa-ma-ri khoảng năm 63 TCN. Đến năm 27 TCN, hoàng đế Augustus Caesar cho vua Hê-rô-đê Cả (Herod the Great) thành này, vua Hê-rô-đê Cả mở rộng và xây dựng lại thành Sa-ma-ri rồi đặt lại tên thành là Xê-bát-tê (Sebaste), tiếng Hy-lạp có nghĩa là “Augustus”, để tôn vinh hoàng đế. Vì thế, vị trí thành Xê-bát-tê trong bản đồ trên đây là thành Sa-ma-ri trong bản đồ Sa-ma-ri cổ dưới đây.

Thành Sa-ma-ri (Xê-bát-tê) để lại nhiều di tích khảo cổ quan trọng. Những khai quật cho thấy vị trí thành Sa-ma-ri đã tìm thấy dấu vết của sáu nền văn hoá, trải qua sáu thời đại khác nhau (Canaanite, Israelite, Hellenistic, Herodian, Roman, Byzantine). 

II. Nơi chốn cuộc gặp gỡ và mặc khải

Đức Giê-su phải băng qua Sa-ma-ri (4,4), nhưng đâu là nơi Đức Giê-su gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri? Phần này trình bày ba điểm: (1) Xy-kha (Sychar), Askar, Si-khem (Shechem); (2) giếng Gia-cóp; (3) núi Gơ-ri-dim (Gerizim) và núi Ê-van (Ebal).

    1. Xy-kha (Sychar), Askar, Si-khem (Shechem)

Ở giữa miền đất Sa-ma-ri (xem bản đồ dưới đây), có ghi các địa danh: Askar, Shechem (Si-khem), Nablus, núi Ebal (Ê-van) và núi Gerizim (Gơ-ri-dim), vậy thành Xy-kha và giếng Gia-cóp ở đâu?

Bản đồ vùng Samari cổ

Bản đồ từ History Online

Thành Xy-kha được người thuật chuyện mô tả ở Ga 4,5-6a: “5 Vậy Người (Đức Giê-su) đến một thành Sa-ma-ri, gọi là Xy-kha, gần thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se, con của ông ấy. 6a Ở đó có giếng Gia-cóp.” Thánh Giê-rô-ni-mô đồng hoá thành Xy-kha với thành Si-khem. Người ta cũng tìm thấy trong thủ bản Syriac thay vì viết Xy-kha thì viết Si-khem, nhưng có thể người sao chép bản văn (copyist) đã sửa Xy-kha thành Si-khem. Đa số tuyệt đối các thủ bản viết Xy-kha. Câu hỏi đặt ra là thành Xy-kha ở đâu?

Mô tả ở Ga 4,5-6a trên đây gợi về trình thuật trong sách Sáng thế ở St 33,18-20: “18 Khi ở Pát-đan A-ram về, ông Gia-cóp đến thành Si-khem, trong đất Ca-na-an, bình an vô sự, và ông cắm trại đối diện với thành. 19 Ông tậu của con cái ông Kha-mo, cha của Si-khem, một thửa đất, nơi ông đã căng lều, với giá một trăm đồng bạc. 20 Tại đây, ông dựng một bàn thờ mà ông gọi là ‘Ên, Thiên Chúa của Ít-ra-en.’” Đoạn văn nói về Si-khem chứ không nói đến thành Xy-kha. Trong toàn bộ Kinh Thánh, địa danh Xy-kha chỉ được nói đến một lần ở Ga 4,5. Vì thế, một số tác giả muốn đồng hoá thành Xy-kha với thành cổ Si-khem. Tuy nhiên, đa số các nhà khảo cổ ngày nay đồng hoá thành Xy-kha với Askar (xem bản đồ trên), một làng nhỏ hiện nay ở gần Si-khem.

Theo Tin Mừng, hai tiêu chuẩn để xác định thành Xy-kha: (1) gần thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se (4,5b) và (2) không xa giếng Gia-cóp (4,6a). Một số nhà chuyên môn đồng hoá Xy-kha với thành cổ Si-khem, vì kết quả khảo cổ cho thấy thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se ở bên cạnh những di tích thành Si-khem cổ, thành này gần với khu vực ngày nay gọi là Balata (xem B.E. Schein, Following the Way, 1980, p. 205).

Tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn cho rằng: Thành Xy-kha nói đến trong Ga 4,5 là làng Askar. R. Schnackenburg viết: “Địa danh mà tác giả Tin Mừng gọi là Xy-kha (hay Sichar) được đa số đồng hoá với làng Askar ngày nay, đó là một ngôi làng nhỏ cách giếng Gia-cóp hơn nửa dặm (hơn 800 mét) theo hướng Đông - Bắc.” (R. Schnackenburg, The Gospel, vol. I, p. 423). Ga 4,5 gọi Xy-kha bằng từ Hy-lạp “polis” có nghĩa là “thành” hay ít ra cũng là một “thị trấn”. Những khảo cổ ở khu vực Balata ngày nay cho thấy vết tích thành Si-khem cổ, nhưng không biết rõ khi nào ngôi làng mới được thành lập. Bởi vì thành Si-khem cổ bị John Hyrcan tàn phá năm 128 TCN. Thành phố mới Flavia Neapolis (cách thành Si-khem cổ khoảng 2,5 km) chưa xuất hiện vào thời Đức Giê-su (30-33 SCN). Bởi vì Flavia Neapolis được hoàng đế Vespasian xây dựng năm 72 SCN. Ngày nay thành phố này có tên gọi Nablus.

Trên bản đồ dưới đây cho thấy khoảng cách giữa thành Xy-kha và giếng Gia-cóp:

Hình từ http://bibleatlas.org/sychar.htm

Làng Askar ngày nay gần chân núi Ê-van, phía Đông – Bắc giếng Gia-cóp. Mảnh đất gần làng Askar được cho là thửa đất mà Gia-cóp đã cho Giu-se (Ga 4,5b). Cho dù làng Askar xuất hiện vào thời người Ả rập chiếm vùng đất Pa-lét-tin, nhưng có thể làng Askar được xây dựng trên thành cổ Xy-kha.

Tóm lại, dựa trên kết quả khảo cổ, địa danh thành Xy-kha có thể định vị tại làng Askar ngày nay. Xy-kha là một thị trấn của người Sa-ma-ri, dưới chân núi Ê-van gần giếng Gia-cóp. Có thể đã có một cộng đoàn Kitô hữu ở Xy-kha vào lúc Tin Mừng Gio-an được biên soạn cuối thế kỷ I SCN.

    2. Giếng Gia-cóp

“Giếng Gia-cóp vẫn còn đó cho đến ngày nay, nơi đã được khách hành hương trước đây nói tới. Giếng này chắc chắn là xác thực cho dù không được nói đến trong Cựu Ước.” (R. Schnackenburg, The Gospel, vol. I, p. 424).

Đây là hình chụp giếng Gia-cóp vào năm 1894:

Hình từ http://hitch.south.cx

Giám mục John H. Vincent giải thích tấm hình này trong “Earthly Footsteps of the Man of Galilee”, khi viếng thăm giếng năm 1894: “Giếng Gia-cóp hiện nay thuộc về một nhà thờ Hy-lạp (…). Giếng này sâu 22,8 mét (75 feet), bề rộng là 2,30 mét (7 feet, 6 inches). Đường kính mặt bằng giếng là 5,3 mét (17,5 feet). Một tầng hầm mái vòm bao phủ trên giếng, có chiều dài 6 mét (20 feet), chiều rộng 3 mét (10 feet) và chiều cao 1,8 mét (6 feet). Những tảng đá cẩm thạch bị vỡ ở phía trước tấm hình thuộc về một số nhà thờ cổ xưa.” (http://hitch.south.cx/biblesidenotes-e20%20Jacobs%20Well.htm).

Hội Thánh Chính Thống Hy-lạp đã mua khu đất đổ nát của nhà thờ trên và đã khởi công xây dựng một nhà thờ mới từ trước Thế Chiến thứ nhất, nhưng khi mới chỉ xây được một phần của những bức tường phía ngoài thì đã phải ngưng vì chiến tranh.

Dưới đây là tấm hình chụp năm 1999. Công việc xây dựng nhà thờ đang được xúc tiến:

Hình chụp tháng 11/1999, từ http://welcometohosanna.com

Sau hơn 80 năm dang dở, nhà thờ đã được hoàn tất năm 2007. Đây là nhà thờ thánh Photina, thuộc Hội Thánh Chính Thống Giáo Hy-lạp: 

Hình từ http://welcometohosanna.com

Hình của ssiatravani

Hình của Lê Minh Thông, 03/2016

Bên trong nhà thờ thánh Photina:

Hình chụp năm 2009 của Ferrell Jenkins

Đây là giếng Giacóp ở dưới tầng hầm (crypt) nhà thờ:

Hình chụp từ post card

Hình của Lê Minh Thông, 01/2016

Đây là miệng giếng Giacóp:

Hình của Lê Minh Thông, 01/2016

Giếng thì không thể di chuyển đi nơi khác được, nên có thể xác định đây là nơi Đức Giê-su vất vả vì đi đường nên ngồi xuống bờ giếng. Nơi Người đã gặp gỡ và mặc khải cho người phụ nữ Sa-ma-ri biết Người là ai. Đúng như người phụ nữ đã nói với Đức Giê-su: “Thưa Ông, Ông không có gầu và giếng lại sâu…” (Ga 4,11). Giếng sâu hơn 21 mét. Ngày nay, vẫn có nước mát và có thể uống được (P. Walker, In the Steps of Jesus, 2006, p. 87-88). Vào thời Đức Giê-su, giếng có thể sâu hơn. Các truyền thống Do Thái giáo, Sa-ma-ri, Ki-tô giáo và Hồi giáo đều liên kết giếng này với tổ phụ Gia-cóp. 

    3. Núi Gơ-ri-dim (Gerizim) và núi Ê-van (Ebal)

Núi Gơ-ri-dim bên phải và núi Ê-van bên trái trong hình dưới đây:

 Hình từ BiblePlaces.com

Núi Gơ-ri-dim thuộc vùng đồi núi Sa-ma-ri, núi này cao khoảng 868 mét so với mực nước biển Địa Trung Hải và cao 244 mét tính từ chân núi. Núi Ê-van bên cạnh, cao 938 mét so với mực nước biển Địa Trung Hải và cao 366 mét tính từ chân núi (xem chi tiết tại http://bibleatlas.org và http://classic.net.bible.org). Giữa hai núi Gơ-ri-dim và Ê-van là vùng đất thành Si-khem cổ (ngày nay là thành Nablus). Xy-kha (Askar) ở chân núi Ê-van, phía Nam Xy-kha là giếng Gia-cóp theo hướng núi Gơ-ri-dim.

Theo sử gia Josephus, Sanballat là thủ lãnh người Sa-ma-ri đã xây một đền thờ trên núi Gơ-ri-dim, và thiết lập hàng tư tế đối lập với đền thờ và tư tế ở Giê-ru-sa-lem, (xem Josephus Ant. 11:8,2-4). Căng thẳng về tôn giáo giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri đã dẫn đến biến cố John Hyrcan phá huỷ đền thờ trên núi Gơ-ri-dim vào cuối thế kỷ II TCN. Trước đó đền thờ Gơ-ri-dim đã tồn tại 200 năm. Vào thời kỳ Ki-tô giáo được đế quốc Rô-ma nhìn nhận và phát triển trên toàn đế quốc, một nhà thờ Ki-tô giáo hình bát giác (octagonal church) được xây dựng trên núi Gơ-ri-dim vào năm 475 SCN. Sau đó nhà thờ này bị người Hồi Giáo phá huỷ vào thế kỷ VIII, (xem P. Walker, In the Steps of Jesus, 2006, p. 89). Đây là di tích nhà thờ Kitô giáo trên núi Gơ-ri-dim ngày nay:

Hình của Ron Peled

Hình từ Illustrated Dictionary

Vào thời Giô-suê núi Gơ-ri-dim và núi Ê-van là nơi ông đọc những lời chúc phúc và lời nguyền rủa trong sách Luật cho dân nghe. Sách Giô-suê kể ở Gs 8,30-35: “30 Bấy giờ, ông Giô-suê dựng bàn thờ kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, trên núi Ê-van, 31 theo lệnh ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, đã truyền cho con cái Ít-ra-en, như đã chép trong Sách Luật Mô-sê: đó là một bàn thờ bằng đá nguyên vẹn, chưa có đồ sắt chạm tới. Trên đó, người ta dâng lễ toàn thiêu kính ĐỨC CHÚA và dâng lễ kỳ an. 32 Ông Giô-suê cho khắc bản sao Luật Mô-sê trên những tảng đá; ông Mô-sê đã viết Luật đó trước mặt con cái Ít-ra-en. 33 Toàn thể Ít-ra-en, các bậc kỳ mục, kinh sư và thẩm phán đều đứng hai bên Hòm Bia, đối diện với các tư tế Lê-vi khiêng Hòm Bia Giao Ước của ĐỨC CHÚA, người ngoại kiều cũng như người bản xứ, một nửa đứng trước núi Gơ-ri-dim, một nửa đứng trước núi Ê-van, để theo lệnh ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, dân Ít-ra-en được chúc phúc trước. 34 Sau đó, ông Giô-suê đọc mọi lời của Lề Luật, –những lời chúc phúc và những lời nguyền rủa–, theo như mọi điều đã ghi trong Sách Luật. 35 Không có lời nào ông Mô-sê đã truyền viết ra, mà ông Giô-suê lại không đọc trước mặt toàn thể cộng đồng Ít-ra-en, gồm cả đàn bà, trẻ con và ngoại kiều cùng đi chung với họ.”

Vào thời Đức Giê-su, núi Gơ-ri-dim gần giếng Gia-cóp, là nơi Người gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri. Núi Gơ-ri-dim chính là “núi này” trong lời người phụ nữ nói với Đức Giê-su ở Ga 4,20: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng ở núi này…” 

Kết luận

Bối cảnh lịch sử đoạn văn Ga 4,3-26 liên quan đến một số địa danh ở Đất Thánh: các vùng đất Giu-đê, Sa-ma-ri, Ga-li-lê, thành Xy-kha, giếng Gia-cóp, “núi này” (núi Gơ-ri-dim). Câu chuyện Đức Giê-su ở Sa-ma-ri kéo dài đến câu 4,42, trình bày  hai cuộc gặp gỡ: (1) Đức Giê-su đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri (4,7-26); (2) Người ở lại với dân thành Xy-kha hai ngày (4,37-42). Một số thông tin về nơi chốn trong dòng lịch sử, từ Cựu Ước đến Tân Ước và cho đến ngày nay, giúp độc giả hiểu rõ hơn thông điệp của câu chuyện: “ở đâu” và “bằng cách nào” Đức Giê-su đã thực hiện sứ vụ nơi những người Sa-ma-ri. 

Thời đó, Sa-ma-ri là vùng đất ngoài lãnh thổ Do Thái giáo, người Sa-ma-ri bị người Do Thái xem như là người ngoại. Đối thoại giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri xảy ra với nhiều điểm khác biệt: về niềm tin (Do Thái – Sa-ma-ri), về phái tính (nam – nữ), về nơi thờ phượng (Giê-ru-sa-lem – Gơ-ri-dim), nhưng mặc khải của Đức Giê-su đã giải thoát dân thành Xy-kha khỏi tất cả những rào cản trên nhờ sự thờ phượng đích thực. Trước hết sự thờ phượng này không lệ thuộc nơi chốn như Người nói với người phụ nữ ở 4,21: “Hãy tin Tôi, giờ đến, không phải ở trên núi này cũng chẳng phải ở Giê-ru-sa-lem, các người sẽ thờ phượng Cha”; rồi Người cho biết ở 4,23a: “Nhưng giờ đến – và là bây giờ –, khi mà những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong thần khí và sự thật.”

Việc thờ phượng dựa trên nơi chốn, vừa bị giới hạn trong không gian và thời gian, vừa có nguy cơ dẫn đến tranh chấp, xung đột. Sự thờ phượng đích thực không lệ thuộc nơi chốn nhưng đặt nền tảng trên cách thức: “thờ phượng trong Thần Khí và sự thật”. Nói cách khác, người Ki-tô hữu hiện diện bất cứ ở đâu, thì ở đó là nơi thờ phượng đích thực. Điểm độc đáo là Đức Giê-su làm cho cả thế giới thành nơi thờ phượng đích thực.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri diễn ra ở một nơi cụ thể. Nhưng trình thuật mời gọi độc giả sống trình thuật này. Nghĩa là làm cho những cuộc gặp gỡ hằng ngày của độc giả đi theo kiểu gặp gỡ bên bờ giếng Gia-cóp năm xưa, đó là cuộc gặp gỡ có khả năng giải thoát con người khỏi mọi hình thức ngăn cách (niềm tin, giới tính, nơi thờ phượng) và cùng nhau nhận ra Đức Giê-su là Đấng cứu độ thế gian (4,42)./.

    Thư mục
Keener, Craig S., The Gospel of John. A Commentary, vol. I and II, Peabody (MA), Hendrickson Publishers, 2003, 1636 p.
Revised Standard Version - Second Catholic Edition, 2006 (RSV-SCE).
Schein, Bruce E., Following the Way, the setting of John’s Gospel, Minneapolis (MN), Augsburg Publishing House, 1980.
Schnackenburg, Rudolf, The Gospel According to St. John, vol. I: Introduction and Commentary on Chapter 1–4, New York, The Crossroad Publishing Company, (1965), 1987, 638 p. (Orig. Das Johannesevangelium, 1965).
Walker, Peter, In the Steps of Jesus, an Illustrated Guide to the Places of the Holy Land, Oxford, Lion Hudson, 2006. 
Wigoder, Geoffrey, (Ed.), The Illustrated Dictionary & Concordance of the Bible, New York (NY), Sterling Publishing, 2005.

Tài liệu Internet:
Bible Encyclopedia: http://christiananswers.net/dictionary/
Bible History: http://www.bible-history.com/maps/
Bible Places: http://bibleplaces.com/
Bible Study Tools: http://www.biblestudytools.com/
Biblos: http://biblos.com/
Catholic Encyclopedia: http://www.newadvent.org/cathen/
Christian Answers: http://christiananswers.net/
Holy Land Photos: http://www.holylandphotos.org/
Life in the Holy Land: http://www.lifeintheholyland.com/
NET BIBLE: http://classic.net.bible.org/home.php



3 nhận xét:

  1. Cha Thông kính mến,
    Con đã đọc bài chia sẻ của cha, bài viết rất hay, bố cục rõ ràng và nhiều ý nghĩa kèm thêm những hình ảnh minh hoạ. Con cũng cảm ơn Chúa với cha về những hồng ân Chúa đã ban cho cha cách riêng. Con tin chắc rằng, với phương pháp trình bày này sẽ giúp cho nhiều người hiểu mỗi ngày càng sâu sắc hơn Tin Mừng của Chúa.
    Cầu chúc cha luôn bình an, mạnh khoẻ và tràn đầy ơn Chúa để cha luôn là nhà truyền giáo bằng chính sự hiểu biết của mình và nhiều người sẽ đón nhận ơn Đức Tin.
    Sr. Nghiên OP.

    Trả lờiXóa
  2. Thiên Chúa là tốt lành ban hồng ân của Ngài cho cha Thông, ngày như mọi ngày.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh16:13 29/4/24

    CON KÍNH CHÀO CHA. ĐỌC BÀI VIẾT NÀY CON THẤY RẤT NGẠC NHIÊN. SỰ NGẠC NHIÊN NẰM Ở PHẦN KẾT LUẬN. THOẠT ĐẦU, NGƯỜI ĐỌC CÓ THỂ THẤY HƠI "CHÁN CHÁN" VÌ TOÀN NÓI CHUYỆN "CỔ VÀ KHÔNG THẤY ẢNH HƯỞNG ĐẾN NIỀM TIN". TUY NHIÊN, CÁI KẾT LÀM NGƯỜI ĐỌC NGỠ NGÀNG VÌ Ý NGHĨA CỦA NHỮNG PHÂN TÍCH TRÊN RẤT TUYỆT VỜI. SỰ THỜ PHƯỢNG KHÔNG CÒN PHỤ THUỘC VÀO NƠI CHỐN NỮA, MỌI NƠI ĐỀU LÀ NƠI THỜ PHƯỢNG KHI ĐẶT MÌNH TRONG SỰ THẬT VÀ THẦN KHÍ. NÓI CHO CÙNG, BÀI VIẾT TUYỆT QUÁ. CON CẢM ƠN CHA.

    Trả lờiXóa