26/03/2011

Lc 15,1-3.11-32: Dụ ngôn người cha nhân hậu và hai người con. Ai là con thực sự? Ai là người làm công?


Bản văn Lc 15,1-3.11-32 (NPD/CGKPV)

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.
2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."
3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
[4-10]
11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: "Một người kia có hai con trai.
12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.
13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,
15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.
16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.
17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!
18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,
19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.
20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy.
Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.
21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.
22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,
23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!
24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,
26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.
27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.
28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.
29 Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.
30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!"
31 Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.
32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."



Tìm hiểu Lc 15,1-3.11-32


Nội dung

Dẫn nhập
1. Đức Giê-su kể dụ ngôn cho ai và để làm gì?
2. Vị trí của ba dụ ngôn
3. “Con thứ đi hoang” xin được coi như “người làm công”
4. “Con cả ở nhà” sống như “người làm công”
5. Áp dụng dụ ngôn vào nhân vật trong trình thuật
6. Áp dụng dụ ngôn cho độc giả
Kết luận



Dẫn nhập

Đoạn Tin Mừng Lc 15,1-3.11-32 đã từng được gọi là dụ ngôn đứa con hoang đàng. Nhưng bản văn đề cao quyết định quay trở về của người con này hơn là sự hoang đàng của anh ta. Hiện nay người ta thường gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu, nhưng có lẽ bản văn nhấn mạnh hơn đến sự không nhân hậu của người con cả, là người đã trách cha và miệt thị em mình. Có thể dụ ngôn trên đây có ý nghĩa rất phong phú liên quan đến cách sống và cách xử sự của cả ba nhân vật: Người cha và hai người con. Dường như nhân vật nổi bật của dụ ngôn là người anh cả. Bởi vì trong câu chuyện, những nhân vật đang nghe Đức Giê-su kể dụ ngôn có cách sống và cách xử sự giống như người con cả.

Sự phong phú về ý nghĩa của bản văn làm cho việc đặt một tựa đề thường là rất khó. Một câu chuyện mô tả ba cách nhìn cuộc đời khác nhau của ba nhân vật thì không thể tóm tắt chỉ trong dăm ba chữ. Có lẽ nên tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn này trong bối cảnh văn chương của nó, để từ đó có thể thưởng thức, lắng nghe và sống với dụ ngôn hơn là loay hoay tìm cách đặt một tựa đề.

1. Đức Giê-su kể dụ ngôn cho ai và để làm gì?

Tin Mừng Lu-ca chương 15 được gọi là các dụ ngôn về lòng thương xót, chương này gồm một lời mở đầu và ba dụ ngôn. Lời mở đầu có tầm quan trọng đặc biệt, vì đó là chìa khoá để hiểu Đức Giê-su nói dụ ngôn trong bối cảnh nào, có ẩn ý gì và nói cho ai. Người thuật chuyện cho biết bối cảnh và lý do Đức Giê-su kể các dụ ngôn ở Lc 15,1-3: “1Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.’ 3Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:…”

Lc 15,1-3 cho biết nhiều chi tiết liên quan đến lý do Đức Giê-su kể các dụ ngôn. Trước hết là những người thu thuế và những người tội lỗi đến với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Tiếp đến là lời xầm xì của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Lời xầm xì này cho biết thêm hai yếu tố mới. Không chỉ là việc những người thu thuế và tội lỗi đến với Đức Giê-su và nghe Người giảng, mà chính Đức Giê-su tiếp đón họ và ăn uống với họ. Nghĩa là sự đón nhận đến từ hai phía. Về phía Đức Giê-su, Người tiếp đón và ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi. Về phía họ, họ đến với Đức Giê-su để nghe Người giảng.

Trong bối cảnh trên, “Đức Giê-su kể cho họ dụ ngôn:…”. “Họ” – thính giả nghe các dụ ngôn trong bản văn – chính là những người Pha-ri-sêu và các kinh sư. Có thể hiểu thêm là có cả những người thu thuế và những người tội lỗi nữa, vì bản văn nói về họ. Như thế, mục đích việc Đức Giê-su kể dụ ngôn là để giải thích và trả lời cho câu hỏi đặt ra: Tại sao Đức Giê-su và những người thu thuế và tội lỗi lại đến với nhau? Đây là điều mà những người Pha-ri-sêu và các kinh sư cho là chướng tai gai mắt, nên dẫn đến việc xầm xì. Đồng thời, dụ ngôn cũng cho biết thực chất về cách cư xử của họ.

Ngày nay, nhân vật “họ” là bất kỳ ai đọc bản văn. Thực vậy, độc giả mới là thính giả đích thực của câu chuyện, vì bản văn được viết ra cho họ. Độc giả trực tiếp là cộng đoàn Lu-ca cuối thế kỷ I, tiếp đến là độc giả qua mọi thời đại, với tư cách là người đọc bản văn. Vậy, dụ ngôn này có ý nghĩa gì cho độc giả? Câu chuyện này nói gì với độc giả là tất cả chúng ta ngày nay?

2. Vị trí của ba dụ ngôn

Trong Lc 15, Đức Giê-su kể ba dụ ngôn, trong đó, hai dụ ngôn đầu tiên rất ngắn, nói về con chiên đi lạc (Lc 15,4-7) và đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10). Hai dụ ngôn này diễn tả tấm lòng của Thiên Chúa dành cho những người lạc lối, qua hình ảnh người mục tử đi tìm cho bằng được chiên lạc và người phụ nữ tìm cho bằng được đồng tiền bị mất. Điều hai dụ ngôn này nhấn mạnh là chính Thiên Chúa đi bước trước để tìm kiếm những gì đã mất. Áp dụng vào bối cảnh câu chuyện thì hai dụ ngôn đầu tiên muốn ám chỉ Đức Giê-su, Người đến để tìm kiếm những con chiên lạc, tìm kiếm những gì đã mất. Cụ thể là Người đến với những người thu thuế và tội lỗi để dẫn họ trở về với Thiên Chúa.

Dụ ngôn thứ ba, tạm gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu, dài hơn và ý nghĩa phong phú hơn. Dụ ngôn thứ ba này bổ túc thêm những gì hai dụ ngôn trước chưa diễn tả được. Điểm mới trong dụ ngôn này là chính “con chiên lạc” tự tìm đường trở về với người mục tử, qua việc đứa con hoang đàng quyết định trở về với cha của mình, chứ người cha không đi tìm. Như thế, thay vì đi tìm chiên, đi tìm đồng bạc như trong hai dụ ngôn trước, thì dụ ngôn thứ ba trình bày hoàn cảnh và tâm tư của những người đi lạc. Đi lạc theo cả hai nghĩa: Bỏ nhà đi hoang (người con thứ) và đi lạc ngay tại nhà mình (người con cả), anh ta ở nhà mà sống như người làm công.

Tóm lại, hai dụ ngôn đầu giải thích tại sao Đức Giê-su tiếp đón và ăn uống với phường tội lỗi, dụ ngôn thứ ba giải thích hành động tích cực của những người thu thuế và những người tội lỗi: Họ đến với Đức Giê-su và nghe Người giảng. Dụ ngôn thứ ba còn cho biết thái độ của người cha và đề cao sự tự do của hai người con trong sự lựa chọn của mình.

3. “Con thứ đi hoang” xin được coi như “người làm công”
  
Người con thứ tự quyết định ra đi và tự quyết định trở về sau khi học được bài học quý giá từ cuộc sống. Người cha không ngăn cản con mình ra đi. Đó là cách tốt để người cha huấn luyện con mình có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Như thế, nhận ra mình đã lạc đường và can đảm quyết định quay trở về là một bước tiến lớn trong sự trưởng thành nhân cách. Anh ta đã đi một bước dài trong tiến trình tự đào tạo bản thân. Điều anh ta tự nhủ đáng cho người đọc qua mọi thời đại học hỏi: “17Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (15,17-20).

Hoàn cảnh sống và quyết định của người con thứ là lời mời gọi độc giả hãy học lấy từ cuộc sống, từ những thất bại, những bài học quý giá để làm cho mình trưởng thành hơn. Nhờ học trường đời mà người con thứ đã can đảm làm lại cuộc đời và biết lấy quyết định đúng đắn, không mặc cảm tự ti hay tự tôn, cũng không sợ mất thể diện.

4. “Con cả ở nhà” sống như “người làm công”

Nhân vật phản diện của dụ ngôn người cha nhân hậu là “người con cả”. Thái độ và cách xử sự của anh ta ám chỉ thái độ của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư. Lời xầm xì giữa họ với nhau được đặt song song với lời người con cả trách cha mình và nhục mạ em mình: “29Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (Lc 15,29-30). Lời trách móc cha (ám chỉ Đức Giê-su trong lời xầm xì ở 15,2) và lời chối bỏ em mình (ám chỉ những người thu thuế và tội lỗi ở 15,1-2) cho thấy người con cả đã không sống “tư cách làm con” và “tư cách làm anh” trong gia đình. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư cũng đang xử sự như người con cả.

Không sống và cư xử như một người con, không đứng ở địa vị con cái, người con cả suy nghĩ và hành động như một đứa ở trong nhà. Từ trước đến bây giờ anh ta không biết đến điều cha anh nói: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31).

Người con cả cũng không sống tư cách làm anh vì đã không đón nhận sự trở về của em mình. Anh ta đã phủ nhận tư cách làm anh và hạ thấp em mình khi nói: “Thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (15,30). Đó là “thằng con của cha” chứ không phải là “đứa em của con”, một đứa em đáng quý trọng vì đã biết ăn năn hối cải trở về.

Điều trớ trêu và châm biếm trong bản văn là tương phản giữa hai người con: Người con thứ quay trở về chỉ xin được cha xem là “người làm công”, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng “làm con”, thì người con thứ lại được hưởng trọn vẹn quyền “làm con” qua các biểu tượng: Mặc áo đẹp, đeo nhẫn, đi dép và dự tiệc mừng (15,22-23). Ngược lại người anh cả tự cho mình là “người con gương mẫu”, đã có công “hầu hạ” cha trong nhiều năm, anh ta lại sống và suy nghĩ “như người làm công”, “như người làm thuê”, “như đứa ở” chứ không phải là “người con thực sự”.

Tình trạng của người con cả trầm trọng hơn nhiều so với việc bỏ nhà đi hoang của người con thứ. Bởi vì người con cả ở nhà với cha nhưng không sống tư cách làm con mà anh ta lại không biết điều ấy, nghĩa là vẫn nghĩ mình là đứa con ngoan và hiếu thảo.

5. Áp dụng dụ ngôn vào nhân vật trong trình thuật

Người con cả tưởng mình là con cái trong nhà, nhưng thực ra là không phải. Cũng vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư tưởng mình thuộc về Thiên Chúa, làm công việc của Thiên Chúa, phục vụ Thiên Chúa, nhưng thực sự không phải. Họ đang đi ngược lại ý định của Thiên Chúa khi chống lại Đức Giê-su.

Sự tương phản giữa các nhân vật: “con cả – con thứ”, “những người Pha-ri-sêu và các kinh sư – những người thu thuế và những người tội lỗi” song song với nhau. Bên ngoài, người con cả ở nhà là đứa con ngoan, chăm lo hầu hạ cha nhưng thực chất bên trong anh ta là đứa ở. Bên ngoài, người con thứ bỏ nhà đi hoang, không nhận ra lòng thương xót của cha, nhưng tự trong lòng, anh đã biết hối cải quay về. Như thế người con đi hoang trở về mới là “người con đích thực”. Mạch văn cho phép hiểu: Những người thu thuế và những người tội lỗi sám hối trở về với Thiên Chúa mới thực sự là con cái Thiên Chúa. Còn những người Pha-ri-sêu và các kinh sư là những người làm thuê.

Liệu những người Pha-ri-sêu có hiểu và có nhận ra sự trớ trêu này qua dụ ngôn không? Bản văn không cho độc giả biết, vì dụ ngôn kết cách đột ngột với lời dạy của người cha: “31Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,31-32). Dụ ngôn kết dở dang ở đây để lại nhiều câu hỏi:

Người anh cả phản ứng thế nào trước lời dạy của cha mình? Liệu lời giáo huấn này có làm người con cả thay đổi lập trường để biến tức giận thành niềm vui và trở lại làm con cái trong nhà hay không? Liệu người anh có đổi cách suy nghĩ của người nô lệ để sống và ứng xử với cha với tư cách là con và đón nhận em mình với tư cách là anh hay không?

Khi áp dụng dụ ngôn cho những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, độc giả biết câu trả lời cho những câu hỏi trên là “KHÔNG”, bằng chứng là trong phần tiếp của Tin Mừng, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư đã đeo đuổi cho đến cùng việc chống đối Đức Giê-su và họ đã góp phần vào việc giết chết Đức Giê-su trên thập giá.

6. Áp dụng dụ ngôn cho độc giả

Những điều trên đây là diễn tiến trình thuật trong Tin Mừng, điều quan trọng mà bản văn nhắm tới là quyết định của độc giả, vì bản văn được viết ra cho độc giả. Ở đây là độc giả của cộng đoàn Lu-ca cuối thế kỷ I và cũng độc giả qua mọi thời đại. Độc giả nghĩ gì và quyết định thế nào sau khi đọc trình thuật. Thiết nghĩ độc giả có thể rút ra ba bài học từ câu chuyện: 

1) Bài học nơi người con thứ. Dám quyết định, dám ra đi, dám sống hết mình, dám nhìn nhận sự thật về mình, dám nhận trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Đáng phục hơn cả là dám đứng lên, dám làm lại cuộc đời, dám quay lưng lại với quá khứ, dám hối cải và trở về để sống trọn vẹn tư cách làm con trong tình yêu thương của cha mình. Trong trình thuật, việc những người thu thế và tội lỗi “đến với Đức Giê-su và nghe Người giảng” (15,1) được ví như là người con thứ đã can đảm hối cải trở về. Vậy, độc giả đang ở giai đoạn nào trong hành trình tìm kiếm của người con thứ?

2) Bài học từ người anh cả. Có bao giờ chúng ta nghĩ mình là “con cái trong nhà” mà thực sự đang sống như “người làm công” hay không? Trong tương quan với anh chị em mình, làm thế nào để đón nhận và cùng chia sẻ trách nhiệm với anh chị em mình chứ không dùng kiểu nói của người con cả: “Thằng con của cha đó”. Liệu lời dạy của người cha có làm cho độc giả nhận ra sự thật trong tương quan với Cha trên trời và với anh chị em mình không?

3) Bài học nơi cách xử sự của người cha. Có nhiều điều để học hỏi nơi người cha về cách giải quyết những vấn đề phức tạp và tế nhị  trong cuộc sống. Có thể nói, khởi đầu dụ ngôn, người cha có hai người con, nhưng trong thực tế lại không có đứa con nào cả. Một đứa thì đi hoang, một đứa thì sống ở nhà với cha nhưng lại sống như một người làm công chứ không phải là con. Làm thế nào để vừa tôn trọng tự do của đứa con muốn ra đi, vừa biết chỉ dạy cho đứa con ở lại về cách thức làm con? Bản văn mời gọi các bậc cha mẹ – cũng như những người có trách nhiệm trên người khác – biết áp dụng cách giáo dục của người cha: Dùng tình thương để cảm hoá và tôn trọng sự tự do để giáo dục sự tự do. Nhờ đó con người có khả năng lấy những quyết định đúng đắn cho mình.

Cả ba bài học trên được trao vào tay người đọc là tất cả chúng ta. Câu chuyện vẫn chỉ là câu chuyện, dụ ngôn vẫn mãi mãi là dụ ngôn. Bản văn luôn là những gợi ý, những đề nghị chứ không trả lời thay cho chúng ta.

Kết luận

Trình thuật mở đầu (Lc 15,1-3) và dụ ngôn người cha nhân hậu với hai người con (Lc 15,11-32) vẽ lên một bức tranh với nhiều màu sắc mạnh mẽ có khả năng dẫn người đọc đến suy tư và nhận ra chính mình trong các nhân vật ấy.

Phần mở đầu (15,1-3) và phần dụ ngôn (15,11-32) soi sáng cho nhau và nối kết chặt chẽ với nhau. Đứa con hoang đàng sám hối trở về là hình ảnh của những người thu thuế và những người tội lỗi đến với Đức Giê-su và nghe Người giảng dạy. Cách xử sự của người con cả là hình ảnh của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư. Họ tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa, nhưng khi chống đối và bách hại Đức Giê-su, họ đã lạc đường và không sống tư cách làm con Thiên Chúa nữa. Tất cả những tình tiết trong toàn bộ trình thuật được gửi đến độc giả như một lời mời gọi độc giả đọc ra được ý nghĩa của câu chuyện.

Ước mong độc giả thưởng thức được những chi tiết độc đáo trong bản văn, với những nét đẹp, nét tương phản, nét châm biếm, cùng với những lời trách móc và sự hiểu lầm của các nhân vật… Nhờ việc sống với bản văn và suy niệm dụ ngôn, người đọc sẽ được biến đổi để dần dần sống trọn vẹn tư cách làm con và xây dựng tình anh em nhờ sự hối cải và trở về với Tình Yêu đích thực của Cha trên trời./.

Ngày 26 tháng 03 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.  

22/03/2011

Mt 23,1-12: “Lời nói và việc làm” – “gương sáng và gương mù”


Bản văn Mt 23,1-12 (NPD/CGKPV)

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:
2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.
3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.
4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.
5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.
6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,
7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.
9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.
11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.



Nội dung

1. Tóm lược ý chính đoạn văn Mt 23,1-12
2. “Nói” và “làm”
3. “Gương sáng” và “gương mù”
4. Kết luận



1. Tóm lược ý chính đoạn văn Mt 23,1-12

Bài Tin Mừng Mt 23,1-12 gồm hai phần. Phần đầu nói về việc các kinh sư và những người Pha-ri-sêu “nói” mà không “làm”. Tuy vậy, Đức Giê-su dặn dân chúng và các môn đệ là đừng “làm theo” những gì “họ làm” nhưng “hãy làm” và “hãy giữ” những gì “họ dạy” theo luật Mô-sê (23,2-4). Tiếp đến Đức Giê-su làm lộ ra sự thật bên trong của những gì xem ra tốt đẹp bên ngoài: Đeo hộp kinh lớn, tua áo thật dài, ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc và trong hội đường. Những điều này tự nó không xấu. Nhưng khi Đức Giê-su có ý trách họ giả hình, Người đã làm lộ ra sự thật trong lòng họ, sự thật này không thể thấy bằng mắt.

Phần thứ hai, Đức Giê-su dựa trên những gì các kinh sư và những người Pha-ri-sêu đã làm để giáo huấn về cách sống của người môn đệ trong tương quan với quyền bính. Trong ý hướng thần học và tâm linh, người môn đệ của Đức Giê-su chỉ có một Cha là Thiên Chúa, chỉ có một Thầy là Đức Giê-su, chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô, còn tất cả là anh em với nhau. Điểm giáo huấn này có ý nghĩa nền tảng cho đời sống của người tin trong tương quan với Thiên Chúa. Cho dù theo văn hoá khác nhau và với các chức vụ khác nhau trong xã hội, chúng ta gọi nhau bằng danh xưng nào đi nữa (gọi người khác là thầy, là cha, là ông…) thì giáo huấn của Đức Giê-su vẫn luôn có giá trị. Người mời gọi chúng ta thiết lập tương quan sâu xa trong niềm tin với Thiên Chúa là Cha duy nhất, với Đức Giê-su là vị Thầy, vị lãnh đạo, vị mục tử duy nhất, và với nhau. Trên nền tảng đức tin và lòng mến, tất cả chúng ta là anh em với nhau, là con cùng một Cha trên trời.

Kết thúc bài tin mừng Đức Giê-su dùng hình ảnh đối lập: “người làm lớn” – “người phục vụ”, “kẻ tôn mình lên” – “kẻ hạ mình xuống”. Đây là kiểu nói đối lập để làm nổi bật tinh thần sống của người môn đệ. Không nên áp dụng cách ngây thơ theo nghĩa: “Phục vụ để được làm lớn”, hay “hạ mình để được nâng lên”. Nếu áp dụng như thế, chúng ta không khác gì các kinh sư và những người Pha-ri-sêu. Tuy phương tiện khác nhưng mục đích lại giống họ: Thích được làm lớn và thích ngồi chỗ nhất. Có lẽ nên hiểu là, qua kiểu nói trên, Đức Giê-su muốn các môn đệ sống đúng vị trí của mình trong tương quan mới mẻ với Thiên Chúa, với Đức Giê-su và với nhau. Trong đời sống mới, người tin được mời gọi noi gương Đức Giê-su: Phục vụ và hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá vì yêu thương.

Qua những ý tưởng trên của bài Tin Mừng xin chia sẻ hai ý tưởng: 1) “Nói” và “làm”, 2) “Gương sáng” và “gương mù”.

2. “Nói” và “làm”

Chúng ta thường nghe nói: “Nói” phải đi đôi với “làm”. Chỉ những ai làm theo những gì mình nói, lúc đó chúng ta mới nghe theo lời dạy bảo của Người ấy. Lý tưởng là như thế, nhưng trong Mt 23,2-3, Đức Giê-su đi xa hơn một bước. Người phân biệt giữa “nói” và “làm”. Không cần chờ đến “nói” và “làm” ăn khớp với nhau mới nghe theo sự chỉ dạy của người khác. Sự phân biệt giữa “nói” và “làm” đòi hỏi sự sáng suốt và biết cách lượng giá để không đồng hoá “lời nói” với “việc làm”. Cũng không vội kết luận rằng: Người nói sống chưa tốt (trường hợp các kinh sư và những người Pha-ri-sêu), thì tất cả những gì họ nói và giảng dạy đều không có giá trị, không đáng để được lắng nghe và thực hành. Ngược lại, Đức Giê-su mời gọi dân chúng, các môn đệ và độc giả biết phân biệt giữa “lời nói đúng” và “lời nói sai”, phân biệt giữa “việc làm đúng” và “việc làm sai”.

Theo giáo huấn của Đức Giê-su: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3). Đây là trường hợp “nói đúng” - “làm sai”. “Nói đúng” nên vẫn phải lắng nghe và tuân giữ. Đức Giê-su nhấn mạnh bằng hai động từ “làm” (poieô) và “giữ” (têreô), còn động từ “nghe” (akouô) không nói đến. Bởi vì, có thể “nghe” mà không “làm” và không “giữ”. Nhưng nếu đã “làm” và “giữ” thì chắc chắn là có nghe và hiểu để biết phải làm gì và giữ điều gì. Ngược lại, Đức Giê-su cũng muốn mọi người nhận ra việc “làm sai” để không làm” (poieô) theo những điều sai ấy.

Như thế, Đức Giê-su dạy dân chúng, các môn đệ và độc giả hai điều: (1) “Làm” và “giữ” những gì người khác “nói đúng”, (2) “Không làm”, “không noi theo” những gì người khác “làm sai”. Ở cấp độ cao hơn, Đức Giê-su mời gọi thính giả nhận ra sự thật phía sau lời nói và hành động để xác định: “nói đúng” hay “nói sai”, “làm đúng” hay “làm sai” để từ đó có cách ứng xử thích hợp.

Trong thực tế, không hề đơn giản để biết được điều này. Có thể xảy ra trường hợp “nói đúng” hay “làm đúng” mà dư luận lại lầm tưởng là “nói sai” hay “làm sai”. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5) có thể được dân chúng đánh giá là đạo đức và yêu mến Lời Chúa. Ngược lại, việc Đức Giê-su ăn uống với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi” (Mt 9,10) lại bị những người Pha-ri-sêu cho là “làm sai”, “làm điều chướng”. 

Nhiều lúc chúng ta vẫn chờ đến lúc “lời nói” và “việc làm” của người giảng dạy phải ăn khớp với nhau thì mới nghe. Nhưng xét cho cùng, giữa “nói” và “làm” luôn có một khoảng cách. Trường hợp các kinh sư và những người Pha-ri-sêu là “nói” và “làm” không ăn khớp nhau. Nhưng cũng có trường hợp “biết đúng”, “nói đúng” và “ước ao làm đúng” nhưng vì con người yếu đuối nên vẫn chưa làm được, nghĩa là “việc làm” vẫn chưa ăn khớp với “lời nói”. Nếu chờ đến lúc “lời nói” và “việc làm” hoàn toàn ăn khớp với nhau mới “nghe theo” thì e rằng chờ cả đời cũng chưa học hỏi được gì, chỉ vì không thể xoá bỏ khoảng cách giữa “lời nói” và “việc làm”, giữa “ước mơ” và “hiện thực”, giữa “lý thuyết” và “thực hành”.   

Giáo huấn của Đức Giê-su sâu xa và mang tính thực tiễn. Điều quan trọng là lượng giá để biết điều gì tốt, điều gì không tốt, đều gì đúng và điều gì sai. Phân biệt lời nào là “lời nói đúng”, lời nào là “lời nói sai”, phân biệt giữa “việc làm đúng” và “việc làm sai”. Khả năng biện phân này giúp chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều mà không vội đánh giá hay xét đoán người khác. “Đúng” hay “sai” cũng có thể học hỏi. “Nói đúng”, “làm đúng” thì học để theo, “nói sai”, “làm sai” thì học để tránh. Tuy nhiên, việc xác định “đúng”, “sai” trong cuộc sống là điều phức tạp và tế nhị, cần uyển chuyển, sáng suốt và luôn luôn nhận định lại theo từng thời điểm. Bởi vì mọi thực lại luôn chuyển biến theo thời gian.

Bài Tin Mừng Mt 23,1-12 có nhiều điều để học hỏi: “học để theo” và “học để tránh”: Học hỏi để cố gắng làm cho “lời nói” đi đôi với “việc làm” bao nhiêu có thể được; học để tránh sự khoe khoang và ham hố quyền cao chức trọng; học để biết sống với nhau như là anh em, phục vụ và nâng đỡ nhau. Học để bước vào tương quan với Thiên Chúa là Cha, học để bước vào tương quan với Đức Giê-su là vị Thầy duy nhất có khả năng đem lại sự sống đời đời cho người tin.

Bản văn mời gọi độc giả học để “biết cách nghe”, “biết cách nhìn”, “biết nhận định” về sự phức tạp của cái gọi là “gương sáng” (làm đúng) và “gương mù” (làm sai).

3. “Gương sáng” và “gương mù”

Thường thì có hai loại gương: “Gương sáng” và “gương mù”, “gương xấu”. Theo nghĩa thông thường “gương sáng” chỉ những việc tốt đẹp để mọi người thấy mà noi theo. Còn “gương mù” là những việc thiên hạ thấy nhưng là những điều không tốt và trở thành gương xấu cho người khác.

Đoạn Tin Mừng Mt 23,1-12 cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Có những tấm gương bên ngoài xem ra là “gương sáng” nhưng thực sự lại là “gương mù”. Những điều các kinh sư và những người Pha-ri-sêu làm có thể được nhiều người coi là “gương sáng”. Họ đang làm những việc đáng quý, đáng trọng và dân chúng nghĩ là nên làm theo: Đeo hộp kinh, mang tua áo. Họ được người thời đó kính trọng và ngưỡng mộ, nên họ có chỗ danh dự trong đám tiệc và hàng ghế đầu trong hội đường (Mt 23,6).

Những điều mà thiên hạ cho là quý trọng ấy thì Đức Giê-su đã làm lộ ra sự thật trong lòng họ. Thực chất ẩn dấu bên trong bằng một hình thức tốt đẹp bên ngoài. Sự không ăn khớp giữa “ý hướng bên trong” và “việc làm bên ngoài” đã làm cho những công việc “tốt đẹp” ấy trở thành giả hình. Vì họ làm là cốt để cho thiên hạ thấy, để mình được thiên hạ kính trọng (Mt 23,5). Họ thực hành việc đạo đức để tìm hư danh chứ không vì lòng yêu mến và tôn kính Thiên Chúa. Như thế, những việc họ làm thực sự là những tấm gương mù. Gương mù bởi sự “trống rỗng” bên trong đối với Thiên Chúa nhưng lại “đầy dẫy” tham vọng hư danh.

Trình thuật Tin Mừng cho thấy: Để phân biệt đâu là gương sáng đâu là gương mù là điều không đơn giản. Chỉ Đức Giê-su, Đấng biết mọi sự, mới có thể làm lộ ra sự thật bên trong của những hành động xem ra tốt đẹp bên ngoài. Qua đó Người dặn dò đám đông, các môn đệ và độc giả cần thận trọng trong việc nhận định hành động nào là “gương sáng”, việc làm nào là “gương mù”.

Trong thực tế, vấn đề phân biệt như trên là rất tế nhị. Có những hành động được xem là gương mù trước mắt thiên hạ, nhưng thực sự lại là gương sáng. Trở lại câu chuyện Đức Giê-su ăn uống với người tội lỗi (Mt 9,10), hành động này nhìn từ phía những người Pha-ri-sêu là gương mù, gương xấu. Vì theo đánh giá của họ, một bậc thầy mà ăn uống với người tội lỗi là không thể nhấp nhận. Bức xúc trước việc chướng tai gai mắt đó, họ đã hỏi các môn đệ của Đức Giê-su: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” (9,11)   

Ngược lại, đối với các môn đệ và người tin, việc Đức Giê-su ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi lại là một “gương sáng”. “Gương sáng” không phải ở trong việc ăn uống với người tội lỗi nhưng là hệ tại ở lòng thương xót của Đức Giê-su đối với họ. Nếu như “người khoẻ không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (9,12), thì việc đến với người tội lỗi là sứ mạng của Đức Giê-su và cũng là sứ mạng của các môn đệ và của người tin qua mọi thời đại. Như thế, điều làm cho một hành động trở thành “gương sáng” thực sự là “gương sáng” không phải là những cái bên ngoài có thể thấy được, mà là động lực và ý hướng bên trong không thấy được bằng mắt. Như thế, có trường hợp một “tấm gương” có thể đối với người này là “sáng”, nhưng đối với người khác lại là “mù”. Việc Đức Giê-su đến với người tội lỗi là “gương sáng” cho các môn đệ nhưng lại là “gương mù” đối với những người Pha-ri-sêu.

Hơn nữa, trước một hành động người ta có thể chỉ lượng giá theo khía cạnh tiêu cực của nó. Đức Giê-su đã ở trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Người nói: “Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ấy bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Mt 11,18-19a). Rồi Đức Giê-su kết luận: “Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được nhìn nhận là đúng qua hành động” (Mt 11,19b). Vì thế, cần xác tín ơn gọi và công việc của mình, dùng trí khôn Chúa ban và dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su để có thể lượng giá đúng theo sự thật.

4. Kết luận

Sự thống nhất giữa “lời nói” và “việc làm” là điều mọi người đều mong ước và người có lương tri sẽ cố gắng suốt cả đời để thực hiện điều đó. Điểm độc đáo trong bài Tin Mừng là Đức Giê-su mời gọi dân chúng, các môn đệ và độc giả phân biệt giữa “nói” và “làm”. Điều quan trọng là lượng giá những động lực sâu xa của việc làm và của lời nói theo giáo huấn của Đức Giê-su. Nhờ tìm hiểu và học hỏi Tin Mừng, chúng ta có thể phần nào phân biệt được đúng hay sai trong lời nói và trong việc làm theo tinh thần của Tin Mừng để học hỏi. “Nói đúng” hay “làm đúng” thì học để làm theo và tuân giữ, “nói sai” hay “làm sai” thì học để tránh.  

Trong cuộc sống thường ngày, phân biệt đâu là “gương sáng”, đâu là “gương mù” là rất khó. Điều quan trọng là động lực bên trong của hành động có phù hợp với Tin Mừng hay không. Đời sống xã hội và cộng đoàn cần có những tấm gương sáng, nhưng không phải “làm gương” chỉ là để “làm gương”, chỉ để trở thành “những tấm gương” mà tác dụng của nó có thể là “gương sáng” đối với người này nhưng lại là “gương mù” đối với kẻ khác.

Có lẽ không nên quá đề cao việc “làm gương”, vì tự nó dị nghĩa, mà tập trung vào điều quan trọng và sâu xa hơn. Đó là “làm chứng” cho Tin Mừng, “làm chứng” về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa với sự xác tín bên trong và cách thể hiện riêng của mình, đồng thời tôn trọng sự xác tín bên trong và cách thể hiện ra bên ngoài của người khác./.

Ngày 22 tháng 03 năm 2011
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

16/03/2011

Mt 17,1-9: Lên núi cao để thấy cái không thể mô tả, để nghe lời phát ra từ đám mây.





Bản văn Mt 17,1-9 (NPD/CGKPV)

1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.
2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.
4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."
5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! "
6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.
7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ! "
8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.



Nội dung
Dẫn nhập
1) Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.
2) Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt.
3) Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai.
Kết Luận



Dẫn nhập

Bài Tin Mừng “Biến đổi hình dạng ở trên núi” (Mt 16,1-9) nằm giữa hai lần Đức Giê-su báo trước Thương Khó – Phục Sinh: Lần thứ nhất ở Mt 16,21-23 và  thứ hai ở Mt 17,22-23. Chúng ta vẫn quen gọi: “Ba lần Đức Giê-su báo trước cuộc Thương Khó”, nhưng trong cả ba lần Đức Giê-su đều nói tới biến cố Phục Sinh bằng một câu ngắn ngủi: “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21; 17,23; 20,19).

Có lẽ nói ngắn quá nên các môn đệ trong bản văn cũng như cộng đoàn Mát-thêu cuối thế kỷ I và cả độc giả ngày nay không để ý, hay xem nhẹ ba lần báo trước sự Phục Sinh. Vì thế, trình thuật Đức Giê-su được biến đổi hình dạng (Mt 17,1-9) nhằm làm lộ ra vinh quang tiềm ẩn nơi Đức Giê-su và nhất là mặc khải cho các môn đệ và cho độc giả biết Đức Giê-su là ai và chúng ta phải làm gì.

Trình thuật Đức Giê-su được biến đổi hình dạng và tiếng phát ra từ đám mây vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp có một không hai trong sách Tin Mừng với những hình ảnh và ngôn từ rất đặc biệt. Có thể tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 17,1-9 qua ba mục:
1) Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.
2) Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt.
3) Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai.

1) Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.

Trình thuật bắt đầu bằng sự tách biệt với đời thường về thời gian, về không gian và về con người: “Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

a) Yếu tố thời gian là “sáu ngày sau”, đánh dấu sự phân cách với những gì đã xảy ra trước đó một tuần. Người kể chuyện không nói gì về sáu ngày này, như thể sáu ngày im lặng không kể gì cả để làm cho biến cố xảy ra trên núi cao trở thành một trong những đỉnh cao của sách Tin Mừng.

b) Trình thuật nói đến tách biệt về nơi chốn. Ba môn đệ được tách riêng ra một nơi và được đưa lên một ngọn núi cao. Đó là núi nào? Bản văn không nói rõ. Độc giả không nên tìm cách đặt tên, vì bản văn nói đến một nơi tượng trưng, núi cao là nơi Thiên Chúa bày tỏ và gặp gỡ con người. Bản văn cố tình không cho biết núi nào để đưa độc giả ra khỏi những gì là bình thường. Cần ra khỏi khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác để có thể hiểu được một biến cố vượt ra ngoài thời gian và không gian bình thường. Nơi chốn không rõ, thời gian cũng bị vượt khỏi giới hạn, cụ thể trong trình thuật là những nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ như Mô-sê, Ê-li-a và Đức Giê-su lại có thể đàm đạo với nhau.

(Trình thuật không nói rõ nơi nào, nhưng truyền thống Hội Thánh cần một nơi để ghi nhớ biến cố này. Núi Ta-bo ở Ga-li-lê đã được chọn, đây là một ngọn núi riêng biệt, chung quanh không có đồi núi, nên có thể thấy từ xa. Hiện nay có một ngôi thánh đường trên đỉnh núi và khách hành hương đến để sống và suy niệm về biến cố này).

c) Tách biệt về con người, vì chỉ có ba môn đệ được chọn: “Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an”. Đây là Nhóm thu nhỏ của Nhóm Mười Hai, đại diện cho tất cả các môn đệ khác. Sự tách biệt này là dấu hiệu văn chương báo trước một biến cố quan trọng, nhưng chưa phải là lúc phổ biến rộng rãi cho mọi người. Tuy nhiên, những gì ba môn đệ này đã thấy và đã nghe là để rao giảng cho mọi người qua mọi thời đại được biết. Thực  vậy, nhờ trình thuật, chính độc giả cũng được tách riêng ra, được thấy và được nghe những gì ba môn đệ ngày xưa đã nghe, đã thấy.

Sau khi được tách biệt khỏi thời gian và không gian bình thường, những gì xảy ra trên núi thuộc về một thế giới khác. Đó là thế giới của Thiên Chúa, thế giới không còn khoảng cách thời gian và không gian, thế giới mà ngôn ngữ không thể diễn tả được. Trong khoảng khắc thần linh đó, mặc khải của Thiên Chúa được tỏ bày qua thị giác (để thấy) và qua thính giác (để nghe).

2) Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt

Trước hết, Đức Giê-su không tự mình biến đổi hình dạng mà “Người được biến đổi hình dạng” (metamorphôthê). Động từ Hy Lạp metamorphôthê ở dạng thụ động và  tác nhân được hiểu là Thiên Chúa (passif divin). Chính Thiên Chúa làm cho Đức Giê-su được biến đổi hình dạng.
Sự biến đổi này không chỉ là biến đổi khuôn mặt. Tiếng Pháp quen dùng động từ transfigurer có nghĩa là thay đổi (trans) khuôn mặt (figure). Từ figure có nghĩa đầu tiên là mặt. Trong khi động từ Hy Lạp metamorphoô, tiếng Pháp chuyển âm: métamorphoser, có nghĩa là biến đổi, biến hoá (méta) toàn thân, từ trong bản chất (morphoser). Tiếng Việt có thể dùng cụm từ “biến đổi hình dạng”.

Đức Giê-su được biến đổi hình dạng trước mặt ba môn đệ. Nghĩa là ba môn đệ được chứng kiến sự kiện nhưng họ đã thấy gì? Người thuật chuyện kể: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” Nếu dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời thì làm sao các môn đệ có thể nhìn mà không bị mù mắt. Nếu y phục của Đức Giê-su trở nên trắng tinh như ánh sáng thì làm sao các môn đệ có thể thấy được, vì không ai thấy được ánh sáng mà chỉ có thể thấy sự phản chiếu của ánh sáng nơi sự vật mà thôi.

Thực ra, đây là cách diễn tả những thực tại thần linh bằng thứ ngôn ngữ thị kiến của sách Khải Huyền. Ba môn đệ đang đối diện với thế giới của Thiên Chúa, đối diện với những thực tại thuộc về Thiên Chúa, đối diện với vinh quang của Thiên Chúa, nên ngôn ngữ loài người hoàn toàn bất lực. Ngôn ngữ loài người không mô tả được, chỉ vì điều xảy ra không có trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của con người.

Bằng ngôn ngữ, sách Khải Huyền chỉ có thể mô tả những thị kiến về thế giới thần linh bằng các từ: “như”, “giống như”, “tựa như”... còn điều trông thấy thì không thể mô tả được. Chẳng hạn Gio-an mô tả thị kiến ở Kh 4,2-3: “Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc”. Kh 4,6 viết: “Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê.” “Trông giống như...”, “như...” còn thực sự thế nào thì không mô tả được.

Có thể nói, trên núi cao, giữa trời và đất, ba môn đệ được thấy “thị kiến” về Đức Giê-su trong thế giới của Thiên Chúa, chỉ có thể mô tả bằng so sánh “như”: “Chói lọi như mặt trời”, “trắng tinh như ánh sáng”, nghĩa là dung nhan của Đức Giê-su không phải là mặt trời, và y phục của Người cũng chẳng phải là ánh sáng, chỉ là “như”, “giống như” mà thôi.
Trong thế giới thần linh ấy, các nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ có thể ngồi lại đàm đạo với nhau. Theo Kinh Thánh, Mô-sê dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập vào thế kỷ XIII TCN, Ê-li-a là ngôn sứ dưới thời vua A-kháp, thế kỷ VIII TCN và Đức Giê-su thế kỷ I SCN.

Nội dung đàm đạo không được kể ra, nhưng điều chắc chắn là có trao đổi giữa các nhân vật. Trong thế giới trên cao, điều nhấn mạnh là tương quan giữa người sống và người đã khuất, là nối kết giữa các thế hệ với nhau, như thể khoảng cách thời gian không còn nữa. Ba môn đệ là chứng nhân cuộc đàm đạo nhưng nội dung lại vượt ra ngoài sự nắm bắt của người phàm.

Lời Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a” (17,4). Lời đề nghị này vừa cho thấy các môn đệ muốn kéo dài thị kiến vì biến cố quá hay, quá tốt, quá đẹp, vừa có nét hài hước vì Phê-rô đề nghị làm ba lều cho Đức Giê-su, Mô-sê và Ê-li-a như thể những nhân vật đã khuất như Mô-sê và Ê-li-a không thuộc về thế giới này lại cần lều để ở, còn ba môn đệ là người phàm lại không cần lều.

3) Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai

Mặc khải bằng thị kiến kết thúc với sự lên tiếng của con người, cụ thể là Phê-rô, và chuyển sang hình thức mặc khải thứ hai: “Tiếng nói từ đám mây”: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (17,5).

Từ kinh nghiệm thị kiến, thấy bằng mắt, chuyển sang mặc khải bằng lời qua tiếng phát ra. Các môn đệ chỉ có thể lãnh hội được nội dung bằng cách “nghe”. Tiếng phát ra từ đám mây không phải là tiếng con người, tiếng này có nguồn gốc từ trời và bí ẩn. Lối hành văn phù hợp với bối cảnh của biến cố trình bày mặc khải của Thiên Chúa.

Cách thứ nhất, mặc khải bằng thị kiến là vén bức màn lên (mạc khải) để soi sáng những gì còn ẩn dấu (mặc khải). Cách thứ hai là mặc khải bằng lời, hàm ẩn sự lắng nghe để hiểu, ở đây lắng nghe theo nghĩa đón nhận, cho dù chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa của lời mặc khải. Trong trình thuật biến hình, có cả hai cách mặc khải, nhằm giúp ba môn đệ và độc giả hiểu được Đức Giê-su là ai.

Lời phát ra từ đám mây (17,5), nhắc lại tiếng phát ra từ trời sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa ở đầu sách Tin Mừng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Mt 17,5 có thêm hai yếu tố mới: (1) “Hãy vâng nghe lời Người”, dịch sát: “Hãy nghe Người (akouete autou)”, (2) Tiếng phát ra từ đám mây nói trực tiếp với ba môn đệ và qua đó nói với độc giả qua mọi thời đại về căn tính của Đức Giê-su và tương quan của Người với Thiên Chúa Cha. Lời nói từ đám mây gồm một lời giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta” và một mệnh lệnh: “Các người hãy nghe Người.”

Khi gọi ai là Con (huios) thì người ấy là Cha, như thế lời phát ra muốn các môn đệ và độc giả biết Đức Giê-su có tương quan “Cha – Con” với Thiên Chúa, Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa. Mệnh lệnh nói với ba môn đệ và cho độc giả: “Hãy nghe Người” là một khẳng định quan trọng nói lên sự thay đổi lớn trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, như thể Chúa Cha tự xoá mình trước Đức Giê-su là Con yêu dấu của Người.

Thực vậy, trước khi Đức Giê-su xuất hiện, Thiên Chúa phán với dân và dân nghe lời Người. Khi Đức Giê-su xuất hiện, Chúa Cha dặn các môn đệ: Hãy nghe lời Đức Giê-su. Như thế, tương quan “Thiên Chúa / dân” trong Cựu Ước trở thành tương quan “Đức Giê-su / môn đệ” trong Tân Ước, và đây là ý muốn của Chúa Cha.

Nghe lời Đức Giê-su là nghe tất cả những gì Người nói và dạy. Đặc biệt đón nhận lời loan báo Thương Khó và Phục Sinh đã được loan báo trước đó và Người sẽ báo trước thêm hai lần nữa để nhấn mạnh biến cố nền tảng và nghịch lý này. Như thế, biến cố trên núi cao không phải là một biến cố tách rời khỏi các trình thuật khác. Ngược lại, lời mời gọi “nghe lời Đức Giê-su”, nối kết biến cố trên núi cao với toàn bộ giáo huấn của Đức Giê-su trong sách Tin Mừng. 

Đối diện với thế giới của Thiên Chúa và vinh quang của Người, các môn đệ đã “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (17,5). Chính Đức Giê-su đã đưa các ông trở lại đời thường bằng cách chạm vào các ông và nói: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”, các ông ngước mắt lên và mọi chuyện lại trở về thực tế. Nhưng biến cố ấy, những gì đã thấy, những lời đã nghe, sẽ không bao giờ rời khỏi các ông.

Kết luận

Giữa hai lần báo trước biến cố Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giê-su đưa ba môn đệ ra khỏi đời thường để bước vào thế giới của Thiên Chúa. Ở đó những điều xảy ra nhằm mặc khải căn tính của Đức Giê-su. Biến cố trên núi cao báo trước sự Phục Sinh của Đức Giê-su vì Người có nguồn gốc thần linh, Người có Cha là Thiên Chúa, Người là Con và được Chúa Cha yêu thương. Chính Chúa Cha ra lệnh cho các môn đệ lắng nghe giáo huấn của Đức Giê-su.

Trình thuật Đức Giê-su được biến đổi hình dạng trên núi cao và lời phát ra từ đám mây là những tia sáng mạnh mẽ như ánh sáng mặt trời, có khả năng soi sáng cho cuộc đời của độc giả mọi nơi mọi thời đang bước đi trong đêm tối, đang sống trong khó khăn thử thách của cuộc sống, đang nghi ngờ về căn tính của Đức Giê-su và chưa biết rõ Người là ai. Có thể nói, biến cố trên núi cao là hình ảnh của biến cố Phục Sinh, trước khi biến cố Thương Khó xảy ra. Đây là niềm hy vọng lớn lao cho ba môn đệ và cho độc giả.

Đọc xong trình thuật, liệu độc giả, là tất cả chúng ta, có thực sự sống biến cố xảy ra trên núi như ba môn đệ hay không?
Liệu độc giả có cùng với các môn đệ tách ra khỏi đời thường để ngây ngất trước vẻ đẹp của thế giới trên cao hay không?
Liệu độc giả mọi nơi mọi thời có nghe được tiếng phát từ trời để biết Đức Giê-su là ai (là Con Thiên Chúa) và biết phải làm gì (Nghe Đức Giê-su) hay không?

Ước gì mặc khải ngắn ngủi trong bản văn bằng thị kiến để thấy, và bằng lời để nghe có khả năng gây ấn tượng lâu dài và trở thành một lời mời gọi tin và vững tin vào Đức Giê-su trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách.
Mong sao mệnh lệnh “Hãy nghe Người” là lời thúc đẩy chúng ta đến với Tin Mừng, đọc Tin Mừng để nhận ra lời của Đức Giê-su là Lời sự sống, Lời đem lại ý nghĩa cho cuộc đời này./.

Ngày 16 tháng 03 năm 2011
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.