Da-kêu “cao” mà “thấp”, “thấp” mà “cao”
Lc 19,1-10
Bản văn Lc 19,1-10 (bản dịch NPDCGKPV)
1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.
2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.
3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.
4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.
5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!"
6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.
7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!"
8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."
9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.
10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Chia sẻ
Câu chuyện Da-kêu quá quen thuộc, nhưng lại là một bức tranh sống động, phong phú, tinh tế và là lời chất vấn và mời gọi qua mọi thời đại. Trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua Giê-ri-khô và xảy ra câu chuyện ông Da-kêu với những nét tương phản hài hước và độc đáo. Nhân vật chính được giới thiệu qua bốn chi tiết: (1) Tên gọi: Da-kêu, (2) Nghề nghiệp: Đứng đầu những người thu thuế, (3) Địa vị xã hội: Người giàu có, (4) Ngoại hình: thấp bé, ngôn ngữ bình dân gọi là lùn.
Trong câu chuyện, nhân vật Da-kêu có những nét tương phản vừa theo quan điểm người đời, vừa theo quan điểm tâm linh. Theo người đời, Da-kêu là người có địa vị, có quyền và có tiền, ba yếu tố này làm nên sức mạnh và uy thế của một con người. Ông ở cao hơn những người bình thường, nhưng ông lại thua kém họ về chiều cao, nên tầm nhìn bị thu hẹp và bị hạn chế. Ông muốn thấy Đức Giê-su, nhưng đám đông trở thành chướng ngại cho điều ông ước muốn. Tuy nhiên, con người không hơn nhau ở chiều cao mà hơn nhau ở cái đầu; Da-kêu quyết định thực hiện ước muốn thấy Đức Giê-su bằng cách trèo lên cây sung. Quyết định này tạo nên tương phản giữa việc ông đạt được mục đích là thấy Đức Giê-su, nhưng phải hy sinh thể diện. Một người có quyền hành và địa vị như ông mà lại leo lên cây sung, mượn cây sung để cải thiện chiều cao của mình, thì chẳng khác gì ông đề cao sự thấp bé của mình trước mọi người.
Đáng chú ý hơn là tương phản theo quan điểm tâm linh. Ông Da-kêu là người quyền thế trong xã hội, nhưng đám đông lại gọi ông là “người tội lỗi”, vì khi Đức Giê-su quyết định ở lại nhà ông, mọi người xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Câu kết của Đức Giê-su: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” đã xếp Da-kêu vào loại những người đã mất, nhưng được Đức Giê-su cứu.
Tương phản trên bình diện tâm linh và cách xử sự của Da-kêu để xem thấy Đức Giê-su đã được Người đánh giá cao. Việc ông dám trở trên trò cười cho thiên hạ để tiếp cận được Đức Giê-su cho thấy thiện chí của ông. Nhờ hành động này, ông trở thành nhân vật chính của câu chuyện với những chuyển biến tích cực và nhanh chóng. Khi Đức Giê-su nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (19,5) Bản văn chơi chữ khi viết Đức Giê-su nhìn lên và bảo ông xuống, nghĩa là trở về với chiều cao đích thực của mình, trở về với con người thực của mình, để không những thấy Đức Giê-su mà còn để đối thoại với Người, để quyết định bán nửa tài sản cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mình đã làm họ bị thiệt.
Điều mới mẻ so với trình thuật người thu thuế Lê-vi ở chỗ Lê-vi đã bỏ nghề thu thuế và đi theo Đức Giê-su, còn ông Da-kêu có bỏ nghề đứng đầu những người thu thuế hay không, bản văn không cho biết. Trình thuật chỉ nhấn mạnh tấm lòng của ông đối với người nghèo và việc ông chú trọng sự công bằng. Có thể hiểu Da-kêu vẫn tiếp tục đứng đầu những người thu thuế mà vẫn được cứu. Điều quan trọng là ước muốn gặp Đức Giê-su, thực hiện ước muốn này, và khi gặp thì mừng rỡ đón tiếp Người.
Trình thuật nói đến sự gặp gỡ tốt đẹp giữa hai con người với hai sự tìm kiếm. Da-kêu tìm cách để thấy Đức Giê-su còn Đức Giê-su đang tìm và cứu những gì đã mất. Chính sự gặp gỡ giữa hai con người đang tìm kiếm này làm cho Da-kêu trở thành người được cứu và làm tỏ lộ sứ vụ của Đức Giê-su.
Điểm độc đáo của bản văn ở ngay trong cách trình bày nhân vật Da-kêu. Ông là người vừa thấp vừa cao. Cao về địa vị xã hội, nhưng thấp bé về chiều cao. Thấp bé thể lý nhưng cao quý trong thiện chí tìm gặp Đức Giê-su. Ông có quyền hành và giàu có trong xã hội nhưng bị coi là người tội lỗi, là người đã mất, cần được cứu. Nhân vật Da-kêu trở thành điển hình cho hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Đức Giê-su, Đấng mang lại ơn cứu độ cho ông.
Đầu câu chuyện, Da-kêu được giới thiệu như là người có mọi thứ: Chức vị, tiền bạc và quyền hành; nhưng ông đang thiếu và đang đi tìm cái mà tiền bạc và chức quyền không đem lại cho ông. Ông tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, mục đích trước tiên là xem cho biết con người mà ông chưa biết.
Điểm độc đáo thứ hai là Đức Giê-su không dạy giáo lý cho Da-kêu, Người không bày tỏ tư cách Con Thiên Chúa của Người. Ngược lại Người chỉ nói một câu tỏ bày sự thân thiện và ưu ái của Người dành cho ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.
Bài học cho chúng ta hôm nay là liệu sự ở lại của Đức Giê-su có khả năng làm cho chúng ta hoán cải, có khả năng làm cho chúng ta thuộc về Người, làm cho chúng ta biết chia sẻ với người nghèo và tôn trọng sự công bằng hay không. Câu chuyện Da-kêu vẫn là lời chất vấn, lời mời gọi chúng ta trong cách chúng ta tìm gặp và đón tiếp Đức Giê-su, trong cách chúng ta sống niềm tin và thể hiện niềm tin của mình./.
Trong câu chuyện, nhân vật Da-kêu có những nét tương phản vừa theo quan điểm người đời, vừa theo quan điểm tâm linh. Theo người đời, Da-kêu là người có địa vị, có quyền và có tiền, ba yếu tố này làm nên sức mạnh và uy thế của một con người. Ông ở cao hơn những người bình thường, nhưng ông lại thua kém họ về chiều cao, nên tầm nhìn bị thu hẹp và bị hạn chế. Ông muốn thấy Đức Giê-su, nhưng đám đông trở thành chướng ngại cho điều ông ước muốn. Tuy nhiên, con người không hơn nhau ở chiều cao mà hơn nhau ở cái đầu; Da-kêu quyết định thực hiện ước muốn thấy Đức Giê-su bằng cách trèo lên cây sung. Quyết định này tạo nên tương phản giữa việc ông đạt được mục đích là thấy Đức Giê-su, nhưng phải hy sinh thể diện. Một người có quyền hành và địa vị như ông mà lại leo lên cây sung, mượn cây sung để cải thiện chiều cao của mình, thì chẳng khác gì ông đề cao sự thấp bé của mình trước mọi người.
Đáng chú ý hơn là tương phản theo quan điểm tâm linh. Ông Da-kêu là người quyền thế trong xã hội, nhưng đám đông lại gọi ông là “người tội lỗi”, vì khi Đức Giê-su quyết định ở lại nhà ông, mọi người xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Câu kết của Đức Giê-su: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” đã xếp Da-kêu vào loại những người đã mất, nhưng được Đức Giê-su cứu.
Tương phản trên bình diện tâm linh và cách xử sự của Da-kêu để xem thấy Đức Giê-su đã được Người đánh giá cao. Việc ông dám trở trên trò cười cho thiên hạ để tiếp cận được Đức Giê-su cho thấy thiện chí của ông. Nhờ hành động này, ông trở thành nhân vật chính của câu chuyện với những chuyển biến tích cực và nhanh chóng. Khi Đức Giê-su nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (19,5) Bản văn chơi chữ khi viết Đức Giê-su nhìn lên và bảo ông xuống, nghĩa là trở về với chiều cao đích thực của mình, trở về với con người thực của mình, để không những thấy Đức Giê-su mà còn để đối thoại với Người, để quyết định bán nửa tài sản cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mình đã làm họ bị thiệt.
Điều mới mẻ so với trình thuật người thu thuế Lê-vi ở chỗ Lê-vi đã bỏ nghề thu thuế và đi theo Đức Giê-su, còn ông Da-kêu có bỏ nghề đứng đầu những người thu thuế hay không, bản văn không cho biết. Trình thuật chỉ nhấn mạnh tấm lòng của ông đối với người nghèo và việc ông chú trọng sự công bằng. Có thể hiểu Da-kêu vẫn tiếp tục đứng đầu những người thu thuế mà vẫn được cứu. Điều quan trọng là ước muốn gặp Đức Giê-su, thực hiện ước muốn này, và khi gặp thì mừng rỡ đón tiếp Người.
Trình thuật nói đến sự gặp gỡ tốt đẹp giữa hai con người với hai sự tìm kiếm. Da-kêu tìm cách để thấy Đức Giê-su còn Đức Giê-su đang tìm và cứu những gì đã mất. Chính sự gặp gỡ giữa hai con người đang tìm kiếm này làm cho Da-kêu trở thành người được cứu và làm tỏ lộ sứ vụ của Đức Giê-su.
Điểm độc đáo của bản văn ở ngay trong cách trình bày nhân vật Da-kêu. Ông là người vừa thấp vừa cao. Cao về địa vị xã hội, nhưng thấp bé về chiều cao. Thấp bé thể lý nhưng cao quý trong thiện chí tìm gặp Đức Giê-su. Ông có quyền hành và giàu có trong xã hội nhưng bị coi là người tội lỗi, là người đã mất, cần được cứu. Nhân vật Da-kêu trở thành điển hình cho hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Đức Giê-su, Đấng mang lại ơn cứu độ cho ông.
Đầu câu chuyện, Da-kêu được giới thiệu như là người có mọi thứ: Chức vị, tiền bạc và quyền hành; nhưng ông đang thiếu và đang đi tìm cái mà tiền bạc và chức quyền không đem lại cho ông. Ông tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, mục đích trước tiên là xem cho biết con người mà ông chưa biết.
Điểm độc đáo thứ hai là Đức Giê-su không dạy giáo lý cho Da-kêu, Người không bày tỏ tư cách Con Thiên Chúa của Người. Ngược lại Người chỉ nói một câu tỏ bày sự thân thiện và ưu ái của Người dành cho ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.
Bài học cho chúng ta hôm nay là liệu sự ở lại của Đức Giê-su có khả năng làm cho chúng ta hoán cải, có khả năng làm cho chúng ta thuộc về Người, làm cho chúng ta biết chia sẻ với người nghèo và tôn trọng sự công bằng hay không. Câu chuyện Da-kêu vẫn là lời chất vấn, lời mời gọi chúng ta trong cách chúng ta tìm gặp và đón tiếp Đức Giê-su, trong cách chúng ta sống niềm tin và thể hiện niềm tin của mình./.
Ngày 14 tháng 11 năm 2010
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2010/11/chia-se-tm-lc-191-10-da-keu-vua-cao-vua.html
Eemail: josleminhthong@gmail.com
Eemail: josleminhthong@gmail.com