Bản văn Lc 7,36-50 (NPD/CGKPV)
36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.
37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.
38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!"
40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!" Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói."
41 Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.
42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?"
43 Ông Si-môn đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm."
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.
45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.
46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.
47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."
48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi."
49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?"
50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
1. Dẫn nhập
Cách sắp xếp các chi tiết trong bài Tin Mừng Lc 7,36-50 là một ví dụ về ý nghĩa câu chuyện được chuyển tải qua cách thức kể chuyện. Qua cách kể chuyện, tác giả có thể muốn nói với độc giả rằng: Những giá trị, những điều được đánh giá cao và được nhiều người chấp nhận theo tiêu chuẩn trong xã hội, thì Đức Giê-su lại đảo ngược thang giá trị đó. Ngược lại, những điều mà tiêu chuẩn chung xem là không thích hợp, không xứng đáng thì Đức Giê-su lại đánh giá cao theo một chuẩn mực khác. Trình thuật có khả năng chuyển tại được thông điệp này nhờ cách sắp xếp các tình tiết trong câu chuyện. Trong đoạn văn Lc 7,36-50, nếu theo thứ tự thời gian thì những gì đã xảy ra trải qua 6 bước:
1. Người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa.
2. Ông ta bỏ qua những việc làm để bày tỏ sự đón tiếp Đức Giê-su.
3. Một phụ nữ tội lỗi đi vào và thực hiện những cử chỉ tiếp đón lạ thường.
4. Người Pha-ri-sêu lên tiếng phản đối.
5. Đức Giê-su không đồng ý với ông ta và Người giải thích.
6. Người phụ nữ được tha tội vì yêu mến nhiều.
Chúng ta cùng tìm hiểu cách thức kể chuyện trong đoạn văn Lc 7,36-50 để xem tác giả kể theo thứ tự nào và thông điệp của bản văn là gì?
2. Phần đầu câu chuyện (Lc 7,36-39)
Tác giả không kể câu chuyện theo thứ tự thời gian qua các bước như trên. Bước thứ 2: “Người Pha-ri-sêu không đón tiếp Đức Giê-su” được kể ở cuối câu chuyện để so sánh hai ý tưởng: “những gì người phụ nữ đã làm” và “những gì ông Si-môn đã không làm”. Cách kể chuyện bỏ qua bước thứ 2 ở đầu câu chuyện làm cho độc giả, khi đọc phần đầu câu chuyện, sẽ đánh giá cao người Pha-ri-sêu và đồng ý với nhận định của ông ấy về người phụ nữ tội lỗi.
Chuyện kể như sau: “Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu và vào bàn ăn” (7,36). Nếu chỉ có thế, thì đây là một người tốt. Người Pha-ri-sêu quý trọng Đức Giê-su và mời Người đến nhà dùng bữa. Đức Giê-su đã “vào bàn ăn” với ông ấy như thể mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp.
Tiếp đến, câu chuyện kể về người phụ nữ: “Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (7,37-38). Theo quy ước của xã hội thời đó, người đọc có thể kết luận: Người phụ nữ này không tốt vì là “người tội lỗi trong thành” và đã xử sự không phải phép. Đức Giê-su đang ăn mà lại khóc lóc và làm những hành động bày tỏ tình cảm không bình thường.
Cứ lẽ thường, khi đọc phần đầu câu chuyện, độc giả đồng ý với nhận định của ông Si-môn: Nếu Đức Giê-su là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai: “một người tội lỗi” (7,39). Người đọc có thể đồng ý, vì cho đến lúc này, bản văn cho phép đánh giá ông Si-môn là người tốt. Như thế, cách kể phần đầu câu chuyện làm cho người đọc hiểu rằng: Người Pha-ri-sêu là hiếu khách; còn người phụ nữ là người vừa tội lỗi, vừa làm những hành động chướng tai gai mắt. Nhưng phần sau câu chuyện đã làm đảo lộn hoàn toàn nhận định này.
3. Phần cuối câu chuyện (Lc 7,40-50)
Trong phần cuối câu chuyện (Lc 7,40-50), Đức Giê-su làm đảo lộn mọi thứ. Điều độc đáo trong cách kể chuyện là những thiếu sót của người Pha-ri-sêu mà theo thứ tự thời gian là bước thứ 2 (thuộc phần đầu câu chuyện), thì tác giả lại kể trong phần sau và đặt song song để so sánh “những gì người phụ nữ đã làm” (tiếp đón Đức Giê-su) và “những gì người Pha-ri-sêu không làm” (không tiếp đón Đức Giê-su).
Câu nói của Đức Giê-su có nét châm biếm khi Người nói với Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” Trong khi ông ta đang chăm chú nhìn người phụ nữ và đánh giá chị ta, hơn nữa sự hiện diện của người phụ nữ làm ông ấy khó chịu và trách luôn cả Đức Giê-su, thì Đức Giê-su lại hỏi: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” Thực ra, dường như có cái gì đó nơi người phụ nữ mà ông Si-mon đã không thấy, không nhận ra, không biết. Đồng thời, câu hỏi: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” cũng dành cho độc giả. Tác giả mời gọi độc giả hãy chú ý để “thấy” người phụ nữ, hãy “nhìn kỹ lại” những gì chị ta đã làm để đánh giá đúng hành động của chị. Chính Đức Giê-su đã chỉ ra cho ông Si-môn và độc giả cách hiểu đúng về “hành động” của người phụ nữ và hiểu đúng về “con người” của chị.
Sau khi kể dụ ngôn tình thương của hai con nợ được tha (Lc 7,41-43) để làm cơ sở cho cách lượng giá, Đức Giê-su so sánh từng điểm một giữa “những gì người phụ nữ đã làm cho Người” và “những gì ông Si-môn đã không làm cho Người.” Nhận định của Đức Giê-su đã lật ngược cách đánh giá bình thường theo tiêu chuẩn xã hội và tiêu chuẩn tôn giáo thời đó. Người nói với ông Si-môn: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi” (7,44-46).
Kiểu so sánh mạnh mẽ của Đức Giê-su qua cách thức kể chuyện đã làm đảo lộn thang giá trị. Bởi vì phần đầu bản văn cho phép người đọc nghĩ tốt về người Pha-ri-sêu thì đến lúc này, ông ấy không còn là người hiếu khách nữa và bị Đức Giê-su khiển trách. Còn người phụ nữ, phần đầu câu chuyện làm cho người đọc nghĩ đây là người phụ nữ không tốt, thì đến lúc này độc giả biết rằng chị ấy thực sự là người hiếu khách, người đã đón tiếp Đức Giê-su đúng mức và hành động của chị được Đức Giê-su đánh giá cao.
Đức Giê-su kết luận: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Đức Giê-su không xí xóa hay xem nhẹ tội của chị ta vì Người nói rõ: “Tội của chị ấy rất nhiều”. Điều quan trọng là cách hành động của chị mà trước đây người Pha-ri-sêu và cả độc giả đánh giá là chướng mắt thì Đức Giê-su lại đề cao, bởi vì hành động của chị được hiểu như là cách bộc lộ tình yêu chân chính, cách bày tỏ lòng sám hối quay trở về. Vì thế, Đức Giê-su tuyên bố: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48).
Ý nghĩa của bài Tin Mừng là chúng ta (độc giả) nên thận trọng với những đánh giá về người khác theo tiêu chuẩn giá trị trong xã hội mình đang sống, kể cả những tiêu chuẩn tôn giáo có sẵn, bởi vì người Pha-ri-sêu đã đánh giá thấp người phụ nữ tội lỗi theo văn hóa tôn giáo thời đó. Bằng cách sắp xếp các tình tiết, Đức Giê-su trong trình thuật đã đảo ngược cách đánh giá của xã hội đương thời để làm nổi bật lên sự lượng giá của Thiên Chúa: Lấy tình yêu và sự sống làm tiêu chuẩn, đồng thời đề cao sự hối cải quay trở về của con người. Ngày nay, nhiều lúc độc giả cũng dựa vào những tiêu chuẩn có sẵn để đánh giá người khác. Trình thuật Lc 7,36-50 mời gọi chúng ta biết cách nhìn và cách lượng giá theo đề nghị của Đức Giê-su.
4. Kết luận
Chỉ cần thay đổi thứ tự trong cách kể chuyện, tác giả đã làm nên một trình thuật độc đáo, tạo nên sức mạnh cho bản văn và chuyển tải được ý nghĩa câu chuyện.
Nếu theo thứ tự thời gian thì câu chuyện gồm các bước:
Phần đầu câu chuyện:
1. Người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa.
2. Ông ta không làm cử chỉ tiếp đón tiếp Đức Giê-su.
3. Một phụ nữ tội lỗi đi vào và làm những hành động không bình thường theo cách lượng giá của nhiều người.
4. Người Pha-ri-sêu lên tiếng phản đối.
Phần cuối câu chuyện:
5. Đức Giê-su không đồng ý với ông ta và Người giải thích.
6. Người phụ nữ được tha tội vì yêu mến nhiều.
Nhưng tác giả kể câu chuyện theo thứ tự sau:
Phần đầu câu chuyện:
1. Người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa.
2. Không kể bước thứ hai này.
3. Một phụ nữ tội lỗi đi vào và làm những cử chỉ xem ra chướng tai gai mắt.
4. Người Pha-ri-sêu lên tiếng phản đối.
Phần cuối câu chuyện:
5 + 2. Đức Giê-su không đồng ý với ông Si-môn và Người giải thích. Tác giả kể bước thứ 2 trong phần giải thích này và đặt song song “cử chỉ đón tiếp của người phụ nữ” với “thiếu sót của ông Si-môn”. Cách kể chuyện này đề cao hành động của người phụ nữ và làm lộ ra điểm yếu của người Pha-ri-sêu.
6. Người phụ nữ được tha tội vì yêu mến nhiều.
Bằng cách đảo lộn thứ tự câu chuyện theo thời gian (kể bước thứ hai trong phần sau), tác giả đã vẽ lên một bức tranh độc đáo với những tương phản mạnh mẽ, vừa châm biếm, vừa hài hước, vừa chuyển tải được ý tưởng thần học quan trọng của bản văn.
Giáo huấn của Đức Giê-su mời gọi độc giả thận trọng khi đánh giá người khác dựa trên những tiêu chuẩn và những giá trị có sẵn trong xã hội. Đức Giê-su đảo lộn cách suy nghĩ theo những giá trị sẵn có để đề cao Tình yêu. Đó là tình yêu từ cả hai phía: Tình yêu từ phía con người, vì người phụ nữ tội lỗi đã yêu mến nhiều nên được tha nhiều. Tình yêu từ phía Thiên Chúa, vì Đức Giê-su đã đón nhận và đánh giá cao cách bày tỏ tình yêu chân chính của chị ấy./.
Ngày 19 tháng 07 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
bài tin mừng muốn cho độc giả có một lối nhìn, lối cư xử theo tiêu chuẩn là tình yêu. chính tiêu chuẩn này sẽ giúp cho mình có lối nhìn, ứng xử thật đúng đối với những con người mình cho là tội lỗi, khó ưa. con Vũ Đình Trọng
Trả lờiXóaChúc mừng cha đã trở thành sứ giả đáng tin cậy của Lời cứu độ. Cha đã phân tích thật rõ ràng khiến người đọc không thể phản biện, vì nhận ra rằng: Như trời cách xa đất bao nhiêu thì đường lối, tư tưởng, hành động, phán đoán và quyết định của Thiên Chúa khác hẳn phàm nhân bấy nhiêu! Và đó là chuẩn mực cho chúng ta khi sống với anh em. Điều này thật chẳng dễ chút nào! Nhưng cũng phải cố gắng can đảm bằng sức mạnh của Tin Mừng thôi cha nhỉ, vì chúng ta là những người đang tập tễnh theo Đức Giesu mà!
Trả lờiXóaChúc blog của cha luôn đem lại những hoa trái của Thánh Thần, để ai ghé thăm đều cảm nhận chan chứa niềm vui, nhờ làn gió nhẹ nhàng của Thần Khí đưa sâu vào trong Lời, và làm cho Lời đi vào trong mỗi người để niềm vui ấy nên trọn vẹn và hy vọng làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn!
thông thường ngày nay, mỗi người có cách nhận xét người khác với cách nhìn theo bản thân mình hay theo với lối sống mình. Ít có ai có nhận xét người, nhất là người chưa có đời sống chưa tốt với tính cách vị tha mà Bài Tin Mừng mà Cha đã phân tích. thường thì làm cho họ đau khổ, cay đắng bởi miệng lưỡi của mình, thì mới chúng tỏ mình là người ưu việt.
Trả lờiXóaJos. Dung
Cám ơn cha thật nhiều về bài chia sẻ rất hay và bổ ích! Mấy hôm nay, trời ở đây đã vào hè, mà mưa vẫn dầm dề, gió thổi lạnh. Phải chăng „ Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ.“
Trả lờiXóaCuộc đời không phải lúc nào cũng nở hoa tươi đẹp, nhưng trong cuộc đời cũng có đầy những ân huệ. Sống trước hết là đón nhận ân huệ. Ơn sinh thành của cha mẹ, ơn của người vợ đảm đang, người chồng hiền lành, ơn của bạn hữu. Ơn của cả khổ lụy có khi đưa ta vào niềm vui thâm sâu. Và đặc biệt hơn cả, là ơn được làm con cái của một Thiên Chúa Tình yêu, Nhân từ. Hạnh phúc, sung sướng biết bao!
Thực tế, con người dù sao vẫn là người. Vì chỉ người mới có thể mắc tội, và chỉ có người mới nhận ra được một điều gì đó khiến cho mình ý thức mình là kẻ có tội. Đã đành, con người rất ác độc. Nhưng có ác, nếu không có ý nghĩ nào về thiện. Súc vật không biết thiện ác là gì. Cá lớn nuốt cá bé theo luật tự nhiên, luật rừng. Người không vậy, người là „trung tâm“ của mọi giá trị. Và trong xã hội loài người, không có tội nào lớn hơn tội phủ định con người, khai trừ con người, dù người đó lành hay dữ, thông thái hay đần độn, nghèo hay giàu.....Nhân danh bất cứ giá trị gì để khinh miệt hay phủ định con người là tự mâu thuẫn. Thưa cha, cha nghĩ thế nào?
Vẫn còn đó những người sống trong tội lỗi, tự huỷ hoại bản thân mình và làm khổ người khác. Vẫn còn đó sự dữ và những hành động đen tối. Nhưng có lẽ điều giá trị và cao quý nhất nơi con người là dám “TIN” và dám “YÊU”. Dám tin vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa là Đấng có khả năng ban sự sống đích thực cho con người. Dám tin vào khả năng hoán cải của con người. Dám yêu bằng tình yêu của Thiên Chúa, vì tình yêu đó có khả năng làm cho con người biết tin nhau, biết tôn trọng và biết yêu thương nhau. Sự dữ có thể giết chết thân xác con người, nhưng không thể giết chết niềm tin và tình yêu nơi họ.
Trả lờiXóaDù con người có thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn yêu thương và muốn con người quay về với Sự Thật và Sự Thiện để được sống. Thiên Chúa mời gọi chúng ta yêu thương và tôn trọng mọi người không phân biệt lành hay dữ, sang hay hèn. Trong xã hội loài người, cách tốt nhất để sống với nhau, không phải là “phủ định sự dữ” hay “loại trừ kẻ ác” mà là xây dựng niềm tin và tình yêu.
Đó là niềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa, niềm tin và tình yêu vào Sự Thật và Sự Thiện. Nhờ đó, dù hoàn cảnh có bi đát đến đâu đi nữa, con người vẫn không mất niềm tin vào chính mình và không mất niềm tin vào người khác; vẫn không đánh mất tình yêu nơi mình và đánh mất tình yêu nơi người khác; vẫn không tuyệt vọng về mình và không tuyệt vọng về người khác. Nói cách khác, NIỂM TIN và TÌNH YÊU ấy có khả năng mang lại HẠNH PHÚC đích thực cho con người./.
Cam ơn Cha đã cho độc giả một cái nhìn về kỹ thuật hành văn trong Kinh thánh. Bài viết của Cha khá chi tiết và diễn tả được ý của chủ đề. Tuy nhiên, con không đồng ý với Cha về điểm: ở số 6 trong phần mở đầu và kết luận: "6. Người phụ nữ được tha tội vì yêu mến nhiều".
Trả lờiXóaTheo con, Cha viết như thế thì độc giả sẽ hiểu là sự yêu mến là nguyên nhân dẫn đến kết quả là sự tha thứ. Như vậy, ta sẽ hiểu là vì chị ấy yêu nhiều nên Chúa mới tha tội cho chị ta.
Thế nhưng, theo con, câu này ta phải hiểu theo nghĩa ngược lại, tức là, Thiên Chúa tha thứ cho người phụ nữ nên chị ấy mới yêu nhiều. Vì thế, bản dịch của nhóm CGKPV dùng từ 'bằng chứng" chứ không dùng từ "vì": "tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều". Hiểu theo nghĩa này thì sự tha thứ là nguyên nhân dẫn đến kết quả là yêu mến. Do đó, hiểu theo nghĩa này phù hợp hơn vì Thiên Chúa luôn đi bước trước, sau đó, con người đáp trả lại tình yêu của Chúa; điều này cũng phù hợp với câu chuyện tha thứ cho con nợ mà Đức Giêsu nói trong đoạn văn (Lc 7,41-42).
Vì thế, theo thiển ý của con thì số 6 đó nên đổi lại là: "Người phụ nữ yêu mến nhiều vì Thiên Chúa đã tha thứ nhiều".
Xin Cha giải thích thêm về điểm này
Con cảm ơn Cha.
Xin cảm ơn quý độc giả đã động viên và có những gợi ý thiết thực nhằm soi sáng cho ý nghĩa của bản văn.
Trả lờiXóaĐúng như thế, câu chuyện con nợ được tha ở Lc 7,41-42 lập luận: Mắc nợ – con nợ xin tha – chủ nợ tha – con nợ yêu mến chủ. Kết luận: nợ nhiều, sau khi được tha thì yêu mến nhiều và ngược lại. Trong bài Tin Mừng, sau khi kể về những việc người phụ nữ tội lỗi đã làm, Đức Giê-su nói với ông Si-môn một câu, câu này tạm dịch sát theo Hy Lạp như sau: “Nhiều tội của chị ấy đã được tha, bởi vì (hoti) chị ấy đã yêu mến nhiều, còn người được tha ít thì yêu mến ít.” Từ Hy Lạp hoti có các nghĩa: vì, bởi vì (because) từ khi, từ lúc, vì, vì lẽ rằng (since, so that), rằng, là (that). Nếu theo trình tự câu chuyện minh hoạ thì chị ấy được tha nhiều nên yêu mến nhiều, và như thế yêu mến có sau khi được tha tội.
Tuy nhiên, bản văn không nói rõ như thế. Bản văn chỉ nói, yêu mến là nguyên nhân được tha tội, mà không xác định yêu mến trước khi được tha tội hay yêu mến sau khi được tha tội. Trong trường hợp người phụ nữ tội lỗi ở đây, có thể hiểu theo cả hai: yêu mến trước và sau khi được tha tội, theo tiến trình như sau: Phạm nhiều tội – chị ấy sám hối, xin tha thứ và bày tỏ lòng yêu mến nhiều – Đức Giê-su tha tội – chị tiếp tục yêu mến Đức Giê-su nhiều. Nói cách khác, sau khi được Đức Giê-su tha tội, chị vẫn là người yêu mến Đức Giê-su nhiều.
Không thể phủ nhận sự việc bài Tin Mừng đề cao quyền tha tội của Đức Giê-su. Chính Người tuyên bố lời tha tội: “Tội của chị đã được tha”. Và lời này đã làm cho những người đồng bàn thắc mắc vì không bình thường: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Bài Tin Mừng không nói đến việc “Thiên Chúa tha tội” theo nhãn giới Cựu Ước, nhưng muốn khẳng định “Đức Giê-su có quyền tha tội”. Hơn nữa, bản văn cũng không nhấn mạnh việc “tin vào Thiên Chúa” vì ông Si-môn cũng tin vào Thiên Chúa của Cựu Ước. Theo mạch văn, lòng tin trong câu nói của Đức Giê-su: “Lòng tin của chị đã cứu chị”, được hiểu là lòng tin vào Đức Giê-su.
Nếu hiểu “Thiên Chúa đã tha tội cho chị rồi”, chị mới bày tỏ lòng yêu mến, thì lời tuyên bố tha tội của Đức Giê-su không còn ý nghĩa. Vì thế, xin đề nghị cách hiểu những cử chỉ mà người phụ nữ tội lỗi bày tỏ lòng yêu mến dành cho Đức Giê-su là hành động sám hối quay trở về. Thấy lòng yêu mến và sám hối của chị, Đức Giê-su tuyên bố lời tha tội. Và “lòng yêu mến nhiều” của chị vẫn tiếp tục sau khi được tha tội. Đức Giê-su còn đi xa hơn khi nối kết tình yêu ấy với niềm tin và ơn cứu độ. “Lòng tin của chị đã cứu chị.”
Có thể hiểu thông điệp của bản văn: Những người tội lỗi dù nhiều đến đâu đi nữa, nếu tin vào Đức Giê-su, sám hối VÌ LÒNG MẾN và quay trở về thì sẽ được Đức Giê-su tha thứ, và người ấy được mời gọi tiếp tục tương quan với Đức Giê-su bằng lòng mến. Đồng thời, tình yêu này không thể tách khỏi lòng tin vào Đức Giê-su và ơn cứu độ mà Đức Giê-su ban cho người tin. Tóm lại, mạch văn cho phép hiểu: Cần có tình yêu “trước” và “sau” lời tuyên bố tha tội của Đức Giê-su./.
Votre réponse aux lecteurs et aux lectrices est un C.Q.F.D. (Ce qu'il fallait démontrer...).
Trả lờiXóaDans l'avant dernier paragraphe où se trouve la phrase: "..., xin đề nghị cách hiểu những cử chỉ mà người phụ nữ tội lỗi bày tỏ lòng yêu mến dành cho Đức Giê-su là hành động sám hối quay trở về. Thấy lòng yêu mến và sám hối của chị,..."
Oui, je pense que c'est la repentance que Jésus préfère.