24/07/2011

Mt 14,13-21: “Hãy tìm đến” với Đức Giê-su và “hãy cộng tác” với Người



Như đám đông dân chúng, hãy tìm đến với Đức Giê-su
để được yêu thương, được chữa lành và được nuôi dưỡng.
Như các môn đệ, hãy cộng tác với Đức Giê-su
để phân phát của ăn đích thực cho mọi người.


Bản văn Mt 14,13-21 (NPD/CGKPV)

13 Nghe tin ấy (Gio-an Tẩy Giả bị chém đầu, Mt 14,3-12), Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. 15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." 16 Đức Giê-su bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." 17 Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" 18 Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy!" 19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.


1. Dẫn nhập

Đoạn Tin Mừng Mt 14,13-21 kể lại việc Đức Giê-su lánh đến nơi hoang vắng sau khi nghe biết ông Gio-an Tẩy Giả đã bị Hê-rô-đê giết chết (Mt 14,3-12). Điều đáng chú ý là Đức Giê-su đã gây được ảnh hưởng nơi dân chúng. Hình như nhân vật chính của bài Tin Mừng không phải là Đức Giê-su mà là đám đông dân chúng và các môn đệ. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò của đám đông và của các môn đệ trong đoạn Tin Mừng Mt 14,13-21.

2. Dân chúng tìm đến với Đức Giê-su

Bản văn cho biết Đức Giê-su muốn lánh đi một nơi hoang vắng riêng biệt. Nghĩa là Ngài không có ý định đến với đám đông, Người cũng không có ý định giảng dạy dân chúng. Điểm độc đáo của bản văn là thay vì Đức Giê-su đến với dân chúng thì dân chúng lại “tìm gặp”, “đi theo” và “đến với” Đức Giê-su. Tin Mừng kể: “Nghe biết vậy, đám đông dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.”

Dân chúng đến với Đức Giê-su không phải từ một nơi, từ một thành phố, mà là từ nhiều thành phố. Câu 14,13b: “Đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người” dịch sát: “Từ các thành phố (apo tôn poleôn), các đám đông (hoi okhloi) đi theo Người bằng cách đi bộ.” Hình ảnh “các đám đông”, từ “các thành phố” khác nhau, dường như cùng lúc biết tin là “Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt” (14,13) cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đức Giê-su trong dân chúng. Người đã thu hút được dân chúng, nên từ khắp nơi, họ tự nguyện, nhanh chóng và hăng hái tìm đến với Người.

Đức Giê-su thực hiện dự định “lánh khỏi nơi đó” bằng cách “đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt”. Người không biết là có nhiều đám đông đang đi bộ theo mình, nhưng độc giả thì biết, vì qua bản văn, tác giả cho độc giả biết là kẻ đi bộ, người đi thuyền đang tiến về cùng một nơi. Chi tiết được đề cao là dân chúng chủ động loan tin, họ cho nhau biết hành trình của Đức Giê-su để cùng nhau tìm đến với Người. Có lẽ họ đã vội vã bước đi không trì hoãn, vì khi Đức Giê-su xuống khỏi thuyền thì “một đám đông lớn” đã hiện diện ở đó.

3. Phản ứng của Đức Giê-su khi gặp dân chúng

Đối với Đức Giê-su, đây là cuộc gặp gỡ bất ngờ. Đức Giê-su muốn lánh ra một nơi hoang vắng không có ai, nhưng khi ra khỏi thuyền thì Người lại thấy “một đám đông lớn” (polun okhlon).” “Đám đông lớn” này là do “các đám đông” từ nhiều thành phố đổ về. Chính họ đã làm cho nơi hoang vắng trở thành nơi quy tụ và gặp gỡ. Đức Giê-su đã phản ứng thế nào và Người làm gì với đông đảo dân chúng trong nơi hoang vắng này?

Một đàng Đức Giê-su “muốn” lánh vào nơi hoang vắng, một đàng dân chúng “muốn” gặp Đức Giê-su, hai “ý muốn ngược nhau” này đã tạo nên một cuộc gặp gỡ độc đáo. Có thể ví đây là một cuộc gặp gỡ bất ngờ và thú vị giữa một bên là “những người hâm mộ Đức Giê-su” (họ nhận ra quyền năng và lòng thương xót của Người) và một bên là “người được hâm mộ” (Đức Giê-su là Người đem đến sự sống và sức sống cho dân chúng). Đây là cuộc gặp gỡ của lòng mến, của lòng ái mộ. Vì thế, cho dù không chờ đợi và bất ngờ, Đức Giê-su đã “chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (14,14).

Ở nơi hoang vắng, cuộc gặp gỡ đề cao sự thân mật và chia sẻ. Điều lạ là những gì Đức Giê-su làm cho dân chúng trong ngày hôm đó chỉ tóm gọn trong mấy chữ: “Chữa lành các bệnh nhân của họ” (14,14), bởi vì câu tiếp theo đã nói đến chia tay vì đã xế chiều. Tác giả kể: “Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: ‘Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn’” (14,15). Như thế, theo mạnh văn, suốt ngày hôm đó Đức Giê-su “sống với” và “chia sẻ” với dân chúng bằng cách bày tỏ “lòng thương xót” và “chữa lành bệnh nhân của họ”.

Có thể nói, điều dân chúng cần là “chia sẻ” và “ở với” họ chứ không phải là “nghe giảng”. Đức Giê-su trong đoạn Tin Mừng hôm nay không giảng dạy. Bản văn không trình bày Đức Giê-su như một thầy dạy, nhưng như một mục tử. Người thực hiện vai trò mục tử: Yêu thương chăm sóc đoàn chiên, cụ thể là nuôi ăn qua trình thuật hoá bánh ra nhiều trong phần chính của bài Tin Mừng (14,15-21).

4. Phép lạ bánh hoá nhiều và vai trò của các môn đệ

Nếu như việc đám đông đến với Đức Giê-su là sáng kiến của chính họ, thì các môn đệ là những người đã lo lắng đến của ăn cho đám đông. Chính các môn đệ đi bước trước, các ông đã đề nghị với Đức Giê-su một giải pháp khi nói: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (14,15). Lời đề nghị này cho thấy các môn đệ trong bản văn giữ vai trò chủ động. Nhờ gợi ý của họ mà Đức Giê-su thực hiện phép lạ bánh hoá nhiều. Sau lời đề nghị của các môn đệ, Đức Giê-su nói với họ: “Họ không cần đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (14,16).

Qua câu nói trên, Đức Giê-su đề cao vai trò của các môn đệ khi nói khẳng định chính các môn đệ sẽ cho dân chúng ăn. Thật vậy, sau khi Đức Giê-su cần lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, Người bẻ bánh ra, trao cho môn đệ và “môn đệ trao cho dân chúng” (14,19). Mạch văn cho phép hiểu: Đức Giê-su làm phép lạ, nhưng chính các môn đệ “cho dân chúng ăn”. Trình thuật đề cao sự cộng tác tích cực của các môn đệ vào vai trò mục tử của Đức Giê-su.

5. Những con số trong phép lạ

Cuối trình thuật phép lạ bánh hoá nhiều, Tin Mừng nói trực tiếp đến dân chúng và các môn đệ qua những con số: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những miếng còn thừa được 12 giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (14,20-21). Quyền năng của Đức Giê-su tỏ lộ cách gián tiếp qua các chi tiết liên quan đến đám đông và các môn đệ: “Mọi người ăn no nê”, “dư 12 giỏ đầy” với một số lượng lớn người ăn: “5.000 người đàn ông không kể đàn bà và trẻ.”

Độc giả có thể liên tưởng con số 12 với 12 Tông Đồ. 12 giỏ bánh có hai đặc tính: “đầy” và “dư”. “Dư” không phải là thứ bỏ đi mà là thứ còn lại sau khi đã ăn và ăn no nê. Trong mạch văn, “12 giỏ đầy bánh còn dư” vừa là bằng chứng hiển nhiên về phép lạ bánh hoá nhiều, vừa ám chỉ sự dồi dào của lương thực Đức Giê-su ban tặng, vừa gợi ý đến sự cộng tác của Nhóm 12 Tông Đồ vào vai trò mục tử của Đức Giê-su là Đấng có khả năng làm no thoả khát vọng của con người.

Bài Tin Mừng kết thúc với con số 5.000 người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con (14,21). Chi tiết này cho biết cụ thể “các đám đông” từ “các thành phố” (14,13), đi theo Đức Giê-su là bao nhiêu. Con số: “hơn 5.000 thực khách” tạo ra tương phản mạnh mẽ trong phép lạ bánh hoá nhiều. Một bên là “nơi hoang vắng”, không có người qua lại, không có của ăn, một bên là “một bữa ăn no thoả” cho một đám đông hơn 5.000 người. Đồng thời, tạo nên tương phản giữa “ít” (5 chiếc bánh và 2 con cá) và “nhiều”, dồi dào, phong phú (hơn 5.000 người ăn no nê và còn dư 12 giỏ đầy).

Ẩn phía sau câu chuyện, Đức Giê-su là nhân vật chính của bài Tin Mừng, tuy nhiên, trong cách kể chuyện, tác giả đề cao sáng kiến tìm gặp Đức Giê-su của đám đông, và đề cao vai trò của các môn đệ. Sau một thời gian thi hành sứ vụ rao giảng và chữa lành, đoạn văn Mt 14,13-21 cho thấy phần nào sự thành công của Đức Giê-su. Cụ thể là đám đông dân chúng tự nguyện tìm đến với Người và các môn đệ đã tích cực cộng tác với Người trong sứ vụ mục tử.

Đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay không nói đến nội dung giáo huấn của Đức Giê-su, Người không giảng dạy trong đoạn Tin Mừng này. Trình thuật đề cao nhu cầu của dân chúng: “tìm đến” và “gặp gỡ” Đức Giê-su, để được Người chữa lành và được Người nuôi dưỡng bằng lương thực tâm linh dồi dào phong phú mà phép lạ bánh hoá nhiều là hình ảnh.

6. Kết luận

Đầu bài Tin Mừng, dân chúng chủ động đến với Đức Giê-su, giữa bài Tin Mừng các môn đệ giữ vài trò quan trọng trong việc cho dân chúng ăn. Cuối bài Tin Mừng các môn đệ và dân chúng được đề cập đến: “Ai nấy đều ăn và được no nê.” Những gì được thuật lại trong bài Tin Mừng Mt 14,13-21 cho thấy sự trưởng thành của đám đông và của các môn đệ. Đám đông dân chúng nhanh chóng loan tin cho nhau và cùng nhau tìm đến với Đức Giê-su. Nhóm các môn đệ đã giữ vai trò chủ động khi họ đề nghị Đức Giê-su tìm cách cho dân chúng ăn. Đức Giê-su đã đề cao sự cộng tác của các môn đệ khi Người nói: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đã góp phần đắc lực vào sứ vụ mục tử của Đức Giê-su.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su giữ vai trò thụ động, nhưng trình thuật cho thấy Người đã thành công trong sứ vụ rao giảng và Người đang thi hành sứ vụ mục tử qua những hành động yêu thương, chăm sóc và nuôi dưỡng đàn chiên. Tuy nhiên, sự chủ động của các nhân vật “đám đông dân chúng” và “các môn đệ” làm cho các nhân vật này trở thành nhân vật chính của đoạn Tin Mừng Mt 14,13-21. Độc giả có thể rút ra hai lời mời gọi từ bản văn:

-   Tin Mừng Mt 14,13-21 mời gọi độc giả hãy như đám đông: Loan tin cho cho mọi người biết Đức Giê-su để trở thành “các đám đông” từ “các thành phố” cùng nhau tìm đến với Người. Nhờ đó, chúng ta được gặp gỡ Người, được ở với Người, được chia sẻ, được chữa lành và được Người nuôi dưỡng.

-   Tin Mừng Mt 14,13-21 mời gọi độc giả hãy như các môn đệ: Tích cực tham gia vào sứ vụ mục tử của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su làm phép lạ bánh hoá nhiều, nhưng Người muốn các môn đệ “hãy cho dân chúng ăn”, hãy phân phát bánh và cá cho mọi người. Độc giả được mời gọi trở thành những người cộng tác viên để tiếp nối sứ vụ của Đức Giê-su./.


Ngày 24 tháng 07 năm 2011.

19/07/2011

Kỹ thuật hành văn: “Ý nghĩa câu chuyện” bộc lộ qua “cách thức kể chuyện” (Lc 7,36-50)




Bản văn Lc 7,36-50 (NPD/CGKPV)

36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.
37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.
38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!"
40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!" Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói."
41 Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.
42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?"
43 Ông Si-môn đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm."
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.
45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.
46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.
47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."
48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi."
49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?"
50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."

1. Dẫn nhập

Cách sắp xếp các chi tiết trong bài Tin Mừng Lc 7,36-50 là một ví dụ về ý nghĩa câu chuyện được chuyển tải qua cách thức kể chuyện. Qua cách kể chuyện, tác giả có thể muốn nói với độc giả rằng: Những giá trị, những điều được đánh giá cao và được nhiều người chấp nhận theo tiêu chuẩn trong xã hội, thì Đức Giê-su lại đảo ngược thang giá trị đó. Ngược lại, những điều mà tiêu chuẩn chung xem là không thích hợp, không xứng đáng thì Đức Giê-su lại đánh giá cao theo một chuẩn mực khác. Trình thuật có khả năng chuyển tại được thông điệp này nhờ cách sắp xếp các tình tiết trong câu chuyện. Trong đoạn văn Lc 7,36-50, nếu theo thứ tự thời gian thì những gì đã xảy ra trải qua 6 bước:

1. Người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa.
2. Ông ta bỏ qua những việc làm để bày tỏ sự đón tiếp Đức Giê-su.
3. Một phụ nữ tội lỗi đi vào và thực hiện những cử chỉ tiếp đón lạ thường.
4. Người Pha-ri-sêu lên tiếng phản đối.
5. Đức Giê-su không đồng ý với ông ta và Người giải thích.
6. Người phụ nữ được tha tội vì yêu mến nhiều.

Chúng ta cùng tìm hiểu cách thức kể chuyện trong đoạn văn Lc 7,36-50 để xem tác giả kể theo thứ tự nào và thông điệp của bản văn là gì?

2. Phần đầu câu chuyện (Lc 7,36-39)

Tác giả không kể câu chuyện theo thứ tự thời gian qua các bước như trên. Bước thứ 2: “Người Pha-ri-sêu không đón tiếp Đức Giê-su” được kể ở cuối câu chuyện để so sánh hai ý tưởng: “những gì người phụ nữ đã làm” và “những gì ông Si-môn đã không làm”. Cách kể chuyện bỏ qua bước thứ 2 ở đầu câu chuyện làm cho độc giả, khi đọc phần đầu câu chuyện, sẽ đánh giá cao người Pha-ri-sêu và đồng ý với nhận định của ông ấy về người phụ nữ tội lỗi.

Chuyện kể như sau: “Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu và vào bàn ăn” (7,36). Nếu chỉ có thế, thì đây là một người tốt. Người Pha-ri-sêu quý trọng Đức Giê-su và mời Người đến nhà dùng bữa. Đức Giê-su đã “vào bàn ăn” với ông ấy như thể mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp.

Tiếp đến, câu chuyện kể về người phụ nữ: “Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (7,37-38). Theo quy ước của xã hội thời đó, người đọc có thể kết luận: Người phụ nữ này không tốt vì là “người tội lỗi trong thành” và đã xử sự không phải phép. Đức Giê-su đang ăn mà lại khóc lóc và làm những hành động bày tỏ tình cảm không bình thường.

Cứ lẽ thường, khi đọc phần đầu câu chuyện, độc giả đồng ý với nhận định của ông Si-môn: Nếu Đức Giê-su là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai: “một người tội lỗi” (7,39). Người đọc có thể đồng ý, vì cho đến lúc này, bản văn cho phép đánh giá ông Si-môn là người tốt. Như thế, cách kể phần đầu câu chuyện làm cho người đọc hiểu rằng: Người Pha-ri-sêu là hiếu khách; còn người phụ nữ là người vừa tội lỗi, vừa làm những hành động chướng tai gai mắt. Nhưng phần sau câu chuyện đã làm đảo lộn hoàn toàn nhận định này.

3. Phần cuối câu chuyện (Lc 7,40-50)

Trong phần cuối câu chuyện (Lc 7,40-50), Đức Giê-su làm đảo lộn mọi thứ. Điều độc đáo trong cách kể chuyện là những thiếu sót của người Pha-ri-sêu mà theo thứ tự thời gian là bước thứ 2 (thuộc phần đầu câu chuyện), thì tác giả lại kể trong phần sau và đặt song song để so sánh “những gì người phụ nữ đã làm” (tiếp đón Đức Giê-su) và “những gì người Pha-ri-sêu không làm” (không tiếp đón Đức Giê-su).

Câu nói của Đức Giê-su có nét châm biếm khi Người nói với Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” Trong khi ông ta đang chăm chú nhìn người phụ nữ và đánh giá chị ta, hơn nữa sự hiện diện của người phụ nữ làm ông ấy khó chịu và trách luôn cả Đức Giê-su, thì Đức Giê-su lại hỏi: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” Thực ra, dường như có cái gì đó nơi người phụ nữ mà ông Si-mon đã không thấy, không nhận ra, không biết. Đồng thời, câu hỏi: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” cũng dành cho độc giả. Tác giả mời gọi độc giả hãy chú ý để “thấy” người phụ nữ, hãy “nhìn kỹ lại” những gì chị ta đã làm để đánh giá đúng hành động của chị. Chính Đức Giê-su đã chỉ ra cho ông Si-môn và độc giả cách hiểu đúng về “hành động” của người phụ nữ và hiểu đúng về “con người” của chị.

Sau khi kể dụ ngôn tình thương của hai con nợ được tha (Lc 7,41-43) để làm cơ sở cho cách lượng giá, Đức Giê-su so sánh từng điểm một giữa “những gì người phụ nữ đã làm cho Người” và “những gì ông Si-môn đã không làm cho Người.” Nhận định của Đức Giê-su đã lật ngược cách đánh giá bình thường theo tiêu chuẩn xã hội và tiêu chuẩn tôn giáo thời đó. Người nói với ông Si-môn: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi” (7,44-46).

Kiểu so sánh mạnh mẽ của Đức Giê-su qua cách thức kể chuyện đã làm đảo lộn thang giá trị. Bởi vì phần đầu bản văn cho phép người đọc nghĩ tốt về người Pha-ri-sêu thì đến lúc này, ông ấy không còn là người hiếu khách nữa và bị Đức Giê-su khiển trách. Còn người phụ nữ, phần đầu câu chuyện làm cho người đọc nghĩ đây là người phụ nữ không tốt, thì đến lúc này độc giả biết rằng chị ấy thực sự là người hiếu khách, người đã đón tiếp Đức Giê-su đúng mức và hành động của chị được Đức Giê-su đánh giá cao.

Đức Giê-su kết luận: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Đức Giê-su không xí xóa hay xem nhẹ tội của chị ta vì Người nói rõ: “Tội của chị ấy rất nhiều”. Điều quan trọng là cách hành động của chị mà trước đây người Pha-ri-sêu và cả độc giả đánh giá là chướng mắt thì Đức Giê-su lại đề cao, bởi vì hành động của chị được hiểu như là cách bộc lộ tình yêu chân chính, cách bày tỏ lòng sám hối quay trở về. Vì thế, Đức Giê-su tuyên bố: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48).

Ý nghĩa của bài Tin Mừng là chúng ta (độc giả) nên thận trọng với những đánh giá về người khác theo tiêu chuẩn giá trị trong xã hội mình đang sống, kể cả những tiêu chuẩn tôn giáo có sẵn, bởi vì người Pha-ri-sêu đã đánh giá thấp người phụ nữ tội lỗi theo văn hóa tôn giáo thời đó. Bằng cách sắp xếp các tình tiết, Đức Giê-su trong trình thuật đã đảo ngược cách đánh giá của xã hội đương thời để làm nổi bật lên sự lượng giá của Thiên Chúa: Lấy tình yêu và sự sống làm tiêu chuẩn, đồng thời đề cao sự hối cải quay trở về của con người. Ngày nay, nhiều lúc độc giả cũng dựa vào những tiêu chuẩn có sẵn để đánh giá người khác. Trình thuật Lc 7,36-50 mời gọi chúng ta biết cách nhìn và cách lượng giá theo đề nghị của Đức Giê-su.

4. Kết luận

Chỉ cần thay đổi thứ tự trong cách kể chuyện, tác giả đã làm nên một trình thuật độc đáo, tạo nên sức mạnh cho bản văn và chuyển tải được ý nghĩa câu chuyện.

Nếu theo thứ tự thời gian thì câu chuyện gồm các bước:
Phần đầu câu chuyện:
1. Người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa.
2. Ông ta không làm cử chỉ tiếp đón tiếp Đức Giê-su.
3. Một phụ nữ tội lỗi đi vào và làm những hành động không bình thường theo cách lượng giá của nhiều người.
4. Người Pha-ri-sêu lên tiếng phản đối.
Phần cuối câu chuyện:
5. Đức Giê-su không đồng ý với ông ta và Người giải thích.
6. Người phụ nữ được tha tội vì yêu mến nhiều.

Nhưng tác giả kể câu chuyện theo thứ tự sau:
Phần đầu câu chuyện:
1. Người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa.
2. Không kể bước thứ hai này.
3. Một phụ nữ tội lỗi đi vào và làm những cử chỉ xem ra chướng tai gai mắt.
4. Người Pha-ri-sêu lên tiếng phản đối.
Phần cuối câu chuyện:
5 + 2. Đức Giê-su không đồng ý với ông Si-môn và Người giải thích. Tác giả kể bước thứ 2 trong phần giải thích này và đặt song song “cử chỉ đón tiếp của người phụ nữ” với “thiếu sót của ông Si-môn”. Cách kể chuyện này đề cao hành động của người phụ nữ và làm lộ ra điểm yếu của người Pha-ri-sêu.
6. Người phụ nữ được tha tội vì yêu mến nhiều.

Bằng cách đảo lộn thứ tự câu chuyện theo thời gian (kể bước thứ hai trong phần sau), tác giả đã vẽ lên một bức tranh độc đáo với những tương phản mạnh mẽ, vừa châm biếm, vừa hài hước, vừa chuyển tải được ý tưởng thần học quan trọng của bản văn.

Giáo huấn của Đức Giê-su mời gọi độc giả thận trọng khi đánh giá người khác dựa trên những tiêu chuẩn và những giá trị có sẵn trong xã hội. Đức Giê-su đảo lộn cách suy nghĩ theo những giá trị sẵn có để đề cao Tình yêu. Đó là tình yêu từ cả hai phía: Tình yêu từ phía con người, vì người phụ nữ tội lỗi đã yêu mến nhiều nên được tha nhiều. Tình yêu từ phía Thiên Chúa, vì Đức Giê-su đã đón nhận và đánh giá cao cách bày tỏ tình yêu chân chính của chị ấy./.

Ngày 19 tháng 07 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com


10/07/2011

Bản văn Kinh Thánh




Dưới đây là một số đường link các trang web cung cấp 
BẢN VĂN KINH THÁNH tiếng gốc Híp-ri, Hy Lạp và các bản dịch.
Các trang web này giúp đọc bản văn và học hỏi Kinh Thánh.


I. BẢN VĂN TÂN ƯỚC HY LẠP

II. BẢN VĂN CỰU ƯỚC HÍP-RI VÀ HY LẠP (BẢN LXX)

III. CÔNG CỤ HỌC HỎI KINH THÁNH ONLINE
Công cụ học hỏi Kinh Thánh. [biblos].