[The article in
English]
Tác giả: Giuse LÊ MINH THÔNG, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/
josleminhthong@gmail.com
josleminhthong@gmail.com
Ngày 11 tháng 11 năm
2012
Nội dung
I. Bản văn trong
Tin Mừng Nhất Lãm
1) Bản văn Lc 12,8-12 (NPD/CGKPV)
2) Bản văn Mc 3,28-30
3) Bản văn Mt 12,31-32 (NPD/CGKPV)
II. Bối cảnh lời
Đức Giê-su trong các Tin Mừng
1) Bối cảnh Mc 3,28-30
2) Bối cảnh Mt 12,31-32
3) Bối cảnh Lc 12,10
III. Phân tích
1) Cấu trúc Lc 12,8-12
2) “Nói lời chống lại Con Người” (12,10a)
3) “Nói phạm thượng chống lại Thánh Thần” (12,10b)
IV. Kết luận
Tài liệu tham khảo
I.
Bản văn trong Tin Mừng Nhất Lãm
Nội dung lời Đức
Giê-su nói với các môn đệ ở Lc 12,10: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người,
thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha” được thuật lại trong các Tin Mừng Nhất
Lãm (Mc, Mt, Lc). Đề tài này không xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an. Phần sau sẽ
trình bày lời nói của Đức Giê-su liên quan đến “nói phạm đến Con Người” và “nói
phạm đến Thánh Thần” trong Tin Mừng Nhất Lãm: Lc 12,8-12; Mc 3,28-30 và Mt
12,31-32. Đặt lời Đức Giê-su vào trong bối cảnh văn chương của các Tin Mừng
giúp hiểu giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 12,10) về đề tài “Chống
lại Con Người và Thánh Thần.”
1) Bản văn Lc
12,8-12 (NPD/CGKPV)
8 “Thầy [Đức Giê-su] nói cho anh em
[các môn đệ] biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người
cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt
các thiên thần của Thiên Chúa. 10 “Bất cứ ai nói phạm đến
Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng
được tha. 11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường,
trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo
phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong
giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”
2) Bản văn Mc 3,28-30
(Bản văn lấy trong Tin
Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt. Mc 3,28-30 tiếp nối dụ ngôn Xa-tan trừ
Xa-tan, Mc 3,22-27).
28 “A-men, Tôi [Đức Giê-su] nói cho các ông [các kinh sư]:
Những tội lỗi và những lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi
nữa, tất cả sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng người nói phạm thượng
đến Thánh Thần thì không có sự tha thứ cho đến đời đời, người ấy mắc tội muôn
đời.” 30 Vì họ nói: “Ông ấy có thần ô uế.”
3) Bản văn Mt 12,31-32 (NPD/CGKPV)
(Mt 12,31-32 tiếp nối dụ ngôn Xa-tan
trừ Xa-tan, Mt 12,22-30).
31 Vì thế, tôi [Đức Giê-su] nói cho các
ông [những người Pha-ri-sêu] hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ
được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. 32 Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến
Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.
II.
Bối cảnh lời Đức Giê-su trong các Tin Mừng
Lời nói của Đức Giê-su về “nói phạm đến Con Người” và “nói phạm đến
Thánh Thần” trong Tin Mừng Nhất Lãm được đặt trong bối cảnh khác nhau. Đề tài này
trong Tin Mừng Mác-cô và Tin Mừng Mát-thêu có bối cảnh gần giống nhau, trong
khi Tin Mừng Lu-ca đặt lời nói trên trong bối cảnh văn chương khác với Tin Mừng
Mác-cô và Mát-thêu. Quan sát dưới đây cho thấy sự khác nhau này.
1) Bối cảnh Mc 3,28-30
Mc 3,28-30 thuộc về đoạn văn lớn: Mc 3,20-35. Đề tài chính
của đoạn văn này là “thuộc về Xa-tan hay thuộc về Thiên Chúa”. Đoạn văn Mc 3,20-35 được chia thành 3 tiểu
đoạn và có cấu trúc như sau:
Đoạn văn Mc
3,28-30: “Nói phạm thượng đến Thánh Thần” mở đầu với lời Đức Giê-su: “A-men, Tôi nói cho các ông :…” Đại từ ngôi thứ hai số
nhiều “các ông” ở Mc 3,28 là các kinh sư đã được nói đến ở 3,22. Người thuật
chuyện kể: “Các kinh sư, những người xuống từ Giê-ru-sa-lem, thì nói rằng: Ông ấy có Bê-en-dê-bun và
rằng: Ông ấy dựa vào thủ lãnh của quỷ mà trừ quỷ” (3,22). Như thế, lời nói của
Đức Giê-su về “người nói phạm thượng đến Thánh Thần” (Mc 3,29a) được đặt trong
bối cảnh tranh luận giữa các kinh sư và Đức Giê-su liên quan đến quyền trừ quỷ.
Khi các kinh sư cho rằng Đức Giê-su dựa vào thủ lãnh của quỷ mà trừ quỷ (3,22)
thì Đức Giê-su trả lời cho họ bằng dụ ngôn Xa-tan trừ Xa-tan (3,23-27) và hậu
quả của việc “nói phạm thượng đến Thánh Thần” (3,28-30).
2)
Bối cảnh Mt 12,31-32
Trong Tin Mừng
Mát-thêu, đoạn văn Mt 12,31-32: “Nói phạm đến Con Người” và “nói phạm đến Thánh
Thần” đặt trong bối cảnh một chuỗi những lời của Đức Giê-su. Cấu trúc đoạn văn Mt 12,15-37 cho thấy vị
trí và bối cảnh của Mt 12,31-32.
Đề tài “nói phạm đến Thánh Thần” trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt
12,31-32) có cùng bối cảnh với Tin Mừng Mác-cô (Mc 3,28-30). Trong hai Tin Mừng
này, ý tưởng “nói phạm đến Thánh Thần” là phần kết của trình thuật: Đức Giê-su
bị vu khống là dựa vào thế quỷ vương Bê-en-dê-bun để trừ quỷ (Mc 3,22 // Mt
12,24). Trình thuật song song (Mc 3,22-30 // Mt 12,22-32) có một số chi tiết
khác nhau (xem cấu trúc trên). Điểm khác biệt đáng chú ý là trong Tin Mừng
Mác-cô, Đức Giê-su nói với các kinh sư (Mc 3,22), còn trong Tin Mừng Mát-thêu,
Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu (Mt 12,24). Tuy người nghe khác nhau,
nhưng cả hai nhóm này đều chống đối Đức Giê-su. Riêng Tin Mừng Lu-ca, đề tài
“nói phạm đến Con Người và Thánh Thần” được đặt trong bối cảnh khác với Tin
Mừng Mác-cô và Mát-thêu.
3)
Bối cảnh Lc 12,10
Lời Đức Giê-su nói ở Lc 12,10 được đặt trong bối cảnh những
lời giáo huấn của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Đức Giê-su dạy các môn đệ
nhiều điều trong đoạn văn lớn: Lc 12,1-12. Cấu trúc đoạn văn này cho thấy vị
trí của Lc 12,10 trong bối cảnh văn chương của nó.
Trong đoạn văn (1) Lc 12,1-15, Đức Giê-su nói với các môn
đệ, sang đoạn văn (2) Lc 12,13-15, Đức Giê-su nói với đám đông. Đức Giê-su giáo
huấn các môn đệ nhiều điều trong đoạn văn 12,1-15. Trước hết, Người nói với các
môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả”
(12,1b). Kế đến là lời nói về “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không
có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (12,2). Phần tiếp theo gợi đến hoàn
cảnh bách hại, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ: “Đừng sợ những kẻ giết thân xác,
mà sau đó không làm gì hơn được nữa” (12,4) nhưng “hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại
có quyền ném vào hoả ngục” (12,5). Đức Giê-su khích lệ các môn đệ: “Anh em đừng
sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (12,7), vì thế hãy tin tưởng Thiên
Chúa sẽ gìn giữ con cái của Người. Ở Lc 12,8-9, Đức Giê-su mời gọi mọi tín hữu
can đảm tuyên xưng niềm tin vào Người trước mặt thiên hạ, cho dù bị bắt bớ và
chịu thiệt thòi. Tiếp đến là vấn đề “nói phạm đến Con Người” và “nói phạm đến
Thánh Thần” (Lc 12,10). Đoạn văn kết thúc với lời Đức Giê-su khích lệ các môn
đệ trong hoàn cảnh bị bách hại: “11 Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường,
trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo
phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong
giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,11-12).
Quan sát mạch văn Lc 12,10 trên đây cho thấy đề tài “chống
lại Con Người và Thánh Thần” (Lc 12,10) được đặt trong bối cảnh những lời giáo
huấn và khích lệ của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Như thế, đề tài “nói phạm
thượng chống lại Thánh Thần” trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 12,10) có bối cảnh khác
với Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu. Ở Lc 12,1-12, Đức Giê-su cho biết các môn đệ
phải làm gì khi bị bách hại. Còn ở Mc 3,28-30 và Mt 12,31-32 Đức Giê-su trả lời
cho câu hỏi: Người dựa vào đâu để trừ quỷ. Thính giả trong ba Tin Mừng cũng
khác nhau: Trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 3,28-30), Đức Giê-su nói với các kinh sư;
trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 12,31-32), Đức Giê-su nói với những người
Pha-ri-sêu; còn trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 12,1-12) Đức Giê-su nói với các môn đệ
của Người. Phần phân tích chỉ tìm hiểu lời nói của Đức Giê-su trong Tin Mừng
Lu-ca (Lc 12,10).
III. Phân tích
1)
Cấu trúc Lc 12,8-12
Tiểu đoạn Lc 12,8-12 gồm ba lời của Đức Giê-su: (1) 12,8-9,
(2) 12,10, (3) 12,11-12 và được cấu trúc như sau:
Trong lời thứ nhất (Lc 12,8-9), Đức Giê-su nói với các môn
đệ về việc đón nhận hay khước từ Đức Giê-su trước mặt thiên hạ, dẫn đến kết quả
là được đón nhận hay bị khước từ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Kiểu
nói song song: “trước mặt thiên hạ” và “trước mặt các thiên thần của Thiên
Chúa” gợi đến điều Đức Giê-su nói đến trước đó: “sự xét xử ở trần gian” (trước
mặt thiên hạ) của “những kẻ chỉ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được
nữa” (Lc 12,4) và “sự xét xử ở trên trời” (trước mặt các thiên thần của Thiên
Chúa) của “Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục” (Lc 12,5).
Lời thứ hai của Đức Giê-su: “Bất cứ ai nói phạm đến Con
Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được
tha” (Lc 12,10, NPD/CGKPV). Câu này dịch sát bản văn Hy Lạp: “Bất cứ ai nói lời
chống lại Con Người (pas hos erei logon eis ton huion tou anthrôpou), sẽ được
tha cho người ấy (aphethêsetai autô); nhưng ai nói phạm thượng chống lại Thánh
Thần (tô de eis to hagion pneuma blasphêmêsanti), sẽ chẳng được tha (ouk
aphethêsetai)” (Lc 12,10). Lời này có hai yếu tố song song: (1) “nói lời chống
lại Con Người” (12,10a) và (2) “nói phạm thượng chống lại Thánh Thần” (12,10c),
với hệ quả tương ứng: (1’) “sẽ được tha” (12,10b) và “sẽ chẳng được tha”
(12,10d).
Lời thứ ba của Đức Giê-su (Lc 12,11-12) là lời khích lệ và
lời hứa dành cho các môn đệ. Trong hoàn cảnh bị bách hại, Thánh Thần sẽ dạy cho
các môn đệ những điều phải nói, khi họ bị đưa ra trước toà án thế gian. Thánh
Thần sẽ hiện diện với các môn đệ và giúp họ làm chứng cho Đức Giê-su. Hoạt động
của Thánh Thần ở Lc 12,12, nối kết với lời liên quan đến “nói phạm thượng chống
lại Thánh Thần” ở 12,10b.
2)
“Nói lời chống lại Con Người” (12,10a)
Trong mạch văn, ý tưởng: “nói lời chống lại Con Người” gợi
đến việc những kẻ chống đối kết tội Đức Giê-su. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su nói
với người bại liệt nằm trên giường: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc
5,20), các kinh sư và những người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai
mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”
(Lc 5,21). Trong một hoàn cảnh khác ở Lc 11,14-15, khi Đức Giê-su trục xuất một
quỷ câm ra khỏi con người, thì có mấy người bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương
Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ” (Lc 11,15).
Trong bối cảnh văn chương Tin Mừng Lu-ca, có thể hiểu lời
nói của Đức Giê-su: “Bất cứ ai nói lời chống lại Con Người, sẽ được tha cho
người ấy” (Lc 12,10a) trong liên hệ với toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su. Khi nói
lời này, Đức Giê-su chưa hoàn thành sứ vụ của Người, vì biến cố nền tảng: Biến
cố Thương Khó và Phục Sinh chưa xảy ra. Vì thế, kẻ nói lời chống lại Con Người
sẽ được tha nếu như họ đón nhận lời rao giảng của các môn đệ sau khi Đức Giê-su
lên trời. Đây là giai đoạn các môn đệ ra đi rao giảng về Đức Giê-su, dưới sự
hướng dẫn của Thánh Thần, được thuật lại trong sách Công vụ Tông Đồ.
3)
“Nói phạm thượng chống lại Thánh Thần” (12,10b)
Tại sao “nói phạm thượng chống lại Thánh Thần, sẽ không được
tha?” (Lc 12,10b). Hai câu tiếp theo (Lc 12,11-12) cho thấy các môn đệ đang ở
trong hoàn cảnh khó khăn, đến từ phía “những người lãnh đạo và những người cầm
quyền” (Lc 12,11). Trong hoàn cảnh này, lời nói của Đức Giê-su ở Lc 12,10 gợi
đến cách cư xử của những người bách hại Đức Giê-su và các môn đệ của Người.
Tương phản giữa “sẽ được tha” và “sẽ không được tha” ở Lc
12,10 tương ứng với hai tác phẩm của Lu-ca: Tác phẩm thứ nhất là sách Tin Mừng,
tác phẩm thứ hai là sách Công vụ Tông Đồ. Các ý tưởng ở Lc 12,8-12 cho độc giả
thấy trong quá trình biên soạn Tin Mừng Lu-ca, tác giả đã nối kết với những gì
sẽ xảy ra trong sách Công vụ Tông Đồ. Thực vậy, câu Đức Giê-su nói ở Lc 12,12:
“Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” sẽ được thực hiện trong
sách Công vụ Tông Đồ. Trong sách này, Thánh Thần hiện diện thường xuyên như là
quyền năng đáng tin cậy để hướng dẫn sứ vụ của các môn đệ, đồng thời Thánh Thần
là nguồn khích lệ lớn lao trong hoàn cảnh các môn đệ bị bách hại.
Trong viễn cảnh này, ý tưởng “nói phạm thượng chống lại
Thánh Thần” (Lc 12,10b) gợi đến giai đoạn sứ vụ của các môn đệ sau biến cố
Thăng Thiên. Hoạt động rao giảng của các Tông Đồ được kể lại trong sách Công vụ
Tông Đồ. Sách này cũng cho biết thái độ thù nghịch của giới lãnh đạo Do Thái
(x. Cv 5,21b-33, NPD/CGKPV). Khi các Tông Đồ bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng
và bị thượng tế chất vấn, Phê-rô và các Tông Đồ đáp lại rằng: “29b Phải vâng lời
Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị
các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã
làm cho Người trỗi dậy, 31 và Thiên Chúa đã ra tay uy
quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en
ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng
tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai
vâng lời Người” (Cv 5,29b-32). Người thuật chuyện cho biết thái độ của giới
lãnh đạo Do Thái trong câu tiếp theo: “Nghe vậy, họ giận điên lên và muốn giết
các ông” (Cv 5,33). Cách phản ứng thù nghịch và chống đối của họ có thể xem là
“chống lại Thánh Thần”. Trong bối cảnh này, “nói phạm thượng chống lại Thánh
Thần” (Lc 12,10b), không chỉ giới hạn trong cách dùng “lời nói phạm thượng” mà
còn bao gồm cả những “hành động chống lại” Thánh Thần.
Trong đoạn văn Lc 11,14-22, khi người ta nói về Đức Giê-su:
“Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ” (Lc 11,15), Đức Giê-su nói
với họ rằng: “19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ,
thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là
Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,19-20). Trong câu này, có thể
so sánh Thánh Thần với “ngón tay của Thiên Chúa”. Đây là kiểu nói diễn tả sự
can thiệp của Thiên Chúa trong trần gian để cứu độ con người. Vậy, nếu đối
nghịch với Thánh Thần bằng cách “nói phạm thượng chống lại Thánh Thần” (Lc
12,10b) là đối nghịch và chống lại chính Thiên Chúa. Ơn cứu độ của Thiên Chúa
sẽ không dành cho những người phạm thượng như thế (xem J. A. FITZMYER, The Gospel According to LUKE (X – XXIV), 1986,
p. 966).
IV. Kết luận
Tương phản giữa
“được tha” và “không được tha” ở Lc 12,10 gợi đến hai giai đoạn của sứ vụ: (1)
Giai đoạn thứ nhất là sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su, được thuật lại trong Tin
Mừng Lu-ca. (2) Giai đoạn thứ hai là sứ vụ rao giảng của các môn đệ, được thuật
lại trong sách Công vụ Tông Đồ. Hai tác phẩm (sách Tin Mừng và sách Công vụ) trình
bày hai giai đoạn rao giảng, được đánh dấu bởi biến cố nền tảng: Thương Khó và
Phục Sinh của Đức Giê-su. Với biến cố này, Đức Giê-su đã hoàn thành sứ vụ, và
qua đó, Đức Giê-su mặc khải căn tính của Người: Người là Con Thiên Chúa và Chúa
của người tin. Từ nay Đức Giê-su là Đấng ban sự sống đời đời cho tất cả những
ai tin vào Người.
Lời Đức Giê-su ở
Lc 12,10 có thể hiểu trong viễn cảnh trước và sau biến cố Thương Khó – Phục
Sinh. Trước biến cố này, “Bất cứ ai nói lời chống lại Con Người, sẽ được
tha cho người ấy” (Lc 12,10a), nếu
như người ấy đón nhận lời rao giảng của các Tông Đồ sau khi Đức Giê-su về trời.
Kể từ biến cố này, lời rao giảng và lời chứng của các môn đệ được thực hiện
dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Vì thế “Ai nói phạm thượng chống lại Thánh
Thần, sẽ chẳng được tha” (Lc 12,10b),
bởi vì “nói phạm thượng chống lại Thánh Thần” có nghĩa là khước từ ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Trong bối cảnh Tin
Mừng Lu-ca và sách Công vụ Tông Đồ, ý tưởng “sẽ không được tha” (Lc 12,10d)
nhấn mạnh vai trò của Thánh Thần trong sứ vụ rao giảng của các môn đệ. Lời của
Đức Giê-su về “nói phạm thượng chống lại Thánh Thần” (Lc 12,10c) là lời cảnh báo cho mọi
người, đồng thời cũng là lời mời gọi mọi người “đón nhận ân huệ là Thánh Thần”,
như đã nói trong sách Công vụ Tông Đồ ch. 2. Sau khi dân chúng nghe Phê-rô giảng
trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,14-36), người thuật chuyện cho biết phản ứng của
dân chúng: “Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các
Tông Đồ khác: ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’” (Cv 2,37). Phê-rô nói với họ: “Anh em hãy sám hối, và mỗi
người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh
em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là
điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những
người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2,38-39). Vì thế, lời nói của Đức
Giê-su ở Lc 12,10 là lời mời gọi mọi người đừng chống lại Thánh Thần nhưng hãy mở
lòng mở trí “đón nhận ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,28b)./.
Tài
liệu tham khảo
[1986] Joseph A. FITZMYER, The Gospel According to LUKE (X – XXIV), (Anchor Bible 28A), New
York (NY), Doubleday, 1986, xxxvi, 841-1642 p.
[1991] Luke Timothy JOHNSON, The Gospel of Luke, (Sacra Pagina Series 3), Collegeville (MN), The
Liturgical Press, 1991, xiv-466 p.
[1997] Joel B. GREEN, The
Gospel of LUKE, (The New International Commentary on the New Testament
[NICNT]), Grand Rapides, Michigan – Cambridge, U.K., William B. Eerdmans
Publishing Company, 1997.
Ngày 11 tháng 11
năm 2012
Cảm ơn bài viết đầy tâm huyết !
Trả lờiXóaCảm ơn tác giả, bài viết hay và súc tích !
Trả lờiXóa