Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Nội dung
Dẫn nhập
I. Ý nghĩa các con số
II. Ý nghĩa con số 666 và 616
1. Hai
cách hiểu mã số 666
2. Bốn
cách hiểu mã số 616
Kết luận
Dẫn nhập
Sau khi quan sát các con số qua bài viết “Những con số
trong Sách Khải Huyền”, bài này trình bày ý nghĩa tổng quát các con số.
Không phải tất cả các con số đều có nghĩa biểu tượng, vì thế khi áp dụng ý
nghĩa các con số vào một câu văn cụ thể, cần quan sát bối cảnh văn chương và
bối cảnh thần học của mạch văn để tìm ra cách hiểu thích hợp về các con số
trong câu văn. Bài viết trình
bày ý nghĩa biểu tượng của các con số qua hai mục: (I) ý nghĩa các con số và (II)
ý nghĩa con số 666 hay 616.
I. Ý nghĩa các con số
Phần này tìm hiểu
các con số: 1/3 bị phá hại, 1 giờ, 42 tháng, 1.260 ngày, 1 thời, 2 thời
và nửa thời, số 3, số 4, 6 cánh, số 7, số 12, 24 vị Kỳ Mục, 1.000 năm, 12.000
người, 144.000 người, 12.000 dặm, 200.000.000
kị binh, vạn vạn, ngàn ngàn.
+ Số 1/3
“1/3 (một phần ba)” là kiểu nói giảm nhẹ, theo nghĩa 1/3 bị thiêu huỷ, còn
hai phần thì không. Hình phạt giáng xuống trên 1/3 loài người, còn hai phần ba
được thoát khỏi. Qua kiểu nói 1/3, bản văn mời gọi độc giả sám hối để được
cứu.
+ 1 giờ
“1 giờ” tượng trưng cho sự chóng qua, ngắn ngủi. Các vua chúa khóc than
thành Ba-by-lon sụp đổ như sau: “Khốn thay, khốn thay, thành phố vĩ đại,
Ba-by-lon, thành phố hùng cường, vì trong một giờ, án phạt dành cho ngươi đã
đến” (Kh 18,19). Các trích dẫn lấy trong Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt.
+ “1 thời, 2 thời
và nửa thời”, 42 tháng, 1.260 ngày.
42 tháng = 1.260 ngày (= 3 năm rưỡi), tương đương kiểu nói: “1 thời, 2
thời và nửa thời”. Những con số thời gian này gợi đến thời kỳ vua An-ti-ô-khô
IV Ê-pi-pha-nê (215 - 164 TCN), trị vì 175 - 164 TCN, đã bách hại người Do Thái ba năm rưỡi (Đn 7,25; 12,7). Những con
số trên trong sách Khải Huyền biểu tượng cuộc bắt bớ các Ki-tô hữu trong một
khoảng thời gian không kéo dài (Lc 4,25; Gc 5,17).
+ Số 3
“Số 3” biểu tượng sự hoàn hảo. Thành Giê-ru-sa-lem mới được mô tả như sau:
“Hướng đông ba cổng, hướng bắc ba cổng, hướng nam ba cổng và hướng tây ba cổng”
(Kh 21,13). Trong câu này 3+3+3+3 = 12.
+ số 4
“Số 4” biểu tượng địa cầu, 4 hướng:
đông, tây, nam, bắc; 4 hướng gió. 4 thiên sứ cai quản thế giới. Tác giả Sách Khải Huyền kể: “Sau điều ấy, tôi thấy bốn
thiên sứ đứng ở bốn phương của mặt đất, giữ lại bốn ngọn gió của đất để không
ngọn gió nào thổi trên đất, trên biển cũng như trên mọi cây cối” (7,1).
+ 6 cánh
“6 cánh” gợi đến các Xê-ra-phim trong Is 6,1-3: “ 1 Năm vua
Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của
Người bao phủ Đền Thờ. 2 Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim
đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai
cánh để bay. 3 Các vị ấy tung hô với nhau rằng: ‘Thánh, Thánh, Thánh,
ĐỨC CHÚA các đạo binh. Cả mặt đất đầy vinh quang của Người’.”
+ Số 7
“Số 7”, biểu tượng sự hoàn hảo, trọn vẹn. Chẳng hạn, thư gửi đến 7 Hội
Thánh (1,4.11.20a.20b), với 7 hoàn cảnh khác nhau ám chỉ đến tất cả các Hội
Thánh qua mọi thời đại. Trong lời tung hô ở Kh 7,12, liệt kê 7 đặc tính của
Thiên Chúa: “A-men, lời chúc tụng, vinh quang, khôn ngoan, lời tạ ơn, danh dự,
uy quyền và sức mạnh thuộc về Thiên Chúa chúng ta đến muôn thuở muôn đời,
a-men” nhằm diễn tả sự trọn hảo nơi Thiên Chúa.
+ Số 12
“Số 12” ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en, 12 Tông Đồ. Số 12 tượng trưng sự viên
mãn, hoàn hảo.12 Tông Đồ của Con Chiên là nền móng của Hội Thánh. Con số 12
biểu tượng của Hội Thánh được dùng để mô tả Thành Giê-ru-sa-lem mới: 12 nền
móng thành Giê-ru-sa-lem mới (21,14), 12 cổng, 12 viên ngọc trai (21,21).
+ 24 vị Kỳ Mục
“24 vị Kỳ Mục”, có lẽ ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en (Cựu Ước) và 12 Tông Đồ
(Tân Ước). Các vị “mặc áo trắng” và “đội triều thiên bằng vàng” (4,4) là biểu
tượng của những kẻ chiến thắng. Tác giả Sách Khải Huyền mô tả: “Chung quanh
ngai có hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó có
hai mươi bốn vị Kỳ Mục đang ngồi, mình mặc áo trắng, và trên đầu của các
vị có triều thiên bằng vàng” (4,4). Các chữ in nghiêng trong Kh 4,4 là không có
trong tiếng Hy-lạp, xem quy ước trong trích đoạn Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt.
+ 1.000 năm
“1.000 năm” không hiểu theo nghĩa đen (10 thế kỷ) mà hiểu theo nghĩa tượng
trưng: 1.000 năm chỉ một giai đoạn lâu dài (Đnl 7,9; Tv 105,8; 2Pr 3,8). Có thể
hiểu 1.000 năm ở Kh 20,1-6 là giai đoạn hiện thời, kể từ lúc Đức Giê-su Phục
Sinh cho đến nay. Trong giai đoạn này, Đức Giê-su đã ban tặng cho các Ki-tô hữu
sự sống mới, sự sống đích thực, sự sống của Thiên Chúa (Kh 2,7; Ga 6,40; 20,31;
Cl 2,12; 3,1.3).
+ 12.000 người
“12.000 người” được đóng ấn (7,5) là số người của mỗi chi tộc trong 12 chi
tộc Ít-ra-en, đây là con số tượng trưng sự viên mãn, hoàn hảo.
+ 144.000 người
“144.000 người” = 12 chi tộc x 12.000 người, chỉ “số sót” (những người còn
sót lại) của dân Chúa và của Hội Thánh. Tác giả Sách Khải Huyền cho biết: “Rồi
tôi nghe con số những người được đóng ấn: Một trăm bốn mươi bốn ngàn. Những
người được đóng ấn thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (7,4).
+ 12.000 dặm
“12.000 dặm”. Đây là số đo mỗi chiều (dài, rộng, cao) của thành
Giê-ru-sa-lem mới (21,16): 12.000 dặm = 12 x 1.000. Trong đó, con số 12 là biểu
thị dân Ít-ra-en mới và con số 1.000 chỉ sự đông đảo.
+ 200.000.000 kị binh
“200.000.000 kị binh” (9,16), dịch sát: “Một vạn lần
hai vạn” = 10.000 x 20.000 = 200.000.000. Có lẽ con số này ám chỉ đạo quân kị binh người Pác-thy. Đây là một số quân quá lớn so
với thực tế thời Sách Khải Huyền, vì thế, nên hiểu con số này theo nghĩa biểu
tượng, diễn tả một sức mạnh vô cùng lớn.
+ Vạn vạn, ngàn ngàn
“Vạn vạn, ngàn ngàn” (5,11) là kiểu nói diễn tả một số lượng rất lớn, không
thể đếm xuể. Tác giả mô tả cảnh hùng vĩ trong thị kiến: “Tôi thấy, và tôi nghe
tiếng của nhiều thiên sứ ở chung quanh ngai, các sinh vật và các Kỳ Mục. Số các
thiên sứ là vạn vạn, ngàn ngàn” (5,11).
II. Ý nghĩa con số 666 và 616
Kh 13,18, nói đến mã số của Con Thú là con số 666, tác giả viết: “Ai có trí
khôn hãy tính ra mã số của Con Thú, vì đó là mã số của một người, và mã số của
người ấy là sáu trăm sáu mươi sáu” (Kh 13,18). Một số thủ bản Hy-lạp như C, Irmss
viết con số đó là 616. (Xem ký hiệu các thủ bản trong Nestle-Aland, Novum Testamentum Graece, (27è
édition), Stuttgart, Deutsche Bibelgesellschaft, 1996). Có lẽ dị bản con số 616
xuất hiện muộn thời hơn và đã sửa lại con số 666.
Có thể giải thích hai con số 666 và 616 như thế nào? Có nhiều cách giải thích, nhưng tất cả đều ám chỉ các hoàng đế của đế quốc Rô Ma vào thế kỷ I. Điều này phù hợp với bối cảnh sách Khải Huyền: các Ki-tô hữu bị bắt bớ vì không chấp nhận tôn thờ hoàng đế như một vị thần.
1. Hai cách hiểu mã số 666
Có thể giải thích hai con số 666 và 616 như thế nào? Có nhiều cách giải thích, nhưng tất cả đều ám chỉ các hoàng đế của đế quốc Rô Ma vào thế kỷ I. Điều này phù hợp với bối cảnh sách Khải Huyền: các Ki-tô hữu bị bắt bớ vì không chấp nhận tôn thờ hoàng đế như một vị thần.
1. Hai cách hiểu mã số 666
1) Các mẫu tự Híp-ri và Hy-lạp tương đương với một
con số. Con số 666 là mã số tên của hoàng đế Nê-rô. Tên Hy-lạp của hoàng đế:
“NERON KAISAR”. Tên gọi này chuyển sang phụ âm Híp-ri: QSR NRWN, các con số
tương ứng của mẫu tự Híp-ri, viết từ phải qua trái: (200+60+100) + (50+6+200+50) = 666. (Xem bảng mẫu tự Híp-ri và Hy-lạp với con số tương ứng từng mẫu tự ở
cuối Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt).
2) Cách hiểu thứ hai là số 6 = 7-1. Số 7 biểu tượng sự hoàn hảo, vì thế,
7-1 = 6 là biểu tượng sự không hoàn hảo. Số 6 lặp lại 3 lần làm thành 666
cho thấy Con Thú hoàn toàn không có sự hoàn hảo. Nó sẽ thất bại hoàn toàn và
phải lãnh án phạt (Kh 19,20).
2. Bốn cách
hiểu mã số 616
1) Tên gọi hoàng đế Nê-rô theo La Tinh: “NERO CAESAR” (hoàng đế năm 54–68),
chuyển sang phụ âm Híp-ri: QSR NRW, các con số tương ứng của mẫu tự Híp-ri, viết từ phải qua trái:
(200+60+100) + (6+200+50) = 616.
2) Hoàng đế CALIGULA còn được gọi là GAIOS (hoàng
đế năm 37–41). Tên gọi “GAIOS KAISAR” có các con số tương đương của mẫu tự Hy-lạp: (3+1+10+70+200) + (20+1+10+200+1+100) = 616.
3) Danh xưng: “THEOS KAISAR” có các con số tương đương theo mẫu tự Hy-lạp:
(9+5+70+200) + (20+1+10+200+1+100) = 616. Danh xưng “THEOS KAISAR” có nghĩa:
“Hoàng đế Thiên Chúa”, danh xưng này áp dụng cho tất cả các hoàng đế tự
xưng mình là một vị thần, là Thiên Chúa.
4) Hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô, tiếng La Tinh: DOMITIANUS CAESAR (hoàng đế năm
81–96), có ghi trên con ấn của mình ký hiệu: DC XVI, có nghĩa là trị vì (DC)
năm thứ 16 (XVI). Nếu xem DC là con số La Mã, thì DCXVI = 500+100+10+5+1 = 616.
Ghi chú: Tên các hoàng đế Rô Ma, thế kỷ I và đầu thế kỷ II: Octavien
Auguste (-27–+14), Tibère (14–37), Gaios Caligula (37–41), Claude (41–54), Néro
(54–68), Galba (68), Vespasien (69–79), Titus (79–81), Domitien (81–96), Nerva
(96–98), Trajan (98–117), Hadrien (117–138).
Kết luận
Ý nghĩa của các con số trên đây giúp hiểu nội dung mặc khải trong Sách Khải
Huyền, không nên áp dụng ý nghĩa các con số cách máy móc. Hiểu các con số theo
nghĩa nào còn tuỳ thuộc bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học riêng của đoạn
văn, cũng như bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học chung toàn bộ Sách
Khải Huyền. Vì thế, cần áp dụng ý nghĩa các con số cách uyển chuyển và sáng
tạo.
Chẳng hạn, khi bản văn mô tả “Con Mãng Xà có 7 đầu 10 sừng” (Kh 12,3), có
thể hiểu bản văn ám chỉ sức mạnh của nó. Số 7 biểu tượng sự hoàn hảo: “7 đầu”
nghĩa là rất khôn ngoan. 10 sừng (= 7 + 3 sừng), nói lên sức mạnh tàn phá lớn
lao của nó, vì số 3 cũng biểu tượng sự hoàn hảo. Với sức mạnh như thế nó có khả
năng “mê hoặc toàn thể địa cầu” (12,9). Tuy thế, sức mạnh và quyền năng của
Thiên Chúa vẫn lớn hơn, cụ thể là một thiên sứ đã “Bắt lấy Con Mãng Xà và xích
nó lại 1.000 năm...” (20,1-2).
Kiểu trình bày trên đề cao quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Qua những
con số, bản văn vừa là lời cảnh báo về sức tàn phá của thế lực sự dữ, vừa là
lời động viên các Ki-tô hữu trong hoàn cảnh khó khăn. Kết luận thần học là dù thế lực sự dữ có mạnh mẽ tới đâu, cũng sẽ thất bại trước quyền
năng của Thiên Chúa. Qua đó, các Ki-tô hữu được mời gọi kiên vững trong thử
thách. Sách Khải Huyền mặc khải cho độc giả biết về quyền năng của Thiên Chúa,
đồng thời thần học Sách Khải Huyền khẳng định: Chiến thắng chung cuộc thuộc về
Thiên Chúa và thuộc về những ai trung tín với Người cho đến cùng. Tóm lại, ý
nghĩa biểu tượng của các con số góp phần trình bày mặc khải./.
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/10/y-nghia-cac-con-so-trong-sach-khai.html
Xem bài viết: Những con số trong Sách Khải Huyền.
Xem bài viết: Những con số trong Sách Khải Huyền.
Xin thay lời cho đọc giả cảm ơn cha rất nhiều vì bài viết rõ ràng và tỉ mỉ của cha. Bài viết của cha đã cho đọc giả những khám phá mới về con số, đặc biệt là số 666 và 616,... Qua những khám phá mới này, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa của bản văn mà tác giả gửi tới cho độc giả một cách sát nghĩa hơn.
Trả lờiXóaThưa cha, trong bài viết, con thấy số 3 và số 7 đều mang nghĩa là sự hoàn hảo. Vậy, theo sự nghiên cứu của cha, sắc thái của hai số này có gì giống nhau và khác nhau không? Liệu có thể hoán đổi vị trí của hai số này trong bản văn được hay không? Xin cha có thể giải thích thêm để cho sự hiểu biết của con được tỏ tường hơn. Con cảm ơn cha rất nhiều.
Nguyện xin Chúa ban cho cha nhiều ơn lành, sự bình an và niềm vui trong việc nghiên cứu và giảng dạy để cha có nhiều khám phá mới cho đọc giả về Lời Chúa.
Một phương thức truyền giáo sáng tạo. Một lối tự giới thiệu dễ thương. Một thái độ làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Xin chúc mừng và cảm ơn!
Trả lờiXóaCảm ơn độc giả đã khích lệ, động viên và đặt câu hỏi hay. Xin được chia sẻ đôi điều như sau: Trong Sách Khải Huyền, số 3 (treis) xuất hiện 11 lần, còn số 7 (hepta) xuất hiện 55 lần (xem phụ lục trong Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt). Số 3 và số 7 có ý nghĩa trọn hảo hay không thì còn tuỳ thuộc vào bối cảnh câu văn. Chẳng hạn, số 3 trong kiểu nói “3 cân lúa mạch, 1 quan tiền” tương ứng với “1 cân lúa mì, 1 quan tiền” (6,6) mô tả thời kỳ khó khăn, đói kém qua việc so sánh giá cả.
Trả lờiXóaVề số học, số 3 nhỏ hơn số 7. “3 tai ương” (Lửa, khói, diêm sinh) chỉ xuất hiện 1 lần (9,18) có nghĩa tượng trưng: Đây là 3 tai ương điển hình. Nhưng “3 tai ương” thì ít hơn “7 tai ương”, xuất hiện 4 lần (15,1.6.8; 21,9) trong Sách Khải Huyền. Vì thế, không thể thay thế số 3 và số 7 với nhau. Tốt nhất là tôn trọng bản văn, và cố gắng tìm hiểu ý nghĩa con số mà bản văn sử dụng chứ không thay thế bằng con số khác.
Theo cách dùng Kinh Thánh, sự trọn hảo hay trọn vẹn được nhấn mạnh khi con số ấy được lặp lại nhiều lần. Chẳng hạn, tác giả Sách Khải Huyền mô tả Con Chiên ở 5,6: “Bấy giờ tôi thấy ở giữa ngai và bốn sinh vật, và giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên đang đứng, như đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất.” Trong câu này xuất hiện 3 lần số 7: “7 sừng” biểu tượng quyền năng mạnh mẽ; “7 mắt” biểu tượng cho tri thức sâu rộng; “7 sừng và 7 mắt” là “7 thần khí của Thiên Chúa”. Kiểu trình bày lặp lại số 7 này nhằm khẳng định quyền năng và sự hiểu biết trọn hảo của Con Chiên trên tạo thành và trên lịch sử, đồng thời cho độc giả biết quyền năng và sự hiểu biết này thuộc về Thiên Chúa.
Con cám ơn Cha rất nhiều. Nhờ những bài viết sâu sắc của Cha đã giúp con hiểu rõ và đúng hơn về thánh kinh. yêu thích đọc, học hỏi và nhất là sống Lời Chúa hơn.
Trả lờiXóaXin Chúa ban cho Cha sức khỏe,tình yêu và nghị lực để Cha luôn phục vụ Chúa trong hân hoan và phó thác
cam on cha,nguyen xin hong an cua Chua Giesu Kito,tuon do mai tren Cha.
Trả lờiXóacam on nguoi bai nay rat nhieu,mong nhieu ng se hieu con so 666 nay hon,
Trả lờiXóa