02/01/2020

Sách: Nghe và thấy



Tranh minh họa hồ Si-lô-am (Ga 9,7)

Khổ 14,5 x 20,5 cm, 305 trangLoại sách hhọc hỏi Tin Mừng



Lời mở đầu sách

Bốn ghi nhận dưới đây cho thấy đề tài “nghe và thấy” được trình bày cách độc đáo trong Tin Mừng Gio-an.

(1) Đức Giê-su khẳng định trước đám đông ở 6,46: “Không ai đã thấy Cha, nếu không phải là Đấng đến từ Thiên Chúa, chính Đấng ấy đã thấy Cha.” Tuy nhiên, Người mặc khải cho các môn đệ ở 14,9b: “Ai thấy Thầy thấy Cha.” Phải hiểu thế nào về việc “không thấy Cha” và “thấy Cha”?
(2) Người thuật chuyện nhấn mạnh tầm quan trọng “nghe và thấy” ngay từ đầu Tin Mừng khi tuyên bố trong lời tựa ở 1,14ab: “Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người.” Gio-an Tẩy Giả làm chứng về Đức Giê-su dựa trên những gì ông đã thấy: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời ngự xuống và ở lại trên Người” (1,32b). Đức Giê-su làm chứng về “điều Người đã thấy và nghe” (3,32a).

(3) Tin Mừng còn cho thấy giới hạn của “nghe và thấy”. Cuối hai chương đầu, người thuật chuyện cho biết ở 2,23-24a: “23 Trong lúc Người [Đức Giê-su] ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24a Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ.” Sau dấu lạ bánh và cá hoá nhiều Đức Giê-su nói với đám đông ở 6,36: “Các ông đã thấy [Tôi] mà các ông không tin.” Họ đã chứng kiến dấu lạ và ăn no nê, nhưng dấu lạ không dẫn họ đến tin vào Đức Giê-su. Hơn nữa người thuật chuyện tóm kết sứ vụ Đức Giê-su ở 12,37: “Người đã làm quá nhiều dấu lạ trước mặt họ, họ không tin vào Người.” Như thế, “thấy” và “nghe” là dị nghĩa vì có thể giải thích nhiều cách khác nhau.

(4) Sâu xa hơn, có trường hợp thính giả mất khả năng nghe và thấy. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,37: “Và Cha, Đấng đã sai Tôi, chính Người đã làm chứng về Tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng của Người, cũng chẳng thấy tôn nhan của Người.” Ở 8,43, Người nói với họ: “Tại sao các ông không hiểu biết lời nói của Tôi? Bởi vì các ông không thể nghe lời Tôi.” Cuối ch. 9, Đức Giê-su mặc khải về sự đảo ngược giữa “thấy” và “mù” khi kết luận dấu lạ anh mù được thấy ở 9,39: “Tôi đến thế gian này để phân định, để những người không thấy được thấy và những người thấy lại trở nên những người mù.” Như thế, có cách thức “thấy” mà thực sự là “mù”. Đó là trường hợp những người Pha-ri-sêu, họ tự cho mình “thấy” nên có tội. Đức Giê-su nói với họ ở 9,41: “Nếu các ông là những người mù, các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn.”

Tóm lại “nghe và thấy” bao hàm nhiều sắc thái nghĩa. Tập sách này chia sẻ với độc giả sự phong phú và độc đáo của đề tài này, nhằm giúp độc giả tránh rơi vào tình trạng mất khả năng nghe và thấy, tránh hiểu lầm để bước vào hành trình đạt tới thực sự “nghe” và “thấy” Đức Giê-su.

Để cuốn sách này được hoàn thành, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn Dòng Đa Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu. Đặc biệt xin cảm ơn chị Blandine Đặng Thị Hiền và chị Agnès Đặng thị Phú đã dành nhiều thời gian và công sức đọc lại cẩn thận bản thảo. Hai chị đã góp phần quý báu làm cho tài liệu được rõ ràng, chính xác và dễ hiểu hơn.

Giu-se Lê Minh Thông, O.P. 
Email: josleminhthong@gmail.com









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét