28/12/2010

Mt 2,13-23: Sức mạnh trong yếu ớt, niềm vui trong nỗi đau


Cánh đồng Bê-lem ngày nay [24/11/2007]

Mt 2,13-23 (Bản dịch NPDCGKPV)
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!"
14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.
17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:
18 "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,
20 báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi."
21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.
22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,
23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

Chia sẻ
Dẫn nhập
Đoạn Tin Mừng Mt 2,13-23 trình bày hai đề tài chính:
1) Tương phản giữa sức mạnh và sự yếu ớt, giữa quyền lực của vua Hê-rô-đê và không chút quyền lực nào của Thánh Gia. Sự tương phản làm lộ ra cách Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại. Phải chăng Thiên Chúa bày tỏ sức mạnh của Người trong chính sự yếu ớt và không quyền hành?
2) Tương phản thứ hai xoay quanh “niềm vui” và “nỗi buồn”. Điều nghịch lý là thay vì Đấng Cứu Tinh xuất hiện đem lại niềm vui cho con người, thì lại dẫn đến đau thương và nước mắt. Làm thế nào để nối kết niềm vui Giáng Sinh với nỗi đau của những người mẹ mất con? (2,18) Đâu là niềm vui đích thực trong biến cố Con Thiên Chúa đến cứu loài người?
Xin chia sẻ hai ý tưởng nghịch lý: “Sức mạnh trong yếu ớt” và “niềm vui trong nỗi đau” để tìm hiểu cách Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử và niềm vui lớn lao nơi biến cố Con Thiên Chúa đến với nhân loại.

I. SỨC MẠNH TRONG YẾU ỚT
Tin Mừng Mát-thêu 2,13-23 thoáng cho thấy cách Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử, qua tương phản mạnh mẽ giữa sức mạnh và yếu ớt, giữa quyền lực và không quyền lực.
Thánh Giu-se, Mẹ Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su nổi lên trong trình thuật với nét âm thầm, khó nghèo và không chút quyền lực nào. Cả ba nhân vật đều không lên tiếng trong trình thuật. Thánh Giu-se không nói nhưng mau mắn hành động để bảo vệ sự sống của gia đình. Đầu bài Tin Mừng, khi được báo mộng, thánh Giu-se “liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập” (2,14). Gần cuối bài Tin Mừng, khi được báo mộng, thánh Giu-se “liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en” (2,21). Cuối cùng, thánh Giu-se cũng được báo mộng để đưa Thánh Gia về Na-da-rét thay vì về Giu-đê (2,22).
Bài Tin Mừng thuật lại ba cuộc chạy trốn theo nghĩa rộng. Trình thuật mở đầu: “Khi các nhà chiêm tinh đã ra đi”. Trong mạch văn, đây là một cuộc chạy trốn, vì các nhà chiêm tinh đã thất hứa, không cho vua Hê-rô-đê biết chỗ ở của Hài Nhi, nên họ có nguy cơ bị truy đuổi. Cuộc chạy trốn thứ hai là đang đêm Thánh Gia phải trốn sang Ai Cập. Cuộc chạy trốn thứ ba theo nghĩa lánh nạn: Thay vì về Giu-đê thì lánh về Na-da-rét để thoát khỏi sự bách hại của vua Ác-khê-lao, người kế vị vua cha Hê-rô-đê.
Như thế, Thánh Gia ở trong hoàn cảnh mong manh, yếu ớt và khó nghèo. Khó nghèo vì sinh hạ con đầu lòng trong hang bò lừa giữa mùa đông giá rét. Yếu ớt vì mới sinh hạ đã phải chạy trốn trong đêm tối. Đường đi thì dài và nguy hiểm, nơi đến là đất khách quê người. Bản văn cho thấy đây là cuộc chạy trốn của một gia đình đơn độc, chỉ có ba người. Thế giới ngày nay vẫn xảy ra những cảnh chạy trốn, chạy chốn thiên tai, chạy chốn chiến tranh, chạy trốn bách hại…
Yếu tố thứ hai trong bản văn là vai trò quan trọng của sứ thần Chúa với hai lời tường thuật trực tiếp: Lời thứ nhất: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” (2,13). Lời thứ hai: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (2,20). Lời báo mộng thứ ba thuật lại gián tiếp, cho biết nơi trở về là Ga-li-lê thay vì về Giu-đê.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không có gì mong manh hơn giấc mơ, chỉ là giấc mơ, chỉ là báo mộng, qua đó cho biết ý định của Thiên Chúa, chứ không phải là bày tỏ uy quyền trong lịch sử. Trình thuật tạo nên tương phản mạnh mẽ giữa báo mộng với thực quyền sinh sát của Hê-rô-đê.
Yếu tố thứ ba trong bản văn là kiểu nói: “để ứng nghiệm lời đã phán”. Lời thứ nhất là “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”. Câu trích gợi lại biến cố dân Ít-ra-en thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Biến cố Xuất Hành ngày xưa được áp dụng cho Hài Nhi Giê-su như thể báo trước vai trò Mê-si-a của Người. Lời trích thứ hai: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét” giải thích quê hương trần thế của Đức Giê-su (lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a sẽ phân tích trong mục II).
Qua lời trích, như thể các biến cố xảy ra đã được xếp đặt trước. Phải chăng sự bách hại của Hê-rô-đê đã được Thiên Chúa xếp đặt?
Bản văn trình bày hai chiều kích: Chiều kích lịch sử với sự bách hại của Hê-rô-đê và sự khó khăn, thiếu thốn của Thánh Gia. Chiều kích mặc khải là cách Thiên Chúa hành động trong hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Qua bài Tin Mừng có thể rút ra hai kết luận:
1) Những tai hoạ con người gây ra cho nhau không phải là do Thiên Chúa sắp đặt mà là do tội lỗi và tham vọng của con người. Một lời nói của một vị vua tham vọng có thể giết chết hàng trăm người vô tội. Điều Hê-rô-đê đã làm vẫn còn xảy ra đây đó ngày nay.
2) Đứng trước tham vọng của con người, chương trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn được thực hiện trong sự mong manh, nhỏ bé, yếu ớt, không quyền hành, qua hình ảnh một Hài Nhi mới sinh, một gia đình không nhà cửa, không tiện nghi và đang chạy trốn. Sự yếu ớt còn thể hiện qua sự âm thầm, im lặng của Thánh Gia trong bản văn.
Tất cả những yếu ớt trên làm tỏ lộ ra sức mạnh của Thiên Chúa. Thực vậy, điều trớ trêu là một thế lực hùng mạnh như vua Hê-rô-đê cũng không làm gì được một trẻ thơ vừa mới sinh hạ. Thế lực bóng tối không tiêu diệt được ánh sáng. Có thể nói, không có gì, không có thế lực đen tối nào trong lịch sử có thể ngăn cản được chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là điều an ủi lớn lao cho người tin vào Đức Giê-su trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách như Thánh Gia.
Nhưng Tin Mừng không dừng lại ở đây. Trình thuật hôm nay chuẩn bị một nghịch lý lớn lao hơn. Hôm nay, Thánh Gia thoát khỏi sự bách hại của Hê-rô-đê, nhưng 33 năm sau, Đức Giê-su đã không bảo toàn được mạng sống của mình, Người đã bị bách hại và đã chết trên thập giá. Nhưng Thiên Chúa vẫn không thua thế lực bóng tối. Thập giá là nơi chiến thắng thế lực của sự chết, Thập giá là nơi Đức Giê-su được tôn vinh, là lúc Người đi về với Cha và sống với các môn đệ mãi mãi.
Biến cố Thánh Gia xuất hành từ Ai Cập trở về đất Ít-ra-en là hình ảnh của một cuộc xuất hành khác: Đức Giê-su từ thế gian này đi về với Cha.
Tóm lại, sức mạnh của Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lộ trong sự yếu ớt, kể cả sự chết. Như thế, Thiên Chúa bày tỏ “sức mạnh” trong “không có sức mạnh”, bày tỏ “quyền hành” trong “không có quyền hành”. Ước gì chúng ta xác tín rằng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn tỏ lộ trong những khó khăn và thách đố thường ngày của chúng ta. Xin cho chúng ta tin tưởng, phó thác và mau mắn hành động như thánh Giu-se dưới sự hướng dẫn của sứ thần Chúa.

II. NIỀM VUI TRONG NỖI ĐAU
Biến cố Giáng Sinh là niềm vui lớn lao cho toàn thể nhân loại. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa bước qua một giai đoạn quyết định. Con Thiên Chúa nhập thể mang đến cho loài người sự sống đích thực. Nhưng khởi đầu của niềm vui cũng là khởi đầu của những nỗi đau mất mát và chết chóc. Câu hỏi đặt ra: Niềm vui ở đâu? Phải hiểu niềm vui Giáng Sinh như thế nào trong những nỗi đau mà nguyên nhân là Đấng Cứu Tinh đã ra đời?
Cơn giận của Hê-rô-đê bị các nhà chiêm tinh lừa dẫn đến chuyện “giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống” (2,16). Cơn giận của một kẻ có quyền lực thật khủng khiếp.
Nhưng đâu là ý nghĩa của trình thuật. Về lịch sử, phải khởi đi từ cuối Tin Mừng, biến cố lịch sử có thật là biến cố Thương Khó, kế đến là các trình thuật về cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Các tác giả sách Tin Mừng đã thu thập tài liệu và truyền thống, sau đó sắp xếp lại để xây dựng thần học riêng của mỗi sách Tin Mừng. Thời thơ ấu của Đức Giê-su ít tính lịch sử hơn cả, nhưng lại đậm nét thần học. Chỉ có Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Lu-ca có trình thuật thời thơ ấu, nhưng mỗi Tin Mừng lại có những đặc điểm riêng. Điểm nhấn thần học của trình thuật thời thơ ấu khẳng định: Đấng Cứu Tinh xuất hiện là ứng nghiệm lời Kinh Thánh, là một phần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa trải dài trong lịch sử dân Ít-ra-en.
Chẳng hạn, chuyện Hê-rô-đê sát hại các con trẻ ở Bê-lem và vùng lân cận là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,18 // Gr 13,15).
Trong sách Giê-rê-mi-a đây là lời tiên báo thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 587 TCN. Ra-ma là một làng ở phía Bắc Giê-ru-sa-lem, gần Ramala ngày nay. Thời Giê-rê-mi-a, Ra-ma là nơi tập trung dân Giu-đa để bị đưa đi lưu đày ở Ba-by-lon. Tại Ra-ma, bà Ra-khen là một trong hai người mẹ của con cái Ít-ra-en đã khóc thương con cái Ít-ra-en bị đưa đi lưu đày không trở về nữa.
Mát-thêu nối kết tiếng khóc của bà Ra-khen với Bê-lem bởi vì theo St 35,19-20: “Bà Ra-khen qua đời và được chôn trên con đường đi Ép-ra-tha, tức là Bê-lem. Ông Gia-cóp dựng một bia đá trên mộ bà, đó là bia mộ bà Ra-khen, vẫn còn cho đến ngày nay.”
Trong bối cảnh cộng đoàn Tin Mừng Mát-thêu vào cuối thế kỷ I, những dữ liệu trên cho phép hiểu trình thuật các trẻ Bê-lem bị giết gợi lại biến cố Đền Thờ bị phá huỷ năm 70. Một biến cố lịch sử ảnh hưởng sâu đậm tâm thức dân Do Thái, đặc biệt Tin Mừng Mát-thêu được viết cho cộng đoàn tín hữu xuất thân từ Do Thái giáo.
Đền Thờ bị phá huỷ, bị đốt cháy, không chỉ trẻ thơ mà nhiều người Do Thái đã chết để bảo vệ thành Thánh. Đây là một biến cố làm đảo lộn không chỉ một số làng ở Bê-lem mà cả một dân tộc. Từ đó họ phải sống lưu vong trong hai mươi thế kỷ; và ngày nay vẫn còn nhiều khó khăn để có một quê hương yên bình.
Đối với độc giả, câu hỏi đặt ra: Tại sao Đấng Cứu Tinh xuất hiện lại dẫn đến cái chết của những trẻ thơ vô tội. Chúa ở đâu khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi? Đâu là niềm vui, khi chỉ thấy chết chóc, khóc than và nước mắt?
Thiết nghĩ, gương các thánh tử đạo cho chúng ta câu trả lời. Sự sống Thiên Chúa ban quý trọng hơn sự sống thể lý. Ai tin vào Đức Giê-su thì có niềm vui và bình an của Người ngay giữa lúc khó khăn thử thách. Đó là niềm vui không ai lấy mất được. Vì niềm vui và sự sống đích thực được ban tặng, mà các thánh tử đạo đã dám hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho niềm vui lớn lao đó. Có thể nói, các ngài đã chấp nhận chết để sống.
Ước gì chúng ta nhận ra niềm vui sâu xa mà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người để từ đó vượt qua mọi khó khăn thách đố trong hiện tại.
Ước gì chúng ta nhận ra cách Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử để từ đó xác tín và đón nhận sự can thiệp của Người trong cuộc đời mình./.

Ngày 28 tháng 12 năm 2010
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

13/12/2010

Tôn chỉ


Trang web http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/ của Giu-se Lê Minh Thông, tu sĩ linh mục Dòng Đa Minh, tiến sĩ thần học Kinh Thánh tại Université Catholique de Lyon - France, chuyên về Tin Mừng Gio-an (Tin Mừng thứ tư), đã được cha Giu-se Ngô Sỹ Đình O.P., Giám Tỉnh Dòng Đa Minh, xét duyệt và chấp thuận ngày 13 tháng 12 năm 2010.

Chỉ có trong trang web này những bài viết liên quan đến việc học hỏi và chia sẻ Kinh Thánh, đặc biệt là Tin Mừng Gio-an (Tin Mừng thứ tư), nhằm góp phần tìm hiểu sứ điệp mặc khải của bản văn Kinh Thánh.

Ba mục đích của trang web:
(1) Giới thiệu sách đã xuất bản gồm các loại sách: Học hỏi Tin Mừng Gio-an; Bản văn Kinh Thánh; Phương pháp đọc Kinh Thánh; Học tiếng Hy Lạp Tân Ước. 
(2) Chia sẻ Tin Mừng qua gợi ý phân tích những đoạn văn trong bốn sách Tin Mừng.
(3) Tài liệu học tập về cách áp dụng phân tích thuật chuyện (analyse narrative) và phân tích cấu trúc (analyse structurelle) để tìm hiểu ý nghĩa một đoạn văn Kinh Thánh.


14/11/2010

Lc 19,1-10: Da-kêu vừa cao vừa thấp

Cây sung ở Giê-ri-khô [ngày 11/11/2007]

Da-kêu “cao” mà “thấp”, “thấp” mà “cao”
Lc 19,1-10
Bản văn Lc 19,1-10 (bản dịch NPDCGKPV)
1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.
2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.
3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.
4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.
5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!"
6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.
7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!"
8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."
9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.
10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

Chia sẻ

Câu chuyện Da-kêu quá quen thuộc, nhưng lại là một bức tranh sống động, phong phú, tinh tế và là lời chất vấn và mời gọi qua mọi thời đại. Trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua Giê-ri-khô và  xảy ra câu chuyện ông Da-kêu với những nét tương phản hài hước và độc đáo. Nhân vật chính được giới thiệu qua bốn chi tiết: (1) Tên gọi: Da-kêu, (2) Nghề nghiệp: Đứng đầu những người thu thuế, (3) Địa vị xã hội: Người giàu có, (4) Ngoại hình: thấp bé, ngôn ngữ bình dân gọi là lùn.

Trong câu chuyện, nhân vật Da-kêu có những nét tương phản vừa theo quan điểm người đời, vừa theo quan điểm tâm linh. Theo người đời, Da-kêu là người có địa vị, có quyền và có tiền, ba yếu tố này làm nên sức mạnh và uy thế của một con người. Ông ở cao hơn những người bình thường, nhưng ông lại thua kém họ về chiều cao, nên tầm nhìn bị thu hẹp và bị hạn chế. Ông muốn thấy Đức Giê-su, nhưng đám đông trở thành chướng ngại cho điều ông ước muốn. Tuy nhiên, con người không hơn nhau ở chiều cao mà hơn nhau ở cái đầu; Da-kêu quyết định thực hiện ước muốn thấy Đức Giê-su bằng cách trèo lên cây sung. Quyết định này tạo nên tương phản giữa việc ông đạt được mục đích là thấy Đức Giê-su, nhưng phải hy sinh thể diện. Một người có quyền hành và địa vị như ông mà lại leo lên cây sung, mượn cây sung để cải thiện chiều cao của mình, thì chẳng khác gì ông đề cao sự thấp bé của mình trước mọi người.

Đáng chú ý hơn là tương phản theo quan điểm tâm linh. Ông Da-kêu là người quyền thế trong xã hội, nhưng đám đông lại gọi ông là “người tội lỗi”, vì khi Đức Giê-su quyết định ở lại nhà ông, mọi người xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Câu kết của Đức Giê-su: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” đã xếp Da-kêu vào loại những người đã mất, nhưng được Đức Giê-su cứu.

Tương phản trên bình diện tâm linh và cách xử sự của Da-kêu để xem thấy Đức Giê-su đã được Người đánh giá cao. Việc ông dám trở trên trò cười cho thiên hạ để tiếp cận được Đức Giê-su cho thấy thiện chí của ông. Nhờ hành động này, ông trở thành nhân vật chính của câu chuyện với những chuyển biến tích cực và nhanh chóng. Khi Đức Giê-su nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (19,5) Bản văn chơi chữ khi viết Đức Giê-su nhìn lên và bảo ông xuống, nghĩa là trở về với chiều cao đích thực của mình, trở về với con người thực của mình, để không những thấy Đức Giê-su mà còn để đối thoại với Người, để quyết định bán nửa tài sản cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mình đã làm họ bị thiệt.

Điều mới mẻ so với trình thuật người thu thuế Lê-vi ở chỗ Lê-vi đã bỏ nghề thu thuế và đi theo Đức Giê-su, còn ông Da-kêu có bỏ nghề đứng đầu những người thu thuế hay không, bản văn không cho biết. Trình thuật chỉ nhấn mạnh tấm lòng của ông đối với người nghèo và việc ông chú trọng sự công bằng. Có thể hiểu Da-kêu vẫn tiếp tục đứng đầu những người thu thuế mà vẫn được cứu. Điều quan trọng là ước muốn gặp Đức Giê-su, thực hiện ước muốn này, và khi gặp thì mừng rỡ đón tiếp Người.

Trình thuật nói đến sự gặp gỡ tốt đẹp giữa hai con người với hai sự tìm kiếm. Da-kêu tìm cách để thấy Đức Giê-su còn Đức Giê-su đang tìm và cứu những gì đã mất. Chính sự gặp gỡ giữa hai con người đang tìm kiếm này làm cho Da-kêu trở thành người được cứu và làm tỏ lộ sứ vụ của Đức Giê-su.

Điểm độc đáo của bản văn ở ngay trong cách trình bày nhân vật Da-kêu. Ông là người vừa thấp vừa cao. Cao về địa vị xã hội, nhưng thấp bé về chiều cao. Thấp bé thể lý nhưng cao quý trong thiện chí tìm gặp Đức Giê-su. Ông có quyền hành và giàu có trong xã hội nhưng bị coi là người tội lỗi, là người đã mất, cần được cứu. Nhân vật Da-kêu trở thành điển hình cho hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Đức Giê-su, Đấng mang lại ơn cứu độ cho ông.

Đầu câu chuyện, Da-kêu được giới thiệu như là người có mọi thứ: Chức vị, tiền bạc và quyền hành; nhưng ông đang thiếu và đang đi tìm cái mà tiền bạc và chức quyền không đem lại cho ông. Ông tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, mục đích trước tiên là xem cho biết con người mà ông chưa biết.

Điểm độc đáo thứ hai là Đức Giê-su không dạy giáo lý cho Da-kêu, Người không bày tỏ tư cách Con Thiên Chúa của Người. Ngược lại Người chỉ nói một câu tỏ bày sự thân thiện và ưu ái của Người dành cho ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Bài học cho chúng ta hôm nay là liệu sự ở lại của Đức Giê-su có khả năng làm cho chúng ta hoán cải, có khả năng làm cho chúng ta thuộc về Người, làm cho chúng ta biết chia sẻ với người nghèo và tôn trọng sự công bằng hay không. Câu chuyện Da-kêu vẫn là lời chất vấn, lời mời gọi chúng ta trong cách chúng ta tìm gặp và đón tiếp Đức Giê-su, trong cách chúng ta sống niềm tin và thể hiện niềm tin của mình./.

Ngày 14 tháng 11 năm 2010
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.