06/10/2011

Dàn bài tiểu luận



I. Dẫn nhập
II. Quan sát bản văn
1. Giới hạn đoạn văn
2. Bối cảnh văn chương
3. Cấu trúc đoạn văn 
4. Nhân vật, thời gian, không gian
5. Từ khoá đề tài chính
6. Tóm kết phần quan sát bản văn
III. Phân tích đoạn văn
IV. Kết luận



Yêu cầu trong các mục:

I. Dẫn nhập: Giới thiệu nội dung tiểu luận
Phần này được hoàn chỉnh sau cùng, nhằm mục đích giới thiệu nội dung bài viết. Nêu những vấn đề sẽ được triển khai trong phần phân tích. Phần này chỉ gợi ý về hướng giải quyết chứ không giải quyết vấn đề trong phần này.

Đặt câu hỏi gợi ý về ba cấp độ hiểu bản văn: 1) Trình thuật nói gì vào thời Đức Giê-su. 2) Trình thuật nói gì với cộng đoàn thế kỷ I và 3) Trình thuật nói gì với độc giả hôm nay.

II. Quan sát bản văn
Mục đích các mục trong phần này nhằm quan sát kỹ bản văn trước khi đưa ra những nhận định trong phần phân tích. Phần quan sát bản văn cung cấp các dữ liệu để phân tích bản văn và được thực hiện qua 6 mục: 1. Giới hạn đoạn văn. 2. Bối cảnh văn chương của đoạn văn. 3. Cấu trúc đoạn văn. 4. Các yếu tố: Nhân vật, thời gian, không gian (liệt kê, để trong ngoặc tiếng gốc Hy Lạp). 5. Từ ngữ liên quan đến đề tài chính của đoạn văn (liệt kê). 6. Tóm kết 5 mục trên.

1. Giới hạn đoạn văn
Phần này nhằm trả lời các câu hỏi: Tại sao lại chọn đọc đoạn văn từ câu này đến câu kia mà không dài hơn hay ngắn hơn? Lý do nào cho phép phân chia đoạn văn như thế? Đoạn văn được chọn nối kết và gián đoạn như thế nào với đoạn văn trước và sau nó? Đâu là những dấu hiệu văn chương cho phép khởi đầu và kết thúc đoạn văn đã chọn?

2. Bối cảnh văn chương
Đặt đoạn văn vào bối cảnh văn chương của nó. Các câu hỏi gợi ý: Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh nào? Đoạn văn được chọn có liên hệ thế nào với bối cảnh và đề tài của các đoạn văn trước và sau nó?

3. Cấu trúc đoạn văn 
Quan sát kỹ bản văn để tìm ra cấu trúc. Đoạn văn được chia bao nhiêu tiểu đoạn? Giữa các tiểu đoạn nối kết, đứt đoạn với nhau như thế nào? Quan sát các ý tưởng, đề tài trong các tiểu đoạn xem có thể thiết lập kiểu cấu trúc song song, đồng tâm hay chỉ cấu trúc bằng liệt kê các tiểu đoạn? Xem các kiểu cấu trúc trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư.

Cấu trúc đoạn văn được trình bày trong một bảng đóng khung, kế tiếp là phần lý giải về cấu trúc đã chọn: cho biết các ý tưởng tiến triển thế nào. Mở đầu trình thuật và kết thúc trình thuật có yếu tố gì mới…

4. Các yếu tố: Nhân vật, thời gian, không gian
Quan sát bản văn liên quan đến các yếu tố:
a) Nhân vật: gồm bao nhiêu nhân vật,
     mỗi nhân vật có đặc điểm gì?
b) Thời gian: Câu chuyện xảy ra lúc nào?
     Yếu tố thời gian được nói đến hay không?
c) Không gian: Trình thuật xảy ra ở đâu?

Liệt kê các từ ngữ liên quan đến các yếu tố trên và để trong ngoặc đơn tiếng gốc Hy Lạp. Cho biết các từ này xuất hiện bao nhiêu lần và ở đâu.

5. Từ ngữ liên quan đến đề tài chính của đoạn văn
Liệt kê các từ khoá xuất hiện trong bản văn. Đây là những từ ngữ cho biết những đề tài chính của câu chuyện.

6. Tóm kết
Sau khi quan sát kỹ bản văn qua những bước chuẩn bị trên, phần này tổng hợp những gì đã làm để tìm ra những ý tưởng và đề tài chính của đoạn văn. Chú ý đến những chi tiết lạ thường, khó hiểu, bất hợp lý trong đoạn văn. Từ đó lựa chọn một số đề tài tâm đắc để phân tích. Trước khi phân tích bản văn, cần cho biết những mục sẽ phân tích (dàn bài).

III. Phân tích đoạn văn
Có thể chọn phân tích nhân vật hay phân tích đề tài

1. Phân tích nhân vật
Quan sát xem nhân vật được trình bày như thế nào? Quan điểm, thái độ và khả năng nhận biết của nhân vật ra sao: hiểu, không hiểu, hiểu sai, hiểu lầm…? Các nhân vật trong câu chuyện muốn điều gì? Với mục đích gì? Họ phản ứng thế nào trước những lời nói của Đức Giê-su? Cần phân biệt hai bình diện: (a) Tương tác giữa người thuật chuyện và người đọc; (b) Tương tác giữa các nhân vật trong câu chuyện với nhau. Dựa vào đặc điểm của từng bản văn để chọn phân tích những khía cạnh nào, đặc tính nào của nhân vật. Tính cách của nhân vật ám chỉ điều gì trong cộng đoàn cuối thế kỷ I. Qua các nhân vật, người thuật chuyện muốn chuyển tải đến người đọc điều gì?

2. Phân tích đề tài
Chẳng hạn, để phân tích đề tài: “Tình yêu”, “tình bạn”, “sự ra đi của Đức Giê-su”, “sự ở lại”, v.v… cần quan sát xem bản văn trình bày các đề tài ấy như thế nào. Các từ ngữ được sử dụng bao nhiêu lần và mỗi lần có sự khác nhau hay giống nhau. Điều gì bản văn nói tới, nhấn mạnh hay bản văn nói thoáng qua. Điều gì bản văn không đề cập tới. Chú ý sự nối kết, liên hệ giữa các đề tài. Tìm hiểu về đề tài trình bày trong câu chuyện có gợi ý thế nào đến hoàn cảnh của cộng đoàn cuối thế kỷ I và nhắn gửi điều gì cho người đọc ngày nay.

Chú ý:
Không dùng các dữ liệu và kiến thức ở ngoài đoạn văn để giải thích hay áp đặt vào đoạn văn. Nếu cần thiết, có thể liên hệ đến những đoạn văn khác để soi sáng cho đoạn văn đang phân tích. Tuy nhiên, những lập luận, ý tưởng không rút ra từ chính bản văn đang phân tích, thì chưa phải là ý tưởng của đoạn văn đó. Vì thế, thay vì giải thích đoạn văn đang phân tích bằng những ý tưởng ngoài đoạn văn, hãy quan sát kỹ và tập trung phân tích chính đoạn văn đã chọn.

IV. Kết luận
Phần này tóm kết những gì đã phân tích. Đúc kết những điều đã khám phá được trong quá trình tìm hiểu đoạn văn. Trình bày ngắn gọn vài ý tưởng thần học tâm đắc của đoạn văn và đưa ra những gợi ý về tình trạng của cộng đoàn đón nhận bản văn. Cho biết điều mà câu chuyện muốn nói với độc giả.

Ghi nhận những điểm khó hiểu trong bản văn đồng thời mở về tương lai bằng cách nêu những đề tài có thể đào sâu thêm. Xem các khía cạnh khác của phương pháp phân tích trong tập sách: Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư./.


Ngày 28 tháng 10 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P. 
email: josleminhthong@gmail.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét