Tác giả:
Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 30 tháng 05 năm 2020.
Nội dung
1. Động từ “thambeô”
(kinh ngạc, sững sờ, kinh hoàng)
2. Động từ “ekplêssô”
(sửng sốt, kinh ngạc)
3. Động từ “thaumazô”
(kinh ngạc, ngạc nhiên)
4. Động từ “existêmi”
(sửng sốt, mất trí)
5. Danh từ “ekstasis”
(sự sửng sốt, sự kinh ngạc)
Kết luận
Dẫn
nhập
Như đã nhận xét trong kết luận bài viết: “Đặc điểm và đề tài Tin Mừng Mác-cô” như sau: “Nếu độc giả không sững sờ và kinh ngạc về mọi thứ trong Tin Mừng Mác-cô: kinh ngạc về cách hành văn, sững sờ về giáo huấn của Đức Giê-su, lạ lùng trong cách trình bày căn tính của Người với những chi tiết nghịch lý trong cách kể chuyện, thì độc giả chưa thưởng thức được nét hay, nét đẹp, độc đáo và thú vị của thần học Tin Mừng Mác-cô,” bài viết này minh hoạ đề tài “ngạc nhiên” qua năm từ Hy-lạp (bốn động từ, một danh từ) diễn tả sự sững sờ, kinh ngạc và kinh hoàng trong Tin Mừng Mác-cô: (1) động từ “thambeô” (kinh ngạc, sững sờ, kinh hoàng); (2) động từ “ekplêssô” (sửng sốt, kinh ngạc); (3) động từ “thaumazô” (kinh ngạc, ngạc nhiên); (4) động từ “existêmi” (sửng sốt, mất trí); (5) danh từ “ekstasis” (sự sửng sốt, sự kinh ngạc). Các trích dẫn lấy trong Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt.
1. Động từ “thambeô” (kinh ngạc, sững sờ, kinh hoàng)
Động từ Hy-lạp “thambeô” có nghĩa “kinh ngạc”, “sững sờ”, “kinh hoàng”, xuất hiện 3 lần trong Tin Mừng Mác-cô (1,27; 10,24.32) với ba kiểu kinh ngạc: (1) kinh ngạc vì thán phục Đức Giê-su (1,27); (2) sững sờ vì lời Đức Giê-su khó hiểu (10,24); (3) kinh hoàng vì khiếp sợ (10,32).
1) Những người
nghe kinh ngạc vì thán phục uy quyền Đức Giê-su (1,27). Sau khi Đức
Giê-su trục xuất thần ô uế trong hội đường Ca-phác-na-um, người thuật chuyện
cho biết: “Mọi người đều kinh ngạc (ethambêthêsan) đến nỗi bàn tán với nhau
rằng: ‘Điều này là gì? Giáo huấn mới mẻ, kèm theo uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho
cả các thần ô uế và chúng tuân lệnh Ông ta.’” (1,27).
2) Các môn đệ
kinh ngạc vì lời Đức Giê-su khó hiểu (10,24). Sau câu chuyện người
giàu có không dám từ bỏ của cải để trở thành môn đệ (10,17-22), Đức Giê-su nói
với các môn đệ: “Thật khó biết bao cho những người có của đi vào Vương
Quốc Thiên Chúa” (10,23), các môn đệ đã “sững sờ (ethambounto) về những
lời của Người” (10,24).
3) Kinh hoàng vì
khiếp sợ (10,32). Trước khi tiên báo Thương Khó – Phục Sinh lần thứ ba, người
thuật chuyện kể ở 10,32: “Họ đang trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su
dẫn đầu họ. Họ kinh hoàng (ethambounto), còn những kẻ theo sau thì sợ
hãi. Người lại đem theo mình Nhóm Mười Hai, và bắt đầu nói với các ông về những
điều sắp xảy đến cho Người” (10,32).
2. Động từ “ekplêssô” (sửng sốt, kinh ngạc)
Động từ Hy-lạp “ekplêssô”
có nghĩa “sửng sốt”, “kinh ngạc”, xuất hiện 5 lần trong Tin Mừng Mác-cô
(1,22; 6,2; 7,37; 10,26; 11,18) với năm kiểu ngạc nhiên: (1) sửng sốt vì giáo
huấn mới mẻ và có uy quyền của Đức Giê-su (1,22); (2) sửng sốt gây vấp ngã, không
tin (6,2); (3) sửng sốt vì các phép lạ Đức Giê-su làm (7,37); (4) các môn đệ sửng
sốt về lời Đức Giê-su là quá khó đến nỗi không thể làm được (10,26); (5) đám đông
sửng sốt về giáo huấn của Đức Giê-su (11,18).
1) Sửng sốt vì
thán phục cách giảng dạy của Đức Giê-su (1,22). Khi nghe Đức Giê-su giảng dạy
lần đầu tiên trong hội đường Ca-phác-na-um, “Họ sửng sốt (exeplêssonto)
về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy họ như một Đấng có uy quyền, chứ
không như các kinh sư” (1,22).
2) Sửng sốt vì
xem ra có mâu thuẫn nơi con người Đức Giê-su (6,2), đó là mâu thuẫn giữa uy
quyền của Người và Người là con bà Ma-ri-a. Điều nghịch lý này đã làm cho người
ta vấp ngã (6,3). Người thuật chuyện kể ở 6,1-3: “1 Ra khỏi đó, Người [Đức
Giê-su] đến quê quán của Người và các môn đệ của Người đi theo Người. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong
hội đường, nhiều người nghe sửng sốt (exeplêssonto) nói
rằng: ‘Bởi đâu Ông ta được như thế? Sự khôn ngoan được ban cho Ông
ấy và những phép lạ như thế nhờ tay Ông ấy nghĩa là
gì? 3 Ông ta không phải
là bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và là anh
em của Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của Ông ấy
không là lối xóm với chúng ta sao?’ Và họ vấp ngã vì
Người.”
3) Đức Giê-su
đã làm cho những người điếc nghe được và những người câm nói
được (7,37) nên người ta kinh ngạc vì thán phục. Sau khi chứng kiến phép
lạ, đám đông phản ứng như sau: “Họ hết sức kinh ngạc (exeplêssonto) và
nói: ‘Ông ấy làm mọi sự một cách tốt đẹp, Ông ấy làm cho những người điếc nghe
được và những người câm nói được’” (7,37).
4) Các môn đệ
kinh ngạc vì lời Đức Giê-su khó hiểu (10,26). Trong bối cảnh câu chuyện người
giàu có không dám từ bỏ của cải để trở thành môn đệ (10,17-22), Đức Giê-su nói
với các môn đệ ở 10,24b-25: “24b Các con ơi, thật là khó biết bao để đi
vào Vương Quốc Thiên Chúa. 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim thì dễ hơn người giàu
đi vào Vương Quốc Thiên Chúa.” Người thuật chuyện cho biết phản ứng của các môn
đệ: “Các ông hết sức kinh ngạc (exeplêssonto) nói với nhau: ‘Vậy thì ai
có thể được cứu?’” (10,26). Hai động từ “thambeô” (10,24) và “ekplêssô”
(10,26) trong câu chuyện này (10,23-27) diễn tả hai sắc thái khác nhau của sự
ngạc nhiên liên quan đến sự khó hiểu của lời Đức Giê-su.
5) Đám đông
sửng sốt về giáo huấn của Đức Giê-su (11,18). Sau trình thuật Đức Giê-su
đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ (11,15-17), người thuật chuyện cho biết
phản ứng của các thượng tế và kinh sư ở 11,18: “Các thượng tế và các kinh sư đã
nghe và họ tìm cách làm thế nào để giết Người. Bởi vì họ sợ Người, và vì tất cả đám đông đều sửng sốt (exeplêsseto) về giáo
huấn của Người.” Câu này nhắc lại những sự sửng sốt của thính giả ở 1,22 trích
dẫn trên đây.
3. Động từ “thaumazô” (kinh ngạc, ngạc nhiên)
Động từ “thaumazô” (kinh ngạc, ngạc nhiên)
xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Mác-cô (5,20; 6,6; 15,5.44) với ba kiểu ngạc nhiên:
(1) ngạc nhiên về điều tốt đẹp Đức Giê-su đã làm (5,20); (2) Đức Giê-su ngạc nhiên
về những người ở quê nhà không tin (6,6); (3) Phi-la-tô ngạc nhiên về Đức
Giê-su (15,5.44).
1) Trình thuật Đức Giê-su trừ thần ô uế ở vùng
đất của người Ghê-ra-sa, ở bờ phía
Đông biển Hồ Ga-li-lê (5,1-20), kết thúc ở 5,18-20: “18 Khi
Người xuống thuyền, kẻ đã bị quỷ ám trước kia nài xin Người để được
ở với Người. 19 Người không cho phép anh ta, nhưng Người
nói với anh ta: ‘Anh hãy đi về nhà của anh với những người thân, thuật lại cho
họ mọi điều Chúa đã làm cho anh và đã thương xót anh.’ Anh ta ra đi và bắt đầu
rao giảng trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh ta, và
mọi người kinh ngạc (ethaumazon).” Thập tỉnh là một vùng rộng lớn phía Đông
biển hồ Ga-li-lê, chỉ về lãnh thổ của 10 thành phố (Thập Tỉnh): Damas,
Philadenphie, Raphana, Scythopolid (Bet-Shéân), Gadara, Hippos, Dion, Pella,
Gérasa và Kanatha. Vậy người được Đức Giê-su trục xuất thần ô uế đã rao giảng về
“tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh ta” (5,20b), và không phải một số người
kinh ngạc mà là “mọi người” (pantes) đều kinh ngạc (thaumazô). Ở đây là “kinh ngạc” về những điều tốt đẹp Đức Giê-su đã làm.
2) Trong trình thuật Đức Giê-su bị rẻ rúng ở
quê nhà (6,1-6) xuất hiện hai động từ có nghĩa “ngạc nhiên”, “sửng sốt”: “ekplêssô” (sửng sốt, kinh
ngạc) ở 6,2 (xem phân tích trên) và “thaumazô” (kinh
ngạc, ngạc nhiên) ở 6,6. Ở 6,2 là sự “sửng sốt”, dẫn đến sự vấp ngã (x. 6,3), rẻ
rúng Đức Giê-su (x. 6,4) và không tin vào Người (x. 6,6). Người thuật chuyện
cho biết ở 6,6a: “Người ngạc nhiên (ethaumazen) vì sự không tin của họ.”
Vậy “ngạc nhiên” (thaumazô) ở đây có nghĩa tiêu cực, Đức Giê-su nhạc nhiên
về những người ở quê nhà đã không đón nhận và tin vào Người.
3) Hai lần Phi-la-tô ngạc nhiên về Đức Giê-su
về hai điều khác nhau. (a) Ngạc nhiên về sự im lặng của Đức Giê-su. Người thuật
chuyện kể ở 15,4-5: “4 Phi-la-tô lại hỏi Người rằng: ‘Ông không trả lời gì sao?
Kìa, họ tố cáo ông nhiều điều.’ 5 Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến
Phi-la-tô ngạc nhiên (thaumazein).” Ở đây Phi-la-tô ngạc nhiên vì sự bí ẩn
của Đức Giê-su qua sự im lặng của Người. (b) Phi-la-tô ngạc nhiên về cái chết của
Đức Giê-su. Người thuật chuyện kể ở 15,44-45: “44 Phi-la-tô ngạc nhiên (ethaumasen)
là Người đã chết rồi, ông ấy gọi viên đại đội trưởng và hỏi xem Người đã chết lâu
chưa. 45 Sau khi biết điều ấy từ viên
đại đội trưởng, Phi-la-tô giao thi
hài cho Giô-xếp.” Ở đây “ngạc nhiên” diễn tả sự quan tâm, Phi-la-tô muốn biết thêm là
Đức Giê-su đã chết lâu chưa (15,44b). Đối với độc giả, thông tin này đề cao cái
chết của Đức Giê-su. Cái chết của Người làm quan tổng trấn ngạc nhiên và muốn biết
thêm chi tiết, nghĩa là cái chết của một nhân vật quan trọng. Đồng thời bản văn
khẳng định và nhấn mạnh Đức Giê-su đã chết, người đã trải qua giới hạn cuối cùng
của đời người là sự chết, từ đó làm nổi bật sự chiến thắng sự chết qua biến cố
Phục Sinh.
Tóm lại, trong mạch văn cả bốn lần động từ thaumazô”
(kinh ngạc, ngạc nhiên) xuất hiện trong Mc (5,20; 6,6; 15,5.44) có bốn sắc thái
nghĩa khác nhau có thể tóm kết vào ba kiểu ngạc nhiên trên đây.
4. Động từ “existêmi” (sửng sốt, mất trí)
Động từ Hy-lạp “existêmi”
có nghĩa “sửng sốt” hay “mất trí”, xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Mác-cô
(2,12; 3,21; 5,42; 6,51) với 4 kiểu: (1) sửng sốt diễn tả bằng tôn vinh Thiên
Chúa (2,12); (2) “existêmi” có nghĩa “mất trí” (3,21); (3) sửng sốt vì Đức
Giê-su làm cho người chết sống lại (5,42); (4) sửng sốt vì uy quyền của Đức
Giê-su trước sóng gió.
1) Sửng sốt, thán
phục và tôn vinh Thiên Chúa (2,12). Sau khi Đức Giê-su tuyên bố lời
tha tội và lời chữa lành người bại liệt có bốn người khiêng (2,1-11), người
thuật chuyện kể: “Anh ta trỗi dậy và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến mọi người sửng
sốt (existasthai) và tôn vinh Thiên Chúa. Họ nói rằng:
‘Chúng ta chưa bao giờ thấy như thế’” (2,12).
2) Thân nhân cho
là Đức Giê-su mất trí (3,21). Động từ “existêmi” ở 3,21 có nghĩa
“mất trí”. Người thuật chuyện kể ở 3,20-21: “20 Người trở về nhà và đám đông
lại kéo đến, đến nỗi họ không thể ăn bánh. 21 Khi thân nhân của Người nghe
biết, họ đến bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất
trí (exestê).”
3) Sửng sốt trước
phép lạ Đức Giê-su thực hiện (5,42). Người thuật chuyện kể phép lạ Đức Giê-su
cứu sống con gái ông trưởng hội đường ở 5,41-42 như sau: “41 Người cầm lấy
tay đứa bé và nói với nó: ‘Ta-li-tha kum’, dịch ra là ‘Này cô bé, Thầy bảo con:
Hãy trỗi dậy.’ 42 Và lập tức cô bé đứng dậy và đi lại vì nó đã mười hai
tuổi. [Lập tức], người ta sửng sốt (exestêsan)
kinh ngạc (ekstasei) vô cùng. Ở 5,42 xuất hiện động từ “existêmi” (sửng sốt) danh từ “ekstasis”
(sự kinh ngạc) sẽ bàn đến dưới đây.
4) Các môn đệ vô
cùng sửng sốt khi Đức Giê-su làm cho biển yên, gió lặng (6,51). Khi các
môn đệ đang vất vả chèo chống trên Biển Hồ Ga-li-lê vì ngược gió thì vào khoảng
canh tư, Đức Giê-su đi trên Biển Hồ đến với các ông và Người muốn vượt qua các
ông (6,48-49). Thấy Đức Giê-su đi trên biển các môn đệ tưởng là ma, nhưng Đức
Giê-su trấn an họ: “Hãy yên tâm. Chính là Thầy. Đừng
sợ” (6,50). Người thuật
chuyện kể tiếp ở 6,51-52: “51 Người lên thuyền với các ông và gió lặng. Các ông
rất [bàng hoàng] sửng sốt (existanto), 52 vì các ông không hiểu gì về
những cái bánh, lòng các ông còn chai đá.”
5. Danh từ “ekstasis” (sự sửng sốt, sự kinh ngạc)
Danh từ Hy-lạp “ekstasis”
có nghĩa “sự sửng sốt”, “sự kinh ngạc” chỉ xuất hiện 1 lần trong Tin
Mừng Mác-cô ở 5,42. Tiếng Pháp “extase”, cùng gốc từ “ekstasis”,
có nghĩa: “xuất thần”, “nhập định”, “mê ly”, “ngây ngất”. Đặc biệt Mc 5,24
vừa dùng trạng từ Hy-lạp “euthus” (lập tức), vừa dùng động từ “existêmi”
(sửng sốt), vừa dùng danh từ “ekstasis” (kinh ngạc), vừa dùng tính
từ “mêgas” (lớn) để nhấn mạnh sự ngạc nhiên. Sau khi Đức Giê-su cầm tay
đứa bé gái 12 tuổi đã chết và nói: “‘Ta-li-tha kum’, nghĩa là ‘Này cô bé,
Thầy bảo con: Hãy trỗi dậy!’, lập tức cô bé đứng dậy và đi lại” (5,41-42a),
thì “lập tức người ta sửng sốt kinh ngạc vô cùng (exestêsan euthus
ekstasei megalê)” (5,42b).
Kết
luận
Đề tài “kinh
ngạc”, “sửng sốt”, “ngạc nhiên” trước lời nói và việc làm của Đức Giê-su là đặc
điểm Tin Mừng Mác-cô. Đức Giê-su đã làm cho thính giả (nhân vật trong câu
chuyện) sửng sốt kinh ngạc và làm cho độc giả qua mọi thời đại ngạc nhiên. Ngạc
nhiên về con người Đức Giê-su và về cách kể chuyện lạ lùng của người thuật
chuyện. Chính Đức Giê-su ngạc nhiên về sự ngạc nhiên tiêu cực của thính giả. Với
sự phong phú của từ ngữ (bốn động từ, 1 danh từ) và sự đa dạng của sắc thái
nghĩa, nhiều tác giả đề nghị gọi Mác-cô là “Tin Mừng của sự ngạc nhiên”. Vậy, nếu
độc giả, cùng với các nhân vật trong trình thuật, cũng sững sờ, kinh ngạc và thán
phục trước uy quyền và lời giảng dạy của Đức Giê-su, thì đã bắt đầu bước vào thế
giới của bản văn, bắt đầu đón nhận hạt giống Lời. Độc giả trở thành mảnh đất tốt
để Lời tăng trưởng và sinh hoa trái./.
Xem các mục từ
liên hệ:
KINH HOÀNG, đt.,
thambeô, trong Mác-cô, x. KINH NGẠC, KINH HOÀNG
MẤT TRÍ, đt., existêmi,
trong Mác-cô, x. SỬNG SỐT, MẤT TRÍ
SỬNG SỐT, MẤT TRÍ, đt., existêmi, trong Mác-cô
con cám ơn cha,
Trả lờiXóatình cờ ghé blog của cha,
giờ đây con có thể tự học KT ở nhà qua blog của cha rồi.
Cám ơn cha nhiều ạ