Bài viết tiếng Pháp:
Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 14 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
I. Bản văn Ga 1,1-18, cấu trúc và từ ngữ
1. Bản văn Ga 1,1-18
2. Cấu trúc lời tựa
3. Giới
từ, động từ diễn tả tương quan (1,1-2.14.18)
II. Phân tích 1,14
1. Danh từ
“Lời” (Logos)
2. Sarx, skênoô, doxa của Lời làm người
(1,14a)
3. Thấy vinh quang
(1,14b)
III. Phân tích 1,18
1. “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (1,18a)
2. “Kể” về Thiên Chúa cho độc
giả (1,18c)
Kết luận
Dẫn nhập
Lời tựa sách Tin Mừng Gio-an (1,1-18)
dẫn vào nội dung Tin Mừng và cho độc giả biết nên đọc Tin Mừng theo hướng nào. Ngược
lại nội dung Tin Mừng giúp hiểu lời tựa. Lời tựa và nội dung Tin Mừng soi sáng lẫn
nhau. Lời tựa cho độc giả biết các đề tài chính yếu và mục đích của Tin Mừng. Bài
viết tìm hiểu một số đề tài liên quan đến hai động từ “thấy” và “nghe”. Lời Nhập Thể trở thành đối tượng để thấy như tác giả khẳng định ở 1,14b: “Chúng tôi đã thấy vinh quang
của Người (Lời làm người).” Lời là Con Một Thiên Chúa “kể”
(1,18c) cho độc giả nghe về Người và về Thiên Chúa, nên độc giả cần biết cách nghe
để hiểu sứ điệp của Tin Mừng. Đề tài “thấy và nghe Lời Nhập Thể” được trình bày
qua ba mục: (I) Bản văn Ga 1,1-18, cấu trúc và từ ngữ; (II) phân tích 1,14;
(III) phân tích 1,18.
I. Bản văn Ga 1,1-18, cấu trúc và từ ngữ
Mục này trình bày ba điểm: (1) bản văn lời tựa (Ga 1,1-18); (2) cấu trúc lời tựa; (3) giới từ, động từ diễn
tả tương quan.
1. Bản văn Ga 1,1-18
Lời tựa Tin Mừng Gio-an được tác giả trình bày trong đoạn văn 1,1-18,
trong các câu 1,6-8.15 nói về Gio-an Tẩy Giả:
1,1 Lời (Logos)
có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. 2 Người ở với
Thiên Chúa lúc khởi đầu. 3 Nhờ Người, mọi sự được tạo thành, và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự
sống, và sự sống là ánh sáng cho loài người, 5 và ánh sáng chiếu soi trong bóng
tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng.
6 Có một người
được Thiên Chúa sai đến, tên ông là Gio-an. 7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm
chứng về ánh sáng, để nhờ ông ấy, mọi người tin. 8 Ông ấy không phải là ánh
sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng.
9 Người là ánh
sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế
gian. 10 Người ở trong thế gian, nhờ Người thế gian được tạo thành và thế gian đã không nhận biết
Người. 11 Người đã đến nhà mình,
và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người. 12 Nhưng
những ai đón nhận Người, Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ là những người tin vào danh của Người. 13
Họ được sinh ra không bởi khí huyết, cũng không bởi ước muốn của người phàm, cũng
không bởi ước muốn của đàn ông, nhưng
bởi Thiên Chúa.
14 Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ
giữa chúng tôi, và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người, vinh quang bên Cha
như là Con Một, đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Gio-an làm chứng về Người, ông ấy hô
lên rằng: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng vượt trước tôi,
vì Người có trước tôi.”
16 Từ sự sung mãn của Người, tất cả chúng
tôi đã lãnh nhận ân sủng này đến ân sủng khác. 17 Vì
Lề Luật đã được ban nhờ Mô-sê, ân sủng và sự thật đã có nhờ Đức Giê-su Ki-tô. 18 Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ;
Con Một Thiên Chúa là Đấng hằng ở nơi cung lòng Cha, chính Đấng ấy đã kể cho chúng ta. (Xem Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ).
2.
Cấu trúc lời tựa
Lời tựa Tin Mừng có lối hành văn đặc biệt. Các
ý tưởng thường được triển khai bằng cách lấy lại từ trong câu trước để trình
bày ý tưởng mới. Như những đợt sóng biển lúc thuỷ triều đang lên, từ ngữ được
lặp lại nhưng ý tưởng được triển khai theo hướng mới. Đoạn văn lời tựa (1,1-18)
cấu trúc thành hai phần: 1,1-13 và 1,14-18, dựa trên sự xuất hiện 4 lần từ “Lời”
(Logos) trong lời tựa: 3 lần ở 1,1; 1 lần ở 1,14. Từ “Lời” xuất hiện ở
1,14 đánh dấu phần mới trong lời tựa. Trong phần thứ nhất (1,1-13) có ba dấu hiệu
về sự hiện diện của Lời trong thế gian: (a) lời
chứng của Gio-an Tẩy Giả (1,6-8); (b) Lời đến thế gian và chiếu soi mọi người (1,9); (c) kiểu nói: đón
nhận và tin vào Danh Người (1,12) có nghĩa đón nhận và tin vào Đức Giê-su trong
Tin Mừng. Vậy trong phần 1,1-13, “Lời”
đã hiện diện trong
trần gian, hoạt động của Lời là sứ vụ của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Điều này
không mâu thuẫn với khẳng định “Lời”
thành xác phàm ở
1,14. Vì mỗi phần của lời tựa trình bày những đề tài khác nhau liên quan đến Đức
Giê-su.
Phần thứ nhất (1,1-13)
giới thiệu niềm tin của Ki-tô hữu trong toàn bộ lịch sử cứu độ, từ khởi đầu cho
đến ngày kết thúc lịch sử. Nội dung 1,1-13 là lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su
Ki-tô là “Lời”, đã hiện hữu từ khởi đầu, Lời ở với Thiên Chúa và Lời
là Thiên Chúa (1,1). Lời ấy đã đến thế gian và chiếu soi thế gian. Đối diện với
Lời, có người đón nhận, có người không đón nhận Lời (1,11-13). Phần thứ hai
(1,14-18) bắt đầu với 1,14a: “Lời đã trở thành xác phàm (người phàm).” Phần này trình bày cụ thể vai trò và hoạt
động của Đức Giê-su trong lịch sử. Câu kết lời tựa dẫn vào nội dung Tin Mừng: “Chính Đấng ấy (Con Một Thiên Chúa) đã kể cho chúng ta” (1,18c). Chính “Lời làm người” (1,14a) sẽ kể cho độc
giả nghe về Cha và về ý định của Thiên Chúa (1,18) trong sách Tin Mừng.
Tóm lại phần thứ nhất
lời tựa (1,1-13) dẫn nhập tổng quát (tuyên xưng niềm tin); phần thứ hai (1,14-18)
dẫn vào nội dung Tin Mừng (sứ vụ của Đức Giê-su). Hai phần này liên kết với
nhau qua cấu trúc đồng tâm như sau:
Hai yếu tố trung tâm F và F’ song song về ý
tưởng “không đón nhận” (F. 1,10-11) và “đón nhận” (F’. 1,12-13) Lời. Đây là đối lập giữa “không tin” và “tin”; giữa “bước đi trong bóng tối”
và “bước đi trong ánh sáng”. Nội dung Tin Mừng trình bày sự đối lập này như một
vụ kiện giữa “Ánh Sáng” (Thiên Chúa, Đức Giê-su và các môn đệ) và “Bóng tối”
(Xa-tan, quỷ và những kẻ chống đối). Nội dung lời tựa Tin Mừng Gio-an có nguồn gốc từ một thánh ca của các Ki-tô
hữu (hymne chrétien) được tác giả Tin Mừng biên soạn lại và đưa vào phần
lời chứng của Gio-an (1,6-8 và 1,15) để làm lời tựa cho sách Tin Mừng.
3. Giới
từ, động từ diễn tả tương quan (1,1-2.14.18)
Lời tựa Tin Mừng nói về tương quan
mật thiết giữa “Lời” và “Thiên Chúa”, giữa “Cha” và “Con Một”. Tương quan này được diễn tả qua (1) ba giới từ (préposition) và (2) một động
từ: “eimi” (là, thì, ở, có); (3) Lời Nhập Thể luôn
hiệp nhất với Cha.
(1) Về giới từ, hai lần bản văn dùng
giới từ Hy-lạp “pros” + đối cách (accusatif) có nghĩa là “về
hướng”, “(ở) với” ở 1,1b: “Lời ở với Thiên Chúa” ; và ở 1,2: “Lời ở với Thiên Chúa lúc khởi đầu.” Ở 1,14b: “Vinh quang như là Con Một bên (para) Cha”, có giới từ
“para” + thuộc cách (génitif) có nghĩa “(ở) bên”, “(ở) nơi”. Trong
câu 1,18c: “Con Một Thiên Chúa là Đấng hằng ở nơi (eis) cung lòng Cha” có
giới từ “eis” + đối cách, diễn tả chiều hướng cụ thể: “nơi”, “trong”, “vào”.
Cách dùng ba giới từ “pros”, “para”, “eis” như trên, diễn
tả tương quan sâu xa và mật thiết giữa Cha và Con. Giới từ “pros” xuất
hiện ở đầu lời tựa (1,1-2), “para” ở giữa lời tựa (1,14b) và “eis”
ở cuối lời tựa (1,18b) làm nên bức tranh cân đối. Đồng thời cho thấy biến cố “Lời
trở thành người phàm” (1,14a) không hề làm thay đổi tương quan giữa “Lời” và
“Thiên Chúa”, giữa “Cha” và “Con”.
(2) Về cách dùng động từ “eimi”
(là, thì, ở, có), ở 1,1 động từ này chia ở thì chưa hoàn thành: “ên”, nhấn
mạnh sự kéo dài trong thời gian (l’idée de la durée). Nét hay và độc đáo
của câu 1,1 là ba lần động từ “eimi” ở thì chưa hoàn thành “ên”
có thể dịch ba cách khác nhau trong tiếng Việt: “có”, “ở”, “là”. Dùng thì hiện tại tiếng Việt để
dịch thì chưa hoàn thành Hy-lạp: “ên” giữ được ẩn ý về thời gian: Lời đã
có từ khởi đầu, Lời hiện đang có và Lời mãi mãi có. Ba vế ở câu 1,1 điều có động
từ “eimi”: (1) “Lời có (ên) lúc khởi đầu, (2) và Lời ở (ên) với Thiên Chúa (3) và Lời là (ên) Thiên Chúa.” Ở 1,18, động từ “eimi” được chia ở lối động
tính từ, thì hiện tại: “ôn”, diễn tả một thực tại có giá trị thường
hằng: “Con Một Thiên Chúa là (ôn) Đấng hằng ở nơi cung lòng Cha” (1,18). Động từ “eimi”
diễn tả tương quan giữa “Lời” và “Thiên Chúa” (1,1), tương quan giữa “Cha” và
“Con” (1,18) giúp xác định các nhân vật: “Lời là Con Một” và “Thiên Chúa là
Cha”. Tương tự như cách dùng các giới từ “pros”, “para”, “eis” trên đây, động từ “eimi” xuất hiện ở đầu
(1,1) và cuối lời tựa (1,18) cho phép hiểu sự hiệp thông mật thiết và sâu xa giữa
“Lời” và “Thiên Chúa”, giữa “Cha” và “Con” không bị gián đoạn bởi biến cố Nhập
Thể.
(3) Lời Nhập
Thể bị giới hạn vào không gian và thời gian. Tuy nhiên trong thời gian thi hành
sứ vụ, Đức Giê-su vẫn hiệp thông sâu xa với Cha của Người qua ba kiểu nói: (1) Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 10,30: “Tôi và Cha,
Chúng Tôi là một”; (2) và ở
10,38b: “Cha trong Tôi và Tôi trong Cha”; (3) Người nói với các môn đệ ở
14,9b: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.” Kiểu diễn tả thứ ba (14,9b) gợi lại khẳng định trong
lời tựa ở 1,18a: “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ”. Vậy con người có thể “thấy Cha” qua “thấy Đức
Giê-su”.
II. Phân tích 1,14
Lời Nhập Thể là biến cố quan trọng, khởi
đầu một gian đoạn mới trong tiến trình mặc khải. Từ nay con người có thể “thấy”
Lời Nhập Thể. Phần này trình bày ba điểm: (1) danh từ
“Lời” (Logos); (2) “sarx, skênoô, doxa” của Lời làm người
(1,14a); (3) thấy vinh quang (1,14b).
1. Danh
từ “Lời” (Logos)
Danh từ “logos” lấy từ văn hoá Hy-lạp, nhưng tác giả Tin Mừng xây
dựng thần học về “Logos” (Lời) dựa trên văn chương khôn ngoan trong Cựu
Ước và suy tư của cộng đoàn tín hữu tiên khởi về căn tính và
nguồn gốc của Đức Giê-su. Thông thường “logos”
có nghĩa “lời, lời nói”. Nhưng trong lời tựa Tin Mừng, từ “Logos”, dịch
là “Lời” (viết hoa) có nghĩa thần học quan trọng vì từ này được nhân cách hoá để
nói về Đức Giê-su Nhập Thể. “Lời” (Logos)
trong lời tựa vừa gợi đến Lời tạo dựng của Thiên Chúa (St 1,1), vừa giới thiệu
ngôi vị, nguồn gốc và căn tính của Đức Giê-su. Danh từ “Lời” theo nghĩa
Lời là Đức Giê-su chỉ xuất hiện trong lời tựa Tin Mừng Gio-an.
Từ “logos” ở Kh 19,13 và 1Ga 1,1 không có nghĩa tuyệt đối như
trong lời tựa Tin Mừng Gio-an vì trong hai câu trên từ “logos” (lời) không
đứng một mình mà có danh từ ở thuộc cách (génitif) đi kèm để nói lên đặc
tính của danh từ “lời”. Tác giả thư Gio-an viết ở 1Ga 1,1e: “Tay chúng tôi đã
chạm đến lời sự sống (tou logou tês zôês)”. Danh từ “sự sống” nói lên đặc tính của “lời”:
“lời của sự sống”. Trong ch. 19 sách Khải Huyền, tác giả viết về thị kiến
“Người cưỡi ngựa trắng” (Đức Giê-su) ở Kh 19,13: “Người khoác một áo choàng đẫm
máu và danh hiệu của Người là ‘Lời của Thiên Chúa (ho logos tou theou).’”
Ở câu này, danh từ “Thiên Chúa” ở thuộc cách: “tou theou” (của Thiên Chúa)
chỉ đặc tính của “logos” (lời). Vậy cách dùng từ “logos” ở 1Ga
1,1 và Kh 19,13 khác với lời tựa Tin Mừng Gio-an: “Logos” (Lời) đứng một
mình làm chủ từ, và đồng hoá với Đức Giê-su.
2. Sarx, skênoô, doxa của Lời làm
người (1,14a)
Phần sau trình bày bốn ý: (1) danh từ
“sarx” (xác thịt, xác phàm); (2) động từ “skênoô” (cư ngụ, cắm lều); (3) danh từ “doxa”
(vinh quang); (4) mầu nhiệm Nhập Thể theo Ki-tô giáo và Do Thái giáo.
(1) Ngay câu đầu tiên, tác giả Tin Mừng
khẳng định căn tính và nguồn gốc của Lời: “Lời có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và
Lời là Thiên Chúa.” Kiểu nói “lúc khởi đầu” (en arkhê) gợi đến sự khởi
đầu tuyệt đối trong sách Sáng thế ở St 1,1: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời
và đất.” Lời Nhập Thể ở 1,14a: “Lời đã trở thành (egeneto) người phàm và
cư ngụ giữa chúng tôi.” Động từ “trở
nên” (ginomai) chia ở thì aoriste: “egeneto” (đã trở thành) vừa
xác định Lời đã xuất hiện trong lịch sử, vừa cho biết cách hiện diện của Lời: “trở thành người phàm (sarx)”.
Lời đã trở thành con người bằng xương bằng thịt. Chiều kích nhập thể được nhấn
mạnh bằng từ “sarx” (xác thịt, xác phàm, người phàm).
(2) Lời Nhập
Thể đã làm trọn lời Đức Chúa hứa qua ngôn sứ I-sai-a ở Is 7,14: “Này đây người
thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en.” Từ nay, sự
hiện diện của Lời Nhập Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại. Sự
hiện diện của Lời Nhập Thể được diễn tả bằng kiểu nói: “cư ngụ (eskênôsen)
giữa chúng tôi” (1,14a). Động từ “skênoô” có nghĩa “sống”, “ở”, “cư
ngụ”, “cắm lều”; nên câu trên có ý: “cắm lều giữa chúng tôi”. Điều này gợi đến Lều
Hội Ngộ trong sách Xuất Hành. Đức Chúa phán với ông Mô-sê ở Xh 40,2: “Vào ngày mồng
một tháng giêng, ngươi sẽ dựng Nhà Tạm Lều Hội Ngộ.” Dịch sát: “Lều của sự làm
chứng”, “Lều chứng ước” (skênên tou marturiou). Trong cụm từ này
có danh từ “skênê” (lều) cùng gốc từ với động từ “skênoô” (dựng
lều, cắm lều) ở Ga 1,14.
(3) Nếu như,
trong sách Xuất Hành, lúc thánh hiến Nhà Tạm “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và
vinh quang (doxa) ĐỨC CHÚA đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34) thì khi Lời Nhập
Thể đến với nhân loại, tác giả Tin Mừng khẳng định ở 1,14b: “Chúng tôi đã thấy vinh
quang (doxa) của Người, vinh quang (doxa) bên Cha như là Con Một,
đầy tràn ân sủng và sự thật.” Song song giữa Xh 40,2.34 và Ga 1,14 cho thấy hai
điều: (a) Lều Hội Ngộ trong Cựu Ước là nơi gặp gỡ Đức Chúa, là dấu chỉ Đức Chúa
ở với dân Người, song song với “Lời” dựng lều giữa nhân loại, Lời Nhập Thể là dấu chỉ cụ thể Thiên
Chúa ở với loài người, là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. (2) “Vinh quang ĐỨC
CHÚA đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 14,34b) nay ở lại nơi Lời Nhập Thể. Nói cách khác,
Lời Nhập Thể là nơi bày tỏ vinh quang (doxa) của Thiên Chúa.
(4) Khẳng định
“Lời đã trở nên người phàm” (1,14a) cho thấy khác biệt thần học giữa Ki-tô giáo
và Do Thái Giáo. Theo Ki-tô giáo, “Lời là Thiên Chúa” (1,1c) “đã trở nên xác
phàm” (1,14), sống thân phận làm người, lệ thuộc vào không gian và thời gian.
Đó là một người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dân tộc và một
nền văn hóa riêng. Khẳng định “Lời đã trở nên xác phàm” là tuyên xưng thần học của
cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi. Đối với Do Thái giáo, ý tưởng “Thiên Chúa làm Người”
là nghịch lý và không thể chấp nhận. Giới lãnh đạo Do Thái đã kết tội Đức
Giê-su là nói phạm thượng, vì Người là con người mà dám đặt ngang hàng với
Thiên Chúa (5,18; 10,33). Khẳng định ở 1,14a cho độc giả thấy tranh luận giữa
Do Thái giáo và Ki-tô giáo liên quan đến nhân tính và thiên tính của Đức Giê-su.
Lời Nhập Thể là đỉnh cao của lời tựa Tin Mừng, mở đầu một giai đoạn mang tính
quyết định trong lịch sử cứu độ. Lời ở với Thiên Chúa và Lời là
Thiên Chúa (1,1) trở thành đối tượng của hành động “thấy”.
3. Thấy
vinh quang (1,14b)
Đề tài “thấy” nối
kết với “vinh quang” được trình bày qua sáu điểm: (1) thấy thể lý và thấy bằng
lòng tin; (2) vinh quang Đức Giê-su và vinh quang Thiên Chúa; (3) vinh quang thập
giá; (4) vinh quang và tình yêu; (5) môn đệ tôn vinh Đức Giê-su và Chúa Cha; (6)
điều kiện để thấy vinh quang của Lời Nhập
Thể.
(1) Tác giả lời
tựa khẳng định ở 1,14b: “Chúng tôi đã thấy (etheasametha) vinh quang của
Người, vinh quang bên Cha như là Con Một, đầy tràn ân
sủng và sự thật.” Động từ “theaomai”
(thấy) trong câu này không chỉ là chiêm ngắm một thực tại thiêng liêng. Ngược
lại ở đây đề cao “thấy” thể lý, thấy Lời đã trở thành người phàm. Động từ “theaomai”
chia ở lối trình bày thì aoriste: “etheasametha” (đã thấy), xác định Lời
Nhập Thể đã đến và ở với loài người vào thời điểm cụ thể trong lịch sử. Nói
cách khác, vinh quang của Lời Nhập Thể bày tỏ trong lịch sử và con người có thể
thấy Đức Giê-su bằng xương bằng thịt. Hành động thấy này liên quan đến “sarx”
(xác thịt, xác phàm, người phàm). Hành động “thấy thể lý” làm cho đại từ ngôi
thứ nhất, số nhiều: “chúng tôi” ở 1,14, trở thành các chứng nhân nhãn tiền (témoins
oculaires) về Lời Nhập Thể. Tác giả Tin Mừng dành một vị trí quan trọng cho
hành động “thấy” Lời Nhập Thể, để đánh dấu giai đoạn quyết định trong lịch sử
cứu độ. Vậy không nên tách rời “thấy tâm linh” (la vue spirituelle) và
“thấy thể lý” (la vue physique) hay đề cao “thấy tâm linh” mà xem nhẹ
“thấy thể lý”.
Đồng thời hành động “thấy” của các môn đệ khác với “thấy” của
những người Do Thái trong Tin Mừng, họ thấy Đức Giê-su nhưng không thể làm chứng
vì không tin vào Người. Thần học Tin Mừng nối kết kinh nghiệm thấy thể lý với thấy
bằng lòng tin. “Thấy” thực sự bao hàm thấy thể lý và thấy nhờ tin, nên “thấy” và
“tin” không tách rời nhau. Vậy “thấy” thể lý là dấu chỉ (signe) để thấy
tâm linh, nghĩa là nhận biết căn tính và nguồn gốc của Đức Giê-su. Nhờ
kết hợp thấy và tin mà các môn đệ nhận ra “vinh quang” của Lời Nhập Thể.
(2) Đối tượng
của động từ “thấy” (theaomai) ở 1,14a là một điều bí ẩn: thấy “vinh quang”
(doxa). Trong truyền thống Cựu Ước, đề tài vinh quang được dùng để
nói về Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân, để cứu độ hay để giáo huấn dân. Tin Mừng
Gio-an đề cao “vinh quang của Đức Giê-su” và “vinh quang của Thiên Chúa”; đồng
thời nối kết đề tài này với hành động “tin”. Người thuật chuyện kết luận dấu lạ
(sêmeion) nước lã hoá thành rượu ngon ở 2,11: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ
đầu tiên này tại Ca-na, Ga-li-lê, Người đã tỏ vinh quang (doxa) của
Người, và các môn đệ của Người đã tin vào Người.” Nhận ra vinh quang của Đức
Giê-su dẫn đến tin. Đề tài “vinh quang” còn diễn tả căn tính của Đức Giê-su. Người
đã có vinh quang trước khi có thế gian, như Người nói với Cha ở 17,5: “Vậy giờ
đây, lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con bên Cha, vinh quang mà Con đã có bên Cha
trước khi có thế gian.” Trong ch. 8, Đức Giê-su định nghĩa vinh quang khi nói
với những người Do Thái ở 8,54a: “Nếu Tôi tôn vinh (doxasô) chính mình,
vinh quang (doxa) của Tôi chẳng là gì cả. Cha của Tôi là Đấng tôn vinh Tôi.”
Trong câu này động từ “doxazô” (tôn vinh) và danh từ “doxa” (vinh
quang) cùng gốc từ.
Đức Giê-su không chỉ bày tỏ vinh quang của Người mà còn làm lộ ra
vinh quang của Thiên Chúa. Trong câu chuyện La-da-rô, Đức Giê-su nói với Mác-ta
trước khi gọi La-da-rô ra khỏi mồ ở 11,40: “Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu
chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang (doxa) của Thiên Chúa sao?” Trong lời
tựa Tin Mừng, vinh quang của Thiên Chúa được bày tỏ trong vinh quang của Con
Một của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Trong Tin Mừng, Thiên Chúa bày tỏ vinh quang
không bằng những yếu tố lạ lùng theo kiểu thần hiện, gây hoảng sợ như được mô
tả ở Xh 19,16: “Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên
núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ.” Những dấu
lạ trong Tin Mừng bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa, nhưng được mô tả cách nhẹ
nhàng, kín đáo. Vì mục đích của dấu lạ là mời gọi người chứng kiến tin vào Đức
Giê-su.
(3) Tin Mừng
Gio-an còn xây dựng đề tài vinh quang cách nghịch lý. Vinh quang của Đức Giê-su
không chỉ bày tỏ trong những dấu lạ, mà đỉnh cao của vinh quang theo thần học Tin
Mừng là thập giá. Giờ chết trên thập giá là Giờ Đức Giê-su được tôn vinh, được
giương cao, là Giờ Người đi về với Cha. Đức Giê-su nói với đám đông về giờ chết
của Người ở 12,23: “Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh.” Đó là Giờ Đức Giê-su
tôn vinh Cha và Cha tôn vinh Người như Người nói với Cha ở 17,1: “Lạy Cha, giờ
đã đến, xin tôn vinh Con của Cha để Con tôn vinh Cha.” Đề tài vinh quang được
tác giả khẳng định trong lời tựa: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người”
(1,14b) sẽ được bày tỏ trong Tin Mừng qua dấu lạ và giáo huấn của Đức Giê-su. Nhất
là vinh quang bày tỏ trên thập giá, đó là lúc Người chiến thắng sự chết, chiến
thắng thế gian (16,33) và thủ lãnh thế gian bị xét xử (16,11).
(4) Sâu xa hơn,
lời xác tín: “Chúng tôi đã thấy
vinh quang của Người” (1,14b) diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian
được bày tỏ qua Con của Người. Khởi đầu sứ vụ, Đức Giê-su cho biết ở 3,16: “Vì
Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào
Người thì không phải hư mất, nhưng có sự sống đời đời.” Tình yêu này được thể
hiện qua vai trò mục tử tốt, hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Đức Giê-su nói
với những người Pha-ri-sêu ở 10,11: “Chính Tôi là mục tử tốt. Mục tử tốt hy
sinh mạng sống của mình vì đàn chiên.” Người đã bày tỏ tình yêu này cho các môn
đệ khi nói với họ ở 15,13: “Chưa ai có tình yêu cao cả hơn tình yêu này, người đã hy
sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình.” Đức Giê-su đã trao ban vinh quang của
Người cho các môn đệ vào cuối sứ vụ khi Người nói với Cha ở 17,22: “Phần
Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con đã ban cho họ để họ nên một như
Chúng Ta là Một.” Các môn đệ được chia sẻ
vinh quang của Đức Giê-su để sống hiệp nhất với nhau, như sự hiệp nhất giữa Đức
Giê-su và Cha.
(5) Đến lượt các môn đệ, sống trọn vẹn tư cách môn đệ đã là tôn vinh Đức
Giê-su và tôn vinh Thiên Chúa. Đức Giê-su nói với Cha ở 17,10: “Mọi sự của Con
là của Cha, mọi sự của Cha là của Con và Con được tôn vinh nơi họ.”
Trở thành môn đệ và sinh nhiều hoa trái là tôn vinh Thiên Chúa. Đức Giê-su nói với
các môn đệ ở 15,8: “Trong điều này Cha của Thầy được tôn vinh là anh em sinh
nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” Cái chết tử đạo của Phê-rô khi
thi hành sứ vụ là cách ông tôn vinh Thiên Chúa. Đức Giê-su nói với Phê-rô ở
21,18: “A-men, a-men, Thầy bảo anh: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng và đi
đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt
lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người thuật chuyện giải thích cho độc
giả biết ở 21,19: “Người nói điều đó để cho biết bằng cái chết nào ông
ấy sẽ tôn vinh Thiên Chúa.”
Nối kết với lời
tựa Tin Mừng, các môn đệ tôn vinh Đức Giê-su bằng cách tuyên xưng niềm tin vào Người,
xác tín và làm chứng là đã thấy vinh quang của Người (1,14b). Vậy vinh quang của Đức Giê-su và của Thiên Chúa bày tỏ
trong sứ vụ Đức Giê-su và sứ vụ các môn đệ. Khẳng định trong lời tựa 1,14b: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người” đã tóm kết nội dung Tin Mừng.
(6) Tuy nhiên, “thấy vinh quang của Lời Nhập Thể” là điều không hiển nhiên.
Vinh quang này như thể được giấu kín, không phải ai cũng thấy được. Về phía Đức
Giê-su, Người sẽ mặc khải và giáo huấn để con người biết cách “nghe” và “thấy”;
về phía con người, họ cần mở lòng ra đón nhận giáo huấn để thực sự “nghe” và
“thấy” Đức Giê-su. Trong viễn cảnh này, lời chứng của “chúng tôi” (1,14b)
có vai trò quan trọng. Họ là các chứng nhân nhãn tiền (témoins oculaires), là những người đã thấy tận
mắt vinh quang của Lời Nhập Thể. Lời chứng của họ về những gì Đức Giê-su đã nói,
đã làm được thuật lại trong Tin Mừng.
III. Phân tích 1,18
Câu kết của lời tựa (1,18) cho biết hai điều: (1) chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ và (2) Con Một Thiên Chúa kể về Thiên
Chúa cho độc giả.
1. “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (1,18a)
Phần này tìm hiểu
(1) thấy Thiên Chúa trong truyền thống Cựu Ước và (2) trong Tin Mừng Gio-an.
(1) Trong
truyền thống Cựu Ước, có hai cách giải thích về việc “không thể thấy Thiên
Chúa”. X. Léon-Dufour viết: “Ý kiến phổ biến cho rằng con người ‘không thể thấy
Thiên Chúa’ vì tính chất tội lỗi của con người (Es 6,5; Ex 33,20) […]. Một truyền thống
khác cho rằng con người ‘không thể thấy Thiên Chúa’ vì sự siêu việt tuyệt
đối của Thiên Chúa (Ex 33,22s).” (X. Léon-Dufour, Lecture
de l’Évangile selon Jean, t. I, Seuil, 1998, p. 133). Một số trường hợp ngoại
lệ trong Cựu Ước: Đức Chúa hiện ra với Áp-ra-ham (St 18) và Mô-sê (Xh 24,9-11;
Tl 13,22). Thực ra, không phải Áp-ra-ham và Mô-sê thấy (voir) Thiên Chúa
mà Thiên Chúa tỏ mình ra (se faire voir) cho các ông.
(2) Ý tưởng “chưa
ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18a) được nhấn mạnh trong Tin Mừng và thư thứ
nhất Gio-an. Khẳng định này được lặp lại ở Ga 6,46 và 1Ga 4,12.20. Trong mạch
văn lời tựa Tin Mừng, khẳng định: chưa ai thấy Thiên Chúa (1,18a) không phải là do tình trạng tội lỗi, nhưng vì con
người là loài thụ tạo, giới hạn trong không gian và thời gian. Con người thuộc
về hạ giới nên không có khả năng thấy Thiên Chúa là Đấng thuộc về thượng giới,
Đấng siêu việt. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,23: “Các ông, các
ông thuộc về hạ giới; còn Tôi, Tôi thuộc về thượng giới. Các ông, các ông thuộc
về thế gian này; còn Tôi, Tôi không thuộc về thế gian này.” Vậy “chưa ai thấy
Thiên Chúa” (1,18a) là khẳng định sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa. Mọi ý
định và cố gắng “thấy Thiên Chúa” đã bị loại trừ. Tuy nhiên, con người vẫn có
thể biết Thiên Chúa và hiệp thông với Người nhờ Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa,
Đấng mặc khải cho độc giả biết ý định Thiên Chúa, biết tình yêu Thiên Chúa dành
cho nhân loại.
2. “Kể” về Thiên Chúa cho độc
giả (1,18c)
Đức Giê-su là Thiên Chúa (1,1c) đã
trở nên người phàm (1,14a). Người là “Con Một Thiên Chúa, là Đấng hằng ở nơi cung
lòng Cha” (1,18b), nên đầy đủ tư cách để mặc khải về Thiên Chúa cho con người
(1,18c). Phần này trình bày ba điểm: (1) nghĩa phong phú của động từ “exêgeomai”; (2)
chọn dịch “exêgeomai” là “kể”; (3) căn tính Con Một Thiên Chúa bảo đảm tính
xác thực và khả tín của mặc khải. Qua đó độc giả được mời gọi tin và nhận biết Đức
Giê-su là Thiên Chúa.
(1) Câu 1,18c:
“Chính Đấng ấy (ekeinos) đã kể (exêgêsato) cho chúng ta”, gồm hai từ Hy-lạp: “ekeinos
exêgêsato”, còn những chữ in nghiêng (“cho chúng ta”) được thêm vào cho
xuôi câu văn. Đại từ “ekeinos” thay thế “Con Một
Thiên Chúa” ở 1,18b. Động từ “exêgeomai” ở thì aoriste “exêgêsato” có nghĩa
phong phú được dịch bằng nhiều từ. Chẳng hạn La Bible de Jérusalem dịch “exêgêsato”
là “a dévoilé” (đã bày tỏ); Traduction
Oecuménique de la Bible: “a fait connaître” (đã làm cho biết); M. Carrez:
“a présenté” (đã trình bày), M. Carrez, Nouveau
Testament interlinéaire grec / français, Swindon, Bristish and Foreign Biblique Society,
1993. Động từ “exêgeomai”: hướng dẫn từng bước, cho đến lúc người thụ
huấn hiểu vấn đề, nên nghĩa phong phú: “trình bày chi tiết” (exposer en
détail); “cắt nghĩa” (expliquer); “giải thích” (interpréter);
“giới thiệu” (présenter); “chú giải” (faire l’exégèse); “kể ra” (raconter);
“làm cho biết” (faire connaître) v.v…
Động từ “exêgeomai”
phân biệt với các động từ nói về mặc khải liên quan đến thị giác: “apokaluptô”
có nghĩa “mặc khải”, “tỏ bày” (dévoiler, révéler), “deiknumi”
và “keiknuô” có nghĩa “chỉ ra”, “chỉ dẫn” (montrer, indiquer). Trong
văn chương khải huyền (littéraire apocalyptique), các động từ “apokaluptô”,
“deiknumi”, “keiknuô” liên hệ với “thấy” (voir).
Trong khi, động từ “exêgeomai” trong mạch văn Ga 1,18 gợi về hành động “nghe”
hơn là “thấy”. Bởi vì “chưa ai thấy Thiên Chúa” (1,18a) nên chỉ còn cách “nghe” Con Một của Thiên Chúa nói
về Thiên Chúa. Vì không thể “thấy” Thiên Chúa nên chỉ còn cách “thấy” và
“nghe” Đức Giê-su; “thấy” vinh quang Lời Nhập Thể (1,14b) và “nghe” lời Người
nói về Thiên Chúa (1,18c).
(2) Phân tích
trên cho thấy dịch động từ “exêgeomai” là “kể” theo nghĩa kể cho biết,
mặc khải cho biết, phù hợp hơn với mạch văn qua ba ghi nhận: (1) “Kể chuyện” thuộc lãnh vực thính giác, “người kể” cần “người nghe”. “Lời”
Nhập Thể là “lời” để nghe, lời Thiên Chúa trở thành lời Đức Giê-su nói về Thiên
Chúa. (2) Trên bình diện bản văn, “kể về Thiên Chúa” là nội dung sách Tin Mừng.
Câu cuối cùng của lời tựa (1,18c) dẫn vào nội dung Tin Mừng, dẫn vào sứ vụ Đức Giê-su.
Nên sách Tin Mừng là lời kể về Thiên Chúa. (3) Trên bình diện sứ vụ, Đức
Giê-su “kể về Thiên Chúa” bằng chính cuộc đời của Người, bao gồm dấu lạ, lời giáo
huấn, mời gọi, khích lệ động viên, đặc biệt biến cố hy sinh mạng sống cho những
kẻ thuộc về mình. Nên Người là Đấng mặc khải tuyệt vời về Thiên Chúa (le
Révélateur par excellence). Lời kể về Thiên Chúa cũng là lời kể về tình yêu
của Thiên Chúa dành cho thế gian (3,16). Vậy cuộc đời Đức Giê-su là “lời kể”
sống động về chính Người và về Thiên Chúa. Trong từ “kể” hàm ẩn ý tưởng “thấy”
(dấu lạ Đức Giê-su làm) và “nghe” (lời Người nói).
(3) Đứng trước
thực tế “chưa ai thấy Thiên Chúa” (1,18a), căn tính và nguồn gốc của Con Một Thiên
Chúa bảo đảm tư cách người “kể” về Thiên Chúa. Nguồn gốc của “Lời” được trình bày qua nhiều tước hiệu: Lời là Thiên
Chúa (1,1c), Lời Nhập Thể (1,14a), Con Một (1,14b.18), Đức Giê-su Ki-tô (1,17).
Những danh xưng và tước hiệu này cho độc giả biết giáo huấn của Đức Giê-su là xác
thực và khả tín. Sau khi đọc Tin Mừng, độc giả được mời gọi nhận định về Đức
Giê-su như Tô-ma tuyên xưng trước Đấng Phục Sinh ở 20,28: “Lạy Chúa (kurios)
của con, lạy Thiên Chúa (theos) của con.” Lời tuyên xưng này nối kết với
1,1c: “Lời là Thiên Chúa” (tuyên xưng của tác giả). Điều mới ở 20,29 là lời tuyên
xưng của nhân vật trong Tin Mừng (môn đệ Tô-ma). Điều này chứng tỏ sự thành công
từ hai phía: truyền đạt mặc khải đã thành công (Đức Giê-su), đón nhận mặc khải đã
thành công (môn đệ Đức Giê-su).
Kết luận
Lời tựa nhắm
đến hai mục đích: (1) Trình bày tuyên xưng niềm tin của tác giả về căn tính,
nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giê-su; và qua tác giả, lời tựa là nội dung niềm tin
của cộng đoàn. (2) Lời tựa dẫn vào nội dung Tin Mừng. Độc giả được mời gọi đọc
Tin Mừng dưới ánh sáng của lời tựa, ngược lại lời tựa giúp nhận ra ý nghĩa mặc
khải trong Tin Mừng.
Lời tựa (1,1-18)
và kết luận sách Tin Mừng (20,30-31) cho biết ba điểm chính của thần
học Tin Mừng: (1) căn
tính của Đức Giê-su: Người là ai, từ đâu tới? (2) sứ vụ của Người: làm gì, nói gì, sống và chết như thế
nào? (3) Mục đích Tin Mừng là lời mời gọi tin vào Đức Giê-su để có sự sống. Tìm
hiểu một số đề tài chính trong lời tựa trên đây giúp độc giả thực sự “thấy” và “nghe”
Đức Giê-su Lời Nhập Thể khi đọc Tin Mừng./.
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2010/12/tim-hieu-ga-11-18-thay-va-nghe-loi-nhap.html
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2010/12/tim-hieu-ga-11-18-thay-va-nghe-loi-nhap.html
Cám ơn Cha Thông, một lần nữa đã cho chúng ta suy niệm về niềm tin của mình nơi Tin Mừng và nơi Chúa Giêsu.
Trả lờiXóaÝ tưởng về 1 Thiên Chúa không thể " nhìn thấy " ( “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ” )thật mới mẻ và rất hữu ích - bởi hiện nay - sau khi quan sát vũ trụ - nhà vật lý hàng đầu của chúng ta đã tuyên bố - không có thiên Chúa .
Bài chia sẻ trên giúp chúng ta nối kết được niềm tin vào Thiên Chúa Làm Người và thực tại sống của thế giới đang loại trừ Thiên Chúa.
Lạy Chúa xin cho chúng con được " thấy " Ngài - dù chỉ 1 lần - Amen
Hân hoan đón mừng Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúng con kính chúc cha một lễ Giáng Sinh tràn đầy ơn phúc bởi Trời, tình người luôn bừng cháy, sưởi ấm mùa đông giá rét, tâm hồn tràn ngập bình an và đầy yêu thương . Măm mới 2011 có nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Trả lờiXóaBài chia sẻ "Thấy" và "Nghe" lời Nhập thể của cha được trình bày rất cặn kẻ, nhiều chi tiết, chúng con được học hỏi thêm nhiều cái mới. Mục đích của Tin Mừng là “tin”. Vậy"Thấy" và "Nghe" lời Nhập Thể. Thưa cha, phải chăng "Nghe" Lời Nhập Thể, quan trọng hơn là "Thấy"?
Josepphin mến,
Trả lờiXóaTheo thần học Tin Mừng Gio-an, “nghe” và “thấy” đều quan trọng như nhau. Tin Mừng Gio-an thường trình bày các dấu lạ Đức Giê-su làm “để thấy”, kèm theo diễn từ Đức Giê-su nói “để nghe” (Ga 5; 6; 9). Vấn đề là nghe và thấy như thế nào.
Trong Tin Mừng, có người nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Hình như, chỉ những ai mở lòng mình ra và đứng về phía sự thật mới có thể “thấy” và “nghe” thực sự.
Thiết nghĩ, cả cuộc đời chúng ta là một tiến trình học để biết cách “nghe” và “thấy” Lời Nhập Thể; học để biết “nghe” và “thấy” nhau. Đó là “thấy” và “nghe” trong sự đón nhận và trong tương quan với nhau.
Thưa cha, ngày trước học Ngũ Thư, chúng con cũng đã được học hỏi về động từ NGHE trong các sách thuộc Ngũ Thư, ví dụ: “Nghe đây, hỡi Is-ra-el : Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6, 4-5).
Trả lờiXóaNGHE trong câu trích trên nói riêng và trong Ngũ Thư nói chung không chỉ dừng lại ở NGHE bình thường (hoạt động của thính giác), nhưng NGHE ở đây đi liền với TUÂN GIỮ và THI HÀNH LỜI CHÚA. vậy, khi nhìn vào Tin Mừng nói chung và Tin Mừng Gioan nói riêng, thì động từ NGHE có bao hàm ý nghĩa như trong Ngũ Thư không cha?
con cám ơn cha.
Ý nghĩa của các động từ được hiểu trong mạch văn. Trong mạch văn Đnl 6,4-5, động từ "nghe" rất quan trọng không thể tách rời khỏi "yêu mến" với sự dấn thân của tất cả con người, nghĩa là gắn liền với "tuân giữ" và "thi hành" Giao ước. Trong các Tin Mừng cần xem kỹ bối cảnh văn chương của từng đoạn văn để xác định ý nghĩa của hành động "nghe".
Xóa