12/04/2020

Ga 20,8: “Ông đã thấy và đã tin.” Ai thấy, thấy gì, tin gì?


Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 12 tháng 04 năm 2020.


Nội dung

Dẫn  nhập
I. Bản văn Ga 20,1-10
II. Phân tích
    1. Ai Thấy?
    2. Thấy gì?
    3. Tin gì?
Kết Luận

  

Dẫn  nhập

Trình thuật Ga 20,1-10 kể về hai môn đệ, Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su thương mến, ra mộ Đức Giê-su vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Cuối trình thuật, người thuật chuyện cho biết ở Ga 20,8: “Bấy giờ người môn đệ khác cũng đi vào người đã tới mộ trước tiên –, ông ấy đã thấy và đã tin.” Bài viết tìm hiểu câu “ông ấy đã thấy và đã tin” qua hai mục: (1) bản văn Ga 20,1-10; (II) phân tích ba ý: ai thấy, thấy gì, tin gì.

I. Bản văn Ga 20,1-10

Theo Tin Mừng Gio-an, đoạn văn 20,1-10 mở đầu trình thuật Phục Sinh. Người thuật chuyện kể ở Ga 20,1-10: “1 Vào ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, bà thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ. 2 Bà liền chạy đến với Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác người Đức Giê-su thương mến –, bà nói với các ông: ‘Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.’ 3 Vậy Phê-rô và người môn đệ khác đi ra và họ đi đến mộ. 4 Cả hai ông cùng chạy, người môn đệ khác nhanh hơn Phê-rô, chạy trước và đã đến mộ trước tiên. 5 Cúi xuống nhìn, ông ấy thấy những băng vải còn để đó nhưng không đi vào. 6 Si-môn Phê-rô theo sau ông ấy cũng đến nơi, đi vào trong mộ và thấy những băng vải còn để đó, 7 và khăn che đầu của Người không để với những băng vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ khác cũng đi vào người đã tới mộ trước tiên –, ông ấy đã thấy và đã tin. 9 Thực ra, các ông chưa hiểu theo Kinh Thánh là Người phải trỗi dậy từ giữa những kẻ chết. 10 Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.(Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư).

Đoạn văn 20,1-10 nói về ba nhân vật: Ma-ri-a Mác-đa-la, Si-môn Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su thương mến. Nhân vật Ma-ri-a Mác-đa-la được đề cao vì chị là người đầu tiên ra mộ Đức Giê-su và là người báo tin cho hai môn đệ biết: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (20,2b). Tuy đây là điều chị nghĩ chứ không phải là điều chị thấy: “tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ” (20,1c) nhưng chị là người duy nhất lên tiếng trong trình thuật, đặc biệt chị thấy Đức Giê-su Phục Sinh (20,11-18) trước các môn đệ, xem bài viết: “Ga 20,1-2. Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, để làm gì?” Trình thuật hai môn đệ đi ra mộ được kể lại ở 20,3-9, trong đó các nhân vật không nói lời nào. Câu chuyện được viết ra cho độc giả và kết thúc cách lạ lùng: một đàng là “ông ấy đã thấy và đã tin” (20,8b) một đàng thì “các ông chưa hiểu” (20,9a). Phần phân tích sau đây giúp hiểu hai điều xem ra mâu thuẫn này.

II. Phân tích

Để hiểu ý nghĩa và liên hệ giữa hai câu 20,8 và 20,9 cần trả lời ba câu hỏi liên quan đến câu 20,8b: ai thấy, thấy gì và tin gì?

    1. Ai Thấy?

Chủ từ của động từ “thấy” và “tin” ở 20,8b được tìm hiểu qua hai điểm: (1) môn đệ Đức Giê-su “thương mến” và “yêu mến”; (2) môn đệ Đức Giê-su yêu mến có phải là tông đồ Gio-an không?

(1) Trong mạch văn, người đã thấy ở 20,8b là “môn đệ Đức Giê-su thương mến”. Gọi là “thương mến” vì bản văn dùng động từ “phileô” có nghĩa “thương mến” trong tình bạn, vì động từ “phileô” cùng gốc với danh từ “philos” (bạn hữu). Trong năm đoạn văn nói về môn đệ này trong Tin Mừng, chỉ có một lần dùng động từ “phileô” ở 20,2, còn bốn lần khác dùng động từ “agapaô” (yêu mến), dịch là “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” (13,23; 19,26; 21,7.20). Tuy chỉ xuất hiện 1 lần động từ “phileô” nhưng cho thấy tình yêu Đức Giê-su dành cho môn đệ này diễn tả bằng hai động từ “agapaô” (yêu mến), “phileô” (thương mến). Động từ thứ hai gợi về đề tài “bạn hữu” (philos) như Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,13-15: “13 Không ai có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu (philôn) của mình. 14 Anh em là bạn hữu (philoi) của Thầy, nếu anh em làm những điều Thầy truyền dạy anh em. 15 Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết điều chủ mình làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu (philous), vì tất cả những gì Thầy nghe nơi Cha của Thầy, Thầy đã làm cho anh em biết.” Thông thường gọi là “môn đệ Đức Giê-su yêu mến”, nhưng đừng quên 1 lần “thương mến” (phileô) ở 20,2, nối kết với đề tài thần học quan trọng và trở thành “bạn hữu” (philos) của Đức Giê-su trong Tin Mừng.

(2) Môn đệ Đức Giê-su yêu mến có phải là tông đồ Gio-an không? Truyền thống đồng hóa môn đệ Đức Giê-su yêu mến với tông đồ Gio-an. Nhưng thực tế không đơn giản. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, tông đồ Gio-an thuộc nhóm ba môn đệ thân tín của Đức Giê-su: Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Tông đồ Gio-an, cũng như các môn đệ khác, thường là không hiểu Đức Giê-su. Thật vậy khi Gio-an và Gia-cô-bê xin được ngồi bên hữu và bên tả, Đức Giê-su nói: “Các anh không biết các anh xin gì” (Mc 10,38a). Khi những người Sa-ma-ri không tiếp đón Thầy trò, Gia-cô-bê và Gio-an nói: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Đức Giê-su đã quay lại quở mắng các ông (Lc 9,54-55). Ở vườn Ghết-sê-ma-ni, ba môn đệ thân tín ngủ khi Thầy đang hãi hùng xao xuyến (Mc 14,32-42). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Phê-rô đóng vai trò tông đồ trưởng và nổi bật hơn tông đồ Gio-an.

Còn trong Tin Mừng thứ tư, môn đệ Đức Giê-su yêu mến nổi bật hơn Phê rô và các môn đệ khác về nhiều khía cạnh. Môn đệ này xuất hiện lần đầu tiên trong bữa tiệc ly (Ga 13,1-32). Phê-rô phải nhờ môn đệ này hỏi Đức Giê-su xem ai là người sẽ nộp Thầy (Ga 13,23-24). Môn đệ này có vị trí gần Đức Giê-su hơn Phê-rô và hiểu Đức Giê-su hơn Phê-rô. Trong biến cố Thương Khó, các môn đệ khác sợ sệt bỏ chạy, thì môn đệ Đức Giê-su yêu mến đứng dưới chân thập giá và được Đức Giê-su trao phó chăm sóc Mẹ của Người (Ga 19,26-27). Trong trình thuật ngôi mộ trống (Ga 20,1-10), môn đệ này đã thấy và đã tin, còn lòng tin của Phê-rô không được nói đến. Khi Đấng Phục Sinh hiện ra trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a (Ga 21,1-14), người môn đệ này là người đầu tiên nhận ra Đức Giê-su. Như thế, môn đệ Đức Giê-su yêu mến trổi vượt hơn Phê-rô và các môn đệ khác về ba phương diện: (1) về vị trí, ông ở bên cạnh Đức Giê-su trong bữa tiệc ly (Ga 13,23); (2) về lòng tin, ông đã thấy và đã tin trước ngôi mộ trống (Ga 20,8); (3) về tương quan với Thầy, ông nhận ra Thầy trước tất cả các môn đệ khác (Ga 21,7).

Việc môn đệ Đức Giê-su yêu mến thường hiện diện với Phê-rô trong Tin Mừng thứ tư không đủ để đồng hóa người môn đệ này với tông đồ Gio-an. Với sự thân tín đặc biệt và được trình bày cách lạ lùng trong Tin Mừng thứ tư, môn đệ Đức Giê-su yêu mến là một nhân vật lịch sử đã trở thành nhân vật biểu tượng, trở thành môn đệ lý tưởng và mẫu mực cho người tin qua mọi thời đại. (Xem bài viết: “Tông Đồ Gio-an và môn đệ Đức Giê-su yêu mến.”)

Đoạn Tin Mừng Ga 20,1-10 cho biết thế nào là “thấy” và “tin”. Môn đệ Đức Giê-su thương mến không vào mồ trước, vì tôn trọng Phê-rô là trưởng Nhóm Mười Hai; nhưng mạch văn cho thấy, ông trổi vượt hơn Phê-rô về ba khía cạnh: (1) ông chạy trước Phê-rô để tới mộ trước, cho thấy sự gắn bó với Thầy; (2) ông thấy những băng vải trong mộ trước Phê-rô; (3) hành động “thấy” của môn đệ này có hiệu lực hơn Phê-rô: những gì Phê-rô thấy chỉ có tính cách thông tin, còn những gì môn đệ này thấy đã dẫn tới tin: “ông đã thấy và đã tin” (20,8).

    2. Thấy gì?

Hai động từ “thấy” và “tin” không có bổ túc từ nên có thể hiểu theo nghĩa rộng. Những điều môn đệ này thấy không chỉ là thấy những băng vải như đã kể, mà còn thấy ngôi mộ trống rỗng, thấy Đức Giê-su không còn đó. Xa hơn, gợi đến những gì ông đã thấy khi đứng dưới chân thập giá. Tuy nhiên, ở đây không phải là “thấy” bình thường mà là thấy đúng theo ý Thiên Chúa. Nghĩa là “thấy” và “tin” gắn kết với nhau như Đức Giê-su nói với đám đông ở 6,40: “Đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy người Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời.”

Tuy vậy, giữa “thấy bằng mắt” và “tin” có một khoảng cách lớn. Bởi lẽ ngôi mộ trống và những băng vải không phải là bằng chứng hiển nhiên về Đức Giê-su Phục Sinh. Môn đệ này đã thấy dấu chỉ, chứ không thấy Đức Giê-su sống lại. Nói cách khác môn đệ này “thấy” mà “không thấy”, thấy hiện trường chứ không thấy Đức Giê-su. Ý này nối kết với lời Đức Giê-su Phục Sinh nói với Tô-ma cuối Tin Mừng ở 20,29: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin? Phúc cho những người không thấy mà là những người tin.” Lời chúc phúc vừa dành cho môn đệ Đức Giê-su thương mến, vì ông tin khi chưa thấy Đức Giê-su; vừa dành cho người tin qua mọi thời đại là người không thấy Đức Giê-su nhưng tin nhờ lời rao giảng của các môn đệ và nhờ lời chứng thuật lại trong Tin Mừng. Thật ra, không ai có bằng chứng hiển nhiên về biến cố Phục Sinh. Kể cả những người không thấy mà tin, trình thuật 20,1-10 mời gọi đạt tới hành động “thấy” đích thực như môn đệ Đức Giê-su thương mến. Từ “thấy” dấu chỉ được kể lại trong Tin Mừng, dẫn tới thấy bằng con mắt đức tin, nghĩa là nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong cuộc đời.

    3. Tin gì?

Động từ “tin” trong câu “ông đã thấy và đã tin” (20,8b) không có túc từ và cho phép hiểu rằng môn đệ này không chỉ tin Đức Giê-su sống lại mà còn tin vào lời Đức Giê-su đã nói, tin Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến, tin Đức Giê-su là Đấng ban sự sống đời đời. Ở mức độ cao nhất là tin Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa như Tô-ma tuyên xưng trước Đấng Phục Sinh ở 20,28: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Lời này cũng là tuyên xưng của cộng đoàn và của Hội Thánh. “Tin” theo nghĩa tuyệt đối, không có túc từ, cho thấy môn đệ Đức Giê-su thương mến đã hiểu ý nghĩa của biến cố Thương Khó. Xem bài viết: “Tin vào ai? Tin điều gì? Tin thế nào? (TM Gio-an).”

Vậy điều xem ra mâu thuẫn giữa “đã thấy và đã tin” (20,8) với “chưa hiểu” (20,9) được lý giải khi phân biệt môn đệ Đức Giê-su thương mến với các môn đệ khác. Câu 20,8 nói về lòng tin của môn đệ Đức Giê-su thương mến, còn câu 20,9 nói về tình trạng chung của các môn đệ khác, trong đó có Phê-rô. Đây là nhóm các môn đệ mà Đức Giê-su đã báo trước ở 16,32: “Này đến giờ  – và đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người về nhà mình và bỏ lại Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình vì Cha ở với Thầy.” Lời này không áp dụng cho môn đệ Đức Giê-su yêu mến vì ông trung tín với Đức Giê-su và hiện diện dưới chân thập giá.

Kết Luận

Bài viết trình bày khuôn mặt môn đệ Đức Giê-su thương mến trong Tin Mừng Gio-an và đặc biệt lời khẳng định của người thuật chuyện ở 20,8b: “Ông đã thấy và đã tin”.  Môn đệ này đã được lý tưởng hoá để trở thành khuôn mẫu của “thấy” và “tin” cho độc giả, trong khi Phê-rô và các môn đệ chỉ tin sau khi Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với họ.

Đức Giê-su Phục Sinh đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ, tuy nhiên “thấy” và “tin” qua những dấu chỉ thuật lại trong Tin Mừng vẫn là thách đố cho độc giả ngày nay. Qua nhân vật môn đệ Đức Giê-su thương mến, đoạn văn mời gọi độc giả tin vào Đức Giê-su Phục Sinh và tin vào lời Người để đón nhận sự sống, niềm vui và bình an Người ban tặng./.

5 nhận xét:

  1. Nặc danh02:00 7/12/10

    Theo con, thấy mà tin là chuyện bình thường. Nhiều lúc thấy rồi mà không hiểu thì lấy gì mà tin, nhưng qua bài chia sẻ của cha, "thấy" và "tin" là những dấu chỉ trải nghiệm qua cuộc sống cảm nhận được niềm vui và bình an của Đấng Phục sinh ban tặng. Thực tế trong cuộc sống, nó không tươi đẹp như mình mơ, nhưng mà trong cuộc sống có nhiều ân huệ, nhiều niềm vui. Chẳng hạn như đã được đọc những bài chia sẻ Phúc âm của cha, cũng mang lại cho con nhiều sự hữu ích.
    Chúc cha nhiều niềm vui.

    Trả lờiXóa
  2. Cam on Anh rat nhieu da gui bai chia se!
    Day cung la co hoi giup em nhin lai muc do TIN va LONG MEN cua minh vao Thay Giesu, Dang ma minh da chon lua va buoc theo...
    Anh khoe khong? Chuc Anh luon khoe, binh an va nhieu niem vui trong Tuan Vong Thu III nhe!
    Cau nguyen cho em voi nhe!

    Trả lờiXóa
  3. Cha oi, con da doc va da in ra de suy niem roi day, cam on Cha nha

    Trả lờiXóa
  4. Cha ơi, con đã đọc say sưa, từng ngày những bài chia sẻ của cha trên trang blog này. Nó rất hay và hữu ích cho con trong việc hiểu và sống Lời Chúa.
    Chúc Cha luôn an mạnh.

    Trả lờiXóa
  5. Ter. Hồng Thúy10:17 9/4/12

    hôm nay con mới đọc bài chia sẻ này của cha! con cũng đang thích câu "đã thấy và đã tin" như cha chia sẻ "giữa việc “thấy bằng mắt” và “tin” có một khoảng cách lớn lao" có lẽ con tim sẽ làm khoảng cách đó gần lại ,như kinh nghiệm của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến này đúng không cha! có nhiều người "thấy" những biến cố trong đời thường là may mắn hoặc ngẫu nhiên, nhưng có nhiều người lại chiêm nghiệm biến cố đó như quà tặng đến từ Thiên Chúa. là tu sĩ Đaminh "thấy và tin" là rất cần thiết! con thích cha thánh Đaminh vì người chiêm niệm trên đường phố....ước gì con cũng giống Ngài một chút có thể "thấy" và "thấy một lần nữa qua đức tin"......cám ơn bài chia sẻ của cha! hôm đi lễ vọng thấy cha dâng lễ con nhìn cha và nghĩ!còn những lòng nhiệt như cha, đó cũng là dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới mà ngoài kia còn biết bao những ngờ vực mà thế giới vật chất đang lôi kéo! lúc đó con cám ơn Chúa và cũng thầm cầu nguyện cho cha và các anh em đang đồng tế với cha!...những người đang nhóm lửa cho thế giới...xin Chúa Chúc lành!

    Trả lờiXóa