Bài viết
tiếng Anh: Jn
6:30-36. Daily bread, everlasting bread
Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 21 tháng 04 năm 2020.
Nội dung
I. Bối cảnh, bản văn và cấu trúc Ga 6,22-40
1. Bối cảnh ch. 6
2. Bản văn Ga 6,22-40
3. Cấu trúc đoạn
văn 6,22-40
II. Bánh hằng ngày
1. Dấu lạ bánh và cá hoá nhiều; man-na trong
sa mạc
2. Sự hiểu lầm của thính giả
III. Bánh hằng sống
1. Bánh xuống từ trời, bánh đích thực
2. Bánh ban sự sống cho thế gian
3.
Chính Đức
Giê-su là bánh sự sống
4. Bánh làm thoả mãn
mọi đói khát của con người
Kết luận
Sách tham khảo
Dẫn nhập
Trong sách chú giải Tin Mừng Gio-an của R.E. Brown, tác giả trình bày nhiều vấn
đề phức tạp, liên quan đến việc biên soạn ch. 6 của Tin Mừng Gio-an. Tác giả
cũng nêu lên những khó khăn trên bình diện lịch sử khi nối kết hai dấu lạ
(6,1-21) với diễn từ bánh sự sống (6,25-59). Xem R.E. Brown, The
Gospel, vol. I, p. 258-259, (xem chi tiết tài
liệu ở “Sách tham khảo”, cuối bài viết). Tuy nhiên, trên bình diện văn chương
và thần học, ch. 6 có kết cấu chặt chẽ. R. Schnackenburg viết: “Ga 6 là một đơn
vị độc lập trong đó cho thấy rõ ràng là được biên soạn cẩn thận. Chức năng của
Ga 6 trong Tin Mừng là miêu tả một giai đoạn hoạt động của Đức Giê-su ở Ga-li-lê; thực ra, đó là
đỉnh cao và là bước ngoặt. Về chủ đề, Ga 6 trình bày cho chúng ta mặc khải của
Đức Giêsu về chính Người như là bánh sự sống.” (R. Schnackenburg, The
Gospel, vol. II, p. 10).
Ch. 6 trình bày hoạt
động của Đức Giê-su ở Ga-li-lê, trong khi ch. 5 và ch. 7 thuật lại
hoạt động của Người ở Giê-ru-sa-lem. Ga 6 là chương dài nhất trong Tin Mừng (71
câu), trong đó Đức Giê-su mặc
khải về căn tính, nguồn gốc và sứ vụ của Người qua đề tài “bánh”. Bài viết phân tích đề
tài “bánh hằng ngày, bánh
hằng sống” trong ch. 6, đặc
biệt trong đoạn văn 6,30-36 qua ba mục: (I) bối cảnh, bản
văn và cấu trúc 6,22-40; (II) bánh hằng ngày; (III) bánh hằng sống.
I. Bối cảnh, bản văn và cấu trúc Ga 6,22-40
Trước khi phân tích đề tài “bánh” trong đoạn văn 6,30-36,
phần sau tìm hiểu ba điểm: (1) bối cảnh ch. 6; (2) bản văn
Ga 6,22-40; (3) cấu trúc đoạn văn 6,22-40.
1. Bối cảnh ch. 6
Ga 6 trình bày hoạt động của Đức Giê-su ở Ga-li-lê gồm
ba phần: (1) phần mở đầu gồm hai dấu lạ: bánh và cá hoá nhiều (6,1-15); Đức
Giê-su đi trên biển hồ Ga-li-lê để đến với các môn đệ (6,16-21). (2) Phần thứ
hai là diễn từ bánh sự sống (6,22-59). Diễn từ này cấu trúc thành bốn đoạn văn:
(a) 6,22-24: chuyển tiếp, đám đông tìm gặp Đức Giê-su; (b) 6,25-40: đề tài chính
là bánh sự sống; (c) 6,41-51: tranh luận về nguồn gốc Đức Giê-su; (d) 6,52-59: đề
tài ăn thịt và uống máu Con Người. (3) Phần thứ ba trình bày hệ quả của diễn từ
qua hai thái độ trái ngược: (a) 6,60-66: nhiều môn đệ bỏ đi, không theo Đức
Giê-su nữa; (b) 6,67-71: Phê-rô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su. (Xem “Ga 6,22-71:
‘Thánh Thể, lý trí và đức tin’”, trong Phân tích thuật
chuyện và cấu trúc, p. 120-121).
2. Bản văn Ga 6,22-40
Người thuật chuyện kể ở 6,22-40:
22 Hôm sau, đám đông đứng bên kia Biển Hồ, thấy
rằng ở đó không có thuyền nào khác ngoại trừ một chiếc, và rằng Đức Giê-su không
cùng với các môn đệ của Người xuống thuyền, nhưng chỉ các
môn đệ của Người ra đi. 23 Những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a cũng đến gần nơi họ
đã ăn bánh tạ ơn của Chúa. 24 Vậy khi đám đông thấy rằng Đức Giê-su không ở đó,
các môn đệ của Người cũng không, họ xuống các thuyền ấy và đến Ca-phác-na-um
tìm Đức Giê-su.
25 Khi thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói với
Người: “Thưa Ráp-bi, Thầy đến đây bao giờ?” 26 Đức Giê-su trả lời họ và nói:
“A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Các ông tìm Tôi không phải vì đã thấy những
dấu lạ, nhưng vì các ông đã ăn bánh và đã được no nê. 27 Các ông hãy làm việc
đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực trường tồn cho sự sống đời đời
mà Con Người sẽ ban cho các ông. Bởi vì trên Người, Cha là Thiên Chúa đã đóng
ấn.” 28 Vậy họ nói với Người: “Chúng tôi làm gì để làm công việc của Thiên
Chúa?” 29 Đức Giê-su trả lời và nói với họ: “Đây là việc của Thiên Chúa là các ông
tin vào Đấng mà Người đã sai đến.”
30 Họ nói với Người: “Vậy chính Ông, Ông làm dấu lạ
nào để chúng tôi thấy và chúng tôi tin Ông? Ông sẽ làm việc gì? 31 Tổ tiên chúng
tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: ‘Bánh bởi trời, Người đã cho họ
ăn.’” 32 Đức Giê-su nói với họ: “A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Không phải
Mô-sê đã cho các ông bánh bởi trời, nhưng chính Cha của Tôi cho các ông bánh
bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh của Thiên Chúa là bánh xuống từ
trời, và ban sự sống cho thế gian.” 34 Họ liền nói với Người: “Thưa Ngài, hãy
cho chúng tôi bánh ấy luôn mãi.” 35 Đức Giê-su nói với họ: “Chính Tôi là bánh
sự sống, người đến với Tôi, không hề đói, và người tin vào Tôi, sẽ chẳng khát
bao giờ. 36 Nhưng Tôi đã nói với các ông: ‘Các ông đã thấy [Tôi] mà các ông
không tin.’
37 Tất cả những người Cha ban cho Tôi sẽ đến với
Tôi, và người đến với Tôi, Tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì Tôi xuống từ trời
không để thực hiện ý muốn của Tôi nhưng thực hiện ý muốn của Đấng đã sai
Tôi. 39 Đây là ý muốn của Đấng đã sai Tôi: Tất cả những ai Người đã ban cho Tôi,
Tôi sẽ không để hư mất một ai, nhưng Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại [trong]
ngày sau hết. 40 Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy Con
và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và chính Tôi sẽ làm cho người
ấy sống lại [trong] ngày sau hết.” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư).
3. Cấu trúc đoạn
văn 6,22-40
Đoạn văn 6,22-40 chia làm hai phần (1) đám đông đến
Ca-pha-na-um tìm gặp Đức Giê-su (6,22-24) và (2) đối thoại
giữa đám đông và Đức Giê-su (6,25-40). Đoạn văn
cấu trúc chi tiết như sau:
Phần đối thoại (6,25-40) gồm 3 tiểu đoạn: 6,25-29;
6,30-36; 6,37-40. Mở đầu tiểu đoạn thứ nhất
(6,25-29) cho thấy đám đông hiểu lầm về đề
tài “bánh”. Đức Giê-su nói với họ ở 6,26: “A-men,
a-men, Tôi nói cho các ông: Các ông tìm Tôi không phải vì đã thấy những dấu lạ,
nhưng vì các ông đã ăn bánh và đã được no nê.” Sau đó Người mời gọi
họ ở 6,27: “Các ông hãy
làm việc đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực trường tồn cho sự sống
đời đời mà Con Người sẽ ban cho các ông.” Phần kết tiểu đoạn thứ nhất, Đức Giê-su nói về “việc của
Thiên Chúa ở 6,29: “Đây là việc
của Thiên Chúa là các ông tin vào Đấng mà Người đã sai đến.” Thực hiện “công
việc của Thiên Chúa” là tin vào Đức Giê-su.
Tiểu đoạn thứ hai
(6,30-36) bàn về đề tài khác. Đám đông yêu
cầu Đức Giê-su thực hiện một dấu lạ (6,30) và họ nhắc lại dấu lạ man-na trong
quá khứ (6,31). Họ nói với Người ở 6,31: “Tổ tiên
chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: ‘Bánh bởi trời, Người đã
cho họ ăn.’” Dựa trên đề tài
“man-na trong sa mạc” là “bánh bởi trời” trong quá khứ, Đức Giê-su mặc khải về
“bánh đích thực” là
“bánh bởi trời” mà Cha của Người sẽ ban cho họ trong hiện tại (6,32). Sau đó,
đám đông xin Đức Giê-su ở 6,34: “Thưa Ngài,
hãy cho chúng tôi bánh ấy luôn mãi.” Phần trả lời
của Đức Giê-su ở 6,35-36 gồm ba
ý chính: (1) Mặc khải về căn tính của Đức Giê-su: “Chính Tôi là bánh sự sống”
(6,35a). (2) Quà tặng của Người cho trần gian: Ai đến với Người sẽ không hề đói, ai tin vào Người sẽ chẳng bao
giờ khát nữa (6,35b). (3) Đám đông hiểu lầm về Đức
Giê-su và về lời của Người. Họ xin Người “bánh” nhưng không
tin vào Người (6,36); nghĩa là đã
không hiểu ý nghĩa dấu lạ bánh và cá hoá nhiều
(6,1-15) và không hiểu giáo huấn của Đức Giê-su.
Trong tiểu đoạn thứ ba (6,37-40),
Đức Giê-su tiếp tục mặc khải về bốn điều quan
trọng: (1) tương quan giữa
Đức Giê-su và Cha của Người; (2) nguồn gốc và sứ
vụ của Người trong thế gian; (3) quà tặng sự sống
đời đời dành cho “tất cả những ai
thấy Con (Đức Giê-su) và tin vào
Người” (6,40); (4) Đức Giê-su làm
cho người tin sống lại trong ngày sau hết; điều này được nhấn mạnh vì lặp lại hai
lần (6,39.40b).
Trong Tin Mừng, “sống
lại ngày sau hết” gợi đến thần học truyền thống về cánh chung, gọi là “cánh
chung trong tương lại” (future eschatology) song song với “cánh chung
hiện tại” (realized eschatology). Đây là nét độc đáo của
thần học Tin Mừng: tin vào Đức
Giê-su thì có sự sống đời đời rồi, không cần chờ đến sau khi chết. Đức Giê-su khẳng
định cách long trọng với những người Do
Thái ở 6,47: “A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Người tin có sự sống đời đời.”
II. Bánh hằng ngày
Đề tài “bánh hằng ngày, bánh hằng sống” được nói đến trong đoạn
văn thứ hai (6,30-36). Độc giả có thể đặt câu hỏi:
Người thuật chuyện nối kết “dấu lạ bánh và cá hoá nhiều”
(6,1-15) và “giáo huấn của Đức Giê-su” (6,25-40) như
thế nào để trình bày đề tài “bánh sự sống”? Để hiểu ý nghĩa “bánh
hằng sống”, cần tìm hiểu “bánh hằng ngày” qua hai điểm: (1) Dấu lạ bánh và cá hoá nhiều; man-na trong sa mạc; (2) sự hiểu lầm của
thính giả.
1. Dấu lạ bánh và
cá hoá nhiều; man-na
trong sa mạc
Hai chi tiết
trong đoạn văn 6,1-40 nói về bánh hằng ngày: (1) dấu lạ bánh và
cá hoá nhiều; (2) man-na.
(1) Từ năm chiếc
bánh lúa mạch và hai con cá, Đức Giê-su đã làm dấu lạ bánh và cá hoá nhiều, muôi ăn một đám
đông lớn: chỉ tính đàn ông đã khoảng năm ngàn
người (6,10), mọi người đã được ăn no nê (6,12). Thấy dấu lạ Đức Giê-su thực
hiện, đám đông đã thốt lên: “Ông này thực sự
là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” (6,14). Từ đó, họ có ý định tôn Đức
Giê-su làm vua. Biết thế, Đức Giê-su lánh lên núi một mình (6,15). Người
từ chối ý định của
đám đông vì họ
đã hiểu dấu lạ bánh và
cá hoá nhiều
theo nghĩa trần thế, theo nghĩa “bánh hằng ngày”. Họ hiểu sai
về dấu lạ và hiểu lầm về Đức Giê-su và
sứ vụ của Người.
(2) “Man-na” liên hệ tới “bánh hằng
ngày”. Sau khi đám đông nói
với Đức Giê-su ở 6,30: “Chính Ông, Ông
làm dấu lạ nào để chúng tôi thấy và chúng tôi tin Ông? Ông sẽ làm việc gì?”, họ nhắc
đến biến cố man-na trong sa mạc ở 6,31: “Tổ tiên
chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: ‘Bánh bởi trời, Người đã
cho họ ăn.’” Trong sách Xuất
Hành, dân Ít-ra-en than trách ông Mô-sê, vì trong sa mạc họ không đủ thức ăn và
nước uống. ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê ở Xh 16,4: “Này, Ta sẽ
làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần
cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có
tuân theo Luật của Ta hay không.” (Cựu Ước lấy trong NPD/CGKPV, Kinh Thánh,
ấn bản 2011). Dân đã có thức ăn như
Xh 16,21 cho biết: “Sáng nào cũng
vậy, mỗi người lượm tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu. Và khi mặt trời toả
sức nóng, thì nó tan ra.” Dân Ít-ra-en
gọi thức ăn rơi xuống từ trời này là “man-na”. Man-na trong sa
mạc vẫn là “bánh hằng ngày”, dân phải lượm man-na
mỗi ngày để ăn. Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su
nhắc lại với những người Do Thái ở 6,49: “Tổ tiên các
ông đã ăn man-na trong sa mạc và đã chết”; sau đó Người mặc
khải về bánh đích thực ở 6,50: “Đây là bánh,
bánh xuống từ trời, để ai ăn bánh này thì không phải chết.” Bánh bởi trời
là chính Đức Giê-su (6,35).
Khi đám đông yêu cầu Đức Giê-su thực hiện dấu lạ
(6,30) và nhắc lại man-na trong sa mạc, họ so sánh Đức
Giê-su với ông Mô-sê. Nhưng
Đức Giê-su không so sánh Người với Mô-sê. Người gọi Thiên Chúa
là Cha và Người là “bánh đích
thực”, nên Đức Giê-su cao trọng hơn Mô-sê.
Trong đoạn văn 6,30-33, đối thoại được trình bày dưới hình thức “hỏi – đáp” cho thấy
đám đông đã hiểu lầm về căn tính Đức Giê-su. Đối với độc
giả, đề tài hiểu lầm trải dài suốt ch. 6. Bằng
cách nào người thuật chuyện giúp độc giả
hiểu ý nghĩa của dấu lạ bánh và cá hoá nhiều? Điều gì làm cho “bánh hằng
ngày” trở thành dấu chỉ của
“bánh hằng
sống”? Để trả lời cần tìm hiểu
đề tài hiểu lầm.
2. Sự hiểu lầm của thính giả
Phần này trình bày hai điểm: (1) kỹ thuật hành văn hiểu
lầm; (2) đám đông hiểu lầm trong ch. 6.
(1) Trong Tin Mừng,
“hiểu lầm” là kỹ thuật hành văn. Người thuật
chuyện giao tiếp với độc giả qua những tình tiết trong bản văn và dùng lối hành văn “hiểu
lầm” để giúp độc giả
“hiểu đúng” lời Đức
Giê-su. Hiểu lầm của đám
đông ở 6,25-34 song song với hiểu lầm của
người phụ nữ Sa-ma-ri ở 4,9-15 với lối hành văn “hỏi (H.) - đáp (Đ.)” được minh hoạ
qua bảng sau:
Những chi tiết song song giữa Ga 6,25-34 và 4,9-15
trên đây cho thấy kỹ thuật hành văn hiểu lầm trong Tin Mừng. (Xem R.E. Brown, The
Gospel, vol. I, p. 267). Mặc khải được trình
bày dựa trên sự hiểu lầm của thính giả. Lối hành văn này tìm thấy trong nhiều trình
thuật khác. Chẳng hạn, đối thoại giữa Đức Giê-su và Ni-cô-đê-mô ở 3,1-12; tranh
luận giữa Đức Giê-su với những kẻ chống đối trong Ga 7–8. Thính giả hiểu lầm là
cơ hội để Đức Giê-su giải thích. Qua đó Người mặc khải về Cha, về nguồn gốc và
sứ vụ của Người. Qua hiểu lầm, Đức Giê-su giải thích cho thính giả và độc giả biết
“bánh sự sống” là gì.
(2) Riêng trong ch. 6, có bốn chi tiết về
hiểu lầm:
a) Sau khi chứng kiến dấu lạ bánh và cá hoá nhiều, đám đông muốn tôn Đức
Giê-su làm vua (6,15). Ý định này dựa trên “thấy thể lý”, nghĩa là chỉ thấy “bánh
hằng ngày” qua sự lạ lùng và phi phường bên ngoài của dấu lạ. Họ quan niệm
vương quyền theo hướng chính trị, nên chưa biết điều Đức Giê-su muốn diễn tả
qua dấu lạ. Nói cách khác phản ứng trên cho thấy đám đông đã hiểu lầm, hiểu sai
ý nghĩa dấu lạ.
b) Sau khi đám đông tìm thấy Đức Giê-su ở Ca-pha-na-um, Người nói với họ
ở 6,26: “A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Các ông tìm Tôi không phải vì đã
thấy những dấu lạ, nhưng vì các ông đã ăn bánh và đã được no nê.” Họ tìm Đức
Giê-su vì “bánh hằng ngày” chứ không phải vì “bánh hằng sống”. Họ muốn có bánh
hằng ngày để ăn như đã được ăn no nê trong dấu lạ bánh và cá hoá nhiều, nên đã hiểu sai dấu lạ này và
hiểu lầm sứ vụ Đức Giê-su.
c) Đám đông xin Đức Giê-su ở 6,34: “Thưa Ngài, hãy cho chúng tôi bánh ấy luôn mãi (pantote).” Họ xin điều này, vì trước đó Đức Giê-su nói với họ ở 6,32-33: “32 A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Không phải Mô-sê đã cho các ông bánh bởi trời, nhưng chính Cha của Tôi cho các ông bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh của Thiên Chúa là bánh xuống từ trời, và ban sự sống cho thế gian.” Theo họ, Đức Giê-su nói về một thứ bánh đặc biệt Thiên Chúa ban, nên họ xin thứ bánh đó “luôn mãi” (pantote). Nghĩa là họ muốn có thứ bánh đó, như man-na trong sa mạc, để ăn qua ngày. Thật ra, “bánh đích thực” Đức Giê-su nói (6,32) là “bánh hằng sống”. Ai có bánh đó thì không bao giờ đói và khát nữa như Người cho biết ở 6,35: “Chính Tôi là bánh sự sống, người đến với Tôi, không hề đói, và người tin vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ (pôpote).” Đám đông xin “bánh hằng ngày” và muốn có mỗi ngày, điều này diễn tả qua trạng từ “pantote” (luôn mãi) ở 6,34. Trong khi Đức Giê-su lại nói về thứ bánh chỉ ban một lần là đủ, diễn tả qua trạng từ “pôpote” (mãi mãi) ở 6,35, có nghĩa là không bao giờ đói và khát nữa. Lời xin của đám đông ở 6,43 trên đây cho thấy họ đã hiểu không đúng về “bánh của Thiên Chúa” (6,33).
d) Đám đông hỏi Đức Giê-su ở 6,30: “Chính Ông, Ông làm dấu lạ nào để
chúng tôi thấy và chúng tôi tin Ông? Ông sẽ làm việc gì?” Ngày hôm trước, họ đã
thấy dấu lạ bánh và cá hoá nhiều (6,1-15), nhưng xem ra dấu lạ này không đủ cho
họ. Thật ra, họ chỉ “thấy” bánh và cá hoá nhiều như là dấu chỉ về Đấng Mê-si-a
trần thế, nên họ chưa thực sự “thấy” dấu lạ.
Qua những hiểu lầm của thính giả trên đây, người thuật chuyện trình bày
với độc giả ý nghĩa đích thực của dấu lạ: bánh và cá hoá nhiều là dấu chỉ về bánh
hằng sống.
III. Bánh hằng sống
Qua hiểu lầm, Đức Giê-su cho biết thế nào là bánh hằng sống với nhiều tên gọi: “bánh
sự sống” (the bread of life), “bánh đích thực” (the true bread),
“bánh đem lại sự sống” (the living bread) hay “bánh hằng sống” (the
everlasting bread). Sau đây là bốn đặc điểm bánh sự sống: (1) bánh bởi
trời, bánh đích thực; (2) bánh ban sự sống cho thế gian; (3) chính Đức Giê-su là
bánh sự sống; (4) bánh làm thoả mãn mọi đói khát của con người.
1. Bánh xuống
từ trời, bánh đích thực
Phần này trình bày ba ý: (1) “bánh xuống từ trời”, “bánh bởi trời”; (2) bánh
đích thực; (3) lối hành văn nhấn mạnh phẩm chất: “thật”, “đích thực” trong Tin
Mừng.
(1) Kiểu nói “bánh xuống từ trời”, “bánh bởi trời” xuất hiện ở 6,31-33.
Đám đông nói với Đức Giê-su ở 6,31: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa
mạc, như có lời chép: ‘Bánh bởi trời, Người đã cho họ ăn.’” Trong câu trả lời (6,32-33,
xem trích dẫn trên đây), Đức Giê-su nói đến “bánh bởi trời, bánh đích thực” (6,32c),
“bánh của Thiên Chúa”, “bánh xuống từ trời” (6,33a). Đây là thứ bánh Cha của Người
ban ngay bây giờ, trong hiện tại. Trong khi đám đông lại nói về man-na trong sa
mạc, thứ bánh rơi xuống từ trời, mà cha ông họ đã ăn trong quá khứ.
(2) Đặc điểm của thứ “bánh” Đức Giê-su nói tới là “bánh đích thực” (6,32c). Cách
dùng tính từ “thật”, “đích thực” (alêthinos) để định nghĩa bánh bởi
trời, cho phép phân biệt bánh này với mọi thứ bánh khác, ngay cả với bánh bởi
trời mà cha ông những người Do-thái đã ăn trong sa-mạc. C.S. Keener nhận xét:
“Bánh mà Đức Giê-su loan báo còn thiết yếu hơn cả man-na đã ban vào thời Mô-sê,
bởi vì đây là ‘bánh đích thực’ (6,32).” (C.S. Keener, The
Gospel, vol. I, p. 682). Đặc tính “thật” (true)
hay “xác thực” (genuine) được nhấn mạnh trong câu 6,32b: “Chính Cha của Tôi
cho các ông bánh bởi trời, bánh đích thực.”
(3) Kiểu nói nhấn mạnh phẩm chất “thật”, “đích thực” là một trong những
đặc điểm văn chương Tin Mừng. Thật vậy, Đức Giê-su là “ánh sáng thật” (1,9), là
“cây nho đích thực” (15,1). Xét đoán của Người là thật (8,16). Người cho biết Cha
của Người là “Đấng chân thật” (7,28); “Cha là Thiên Chúa duy nhất, chân
thật” (17,3). Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến là xác thực (19,35). Vậy “bánh
đích thực (true)” là bánh xác thực (authentic), ban sự sống cho thế
gian (6,33b).
2. Bánh ban sự sống cho thế gian
Đức Giê-su cho biết “bánh đích thực” là “bánh ban sự sống cho thế gian”
(6,33b). Lời mặc khải này tương phản với man-na trong sa mạc (6,31). F.J. Moloney
viết về song song giữa man-na và bánh đích thực: “Trong quá khứ, chính Thiên Chúa
đã ban bánh chứ không phải Mô-sê (6,32). Bây giờ cũng chính Thiên Chúa ấy, Cha
của Đức Giê-su, ban bánh đích thực bởi trời. Man-na thời Mô-sê cung cấp lương
thực cho Ít-ra-en; bánh đích thực bởi trời ban sự sống cho tất cả thế gian.” (F.J.
Moloney, The Gospel,
p. 212).
Khi nói về công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, từ “thế gian” trong cụm
từ “ban sự sống cho thế gian” (6,33b) là kiểu nói quen thuộc trong Tin Mừng. Khi
Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, ông nói ở 1,29: “Đây là Chiên của
Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội thế gian.”
Trong ch. 3, Đức Giê-su nói về tình yêu của Thiên Chúa ở 3,16: “Thiên Chúa đã
quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì
không hư mất, nhưng có sự sống đời đời.” Trong ch. 4, dân thành Sa-ma-ri nói
với người phụ nữ Sa-ma-ri về Đức Giê-su ở 4,42: “Không còn phải vì lời của chị
mà chúng tôi tin. Vì chính chúng tôi đã nghe và đã biết rằng Người thật là Đấng
cứu độ thế gian.” Vậy theo thần học Tin Mừng, Thiên Chúa yêu thương thế gian, đã
sai Đức Giê-su đến để cứu thế gian (3,16), để xoá bỏ tội thế gian (1,26), để
ban sự sống cho thế gian (6,33). “Thế gian” là nơi chốn và là đối tượng để Đức
Giê-su thi hành sứ vụ; xem bài viết “Thế gian (kosmos) là gì, là
ai? (TM Gio-an)”. Tuy nhiên, Đức Giê-su không chỉ
là người ban bánh đích thực, mà chính Người là bánh đích thực, bánh sự sống.
3.
Chính
Đức Giê-su là bánh sự sống
Khi đám đông xin Đức Giê-su ở 6,34: “Thưa Ngài, hãy cho chúng tôi bánh ấy
luôn mãi”, Người trả lời họ ở 6,35: “Chính Tôi là bánh sự sống, người đến với
Tôi, không hề đói, và người tin vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ.” Khi khẳng định
“Chính Tôi là bánh sự sống”, Đức Giê-su đồng hoá Người với “bánh đích thực” (6,32),
“bánh xuống từ trời” (6,33). Trong tiểu đoạn 6,37-40, Đức Giê-su nói với đám đông
ở 6,38: “Tôi xuống từ trời không để thực hiện ý muốn của Tôi nhưng thực hiện
ý muốn của Đấng đã sai Tôi.” So sánh lời này với 6,33: “Bánh của Thiên Chúa là bánh
xuống từ trời, và ban sự sống cho thế gian”, độc giả nhận ra rằng “bánh xuống
từ trời” (6,33) chính là “Đức Giê-su xuống từ trời” (6,38) để thực hiện ý muốn
Đấng đã sai Người.
Kiểu nói “Chính Tôi là” (egô eimi) trong câu “Chính Tôi là bánh
sự sống” là ngôn ngữ đặc thù của thần học Tin Mừng. Đức Giê-su dùng kiểu nói (egô
eimi) kèm theo thuộc từ để diễn tả quà tặng dành cho con người. Chẳng hạn, Đức
Giê-su nói: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian” (8,12a); “Chính Tôi là cửa (ràn chiên)” (10,9a); “Chính
Tôi là mục tử tốt” (10,11a), v.v… Riêng kiểu nói “Chính
Tôi là” (egô eimi) không có thuộc từ diễn tả căn tính thần linh của Đức
Giê-su, như Đức Chúa nói về Người trong Is 46,4: “Ta vẫn Là Ta” (egô eimi).
Theo nghĩa này Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,24: “Tôi đã nói với
các ông là các ông sẽ chết trong tội của các ông. Vì nếu các ông không tin rằng:
Tôi Là, các ông sẽ chết trong tội của các ông.” Xem bài viết
“Egô eimi: chính Ta Là, chính là Ta (Is, Xh,
Kh, Ga).” Lời khẳng định “Chính Tôi là bánh
sự sống”, cho thấy Đức Giê-su có khả năng nuôi dưỡng mọi người bằng thứ bánh làm thoả mãn mọi đói khát của con người.
4. Bánh làm thoả mãn
mọi đói khát của con người
Mục này phân tích ba điểm: (1) Cấu trúc 6,35b; (2) đề tài khát nước ở 7,37-38
và 4,14; (3) đói và khát trong sách Huấn Ca và I-sai-a.
(1) “Bánh sự sống”, chính là Đức Giê-su, là bánh làm thoả mãn mọi đói
khát của con người. Làm thế nào điều kỳ diệu này trở thành hiện thực? Đức
Giê-su trả lời rõ ràng ở 6,35b: “Người đến với Tôi, không hề đói, và người tin
vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ.” Câu này cấu trúc song song: vế thứ nhất “người
đến với Tôi” song song với vế thứ hai “người tin vào Tôi”. Hai cụm từ
“không hề đói”, “không hề khát” (chẳng khát bao giờ) song song với nhau. Cấu
trúc này cho thấy “đến với Đức Giê-su” tương đương với “tin vào Người”.
(2) Lời Đức Giê-su ở 7,37-38 cũng cấu trúc song song giữa “đến với” và
“tin vào Người”. Người thuật chuyện kể 7,37-38: “Vào ngày cuối cùng, ngày long
trọng nhất của dịp lễ (lễ Lều), Đức Giê-su đứng lên và lớn tiếng nói: Nếu ai
khát hãy đến với Tôi và hãy uống. Người tin vào Tôi, như Kinh Thánh đã nói: ‘Từ
lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống.’” Trong ch. 4, Đức Giê-su nói
với người phụ nữ Sa-ma-ri về nước Người ban tặng ở 4,14: “Ai uống nước mà chính
Tôi sẽ ban cho kẻ ấy, đời đời sẽ không khát. Nhưng nước mà Tôi sẽ ban cho người
ấy sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên sự sống đời đời.” Vậy đề tài “bánh
sự sống” (6,30-36) và “nước sự sống” (4,10-14) mang lại cùng một hiệu quả nơi
người đón nhận.
(3) Lời tuyên bố của Đức Giê-su ở Ga 6,35 có gợi đến Cựu Ước. Những
ý tưởng trong Tin Mừng Gio-an liên hệ với Cựu Ước giúp thính giả thời Đức
Giê-su hiểu lời của Người. Đề tài “đói và khát” đã được nói đến trong sách Huấn
Ca và sách I-sai-a. Đức Khôn Ngoan nói ở Hc 24,21: “Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống
Ta sẽ còn khát.” (Xem NPD/CGKPV, Kinh Thánh, ấn bản 2011). Nghĩa là Đức Khôn
Ngoan làm tăng lòng khao khát nơi con người, vì không có gì đáng khát khao hơn Đức
Khôn Ngoan. Ở Ga 6,35, Đức Giê-su lại nói là không bao giờ đói và khát, nghĩa
là lương thực Người ban tặng có khả năng làm thoả mãn đói khát của con người.
Hai kiểu diễn tả ngược nhau (Hc 24,21; Ga 6,35) nhưng nói về cùng một đề tài. Trong
sách I-sai-a, lời Đức Chúa hứa với những kẻ lưu đày trở về ở Is 49,10: “Chúng
sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng
thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào.” Đức
Giê-su thực hiện lời Đức Chúa hứa trong Cựu Ước: Người là bánh của Thiên Chúa, bánh
xuống từ trời (Ga 6,33), bánh sự sống (6,35a), chính Người “ban sự sống cho thế
gian” (6,33b), nên Người có khả năng làm thỏa mãn mọi nhu cầu sâu xa nhất của con
người, làm thoả mãn mọi thứ đói khát (6,35b) của đời người.
Kết luận
Trên bình diện lịch sử hình thành bản văn ch. 6 có nhiều chi tiết phức
tạp và khó giải thích. Tuy nhiên, trên bình diện văn chương và thần học, ch. 6 cấu
trúc chặt sẽ và trình bày nhiều đề tài thần học quan trọng. Hai dấu lạ (bánh và
cá hoá nhiều; Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ) chuẩn bị diễn từ “bánh sự sống”
(6,25-59) và ngược lại diễn từ giải thích ý nghĩa hai dấu lạ.
Người thuật chuyện dùng kỹ thuật hành văn “hiểu lầm” để giúp độc giả
“hiểu đúng” ý nghĩa câu chuyện. Vì đám đông không hiểu nên Đức Giê-su giải
thích và mặc khải cho họ và cho độc giả ý nghĩa “bánh sự sống” với bốn đặc tính:
(1) bánh xuống từ trời, bánh đích thực; (2) bánh ban sự sống cho thế gian; (3) bánh
ấy chính là Đức Giê-su; (4) bánh có khả năng làm thoả mãn mọi khát vọng của con
người. Qua đối thoại trong đoạn văn 6,30-36, người thuật chuyện mời gọi độc giả
thực sự “thấy” dấu lạ, “đến với” Đức Giê-su, “tin vào” Người để lấp đầy mọi thứ
đói khát của phận người./.
Sách tham khảo
[1966] R.E. Brown, The
Gospel According to John, I–XII, vol. I, (Anchor Bible 29), New York (NY), Doubleday, 1966, 538 p.
[1971] R. Schnackenburg, The Gospel According
to St. John, vol. II: Commentary on Chapter 5–12, London, Burns & Oates,
(1971), 1980, 556 p. (Orig. Das Johannesevangelium).
[1998] F.J.
Moloney, The Gospel of John, (Sacra Pagina Series
4), Collegeville (MN), The Liturgical Press, 1998, xxii-594 p.
[2003] C.S.
Keener, The Gospel of John. A Commentary, vol. I, Peabody (MA), Hendrickson
Publishers, 2003, 1636 p.
[2010] G. Lê Minh Thông, “Ga 6,22-71: ‘Thánh Thể, lý trí và
đức tin’”,
trong Phân
tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, Nxb. Phương Đông, 2010, p. 110-146.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét