Bản văn Mt 23,1-12 (NPD/CGKPV)
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:
2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.
3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.
4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.
5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.
6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,
7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.
9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.
11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Nội dung
1. Tóm lược ý chính đoạn văn Mt 23,1-12
2. “Nói” và “làm”
3. “Gương sáng” và “gương mù”
4. Kết luận
1. Tóm lược ý chính đoạn văn Mt 23,1-12
Bài Tin Mừng Mt 23,1-12 gồm hai phần. Phần đầu nói về việc các kinh sư và những người Pha-ri-sêu “nói” mà không “làm”. Tuy vậy, Đức Giê-su dặn dân chúng và các môn đệ là đừng “làm theo” những gì “họ làm” nhưng “hãy làm” và “hãy giữ” những gì “họ dạy” theo luật Mô-sê (23,2-4). Tiếp đến Đức Giê-su làm lộ ra sự thật bên trong của những gì xem ra tốt đẹp bên ngoài: Đeo hộp kinh lớn, tua áo thật dài, ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc và trong hội đường. Những điều này tự nó không xấu. Nhưng khi Đức Giê-su có ý trách họ giả hình, Người đã làm lộ ra sự thật trong lòng họ, sự thật này không thể thấy bằng mắt.
Phần thứ hai, Đức Giê-su dựa trên những gì các kinh sư và những người Pha-ri-sêu đã làm để giáo huấn về cách sống của người môn đệ trong tương quan với quyền bính. Trong ý hướng thần học và tâm linh, người môn đệ của Đức Giê-su chỉ có một Cha là Thiên Chúa, chỉ có một Thầy là Đức Giê-su, chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô, còn tất cả là anh em với nhau. Điểm giáo huấn này có ý nghĩa nền tảng cho đời sống của người tin trong tương quan với Thiên Chúa. Cho dù theo văn hoá khác nhau và với các chức vụ khác nhau trong xã hội, chúng ta gọi nhau bằng danh xưng nào đi nữa (gọi người khác là thầy, là cha, là ông…) thì giáo huấn của Đức Giê-su vẫn luôn có giá trị. Người mời gọi chúng ta thiết lập tương quan sâu xa trong niềm tin với Thiên Chúa là Cha duy nhất, với Đức Giê-su là vị Thầy, vị lãnh đạo, vị mục tử duy nhất, và với nhau. Trên nền tảng đức tin và lòng mến, tất cả chúng ta là anh em với nhau, là con cùng một Cha trên trời.
Kết thúc bài tin mừng Đức Giê-su dùng hình ảnh đối lập: “người làm lớn” – “người phục vụ”, “kẻ tôn mình lên” – “kẻ hạ mình xuống”. Đây là kiểu nói đối lập để làm nổi bật tinh thần sống của người môn đệ. Không nên áp dụng cách ngây thơ theo nghĩa: “Phục vụ để được làm lớn”, hay “hạ mình để được nâng lên”. Nếu áp dụng như thế, chúng ta không khác gì các kinh sư và những người Pha-ri-sêu. Tuy phương tiện khác nhưng mục đích lại giống họ: Thích được làm lớn và thích ngồi chỗ nhất. Có lẽ nên hiểu là, qua kiểu nói trên, Đức Giê-su muốn các môn đệ sống đúng vị trí của mình trong tương quan mới mẻ với Thiên Chúa, với Đức Giê-su và với nhau. Trong đời sống mới, người tin được mời gọi noi gương Đức Giê-su: Phục vụ và hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá vì yêu thương.
Qua những ý tưởng trên của bài Tin Mừng xin chia sẻ hai ý tưởng: 1) “Nói” và “làm”, 2) “Gương sáng” và “gương mù”.
2. “Nói” và “làm”
Chúng ta thường nghe nói: “Nói” phải đi đôi với “làm”. Chỉ những ai làm theo những gì mình nói, lúc đó chúng ta mới nghe theo lời dạy bảo của Người ấy. Lý tưởng là như thế, nhưng trong Mt 23,2-3, Đức Giê-su đi xa hơn một bước. Người phân biệt giữa “nói” và “làm”. Không cần chờ đến “nói” và “làm” ăn khớp với nhau mới nghe theo sự chỉ dạy của người khác. Sự phân biệt giữa “nói” và “làm” đòi hỏi sự sáng suốt và biết cách lượng giá để không đồng hoá “lời nói” với “việc làm”. Cũng không vội kết luận rằng: Người nói sống chưa tốt (trường hợp các kinh sư và những người Pha-ri-sêu), thì tất cả những gì họ nói và giảng dạy đều không có giá trị, không đáng để được lắng nghe và thực hành. Ngược lại, Đức Giê-su mời gọi dân chúng, các môn đệ và độc giả biết phân biệt giữa “lời nói đúng” và “lời nói sai”, phân biệt giữa “việc làm đúng” và “việc làm sai”.
Theo giáo huấn của Đức Giê-su: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3). Đây là trường hợp “nói đúng” - “làm sai”. “Nói đúng” nên vẫn phải lắng nghe và tuân giữ. Đức Giê-su nhấn mạnh bằng hai động từ “làm” (poieô) và “giữ” (têreô), còn động từ “nghe” (akouô) không nói đến. Bởi vì, có thể “nghe” mà không “làm” và không “giữ”. Nhưng nếu đã “làm” và “giữ” thì chắc chắn là có nghe và hiểu để biết phải làm gì và giữ điều gì. Ngược lại, Đức Giê-su cũng muốn mọi người nhận ra việc “làm sai” để “không làm” (poieô) theo những điều sai ấy.
Như thế, Đức Giê-su dạy dân chúng, các môn đệ và độc giả hai điều: (1) “Làm” và “giữ” những gì người khác “nói đúng”, (2) “Không làm”, “không noi theo” những gì người khác “làm sai”. Ở cấp độ cao hơn, Đức Giê-su mời gọi thính giả nhận ra sự thật phía sau lời nói và hành động để xác định: “nói đúng” hay “nói sai”, “làm đúng” hay “làm sai” để từ đó có cách ứng xử thích hợp.
Trong thực tế, không hề đơn giản để biết được điều này. Có thể xảy ra trường hợp “nói đúng” hay “làm đúng” mà dư luận lại lầm tưởng là “nói sai” hay “làm sai”. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5) có thể được dân chúng đánh giá là đạo đức và yêu mến Lời Chúa. Ngược lại, việc Đức Giê-su ăn uống với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi” (Mt 9,10) lại bị những người Pha-ri-sêu cho là “làm sai”, “làm điều chướng”.
Nhiều lúc chúng ta vẫn chờ đến lúc “lời nói” và “việc làm” của người giảng dạy phải ăn khớp với nhau thì mới nghe. Nhưng xét cho cùng, giữa “nói” và “làm” luôn có một khoảng cách. Trường hợp các kinh sư và những người Pha-ri-sêu là “nói” và “làm” không ăn khớp nhau. Nhưng cũng có trường hợp “biết đúng”, “nói đúng” và “ước ao làm đúng” nhưng vì con người yếu đuối nên vẫn chưa làm được, nghĩa là “việc làm” vẫn chưa ăn khớp với “lời nói”. Nếu chờ đến lúc “lời nói” và “việc làm” hoàn toàn ăn khớp với nhau mới “nghe theo” thì e rằng chờ cả đời cũng chưa học hỏi được gì, chỉ vì không thể xoá bỏ khoảng cách giữa “lời nói” và “việc làm”, giữa “ước mơ” và “hiện thực”, giữa “lý thuyết” và “thực hành”.
Giáo huấn của Đức Giê-su sâu xa và mang tính thực tiễn. Điều quan trọng là lượng giá để biết điều gì tốt, điều gì không tốt, đều gì đúng và điều gì sai. Phân biệt lời nào là “lời nói đúng”, lời nào là “lời nói sai”, phân biệt giữa “việc làm đúng” và “việc làm sai”. Khả năng biện phân này giúp chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều mà không vội đánh giá hay xét đoán người khác. “Đúng” hay “sai” cũng có thể học hỏi. “Nói đúng”, “làm đúng” thì học để theo, “nói sai”, “làm sai” thì học để tránh. Tuy nhiên, việc xác định “đúng”, “sai” trong cuộc sống là điều phức tạp và tế nhị, cần uyển chuyển, sáng suốt và luôn luôn nhận định lại theo từng thời điểm. Bởi vì mọi thực lại luôn chuyển biến theo thời gian.
Bài Tin Mừng Mt 23,1-12 có nhiều điều để học hỏi: “học để theo” và “học để tránh”: Học hỏi để cố gắng làm cho “lời nói” đi đôi với “việc làm” bao nhiêu có thể được; học để tránh sự khoe khoang và ham hố quyền cao chức trọng; học để biết sống với nhau như là anh em, phục vụ và nâng đỡ nhau. Học để bước vào tương quan với Thiên Chúa là Cha, học để bước vào tương quan với Đức Giê-su là vị Thầy duy nhất có khả năng đem lại sự sống đời đời cho người tin.
Bản văn mời gọi độc giả học để “biết cách nghe”, “biết cách nhìn”, “biết nhận định” về sự phức tạp của cái gọi là “gương sáng” (làm đúng) và “gương mù” (làm sai).
3. “Gương sáng” và “gương mù”
Thường thì có hai loại gương: “Gương sáng” và “gương mù”, “gương xấu”. Theo nghĩa thông thường “gương sáng” chỉ những việc tốt đẹp để mọi người thấy mà noi theo. Còn “gương mù” là những việc thiên hạ thấy nhưng là những điều không tốt và trở thành gương xấu cho người khác.
Đoạn Tin Mừng Mt 23,1-12 cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Có những tấm gương bên ngoài xem ra là “gương sáng” nhưng thực sự lại là “gương mù”. Những điều các kinh sư và những người Pha-ri-sêu làm có thể được nhiều người coi là “gương sáng”. Họ đang làm những việc đáng quý, đáng trọng và dân chúng nghĩ là nên làm theo: Đeo hộp kinh, mang tua áo. Họ được người thời đó kính trọng và ngưỡng mộ, nên họ có chỗ danh dự trong đám tiệc và hàng ghế đầu trong hội đường (Mt 23,6).
Những điều mà thiên hạ cho là quý trọng ấy thì Đức Giê-su đã làm lộ ra sự thật trong lòng họ. Thực chất ẩn dấu bên trong bằng một hình thức tốt đẹp bên ngoài. Sự không ăn khớp giữa “ý hướng bên trong” và “việc làm bên ngoài” đã làm cho những công việc “tốt đẹp” ấy trở thành giả hình. Vì họ làm là cốt để cho thiên hạ thấy, để mình được thiên hạ kính trọng (Mt 23,5). Họ thực hành việc đạo đức để tìm hư danh chứ không vì lòng yêu mến và tôn kính Thiên Chúa. Như thế, những việc họ làm thực sự là những tấm gương mù. Gương mù bởi sự “trống rỗng” bên trong đối với Thiên Chúa nhưng lại “đầy dẫy” tham vọng hư danh.
Trình thuật Tin Mừng cho thấy: Để phân biệt đâu là gương sáng đâu là gương mù là điều không đơn giản. Chỉ Đức Giê-su, Đấng biết mọi sự, mới có thể làm lộ ra sự thật bên trong của những hành động xem ra tốt đẹp bên ngoài. Qua đó Người dặn dò đám đông, các môn đệ và độc giả cần thận trọng trong việc nhận định hành động nào là “gương sáng”, việc làm nào là “gương mù”.
Trong thực tế, vấn đề phân biệt như trên là rất tế nhị. Có những hành động được xem là gương mù trước mắt thiên hạ, nhưng thực sự lại là gương sáng. Trở lại câu chuyện Đức Giê-su ăn uống với người tội lỗi (Mt 9,10), hành động này nhìn từ phía những người Pha-ri-sêu là gương mù, gương xấu. Vì theo đánh giá của họ, một bậc thầy mà ăn uống với người tội lỗi là không thể nhấp nhận. Bức xúc trước việc chướng tai gai mắt đó, họ đã hỏi các môn đệ của Đức Giê-su: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” (9,11)
Ngược lại, đối với các môn đệ và người tin, việc Đức Giê-su ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi lại là một “gương sáng”. “Gương sáng” không phải ở trong việc ăn uống với người tội lỗi nhưng là hệ tại ở lòng thương xót của Đức Giê-su đối với họ. Nếu như “người khoẻ không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (9,12), thì việc đến với người tội lỗi là sứ mạng của Đức Giê-su và cũng là sứ mạng của các môn đệ và của người tin qua mọi thời đại. Như thế, điều làm cho một hành động trở thành “gương sáng” thực sự là “gương sáng” không phải là những cái bên ngoài có thể thấy được, mà là động lực và ý hướng bên trong không thấy được bằng mắt. Như thế, có trường hợp một “tấm gương” có thể đối với người này là “sáng”, nhưng đối với người khác lại là “mù”. Việc Đức Giê-su đến với người tội lỗi là “gương sáng” cho các môn đệ nhưng lại là “gương mù” đối với những người Pha-ri-sêu.
Hơn nữa, trước một hành động người ta có thể chỉ lượng giá theo khía cạnh tiêu cực của nó. Đức Giê-su đã ở trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Người nói: “Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ấy bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Mt 11,18-19a). Rồi Đức Giê-su kết luận: “Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được nhìn nhận là đúng qua hành động” (Mt 11,19b). Vì thế, cần xác tín ơn gọi và công việc của mình, dùng trí khôn Chúa ban và dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su để có thể lượng giá đúng theo sự thật.
4. Kết luận
Sự thống nhất giữa “lời nói” và “việc làm” là điều mọi người đều mong ước và người có lương tri sẽ cố gắng suốt cả đời để thực hiện điều đó. Điểm độc đáo trong bài Tin Mừng là Đức Giê-su mời gọi dân chúng, các môn đệ và độc giả phân biệt giữa “nói” và “làm”. Điều quan trọng là lượng giá những động lực sâu xa của việc làm và của lời nói theo giáo huấn của Đức Giê-su. Nhờ tìm hiểu và học hỏi Tin Mừng, chúng ta có thể phần nào phân biệt được đúng hay sai trong lời nói và trong việc làm theo tinh thần của Tin Mừng để học hỏi. “Nói đúng” hay “làm đúng” thì học để làm theo và tuân giữ, “nói sai” hay “làm sai” thì học để tránh.
Trong cuộc sống thường ngày, phân biệt đâu là “gương sáng”, đâu là “gương mù” là rất khó. Điều quan trọng là động lực bên trong của hành động có phù hợp với Tin Mừng hay không. Đời sống xã hội và cộng đoàn cần có những tấm gương sáng, nhưng không phải “làm gương” chỉ là để “làm gương”, chỉ để trở thành “những tấm gương” mà tác dụng của nó có thể là “gương sáng” đối với người này nhưng lại là “gương mù” đối với kẻ khác.
Có lẽ không nên quá đề cao việc “làm gương”, vì tự nó dị nghĩa, mà tập trung vào điều quan trọng và sâu xa hơn. Đó là “làm chứng” cho Tin Mừng, “làm chứng” về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa với sự xác tín bên trong và cách thể hiện riêng của mình, đồng thời tôn trọng sự xác tín bên trong và cách thể hiện ra bên ngoài của người khác./.
Ngày 22 tháng 03 năm 2011
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/03/tim-hieu-mt-231-12-loi-noi-va-viec-lam.html
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Một lời nhắc nhở để con tự sửa mình là : “làm chứng” cho Tin Mừng, “làm chứng” về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa với sự xác tín bên trong và cách thể hiện riêng của mình, đồng thời tôn trọng sự xác tín bên trong và cách thể hiện ra bên ngoài của người khác.
Trả lờiXóaCám ơn cha.
Chúng con cám ơn Cha một lần nữa cho chúng con thấy được những điều làm gương mù hay gương sáng trong cách thể hiện hay trong tâm hồn là điều thật quan trọng . Hy vọng rằng mỗi người chúng con từng ngày một thấm nhuần Lời để sống tốt hơn và thăng tiến hơn.
Trả lờiXóaCám ơn cha đã chia sẻ bài “Lời nói và việc làm” – “gương sáng và gương mù” thật sâu sắc, rõ ràng.
Trả lờiXóaCon trộm nghĩ, đẹp và hay của mọi tôn giáo, mọi triết lý ở chỗ „tìm“, ở chỗ „đi“. Không ở chỗ „đến“, chỗ „thấy“.
Nhà Phật nói Giải thoát, KiTô giáo nói Cứu Độ. Nhưng thiết tưởng không nên vội tìm Giải thoát hay Cứu Độ, không nên cố bám chặt vào chân lý. Đòi nắm chặt chân lý trong tay là một cách trốn đời, ghét đời. Phêrô và hai môn đệ khác theo Đức Giêsu lên một ngọn núi. Ở đây Đức Giêsu biến đổi hình dạng và tỏ ra tất cả sự vinh quang của Người. Phêrô mừng quá xin dựng lều. Nhưng nói xong, ông nhìn quanh chẳng thấy gì nữa, chỉ thấy Đức Giêsu và hai môn đệ. Chỉ có cuộc sống đời thường. Dựng lều cắm trại, cập bến: Cơn cám dỗ muôn đời.
“Làm gương”. Đó là “làm chứng” cho Tin Mừng, “làm chứng” về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa với sự xác tín bên trong và cách thể hiện riêng của mình, đồng thời tôn trọng sự xác tín bên trong và cách thể hiện ra bên ngoài của người khác“
Đó cũng là vấn đề sống chết của mỗi con người. Vấn đề „Tin“. Nhưng, liệu mỗi con người, đã được chịu „Phép Rữa“ có thể trung thành trọn vẹn “làm chứng” cho Tin Mừng ?
Đã được chịu phép rửa, đã tin vào Đức Giê-su, đã đón nhận giáo huấn của Người, đã trở thành môn đệ là những ơn ban lớn lao, vì nhờ đó chúng ta có sự sống đích thực. Nhưng điều quan trọng hơn là ngay lúc này, ngay trong hiện tại, chúng ta còn tin, còn sống giáo huấn của Đức Giê-su, còn làm môn đệ của Người, còn làm chứng cho Tin Mừng hay không.
Trả lờiXóaÝ tưởng “trung thành trọn vẹn việc làm chứng cho Tin Mừng” vẫn ở phía trước. Không ai dám nói là đã đạt được. Giả như đã đạt được thì liệu ngày mai có còn “trung thành trọn vẹn…” nữa hay không? Vì thế, các hành động: “tin”, “làm môn đệ”, “làm chứng” là những điều phải thực hiện suốt cả cuộc đời, với ý thức sự yếu đuối và mong manh của thân phận con người.
Lời mời gọi của Đức Giê-su “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) vẫn còn hiện thực cho bất cứ ai (đã tin, đang tin, sẽ tin, chưa tin…), bởi vì “tin” và “làm chứng” gắn liền với cuộc sống chứ không phải là một thứ có thể sở hữu, có thể nắm được trong tay./.
Đúng là nếu cứ đợi “lời nói” và “việc làm” trùng khớp mới “nghe theo” thì chắc phải hát khúc “ngày về” thôi! vì cuộc đời đan xen giữa ánh sáng và bóng tối này ta thấy nhan nhản “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”! Nhưng rồi chính ta có lúc cũng cảm thấy rất khó mà lượng giá về những giá trị luân lý. Cám ơn Cha rất nhiều đã giúp cho chúng con mở rộng tầm nhìn, bớt đi những định kiến và biết biện phân đúng theo chuẩn mực của Tin Mừng.
Trả lờiXóaCon cũng rất đồng ý với phần kết luận của cha về việc không nên đề cao việc “làm gương”, vì động từ này có nghĩa là trở thành mẫu mực cho người khác; Nhưng cần lưu tâm đến “làm chứng” tức là sống đúng cho những giá trị của Tin Mừng. Chúc Cha sức khỏe và tình yêu để phục vụ Lời.
Bài chia sẻ rất hay,cho độc giả kiến thức sâu xa về bài Tin mừng làm nền cho suy tư áp dụng vào cuộc sống. Lời văn và ý tưởng trong sáng, rõ ràng, cô đọng nhưng lại gần gũi, dễ tiếp nhận.
Trả lờiXóaCám ơn cha đã chia sẻ "hạt ngọc" cho ngày hôm nay.